Hôm nay,  

Nhân Dịp 50 Năm Phật Giáo VN Dấn Thân Và Nhập Cuộc: Chùa Việt Nam, Los Angeles Tưởng Niệm Chư Thánh Tử Đạo Và Giỗ Thiền Sư Thích Quảng Huệ (1904 - 1950)

19/06/201300:00:00(Xem: 11355)
Sáng Chủ nhật hôm16 tháng 05 năm 2013, chùa Việt Nam tại thành phố Los Angeles đã cử hành lễ giỗ Thiền sư Thích Quảng Huệ là Bổn sư của Hòa Thượng Thích Mãn Giác, nguyên Hội chủ Tổng Hội Phật giáo Việt nam tại Hoa kỳ, Viện chủ chùa Việt nam và đồng thời cử hành lễ tưởng niệm 50 năm ngày Bồ tát Thích Quảng Đức vị Pháp thiêu thân cùng các vị Thánh Tử Đạo trong 6 tháng Pháp nạn 1963.

Chứng minh lễ có HT Thích Phước Thuận từ Chùa Trí Phước vùng Orange County và HT Thích Minh Tuyền, Chủ tịch Cộng Đồng Phật giáo Việt Nam kiêm Viện chủ Chùa Việt nam, ngôi chùa đầu tiên tại Nhật bản, chư Tăng Ni, Phật tử bổn tự và 50 Huynh trưởng, Đoàn sinh, Oanh vũ Gia Đình Phật Tử Long Hoa.

Trong phần cung tuyên tiểu sử Thiền sư Thích Quảng Huệ, HT Thích Như Minh trú trì chùa Việt Nam, đã tóm lược hành trạng ngài như sau: Ngài sinh năm Giáp Thìn (1904), thờ Thiền sư Giác Bổn trú trì Tổ đình Từ quang tại Huế làm Bổn sư, vào năm 1923 ngài được Thiền sư Tâm Tịnh chùa Từ Hiếu Huế làm Đàn Đầu Hòa Thượng trao truyền Đại Giới. Năm 1930 ngài được cung cử vào cương vị trú trì chùa Thiên Minh t?ai Huế và bắt đầu đại trùng tu ngôi phạm vũ này. Chùa Thiên Minh do bà Lạc Xam trưởng nữ của cụ Ưng Đồng tạo dựng ở số 45 đường Nam Giao, tọa lạc ở trục lộ chính của Huế do vậy Chùa trở thành nơi tin tưởng dành cho chư vị Tôn Đức như Thiền Sư Chánh Thống, TS Mật Thể, TS Mật Nguyện, TS Mật Hiển, TS Trí Thủ ...., giới học giả và văn nhân thi sĩ có Văn sĩ Vũ Ngọc Phan tác giả quyển Tinh Thần Phật giáo, Học giả Phan Văn Hùm tác giả Triết học Phật giáo, Thi sĩ Lưu Trọng Lưu, Thi sĩ Thanh Tịnh ... thường xuyên lui tới chung lo Phật Sự. Trên ngôi vị Chánh trị sự sơn môn Tăng già Thừa Thiên trong thập niên 1940, ngài đã một lòng xiển dương Phật pháp, chấn chỉnh sơn môn, đào tạo Tăng tài, chung lo Phật sự ở các Phật học đường ớ chùa Linh Quang và chùa Báo quốc. Năm 1949 Thiền sư Giác Bổn viên tịch, Thiền sư Thích Giác Nguyên Trưởng Pháp Phái đã công cử ngài kiêm nhiệm trú trì Tổ đình Từ Quang cho đến khi ngài viên tịch vào ngày mồng 8 tháng 5 năm Canh Dần (1950). Hòa Thượng Thích Mãn Giác là một đệ tử xuất sắc của ngài đã viết về Thầy của mình như sau: “Trên con đường tu tập, Thầy rộng lượng mà khe khắt, Thầy niềm nở mà uy nghiêm, Thầy bao dung mà chừng mực. Có khi, các pháp lữ đồng tu cũng hay được nhận những lời la rầy nhưng chẳng một ai biết giận hờn mà trái lại, tỏ lòng kính sợ. Bởi vì phẩm cách con người Thầy và cả đoạn đường dài phụng sự không tì vết của hành trạng Thầy mãi trong suốt như ánh trăng đêm rằm trải ánh sáng dịu dàng trên mái chùa thầm lặng”.

Trong không gian ấm áp đầy lòng tri ân trong chánh điện chùa Việt nam hôm nay, là sự lắng nghe của các em thanh thiếu niên và Oanh vũ gia đình Phật tử Long hoa, cho dù tiếng Việt của các em còn chập chững, nhưng một điều có thật là các em rất tôn trọng sự hy sinh cuộc đời vô cùng cao đẹp của những thế hệ đi trước và những Anh linh thánh tử đạo trong đó có 8 đoàn sinh và oanh vũ đã nằm xuống trong mùa Phật đản năm xưa trên đất thần kinh và sự hi hiến thân mạng của chính các đoàn sinh trong gia đình áo lam như Quách Thị Trang, Yến Phi để cho Phật pháp trường tồn, cho tự do, bình đẳng tôn giáo, và cho hòa bình và phát triển đất nước. Các em thành kính tưởng niệm và tri ân 50 năm ngày Bồ tát Quảng Đức vị Pháp thiêu thân bằng những vần thơ tuyệt bút trong thi phẩm Lữa Từ Bi của thi hào Vũ Hoàng Chương qua giọng đọc truyền cảm của Huynh trưởng Thiện Tánh Lý Hùng Liên đoàn trưởng Gia đình Phật Tử Long Hoa:

trai-tim-bat-diet
Trái tim bất diệt đốt không cháy của Bồ Tát Thích Quảng Đức.
LỬA TỪ BI

Vũ Hoàng Chương

Lửa, lửa cháy ngất tòa sen,
Tám chín phương nhục thể trần tâm hiện thành thơ, quỳ cả xuống
Hai vầng sáng rưng rưng
Đông Tây nhòa lệ ngọc
Chắp tay đón một mặt trời mới mọc
Ánh Đạo vàng phơi phới đang bừng lên, dâng lên
Ô đích thực hôm nay trời có mặt
Giờ là hoàng đạo nguy nga
Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt
Nhìn nhau: tình huynh đệ bao la
Nam mô Đức Phật Di Đà
Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay.
Thương chúng sinh trầm luân bể khổ
Người rẽ phăng đêm tối đất dày
Bước ra ngồi nhập định về hướng Tây
Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ
Phật Pháp chẳng rời tay
Sáu ngã luân hồi đâu đó
Mang mang cùng nín thở
Tiếng nấc lên từng nhịp báng xe quay
Không khí vặn mình theo, khóc òa lên nổi gió
Người siêu thăng… giông bảo lắng từ đây
Bóng người vượt chín tầng mây
Nhân gian mát rượi bóng cây Bồ đề.
Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc
Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi
Chỗ người ngồi: một thiên thu tuyệt tác
Trong vô hình sáng chói nét từ bi.
Rồi đây…rồi mai sau…còn chi ?
Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát
Với thời gian, lê vết máu qua đi
Còn mãi chứ, còn trái tim Bồ tát
Dội hào quang xuống chốn A tì
Ôi ngọn lửa huyền vi…
Thế giới ba nghìn, phút giây ngơ ngác
Từ cõi vô minh
Hướng về cực lạc
Vần điệu thi nhân chỉ còn là rơm rác
Và cũng chỉ nguyện được là rơm rác
Thơ cháy lên theo với lời kinh
Tụng cho nhân loại hòa bình
Trước sau bền vững tình huynh đệ này
Thổn thức nghe lòng trái đất
Mong thành quả phúc về Cây
Nam Mô Thích ca Mưu Ni Phật
Đồng loại chúng con nắm tay nhau tràn nước mắt
Tình thương hiện tháp chín tầng xây.

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương
(viết tại Sàigòn ngày 15 tháng 7 năm 1963, để tưởng niệm Hòa Thượng Bồ Tát Thích Quảng Đức).

Trong phần Đạo Từ của Hòa thượng Thích Phước Thuận chứng minh cho ngày lễ, đã truy tán công hạnh của Thiền Sư Quảng Huệ là người Pháp hữu gần gũi của Thiền sư Trí Thủ cũng là vị Bổn sư của Hòa Thượng trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung vào thập niên 30 – 40. Đề cập đến phong trào nổi dậy của Phật giáo Việt Nam dưới thời chính phủ tổng thống Ngô Đình Diệm để yêu cầu chính phủ thực thi 5 nguyện vọng chính đáng của Phật giáo đồ về quyền tự do và bình đẳng tôn giáo cũng như xét xử và bồi thường thích đáng cho 8 Phật tử bị sát hại tại đài Phát thanh Huế vào đêm Phật đản 1963. Hòa thượng Thích Phước Thuận nói: “50 năm Phật giáo dấn thân nhập cuộc là nhằm bảo vệ sự hòa bình, tự do, dân chủ và bình đẳng tôn giáo tại Việt nam. Phật giáo không chủ trương tham chính, nhưng người Phật tử có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Tổ quốc để xây dựng một xã hội phát triển, tự do và dân chủ cho toàn dân.”

Cũng cần nhắc lại sự kiện vị Pháp thiêu thân của Bồ Tát Thích Quảng Đức vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 được ký giả AP là nhiếp ảnh gia Malcolm Browne người vừa qua đời ở tuổi 81 tại nhà riêng ở Vermont hôm 28 tháng 8 năm 2012 chụp ảnh. Bức ảnh nổi tiếng này ngay sau đó nhanh chóng truyền tải trên trang nhất bản tin thời sự của tất cả các tờ báo lớn trên thế giới đã làm rúng động con tim tất cả đọc giả, ngay cả Tổng Thống Hoa Kỳ John F. Kennedy cũng bàng hoàng và đã nói với Henry Cabot Lodge người sau này trở thành Đại sứ Hoa kỳ ở Saigon như sau: “We have to do something about that regime.” Ngày 01 tháng 11 năm 1963, sau 6 tháng đàn áp Phật giáo không thành công, chế độ đã cáo chung.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.