Hôm nay,  

Cuộc Đời Và Tâm Nguyện Của Đức Đạt Lai Lạt Ma

07/08/201000:00:00(Xem: 2208)

Cuộc Đời và Tâm Nguyện Của Đức Đạt Lai Lạt Ma

Đại sư Geshe Phunsok Gyeltsen lượt qua tiểu sử và hành trạng của Đức Đạt Lai Ma Lạt Ma đời thứ 14 với ba phần chính nói về sự thị hiện ra đời tại Tây Tạng, thụ hưởng nền giáo dục toàn hảo của truyền thống Phật Giáo Tây Tạng, và cuộc sống lưu vong tại Ấn Độ của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Qua đó, được biết rằng sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 viên tịch, một Hội Đồng tìm vị hóa thân Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 đã được thành lập gồm các vị Đại Sư Tây Tạng. Hội đồng này bắt đầu công việc tìm kiếm Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 bằng cách đến một hồ nước ở phía Nam của thủ đô Lhasa để quán chiếu những điềm báo mầu nhiệm về tông tích của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Khi quán chiếu tại hồ nước này, Hội Đồng đã vẽ ra khung cảnh của nơi mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 tái sinh, và theo bản đồ ấy để đi tìm. Cuối cùng phái đoàn đã đến được ngôi làng và ngôi nhà của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 tái sinh. Lúc đó cậu bé tái sinh mới có 4 tuổi. Công tác cung thỉnh kéo dài trong 2 năm mới về tới thủ đô Lhasa để làm lễ đăng quang, lúc đó Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 được 6 tuổi.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 bắt đầu được các vị Đại Sư danh tiếng của Tây Tạng truyền thọ sự giáo dục tinh nghiêm. Vài năm sau đó, khi tình hình chính trị Tây Tạng trở nên căng thẳng tột độ vì sự xâm lăng của Trung Quốc, vị quốc sư của Tây Tạng đã phải từ chức và Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 được tấn phong lên ngôi vị lãnh đạo chính phủ Tây Tạng để lèo lái con thuyền lịch sử đầy sóng gió trước mắt. Năm 25 tuổi, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã vượt qua được cuộc trắc nghiệm về kiến thức Phật Học với nhiều vị Đại Sư nổi tiếng Tây Tạng và tốt nghiệp chức vị Ghese, tương đương với văn bằng tiến sĩ Phật Học ngày nay.


Năm 1959, Trung Quốc xua quân xâm chiếm Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma không thể tiếp tục ở lại Tây Tạng nên đã cùng phái đoàn chư Tăng và chính phủ Tây Tạng tị nạn sang Ấn Độ. Được chính phủ Ấn hiến tặng vùng đất mà ngày nay là Dharamsala để định cư, Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu nỗ lực ổn định đời sống cho đoàn người Tây Tạng lưu vong. Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa tiếp tục con đường học vấn và nghiên cứu Phật Học của ngài với những bậc Đại Sư Tây Tạng, vừa xây dựng nơi ăn chốn ở, dựng trường học, thành lập các Tu Viện cung cấp nền giáo dục cho chư Tăng, Ni và người Tây Tạng tị nạn. Ngài để tâm đến việc giáo dục thế hệ trẻ Tây Tạng vừa giữ được truyền thống văn hóa Tây Tạng, vừa tiếp thu văn hóa Tây Phương để thích nghi với hoàn cảnh sống mới và công cuộc hoằng pháp tại hải ngoại.
Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã hy sinh nhiều thì giờ quý báu của Ngài cho công tác hoằng pháp và giới thiệu tinh thần từ bi, trí tuệ, hòa bình của Đạo Phật đến thế giới. Vì vậy, Ngài được cả thế giới biết đến như là biểu tượng của tinh thần từ bi, hòa bình và bất bạo động, là nhà lãnh đạo tinh thần được nhiều người trên thế giới kính trọng nhất.
Đại sư Geshe Kelsang Damdul, trong phần phát biểu, cho biết rằng Ngài rất vui khi chứng kiến một buổi lễ mừng sinh nhật và chúc thọ Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Việt Báo với tinh thần hài hòa giữa các truyền thống Phật Giáo Tây Tạng và Việt Nam. Ngài cũng không quên bày tỏ lòng cảm tạ đến Ban Tổ Chức và chư tôn đức Tăng, Ni cùng Phật tử tham dự trong buổi lễ này. Nói về Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14, Đại Sư Geshe Kelsang Damdul cho biết rằng, “Ngài là người chủ xướng hòa bình và đem lại sự hài hòa cho tất cả mọi chủng tộc trên thế giới.” Đại sư kể rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi tới 62 nước để thuyết giảng về đức từ bi và sự an lạc hòa bình cho mọi người. Theo Đại sư Damdul, dù bận lo nhiều Phật sự khác, Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã dành thì giờ để viết sách và đến nay đã xuất bản được 22 cuốn được xếp vào loại sách bán chạy nhất thế giới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.