Hôm nay,  

Hoa Khôi Liên Trường 2009: Tre Già Măng Mọc!

07/02/200900:00:00(Xem: 6751)

Hoa Khôi Liên Trường 2009: Tre Già Măng Mọc!
Gs Nguyễn Lâm Kim Oanh 
Hình 1:

Hoa Khôi Liên Trường 2009 - Valerie Phạm Ngọc Quyên. (Photo: Nam Lê)

 

Hình 2:

 20 Thí Sinh Hoa Khôi Liên Trường 2009.  (Photo: Nam Lê)
Thứ sáu vừa qua, trong buổi Hội Tết Kỷ Sửu do Liên Hội Sinh Viên miền Nam California tổ chức, chương trình thi Hoa Khôi đã là một tiết mục hấp dẫn lôi kéo số khán thính giả tham dự khá đông từ đầu cho đến cuối.  Chúng tôi hân hạnh được mời làm một trong ba người giám khảo, cùng với anh Gordon, chuyên viên nghệ thuật trang điểm và cô Isabel, người mẫu xinh đẹp nỗi tiếng.
Cuộc thi Hoa Khôi có 20 thí sinh tham dự, hầu hết là sinh viên các trường đại học trong vùng - ngoại trừ một cô vừa tốt nghiệp trường luật từ U.C. Berkeley và một cô là học sinh trung học Fountain Valley. Các thí sinh phải trải qua năm vòng thi đua - ba vòng đầu lưạ ra 10 thí sinh vào bán kết và hai vòng sau tuyển chọn 5 thí  sinh vào chung kết,  sau cùng là một hoa khôi và hai á khôi. Trong vòng đầu tiên khi 20 cô bước ra sân khấu trong các tà áo trắng thướt tha thì ban giám khảo hoa mắt vì thấy cô nào cũng đẹp, duyên dáng và dịu dàng như các nữ sinh áo trắng ngày xưa. Chúng tôi lo lắng không biết mình có thể chọn ra người nào để làm hoa khôi hay không vì hầu như cô nào cùng "mười phân vẹn mười" hết!   Tuy nhiên vì ban tổ chức đã giải thích rõ ràng và phân tích sự khác biệt giữa hoa khôi và hoa hậu nên chúng tôi đợi qua tới vòng thi đua số hai và ba khi các cô có dịp biểu lộ tài ăn nói, đối đáp song song với khiếu mỹ thuật qua các chiếc áo dài tự chọn và cách đi đứng. 
Quả  thật như thế! Khi từng thí sinh phải nêu ra câu ca dao do chính các cô tự chọn và giải thích lý do cùng ý nghĩa của câu ca dao thì chúng tôi bắt đầu phân biệt được khả năng và các điểm ưu tú của từng thí sinh. Các câu ca dao quen thuộc và thông thường đối với những người sinh ra và lớn lên tại Việt Nam.  Tuy nhiên đối với các thí sinh, đa số sinh ra tại đây nên tiếng Việt hầu như là ngoại ngữ thì các cô phải cố gắng hết sức để có thể trả lời rõ ràng, rành mạch và lưu loát khi giải thích các câu ca dao tự chọn như: "Tiên học lễ, hậu học văn;" "Cá không ăn muối cá ươn, ..." "Bầu ơi thương lấy bí cùng, ...." " Một cây làm chẳng nên non, ..."  Có một câu ca dao mà bình thường tôi vẫn nghe "Cái khó, bó cái khôn," thì một cô thí sinh nói là, "Cái khó, ló cái khôn!" Lúc đầu chúng tôi tưởng là cô thí sinh đọc nhầm - tuy nhiên sau khi nghe cô giải thích thì tôi thấy cô hiểu đúng câu ca dao cô đọc lên "...nhiều khi trong những trường hợp khó khăn phải giải quyết, mình tìm được một quyết định hay một cách hành xử khôn ngoan mà bình thường có thể không nghĩ đến."  Tôi rất phục cô thí sinh này vì nhờ cô tôi lại được học một câu ca dao mới!  Một nhận xét khác tôi thấy là đa số các thi sinh đã có chuẩn bị rất nhiều để có thể trả lời bằng Việt ngữ - tuy nhiên các thí sinh khi trả lời dùng nhiều các ngôn từ hán-việt và cấu trúc câu văn dài và  chải chuốt quá  thì làm cho khán thính giả cảm thấy như các cô đã "học thuộc lòng" và trả lời một cách "bài bản."  Ngược lại khi các thí sinh trả lời tuy rõ ràng nhưng chữ dùng đơn sơ, mộc mạc, có khi hơi một chút ngây ngô lại được cảm tình của khán thính giả hơn.  Sau vòng thi phần ca dao tự chọn thì ban giám khảo đã chọn được 10 thí sinh vào vòng bán kết. 
Vòng thi đua thứ tư các cô phải trả lời một trong 10 câu hỏi do chính mỗi người bóc thăm được.  Theo lời cô An Nguyễn, trưởng ban tổ chức Chương Trình Thi Hoa Khôi, Hội Tết Sinh Viên 2009, thì tất cả các thí sinh được khuyến khích là nên tìm sự giúp đỡ của gia đình, bố mẹ để chuẩn bị cho phần đối đáp các câu hỏi. Mặc dầu các thí sinh có quyền trả lời bằng Anh ngữ hoặc Việt ngữ, đa số chọn trả lời bằng tiếng Việt. Các sinh viên nói lên được lòng biết ơn đến sự hy sinh của gia đình, tầm quan trọng của các sinh hoạt xây dựng cộng đồng và lý tưởng đóng góp lại cho xã hội mai sau.  Trong các câu trả lời, ít nhất là ba trong mười người nói là mong cho cộng đồng "có tinh thần hợp tác mạnh hơn" và "bớt những chia rẽ" giữa các đoàn phái.  Một thí sinh khi được hỏi là nếu có quyền thay đổi bất cứ một việc gì thì chọn điều nào đã trả lời, "Em nghĩ mọi sự xảy ra trong cuộc đời điều có lý do mặc dầu đôi khi mình không hiểu được - do đó em không muốn thay đổi điều gì hết!"  Sau vòng thi đua thứ tư thì chỉ còn lại năm thí sinh vào chung kết.


Trong vòng thi cuối cùng tất cả năm thí sinh trả lời cùng một câu hỏi như nhau.  Câu hỏi để ban giám khảo chấm người được chọn làm Hoa Khôi Sinh Viên Liên Trường 2009 khá dài, phức tạp nhưng rất có ý nghĩa.  Từng thí sinh được đưa lên sân khấu trong lúc các thí sinh kia ngồi trong một chiếc xe limousine đóng cửa, mở nhạc để không thể nghe câu hỏi/trả lời của nhau. Cô An cho biết là cô đã hội ý với bố mẹ để soạn câu hỏi này vì cô và ban tổ chức muốn các thí sinh nối kết ý nghĩa đề tài Hội Tết 2009  với giới trẻ và cộng đồng. Câu hỏi nêu ra câu ca dao "Tre già, măng mọc", đề tài Hội Chợ Tết "Xuân Hy Vọng" để hỏi từng thí sinh có dự định sẽ làm gì mai sau với ngành nghề của mình để cùng xây dựng cộng đồng tiếp nối cho các thế hệ cha ông.  Câu hỏi khi được đọc lên bằng Việt ngữ và Anh ngữ thì khá dài và các thí sinh hoàn toàn không được biết trước để chuẩn bị.  Trong năm thí sinh vào chung kết, cô nào cũng xinh đẹp và có một tiến trình học tập xuất sắc, đa số học ngành y khoa.  Hầu như cô nào cũng trả lời là sau khi ra trường, sẽ tìm các cơ hội về Việt Nam giúp cho các trẻ em nghèo, mồ côi, khuyết tật, v..v... Duy chỉ có một cô trả lời đúng vào trọng tâm của câu hỏi là sự nối tiếp xây dựng cộng đồng người Việt hải ngoại.  Cô Valerie Valerie Phạm Ngọc Quyên, người đoạt giải Hoa Khôi Liên Trường 2009 đã trả lời, "Để giúp người khác, trước tiên em phải tu thân - có nghĩa là em phải lo học giỏi, và học tới nơi tới chốn." Cô nói tiếp là sau đó cô sẽ tham gia các sinh hoạt trong cộng đồng và tìm cách ra ứng cử các chức vụ trong hệ thống chính trị để đại diện cho cộng đồng, giúp cho chúng ta có tiếng nói trong guồng máy chính quyền Hoa Kỳ. 
Tuy cả ba người trong ban giám khảo không hề nói chuyện, bàn thảo với nhau trong lúc cho điểm, chúng tôi đã cùng "tâm đắc" câu trả lời của thí sinh này.  Chính bản thân tôi vẫn thường nhắc nhở sinh viên và các bạn trẻ nên đặt mục tiêu giáo dục và ngành nghề là ưu tiên cao nhất.  Các em phải thành đạt và có một chổ đứng vững trong xã hội dòng chính thì tiếng nói và quan điểm của các em mới có giá trị nhiều. Chúng tôi khuyến khích các em tham gia các sinh hoạt trong trường và trong cộng đồng nhưng đừng sao lãng chuyện học vấn.  Ý tưởng phục vụ cộng đồng bằng cách đi vào chính trị dòng chính cũng làm chúng tôi phấn khởi.  Thật vậy, khi được một người xứng đáng, có khả năng và có tấm lòng đại diện thì cộng đồng chúng ta thật may mắn! Một mặt khác khi nghe các thí sinh nói lên lý tưởng muốn đem khả năng mình phục vụ cho quê hương Việt Nam thì chúng tôi rất cảm động nhưng hiểu rằng các em chưa có sự suy nghĩ chín chắn và thực tế đủ. Sau khi tốt nghiệp y khoa, đa số sinh viên phải lo trả nợ học phí trong một thời gian dài, phải lo đóng góp giúp lại cho gia đình cũng như tìm nơi thực tập, v..v... do đó y tưởng về Việt Nam giúp trẻ em nghèo thật là xa vời. Nếu muốn phục vụ, chẳng cần đi xa - ngay trong các cộng đồng người Việt hải ngoại có rất nhiều gia đình không có bảo hiểm sức khoẻ, mức lợi tức thấp cần các giúp đỡ thiết thực.  Đa số các bác sĩ gốc Việt mở phòng mạch trong cộng đồng nhưng lại ở những khu vực sang trọng ngoài cộng đồng nên ngoài công ăn việc làm sự đóng góp thật sự không bao nhiêu.  Chúng tôi hy vọng các bác sĩ trẻ trong tương lai có một lối nhìn khác và tìm cách giúp đỡ cộng đồng một cách thiết thực hơn.  Chúng tôi cũng hy vọng người trẻ tham gia vào chính quyền sau này giữ vững lý tưởng phục vụ của họ vì trên thực tế các dân cử thường hứa hẹn nhiều nhưng sự bồi đắp và đóng góp lại cho cộng đồng thường bị các mục tiêu khác chi phối.
Cơ hội tham gia ban giám khảo chương trình Thi Hoa Khôi Liên Trường 2009 năm nay làm cho tôi rất phấn khởi và lòng ngập tràn hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho cộng đồng chúng ta.  Tôi rất ngưỡng mộ các anh chị sinh viên với khả năng lãnh đạo, đã huy động sự hợp tác và tình nguyện của rất đông giới trẻ để mỗi năm có một hội Tết quy mô, trật tự, có ý nghĩa và gây quỹ sinh hoạt cho nguyên năm.  Tôi thán phục các thí sinh ghi tên dự thi chương trình Hoa Khôi, bỏ thời giờ tập dượt, chuẩn bị chu đáo.  Tôi cảm ơn các bậc phu huynh đã hỗ trợ các thí sinh và nhân cơ hội chia sẻ thêm với các em về phong tục, tập quán và văn hoá Việt Nam. 
Tôi tin là với nền tảng gia đình vững chắc cùng với các cơ hội học tập giới trẻ biết tận dụng, các em sẽ sớm trở thành rường cột tươi tốt cho cộng đồng chúng ta theo truyền thống, "Tre già, măng mọc."(Gs Nguyễn Lâm Kim Oanh)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.