Hôm nay,  

Hội Education For The Poor Mời Từ Thiện Giúp Quê Nhà

31/12/200600:00:00(Xem: 3093)

Hội Education For The Poor Mời Từ Thiện Giúp Quê Nhà

Hội Education For The Poor đang thực hiện nhiều dự án từ thiện tại VN và mời gọi hỗ trợ từ tất cả đồng bào trong và ngoài nứơc.

Giám Mục Đaminh Mai Thanh Lương là Sáng Lập Viên của Hội Education For The Poor đã giải thích về nhu cầu giúp cho nền giáo dục ở quê nhà trong lá thư viết như sau:

"… Tôi thiết nghĩ, việc giúp giới trẻ có một tương lai tươi sáng hơn là điều rất cần.  Tuổi trẻ là tương lai của đất nước.  HỌC VẤN là chìa khóa giúp các em có những phán đoán sáng suốt cho tương lai mình, đồng thời đưa gia đình các em thoát khỏi cảnh nghèo khó.  Nhìn sang các quốc gia bạn, học vấn đã đưa bao nhiêu đất nước nghèo kém ngày xưa lên một địa vị thật đáng chú ý ngày nay.  Vì thế, giáo dục là con đường đem đến cơm no áo ấm cho người dân lâu dài, đạo tạo thế hệ tương lai lành mạnh, và nhất là đưa đất nước thoát khỏi tình trạng chậm tiến của ngày hôm nay. 

Trước khi quyết định nhắm tới việc giáo dục và hướng nghiệp, tôi cũng có nghĩ rằng đây không phải là vấn đề sinh tử khẩn cấp, nhưng nếu chúng ta chậm trễ thì sự nghèo đói càng ngày càng lan rộng và đất nước thân yêu của chúng ta càng rơi vào tình trạng thụt lùi trước sự tiến bộ về kỹ thuật mau chóng của thế giới.

Sự giúp đỡ về giáo dục thật mênh mông vô giới hạn.  Nhưng với sự tiếp tay của quí vị chắc chắn tương lai các em sẽ có một nghề nghiệp trong tay để có thể tự lo cho mình và những người thân, các em sẽ không nghèo nàn như cha mẹ các em.  Xin quí vị mở rộng từ tâm giúp thanh thiếu niên nơi quê nhà có một tương lai tươi sáng hơn."

Các dự án của hội Education For The Poor được trình bày sơ lược trong bản phúc trình viết năm 2006 như sau:

DỰ ÁN HỖ TRỢ GIÁO DỤC

Các dự án hỗ trợ về giáo dục sẽ được hội thực hiện dưới các hình thức sau đây:

Học bổng cho các hoc sinh, sinh viên nghèo dưới sự quản trị cuả các linh mục thuộc Tòa Tổng Giám Mục hay Dòng Chúa Cứu Thế ba miền cũng như các ni cô, các thầy nơi các chùa. Các cha, thầy và ni cô sẽ duyệt xét gia cảnh của các em, thay mặt hội cấp học bổng và theo dõi sự học vấn của các em.

Gởi các sinh viên về dạy Anh Văn cho các học sinh tại Việt Nam.

Lập các máy vi tính hay trợ thính ngọai ngữ để bổ túc và nâng cao chương trình giáo dục của các em.

Trực tiếp giúp đỡ tài chánh cho các trung tâm huấn nghệ, các trung tâm giúp các em khuyết tật hay các em đường phố kém may mắn hầu các trung tâm có thể lo vấn đề học vấn cho các em.

Sau đây là các công tác hội đã thực hiện trong chuyến đi công tác vừa qua:

DẠY ANH VĂN CHO CÁC SINH VIÊN, HỌC SINH

Hội đã gởi sinh viên về Việt Nam dạy Anh Văn trong mùa hè năm nay. Sinh viên tình nguyện tự lo vé máy bay cho chuyến đi, còn hội có trách nhiệm lo chỗ ăn ỏ cho các em trong thời gian dạy học là một tháng. Mục đích của chương trình là giúp cho các em bên nhà có cơ hội tiếp xúc với các emViệt Nam đã sinh trưởng tại Hoa Kỳ để hiểu biết thêm về thế giới bên ngoài cũng như đẻ giúp các em có môi trường đàm thoại, học hỏi tốt hầu luyện được một giọng nói ngoại ngữ thật chính xác, một căn bản Anh ngữ thật cứng cát. Đây cùng là một cơ hội cho các giới trẻ Việt Nam tại đất nước Hoa Kỳ tìm hiểu về quê cha đất tổ hầu xây dựng một đường giây liên kết giữa các em vói quê nhà. 

HỘI KIẾN CÁC ĐỨC GIÁM MỤC CỦA 3 MIỀN

Để tìm hiểu hầu đáp ứng một cách hữu hiệu nhu cầu của các học sinh và sinh viên bên nhà thì chúng tôi đã xin được yết kiến các Đức Tổng Giám Mục của ba miền Bắc, Trung, Nam. Chúng tôi đã được gặp Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, Nguyễn Đăng Đệ, Nguyễn Như Thể, Nguyễn Chu Trinh và Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn. Các ngài đã tán thành ước nguyện của hội trong việc giúp đỡ các học sinh nghèo hầu xóa nạn mù chữ cũng như gầy dựng một tương lai vững chắc cho thế hệ trẻ, và ở cả ba miền hội đã dược các ngài đặt chỉ cho người làm việc tiếp ứng với hội. 

TRUNG TÂM TRẺ EM ĐƯỜNG PHỐ - GÒ VẤP

Đây là một trung tâm của các sơ dòng Mân Côi được thành lập khoảng 5 năm nay chuyên lo giúp cho các trẻ em đường phố tuổi từ 5 đến 16 tuổi đang hành nghề đánh giầy, lượm rác, ăn xin… Mỗi ngày các sơ cho các em ăn bữa cơm chiều và sau đó các sơ dành 3 tiếng đồng hồ dạy cho các em văn hóa để các em khỏi bị mù chữ cũng như khỏi bị người khác ăn gian hay bắt nạt các em trong việc kiếm cơm hằng ngày. 

DON BOSCO- BẢO LỘC

Đây là một trung tâm huấn nghệ của các cha dòng Don Bosco chuyên dạy về sữa chữa động cơ nổ, kỹ nghệ hàn, kỹ nghệ tiện đồ sắt, điện lạnh, vi tính và nghề may. Sĩ số học sinh khoảng 500 em từ các gia đình nghèo đang trong tuổi lao động nhưng không có nghề nghiệp. 80% học sinh của trung tâm chưa học hết lớp 10 văn hóa phổ thông. 

CHÙA DIỆU NGHIÊM, HUẾ

Chúng tôi đã được dịp thưa chuyện với Thượng Tọa Thích Chí Mầu của chùa Từ Hiếu. Thượng Tọa cũng đồng ý với hội là muốn giúp đất nước đi lên và giúp các tầng lớp dân nghèo hũu hiệu thì phải nghĩ đến việc giáo dục của tuổi trẻ. Vì là nơi tu hành không lo về giáo dục nên Thượng Tọa đã giới thiệu chúng tôi đến chùa Diệu Nghiêm sau khi dẫn chúng tôi đi thăm chùa và thuyết pháp cho chúng tôi nghe về đạo lý Phật Giáo. Xin cám ơn hảo tâm của Thượng Tọa rất nhiều.

Chùa Diệu Nghiêm đang có chương trình giúp các hoc sinh nghèo, các em khuyết tật qua chương trình học bổng của chùa. Tại chùa Diệu Nghiêm, chúng tôi đã được cơ hội trình bầy ước vọng giúp về giáo dục cho các hoc sinh nghèo của hội và chúng tôi cũng xin đóng góp một tay vào công cuộc này.

Ni Sư Minh Huyền đã đưa chúng tôi đến thăm trung tâm nhà trẻ của chùa để xem các em sinh hoat. Linh Mục Thăng trong đoàn chúng tôi cũng đã góp phần giúp vui cho các em trong dịp này. Các em hát một bài thì linh mục lại đáp lễ các em một bài. Già không thua trẻ, mà trẻ cũng không chụi thua già. Không khí rất vui nhộn. 

CHÙA TÂY LINH, HUẾ

Đây là một trung tâm khá khang trang chuyên lo về dạy vi tính, nghề may và nghề thêu cho các em câm điếc ở Huế. Hiện nay có khoảng 72 em, và phần đông các em thuộc gia đình nghèo nên trung tâm đã nâng đỡ các em trong vấn đề học phí. Trung tâm cũng lo cơm trưa cho các em học sinh vì nhiều em đến từ 10 cây số. Một trong những nguồn tài chánh của trung tâm là sản phẩm mà các em làm ra trong lúc được huấn nghệ. 

CHÙA TỊNH NGHIÊM

Ni sư đã cùng đi với chúng tôi sắm sữa tập vỡ, viết mực và cặp để phát cho các học sinh nghèo ở vùng Mỹ Tho. Về đến chùa thì mọi thứ đều được trải dài trên một góc sân và mọi người xúm nhau vào gói thành quà tặng chuẩn bị cho các em mùa học tới. Các em đến rất đông và hơn một trăm phần quà cho các học sinh thuộc cấp một và cấp hai đã được phát ra trong một bầu không khí rất hứng khởi. Các em thuộc thành phần gia đình khá nghèo. Chúng tôi được biết rất nhiều em buổi sáng đã phải đi bán vé số để giúp gia đình trước khi đến nhận phần quà. Vẫn có nhiều em không đến lãnh quà đuọc vì vẫn còn bận bán vé số ngoài đường. 

ĐI THĂM CÁC EM DÂN TỘC CHÂU RO, XUÂN LỘC

Các em đã chào mừng chúng tôi với một bài ca dân tộc rất dễ thương. Chúng tôi được các em cho biết là phần đông các em trong làng đã nghĩ học sau khi xong lớp 6 hay 7 vì vấn đề kinh tế. Trong nhóm gần 40 em mà chúng tôi gặp hôm ấy thì có em Điểu Trọng Chí vừa xong trung học và đã thi vào đại học Sư Phạm đang chờ kết quả. Các em nhỏ hiện diện rất muốn được có cơ hội học lên cao như anh Chí và mong được có sự hỗ trợ về phương diện tài chánh để có thể tiếp tục con đường học vấn. 

DON BOSCO, CẦN GIỜ

Cần Giờ là thị xã nghèo nhất của thành phố Sàigòn. Trung Tâm Don Bosco hiện nay dạy vi tính và Anh Văn cho 300 em học sinh. Khi đến thăm trung tâm, chúng tôi đã được thầy Mạnh yêu cầu thử các em về Anh Văn. Chúng tôi đã nói chuyện với các em hai tiếng đồng về rất nhiều đề tài giáo dục bằng tiếng Anh. Các em rất thích cơ hội đối thoại với chúng tôi bằng ngoại ngữ, và có lẽ cũng sẽ không chán nếu chúng tôi có thì giờ ngồi hàn huyên với các em cả buổi. Trong tất cả các trung tâm mà chúng tôi đến thăm, thì có lẽ các em tại Cần Giờ trội về tiếng Anh hơn cả. Trung tâm có ý định địa phương hóa nhân sự bằng cách huấn luyện cho các em địa phương và sẽ dùng các em để huấn luyện cho các nhóm học sinh kế tiếp sau khi các em đã tốt nghiệp. 

TRUNG TÂM DON BOSCO, PHƯƠNG CHÍNH, BÙI CHU

Trung tâm đang dạy vi tính và nghề may cho các em nghèo. Buổi sang có 4 lớp và buổi chiều có 2 lớp vi tính. Trung tâm co khoảng 20 máy nên các em thay phiên nhau dến học. Lớp học vi tính tuy đơn sơ, nhưng trông cũng được. Nhưng lớp dạy may thì rất cũ kỹ. Mở cửa phòng học đã ngữi thấy mùi ẫm thấp, trên trần thì xà gỗ và mái nhà bị hư nhiều. Trung tâm sợ rằng mưa lớn có thể làm mái nhà sập gây thương hại đến các em hoc sinh. 

GẶP NHÓM SINH VIÊN NHÀ THỜ CHÁNH TÒA, HÀ NỘI

Hội đã đến gặp Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đẻ trình bầy mục đích giúp về giáo dục của hội và cũng xin Đức Cha cho gặp nhóm sinh viên ở Hà Nôi. Ngài đã tán thành thiện chí của hội và đã cho Linh Mục Lê Trọng Cung làm việc với hôi. Cha Lê Trọng Cung là linh mục đặc trách việc lo cho các sinh viên tại Hà Nội.

Cha Cung đã triệu tập một buổi họp cho hội gặp gỡ các sinh viên. Vì số sinh viên quá đông (khoảng 1,200 em), nên chỉ có các sinh viên trưởng nhóm đến hop. Các em đã bấy tỏ nỗi ưu tư của một cuộc sống khó khăn cũng như ưu tư về chất lượng của chương trình hoc. Khi hội khuyến khích các em bổ túc sư thiếu sót và chất lượng cuả chương trình học bằng các kiến thức được phổ biến trên màn lưới internet, thì các em trả lời là việc ấy rất khó khăn vì lo tiền ăn hằng ngày còn chưa đủ thì việc mướn máy vi tính tại các quán internet là một xa xĩ phẫm mà các em không thể đài thọ. Để nâng cao trình độ và chất lượng giáo dục cho các em hoc sinh nghèo thì hội đã mua 4 máy vi tính cho các em. Tòa Tổng Gíam Mục sẽ dành riêng một phòng để đăt máy vi tính ấy cho các em dùng.  Hội cũng hứa sẽ chuyển đạt đến các em các tài liệu giáo khoa mà hội sẽ soạn thảo hay quyên góp đuọc trong tương lai. 

GẶP NHÓM SINH VIÊN DÒNG CHÚA CỨU THẾ, HÀ NỘI

Trong nhóm này, một số các em đang còn học đại học và một số đã ra trường hiện hành nghề bác sĩ, cô giáo hay y tá… Một số đông đang làm việc xã hội như đến chẫn bệnh, mở lớp dạy anh văn hay dạy kèm miễn phí cho các trẻ em vùng nghèo. Hội kêu gọi mọi người góp một bàn tay với hội trong công việc vói tay đến nông thôn xóa nạn mù chữ và huấn nghệ. Nhóm sẽ cộng tác hoạt động dưới sự điều hành của Dòng Chúa Cứu Thế-Hà Nội. 

GẶP NHÓM SINH VIÊN, HUẾ

Các sinh viên ở Huế cũng than phiền vế chất lượng của chương trình học và sự khó khăn trong vấn đề tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Hội khuyến khích các em học thêm ngoại ngữ hầu có thể kiếm được việc làm khi các xưỡng ngoại quốc đến đầu tư sau khi Việt Nam gia nhập WTO, cũng như hầu nâng cao chất lương chương trình học của các em. Các em đã nêu lên vấn đề nói tiếng ngoại ngữ rất khó đối với người miền Trung vì ngôn ngữ và giọng nói nhất là những người ở tỉnh Quảng Bình, và yêu cầu hội giúp đỡ trong lãnh vực ngoại ngữ này. Hội hứa sẽ để ý về vấn đề này và sẽ tìm cách giúp các em cho hữu hiêu. Hội dự trù nếu có đủ tài chánh trong tương lai cũng sẽ mua vài máy vi tính cho các em để giúp các em nâng cao trình độ học vấn.

Hội đã gặp một số các sinh viên rất nghèo nhưng lại học rất giỏi tại Huế. Ví dụ như một trường hợp hai chị em mà người chị mặc dù tình trạng sức khỏe kém vẫn đi bán báo để lo chi phí hoc vấn cho mình và người em gái. Vì bị polio, người chị sợ không kiêm nỗi nhiệm vụ của một vị bác sĩ và đã học ngành kỹ thuật y khoa (sữa chữa các máy y khoa), còn người em gái thì sẽ vào trường y khoa trong kỳ học sắp tới. Hội đã lồng các sinh viên xuất sắc này vào chương trình học bổng của hội để tránh việc các em phải bỏ học vì vấn đề tài chánh. 

NHÓM GIÁO VIÊN TÌNH NGUYỆN

Nhóm này gồm khoảng 12 tình nguyện viên đã có quá trình hoạt động 7 năm nạy. Nhóm này chuyên đi đến các vùng sâu vùng xa để dạy kèm cho các em học sinh về các môn chính như toán và anh ngữ vì chất lượng giáo dục tại trường rất kém. Trước đây, khi nghe nói là có vùng trình độ giáo dục các thầy cô giáo chỉ đến lớp 4 hay lớp 5 thì hội đã rất quan tâm. Hội rất vui mừng gặp được các anh chị em giáo viên tình nguyện này để cộng tác. 

HƯƠNG KHÊ, HÀ TỈNH

Đây là một vùng rất xa xôi, hẻo lánh; rất nghèo nhưng lại rất hiếu học. Không cần nhìn khung cảnh chung quanh; chỉ cần nhìn đến cha mẹ các em học sinh thì chúng tôi cũng có thể đoán được mức độ nghèo khó của dân làng. Nhìn con người thấy nghèo xơ xát, nhìn làng xóm thì thấy nghèo xác xơ. Trong 4 người cha mẹ hoc sinh mà chúng tôi gặp, thì 3 người đã có con vừa tốt nghiệp trung học và đang muốn học lên đại hoc. Mặc dù rất nghèo khổ, nhưng một người mẹ đã chia xẽ là bà sẽ bán tất cả nếu cần để cho con có cơ hội học lên. Có gà sẽ bán gà, có heo sẽ bán heo nếu cần. Ý chí vượt qua tất cả để gầy dựng tương lai cho con cái đã phải làm cho chúng tôi khâm phục. 

CƠ SỞ KHIẾM THỊ BỪNG SÁNG

Trung Tâm được thành lập từ năm 1985 bởi thầy Đào Khánh Trường, cũng là một thầy giáo mù. Chúng tôi đến thăm trung tâm lúc 2 giờ trưa vào lúc các em tập chơi đàn. Tiếng đàn thánh thót rất hay vọng từ trong ngõ hẽm đã chỉ đường dẫn lối cho chúng tôi bước vào trung tâm. Trung tâm trông nghèo nàn, phòng ốc tối om.

Ngoài chương trình học phổ thông, các em được theo học thủ công, âm nhạc, ngoại ngữ, vi tính, làm massage, trị liệu Đông Y…để tự nuôi thân khi trưởng thành. Hầu hết là các em mồ côi hay thuộc gia đình nghèo, cho nên được trung tâm cho học và ăn ở miễn phí. Các em, hiện cư trú tại trung tâm, là nhóm thứ ba được đào tạo bởi thầy Trường. Hai nhóm trước đã trưởng thành và đã có thể tự nuôi bản thân nên đã rời trung tâm. 

MÁI ẤM KHIẾM THỊ HUYNH ĐỆ NHƯ NGHĨA

Trung tâm đang lo cho 32 em gái mù và trong số đó có 7 em tốt nghiệp trung học năm nay. Trung tâm trông khang trang, nhưng rất tiếc là các sơ phải dời trung tâm đến một nơi khác theo sự yêu cầu của chính quyền. Các sơ đào tạo các em rất giỏi. Ngoài chương trình học phổ thông, các em còn được huấn luyện về âm nhạc, vi tính, bơi lội (các em đã nắm được nhiều huy chương trong các kỳ thi bơi lội của thành phố) hay được huấn nghệ hầu có thể tự nuôi bản thân mình khi trưởng thành. Cố gắng tạo một đời sống bình thường cho các em, các sơ hay dẫn các em đi hát tại các nhà thờ. Trong chuyến viếng thăm trung tâm, chúng tôi đã được thưởng thức giọng hát hùng hồn và tài chơi nhạc của các em (giọng các em rất hùng hồn, nhưng thật sự cũng không át nổi nét thoáng buồn và ưu tư của một cuộc đời thiếu ánh sáng). Đây có thể gọi là một trung tâm lý tưởng cho các em bị khiếm thị. 

LASAN - ĐỨC MINH & PHÚ SƠN

Chúng tôi đã đến thăm Lasan Đức Minh tại Sàigòn. Hơn một phân nữa trung tâm của trường đã bị trao lại cho chính phủ. Để đáp ứng đủ nhu cầu của các học sinh thì các frère đã phải xây phần còn lại lên cao và biến tấng lầu thượng làm ký túc xá cho các em nội trú. Phần lớn các em được học nghề miễn phí vì gia đình nghèo (vi tính thì khoảng 60% học miễn phí, sữa máy thì khoảng 80% được miễn phí).

Lasan - Phú Sơn thì đang được sữa sang và xây cất. Các ngôi nhà hiện tại thì trông hết sức cũ kỹ, dụng cụ thì rất hiếm. Phòng vi tính thì có 10 máy cũ nhưng bốn máy thì đã bị hư. Máy móc dạy may thì không thâý được bao nhiêu cái. Hiếm hoi hơn cả là phòng dạy máy động cơ nỗ. Ngôi nhà chỗ các frere ở thì hết sức tồi tàn, tối om và nóng bức, nhưng sẽ còn rất lâu mới đuọc tu chỉnh vì tất cả ngân quỹ hiện tại đều được dồn vào việc phát triển lãnh vực huấn nghệ. Phần đông các em ở đây thuộc gia đình nghèo, vì vậy sát xuất dạy miễn phí sẽ còn cao hơn Lasan Đức Minh. 

MÁI ẤM HOA MẪU ĐƠN

Đây là một trung tâm thành lập bởi cô Phạm Thiên Đơn chuyên nuôi nấng con em của các người bụi đời sống lang thang ngoài đường phố. Thường là các người bụi đời đưa bỏ các em tại trung tâm hay ông bà các em vì không nuôi nổi đem các em đến trung tâm bỏ rơi cho cô Thiên Đơn nuôi nấng. Hiện nay trung tâm chăm sóc, nuôi dạy và lo giáo dục cho tất cả 34 em, tuổi từ 4 tháng đến 18 tuổi. Ngoài chương trình học phổ thông, trung tâm còn chuẩn bị cho các em có nghề nghiệp để tự nuôi thân khi các em gần đến tuổi 18. 

MÁI ẤM THIÊN ÂN

Đây là một trung tâm khiếm thị dưới sự điều khiển của thầy Nguyễn Quốc Phong. Trung tâm khá giỏi về phần kỹ thuật. Với sự công tác của một số sinh viên sáng mắt, trung tâm đã có thể làm một số vi tính phần mềm (software) để giúp cho các em mù trong việc trau dồi học vấn. Trung tâm cũng có phương tiện chuyển các sách giaó khoa thường qua chữ Braille cho các em dùng. Các em học lên đại học cũng rất vất vã vì không có sự trợ giúp gì của nhà trường. Cũng như các trung tâm khiếm thị khác thì Thiên Ân cùng có chương trình dạy nhạc, vi tính, Vật Lý Trị Liệu Đông Y… ngoài chươngtrình học phổ thông của các em. 

NHÀ TÌNH THƯƠNG THÁNH GIUSE

Đây là một trung tâm nuôi các em mồ côi và các em bị cha mẹ bỏ rơi, được thành lập khoảng một năm bởi sơ Phương Liên. Hiện nay sơ đang lo cho 19 em, trong số đó có 2 em bị khuyết tật trầm trọng về bệnh não. Vì mới được thành lập và vì Văn Giáo là một miền xa xôi nghèo nên sơ rất chật vật trong việc lo cho các ẹm Mặc dù vậy, sơ vẫn có nguyện vọng đào tạo cho các em nên người với một kiến thức vững chắc hầu có thể tự nuôi mình khi đến tuổi trưởng thành. Mặc dù không có cha mẹ, nhưng cac em vẫn không đuọc hưởng một quy chế đặc biệt nào hết.

Vì tài chánh eo hẹp nên nhiều lần sơ đã trễ đóng học phí khiến các em bi la rầy và có lúc không được đặt chân đến trường cho tới khi học phí được trả đầy đủ. Sơ rất ái ngại về việc này vì các em đã mang tự ti mặc cãm và một vết thương tinh thần về số phận bị cha mẹ bỏ rơi; vì vậy sơ đã kêu gọi hội giúp sơ một tay lo vấn đề giáo dục cho các em. Hội đã hứa sẽ cấp học bổng hàng năm cho trung tâm cho tới lúc các em thành đat. 

TRUNG TÂM NHÂN ĐẠO BÍCH HÒA

Trung tâm nằm tại Thạch Bích. Thạch Bích ngày xưa là một vùng quê sống về nghề gặt lúa, nhưng nay thì rất nhiều ruộng lúa đã bị lấy đi để làm xí nghiệp. Trung tâm chuyên huấn luyện cho các em nghèo nghề may vá để các em co thể đi làm cho các xưỡng may trong vùng. Ngoài ra trung tâm cũng có các lớp dạy vi tính và anh văn cho các em có trình độ hoc vấn khá hơn. Tất cả mọi người nghèo trong làng Thạch Bích cũng như các vùng phụ cận đều có thể đến tham dự các khóa học hầu như miễn phí. Các em chỉ phải đóng một khoảng tiền nhỏ đủ để trả tiền điện nước hàng tháng mà thôi.

Độc giả có thắc mắc, muốn biết thêm chi tiết, đóng góp hoặc muốn tham gia hội Education For The Poor, xin liên lạc: Education For The Poor, P.O.Box 1128, Los Alamitos, CA 90720, (714) 534-6969, http://educationforthepoor.net/

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.