Hôm nay,  

Iraq, Việt Nam Và... Iran

25/08/200700:00:00(Xem: 8984)

Lịch sử không khi nào tái diễn... y hệt như xưa...

Trong tuần qua, chúng ta đã gặp một chuỗi nghịch lý liên quan đến vấn đề nóng bỏng nhất của Hoa Kỳ ngày nay, là hồ sơ Iraq.

Trước hết, hãy nhắc lại một số diễn biến trong tuần.

Sau khi kinh lý Iraq, hai Nghị sĩ trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ là Carl Levin bên đảng Dân chủ đang nắm đa số và John Warner bên đảng Cộng hoà, đã lên tiếng hôm Thứ Ba 21 về những điều mắt thấy tai nghe tại chỗ. Rằng chiến lược dồn quân đánh tới của Chính quyền Bush hồi đầu năm đã có kết quả khả quan hơn những lượng định ban đầu.

Đấy là tin vui bất ngờ cho ông Bush vì cho thấy rằng Quốc hội Mỹ cuối cùng cũng xoay chiều và công nhận một số điều trước đây, mới tháng trước thôi, vẫn bị phủ nhận.

Nghịch lý là nhận định của Nghị sĩ Levin. Ông nặng nề phê phán thành tích của Chính phủ Baghdad dưới quyền lãnh đạo của ông Nouri al-Maliki và - ngông cuồng dại dột chừng nào - còn nói thẳng rằng Iraq nên có lãnh đạo khác. Phần mình, dù công nhận là chiến lược dồn quân đánh tới của ông Bush có kết quả khả quan hơn, Nghị sĩ Warner vẫn đề nghị là từ nay đến Giáng sinh, Mỹ nên giảm bớt quân số tại Iraq.

Kết luận ở đây là chiến lược dồn quân đã có kết quả, nhưng chưa tốt!

Hôm sau, Thứ Tư 22, Tổng thống Bush có bài phát biểu được tiết lộ trước một phần về hồ sơ Iraq. Ông chủ yếu so sánh chuyện Iraq với Việt Nam để nhấn mạnh rằng dưới quyền lãnh đạo của ông, Hoa Kỳ sẽ không tháo chạy khỏi Iraq như đã tháo chạy khỏi Việt Nam. Một cách gián tiếp, ông cảnh cáo Quốc hội trong tay đảng Dân chủ là đừng tái diễn thảm kịch Việt Nam khi cột tay chiến sĩ và gây thảm họa cho người khác.

So sánh hai biến cố ở hai thời điểm và địa điểm khác nhau như ông Bush luôn luôn là điều dại dột vì dễ gây tranh luận vì nhiều khác biệt tất yếu.

Thành phần thiên tả, chủ hoà và đa số bên đảng Dân chủ đả kích lập luận của Tổng thống ở lý do tham chiến tại Iraq hơn ở nguyên nhân tháo chạy khỏi Việt Nam. Đó là hiện tượng "trí nhớ có chọn lọc", trong sự chọn lọc đã có phần ngụy tín. Phe bảo thủ bên đảng Cộng hoà cũng chọn các lý luận để bênh vực lập trường của Tổng thống. Và hai phe tiếp tục tranh luận trong khi về thực chất thì đa số dân Mỹ, từ học giả, sử gia tới chiến lược gia, đều chả hiểu gì về cuộc chiến Việt Nam, về lý do can thiệp, phương pháp tiến hành và hoàn cảnh tháo chạy lẫn hậu quả sau đó.

Và vụ Iraq ngày nay là một minh diễn của sự kiện đó.

Trong khi chờ đợi cuộc điều trần của Đại tướng David Petraeus và Đại sứ Ryan Crocker trước Quốc hội vào trung tuần tháng tới, những sự kiện tại chỗ cho thấy Hoa Kỳ có đạt một số thành tích tại Iraq. Chủ yếu là khả năng tiễu trừ khủng bố al-Qaeda nhờ sự hợp tác tích cực hơn của các lãnh tụ Sunni khi các đơn vị Mỹ được dồn vào mặt trận đã gây nhiều tổn thất sinh tử cho quân khủng bố, là điều đang được dư luận và Quốc hội Mỹ công nhận.Nhưng, và đây là một nghịch lý khác, ngày Thứ Năm 23, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ công bố tài liệu gọi là Lượng định về Tình báo Quốc gia (NIE) với một kết luận gây choáng váng cho mọi người: lãnh đạo chính trị tại Iraq không có khả năng cai trị.

Nhìn từ hai giác độ thì giới hữu trách về quân sự cho rằng tình hình có tiến triển, nhưng giới hữu trách về tình báo lại cho rằng dù an ninh có cải thiện, tình hình nội chính tại Iraq vẫn bất ổn và vì vậy khó dẹp được những đòn khủng bố phá hoại.

Trên cùng một địa bàn, hai cơ chế then chốt là tình báo và quân sự lại có hai lượng định trái ngược. Mà oái oăm thay, cả hai lượng định này đều đúng! Nếu như vậy, phải có gì sai trong mục tiêu và chiến lược của Hoa Kỳ.

Chuyện đúng sai ấy đang tái diễn thảm kịch Việt Nam nên người viết mới nêu nhận xét bi quan có thể làm người đọc bất bình, rằng Hoa Kỳ vẫn chưa hiểu gì về chuyện Việt Nam thời xưa nên vẫn chưa hiểu gì về chuyện Iraq thời nay!

Nhìn cho gọn vào chuyện Iraq, Hoa Kỳ đang cố tranh thủ hậu thuẫn của phe Sunni để diệt trừ khủng bố ngoại nhập - al-Qaeda và các nhóm xưng danh Thánh chiến. Tranh thủ bằng cách ra quân tiễu trừ và đóng quân ở lại để củng cố niềm tin của cộng đồng Sunni. Thắng lợi quân sự nằm trong việc tê liệt hoá hoạt động của khủng bố nhờ sự hợp tác và chỉ điểm của các lãnh tụ sắc tộc Sunni.

Điều trớ trêu là phe Sunni thiểu số này không thể trở lại vị trí thống trị như trong thời Saddam Hussein vì phe đa số là dân Shia đã được Mỹ "giải phóng" năm 2003 nhờ việc lật đổ chế độ Saddam. Phe đa số này - mà Thủ tướng Nouri al-Maliki là một trong nhiều lãnh tụ - muốn đoạt lại vị trí thống trị chưa hề có và không muốn hay không thể kiềm chế được các lực lượng võ trang Shia. Lượng định NIE của tình báo Hoa Kỳ nói tới sự yếu kém của hệ thống chính trị chính là do thiện chí hay khả năng không có của phe Shia.

Chưa nói tới sự hà hơi tiếp sức của Iran ở đằng sau!

Vì vậy, báo cáo lạc quan của quân đội và bi quan của tình báo đều đúng cả, mà tình hình vẫn chưa thể khả quan, khiến một Nghị sĩ Cộng hoà như John Warner mới kết luận rằng chi bằng rút quân!

Nhìn như vậy rồi, chúng ta mới trở lại chuyện cũ.

Tại Việt Nam, Hoa Kỳ can thiệp để ngăn ngừa làn sóng đỏ từ Liên bang Xô viết và Trung Quốc yểm trợ cho Bắc Việt Cộng sản tràn xuống miền Nam. Một lý do chính đáng trong khuôn khổ Chiến tranh lạnh. Nhưng khi tham chiến, Hoa Kỳ đã lẫn lộn mục tiêu.

Nếu để bảo vệ miền Nam thì phải tấn công vào hậu phương của cuộc xâm lược là miền Bắc và hậu cứ của Bắc Việt là Lào và Căm Bốt. Hoa Kỳ thời Kennedy và Johnson lại chủ trương "đánh toàn cầu hoà" và phát huy sáng kiến xây dựng dân chủ tại miền Nam, ngay trong thời chiến. Để rồi cả chính trường lẫn truyền thông Mỹ đều nhắm mắt trước tình trạng phi dân chủ tại miền Bắc mà kịch liệt đả kích nạn độc tài hay thiếu dân chủ ở trong Nam.

Tức là đòi hỏi kẻ bị xâm lược phải vừa tự vệ - theo kiểu chiến tranh nhà giàu của Mỹ - vừa xây dựng cơ chế quốc gia độc lập và dân chủ trên một vùng đất đã bị thực dân Pháp cai trị từ... 1867, một trăm năm trước vụ Mậu Thân 68. Xét theo tiêu chuẩn ngây ngô đó của Mỹ thì Tổng thống Diệm là người độc tài phải bị giết, Tổng thống Thiệu là người tham nhũng phải bị lật!

Và Hà Nội tất nhiên phải thắng!

Mất mấy chục năm cãi lộn xem ai đã để "thua" tại Việt Nam, Hoa Kỳ đang tái diễn chuyện cũ tại Iraq.

Khi quyết định can thiệp vào Iraq, Chính quyền Bush muốn làm một minh chứng dữ dội về quyết tâm của mình trên trận chiến chống khủng bố. Lý cớ dễ chấp nhận nhất là sự tồi bại đầy nguy hiểm của chế độ Saddam Hussein. Lý do chiến lược tiềm ẩn bên dưới là làm gương cho thế giới Hồi giáo, từ các đồng minh ôn hoà tới các lực lượng khủng bố quá khích. Rằng hung hăng như Saddam Hussein trong một cường quốc Hồi giáo cấp vùng là Iraq mà còn bị lật đổ thì, 1) đồng minh ôn hoà, như Saudi Arabia, nên tin tưởng vào Mỹ, và 2) kẻ thù hung hiểm là quân khủng bố nên biết sợ Mỹ.

Chứng minh có tính chất chiến lược ấy coi như hoàn tất chỉ ba tuần sau khi Mỹ đổ quân vào Iraq. Lúc ấy, chưa ai nói đến al-Qaeda hay thủ lãnh khủng bố al-Zarqawi của al-Qaeda.

Khốn nỗi - và vì chưa rút tiả bài học Việt Nam - Chính quyền Bush còn muốn đi xa hơn, đó là góp phần xây dựng dân chủ trên một vùng đất chưa hề có khái niệm dân chủ và chỉ được thống nhất bằng bạo lực độc tài của Saddam. Vành đai độc tài bị bung là mở ra những tranh chấp sắc tộc, với sự xúi giục của các lân bang.

Hoa Kỳ không đủ quân số và cán bộ cho việc ổn định tình hình Iraq để gieo trồng hạt mầm dân chủ hầu chứng minh tiếp cho thế giới Hồi giáo - ngoài bài bản ban đầu - rằng dân chủ có giá trị hơn độc tài và khủng bố. Và bị mắc bẫy trong đòn du kích phá hoại của Iran lẫn phiến loạn khủng bố của al-Qaeda, trước sự phẫn nộ của các lãnh tụ Sunni.

Vì vậy, mặc dù tác chiến rất hay các đơn vị Mỹ không thể canh chợ cho dân Iraq học tập dân chủ và mặc dù dân chúng rất khát khao xây dựng lại đời sống đến mức đội bom đi bầu ba lần trong năm 2005, Iraq vẫn chưa có một hệ thống chính trị có khả năng ổn định hay hoà giải xung đột.

Đó là tình trạng ngày hôm nay, sau khi Chính quyền Bush đôn quân từ đầu năm - thực tế chỉ tạm đủ quân số kể từ giữa tháng Sáu - việc diệt trừ khủng bố đã có tiến triển, việc xây dựng chính quyền thì chưa.

Trong khi ấy, dư luận Hoa Kỳ đã hết kiên nhẫn!

Trong lịch sử nước Mỹ thì sau cuộc chiến giành độc lập, Hoa Kỳ chưa và không thể có khả năng tham chiến quá bốn năm, vì bất cứ một lý do nào, chính đáng hay không, cao thượng hay không. Nức lòng ủng hộ việc đổ quân tham chiến tại Việt Nam vào tháng Ba năm 1965, Quốc hội trong tay đảng Dân chủ đã ngả theo dư luận để trở thành phản chiến năm 1968. Chuyện ấy đang tái diễn và đáng lẽ Chính quyền Bush phải biết trước. Và giải thích được sự thể cho rõ ràng hơn!

Cái giá phải trả, rất nhẹ, là việc đảng Cộng hoà mất đa số trong Quốc hội năm 2006. Cái giá còn lớn lao hơn sẽ phải trả sau này là những gì sẽ xảy ra cho Hoa Kỳ trên thế giới.

Tổng thống Bush chỉ còn 16 tháng tại chức, người kế nhiệm ông sẽ phải giải quyết hồ sơ này. Và câu hỏi cho mọi người, kể cả các ứng viên, là "làm sao bây giờ""

Trước mắt thì dù Tổng thống Bush vẫn còn khả năng phủ quyết để chặn đà tháo chạy của Quốc hội Dân chủ, Hoa Kỳ không thể tiếp tục cuộc chiến như hiện nay.

Còn lại là giải pháp rút hết để cho ngần ấy phe tàn sát lẫn nhau - giả thuyết biển máu của ông Bush hay giải pháp tháo chạy của nhiều lãnh tụ Dân chủ - là điều bất khả vì Iran sẽ lấp vào khoảng trống và đe dọa biên giới Iraq với Saudi Arabia. Cả bán đảo Ba Tư sẽ vuột khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ và nếu tránh được al-Qaeda thì sẽ có ngày Mỹ vẫn phải quay lại, một quyết định đau lòng nhức tim của người kế nhiệm ông Bush, cho dù nước Mỹ vẫn có thể thản nhiên với cảnh tàn sát trong thế giới Hồi giáo ngay trong năm tới.

Nếu không triệt thoái toàn bộ thì còn giải pháp rút quân một phần như Nghị sĩ Warner đề nghị. Là một nghị sĩ cao niên, không có tham vọng tranh cử Tổng thống và cũng chẳng tối mắt chống Bush, ông Warner chỉ tìm cách gỡ bí cho Hoa Kỳ. Nhưng thật ra đề nghị một giải pháp còn phi lý hơn!

Mỹ càng tiếp tục hiện trạng với quân số ít hơn thì mâu thuẫn giữa hai thành phần đều có thiện chí như nhau là quân đội và tình báo sẽ càng đào sâu, và bị đảng Dân chủ tận tình khai thác trong thời kỳ tranh cử. Cho tới khi vẫn phải rút hết trong điều kiện còn ô nhục hơn. Quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã cầm cự được hai năm sau khi các đơn vị tác chiến của Mỹ đã triệt thoái khỏi Việt Nam, cho tới khi bị cột tay bức tử năm 1974. Tại Iraq, ngần ấy phe, kể cả dân Kurd và Sunni bị bỏ rơi sẽ không ngồi yên chờ Mỹ rút theo kiểu tuần tự như Warner đề nghị.

Nếu không thể giữ, không thể rút hay giảm quân thì còn giải pháp thứ ba: dồn thêm quân để ổn định tình hình trên một địa bàn rộng lớn hơn hầu trở thành trọng tài đáng sợ cho ngần ấy hệ phái hay lực lượng võ trang Kurd, Sunni và Shia. Giải pháp vô vọng: quân lực Mỹ bị căng mỏng vì phải đối đầu với hai chiến trường nóng là Afghanistan và Iraq, trên một trận tuyến toàn cầu là khủng bố Hồi giáo ngụy danh Thánh chiến, lại đang bị Liên bang Nga khiêu khích với các cuộc tuần sát toàn cầu của oanh tạc cơ chiến lược!

Vả lại, việc dồn quân đánh tới từ đầu năm mà còn bị Quốc hội và dư luận tính điểm hàng ngày, việc đưa thêm quân vào - nửa triệu như thời 1991 - là điều bất khả về hoàn cảnh chính trị lẫn thực tế vật chất là quân số. Mà dù Đại tướng Petraeus có là thiên tài quân sự đi thì xã hội và quân đội Mỹ vẫn chưa được chuẩn bị cho hình thái chiến tranh nổi dậy - một bài học khác chưa học tại Việt Nam.

Không giữ hiện trạng được, không rút quân hay đôn quân được, Hoa Kỳ có thể làm gì" Trong hoàn cảnh tiến thoái đều lưỡng nan như vậy, thì Chính quyền Bush và lãnh đạo Hoa Kỳ nói chung có thể làm gì"

Xóa bài làm lại, hoặc "thua me gỡ bài cào" có thể là giải pháp.

Chúng ta lại trở về mục tiêu ban đầu của chiến dịch Iraq.

Việc chứng minh ý chí diệt trừ khủng bố (al-Qaeda và đồng đạo) coi như có đạt kết quả nhất định: Lãnh thổ Mỹ hết bị tấn công, al-Qaeda bị khoanh vùng tại Afghanistan và đang bị phe Sunni cô lập hay tiêu diệt tại Iraq với sự yểm trợ của các đơn vị Mỹ. Hoa Kỳ thua me vì không gây dựng được dân chủ tại Iraq nhưng không hẳn là thất trận trong cuộc chiến chống khủng bố - mục tiêu nguyên thủy và quan trọng nhất của vụ tấn công Iraq.

Bây giờ mới gỡ bài cào, bằng cách bày ra trận tuyến khác vì mục tiêu khác: Hoa Kỳ không thể để Iran khuynh đảo vùng Vịnh - và Iraq. Nếu minh định mục tiêu như vậy thì nhiệm vụ của các đơn vị Mỹ trên chiến trường Iraq hết là canh chợ cho dân Iraq học tập dân chủ mà là bảo vệ một số căn cứ quân sự trên lãnh thổ xứ này - ở vòng đai Tây-Bắc ngoài sa mạc và ngoài các trung tâm định cư lớn của cả ba sắc dân Kurd, Sunni và Shia. Đồng thời bảo vệ được biên cương  Iraq với Saudi Arabia.

Đây là chiến lược "rút mà không ra" vì Hoa Kỳ xoay ra kinh doanh kiểu khác!

Về quân sự, chiến lược này sẽ tránh được tổn thất sinh mạng cho lính Mỹ và tổn thất chính trị cho Chính quyền Bush. Về chính trị, giao tranh giữa các phe Iraq sẽ là... chuyện nội bộ của người Iraq, nhưng phe Shia và Iran sẽ hiểu được tín hiệu của Mỹ. Nếu chưa hiểu được thì sẽ gặp áp lực rất nặng bên cạnh hội nghị song phương giữa Iran và Hoa Kỳ.

Phải chăng Chính quyền Bush đã tính như vậy từ đầu năm nên Đại sứ Crocker mới có ba cuộc hội đàm với vị tương nhiệm của Tehran tại Thủ đô Baghdad" Và phải chăng trận tuyến Iran-Hoa Kỳ mới là chính, khiến Mỹ dồn quân yểm trợ phe Sunni để giữ thế mạnh và lâu lâu bắn tiếng sẽ không tập Iran" Và Tổng thống Putin mới cho chiến đấu cơ cất cánh để làm tản lực Mỹ"

Nếu như vậy, câu chuyện Iraq và thành tích dồn quân chỉ là chuyện hư. Chuyện thực là sau khi thua me, Hoa Kỳ đang tìm cách gỡ bài cào để Iraq không là một Việt Nam khác. Nếu không, dại gì ông Bush lại moi chuyện Việt Nam ra để khiêu khích Quốc hội Dân chủ"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tuần qua, chính trường Hoa Kỳ đã xuống đến độ sâu nhất của loại tiếu lâm cống rãnh với một vụ tai tiếng lợm giọng.
Nhân chuyến viễn du sang tận miền tây Canada nhằm trao giồi kinh nghiệm  cho các sinh viên của Đại Học Montreal -Quebec trong chương trình
Vấn đề chính danh được đặt ra nhân bài trao đổi ý kiến giữa một cơ quan truyền thông của Chính Phủ Hoa Kỳ là Đài Á Châu Tự Do
Trong các ngày 24 và 25 tháng 8 năm 2007, đài Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của đảng CSVN
Bài phát biểu sau đây của Giáo sư Nhật Bản Teruo Tonooka được ông trình bày trong Đêm Hội Ngộ tại Nhà hàng Emeral Bay Seafood
Có người hay "ví von" rằng Cộng Đồng người Việt hải ngoại nói chung, ở Quận Cam nói riêng, giống như những con cua bị nhốt chung trong một cái giỏ
Trong các loại hàng tiêu thụ, thì chỉ số tăng giá đã lên cao nhất cho lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống, là mặt hàng cần yếu cho đa số người dân
Hồi đó tôi chưa đủ 50 kí lô, lại hay bị xây xẩm bất ngờ, trong khi thấy các sư huynh, sư muội quật nhau rầm rầm, nên hơi hoảng.
Vào ngày 11 tháng 1 năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới tức World Trade Organization (WTO).
Từ xưa cho tới nay, đại đa số dân "sồn sồn" đều thích xem phim chưởng với những kiếm sĩ, võ sĩ Trung Hoa bay lượn như chim
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.