Hôm nay,  

Barack Obama & John McCain

14/05/200700:00:00(Xem: 8377)

  Trong các cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tiền là huyết mạch. Tiền túi của mỗi ứng viên và nhất là tiền ủng hộ của các thế lực tài chánh và tiền ủng hộ của cử tri .

Theo các con số được công bố, trong ba tháng đầu của năm 2007 (1) bên phía Cộng Hòa ba người được tiền ủng hộ nhiều nhất theo thứ tự là: Mitt Romney (cựu thống đốc Massachusetts, $20.737.149),  Rudy Giuliani (cựu thị trưởng New York, $14.731.897), và John McCain (Thượng nghị sĩ, Arizona, $12.992.635). Bên phía Dân Chủ theo thứ tự là Hillary Clinton (Thượng nghị sĩ, New York, $26.041.109), Barack Obama (Thượng nghị sĩ, Illinois, $25.665.688), và John Edwards (cựu Thượng nghị sĩ, North Carolina, $14.021.504).

Các con số làm dư luận ngạc nhiên về cái thế đang lên của Thượng nghị sĩ Barack Obama (còn quá trẻ và mới vào Thượng nghị viện hơn 2 năm) và về vị trí khiêm nhượng của Thượng nghị sĩ John McCain. Tuy nhiên có nhiều yếu tố khác mà giới truyền thông và dư luận toàn quốc nhiều khi không tiện nói ra nhưng biết rằng cuối cùng rồi ai có thể  sẽ được đảng đề cử, cái yếu tố được diễn tả bằng một danh từ hiền lành nhưng rất quan trọng: electability (có thể đắc cử được).

Hỏi ai có thể đắc cử được, có nghĩa là hỏi ai có thể được đảng đề cử thì bên Dân chủ có bà Hillary Clinton và bên Cộng Hòa có Thượng nghị sĩ John McCain.

Thượng nghị sĩ Barack Obama dù được sự ủng hộ tài chánh, nhưng những người ủng hộ ông cũng như chính bản thân ông cũng biết rằng một người da đen dù thông minh như ông và có mẹ là một người da trắng cũng chưa thể được nhân dân Mỹ chấp nhận làm tổng thống Hoa Kỳ. Việc này có thể phải chờ một thế kỷ nữa hay sau một biến chuyển lớn trên thế giới không tiên đoán được. Nhưng việc quyết định ra tranh cử tổng thống của ông Barack Obama là một quyết định can đảm. Ông mở ra một kỷ nguyên mới cho người da đen.

Ông Colin Powell và bà Condoleezza Rice đã mở hé cánh cửa cho người da đen khi leo tới chức vụ tổng trưởng ngoại giao. Nhưng ông Powell qua con đường phục vụ quân đội và bà Rice qua con đường học vấn và trung thành với ông Bush; và cả hai được xử dụng như một nhu cầu chính trị của người da trắng.

Ông Barack Obama theo một con đường khác. Ông cố ý tạo dựng sức mạnh cho người da đen bằng con đường tập hợp lực lượng chính trị của người da đen. Ông tiếp nối con đường giải phóng người da đen của mục sư Martin Luther King, nhắm mục tiêu làm lu mờ dần quan niệm trắng đen trong xã hội Mỹ . Thượng nghị sĩ Barack Obama đang làm một cuộc cách mạng chứ thật sự ông không nhắm chức vụ tổng thống mà ông biết trong mọi trường hợp người Mỹ của thế kỷ này chưa thể dành cho ông.

Thượng nghị sĩ John McCain, trái lại có đủ tư thế để trở thành một tổng thống Mỹ. Ông bắt đầu sự nghiệp như một quân nhân và từng bị bắt cầm tù tại Hà Nội và từng bị ngược đãi tại nhà lao Hỏa Lò. Dù vậy khi trở thành thượng nghị sĩ ông không mang hận thù của chiến tranh vào chính sách và đã đóng một vai trò tích cực trong việc hàn gắn quan hệ giữa Hoa Kỳ và Hà Nội để xây dựng một thế đứng mới cho Hoa Kỳ trong vùng Thái bình dương sau khi thua trận tại Đông Dương. Trong nội bộ đảng Cộng Hòa ông chủ trương trong sạch hóa đảng và trong sạch hóa bộ máy tranh cử toàn quốc. Nếu mục đích của ông là làm một thượng nghị sĩ suốt đời thì ông sẽ là một thượng nghị sĩ đáng được ngưỡng mộ nhất. Nhưng mộng của ông là làm tổng thống Hoa Kỳ, và khó khăn của ông bắt đầu từ đó .

Năm 2000 ông ra tranh cử sự đề cử của đảng Cộng hòa, tranh với George W. Bush (Bush nhỏ) và ông đã bị bộ máy chính trị khổng lồ của đảng sau lưng tổng thống George H. Bush (Bush lớn) đánh bại một cách thảm hại . Năm 2000 Bush nhỏ đã thắng dù không mấy vẻ vang nhưng ông John McCain vẫn ở bên cạnh Bush như một đảng viên Cộng hòa trung thành để mua chuộc các thế lực của đảng. Tuy nhiên ông không từ bỏ những nguyên tắc của ông, như vận động cải tổ sự vận dụng tài chánh trong các cuộc tranh cử, và nghiêm khắc phê bình các nhóm quyền lực (special interest groups) và thế lực của giáo quyền trong chính trị .

Nhưng khó khăn của Thượng nghị sĩ John McCain bắt đầu sau cuộc khủng bố ngày 11/9/2001. Là một quân nhân phản ứng tự nhiên của Thượng nghị sĩ McCain là đánh trả. Và đó cũng là phản ứng của nhân dân Mỹ với sự đồng thuận của thế giới (qua Liên hiệp quốc). Và từ cuộc tấn công Afghanistan thành công dễ dàng lật đổ chế độ Taliban đã dung dưỡng nhóm al Qaeda, Thượng nghị sĩ John McCain đã nhiệt tình ủng hộ cuộc tấn công Iraq lật đổ Saddam Hussein mà Hoa Kỳ cho rằng có vũ khí giết người tập thể vào đầu năm 2003, mặc dù sau đó ông đủ sáng suốt để phê phán chính phủ Bush đã không có chính sách thích đáng làm cho tình hình Iraq trở nên tồi tệ .

Tuy nhiên Thượng nghị sĩ McCain thấy lúng túng hơn khi Bush tái tranh cử tổng thống năm 2004. Lúc này cuộc chiến tại Iraq đang dần trở thành một gánh nặng, dân chúng Hoa Kỳ bắt đầu nghi ngờ sự đúng đắn về quyết định đánh Iraq của Bush, chỉ còn giới tôn giáo ủng hộ Bush. Nhưng ông McCain không thể cách li với chính sách của Bush tại Iraq, một phần ông nghĩ đã vào cuộc Hoa Kỳ không thể bỏ đi một cách thiếu trách nhiệm, một phần ông cần ủng hộ Bush để tranh thủ nền tảng bảo thủ của đảng đang ủng hộ Bush cho cuộc vận động tranh cử tổng thống của ông. 

Cái may mắn của John McCain là Bush đã thắng lớn trong cuộc bầu cử năm 2004. Và mặc dù hai năm 2005, 2006 cuộc chiến tại Iraq bị sa lầy, uy tín của ông cũng không bị giảm sút.

Khó khăn thật sự đã đến với ông sau cuộc bầu cử quốc hội tháng 11/2006. Đảng Dân chủ đã nắm lại cả hai viện quốc hội vì dân chúng bất mãn với chính quyền của Bush, nhưng sự việc này không thể thay đổi thái độ chính trị của ông về Iraq.

Thượng nghị sĩ McCain thừa biết vấn đề Iraq khác vấn đề Việt Nam vào năm 1968, nghĩa là Hoa Kỳ không thể bỏ Iraq như đã bỏ Việt Nam mà không có những hệ lụy quan trọng đối với nền an ninh của Hoa Kỳ. Nhưng thay vì đưa ra một chính sách thích đáng, rút quân và áp dụng một chiến lược mềm dẽo tại Trung đông, cải đổi chính sách đối với Do Thái, nói chuyện với các nước thù địch với Hoa Kỳ tại Trung đông như Iran và Syria (như những nét chính trong bản phúc trình của Ủy ban Baker-Hamilton), Thượng nghị sĩ McCain đã cùng với bộ tham mưu của Bush quyết định đưa thêm hơn 30 ngàn quân sang Iraq, nói là để chiến thắng.

Nhưng sai lầm lớn nhất của Thượng nghị sĩ John McCain (và trở thành một trò cười cho dư luận) là sau khi Hoa Kỳ bắt đầu đưa thêm quân sang Baghdad, đầu tháng 4/2007 ông làm một chuyến du hành thăm phố xá thành phố Baghdad tại một vùng không cách khu an toàn Green Zone bao nhiêu và tuyên bố khu phố hoàn toàn an ninh (nhờ thêm quân) không khác gì một khu phố tại Hoa Kỳ. Trong khi đó ông mang áo giáp, có một trung đội binh sĩ súng đạn sẵn sàng đi kèm và trên bầu trời có nhiều trực thăng võ trang bay yểm trợ. Sự biểu diễn khôi hài này của Thượng nghị sĩ John McCain là giọt nước làm đầy ly nước và làm cho ông mất tính khả tín đối với quần chúng Mỹ vốn là một trong những tích sản quý báu nhất của ông. Dân chúng Hoa Kỳ, nhất là đảng viên đảng Cộng hòa bắt đầu nghi ngờ khả năng phán đoán và lãnh đạo của ông.

Thượng nghị sĩ McCain đang cố thoát ra khỏi sự lúng túng, nhưng có lẽ đã quá muộn. Ủng hộ một cá nhân, và một chính sách đã được 70% dân chúng bác bỏ, thêm một trò biễu diễn khôi hài ông McCain đã tự gạt mình ra khỏi danh sách những ứng viên có thể đắc cử .

Nói như vậy cũng không có nghĩa ông Giuliana sẽ được đảng Cộng hòa đề cử ra tranh cử tổng thống. Ông Giuliani có tích sản và tiêu sản chính trị. Ông có thành tích chống tội phạm và khủng bố . Năm 1994 khi đắc cử thị trưởng thành phố New York (một thành phố có truyền thống bầu thị trưởng Dân chủ) ông đã biến thành phố này thành một thành phố “ở được” bằng cách thẳng tay bài trừ ảnh hưởng của băng đảng Mafia trong thành phố mà các thị trưởng Dân chủ trước ông đã làm ngơ . Nhưng ông chủ trương kiểm soát sự sở hữu súng ống, chủ trương dùng ngân sách chính phủ giúp phụ nữ nghèo phá thai và nghĩ rằng những cặp đồng tính luyến ái sống với nhau như một gia đình cũng không có gì sai trái . Những chủ trương này không phù hợp với quan niệm của phái cực hữu có thế lực mạnh trong đảng Cộng hòa . Đó là chưa nói tới ông có vấn đề gia đình. Người vợ chính thức hiện nay của ông là người vợ thứ ba.

Ông Giuliani có những kinh nghiệm quản lý một thành phố (dù lớn như thành phố New York), nhưng thiếu kinh nghiệm điều hành một quốc gia như kinh nghiệm của đối thủ John McCain trong đảng, và đối thủ Hillary Clinton (ngoài đảng). 

Với sự chọn lựa khó hiểu của Thượng nghị sĩ John McCain ủng hộ Bush tăng quân tại Iraq và với những nhược điểm của ông Rudy Giuliani, đảng Cộng hòa sẽ chọn ai" Còn quá sớm để làm một kết luận. Nhưng hình như John McCain đã làm mất hy vọng là ứng cử viên sáng giá của đảng Cộng hòa . Sự mâu thuẫn giữa một con người ngay thẳng cố gắng đánh giá sự việc theo lương tâm và nhu cầu chính trị của một thế giới chưa xem chính trị là chính đạo đã làm chết giấc mơ phục vụ Hoa Kỳ và thế giới trong chánh đạo của ông John McCain.

Trong những ngày đầu năm 2007, dư luận Hoa Kỳ sôi nổi với hai tên tuổi: Barack Obama, John McCain. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn nữa khi Hoa Kỳ bước vào giai đoạn tranh cử gay go, có lẽ không còn ai nhắc đến hai tên tuổi đó nữa .

Nếu còn John McCain (trong trường hợp đảng Cộng hòa không có sự lựa chọn nào khác) thì cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2008 là một cơ may lớn cho đảng Dân chủ .

May 13, 2007

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

(1) “A closer look at money”: The Washington Post National Weekly Edition số tháng Tư 23-29, 2007.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tuần qua, chính trường Hoa Kỳ đã xuống đến độ sâu nhất của loại tiếu lâm cống rãnh với một vụ tai tiếng lợm giọng.
Nhân chuyến viễn du sang tận miền tây Canada nhằm trao giồi kinh nghiệm  cho các sinh viên của Đại Học Montreal -Quebec trong chương trình
Vấn đề chính danh được đặt ra nhân bài trao đổi ý kiến giữa một cơ quan truyền thông của Chính Phủ Hoa Kỳ là Đài Á Châu Tự Do
Trong các ngày 24 và 25 tháng 8 năm 2007, đài Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của đảng CSVN
Bài phát biểu sau đây của Giáo sư Nhật Bản Teruo Tonooka được ông trình bày trong Đêm Hội Ngộ tại Nhà hàng Emeral Bay Seafood
Có người hay "ví von" rằng Cộng Đồng người Việt hải ngoại nói chung, ở Quận Cam nói riêng, giống như những con cua bị nhốt chung trong một cái giỏ
Trong các loại hàng tiêu thụ, thì chỉ số tăng giá đã lên cao nhất cho lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống, là mặt hàng cần yếu cho đa số người dân
Hồi đó tôi chưa đủ 50 kí lô, lại hay bị xây xẩm bất ngờ, trong khi thấy các sư huynh, sư muội quật nhau rầm rầm, nên hơi hoảng.
Vào ngày 11 tháng 1 năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới tức World Trade Organization (WTO).
Từ xưa cho tới nay, đại đa số dân "sồn sồn" đều thích xem phim chưởng với những kiếm sĩ, võ sĩ Trung Hoa bay lượn như chim
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.