Hôm nay,  

Chung Vấn Đề: Cổ Phiếu Và Khiếu Kiện

25/07/200700:00:00(Xem: 7930)

...càng hội nhập Việt Nam sẽ càng thấy ra dấu hiệu bất ổn của mô hình phát triển lệch lạc đó...

Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và đạt quy chế Tự do Thương mại Bình thường và vĩnh viễn với Hoa Kỳ, Việt Nam đã được dư luận thế giới đánh giá là có hy vọng phát triển hài hoà hơn trong tương lai trước mặt. Như một dấu hiệu phản ánh sự kiện ấy, thị trường chứng khoán của Việt Nam đã gia tăng mạnh từ mấy tháng đầu năm. Thế rồi thị trường này bắt đầu tuột dốc, đồng thời, hàng ngàn người dân ở khắp các tỉnh miền Nam đã biểu tình khiếu kiện từ 22 tháng Sáu tới rạng ngày 19 vừa qua thì bị dẹp. Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ tìm hiểu vì sao lại có những chỉ dấu gọi là trái lý ấy qua phần trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện.

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, gần đây tình hình Việt Nam đã có hai biến cố bất ngờ. Đó là vụ dân chúng biểu tình khiếu kiện hàng loạt ở nhiều nơi trong nhiều ngày rồi vụ thị trường chứng khoán bỗng liên tục sụt giá từ mấy tuần qua. Hai biến cố sở dĩ đã gây bất ngờ vì dân chúng lạc quan từ đầu năm nhờ Việt Nam gia nhập tổ chức WTO và đạt quy chế PNTR với Mỹ và sự lạc quan ấy lại có vẻ như không bền. Trong chương trình kỳ này, chúng tôi xin đề nghị là ta sẽ cùng trao đổi về những nguyên nhân của bất ổn này.

Câu hỏi trước tiên là vì saolại có sự bất ổn đó khi Việt Nam đang được quốc tế ngợi ca là đang hội nhập toàn cầu với rất nhiều hứa hẹn lạc quan"
Một số người cho là dân chúng khiếu kiện vượt cấp và nay đã bị đưa về nguyên quán nên vấn đề coi như sẽ êm. Đấy cũng lại là một phản ứng của ảo giác. Trái lại, nhà đầu tư thì nhức tim theo dõi xem trị giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sẽ còn sụt tới đâu.

Nếu so sánh cả hai hiện tượng thì ta thấy thị trường cổ phiếu tuột giá đầu tiên là do lượng định của các nhà đầu tư ở nước ngoài - cụ thể là hai báo cáo của Ngân hàng Hong Kong và Thượng Hải và của tổ hợp đầu tư tài chính Merrill Lynch. Sâu bên dưới là nỗi bất mãn của cư dân ở nông thôn thì giới đầu tư tại các thành thị Việt Nam lại chẳng mấy quan tâm. Thật ra, hai hiện tượng đó - khiếu kiện về bất công và nhũng lạm trong việc phân phối quyền sử dụng đất và thị trường chứng khoán tuột khỏi cõi ảo - có liên hệ với nhau mà người ta nên nhìn ra nếu chịu khó tìm hiểu mô hình kinh tế hiện hành của Việt Nam. 

Hỏi: Dù sao, khách quan mà nói thì từ nhiều năm nay Việt Nam có đạt mức tăng trưởng khả quan, thế thì tại sao khi bắt đầu lên bệ phóng để có thể bước qua tiến trình hội nhập toàn cầu Việt Nam lại gặp những vấp váp như vậy"

Xin thưa là vấp váp như vậy không chỉ mới xảy ra mà đã có nguyên nhân tiềm ẩn từ lâu ở bên trong. Tới khi hội nhập vào luồng trao đổi của thế giới, Việt Nam mới nhận được loại tín hiệu trước đây không có về sự bất toàn của mô hình phát triển. Kỳ trước, chúng ta đã nói là lãnh đạo Việt Nam nên sớm nhìn ra và nhân cơ hội này mà cải sửa.
Hỏi: Nhưng dù sao Việt Nam có đạt một số thành tích tăng trưởng trong quá khứ, như vậy, khi nói rằng mô hình phát triển của Việt Nam có điểm bất toàn thì hiển nhiên là nhiều người không đồng ý chứ" Ông giải thích thế nào về chuyện này"

Trước hết, ta cần giải thích rõ về những thành tựu vừa qua mà khỏi đi vào loại chi tiết quá chuyên môn. Về số cung, Việt Nam có dân số hơn 85 triệu người, trong đó giới trẻ và thành phần ở tuổi lao động chiếm tỷ trọng rất cao. Về số cầu, Việt Nam đổi mới kinh tế cho người dân được làm ăn tương đối tự do và mở cửa buôn bán với thế giới bên ngoài. Cho nên, ở vào hoàn cảnh này, nếu Việt Nam có đà tăng trưởng vượt 8% và nâng mức sống cư dân một cách đáng kể thì cũng là bình thường về khả năng cung cầu.

Các nước Đông Á khác đều vượt qua giai đoạn tăng trưởng gọi là "khởi phát" ngoạn mục như vậy từ nhiều thập niên trước. Vì chỉ nhìn vào trục thời gian và so sánh Việt Nam ngày nay với thời khủng hoảng 1987, người ta mới quá lạc quan. Chứ nếu nhìn qua trục không gian để so với xứ khác thì đấy chỉ là sự ngoạn mục tương đối thôi. Mà quốc tế sở dĩ ngợi khen vì muốn khuyến khích lãnh đạo Việt Nam tiếp tục đổi mới hơn nữa.

Hỏi: Như vậy, chúng ta sẽ nói qua về sự bất toàn của mô hình này để đổi mới nhiều hơn. Trước hết, xin ông trình bày mô hình để người ta nhìn ra tương quan nhân quả giữa chuyện đất đai và chứng khoán.
Trước tiên và để nhắc lại quy luật cung cầu trong một khuôn khổ thị trường, Việt Nam có nguồn vốn nhân lực dồi dào và nhiều thị trường mở rộng ra ngoài thay vì tự đóng khung trong cảnh ngăn sông cấm chợ ngày xưa cho nên tất nhiên là có tăng trưởng sản xuất.
Đáng chú ý ở đây là tỷ trọng của xuất khẩu đã vượt 60% tổng sản lượng nội địa GDP, so với vài phần trăm trước đổi mới và hơn 40% vào năm 2001. Khi nguồn nhân lực dồi dào - và lại cạnh tranh bằng lương bổng rẻ - được dồn qua phục vụ thị trường xuất khẩu, ta có thấy ra lợi ích nhưng tiềm ẩn một nhược điểm là sự phồn thịnh chỉ tập trung ở thành phố và các ngành nghề ta tạm gọi là "hướng ngoại". Các thành phần lao động khác, chủ yếu là ở thôn quê, không được hưởng lợi ích mở cửa đó theo cùng một tốc độ. Và họ còn cảm thấy như bị bóc lột và nghèo đi chính là vì chiến lược hướng ngoại đó.

Hỏi: Vì vậy mà thế giới có cảnh bảo Việt Nam về sự mở rộng của hố sâu giàu nghèo"
Thưa đúng vậy và trên diễn đàn này, chúng ta đã nhiều lần nêu ý kiến là phải chú ý nhiều hơn đến lợi tức cư dân ở thôn quê và các địa phương kém phát triển trong một chiến lược nâng cao khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa để vừa có công bằng về xã hội vừa có quân bình về kinh tế hầu khỏi bị giao động quá nặng bởi thị trường quốc tế. Tuy nhiên, có lẽ Việt Nam từ chối chiến lược ấy vì đặc tính thứ hai của mô hình, là vai trò của khu vực nhà nước, trước tiên là của đảng và các ngân hàng hay công ty quốc doanh.

Hỏi: Dường như ông bắt đầu đi vào những chi tiết chuyên môn về mô hình này. Vì sao lại có vai trò của đảng và hệ thống doanh nghiệp hay ngân hàng của nhà nước, khi ta thấy nhiều doanh nghiệp đã được cổ phần hoá và khu vực tư doanh nay đã lớn mạnh hơn"


Tôi xin phép được mô tả trước rồi ta sẽ phân tích sau thì may ra mình mới nhìn ra sự vận hành của mô hình Việt Nam như ta đang nói.
Vì quá chú trọng tới yêu cầu xuất khẩu và cạnh tranh để xuất khẩu, Việt Nam cố duy trì tỷ giá ngoại hối và lãi suất thấp để hạ thấp giá thành sản xuất và thực tế thì gây thiệt hại về lợi tức cho thị trường nội địa, cho thành phần ít liên hệ đến kinh tế nước ngoài. Và người có tiền ký thác ngân hàng cũng thấy bị thiệt vì lãi suất thấp nên phải tìm cách sinh lời khác nằm ngoài hệ thống ngân hàng. Họ nhảy qua thị trường địa ốc rồi chứng khoán.

Hỏi: Và đầu tư  vào các công ty cổ phần, nên mới thổi giá cổ phiếu lên cõi ảo"
Thưa đúng vậy, nhưng chúng ta chưa đi tới chỗ ấy. Các ngân hàng và doanh nghiệp của nhà nước thật ra vẫn giữ vị trí quan trọng trong sản xuất và lại được hỗ trợ bởi chiến lược đầu tư của nhà nước. Ngân hàng thương mại của nhà nước cho doanh nghiệp cũng của nhà nước vay với điều kiện ưu đãi để đầu tư vào những lãnh vực mà nhà nước coi là ưu tiên, một loại ưu tiên đó là liên doanh với nước ngoài cho yêu cầu xuất nhập khẩu. Lợi ích kinh tế của loại dự án đầu tư này lại không được đo lường ở mức lời, hay lợi nhuận hay cổ tức chia cho cổ đông, mà nếu dự án bị rủi ro thất bại thì cũng lại nhà nước gánh.
Lồng bên dưới tình trạng kết hợp thiếu minh bạch đó là vai trò của đảng, và vị thế của các đảng viên, lẫn một yêu cầu không ai nói ra là quỹ sinh hoạt đảng. Mô hình đầu tư và sản xuất của Việt Nam bị lệch lạc vì một lý do chính trị mà nhà nước cũng không vượt qua được, đó là đảng quyền. Nôm na là một hệ thống trưng thu không ai kiểm soát nổi.

Hỏi: Dù sao thì sau khi được quốc tế khuyến cáo từ mấy năm qua, Việt Nam đã cổ phần hoá nhiều doanh nghiệp nhà nước, tình trạng chòng chéo bất thường này có giảm chưa"
Được thúc đẩy mãi, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam đã cổ phần hoá - mà chưa thực sự tư nhân hoá - hơn 3.000 công ty quốc doanh và hiện vẫn còn hơn 2.000 doanh nghiệp nhà nước ở các khu vực chiến lược nhất. Các công ty gọi là đã cổ phần hoá ấy trở thành loại công ty cổ phần và một số được yết giá trên thị trường chứng khoán và cứ được coi là của tư nhân. Thật ra, trong loại cơ sở này, nhà nước vẫn kiểm soát một tỷ lệ vốn rất cao, bình quân là hơn 45%; tỷ lệ gọi là bán cho nhân viên là 30% cũng là ảo vì không phải nhân viên nào cũng được mua. Phần còn lại, chưa đầy một phần tư, mới bán cho tư nhân.
Người chiếm vị trí trọng yếu trong loại công ty gọi là tư nhân ấy phải có quan hệ tốt với đảng viên và cán bộ cao cấp, mà họ cũng là thành phần có thể thổi giá ảo khi phát hành cổ phiếu để vét tiền của giới đầu tư cò con. Các nhà đầu tư quốc tế đã nhìn ra nên mới có khuyến cáo thận trọng như ta vừa thấy. Một thí dụ kiểm chứng được là cứ xem trong 100 đại gia gọi là đầu tư có lời nhất từ các công ty cổ phần trên thị trường chứng khoán, ta có thể nhìn ra liên hệ thân tộc với nhiều người có chức có quyền trong đảng và nhà nước.

Hỏi: Nhưng chuyện ấy liên hệ gì đến phong trào khiếu kiện về đất đai đang xảy ra" Dường như mô hình mà ông vừa trình bày vẫn còn thiếu một mảng đáng kể"
Nếu ráp lại hai mảng đầu tư và đất đai trong cùng một khuôn khổ do nhà nước định đoạt trực tiếp hay gián tiếp thì ta có thể thấy ra toàn cảnh của mô hình. Đó là cào sạch thôn quê dồn tài nguyên về thành thị vào trong tay một thiểu số có quan hệ tốt về chính trị.
Hãy nói về đầu tư trước, với tình trạng giáo dục và đào tạo còn kém và có vấn đề thì người ta ưu tiên đầu tư vào loại tài sản cố định là đất đai hay thiết bị. Thiết bị hay công nghệ chưa có để liên doanh với nước ngoài thì chỉ còn con dấu trên đất đai, mà việc quy hoạch đất đai lại bị chiến lược phát triển lệch lạc nói trên chi phối.
Nói về đất đai thì so với dân số, diện tích đất đai, kể cả rừng, của Việt Nam không thể là rộng, bình quân một đầu người chỉ có 0,4 hectare đất hay 0,1 hectare đất canh tác thôi. Với vai trò vẫn là chủ yếu của nhà nước, do đảng lãnh đạo ở đằng sau mà không ai kiểm soát được, người ta càng đầu tư thì càng lấn vào đất, từ quận huyện ngoại thành sẽ phải lan qua nông thôn.
Dù là "thuộc quyền sở hữu của toàn dân", đất đai vẫn do "nhà nước thống nhất quản lý" mà ai quản lý" Trước nhất là các đảng bộ địa phương, và họ ưu tiên phân bố cho các doanh nghiệp nhà nước hay có liên hệ với đảng viên cán bộ của họ. Với luật lệ hiện hành và vị thế quá yếu của Quốc hội hay các Hội đồng Nhân dân thì trường hợp tham nhũng và cưỡng đoạt tài sản đất đai của dân chúng tất dễ xảy ra, mà lại khó ngăn được.

Hỏi: Nếu tổng kết lại thì mô hình ấy đã tạo ra bất công ở thôn quê và bong bóng đầu tư ở thành thị"
Việt Nam đầu tư vào sản xuất với nhiều lãng phí mà không sợ bị lỗ trong khi khả năng tiêu thụ của dân chúng lại không tăng cùng nhịp độ và thị trường nội địa vẫn bị thu hẹp. Đấy là một bất công và bất ổn trên bình diện vĩ mô. Thứ hai, tài nguyên quốc gia, và trước hết đất đai của nông dân, bị vét dần cho yêu cầu tăng trưởng sản xuất hướng về xuất khẩu, thực chất là về một thiểu số ở thành thị. Thứ ba, lợi nhuận hay cổ tức của hệ thống quốc doanh hay công ty cổ phần không được phân phối cho dân hay ít ra cho ngân sách nhà nước mà chảy vào túi thiểu số này, và có khi chạy ra nước ngoài.
Đã thế, sau khi cướp đất của dân, người có quan hệ chính trị tốt trong các công ty được yết giá trên thị trường cổ phiếu còn có thể khuynh đảo thị trường và vét túi các nhà đầu tư cò con mà ngân hàng trung ương hay cơ quan hữu trách về chứng khoán không ngăn nổi. Rốt cuộc thì thị trường trả lời bằng nạn sụt giá cổ phiếu trong khi dân oan trả lời bằng cách biểu tình và bị đuổi về. Tình trạng ấy không thể kéo dài được mãi và càng hội nhập Việt Nam sẽ càng thấy ra dấu hiệu bất ổn của mô hình phát triển lệch lạc đó, y như tại Trung Quốc vậy.

Trong một kỳ sau, hy vọng là chúng ta có cơ hội tìm hiểu về các giải pháp điều chỉnh những bất toàn của mô hình này.
Hỏi: Thưa đấy cũng là câu hỏi mà chúng tôi muốn đề nghị, xin để dành cho một kỳ sau và xin cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm 1972, trong đêm lửa trại của học sinh liên trường tại Quy Nhơn tổ chức tại Sân Vận Động thị xã, Việt Cộng đã ném lựu đạn giết chết 14 học sinh
Trên thế gian nầy, ngoại trừ các bậc hiền thánh, những bậc quên mình vì người, không ai không nghĩ đến và thương yêu chính bản thân mình
Thời còn đi học, chúng tôi bị ảnh hưởng bởi những truyện lịch sử truyền thống Việt Nam, chỉ quan niệm các vị anh hùng phải là thuộc giai tầng ưu tú xã hội
Tạp chí Cộng sản số 11 đăng bài viết của tác giả Trần Duy Hương vu khống, xuyên tạc cuộc đấu tranh của chúng ta, quy kết những nhà đấu tranh cho Dân chủ
Tất cả chúng ta đều mong ước sống trong một thế giới an lạc và hạnh phúc hơn. Nhưng nếu chúng ta muốn biến nó trở thành hiện thực
Phương pháp luyện lực gTum-mo của truyền thống Tây Tạng đã được nhóm nghiên cứu ngành y khoa của đại học Harvard khảo sát tận nơi
Cảm ơn trang mạng tuyệt vời của quý vị, luôn cập nhật kịp thời mọi tình huống Phật giáo đang xảy ra khắp nơi trên thế giới.
Benazir Bhutto đã thoát chết trong vụ mưu sát tối 18 tháng 10 tại Karachi của xứ Pakistan. Dư luận được biết như vậy về một đòn khủng bố tự sát
Trước sự kiện các nhà dân chủ Trung quốc, đối lập với chế độ độc đảng hiện hành ở trung Quốc do Mao dựng lên, đang khẩn trương đưa nội dung cuốn sách
Ta phải nhận thức rõ ràng là mọi người mà ta tiếp xúc đều giống như ta trên nguyên tăc căn bản:  họ muốn được hạnh phúc.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.