Hôm nay,  

APEC và Vòng Doha

22/11/200600:00:00(Xem: 7275)

APEC và Vòng Doha

RFA & Nguyễn Xuân Nghĩa

...lãnh đạo Hà Nội không tôn trọng dân chủ, nhân quyền, lại coi thường vị trí của Lập pháp Mỹ nên cứ tưởng là chờ doanh giới Mỹ vận động là xong...

Hôm 18, lãnh đạo 21 nền kinh tế trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương APEC ra tuyên bố đặc biệt tại Hà Nội về nỗ lực khai thông bế tắc của vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về triển vọng của hồ sơ ấy trong phần trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện.

- Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, trước khi đi vào đề tài kỳ này là 21 hội viên của APEC muốn góp phần phục hoạt vòng đàm phán Doha của Tổ chức WTO – mà ông đã phân tích qua hai kỳ liên tiếp vào tháng Tám vừa qua – chúng tôi có câu hỏi của nhiều thính giả là vì sao Quốc hội Hoa Kỳ lại không kịp phê chuẩn quy chế mậu dịch bình thường và vĩnh viễn PNTR cho Việt Nam trước khi Tổng thống George W. Bush đến Hà Nội tham dự Thượng đỉnh APEC" 

- Câu hỏi sở dĩ được nêu ra vì ông đi ngược dư luận mà dự báo điều ấy khi mọi giới quan sát và truyền thông đều tin rằng ông Bush sẽ qua Hà Nội với món quà PNTR mà Việt Nam mong đợi. Và ngay cả sau khi Hạ viện không thông qua PNTR hôm Thứ Hai, hầu hết vẫn tin là trong phiên họp hôm Thứ Tư thì sẽ được thông qua, nhưng rốt cuộc Hạ viện đã hoãn họp, khiến Tổng thống Bush đi Việt Nam chẳng có quà cáp gì cả.... 

Có khi tôi chỉ gặp may! Lý do là khó ai đoán nổi mọi phản ứng của một xã hội đa nguyên như Hoa Kỳ, nhất là vào mùa bầu cử. Đi vào chi tiết thì tôi sở dĩ nhận định như vậy chủ yếu vì lãnh đạo Hà Nội chưa bình thường hoá quan hệ với người dân và không tôn trọng dân chủ và nhân quyền, mà lại coi thường vị trí của Lập pháp Mỹ nên cứ tưởng là chờ doanh giới Mỹ vận động là xong.

Kế đó, nếu theo dõi tranh luận tại Quốc hội Mỹ, như cuộc điều trần hồi tháng Sáu để Thượng viện phê chuẩn tân Đại sứ Thương mại Susan Schwab, rồi tình hình tranh cử giữa nhiệm kỳ, thì ta thấy rủi ro của thỏa ước PNTR vì xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng trong đảng Dân chủ. Chính quyền Bush lại kém khả năng huy động đảng Cộng hoà khi đảng này bị khốn đốn trong bầu cử. Rốt cuộc thì Việt Nam lỡ để hồ sơ của mình được cứu xét trong hoàn cảnh bất thường của chính trường Mỹ.

Dù sao, đây chỉ là sự chậm trễ ngắn hạn, nếu Hà Nội đừng phạm sai lầm khác, như bịt miệng dân chúng trong màn trình diễn APEC vừa qua.

- Hỏi: Bây giờ, chúng ta đi vào đề tài là việc APEC muốn kích động vòng đàm phán Doha của tổ chức WTO. Bối cảnh của vấn đề này là gì và vì sao việc ấy có ý nghĩa quan trọng"

 - Tháng 10 năm 2001, ngay sau vụ khủng bố 9-11 tại Hoa Kỳ, tổ chức WTO đã đề xuất một vòng đàm phán mới tại hội nghị ở thành phố Doha của xứ Qatar nhằm giải tỏa những cản trở trong luồng trao đổi ngoại thương giữa các nước, với mục tiêu chủ yếu là để nâng đỡ các nước đang phát triển. Sau gần năm năm thương thảo, vòng đàm phán vẫn lâm bế tắc và tháng Bảy vừa rồi, Tổng giám đốc WTO là ông Pascal Lamy đành quyết định tạm ngưng thảo luận để các nước có thời giờ hồi tâm.

Trong buổi ăn trưa ngày 15 vừa qua với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh của APEC tại Hà Nội, ông Pascal Lamy kêu gọi các nước APEC cùng hợp tác và doanh giới cùng vận động để khai thông bế tắc của vòng Doha. Ngày 18, lãnh đạo APEC nêu bốn điểm trong bản tuyên bố riêng gồm năm điểm nhằm khai thông hồ sơ bị ách tắc của tổ chức WTO.

- Hỏi: Cũng về bối cảnh, tương quan giữa APEC và WTO là như thế nào mà có tuyên bố ấy"

- WTO là một câu lạc bộ quy tụ 150 quốc gia trên toàn cầu chấp nhận cho nhau quy chế tự do mậu dịch với tối thiểu hạn chế, trong khi APEC là diễn đàn hợp tác của 21 nền kinh tế ở vòng cung Thái bình dương, từ phía Đông của Á châu qua phía Tây của lục địa Nam Bắc Mỹ.

Vì APEC quy tụ nhiều quốc gia đầu tầu về tự do mậu dịch, có 40% dân số địa cầu, sản xuất ra 56% tổng sản lượng và trao đổi khoảng 48% số lượng ngoại thương của thế giới, nên người ta mong rằng quan điểm của APEC sẽ có trọng lượng đối với một hồ sơ bị bế tắc của WTO.

- Hỏi: Thế vì sao vòng đàm phán Doha này lại bị bế tắc sau gần năm năm thảo luận"

- Như trong các vấn đề quốc tế, ta cần nhìn ra hai khía cạnh kỹ thuật và chính trị của mọi hồ sơ.

Về cốt lõi thì vòng đàm phán Doha muốn đạt hai mục tiêu bổ sung là thứ nhất giảm mức trợ cấp nông nghiệp của các nước giàu cho nông gia của họ, và thứ hai là linh động và tiệm tiến hạ thấp hàng rào quan thuế bảo vệ nông nghiệp tại các nước nghèo.

 Hồi tháng Bảy, vòng Doha tan vỡ vì ba lý do: thứ nhất, mức cắt giảm trợ cấp nông nghiệp của các nước giàu bị các nước nghèo coi như chưa đủ; thứ hai và chính yếu, hai khối kinh tế có thế lực là Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu lại có mâu thuẫn và đổ lỗi cho nhau về mức cắt giảm trợ cấp ấy; thứ ba, việc linh động hạ thấp hàng rào quan thuế của các nước nghèo bị nhiều nước cả giàu lẫn nghèo phê phán là trái với quy luật tự do mậu dịch của WTO. Khía cạnh kỹ thuật ở đây là tham vọng rất lớn và nội dung rất phức tạp của mục tiêu đề ra, chưa nói đến hồ sơ về công nghiệp và dịch vụ.

Khía cạnh chính trị ở đây là những trở ngại khó vượt qua từ phía Âu châu và nay càng không thể vượt qua từ phía Hoa Kỳ sau bầu cử. Vì vậy, từ tháng Tám vừa rồi, mục Diễn đàn Kinh tế của chúng ta mới có bài phân tách có tiêu đề là  “Di chúc Doha”, về những bất lợi rất lớn cho các nước nghèo, trong đó có Việt Nam.

- Hỏi: Tại Hội nghị APEC vừa qua, các thành viên APEC tuyên bố những gì để góp phần nối lại vòng đàm phán bị tan vỡ của WTO"

 - Họ cam kết đi bước đầu và xa hơn những cam kết đã có, là thứ nhất sẽ cắt giảm hơn nữa mức trợ cấp nông nghiệp làm lệch lạc quy luật trao đổi ngoại thương. Lời cam kết này được hiểu là từ các nước giàu. Thứ hai, họ cam kết mở rộng thị trường nông nghiệp hơn nữa. Lời cam kết này được hiểu là các nước đang phát triển sẽ hạ thấp hàng rào thuế quan của mình về nông nghiệp. Thứ ba, họ cam kết cắt giảm mức quan thuế với hàng công nghiệp, một cam kết rất phức tạp và khó thực hiện. Thứ tư, họ đưa ra cam kết mới về mở cửa thị trường dịch vụ, chủ yếu là tài chính ngân hàng, viễn thông và môi trường.

Trên đại thể thì các thành viên của APEC hứa hẹn sẽ hy sinh nhiều hơn và kêu gọi 130 hội viên kia của WTO cũng nên sẵn sàng như vậy để tái khởi động vòng đàm phán Doha theo lộ trình đã định. Nói cách khác, 21 trong 150 hội viên có trọng lượng nhất của WTO đã muốn phục hoạt vòng Doha với những cam kết về nguyên tắc nhằm phá vỡ những bế tắc hồi tháng Bảy nên đây mới là biến cố đáng chú ý.

- Hỏi: Liệu như vậy thì tương lai của vòng Doha có hy vọng gì không"

 - Tôi không mấy tin tưởng vì rất nhiều lý do cả kỹ thuật lẫn chính trị của các đối tác trong cuộc.

Trước hết là vì thế giới không chỉ có vòng cung Thái bình dương.

Cụ thể là ba trong bốn nước đại biểu của nhóm G-20 của các nước đang phát triển lại không có mặt trong diễn đàn APEC. Đó là Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Mà cùng với Trung Quốc, ba nước này đã có những đòi hỏi khá mạnh với các nước giàu làm vòng Doha bị kẹt. Họ muốn ‘được ăn cả, ngã về không’, và đã ngã.

Thứ hai là ách tắc lớn nhất của vòng Doha là chế độ trợ cấp nông sản lại là mâu thuẫn nặng giữa Hoa Kỳ và Liên Âu. Mà Liên Âu không có mặt trong diễn đàn APEC và lại có cơ chế đặc biệt là Chính sách Nông nghiệp chung, trong đó chỉ cần một nước không đồng ý là cũng hỏng. Tức là vòng Doha có thể tan vỡ nữa nếu chỉ có một quốc gia Âu châu không nhượng bộ. Quốc gia đó có thể là Pháp vì năm tới Pháp sẽ lại có bầu cử Tổng thống.

Thứ ba là hoàn cảnh của Hoa Kỳ với xu hướng bảo hộ mậu dịch lại thắng thế trong Quốc hội. Chính quyền của Tổng thống Bush chẳng những suy yếu mà sang năm còn có thể mất quyền đàm phán tự do theo thủ tục nhanh gọn, và khó chặn nổi những đòi hỏi trợ giá nông nghiệp của Quốc hội trong Đạo luật Nông nghiệp.

- Hỏi: Ông có thể trình bày rõ hơn một chút về mâu thuẫn nông nghiệp rất phức tạp giữa Hoa Kỳ và Âu châu được không"

- Tháng 10 năm ngoái, Hoa Kỳ đã muốn khai thông vòng Doha khi chấp nhận cắt giảm 60% loại trợ cấp nông sản làm lệch lạc thị trường và Liên Âu đáp ứng bằng cách giảm 70% mức trợ giá và 50% hàng rào quan thuế đánh trên nông sản nhập khẩu. Thật ra, hai nhượng bộ ấy không tương đương vì đa số trợ giá nông sản Âu châu đã sẵn cao gấp ba của Mỹ nên nếu như có giảm thì vẫn còn cao gấp đôi. Đã thế, Ủy viên Thương mại Âu châu là ông Peter Mandelson vừa đồng ý như vậy với Đại sứ Thương mại Mỹ là lập tức bị Pháp phản đối, với sự đồng tình của hơn một chục nước khác.

Lý do là Pháp và các nước kia được ngân sách của Âu châu tài trợ cho biện pháp hỗ giá nông nghiệp của họ. Nước Pháp được hưởng lợi nhiều nhất từ ngân sách Âu châu, mỗi năm lãnh khoảng 10 tỷ đô la, và lại đang chuẩn bị bầu cử vào năm tới. Với tỷ lệ ủng hộ còn thấp hơn tỷ lệ ủng hộ ông Bush tại Hoa Kỳ, Chính quyền của Tổng thống Jacques Chirac và Thủ tướng Dominique de Villepin khó nhượng bộ Mỹ để bị mất phiếu của cử tri nông gia. Cho nên ách tắc về trợ giá nông nghiệp Âu-Mỹ tiếp tục cản trở cỗ xe Doha của tổ chức WTO.

- Hỏi: Mà phía Hoa Kỳ thì cũng đã có đổi thay trên chính trường nên cũng khó nhượng bộ"

- Thưa vâng, và điều đáng buồn là trị giá nông sản chưa tới 8% ngoại thương thế giới và dân số lao động về nông nghiệp tại các nước công nghiệp chỉ là thiểu số rất ít, nhưng việc nâng đỡ thành phần này lại chi phối đời sống của đại đa số đến 70% người dân tại các nước nghèo. Thí dụ như gạo tại Việt Nam.

 Về kỹ thuật, Mỹ có hai đạo luật ban hành năm 2002 sẽ mãn hạn vào năm tới sau năm năm áp dụng. Thứ nhất, Đạo luật xưa gọi là “Fast Tract”, cho Hành pháp rộng quyền thương thảo về mậu dịch sau đó Quốc hội sẽ chỉ phê chuẩn trọn gói, đồng ý hay bác bỏ toàn bộ hiệp định đã thỏa thuận. Thứ hai là Đạo luật Nông sản gọi là Farm Bill quy định chính sách canh nông và nhất là trợ cấp nông nghiệp. Đạo luật này bị chi phối bởi những cam kết của Hoa Kỳ với nước ngoài.

 Về chính trị, Chính quyền Bush có chủ trương phát triển tự do mậu dịch và đã vận động được Quốc hội cho Hành pháp rộng quyền thương thảo, là điều chính quyền Clinton làm không nổi vì xu hướng bảo hộ ngay trong đảng Dân chủ của ông Clinton. Nhưng đạo luật ấy sẽ hết hạn vào cuối tháng Sáu năm tới và khó được Quốc hội khoá 110 tái tục vì đảng Dân chủ đã kiểm soát được cả hai viện. Thế rồi, vì những cam kết của Mỹ trong khuôn khổ Doha bị từ chối, qua năm tới, khi Quốc hội Mỹ thảo luận lại Đạo luật Nông sản, giới dân cử không bị ràng buộc bởi những cam kết đối ngoại đã có mà còn nhắm vào tổng tuyển cử 2008 nên càng muốn ve vãn cử tri bằng biện pháp trợ cấp. Với mức thắng bại đôi khi chỉ ở vài ngàn phiếu thì nếu họ có duy trì trợ cấp để vét phiếu cử tri cũng là điều dễ hiểu. Chính quyền Bush nay bị suy yếu nên khó tranh đấu với Quốc hội để thỏa mãn đòi hỏi của WTO, vì vậy, tôi mới hoài nghi về tương lai của vòng Doha.

- Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông, nếu vậy thì tương lai của WTO sẽ ra sao"

- Tôi nghĩ là không mấy sáng sủa. Và người ta có thể thấy điều ấy ngay trong bản Tuyên bố Hà Nội của các nhà lãnh đạo APEC khi kết thúc Thượng đỉnh vào ngày 19 vừa qua. Sau khi tái khẳng định việc ủng hộ nghị trình phát triển Doha như một ưu tiên, họ thừa nhận vai trò và giá trị của các Thỏa ước Thương mại Cấp vùng và các Hiệp định Thương mại Song phương.

Nôm na là nếu không xây dựng được cơ chế tự do mậu dịch cấp toàn cầu, giữa 150 hội viên của WTO, thì các nước vẫn tìm tới giải pháp thay thế làm mẫu mực là các hiệp định tự do mậu dịch giữa từng nước, gọi là Hiệp định song phương, hay trong từng khu vực. Trong hoàn cảnh ấy, các nước nghèo sẽ bị thất thế vì mất một cơ chế có địa bàn và thẩm quyền toàn cầu là WTO mà phải đi riêng cùng từng nước, trong từng vùng, với thế mạnh của các nước giàu nhất hay lớn nhất. Đây không là điều vui.

Trong một kỳ khác, ta có thể trở lại hồ sơ trợ giá nông sản tại các nước giàu và hậu quả cho các nước nghèo như Việt Nam.

- Xin cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong văn thơ Quảng Nam, nếu mì Quảng được nhắc bao nhiêu lần trong văn thì lũ lụt có lẽ cũng được nhắc nhiều lần như thế trong thơ. 
Kỹ sư Đỗ Nam Hải, thành viên ban đại diện lâm thời Khối 8406, ngay từ 8g sáng ngày 16-12
Cách đây không lâu tôi có viết một bài đăng trên báo Việt ngữ tựa đề “cần tìm hiểu thêm về đạo Hồi-Giáo” do bởi có đa số người Việt đã quá hiểu lầm về Hồi giáo
Lịch sử mấy nghìn năm dân Việt chống Bắc thuộc, đánh giặc Tàu, ngăn chận ý đồ bành trướng của Đại Hán kể như chấm dứt vào cái ngày định mệnh và ô nhục
Trong khi binh sĩ thuộc Đại Đội Charger đang diễn tập cho một công tác khác tại căn cứ của họ gần Iskanditiyah, phía nam Thủ Đô Baghdad
Gần 800 năm trước đây, khi đất nước Việt Nam bị quân Nguyên Mông xâm lược, vua tôi nhà Trần đã có hội nghị Diên Hồng lịch sử để nói lên quyết định đồng tâm nhất
Tôi là một trong những người đã tham gia cuộc biểu tình ngày 9/12/2007 trước Đại sứ quán Trung Quốc, phản đối chính quyền Trung Quốc
Giờ phút này đây, tại quê nhà yêu quý, đồng bào quốc nội đang sục sôi biểu tình trước tòa đại sứ và tòa lãnh sự Trung Quốc ở hai đầu tổ quốc
Đối với người Việt Nam, Trung Quốc là chuyện dài bất tận, bắt đầu ngay từ thời tổ tiên chúng ta lập quốc, và có lẽ không khi nào chấm dứt
Một sự kiện hy hữu vừa xảy ra tại Hà Nội & Sài gòn! Tại sao hy hữu" Vì từ khi lên nắm quyền bính đến nay, mới thấy nhà nước độc tài Việt gian Hà Nội
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.