Hôm nay,  

Đạo Tắc Equator

04/10/200600:00:00(Xem: 7863)

... vì sao các nước nghèo như Việt Nam chưa cho dân lập các hội thiện nguyện để bảo vệ quyền lợi của mình...

Khi tìm hiểu về đề tài "Cải cách Ngân hàng Thế giới", mục Diễn đàn Kinh tế tuần trước của chúng tôi đã trình bày sơ lược về những quy tắc hành xử văn minh gọi là Equator Principles. Kỳ này, chúng ta tìm hiểu tiếp về các quy tắc ấy trong phần trao đổi sau đây giữa kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa với Nguyễn An, người thực hiện chương trình.

- Hỏi: Thưa ông, trong tiết mục chuyên đề Diễn đàn Kinh tế vào tuần trước, ông có trình bày về chiều hướng cải cách Ngân hàng Thế giới nhân kỳ họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới tại Singapore. Chúng tôi xin đề nghị là tuần này, ta tiếp tục tìm hiểu về chiều hướng cải cách ấy và nhất là về quy tắc hành xử gọi là Equator Principles.

- Để thính giả tiện theo dõi chương trình, trước hết, xin ông trình bày tóm lược một số ý chính của kỳ trước liên hệ đến việc cải cách Ngân hàng Thế giới.

Thưa 60 năm sau khi được thành lập, hai định chế tài chính quốc tế thoát thai từ thỏa ước Bretton Wood thành hình vào cuối Thế chiến II là Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới đã phải xử lý với những đổi thay của thế giới. Trong kỳ họp thường viên vừa qua tại Singapore, người ta bắt đầu cải tổ cơ chế quyết định của IMF trong một kế hoạch sẽ kéo dài hai năm. Vì vậy, chúng ta mới nói đến bước kế tiếp là sẽ phải cải cách Ngân hàng Thế giới.

Tuần qua, khi đề cập tới việc cải cách ấy, chúng ta nói đến những sức ép từ nhiều góc độ khác nhau. Như thực tế kinh tế của thế giới có thay đổi với sự chuyển dịch quyền lực ngày càng nặng hơn về phía các nước đang phát triển nhờ trọng lượng kinh tế của họ; hoăc như sức ép của Hoa Kỳ đang đòi Ngân hàng Thế giới phải chú ý nhiều hơn tới các vấn đề liên hệ đến nạn tham nhũng và đến chế độ cai trị tại các nước nghèo và phải định ra tiêu chuẩn của việc tài trợ, hậu quả của dự án được tài trợ đối với môi sinh và xã hội. Một sức ép đáng kể nữa là từ các tổ chức ngoài chính phủ, các NGO, đòi Ngân hàng Thế giới phải quan tâm đến nhiều khía cạnh không thuần túy kinh tế tài chính, thí dụ như môi sinh, nhân quyền hoặc điều kiện lao động tại các nước nghèo được định chế này viện trợ.

Trong khi ấy, Ngân hàng Thế giới vẫn phải huy động vốn và trả tiền lời cho chủ đầu tư trên thị trường tài chính quốc tế và còn gặp sự cạnh tranh của các ngân hàng khác kể cả ngân hàng của Trung Quốc, vốn ít đặt điều kiện về tài trợ hơn Ngân hàng Thế giới mà còn dễ dãi cho các nước khác vay mượn vì những mục tiêu ngoại giao và chiến lược.

- Hỏi: Như vậy, Ngân hàng Thế giới sẽ phải được cải cách để ứng phó với tình hình mới. Ông cho rằng định chế này sẽ cải cách theo chiều hướng nào"

- Người ta chưa thể biết được, nhưng giới quan sát thì cho rằng định chế này đang ở trước hai chọn lựa lưỡng nan.

Một là vẫn tranh đấu để giành lấy một tỷ lệ lớn trên thị trường cấp phát tín dụng cho các nước đang phát triển và trong hoàn cảnh ấy sẽ thường xuyên bị áp lực gọi là lý tưởng của Hoa Kỳ mà lại gây bực bội cho nhiều nước góp vốn khác từ Âu châu và có thể vì vậy sẽ mất khách hàng, mất thân chủ, mất người đi vay.

Chọn lựa thứ hai là chủ động thu gọn tầm hoạt động vào các dự án xứng đáng nhất về nhiều mặt, nhưng sẽ chỉ là một trong nhiều ngân hàng tài trợ trên thế giới, một ngân hàng có uy tín và giá trị tượng trưng mà mất dần thực lực. Tân Chủ tịch Paul Wolfowitz của Ngân hàng Thế giới sẽ phải quyết định về hướng cải cách ấy, và cho đến nay, ông vẫn giữ nguyên tham vọng tài trợ tối đa cho các nước nghèo, theo mục tiêu lý tưởng ban đầu của định chế tài chính này.

- Hỏi: Bây giờ, ta đi vào đề tài chính của kỳ này, là quy tắc hành xử gọi là Equator Principles. Nhiều thính giả có thể ngạc nhiên vì các ngân hàng lại tuân thủ những quy tắc ấy.

Mà tôi thiển nghĩ rằng ta nên gọi là "Đạo tắc Equator" vì chúng không chỉ là các nguyên lý hay nguyên tắc về hoạt động ngân hàng mà còn thiên về các tiêu chuẩn đạo lý.

Trước tiên, trong bộ môn gọi là "kinh tế học phát triển" - chủ yếu là kinh tế học của các nước đang phát triển để ra khỏi hoàn cảnh chậm tiến hay nghèo đói - người ta chú trọng đến các "dự án", đa số là loại dự án phát triển hạ tầng, năng lượng, công nghiệp, có quy mô lớn và tầm ảnh hưởng cao đến công cuộc phát triển. Một giai đoạn then chốt của loại dự án này là việc tài trợ, tìm nguồn vốn thực hiện - thí dụ như qua một định chế viện trợ quốc tế như công ty tài chính IFC của Ngân hàng Thế giới hoặc qua các ngân hàng tư nhân.

Do áp lực của các nước nghèo và nhất là từ các tổ chức ngoài chính phủ NGO, năm 2002, cơ quan IFC xướng xuất sáng kiến là mời các ngân hàng tư nhân cùng tuân thủ một số quy tắc tài trợ các dự án ấy để kết hợp tiêu chuẩn tài trợ những mối quan tâm ngoài kinh tế tài chính liên hệ đến môi sinh và xã hội. Được gọi là Đạo tắc Equator, sáng kiến ấy thành hình từ năm 2003 và định ra một số đường hướng tự nguyện về môi sinh và xã hội cho các ngân hàng.

Đến nay có hơn bốn chục ngân hàng quốc tế đã tham gia chương trình đồng thuận ấy, trong số đó có ABN-AMRO Bank của Hà Lan, có Bank of America, CityGroup hay JPMorgan Chase của Hoa Kỳ, v.v… Nếu kể về khối lượng thì các ngân hàng này tổng cộng tài trợ đến gần 80% các dự án. Gần đây, vào tháng Bảy vừa qua, hệ thống Đạo tắc Equator ấy còn được mở rộng thêm về tầm ảnh hưởng và đào sâu hơn về phẩm chất của các tiêu chuẩn tài trợ.

Đây là điều mà các nước xin vay, kể cả và nhất là Việt Nam, cần quan tâm theo dõi để biết rõ luật chơi của thế giới, hoặc quy tắc hành xử văn minh của các ngân hàng.

- Hỏi: Xin ông trình bày cho thính giả rõ đôi chút về những quy tắc đạo lý ấy.

Về đại thể, Đạo tắc Equator áp dụng cho các dự án đầu tư trị giá từ 10 triệu Mỹ kim trở lên và đề ra là các ngân hàng ký kết chỉ tài trợ cho những dự án hội đủ một số điều kiện sau đây:

Thứ nhất, mức rủi ro của dự án được xếp loại theo các tiêu chuẩn thanh lọc về môi sinh và xã hội do công ty IFC đề ra. Thứ hai, về các loại dự án có mức rủi ro trung bình hay cao  - loại A và B - thì giới chức bảo trợ phải làm một "Lượng định về Môi sinh" mà việc soạn thảo phải đáp ứng một số đòi hỏi và phải thoả mãn những vấn đề được nêu lên về môi sinh và xã hội. Thứ ba, báo cáo "Lượng định về Môi sinh" này phải thỏa mãn hàng loạt mấy chục điều kiện cơ bản về môi sinh và xã hội, cả luật lệ của nơi thực hiện dự án lẫn các thỏa ước của quốc tế. Thứ tư, trên cơ sở của báo cáo ấy, ngân hàng tài trợ sẽ thỏa thuận với thân chủ hay quốc gia thân chủ về cách kiểm tra và ứng phó với những rủi ro về môi sinh và xã hội. Nếu thân chủ không chấp nhận hoặc không tuân thủ thì việc tài trợ có thể được chấm dứt, khách nợ phải lập tức hoàn trả tiền vay. Thứ năm, với các dự án có rủi ro cao thì khách vay nợ cần tham khảo ý kiến của các tổ chức NGO, các thành phần dân chúng bị thiệt hại vì dự án và phải cung cấp cho tiết rõ ràng về rủi ro của dự án. 

Do sức ép rất mạnh của các NGO, hôm mùng sáu tháng Bảy vừa qua, Đạo tắc Equator vừa được điều chỉnh thêm nhưng vẫn gặp sự ủng hộ còn dè dặt của các tổ chức này. Các NGO còn lập ra một cơ chế mệnh danh là BankTrack để theo dõi nghiệp vụ tài trợ của các ngân hàng cho những dự án phát triển của các nước nghèo.

- Hỏi: Chúng tôi xin được hỏi thêm về điều kiện thứ tư đó là các thân chủ hay quốc gia đi vay phải tuân thủ những cam kết với ngân hàng tài trợ như thế nào và các tổ chức ngoài chính phủ NGO tham gia vào việc theo dõi những cam kết ấy như thế nào"

- Trên cơ sở của báo cáo gọi là "Lượng định về Môi sinh", bên xin vay và bên cho vay cùng ký kết một thỏa ước trong đó có nêu ra những điều kiện về môi sinh hay xã hội làm khuôn khổ kiểm tra theo dõi. Việc kiểm tra ấy có thể cần tới quan điểm chuyên môn của các NGO và nếu thấy có vi phạm, các NGO sẽ nêu vấn đề và việc tài trợ có khi chấm dứt. Nghĩa là giữa người cho vay và người đi vay ngày nay lại có thêm một thành phần khác là các NGO hay những người bị ảnh hưởng của dự án, và họ có quyền lên tiếng.

- Hỏi: Ông đang đề cập tới một hiện tượng rất lạ của thế giới là các tổ chức ngoài chính phủ nay lại có khả năng can thiệp vào nghiệp vụ của các ngân hàng.

- Không những vậy, mà họ còn can thiệp vào chính sách môi sinh, giáo dục, lao động hay diệt trừ tham nhũng hoặc vào chế độ cai trị và nhân quyền của các nước nghèo. Đồng thời họ chi phối luôn cả quyết định kinh doanh của nhiều doanh nghiệp quốc tế đang muốn thực hiện các dự án phát triển ấy tại các nước nghèo.

Chúng ta không quên là các dự án xây dựng hạ tầng, hay năng lượng hay khai thác tài nguyên khoáng sản thường do các tổ hợp quốc tế thực hiện cho các nước đang phát triển. Đạo tắc Equator chi phối việc tài trợ các dự án đó cũng mặc nhiên ảnh hưởng đến tính toán lời lỗ của các doanh nghiệp quốc tế và ngoài ra còn khiến các chế độ độc tài hay tham ô phải suy nghĩ lại về cách cai trị của mình. Đây là một hiện tượng lạ nhưng không hẳn là mới vì đã xuất hiện từ vài thập niên rồi mà dư luận chưa chú ý thôi.

- Hỏi: Đến đây, có lẽ ông phải trình bày lại diễn tiến của các cuộc vận động ấy từ mấy chục năm qua, nếu không, thính giả có thể không thấy ra một trào lưu mới của thế giới, một trung tâm quyền lực mới của địa cầu.- Ban đầu, người ta chỉ chú ý đến quan hệ giữa công dân và chính quyền, rồi quan hệ giữa các chính quyền với nhau, rồi quan hệ giữa các nước với các định chế quốc tế. Nhưng từ thập niên 80 trở đi, người ta thấy xuất hiện các tổ chức thiện nguyện, các cơ quan hiệp hội nằm ngoài chính quyền - quốc gia hay quốc tế - và các NGO này hoạt động ngày càng tích cực hơn.

Có loại NGO mà mục tiêu và bản chất là chống kinh tế thị trường và chống toàn cầu hoá và họ mất dần ảnh hưởng trong các nước đang phát triển vốn cần tự do kinh tế để phát triển và thoát khỏi cảnh nghèo đói lạc hậu. Ngược lại, có nhiều NGO đã nương theo kinh tế thị trường mà nhắm vào việc cải thiện môi trường sinh sống cho các nước nghèo. Thay vì chống lại các tập đoàn đa quốc hay các đại tổ hợp kinh doanh quốc tế, các NGO này tác động vào một khâu chiến lược là nguồn tài trợ, vào các ngân hàng.

Và điều ấy dẫn tới sáng kiến Đạo tắc Equator của công ty IFC của Ngân hàng Thế giới, với mục tiêu vẫn là cải thiện chế độ bảo vệ môi sinh và xã hội cho các nước nghèo. Các NGO tương đối đã thành công vì sau khi đòi hỏi các định chế tài chính quốc tế phải quan tâm đến vấn đề này, bây giờ họ còn chi phối mục tiêu tài trợ của các ngân hàng tư nhân.

- Hỏi: Câu hỏi cuối của chúng tôi là "tương lai rồi sẽ ra sao""

- Tôi thiển nghĩ là các NGO này sẽ hành xử quyền lực mới của họ như thế nào" Đây là biểu hiện bất ngờ và rất mạnh của xã hội dân sinh, xã hội dân sự, của "civil society" như người ta đang nói tới.

Ngày xưa các NGO này đứng ngoài để phản đối hay đòi hỏi; ngày nay, khi được mời tham gia vào tiến trình quyết định của các ngân hàng thì họ sẽ ứng xử ra rao" Họ sẽ tiếp tục đòi hỏi thêm quyền hạn mà không có khả năng hành xử hay là họ sẽ đóng vai trò phê phán và quyết định xây dựng trong tiến trình thẩm tra và tài trợ dự án" Giữa hai thái cực ấy, các tổ chức NGO sẽ phải tìm ra một giải pháp tác động công hiệu hơn cả.

Và một câu hỏi sau cùng cũng chưa có giải đáp, là sẽ có những NGO nào theo dõi mục tiêu và thành quả của các NGO tích cực và ồn ào nhất"

Cho đến nay, trong khuôn khổ gọi là "toàn cầu", các NGO có ảnh hưởng nhất thường xuất phát từ các nước giàu có, và họ tranh đấu cho người dân của các nước nghèo. Nhưng vì sao các nước nghèo như Việt Nam lại chưa cho dân chúng thành lập các hiệp hội thiện nguyện để bảo vệ lấy quyền lợi của mình" Thế giới đã có các hiệp hội nêu vấn đề về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và ngân hàng, vì sao người dân tại các nước nghèo lại không được quyền lập hội để nêu vấn đề cho mình"

Xin cảm ơn kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa với câu hỏi sau cùng này, "vì sao người dân tại các nước nghèo lại không được quyền lập hội để tranh đấu cho quyền lợi của mình"" Xin kính chào ông.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày 14 & 15/3/2008, lợi dụng một vài hành động quá khích của một số thanh niên Tây Tạng, Trung Quốc đã huy động cảnh sát dã chiến và xe tăng thẳng tay đàn áp
Đại tướng David Petraeus sẽ đi vào một chiến trường khác, tại Hoa Kỳ... Thứ Ba này, tư lệnh chiến trường Iraq là Đại tướng David H. Petraeus
Hầu như đối với tất cả dân tộc Á châu nói chung và Việt Nam nói riêng, mật gấu được xem như là một linh dược
Trong những ngày gần đây, giữa không khí sôi nổi khởi đầu mùa bầu cử Hoa Kỳ nói chung và cộng đồng người Việt nói riêng
Lễ Hội Quan Âm đã trở thành truyền thống thiêng liêng, được tổ chức hàng năm tại Trung Tâm Phật Giáo - Chùa Việt Nam, thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ.
...Khi kinh tế hồi phục với giá cả ổn định thì họ đã sạt nghiệp hay chết đói từ năm ngoái...
Tại sao môn Lịch sử lại bị coi thường đến độ Nhà nước cũng không thèm quan tâm đến, nhưng nếu phải học thì học sinh chỉ được dậy những gì có lợi cho đảng Cộng sản Việt Nam "
Buổi thuyết trình đã diễn ra vào hồi 11 giờ sáng tại trụ sở của Hội đồng An ninh Quốc gia trực thuộc Phủ Tổng thống
Có lẽ không ít người trong chúng ta hàng ngày có dịp đi qua Richmond Highway (U.S. 1), góc với Telegraph Road, mà ít để ý đến một ngôi nhà thờ thật khiêm tốn
Những người nhận được trợ cấp an sinh xã hội (social security beneficiaries) có nhận được tiền trợ cấp kinh tế của chính phủ (economic stimulus payments) hay không"
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.