
“Sống theo lệnh hành pháp, chết theo lệnh hành pháp” – Đó là nội dung của tỉ phú giàu nhất thế giới Elon Musk viết trên Twitter, đề cập đến quyết định đóng băng các khoản viện trợ quốc tế nhân đạo, phát triển và an ninh do Donald Trump đã ký khi bước vào kỷ nguyên “Thời Hoàng Kim.”
Lịch sử
Sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, Mỹ khởi xướng Kế Hoạch Marshall vào năm 1948 để giúp tái thiết kinh tế Châu Âu và ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Khi nhận thấy cần có một cơ quan phát triển phối hợp, Tổng thống John F. Kennedy đã ký lệnh hành pháp 10973 Foreign Assistance Act vào ngày 4/9/1961, và ký thành luật thành lập Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ngày 3/11, tập trung vào phát triển kinh tế và xã hội trong thời gian dài, thay vì chỉ viện trợ quân sự hoặc khẩn cấp. Cơ quan này được tạo ra để hợp nhất các nỗ lực viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ và thúc đẩy phát triển toàn cầu như một phần của chính sách đối ngoại quốc gia.
Thời Chiến Tranh Lạnh, USAID đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản bằng cách cung cấp viện trợ cho các nước ở Châu Phi, Mỹ Latinh và Châu Á. USAID là nguồn là viện trợ chính cho các chương trình phát triển tập trung vào nông nghiệp, y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Cuộc Cách Mạng Xanh (Green Revolution 1960s-1970s) giúp tăng sản lượng lương thực ở các nước thứ ba với sự hỗ trợ chính của USAID.
Sau khi Liên Xô sụp đổ (1991) USAID chuyển trọng tâm sang thúc đẩy dân chủ và hỗ trợ kinh tế ở các quốc gia hậu cộng sản. USAID đóng vai trò chính trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng nhân đạo như đại dịch HIV/AIDS, sóng thần và xung đột tại châu Phi và Balkan.
Trong kỷ nguyên hiện đại (2010s đến nay,) USAID đã mở rộng vai trò của mình trong đối phó với biến đổi khí hậu, chống khủng bố và phát triển kỹ thuật số. Trong các cuộc khủng hoảng đại dịch toàn cầu như Ebola (2014), USAID đã dẫn đầu nỗ lực ứng phó của toàn bộ chính phủ quốc tế để ngăn chặn dịch bệnh và giảm số ca mắc Ebola xuống zero.
Trong đại dịch Covid-19 (2020), các chương trình của USAID đã giúp cung cấp và quản lý vắc-xin COVID-19 trên toàn cầu, mở rộng khả năng tiếp cận xét nghiệm và điều trị Covid-19, bảo vệ và đào tạo nhân viên y tế, cung cấp các mặt hàng và thiết bị y tế cứu sống, lan truyền thông tin y tế công cộng chính xác và đáng tin cậy, bảo vệ an ninh y tế toàn cầu.
‘Chết theo lệnh hành pháp’
Đó là lịch sử. Lịch sử đã chứng thực qua thời gian rất dài về vai trò quan trọng, nhân đạo, và hiệu quả của USAID. Từ một chiến lược của Tổng thống John F. Kennedy tạo ra ở đỉnh cao của Chiến Tranh Lạnh để chống lại ảnh hưởng của Liên Xô, ngày nay USAID đã chuyển hóa thành một cơ quan nhân đạo và phát triển hàng đầu thế giới, định hình các chính sách quốc tế về y tế, giáo dục, tăng trưởng kinh tế và cứu trợ thiên tai. Thậm chí, trong một bản tin trên PBS News ngày 1/2/2025 ghi nhận về vai trò của USAID ngày nay là điểm mạnh trong những thách thức của Hoa Kỳ đối với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc – quốc gia có chương trình viện trợ nước ngoài thành công là “Vành đai và Con đường.”
Nhưng, khi bước vào kỷ nguyên “Thời Hoàng Kim”, Tổng Thống Trump và đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội cho rằng phần lớn các chương trình viện trợ và phát triển nước ngoài của USAID là lãng phí.
Đầu giờ chiều Chủ Nhật 2/2/2025, hai giám đốc an ninh hàng đầu của Cơ quan Phát Triển Quốc Tế Mỹ (USAID) bị buộc nghỉ việc sau khi họ từ chối gửi tài liệu mật của USAID cho các nhóm điều tra của cơ qun DOGE của Elon Musk. Trang web usaid.gov bị đào thải như chưa từng hiện diện trong chính phủ Hoa Kỳ. Tất cả chỉ là dòng chữ “Không thể truy cập.” Tài khoản của USAID trên Twitter cũng bị Elon Musk xóa bỏ hoàn toàn và thông báo trên danh khoản của Musk rằng: “USAID là một tổ chức tội phạm hình sự. Đây là thời điểm nó phải chết.” Trước đó, hàng trăm nhân viên USAID đã bị buộc nghỉ việc cùng với lệnh hành pháp đóng băng những viện trợ nhân đạo nước ngoài trong 90 ngày.
Vào sáng Thứ Sáu 31/1, các nhân viên của khoảng sáu cơ sở y tế do Hoa Kỳ tài trợ ở Sudan, những người chăm sóc trẻ em suy dinh dưỡng nghiêm trọng đã phải đưa ra lựa chọn: họ phải bất chấp lệnh của Tổng thống Donald Trump yêu cầu dừng hoạt động ngay lập tức, hoặc để 100 trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi tử vong.
Họ đã chọn sự sống cho những đứa trẻ này.
Theo điều tra độc lập của phóng viên ProPublica, bất tuân lệnh này, những nhân viên nhân đạo sẽ giữ các cơ sở y tế của họ hoạt động, đến khi nào không thể được nữa. Lệnh của tổng thống Mỹ cũng có nghĩa là họ phải ngừng nhận các khoản tiền đã được phê duyệt trước đó để chi trả lương, túi truyền dịch và các vật dụng y tế thiết yếu khác. Họ cho biết “chỉ có thể cầm cự vài ngày, chứ không phải vài tuần, vì ngân sách cạn kiệt.”
Các tổ chức viện trợ do Mỹ tài trợ trên toàn cầu, có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ chăm sóc cứu sống cho nhóm dân số dễ bị truyền nhiễm nhất, đã buộc phải dừng lại, từ chối bệnh nhân và sa thải nhân viên sau một loạt các lệnh đóng băng viện trợ từ chính quyền Trump. Trong số các chương trình bị đình lại, có chăm sóc y tế khẩn cấp cho người Palestine và người Yemen chạy trốn chiến tranh, cung cấp sưởi ấm và điện cho người tị nạn Ukraine, điều trị HIV và giám sát bệnh đậu mùa khỉ ở Châu Phi.
Tiến sĩ Jennifer Furin của Harvard Medical School nhận lệnh ngừng chương trình thiết kế kế hoạch điều trị cho những người mắc các dạng bệnh lao phổi thích ứng với các loại thuốc kháng sinh nói với ProPublica: “Tôi đã là bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm trong 30 năm và tôi chưa bao giờ thấy điều gì khiến tôi sợ hãi như thế này. Thật đáng sợ.”
Tiến sĩ. Atul Gawande, người giám sát các chương trình quan trọng với tư cách là trợ lý quản trị viên về sức khỏe toàn cầu của USAID nói trong một chương trình phỏng vấn với PBS News:
“Hệ thống thông tin trung tâm của USAUD đã bị cắt vào Thứ Năm 27/1. Việc phân phối thuốc được lệnh dừng lại. Và điều đó ảnh hưởng đến 20 triệu người cần những loại thuốc đó để duy trì sự sống. Dù hy vọng rằng lệnh miễn trừ sẽ mở ra cánh cửa để công việc đó được tiếp tục. Nhưng chúng ta không biết được câu trả lời, lệnh miễn trừ có vẻ không bao hàm những chương trình này.”
Tiến sĩ Furin đề cập đến Congo, nơi đang cảnh báo về đợt bùng phát dịch Ebola. Hoa Kỳ dưới thời Trump đã tách khỏi WHO, các tổ chức như USAID, CDC không được phép liên lạc. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ không còn là quốc gia được nhận vắc-xin do WHO phân phối trước các đợt dịch bùng phát.
Sau khi không thành công trong nỗ lực cắt giảm ngân sách viện trợ nước ngoài trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Trump đã đổi lại, vận động tranh cử trên khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết.” Hoa Kỳ cung cấp khoảng 60 tỷ đô la viện trợ nhân đạo và phát triển phi quân sự hàng năm, nhưng nó chỉ ít hơn 1% ngân sách liên bang, và nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Bằng “cách chơi chữ” “Make America First,” Trump đã đập nát các chức năng chính của USAID. Cú đánh này không thể nói là “chính sách” bởi vì cho đến nay, chính quyền Donald Trump chưa biết sẽ điều chỉnh vai trò của USAID theo cách nào khác.Jeremy Konyndyk, chủ tịch của nhóm viện trợ Refugees International nói với NPR “Họ đang loại bỏ hoàn toàn USAID mà không có kế hoạch và không đưa ra lý do. Hậu quả của điều đó sẽ rất nghiêm trọng.”
USAID là mạng lưới hàng trăm ngàn người được hỗ trợ bởi các giải thưởng và khoản tài trợ đang thay mặt cho Hoa Kỳ hợp tác với các quốc gia khác về các lĩnh vực cùng quan tâm. “Đó là sức mạnh mềm của chúng tôi. Họ đang làm những công việc như thúc đẩy nông nghiệp, thúc đẩy thị trường và phát triển, cũng như phát triển kinh tế và y tế,” Tiến sĩ Jennifer Furin nói.
Sứ mệnh của USAID là một tập hợp cốt lõi của hàng loạt công việc, lĩnh vực ảnh hưởng đến toàn nhân loại. Khi cúm gia cầm bùng phát và làm chết một người dân Mỹ, nhóm của Tiến sĩ Furin đã theo dõi sự di chuyển của virus này trên khắp 49 quốc gia. Công việc này hiện phải dừng lại giữa lúc dịch cúm gia cầm bùng phát chưa ngăn chặn được.
Nước Mỹ hùng cường; Nước Mỹ nhân đạo; Nước Mỹ là “anh cả của thế giới về khoa học, y tế”…những ngôn từ mô tả về một đất nước mạnh mẽ, vĩ đại, đã trở nên xa xỉ và lỗi thời chỉ sau hai tuần nhậm chức của Donald Trump.
Hiểu theo một cách nào đó thì câu “sấm” của Elon Musk nói rất đúng: “Sống theo lệnh hành pháp, chết theo lệnh hành pháp.” Nước Mỹ đã có hơn trăm năm tự hào về lệnh hành pháp chuẩn mực của các lãnh đạo quốc gia, thúc đẩy phát triển toàn cầu như một chính sách đối ngoại. Thì nay, người dân Mỹ, và các dân tộc khác trên thế giới đang cần sự giúp đỡ, đang phải “chết theo những lệnh hành pháp.”
Kalynh Ngô