Hôm nay,  

S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến – Côn Minh

04/12/202220:31:00(Xem: 7561)

S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến

tnt 1

Gần hai mươi năm trước, tôi hân hạnh được Đại Tá Phạm Văn Liễu gửi cho mấy tập hồi ký (Trả Ta Sông Núi) cùng lời yêu cầu viết một bài giới thiệu về tác phẩm của ông. Tôi thưa lại rằng mình rất vinh dự khi được nhờ cậy. Tuy nhiên, theo công tâm, tôi sẽ góp đôi lời về những trang sách mà tác giả đề cập đến những nhân vật quá cố (Ngô Đình Diệm & Hoàng Cơ Minh) với quá nhiều hằn học.

 

Ông không đồng ý như thế nên chút duyên nợ, về chữ nghĩa, giữa chúng tôi đã không có cơ thành tựu. Từ đó đến nay, thỉnh thoảng tôi vẫn được đọc thêm những cuốn hồi ký khác, của nhiều nhân vật khác.

Phần lớn những người Việt Nam đi làm cách mạng, hồi đầu thế kỷ trước, đều có lúc phải sang Trung Hoa lánh nạn. Họ thường đi qua ngả Vân Nam vì địa danh này giáp giới với miền Bắc nước mình.

 

Phạm Văn Liễu cũng thế. Là một đảng viên Việt Quốc ông đã phải lưu lạc đến Côn Minh (thủ phủ của Vân Nam) khi còn là một thanh niên, ở tuổi đôi mươi. Ông kể lại rằng khi đang bơ vơ nơi đất lạ quê người thì may mắn được một phú gia người Hoa cho tá túc. Không những thế (và có lẽ vì cảm cái khí phách và nhân cách của chàng trai nước Việt) ông còn được vị ái nữ xinh đẹp, cùng cả gia đình, của vị đại gia này đem lòng thương mến.

 

Thiệt là quá đã!

 

Nếu tôi mà rơi vào hoàn cảnh tương tự thì cuộc đời cách mạng, tới đây, là … kể như rồi. Bôn ba làm chi, cho má nó khi. Làm rể người giầu, bất kể Tây/Tầu, là cơ hội hiếm, và (rất) không nên bỏ lỡ. Quan điểm nhân sinh (nhỏ hẹp) của tôi, tất nhiên, cũng không được Phạm Văn Liễu đồng tình. Vì nghĩa lớn nên ông từ chối một cuộc sống ấm êm, bên cạnh mỹ nhân, và lại khoác áo lên đường, để lại biết bao là luyến thương (cùng sầu muộn) trong lòng người ở lại.

 

Tôi vốn hay thương vay khóc mướn nên cứ áy náy hoài về mối tình (dang dở) của vị tiểu thư Trung Hoa, và có cảm tình mãi với vùng đất mà cô sinh trưởng. Vì vậy nên ngay sau khi cầm được cái visa sang Tầu là tôi mua vé bay ngay đến Côn Minh.

 

Phi cơ hạ cánh giữa mưa. Nhìn núi đồi nhấp nhô và mờ nhạt xa xa khiến tôi cứ ngỡ như mình vừa đáp xuống phi trường Liên Khương, vào một chiều mưa nào đó (tưởng chừng) như vẫn chưa xa xôi lắm. Cũng như Đà Lạt, Côn Minh ở độ cao hai ngàn mét nên khí hậu rất dịu dàng. Cây cỏ xanh tươi, đất trời mát rượi. Xa lộ dẫn vào thành phố khá tân kỳ. Đường rộng thênh thang. Hoa lá được chăm sóc kỹ càng, tử tế. Tôi đã đặt phòng với giá rẻ nhất, chưa tới mười Mỹ Kim, bao luôn ăn sáng. Phòng ngủ chung nhưng nhà trọ vắng khách nên chỉ có mình tôi với mấy cái giường đôi, ngó trống trải thấy mà ái ngại.

 

Sau một giấc ngủ dài, tôi đeo máy ảnh đi loanh quanh khi trời chiều còn sáng. Đường phố rộng rãi, được phân làn rõ ràng và trật tự. Côn Minh không thiếu ô tô, và có nét đặc thù là rất nhiều xe hai bánh điện (e-bike) cùng không ít xe đạp. Tranh cổ động dán ở khắp nơi. Dù không đọc được tiếng Hoa nhưng tôi cũng đoán được nội dung rất “lành mạnh” qua sắc mầu tươi vui, và những nét vẽ đơn sơ mộc mạc: giữ vệ sinh chung, nhường nhịn người già, chăm sóc cây cảnh…

Điều đáng nói là Côn Minh không chỉ làm đẹp bằng tranh cổ động. Du khách còn có thể thấy được “thiện chí” của thành phố này qua những con phố không bụi rác, và những nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ (miễn phí) dù không dễ tìm. Tuy nhiên, chỉ cần rời bỏ đại lộ với những cao ốc chọc trời và rẽ ngang vào bất cứ một con đường ngang nào khác là sẽ có ngay một Côn Minh khác. Nhà cửa cũ kỹ, mái ngói rêu phong, cái nghèo có thể nhìn thấy được qua những cánh cửa mở toang (giường tủ, bàn ghế bừa bộn, tuềnh toàng và qua những khuôn mặt buồn phiền, cam chịu.

 

Tua tủa hai bên những con đường nhỏ là những ngõ hẻm sâu, vừa chỉ vừa lọt một chiếc xe đạp hay hai người đi bộ trái chiều. Cái gì chứ cảnh nghèo ở Á Châu thì tôi nhìn thấy hoài mà (ở Miên, ở Miến, ở Lào đều như vậy tuốt) nên không có hứng thú tiếp tục lần dò tiếp vào những ngõ ngách khai khai, tôi tối, và âm ẩm của Côn Minh. Trở ra đường lớn thì không thiếu hàng quán tấp nập nhưng tôi không có thói quen ăn tiệm mình ên nên mua một phần cơm chỉ hai món (đậu đũa xào và thịt heo kho trứng) hết mười lăm nhân dân tệ, cỡ hai MK, và một chai rượu nhỏ cùng giá. Về lại nhà trọ, tôi ngồi nhai trệu trạo vì bụng không thấy đói và rượu thì quá dở : đã nhạt phèo mà lại còn có vị hơi ngòn ngọt nữa. Thiệt là vô duyên hết biết luôn!

 

Tôi không vào được gmail, face book, hay youtube. Mấy trang mạng quen thuộc cũng không luôn nên nghĩ rằng có lẽ vì mình thuê chỗ ở quá rẻ tiền nên wifi yếu. Thôi thì đành mua rượu uống nữa, dù là rượu dở, rồi lăn ra ngủ tiếp. Sáng hôm sau tôi chạy ngay đi nơi khác, vào khách sạn có sao tử tế (Spring City Star Hotel) trên một con lộ lớn: No.636 Beijing Road, Panlong District 650051 China / Yunnan / Kunming. Pass word của wifi ghi sẵn luôn trong thang máy. Thiệt là văn minh chưa từng thấy. Nhận phòng xong là tôi mở labtop liền.

 

Tưởng sao? Cũng y như hôm qua thôi. No Gmail, no face book, no youtube … , dù những hình ảnh quảng cáo khách sạn hay vé máy bay (Agoda, Travelgenio, Jetcost, Expedia, Cheapoair …) vẫn xuất hiện đều đều, và thử bấm chơi thì đều chạy vo vo. Tới lúc đó tôi mới chợt nhớ ra rằng (thôi chết mẹ rồi) mình đang ở trong đất Tầu. Côn Minh đâu phải là Vientiane, Phnom Penh, Yangon, hay Bangkok. Đây là thủ phủ của một tỉnh thuộc Trung Hoa Lục Địa, và bưng bít thông tin vốn là “chủ trương xuyên suốt” của mọi đảng CS mà. Thảo nào mà những người trẻ, ở nơi này, chả thấy mấy ai chăm chăm cầm cái smart phone như nhiều nơi khác! Tự nhiên lại chợt nhớ đến Lưu Hiểu Ba, và câu nói lạc quan của ông khi còn tại thế: “Internet là món quà Chúa ban cho Trung Quốc. Nó là công cụ tốt nhất cho nhân dân Trung Quốc đang mơ ước vất đi sự nô lệ và đạt đến tự do.”


tnt 2

 

Có lẽ vì món quà này quí báu quá nên Đảng CS Trung Hoa phải nhất định giằng lại” bằng mọi giá, kể cả cái giá là sự ngu dân để Nhà Nước dễ bề cai trị. Thôi thì tạm quên Lưu Hiểu Ba, quên internet, và lại tiếp tục đi lòng vòng phố xá cho rộng tầm con mắt. Mắt tôi đụng toàn chữ Hán, đủ kích cỡ khác nhau nhưng đều đỏ rực như nhau – ngoại trừ tên mấy cái ngân hàng và khách sạn: China Construction Bank, Fudian Bank, Holiday Inn City Centre, Howard Johnson City of Flower Hotel …

Đi gần muốn rã cẳng luôn tôi mới chợt thấy một cái bảng hiệu tiếng Anh (Travel Agency) mà mừng muốn rơi nước mắt. Ôi Trời, tha hương ngộ cố tri! Tôi cần một hướng dẫn viên, cần thuê một cái xe hơi, hay ít ra thì cũng phải mướn được một cái e-bike (cùng với bản đồ thành phố) để thăm thú Côn Minh cho biết sự tình. Chớ cứ lết bộ hoài, và xung quanh thì toàn là chữ Tầu không (chả hiểu cái con bà gì ráo trọi) thì chịu đời sao thấu? Tôi hăm hở mở cửa bước vào văn phòng du lịch, với nụ cười tươi tắn, và một câu tiếng Anh thông dụng. Người đối diện đáp lại bằng tiếng Tầu. Tôi quay sang cô nhân viên ngồi kế, lặp lại câu nói vừa rồi. Cô này cũng trả lời bằng tiếng Hoa, nghe từa tựa y như cô trước.

 

Coi như là hết thuốc! Bây giờ thì tôi hiểu thế nào là một nhà tù lớn. Tuy không có chấn song nhưng kẻ ở bên trong cũng hoàn toàn bị cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài. No English, no face book, no youtube, no Gmail… mà tôi thì chỉ có gmail và không dùng điện thoại, bất kể loại nào. Theo dự tính thì sau Côn Minh là sẽ đến Bắc Kinh (vài bữa, hoặc mươi ngày) nhưng tôi đổi ý. Tôi sẽ trở lại Phnom Penh hay Bangkok vào chuyến bay sớm nhất, khuya nay, với bất cứ giá nào. Côn Minh hay Bắc Kinh thì có khác gì nhau. Cả xứ sở này chỉ là một cái ngục tù bao la, có tên gọi là Trung Hoa Vỹ Đại!

 

– Tưởng Năng Tiến

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Nam và Trung Quốc đã ký 14 Văn kiện hợp tác an ninh Chính trị, Kinh tế-Thương mại và Văn hóa-Báo chí trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm từ ngày 18 đến 20/08/2024. Trong số này, Văn kiện kết nối và thiết lập 3 Tuyến đường sắt giữa hai nước được gọi là “anh em” đã giúp Trung Quốc liên thông ra Biển Đông và bành trướng thế lực kinh tế...
Tại Campuchia, kênh đào Phù Nam Techo, trị giá 1,7 tỷ USD sẽ kết nối Phnom Penh và Vịnh Thái Lan, tượng trưng cho niềm tự hào dân tộc, an ninh và kết nối thương mại quốc tế. Người ta có thể cảm thấy như thế qua lời tuyên bố của Thủ tướng Campuchia Hun Manet và của ông Hun Sen, trong cương vị cố vấn, người đã chuyển giao quyền lực từ cha sang con vào năm ngoái...
Danh từ được tác giả dùng trong bài này không phải là danh từ theo tự loại mà là một thuật ngữ của Việt Cộng. Thuật ngữ Việt Công hay là danh từ Việt Cộng là những thuật ngữ, những từ được dùng trong nước dưới chính quyền Cộng sản Việt Nam. Ở trong nước người ta không dùng từ “Việt Cộng” mặc dầu Việt Cộng chỉ có ý nghĩa là Cộng Sản Việt Nam chớ không có nghĩa gì khác. Phải nói rõ ràng và dài dòng như vậy để tránh hiểu lầm và hiểu sai. Những danh từ đề cập trong bài viết này đa số là những danh từ kinh tế, vì chủ đề của bài viết là kinh tế, phân tích những ván đề kinh tế, nhận định về kinh tế chớ không phải chính trị, mặc dầu kinh tế không thể tách rời khỏi chính trị, xuất phát từ chính trị và tác động trở lại đời sống của mỗi con người chúng ta.
“Tôi hơi chậm hiểu lại rất chóng quên nên dù đã lê lết qua hơi nhiều trường ốc (trong cũng như ngoài nước) nhưng trình độ học vấn và kiến thức cũng chả̉ tới đâu, vẫn chỉ ở mức làng nhàng. Nói tóm lại là thuộc loại “xoàng”! Ơ! “Xoàng” thì đã sao nhỉ? Cũng không đến nỗi trăng/sao gì đâu, nếu tôi biết điều (biết chuyện – biết thân – biết phận) hơn chút xíu. Khổ nỗi, tôi lại cứ tưởng là mình cũng thuộc loại đầu óc trung bình (hoặc chỉ dưới mức đó không xa lắm) nên ghi danh học – tùm lum/tùm la – đủ thứ phân khoa: Triết Lý, Tâm Lý, Xã Hội, Nhân Chủng …
Một bài viết ngay sau khi được bầu vào chức Tổng Bí thư đảng CSVN cho thấy ông Tô Lâm đã hiện nguyên hình một người giáo điều, bảo thủ và hoài nghi trong “hợp tác quốc tế” với các nước. Trước hết ông cáo giác: “Các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ âm mưu lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.” Lời tố cáo này không mới vì chỉ “nói cho có” và “không trưng ra được bằng chứng cụ thể nào”, giống hệt như những người tiền nhiệm...
- Mình lúc này không muốn theo dõi tin tức nữa. Mệt lắm. - Mình cũng vậy, không đọc báo, chỉ xem phim hoặc nghe thuyết pháp, tránh nhức đầu. - Đời người ngắn ngủi, sao phải tốn thì giờ… - Ở tuổi này, chuyện gì không vui xin miễn, tội gì phải đọc tin tức rồi tự mình làm khổ mình. Trong những năm gần đây, những phát biểu đại loại như trên từ bạn bè khiến những người trong ngành chúng tôi đôi lúc không khỏi ngán ngẫm về công việc báo chí của mình, một việc làm nếu đã không được tưởng thưởng tài chánh tương xứng, thì phần thưởng tinh thần từ ý nghĩa tự nó cũng không đủ bù đắp. Đọc báo hay không đọc báo?
Hồi đầu thế kỷ, có bữa, tôi nhận được thư của Vũ Thư Hiên. Ông hớn hở cho hay “Anh Tấn sắp sang Pháp chơi với anh vài tuần”. Thuở ấy, hai ông còn khá trẻ trung (và còn sung lắm) nên chắc chắn là đôi bạn già sẽ đi lung tung khắp Âu Châu, chứ dễ gì mà chịu quanh quẩn ở Paris. Mãi cả chục năm sau, sau khi nhà văn Bùi Ngọc Tấn lâm trọng bệnh, tôi mới nghe ông nhắc đến chuyến du hành thú vị này (với ít nhiều tiếc nuối) trong một cuộc phỏng vấn dành cho BBC – vào hôm 14 tháng 11 năm 2014: “Sang châu Âu, tôi quan sát dáng người đi, nét mặt của họ khác dân mình lắm… Đi thì mới biết mình bị mất những gì.”
Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư đảng CSVN, thay ông Nguyễn Phú Trọng từ trần ngày 19/07/2024, nhưng ông Tô Lâm chỉ dám hứa sẽ tiếp tục đi theo con đường ông Trọng đã đề ra...
Lúc trẻ, tôi thích Võ Hồng. Khi già, tôi ưa Võ Phiến. Ông viết không nhiều (lắm) nên tác phẩm nào tôi cũng đọc đi/đọc lại đôi lần. Xem xong là quên ngay cái tựa nhưng tên tuổi các nhân vật trong chuyện của Võ Phiến thì cứ nhớ hoài. Họ để lại những ấn tượng rất sâu trong lòng độc giả
Dali_-_The_Sacrament_of_the_Last_Supper_-_lowres Tấm tranh Bí Tích Tiệc Ly vẽ các phụ nữ bên trên là một trong những tác phẩm giá trị nhất của Dali, cũng như tại bảo tàng nghệ thuật quốc gia của Mỹ tại Washington D.C. Bao năm qua người thưởng ngoạn lẫn người Ky-tô hữu vẫn lũ lượt ghé thưởng ngoạn tấm tranh của người họa sĩ cận đại nổi tiếng người Tây Ban Nha Salvador Dali này mỗi khi có dịp đến bảo tàng. Nó như một tác phẩm nghệ thuật của nhân loại, tương tự bức tranh Bữa Tiệc Ly tưởng tượng của Leonardo da Vinci, không thuộc sở hữu hay thẩm quyền của riêng tôn giáo nào. Vậy tại sao ban tổ chức Olympic tại Paris bị chỉ trích, lên án nặng nề khi ý tưởng của họ bị diễn giải là nhại theo bức tranh Bữa Tiệc Ly và màn trình diễn là báng bổ Ky-tô giáo?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.