Hôm nay,  

Chủ Nghĩa Nói Láo

03/06/202200:00:00(Xem: 3234)
Hình bài chính trang nhất
Thống đốc bang Georgia Brian Kemp phát biểu trong một bữa tiệc theo dõi đêm bầu cử ở Atlanta vào ngày 24 tháng 5 năm 2022, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa. Đảng Cộng hòa Georgia tuần trước đã bác bỏ hai xu hướng ác ý trong đảng của họ - một xu hướng ít phổ biến, nhưng không kém phần quan trọng, hơn xu hướng còn lại. Nổi tiếng nhất là "Lời nói dối lớn" về cuộc bầu cử năm 2020. Bằng cách từ bỏ Thống đốc Brian Kemp và Ngoại trưởng Brad Raffensperger, Peach State GOP đã bác bỏ nỗ lực trả thù của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm trả thù hai chính trị gia cấp cao mà ông không thể bắt nạt để hoàn toàn lật ngược ý chí của cử tri và đảo ngược thất bại của mình qua kết quả bầu cử. Thứ hai là xu hướng ngày càng tăng của các chính trị gia Đảng Cộng Hòa nhằm tạo ra những tranh cãi về chiến tranh văn hóa như một sự thay thế cho việc cải thiện vật chất cuộc sống của người dân của họ. Chiến thắng của Kemp trước cựu Thượng nghị sĩ David Perdue cũng vượt qua chiến lược đó. Đối thủ của Ông là Perdue đã xây dựng hình ảnh của mình xoay quanh Lời Nói Dối Lớn bằng cách khẳng định cuộc bầu cử năm 2020 là "gian lận và bị đánh cắp." Tuy điều này là sai sự thật, nhưng nói dối là một nỗ lực trở lại của một thượng nghị sĩ bị đánh bại được xây dựng dựa trên sự chứng thực của Trump.
  
Những năm tháng gần đây người ta tố cáo nhau nói dối và nói láo. Tố cáo nhiều quá, lôi kéo bè đảng, chuyện này trở thành phong trào. Phong trào nổi gió, thành bão, thổi sập truyền thống, thổi bay lương tâm, thổi tan nát đạo lý, trở thành chủ nghĩa phá hoại:

Lie. Big Lie. Big-Lieism.

Về bộ môn này, người Việt khá rành rẽ, đã có kinh nghiệm lâu đời, bằng chứng là ngôn ngữ phân chia sự việc "nói không đúng sự thật" ra nhiều cấp bậc:

- Nói không đúng sự thật vì lịch sự và lịch lãm, gọi là "nói khéo".

- Nói không đúng sự thật để mua vui, vô thưởng vô phạt, gọi là "Nói tào lao", "nói ba hoa."

- Nói không đúng sự thật có dụng ý ca ngợi bản thân hoặc cường điệu hóa câu chuyện ở mức độ không hại ai, gọi là "nói xạo".

- Nói không đúng sự thật với dụng ý thuyết phục người khác không tin sự thật, thường gây ra tai hại, gọi là "nói dối". Một cách hiểu khác, dùng sự thật hoặc thực tế đã có, bóp méo, nói khác đi, thêm thắt, bịa đặt về sự thật hoặc thực tế đó với mưu đồ.

- Nói hoàn toàn sai sự thật, hoặc bịa đặt hầu hết thực tế, có mưu đồ ở mức độ sâu hiểm và khả năng gây hại không thể lường trước, gọi là "nói láo".

Thông thường, khi người Mỹ gọi là "Big Lie", tương đương với "nói láo".

Sự phân chia trong ngôn ngữ Việt, giúp con người xử lý với nhau theo mức độ nặng nhẹ. Bạn bè nói tào lao, nói xạo là chuyện bình thường. Nói xạo cao cấp gọi là "nổ". Nổ thường xuyên, nổ lớn, nhiều người tránh xa. Vợ chồng nói dối với nhau cũng là chuyện hay xảy ra, nhưng không có hậu quả lớn, thường chỉ khóc lóc, cãi cọ, quát tháo hoặc năn nỉ. Có bồ bịch bên ngoài mà về nhà nói với vợ hoặc chồng là không có, điều này là "nói láo", có khả năng đưa đến ly thân hoặc ly dị và đôi khi, giải quyết bằng thuốc chuột đưa đến tử vong. Vợ chồng có thể nói dối, đừng bao giờ nói láo.

Xét chung, nói không đúng sự thật, dù có tên gọi khác nhau, vẫn có mẫu số chung là "không đúng sự thật." Muốn luận tội phải xem xét hậu quả của ý đồ và sự thiệt hại. Vì vậy, những tên gọi khác nhau có thể nhìn như tội danh khác nhau như ăn cắp vặt và ăn cướp ngân hàng. Tội nói láo nặng khi có liên quan đến tính mệnh, danh dự cao cả, hoặc quốc gia đại sự, tội này đáng trừng phạt. Cũng trong tinh thần phán xét này, nói láo để bảo vệ bí mật quốc gia, thường xuyên được ca ngợi là anh hùng. Như vậy, nói dối và nói láo không phải hoàn toàn vô ích, hoặc luôn luôn có tội. Còn nói xạo và nói tào lao với bản chất mua vui thì cần thiết trong những tiệc tùng, liên hoan, gặp gỡ … nó thường tạo ra tiếng cười. Những nơi hoàn toàn không được nói xạo, nói tào lao, là những nơi buồn bã, dễ chán, ít ai muốn ở lâu, ngoài trừ phải đi tu.

Riêng về nói dối: xưa nay dường như chưa có người nào mà không nói dối, ít nhất, họ đã nhiều lần nói dối trong đời sống. Người ta chấp nhận trọng lượng nói dối ở những mức độ nào đó, để công nhận là bình thường, như quảng cáo là nói dối; tuyên truyền là nói dối; truyền thông là nói dối; thậm chí, tỏ tình cũng thuộc về hạng nói dối dễ thương.

Stephanie Ericsson, tác giả The Way We Lie, khẳng định, bất kỳ là ai, không ít thì nhiều, đều nói không đúng sự thật. Cô ta phân biệt theo ngôn ngữ Hoa kỳ, khi phải nói không đúng sự thật vì sự thật gây nhiều tai hại hơn là nói không thật. Gọi là Whie Lie (nói dối trắng). Ví dụ như nói về cân lượng: một con voi cái nói với bạn, nó đã hãm ăn, ốm xuống 50 ký, giờ đây nhìn, vẫn to như con gấu cái, thì tất nhiên bạn sẽ phải nói, hay quá, làm thế nào để được đẹp như vậy. Nếu bạn không muốn con gấu tấn công. Nói dối trắng, có lẽ, người Việt gọi rằng nói khéo; trong những trường hợp quan trọng, gọi là nói dối có đạo đức.

Ericsson cũng phân biệt nói khéo (façade), thường xuyên xảy ra ở nhiều mức độ nặng nhẹ. Nói khéo không phải không mang đến sự nguy hiểm. Khen quá đẹp một người không đẹp sẽ gây nên lầm lẫn, mà những người đàn ông chung quanh sẽ bị tổn thương. Khen và chê không nên sử dụng bừa bãi.

Trong bài viết này, cô giải thích và trình bày những mánh lới nói dối và nói láo. Những ai thích nói không đúng sự thật nên tìm hiểu bài viết, vì nếu không thuần thục và kinh nghiệm, nói dối, nói láo dễ bị lòi đuôi.

Sam Harris, tác giả cuốn sách Lying, trình bày và phân tích về Big Lie (nói láo hoặc nói dối lớn). Ông đặc biệt nhấn mạnh sự lập lại của một bản tin sai lầm. Sự lập lại nhiều lần và sự lập lại từ những người có danh tiếng hoặc đáng tín cẩn, sẽ làm sự sai lầm trở nên sự thật và nếu sự sai lầm này tạo ra tốn thương lớn, hoặc thiệt hại lâu dài, big lie, đồng nghĩa với phạm tội lớn. Hiệu quả của Big Lie chứng minh qua các mưu kế trong thương trường và nhất là trong giới chính trị . Vì vậy, Big Lie không chỉ là phương tiện, còn là chiến thuật, chiến lược hoặc kế hoạch trường kỳ, mà các chính trị gia trên thế giới hiện nay yêu thích và đang áp dụng.

Một điệp viên cần nói láo để giữ bí mật quốc gia còn một chính trị gia nói dối vì bảo vệ quyền lợi của bản thân. Ông dẫn ra điều này để chúng ta có thể xem xét về một sự việc có phải là nói dối, nói láo hay không? 

Ví dụ:

- Tôi không thể trình bày thuế lợi tức cá nhân vì bí mật quốc gia.

- Tôi khẳng định có bầu cử gian lận và phát biểu vì quyền lợi dân tộc.

Câu thứ nhất hầu như là sai vì bí mật quốc gia không đúng chỗ. Câu thứ hai có khả năng là sự thật, cần phải xem xét.

Câu hỏi đặt ra cho câu thứ hai là tư cách, nhân phẩm của người phát biểu có đáng tin hay không? Nếu là chú Cuội phát biểu thì ai tin sẽ mất lúa giống, nhưng nếu là Đức Giáo Hoàng hay Đức Tăng Thống phát biểu thì sự trung thực có thể bảo chứng, tiếp theo chỉ cần tìm kiếm bằng chứng để đối chiếu thực tế. Nói láo như Cuội thì cần gì tìm bằng chứng cho phí công.

Ông kết luận, người đã từng nói dối, nói láo, dù có lần nói thật, cũng không đáng tin.
 
BỊA ĐẶT: BẠCH PHIẾN NIỀM TIN
 
Ngày 10 tháng 4 năm 2022, cơ quan CNN đưa bản tin: 'Birtherism' to the 'Big Lie': Inside Obama's fight to counter disinformation.

Sau khi rời khỏi chức vị tổng thống, thông thường, các cựu tổng thống vẫn tiếp tục lý tưởng và phẩm hạnh của họ bằng cách chọn những vấn đề cần thiết cho quốc gia dân tộc để giải quyết hoặc đóng góp vào sự cải thiện. Một trong vài vấn đề mà ông Obama cho là quan trọng hàng đầu đó là chống lại những thông tin bịa đặt, sai lệch trong các môi trường truyền thông và dẫn đầu là tin trên mạng lưới.

Dan Merica và Donie O'Sullivan trên CNN viết rằng: "Hơn một thập kỷ sau khi thuyết âm mưu giả tạo và công dân không hợp lệ về "Nguồn gốc sinh đẻ của Barack Obama" được truyền bá bởi các đối thủ chính trị của ông, bao gồm cả một cá nhân, khi đó là nhà tỷ phú Donald Trump. Ông Obama hy vọng kinh nghiệm riêng tư của mình về thông tin bịa đặt và kiến ​​thức của ông về các phân nhánh lan tràn của nó, có thể giúp xác định cách điều chỉnh tốt nhất cho các nền tảng truyền thông xã hội, đưa ra thông tin sai lệch và tìm cách giải quyết cái mà ông gọi là “nhu cầu điên cuồng trên internet” đã lấp đầy khoảng trống khi các hãng tin địa phương giảm dần."

Cựu tổng thống đã mới gọi các học giả, các nhà hoạt động, các nhà nghiên cứu, các vị lãnh đạo trong lãnh vực khoa học và điện tử, các giám đốc điều hành truyền thông và những cựu viên chức trong chính phủ để thảo luận những phương pháp ngăn chận và làm sáng tỏ các nguồn tin thất thiệt và giả tạo.

Cựu tổng thống Obama cho rằng, chống thông tin sai lệch và bịa đặt cũng có tầm quan trọng như chống đại dịch, biến đổi khí hậu, bất công về chủng tộc… những vấn đề gây thiệt hại cho các thế hệ mai sau. Ông cũng nhắc nhở về sự tự mãn của Hoa Kỳ, coi dân chủ và pháp quyền là điều hiển nhiên. Ông đã tuyến bố điều này trong một cuộc thảo luận về thông tin sai lệch và bịa đặt tại hội nghị do Viện Chính trị Đại học Chicago và Đại Tây Dương tài trợ.

Đại dịch gây thiệt hại cho thân xác. Khí hậu thay đổi gây thiệt hại cho đời sống. Thông tin bịa đặt gây thiết hại cho tâm trí và hủy hoại niềm tin.

Nói láo qua thông tin sai lệch và bịa đặt thường có nguồn gốc bí ẩn do một người hoặc một nhóm người chủ trương với mưu đồ gây tổn thương. Những ai nghe và tin vào nói láo, dần dần sẽ mất đi khả năng suy nghĩ chính xác, căn bản là hệ thống suy luận của họ đã bị ô nhiễm. Cứ tiếp tục như vậy, họ sẽ trở thành những người luôn luôn chạy theo những thông tin sai lệch và lấy chuyện đó làm thú vị, tự hào, và giá trị trong đời sống. Ảnh hưởng này sẽ trở thành thói quen, sẽ ngấm ngầm hướng dẫn những suy nghĩ khác đưa đến quyết định sai lệch. Khi phương pháp hoặc hệ thống suy nghĩ của một người đã bị nhiễm trùng nói láo, thì người đó trở thành phương tiện truyền nhiễm trong xã hội.

Nói láo là một thứ có khả năng bạch phiến, mê hoặc lòng người. Những ai ưa thích nghe nói láo và tin tưởng vào nói láo sẽ hành động  tương tựa như người ghiền bạch phiến, phải chích thường xuyên,  mỗi ngày phải có truyền bá nói láo thì lòng mới thỏa mãn. Vì sao? Vì nói láo cho người truyền bá niềm tự hào biết được sự bí ẩn, vạch trần sự thật, thậm chí, tự cho mình là chiến sĩ chính nghĩa.

Nhưng ngoài trừ người đầu tiên đưa ra thông tin sai lệch có chủ ý, những người theo sau thông thường tin đó là sự thật, vì vậy họ càng hăng say bênh vực "sự thật" và chống đối những kẻ không tin. Độ chống đối có khả năng gia tăng, tạo ra những bạo động và thù hận. Vì vậy, bênh vực sự nói láo trở thành thiện ý (?) Chuyện đời luôn luôn đáng ngạc nhiên.
 
LÀM SAO ĐỂ BIẾT MÌNH KHÔNG GHIỀN NGHE NÓI LÁO?
 
Việc đầu tiên hết là phải tự hỏi mình: Khi nghe hoặc đọc một thông tin có tầm quan trọng, bạn có nghi ngờ gì không? Có kiểm chứng tin tức này theo một phương pháp khoa học không?

1- Phải có nghi ngờ thì mới có kiểm chứng. Thực tế, tin tức đến bất kỳ từ nguồn nào, nguồn đáng tin cậy nào, đều lẫn lộn giữa thật và giả, đều có chủ ý bên trong của người đưa tin. Người nghe tin lão luyện sẽ sàng lọc bản tin. Đôi khi, người đưa tin trung thực nhưng không ai bảo đảm sự hiểu biết hoặc suy luận của họ sai lầm. Thời này, tin trung thực rất hiếm hoi, mà tin giả trung thực thì tràn ngập. Phương pháp sàng lọc hay nhất là phương pháp "trùng lập".

So sánh những thông tin trong cùng một chủ đề, một phạm vi, một môi trường, từ những nguồn tin chính thức, rồi chọn những phần tin giống nhau, chọn đa số và loại bỏ những chi tiết hoặc thông tin đơn lẻ hoặc thiểu số. Nếu chỉ xem tin tức từ một vài nguồn cùng phe phái hoặc nghe từ vài người khác nói rồi bi bô phát thanh lại, nghĩa là làm con két kêu to mỗi khi thấy người.

2- Nếu là một thông tin quan trọng, thì nên sử dụng phương pháp sàng lọc "Nghịch đảo loại suy" của các nhà toán học thường áp dụng trong khi tìm hiểu về các vấn đề vật lý phức tạp.

Tìm hiểu mọi khía cạnh và ý tưởng bênh vực cho thông tin là thật, chẳng những đọc tin, đọc luôn những bình luận, để bảo đảm mình có một số lượng kiến thức về "tại sao tin này là thật". Sau đó, tìm đọc gấp đôi những ý kiến chốn đối, đọc với lòng trung dung, đừng phản kháng khi bản tin không hợp ý mình. Khi đã có các lý do "tại sao tin này là giả", sẽ dễ dàng so sánh với "tại sao tin này là thật": Lấy ra những chi tiết đồng dạng, tương tựa hoặc mô phỏng gần giống nhau. Có nghĩa, cả hai bên có những chỗ thỏa thuận. Chính những thỏa thuận của hai bên chống đối sẽ trở thành nền tảng để suy xét những mâu thuẫn của hai bên. (Chủ trương của chủ nghĩa Metamodernism là quan tâm những đồng thuận và không tìm đến những mâu thuẫn.)

3- Dĩ nhiên, nếu có thể dựa lên những văn bản thuần lý, luật pháp, hiến pháp …v…v… thì những tài liệu này có khả năng giải thích bản tin. Tuy nhiên, cái lưỡi không xương, cái não nhiễm trùng, sẽ minh chứng thêm sai lệch khi cùng sử dụng một văn kiện chính thức.

4- Chủ nghĩa Phản Cấu Trúc cho rằng mọi ý đồ đều thể hiện trong văn bản. Bản tin tự nó có thể khai báo những mưu cầu hoặc ý kiến sai lệch. "Bất kỳ kẻ nói sai sự thật nào cũng biết rằng, cách duy trì sự không trung thực là làm lệch hướng sự chú ý ra khỏi nó." (The Way We Lie, Stephanie Ericson, trang 3.) Vì vậy, đọc kỹ cách bản tin chuyển hướng sự chú ý của người nghe, người đọc, thì có thể biết được tâm ý của người viết.

5- Cũng trong tinh thần chuyển hướng trọng tâm của đương đề, cộng thêm sự hiện diện vắng mặt, nghĩa là khi một người bị đặt câu hỏi mà không trả lời, ở những trường hợp cao cấp hơn, sử dụng quyền hiến pháp bảo vệ để không trả lời, hầu hết là những người dối trá. Họ hiện diện để giải thích sự thật mà "vắng mặt" không nói, thì phải có ý đồ không thành thật. R.L. Stevenson viết, "The cruelest lies are often told in silence", (Những lời nói láo tàn nhẫn nhất thường được nói ra trong im lặng.)

6- Có lần tôi nói dối với anh tôi. Anh bực bội hỏi, ai nói với mày? Tôi trả lời nghiêm chỉnh, ba nói. Anh tôi làm thinh. Sau này, tôi hỏi anh bạn, ai nói tin tức này? Bạn tôi trả lời, Tổng thống nói. Tôi hết hỏi.

Nếu nguồn gốc của bản tin quá siêu việt, thì càng nên nghi ngờ, tìm hiểu sâu sắc hơn.

7- Sau cùng, khuyết điểm  cho người nói láo chuyên môn và người nghe nói láo chuyên nghiệp là họ mất dần niềm tin về chính họ. Họ trở thành ảo tưởng một cách lý tưởng. Eric Hoffer xác nhận điều này, "We lie loudest when we lie to ourselves," (Chúng ta nói láo lớn nhất khi chúng ta nói láo với chính mình.)

Còn gì mất phương hướng hơn, ám ảnh hơn, mặc cảm hơn, trống rỗng hơn, cô đơn hơn, đôi khi, xấu hổ hơn, khi mình nói láo với chính mình? 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bài báo của phóng viên Martin Wisckol ghi nhận là năm 2000 chỉ có một vị dân cử gốc Việt tại Quận Cam. Vậy mà bây giờ có tới 10 dân cử gó6c Việt, trong đó 4 người mới thắng cử
Ở Việt Nam, năm 2006 ghi nhận hai sự kiện quan trọng nổi bật. Một là, Việt Nam được gia nhập WTO. Hai là, tổng thống Hoa Kỳ George Bush sang thăm Việt Nam nhân Hội nghị APEC 14
Sáng nay tiết trời Hà nội lạnh, không khí bị phủ một lớp sương mờ, không có ánh mặt trời. Ngày đầu tiên của năm 2007
Nhưng nếu không có sự đụng chạm giữa các nền văn minh, thế giới chúng ta cũng đang đối đối đầu trước một sự đụng chạm khác. Học giả Dominique Moĩsi, một cố vấn thâm niên của
Thời gian thắm thoát trôi, mới đó mà đã 22 năm kể từ ngày các Anh vĩnh viễn ra đi. Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại có rất nhiều đổi thay, nhưng các anh nào có biết! Hôm nay nhân ngày giỗ
tôi mong là từ năm nay, Hà Nội nên có chính sách văn minh hơn với người dân của mình. Đó là bình thường hóa quan hệ với người Việt Nam chứ đừng chỉ có sợ người ngoại quốc...
Gerald R. Ford, tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ, lên nắm quyền sau khi Tổng Thống Richard Nixon 
Tổng thống Ford là một người tử tế. Nhưng thiếu mưu mô... Trong một số báo đầu năm, chúng ta nên nói về chuyện tử tế. Không có gì tử tế hơn là nói về nhân vật đang được quốc táng
Căn cứ Khe Sanh nằm lọt giữa một thung lũng, các ngọn đồi bao bọc chung quanh, do đó đây không hẳn là một vị trí có thể quan sát bao quát hết các vị trí địch.
Vấn đề dự án xây Chùa Quan Âm tại Garden Grove đã trở thành một đề tài được đề cập đến
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.