Hôm nay,  

Quê Mẹ Mùa Nước Lũ

20/10/202015:22:00(Xem: 3116)
Que me mua nuoc lu_Hình Doãn Quang
Quê mẹ mùa nước lũ.(hình của Doãn Quang)

Năm 1944, nhạc sĩ Châu Kỳ đang sinh hoạt văn nghệ ở đất Bắc thì được tin quê nhà ở Huế bị bão lụt. Khi ông trở về quê mẹ tại huyện Quảng Điền, làng Thanh Hà thì mẹ của ông và những người thân yêu khác đã mất trong cơn bão lũ. Cuối năm đó, bao nhiêu nỗi buồn thương của người con mất mẹ chứng kiến cảnh làng quê tiêu điều được ông viết lại trong ca khúc đầu tay. Bài hát "Trở về" chất chứa lời tự sự đau buốt tâm can của nhạc sĩ sau lần trở về quê không thể nào quên, và đó cũng là niềm thương nhớ của bao nhiêu người con miền Trung khắp nơi hướng lòng về quê xa khi hay tin đất mẹ chìm trong nước lũ:


"Nơi xưa, ôi giờ đây nát tan 

Đò vắng không người sang 

Thôn xóm trông điêu tàn 

Xa xa, nghe tiếng chim kêu đàn 

Nghe suối reo bên ngàn 

Dường như oán như than"

(“Trở về” - cố nhạc sĩ Châu Kỳ)


Miền Trung với hai mùa mưa nắng dãi dầu trên vùng đất eo hẹp gần như năm nào cũng hứng chịu sự thử thách của thiên tai. Người dân miền Trung chịu thương chịu khó cứ thế trải qua hết cái nắng gắt của những ngày tháng hạ rồi tới những cơn mưa dầm dề lạnh tê tái. Mấy ngày qua nghe tin nước lụt ngập tràn miền Trung, tôi cứ cố "giả lơ" vì biết mình không thể cầm lòng được khi đối diện thêm lần nữa cảnh hoang tàn mùa lụt lội. Tôi xem lướt qua những hình ảnh nước ngập nhiều nơi ở miền Trung trong tâm trạng bất lực vì những điều tôi mong và muốn cho quê hương vẫn còn xa quá trong tầm với của tay mình. 


Mẹ tôi gửi vào phone của tôi một vài tấm hình nhận được từ quê nhà. Một chú bò được đưa lên đứng chơ vơ trên nóc nhà. Một cậu bé ôm thùng mì gói vào lòng. Một người đàn ông đầu đội ba cái thùng giấy (có lẽ là chứa thực phẩm) với hai cánh tay giơ cao ôm chặt đang lội trong nước ngập ngang lồng ngực. Một chiếc ghe chở mấy thùng cơm với muối mè được những vị ni sư vừa lội vừa đẩy theo dòng nước bạc ngập dưới vai đi vào tận khu xóm nhỏ để cứu đói cho người dân bị mắc kẹt trong cơn lũ dữ. Khu vực thành phố Huế ở hai bên bờ sông Hương thơ mộng ngày nào giờ chỉ là một màn nước úa màu kham khổ. 


Từ trang Facebook cá nhân của một vị bác sĩ, tôi nhìn thấy tấm hình một người chồng vái lạy đất trời trong cơn tuyệt vọng vì người vợ mang thai sắp sanh bị nước lũ cuốn trôi. Tâm trí tôi lơ ngơ trong giây lát vì không biết mình có thể làm gì?! Tôi xin mẹ tôi là thôi không gửi thêm hình về lũ lụt vào điện thoại của mình như là cách chạy trốn ký ức tuổi thơ có nhiều lần trải qua lũ lụt. Tuy tôi không phải chịu sự đau đớn do mất người thân trong thiên tai, khắp người tôi đã ngấm đủ cái lạnh tê tái ở miền Trung vào mùa mưa lũ để bây giờ dù bầu trời Cali có ấm áp đến mức nào thì lòng tôi vẫn cứ âm ỉ cái lạnh đầy thương nhớ tràn về từ quê mẹ xa xôi. Tôi ứa nước mắt khi thấy tấm hình vị sư nữ đeo mắt kiếng ôm chặt cây cột (có lẽ là cột chùa) để không bị dòng nước lũ bạc màu ngập gần đến vai cuốn đi.  



Nước lũ hung hãn tràn vào miền Trung cuốn đi từ cây cỏ, nhà cửa cùng sanh mạng con người và loài vật. Năm nào cũng vậy, cứ có mưa lũ là có nhiều người bị đói, bị lạnh, có nhiều gia đình mất người thân và bạn hữu, và có thêm nhiều câu chuyện buồn không dễ gì quên. Đã là thiên tai thì không sao tránh khỏi, nhưng vẫn còn nhiều điều đáng ra nhà nước Việt Nam có thể làm được để tránh bớt mất mát đau lòng mỗi lần có lụt bão xảy ra thì những điều đó vẫn chưa được làm!? Có kể hết ra thì cũng chưa biết khi nào mới có cách giải quyết rốt ráo và thấu đáo vì người dân. Tôi chưa bao giờ làm chính trị và cũng không có ý định phê phán chính quyền hiện nay tại Việt Nam bởi vì tôi tin là bất cứ ai dù có quyền lực, địa vị hay danh vọng tột bực trong bất cứ một xã hội hay dưới một thể chế nào thì khi nhắm mắt xuôi tay, tất cả cũng chỉ như nắm cát chảy tuột khỏi lòng bàn tay cứng lạnh. Vậy thì mỗi người đang làm lãnh đạo nhà nước, khi còn tại thế nơi cõi tạm với dòng máu Việt Nam đang nuôi nấng trái tim mang hình hài đất mẹ, xin hãy nghĩ đến và thương lấy nhiều hơn người dân vô tội phải chịu nhiều thiệt thòi khắc nghiệt do thiên tai gây ra không chỉ ở miền Trung mà còn nhiều vùng miền khác trên cả nước.  


Trong hoạn nạn tình người càng thêm ấm áp. Có rất nhiều những tấm lòng ở khắp nơi trong nước và nhiều đồng hương ở các nước khác đang làm những việc khác nhau để giúp đỡ người dân miền Trung đang gặp thiếu thốn, khó khăn và mất mát. Tôi được biết một vài người quen đang nhiệt tình đóng góp và kêu gọi sự ủng hộ từ nhiều người chung quanh để gửi về quê nhà như là lời động viên tinh thần dành cho người dân có cuộc sống bị ảnh hưởng trong mùa lũ ở miền Trung.


Khi được nghe mẹ tôi kể về buổi lễ cầu nguyện bình an cho miền Trung của các vị tu sĩ, tôi nhớ ra, bên cạnh ý niệm hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp từ các anh chị đang làm những việc thiện nguyện, mình còn có thể góp thêm lời cầu nguyện. Xin cho người dân miền Trung được chân cứng đá mềm sau mùa nước lũ và xin cho những nỗi đau sớm được nguôi ngoai nơi đất mẹ nghẹn ngào…


Tâm Nguyên

(tháng 10/2020) 



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chuyện ngụ ngôn thời xưa kể lại có người Cha già muốn dạy các con bài học “HIỆP NHẤT”: “DDOÀN KẾT THÌ SỐNG, CHIA RẼ THÌ CHẾT…”
The New Economics Foundation (NEF) của Anh, đã đưa ra khái niệm Happy Planet ln "Tốc độ của cả hạm đội không phụ thuộc vào con tàu nhanh nhất
Tôi được sinh ra và lớn lên một phần tư thế kỷ trong xã hội không cọng sản. Tôi được đi học mà chẳng biết “hiến chương nhà giáo” là gì
Thời gian từ đầu năm 2007 cho đến nay tất cả các cơ quan truyền thông báo đài trên cả nước Việt Nam tập trung ráo riết tuyên truyền cuộc vận động
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, thế giới của những người yêu dân chủ VN, lai được chứng kiến phiên tòa phúc thẩm xét xử hai công dân dân chủ ưu tú
Hôm nay tôi sẽ chia sẻ về phần thứ hai của loạt bài diễn giải Tâm Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, nói về Sắc và Không.
Hiện có 161 đồng bào VN tỵ nạn kém may mắn, còn lưu lạc gần  hai mươi năm ở Phi Luật Tàn
Ngày nay Little Sàigòn đã trở thành thủ phủ của người Việt mà khắp nơi trên thế giới, kể cả ở Việt Nam
Hàng năm người Hoa Kỳ dành ngày Thứ Năm trong tuần lễ cuối của tháng Mười Một để cử hành lễ Tạ Ơn.  Ngày lễ Tạ Ơn cũng còn được gọi là "Ngày Gà Tây"
Tuần qua, Bắc Kinh hủy bỏ chuyến thăm viếng của Tổng trưởng Tài chính Đức là ông Peer Steinbruck được dự trù từ lâu cho tháng 12 tới đây
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.