Hôm nay,  

Chuyện Ma

29/01/201911:02:00(Xem: 5726)

Vào Đông. Tiết trời lành lạnh. Tôi kéo cao cổ áo “trận” để tránh giá buốt của đêm trừ tịch kéo về. Ngoài khung cửa sổ, gió hiu hiu, đong đưa những cành lá rũ chết.
Bầu trời không trăng sao! Tôi. Một mình. Ngồi nhớ nhà!
Giờ này sắp giao thừa rồi đó! Tôi định lấy giấy, viết, khai bút đầu xuân. Tôi cũng không biết mình sẽ viết những gì trong đêm giao thừa. Ý nghĩ chờn vờn. Muốn viết nhiều mà chữ nghĩa dường như trốn mất. Giờ này có lẽ Mẹ tôi sắp sửa “lì xì” cho các cháu Nội, Ngoại của Mẹ, đang tề tựu dưới mái ấm gia đình. Chúng đang xếp hàng thành nửa vòng tròn hình bán nguyệt, trước bàn thờ tổ tiên, để chờ Mẹ tôi cho mỗi đứa một phong bì đỏ, có tiền lì xì còn thơm mùi giấy. Nghĩ thế mà lòng tôi se lại!
Tôi nhìn quanh phòng. Ngoài chiếc giường lẻ loi kê sát vách, cạnh cái bàn nhỏ, tựa cửa sổ; không còn một thứ gì khác hơn.
Đây là một phòng ngủ “Vãng Lai” của Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận Tiểu Khu Bình Thuận; đơn vị mới mà tôi vừa đảm nhậm. Vị sĩ quan tiền nhiệm của đơn vị này, mặc dù đã nhận bàn giao công tác của tôi tại Khánh Hòa, hơn một tuần trước; nhưng mãi cho đến nay, vẫn chưa bàn giao lại “cư xá sĩ quan” mà tôi được sử dụng, trong suốt thời gian phục vụ tại đơn vị này.
Tôi đảm nhậm đơn vị mới và nhận bàn giao chỉ trước giao thừa có mấy đêm. Vì vị Sĩ Quan tiền nhiệm chưa bàn giao cư xá, nên tôi được Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận, cho phép tôi được xử dụng một phòng của Vãng Lai Sĩ Quan, cho đến khi tôi được nhận cư xá sĩ quan cấp riêng cho tôi.
Tôi còn nhớ, khi trình bày với Thiếu Tá Phạm Minh, Chỉ Huy Trưởng để xin xử dụng tạm thời phòng vãng lai,Thiếu Tá Minh, có vẻ lưỡng lự, không bằng lòng.
Ông nhíu mày dường như đang suy nghĩ để lấy quyết định.
Một chập lâu sau, ông nói với tôi:
-Thật ra cũng bất tiện cho anh. Tình hình an ninh không được khả quan. Anh là sĩ quan cấp Tá, càng không nên cư ngụ bên ngoài doanh trại. Trong tình trạng này, tôi cũng đành để anh sử dụng vãng lai mà thôi.
Tôi đáp: Dạ cám ơn Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng.
Ông ta có vẻ ngần ngại, hỏi lại tôi:
- Nhưng anh có sợ ma không?
- Làm gì có ma mà mình sợ!
Ông thong thả, nói gằn từng tiếng một:
- Nhưng tôi báo trước với anh nhé! Căn phòng mà anh sẽ sử dụng đã bỏ từ lâu, không ai dám ở. Ai đã vào đó, chỉ được vài giờ đồng hồ là chạy ngay ra thôi.
Thiếu Tá Minh ngừng trong giây lát, rồi chậm rãi nói:
- Tùy ý anh đó! Sau này nếu có thấy ma, cũng xin đừng nghĩ là tôi chơi thâm nhé!
Tôi quả quyết:
- Xin Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng đừng ngại. Tôi chẳng biết sợ ma! Hơn thế nữa mình không chọc ma thì ma cũng chẳng chọc mình bao giờ!
Trao đổi xong, tôi bảo hạ sĩ Cảnh tài xế mang hộ tôi va ly và những thứ linh tinh khác vào phòng số 4 của Vãng Lai. Tôi thấy hạ sĩ Cảnh dường như hốt hoảng. Nhìn nét mặt, tôi thấy anh hơi ái ngại. Anh trình bày:
- Thiếu Tá bảo anh Liêm khiêng các thứ này với em.
Tôi chưa hiểu được ý của anh, nên không do dự, tôi nói ngay:
- Chỉ có 1 cái va ly, anh khiêng một cái, còn những cái kia để lại cho tôi coi, sau đó, anh ra lấy các thứ lặt vặt đem vào phòng rồi khóa cửa lại. trao chìa khóa cho tôi tại Khối Tài Chánh.
Mặt hạ sĩ Cảnh tái xanh:
- Dạ ... dạ thưa... dạ thưa Thiếu Tá ... thương em... cái mà em không dám vào phòng đó một mình em đâu... cái mà Thiếu Tá nói với anh Liêm đi cùng với em. Đi một mình em sợ lắm!
Tôi gắt: -Lính mà sợ ma. Chứ anh không biết ma nó sợ súng lắm hay sao?
- Dạ! dạ thưa Thiếu Tá, nếu Thiếu Tá không tin em, phạt em ... đánh em, bắn em ... em cũng chịu, chứ có ông sĩ quan nào của Khối Tài Chánh mà... dám ở phòng đó một đêm thôi, em đưa đầu cho Thiếu Tá bắn!
Tôi nhìn nét mặt xanh lét, nghe giọng nói ngập ngừng, dáng dấp run sợ, tôi biết anh ta đang hoảng hốt thật. Nhưng với tư cách là sĩ quan chỉ huy, tôi bình tĩnh hỏi lại anh:
- Tôi hỏi thật, anh đã thấy con ma trong phòng 4 vãng lai lần nào chưa, mà anh sợ khiếp như vậy?
- Dạ Thưa Ông Thầy, em chưa thấy, chỉ nghe kể, em đã sợ chết cha em rồi. Chứ em mà thấy, chắc tim em ngừng đập ngay, đâu còn sống đến bây giờ ..
Tôi lấy một điếu Pail Mail đầu lọc mời anh. Tôi rút thêm một điếu nữa, chăm lửa hút:
Tôi vỗ về anh: - Hút đi! Bình tĩnh. Nào nói cho tôi nghe! Con ma như thế nào, nó ra sao?
Hạ sĩ Cảnh hít một hơi thật dài, nhả khói thuốc làm nhiều lần. Anh nhìn quanh như sợ hồn ma đứng đâu đó. Tôi thấy anh đang tựa lưng vào thành xe Jeep, mắt lơ láo nhìn quanh. Anh không trả lời trực tiếp câu tôi hỏi mà nói quanh co:
- Thiếu tá mà ở phòng vãng lai đó, sáng sáng ... anh Liêm cũng không dám đem cà phê vào phòng đó cho Thiếu Tá đâu! Không tin em... Ông Thầy kêu anh Liêm hỏi thử thì biết... ngay mà!
Tôi bảo Hạ sĩ Cảnh:
- Được! Gọi Hạ Sĩ Liêm cho tôi.
Hạ sĩ Cảnh mừng rỡ như thoát được gánh nợ, vôi vàng chạy về Khối Tài Chánh.

Không bao lâu, tôi thấy Hạ Sĩ Liêm hốt ha hốt hoảng cùng chạy ra với Hạ Sĩ Cảnh:
- Dạ! Thiếu Tá gọi em?
Tôi hỏi thăm dò ngay:
- Tôi ở tạm tại phòng vãng lai số 4. Sáng sáng anh chịu khó mang cà phê vào đó cho tôi được không?
- Dạ! Thưa Ông Thầy! Ông Thầy bảo gì thì em cũng chết với ông thầy. Bảo em lên rừng bắn cọp, xuống biển bắt cá, em cũng đi ngay, mang về cho ông thầy ... nhưng ...
Tôi nói lớn tiếng: - Nhưng sao?
- Ông thầy bắn em thì bắn, đưa em ra đơn vị tác chiến thì em cũng đành lòng ... nhưng ... nhưng biểu em bưng cà phê đến đó cho ông thầy thì em chịu chết thôi!
Tôi gật gù: -Thôi được! Hai anh khiêng hộ giùm tôi ba thứ linh tinh, lỉnh kỉnh này, rồi về Khối làm việc. Chưa thấy ma thì đã sợ! Còn đòi lên rừng bắt cọp! Làm gì có ma quỷ trên trần gian này! Suốt đời tôi chưa bao giờ gặp ma! Mà có gặp cũng chẳng sao!
Nói xong tôi xách cặp đi thẳng vào phòng vãng lai. Hạ sĩ Cảnh và Hạ Sĩ Liêm rón rén bước theo.
Đêm hôm đó, tôi thao thức hoài không thể nào ngủ được.
Bên ngoài cửa sổ, bóng đen vẫn lạnh lẽo, bao trùm cảnh vật trong màn sương dày đặc của đêm trừ tịch. Không một tiếng pháo giao thừa! Đâu đây chỉ có tiếng súng bắn vu vơ của một tiền đồn nào đó, mà thanh âm rời rạc ... lạc lõng, chơ vơ!
Bỗng chốc mây đen kéo đến. Gió giật từng cơn. Mưa tuôn xối xả, như nước từ trên trời trút xuống. Tôi nằm xoay mặt vào tường. Ngấu nghiến từng trang cuốn tiểu thuyết, đến đoạn hấp dẫn, Chú Đạt và cháu Diễm đang chuyện trò, gợi tình nhau ... Bất chợt tôi nghe một tiếng soạt, dường như có ai đang mở chốt cửa vào phòng tôi. Bình tĩnh, xoay người lại, nhưng tôi vẫn giữ nguyên ở vị thế nằm.
Tôi đưa tay mò khẩu colt 45, vẫn còn y nguyên dưới gối.
Căn phòng lặng thinh như tờ. Tôi nhìn về hướng cửa ra vào. Cửa vẫn còn khép kín. Tôi nhìn đồng hồ, 3 giờ 48 phút khuya của đêm trừ tịch. Không thấy động tịnh gì, tôi xoay người vào vách tường đọc tiếp cuốn tiểu thuyết...
Khoảng vài phút sau, tôi lại nghe một tiếng soạt, như tiếng ổ khóa đang có người mở cửa. Phản ứng tự nhiên, tôi xoay người, bật dậy. Trong khoảnh khắc bối rối, tôi nhìn về phía cửa. Phút chốc, cánh cửa từ từ hé mở, như có ai đó muốn vào nhưng vẫn còn e dè chưa dám bước vào. Khoảng vài giây sau, một thiếu nữ đứng chần chờ trước cửa, nàng chăm chú nhìn về hướng giường tôi đang nằm.
Qua cái mùng thưa. đã bỏ xuống để ngăn muỗi, tôi thấy một thiếu nữ trẻ, đầu đội chiếc nón lá, trên tay xách một cái bóp trắng, làm nổi bật chiếc áo dài nhung màu tím, màu áo của thời trang, mà vào dạo ấy nhiều phụ nữ thích mặc.
Thiếu nữ vừa xuất hiện, rón rén bước đến nơi tôi đang nằm. Nàng nhìn rất chăm chú vào mùng. Ánh mắt ngạc nhiên, khi biết có người đang nằm trong mùng.
Sau một hồi ngập ngừng, nàng lấy chiếc nón đặt úp ngay trên đầu mùng. Tôi choáng mắt trước sắc đẹp của nàng. Sau đó, nàng vén mùng, ngồi xuống cạnh giường. Hai chân vẫn còn để ở ngoài mùng,
Vẫn chưa định thần, tôi ngỡ mình đang trong cơn choáng váng, nên vẫn nằm im không có một cử động nhỏ nào. Tôi tưởng tôi đã đi lạc vào đám mây mù của ảo giác hoặc đang rơi vào hoang tưởng...
Thiếu nữ đưa tay choàng qua mình tôi. Mặt nàng nhìn thẳng vào mắt tôi dường như muốn nói điều gì nhưng lại thôi. Phản ứng tự nhiên, tôi đưa tay gạt ngang lưng nàng. Cảm giác rờn rợn, tôi cảm nhận tay tôi đã chạm vào một miếng vải nhung êm ả. Phút chốc hình hài thiếu nữ tan biến, trong ánh sáng mờ ảo.
Bình tĩnh, tôi nhìn lên đầu mùng, chiếc nón mà thiếu nữ đã đặt trước khi ngồi trên giường tôi đang nằm đã biến mất. Tôi xem lại mé mùng, chỗ của thiếu nữ đã ngồi khi nãy, có một khoảng mùng bị kéo ra khỏi cái nệm, mà lúc vào trong giường, tôi đã nhét mùng dưới nệm để bầy muỗi khỏi bay vào.


Tôi vẫn biết mình chưa ngủ. Tôi khép cuốn sách lại, trước khi xếp một góc trang mà tôi vừa đọc để đánh dấu mình đã đọc đến trang nào...

Cảnh tượng chỉ xảy ra trong thoáng chốc chưa đủ làm cho tôi sợ hãi. Tôi vẫn chưa tin thiếu nữ đó là ma.
Hoang mang, tôi ngồi dậy, bước ra khỏi mùng. Đến cái bàn nhỏ, có cái điện thoại dã chiến EE8, tôi quay vài vòng để gọi Phòng Trực. Im lặng không có tiếng bên kia đầu giây trả lời. Quay thêm một vòng nữa, vẫn lặng lẽ, không có một thanh âm nhỏ nhoi nào báo động cho biết điện thoại còn hoạt động. Tôi mở 2 cục pin A.3o để kiểm soát lại.
Pin vẫn đặt đúng vị trí. Hơi bối rối, tôi mang vội đôi giày trận, tay cầm khẩu Colt 45. Tôi đi vội ra phòng trực. Dọc hành lang của nhà vãng lai, ánh sáng leo lét của các bóng đèn 25 watt, không cho đủ ánh sáng. Tôi cảm thấy có cái gì lành lạnh ở sau gáy.
Đến Phòng Sĩ Quan trực, anh em có phận sự trực vẫn còn tề chỉnh trong trang phục tác chiến. Thiếu Úy Sĩ Quan trực thấy tôi, bèn đứng dậy, nghiêm chỉnh chào.
Vị Sĩ Quan Trực đứng trước mặt tôi, với giọng nói và nét mặt linh hoạt. Anh ta có dáng điệu của một thanh niên còn trẻ, khoẻ mạnh. Gương mặt phản chiếu những nét linh động, hoạt bát...
Tôi hỏi: Hồi nãy tôi có gọi ra Phòng Trực, Thiếu Úy có nghe điện thoại reo không?
- Dạ! Thưa không!
Anh ta vẫn còn đứng nghiêm sau bàn trực và lễ phép hỏi tôi:
- Thiếu Tá cần gì?
- Không! Tôi không cần gì! Tôi chỉ muốn thử lại điện thoại thôi!
Hồi nãy tôi có gọi thử ra Phòng Trực nhưng không ai trả lời. Tôi đã kiểm soát lại Pin, nhưng điện thoại vẫn không hoạt động được.
Thiếu Úy Sĩ Quan trực, thong thả nói:
- Tôi nghĩ là Pin đã hết hạn xử dụng.
Tôi quả quyết: -Không! Trung sĩ Giang, Hạ Sĩ Quan tiếp liệu, sáng nay có trao cho tôi 2 cục Pin A.3o còn nguyên xi mà.
- Tôi sẽ cùng đi với Thiếu Tá, để kiểm soát lại đường giây điện thoại nối vào phòng số 4.
Vừa nói xong, Thiếu Úy Sĩ Quan Trực rời bàn trực, định đi theo tôi.
Nhìn quanh, tôi không biết ai là Hạ Sĩ Quan trực. Tôi hỏi:
- Hạ Sĩ Quan trực đâu?
Trong một góc phòng, năm sáu quân nhân đang bao quanh bàn cờ tướng, Một Thượng Sĩ chạy đến bàn Sĩ Quan trực, nói:
- Dạ. Tôi trực đêm nay.
Tôi dặn:
- Tôi về phòng vãng lai, thỉnh thoảng anh gọi vào phòng số 4, để tôi thử điện thoại nhé!
- Dạ!
Tôi cùng đi với Thiếu Úy Sĩ Quan Trực trở lại phòng vãng lai.
Một điều làm tôi ngạc nhiên vô cùng. Mùng bị tháo gỡ ra khỏi giường gỗ, và được xếp gọn gàng, đặt ngay trên đầu giường. Mọi vật dụng dường như có ai đó làm xê dịch đi đôi chút.
Trong lúc đó, viên Sĩ Quan Trực không lấy gì làm ngạc nhiên. Anh ta kiểm soát lại đường giây điện thoại dã chiến mắc vào phòng. Một chặp lâu sau, anh nói với tôi:
- Thưa Thiếu Tá, có một đầu giây điện thoại bị hở, tôi đã gắn lại rồi. Tôi sẽ gọi ra Phòng Trực, để xem còn trục trặc nữa không. Vừa nói anh ta vừa quay mấy vòng trên cái điện thoại EE8.
- A lô! Phòng Trực có nghe tôi không?
Bên kia đầu giây có tiếng trả lời. Tôi nghe Sĩ Quan Trực nói:
- Không có gì, tôi đang thử đường giây điện thoại. Cám ơn!.
Anh ấy đặt điện thoại xuống và nói với tôi:
- Có lẽ hôm nay gió mạnh, nên cành cây ngoài cửa sổ lay động, làm hở mạch điện thoại.
Nói xong, anh ta chào tôi về lại Phòng Trực. Còn lại một mình, tôi loay hoay mắc mùng và đi ngủ lại. Đến một nơi xa lạ, nên khó ngủ. Tôi tiếp tục đọc sách, chờ đợi và nghe ngóng chính hơi thở và con tim của mình đang đập thình thịch.
Bỗng nhiên, từ trên trần nhà, ngay chỗ cái bóng đèn tròn, một người con gái mặt mày máu me, trên đầu có những lọn tóc rối, trắng phau, thả xuống gần đôi chân. Đầu đang bị treo vào một sợi dây thòng lọng.
Hai tay và hai chân đong đưa như đang bị nghẹt thở. Mắt trợn tròng, liêng liếc. Một tay vẫy gọi tôi như cầu cứu.
Tôi toát mồ hôi hột, vội chụp súng và chạy ngay ra Phòng Trực. Tôi kể chuyện cho Thiếu Úy Sĩ Quan Trực nghe. Anh ta cũng ngạc nhiên vô cùng.
Tôi hỏi:
- Thiếu Úy ở đơn vị này lâu rồi, Thiếu Uy có nghe ai kể chuyện phòng đó có ma không?
- Dạ thưa Thiếu Tá, tôi cũng có nghe nhiều người nói là phòng số 4 có ma, nhưng chưa nghe ai nói có người tự tử treo cổ lửng lơ trên trần nhà.
Tôi nhìn đồng hồ treo trên tường của phòng trực thì đã 4 giờ sáng rồi.
Tôi hỏi vị sĩ quan trực:
- Mấy giờ Câu lạc bộ mở cửa?
- Dạ, 4 giờ rưỡi.
Tôi hơi ngạc nhiên:
- Sao mở cửa sớm vậy?
Anh ta thong thả trả lời:
- Cả tháng nay, Tiểu Khu ra lệnh cấm trại 100 phần 100, nên anh em đều ngủ lại trong trại. Câu lạc bộ mở cửa sớm để anh em uống cà phê, dùng điểm tâm vì 6 giờ đã điểm danh rồi.
- Mấy giờ anh bàn giao phiên trực?
- Dạ, tôi chỉ chờ Khối Điều Hành Tổng Quát đến để ký Sổ Bàn Giao.
Anh ta giải thích thêm:
- Ở đây, Ban Trực chỉ chịu trách nhiệm từ 5 giờ chiều đến 5 giờ sáng. Còn trong giờ làm việc thì Khối Điều Hành Tổng Quát chịu trách nhiệm.
Tôi nói:
- Tôi mời Thiếu Úy xuống Câu Lạc Bộ uống cà phê sáng với tôi.
- Dạ được. Tôi sẽ cùng đi với Thiếu Tá.
Vừa nói, anh vừa quay điện thoại:
- A Lô! Khối Điều Hành Tổng Quát đó hả! Cho người nhận bàn giao đi chứ! Trễ của tôi 10 phút rồi đó!
Anh ta đặt ống nghe xuống, tươi cười nói:
- Khối Điều Hành Tổng Quát đang cho người xuống ký Sổ Bàn Giao!
Ngay lúc đó, tôi nhớ mình chưa khóa cửa phòng Vãng Lai. Tôi nói:
- Thiếu Úy cùng tôi về phòng Vãng Lai, để tôi khóa cửa rồi mình xuống Câu Lạc Bộ.

Chúng tôi cùng đi về phòng Vãng Lai. Vừa bước vào, chúng tôi thấy một thiếu nữ mặc áo nhung đen, đang nằm ngửa ra trên sàn nhà với chiếc gối hoen máu.
Tôi đưa mắt liếc nhìn. Bỗng dưng tôi nghẹt thở. Tôi kinh hoàng, nhìn không chớp mắt. Vết thương rỉ ra trên cổ nàng và vệt máu vẫn còn nhỏ giọt, ươn ướt tuôn ra từ trên cổ nàng. Thiếu nữ cố hít một hơi yếu đuối, nàng từ từ chống khủyu tay ngóc đầu dậy. Nút áo bị tuột ra, hở ngực. Như có ai đã xé toét ra từ trước. Nàng đưa đôi mắt trắng dã, nhìn chúng tôi như cầu cứu.
Chúng tôi còn đang ngơ ngác thì hình hài của thiếu nữ đó biến mất.
Lần này tôi thật sự khiếp sợ. Giường ngủ bị lật úp xuống, bốn chân lộn ngược lên trần nhà.
Tôi vội đẩy viên Sĩ Quan Trục ra khỏi gian phòng. Anh ta đang đứng lặng người ở trước cửa, há hốc miệng nhìn tôi, mặt mũi xanh như tàu lá chuối. Tôi đóng cửa và vội vã kêu viên Sĩ Quan Trực ra khỏi hành lang. Anh ta hổn hển nói: - Ma!
Chúng tôi lao mình ra khỏi hành lang và nhảy xuống cầu thang từng hai, ba bậc một. Xuống Câu Lạc Bộ, chúng tôi kêu cà phê và cháo gà để điểm tâm.
Vừa liếm từng giọt cà phê nóng hổi, tôi vừa nhìn quanh. Câu Lạc Bộ đông người, mà tôi vẫn còn kinh hoàng, khủng khiếp nhìn quanh ... một vệt máu còn đọng lại trên cổ người thiếu nữ đang nằm vất vưởng trên sàn nhà...
Sau đó, tôi được biết, Câu Lạc Bộ do vợ một thượng sĩ thầu. Tôi nghe nói bà này đã bán câu lạc bộ này nhiều năm, nên tôi hỏi thăm về chuyện ma tại vãng lai, được bà cho biết như sau:
- “Chồng tôi phục vụ tại doanh trại này đã từ lâu. Anh ấy trước đây là lính G.I (khố xanh), sau khi Pháp rút quân về nước, doanh trại này được bàn giao cho tiểu đoàn 82 Việt Nam. Tiểu đoàn Bảo An Bình Thuận được thành lập do Đại Úy Danh làm Tỉnh Đoàn Trưởng, cũng đã đồn trú tại đây. Tỉnh Đoàn Bảo An bị giải tán và xác nhập vào Tiểu Khu cho nên nơi đây là Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận Bình Thuận. Nhưng trước năm 1945, doanh trại này là Phòng Nhì của Quân Đội Viễn Chinh Pháp.
Hồi đó tôi còn bán cái quán nhỏ trước trại lính này. Nghe nói tụi Pháp có bắt về một thiếu nữ trẻ đẹp, bị tình nghi là tiếp tế cho Việt Cộng. Ban đêm tụi Pháp điều tra, đánh đập và hãm hiếp thiếu nữ này nhiều lần. Uất ức, cô ta thắt cổ tự tử và sau này con gái của Đại Úy Danh, Tỉnh Đoàn Trưởng Tỉnh Đoàn Bảo An cũng đã tự tử vì tình duyên trắc trở sao đó, cũng tại phòng số 4 của Nhà Vãng Lai này.
Từ đó về sau, không một Sĩ Quan nào dám trú ngụ tại phòng số 5 của Vãng Lai đó.”

Bà nói thêm:
- “Thiếu Tá Minh cho dọn dẹp phòng đó rất sạch sẽ, để khi nào có Phái Đoàn Thanh Tra nào mà hách xì xằng, vẽ vời thứ này thứ nọ, thì ông mời vào phòng đó để tạm trú. Ai vào ở cũng gặp ma và sáng hôm sau cuốn gói về Sài Gòn ngay mà không còn muốn thanh tra, thanh triết gì nữa..
Tôi nghe kể câu chuyện như thế bèn thở dài: -Ừ! Ra là thế.
Nhiều năm về sau, khi chúng tôi gặp lại nhau và hồi tưởng lại chuyện cũ, thì chuyện hai con ma trong Phòng số 4 Vãng Lai, của Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận Tiểu Khu Bình Thuận, lúc nào cũng được kể lại.
Duy Xuyên, Tacoma

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.