Hôm nay,  

Mãnh Lực Mỹ Kim

12/8/200500:00:00(View: 11230)
- Ngày Thứ Hai vừa qua, trên các thị trường tài chính thế giới, đồng Mỹ kim lại vừa tăng giá và lên kỷ lục so với đồng Yen Nhật kể từ năm 1979. Tiền Việt Nam sẽ ảnh hưởng ra sao"

Khởi đầu loạt tổng kết cuối năm về kinh tế thế giới, với những ảnh hưởng đối với kinh tế Đông Á và Việt Nam, mục Diễn đàn Kinh tế có cuộc trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, do Việt Long thực hiện sau đây.

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, trong tháng 12 này, chúng tôi xin đề nghị là ta sẽ lần lượt làm một đợt tổng kết về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2005, với dự đoán nếu có thể về những ảnh hưởng trong năm tới.

Để mở đầu, chúng tôi xin được đề cập tới giá trị đồng Mỹ kim, vì như ông có thể thấy, đồng đô la Mỹ lại vừa tăng giá theo một đà liên tục kể từ tháng Giêng năm nay và vì tiền Mỹ vẫn là ngoại tệ được sử dụng phổ biến nhất trong luồng trao đổi mậu dịch của các nước trên thế giới, kể cả Việt Nam.

- Thưa vâng, ta sẽ khởi sự thực hiện một loạt tổng kết để làm cơ sở cho những dự đoán về tình hình năm tới, và sẽ đề cập trước tiên đến trị giá đồng Mỹ kim so với các loại ngoại tệ khác vì dư luận nhiều nơi cứ thường dự đoán là Mỹ kim sẽ bị tuột giá trong khi thực tế thì lại khác.

Hỏi: Trên diễn đàn này, từ năm ngoái, ông có trình bày là thời của đồng đô la rẻ đã kết thúc, mặc dù kinh tế Hoa Kỳ vẫn bị hai nạn khiếm hụt song hành là bội chi ngân sách và nhập siêu về ngoại thương. Vì sao lại có nghịch lý như vậy" Và trước tiên, Mỹ kim đã lên giá ra sao"

- Về bối cảnh chung thì ta đều thấy một thế thất quân bình khó tồn tại giữa hai xu hướng trái ngược. Một đằng là các nước Đông Á có mức tiết kiệm rất cao và ra sức bán hàng rất rẻ vào thị trường Mỹ, trong khi tỷ lệ tiết kiệm của kinh tế Mỹ lại sút giảm và hàng năm, Hoa Kỳ bị nhập siêu nặng, tức là nhập nhiều hơn xuất cảng, bình quân mỗi ngày phải nhập khoảng hai tỷ Mỹ kim mới đủ cho yêu cầu chi dụng và đầu tư. Thế quân bình ấy khó tồn tại và đòi hỏi một sự điều chỉnh. Việc điều chỉnh dễ hiểu và có thể là tất yếu là tiền Mỹ sẽ phải sụt giá, là điều người ta đã thấy kể từ tháng Giêng năm 2002.

Thế nhưng dù ta dự đoán như vậy, kể từ tháng Giêng năm nay, tiền Mỹ đã hết sụt mà còn tăng giá và nếu so với một giỏ ngoại tệ chung, là một chỉ số phức hợp về tỉ giá hối đoái, thì Mỹ kim đã tăng khoảng 14% trong năm nay. So với đồng Yen Nhật và đồng Euro Âu châu thì Mỹ kim tăng hơn 16 và 17%. Một ngoại lệ đáng chú ý cho dư luận Việt Nam là trường hợp của vàng. Vàng đã lên giá mạnh và mấp mé 500 Mỹ kim một troy ounce, tăng khoảng 16%.

Hỏi: Dư luận Việt Nam quả là có chú ý đến vàng vì đây là một phương tiện tồn trữ tài sản thông dụng của dân Á châu.

- Thưa vâng, nếu vàng lên giá đến 16% so với tiền Mỹ, trong khi đô la lên giá chừng 16-17% so với tiền Nhật hay Âu châu thì điều ấy cũng có nghĩa là vàng đã tăng giá đến một phần ba so với Yen Nhật và Euro Âu châu. Hai hiện tượng ấy, Mỹ kim lên giá và vàng lên giá, cho thấy một điều là các quốc gia có tài sản, như các nước công nghiệp hóa trong khối OECD và các nước Á châu mạnh về xuất khẩu, đã tồn trữ Mỹ kim và vàng thay vì tiền Âu hay tiền Nhật.

Tuy nhiên vàng là một phương tiện lưu giữ tài sản mà cũng là một phương tiện đầu cơ nữa. Và nhìn trong dài hạn thì việc tồn trữ vàng không có nhiều lợi ích kinh tế mà còn có thể bị rủi ro lớn vì có khi sụt giá rất nhanh khiến mình dễ sạt nghiệp nếu giữ tài sản bằng vàng.

Hỏi: Xin hỏi ông ngay một câu mà các thính giả tại Việt Nam rất để ý là nhiều nơi dự đoán rằng vàng còn có thể tăng giá đến 800 Mỹ kim một troy ounce. Điều ấy có đúng hay không"

- Dự đoán tương lai luôn luôn là khó, nhất là khi thế giới thực ra đang có chiến tranh, với yếu tố an ninh vẫn có hậu quả bất ngờ, và khi kinh tế thế giới vừa sợ nạn lạm phát vừa gặp một nguy cơ có thể thấy tại Trung Quốc vào năm tới là nạn giảm phát, tức là hiện tượng trái ngược. Một thí dụ là việc dầu thô lên giá mạnh mà có thể sẽ lại đột ngột xuống giá, dưới mức 40 Mỹ kim một thùng trong thời gian tới. Vàng cũng vậy, vì người ta sợ bất ổn, lạm phát và còn đoán là Trung Quốc sẽ trữ vàng trong khối ngoại tệ và quý kim của họ.

Vì thế mà giá vàng tăng giá gấp đôi kể từ năm 2003 và lên tới kỷ lục là 500 đồng kể từ 1987. Thực ra, vàng không là quý kim có giá trị lớn và lâu dài về kinh tế hay công nghiệp và nhiều thống kê cho biết là giới đầu tư lẫn chính quyền Bắc Kinh không dồn tiền vào vàng. Ta không quên là năm 1980, giá vàng đã lên tới 850 Mỹ kim một ounce, nếu gia giảm theo đà vật giá Hoa Kỳ và tiền Mỹ thì giá 500 đồng ngày nay mới bằng 25% thời đó. Nhưng, và đây mới là điều đáng chú ý: vàng vẫn có thể sụt và khi sụt sẽ sụt mạnh. Đầu cơ là lời nhanh mà dễ chết!

Hỏi: Trở lại đồng Mỹ kim, thưa ông, vì sao đô la Mỹ lên giá và thính giả có thể muốn biết rằng chiều hướng này có kéo dài qua năm tới hay không"

- Tôi xin được đề nghị một cách lượng định để ta có chung cơ sở dự đoán, từ đấy mình mới biết vì sao giá cả lại lên hay xuống. Đồng Mỹ kim là một loại hàng hóa, dù đặc biệt vì phổ biến nhất thì vẫn chỉ là một hàng hóa. Trị giá của nó được tính thế nào" Thông thường thì tính theo trị giá của các ngoại tệ khác, như đồng Yen hay đồng Euro. Ta gọi đó là tỷ giá ngoại hối hay nói cho gọn là hối suất. Khi nói Mỹ kim lên giá thì nói chung là lên giá so với hai ngoại tệ kia, vì kinh tế Mỹ, Nhật Bản và Liên hiệp Âu châu là ba đầu máy kinh tế lớn nhất địa cầu.

Bây giờ, về nguyên tắc thì hối suất một đồng bạc được tính ra từ ba loại yếu tố khác nhau. Thứ nhất là sức mạnh của nền kinh tế đã phát hành ra đồng bạc ấy. Nếu kinh tế phát đạt, bán nhiều hơn mua với thế giới bên ngoài, thì trị giá đồng bạc sẽ tăng vì người ta muốn có đồng tiền của xứ ấy để mua hàng từ xứ ấy. Đây là yếu tố đầu tiên về thực lực, nó giải thích vì sao nhiều người dự đoán là Mỹ kim sẽ mất giá khi Hoa Kỳ mua nhiều hơn bán nên bị nhập siêu.

Hỏi: Xin hỏi ngay một câu mà nhiều người có thể cũng nghĩ tới, là theo yếu tố thực lực về mua bán đó thì khi kinh tế Mỹ bị nhập siêu với kinh tế Trung Quốc hay Việt Nam chẳng hạn, điều ấy có nghĩa là đồng nhân dân tệ hay đồng bạc Việt Nam phải lên giá so với tiền Mỹ chứ"

- Thưa rất đúng về nguyên tắc. Nhưng, nếu người ta bán tiền Mỹ và mua tiền Trung Quốc hay tiền Việt Nam - vì hai nền kinh tế này đạt xuất siêu nhờ bán nhiều hơn mua với thị trường Mỹ - thì sau đó có thể làm gì với hai loại đồng bạc ấy" Câu trả lời cho câu hỏi đó dẫn ta đến hai loại yếu tố kia. Trước hết là mức độ khả tín, tức là đáng tin cậy, của hệ thống ngân hàng trung ương đã phát hành ra đồng bạc ấy. Thị trường quốc tế có tin vào Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hay Trung Quốc không mà lưu giữ đồng tiền của hai xứ ấy"

Hỏi: Ông nói về khả năng tạo ra sự tín nhiệm, tức là khả năng chuyên môn của giới lãnh đạo ngân hàng hay còn tiêu chuẩn nào khác nữa"

- Mức độ khả tín này trước hết tùy thuộc vào khả năng chuyên môn, nhưng cũng còn khả năng độc lập về chính trị nữa khi cần bảo vệ trị giá của đồng bạc một cách khách quan. Cụ thể là không lầm lẫn chậm lụt hoặc lại hốt hoảng khi thị trường có biến động và nhất là không bị áp lực cục bộ hay nhất thời của chính trị.

Ngân hàng Trung ương Âu châu ngày nay đang ở vào cảnh làm dâu trăm họ, ít ra là làm dâu cho 15 nước hội viên, vì mỗi nước lại có một yêu cầu khác biệt về kinh tế hay xã hội - có nước thì sợ lạm phát nên muốn nâng lãi suất, có nước lại sợ suy trầm nên đòi giữ lãi suất thấp. Vì vậy, một cơ chế rất có khả năng chuyên môn như Ngân hàng Trung ương Âu châu lại bị nhiều sức ép chính trị trái ngược và điều ấy phần nào giải thích vì sao Euro vẫn không tăng giá so với tiền Mỹ, dù họ vừa nâng lãi suất 25 điểm.

Xét trên tiêu chuẩn ấy, hệ thống ngân hàng trung ương Mỹ có mức khả tín cao, và thị trường quốc tế tin là đồng đô la không bị dùng làm công cụ cho những tính toán chính trị vì giới lãnh đạo hệ thống này có khả năng lẫn tư thế độc lập với nhà nước, với đảng cầm quyền.

Hỏi: Bây giờ, ta qua yếu tố thứ ba có thể chi phối hay xác định giá trị của một đồng bạc…

- Thưa vâng, và yếu tố này cũng giải thích vì sao mà dù Trung Quốc hay Việt Nam có đạt xuất siêu với Hoa Kỳ và ngân hàng trung ương của hai xứ ấy có thể là không xào nấu sổ sách hay chính sách để cố tình làm thay đổi trị giá đồng bạc nhằm chuẩn bị cho một đại hội đảng chẳng hạn, người ta vẫn không lưu trữ đồng nhân dân tệ hay đồng bạc Việt Nam quá nhu cầu trao đổi bình thường.

Yếu tố thứ ba này là tình hình giao dịch các tài sản tài chính được yết giá bằng Mỹ kim. Tình hình ấy là thứ nhất, kích thước của thị trường có đủ lớn không, tức là mức độ phổ biến của đồng ngoại tệ, và thứ hai, quan trọng hơn, khả năng giao hoán ra hiện kim, tức là mức độ lưu hoạt của tài sản đầu tư. Nói cho cụ thể là khi có yêu cầu, người làm chủ tài sản đầu tư bằng Mỹ kim này có thể đổi ra tiền mặt không, thủ tục có mau chóng nhặm lẹ dễ dàng không.

Một thí dụ cụ thể khác là ông bán hàng cho Việt Nam lấy tiền Việt Nam về và dùng tiền ấy đầu tư vào thị trường chứng khoán tại Việt Nam. Đến khi cần bán ngay cổ phiếu của ông trên thị trường ấy để dùng tiền vào một việc khác có lợi hơn thì phải vượt qua những cửa ải nào và tốn kém ra sao về thời giờ và tiền bạc" Mức độ lưu hoạt ấy là yếu tố rất đáng kể về an toàn.

Hỏi: Nếu xét trên ba tiêu chuẩn ông vừa trình bày là thực lực giao thương, mức khả tín của ngân hàng trung ương và ưu điểm về kích thước và sự lưu hoạt trên thị trường tài chính thì kinh tế Mỹ dù có bị nhập siêu nặng, đô la Mỹ vẫn có hai ưu thế còn lại và điều ấy có thể giải thích vì sao Mỹ kim vẫn lên giá phải không"

- Thưa đúng như vậy và sẽ còn lên giá trong năm tới vì dù sao kinh tế Mỹ vẫn có sức năng động cao nhất trong ba đầu máy kinh tế của thế giới là Mỹ Nhật Âu, với một mức lạm phát tương đối còn thấp, và vì thị trường tài chính Mỹ vẫn là nơi đầu tư an toàn nhất. Chính là các yếu tố ấy mới khiến các ngân hàng trung ương Đông Á trong năm nay có trù tính giảm bớt tỷ trọng Mỹ kim trong khối dự trữ ngoại tệ của họ thì ngược lại, giới đầu tư vẫn dồn tiền mua trái phiếu hay cổ phiếu của Hoa Kỳ.

Đây là ta chưa nói đến một hiện tượng khác là các nước xuất khẩu dầu thô kiếm ra rất nhiều Mỹ kim nhờ dầu thô tăng giá, một số không nhỏ đồng Mỹ kim gọi là Petrodollar ấy cũng lại chảy ngược vào thị trường Hoa Kỳ. Vì vậy mà ta có thể dự đoán là Mỹ kim sẽ còn tăng giá trong năm tới nếu so với đồng Yen Nhật và đồng Euro Âu châu, nhất là đồng Yen Nhật. Kỳ sau ta sẽ nói về hậu quả đối với Đông Á và Việt Nam.

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Tháng hai năm 2000, nhà cầm quyền Hà Nội đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương (ĐCSĐD). Trong dịp này họ viện dẫn những thành quả mà họ đã đạt được trong nửa thế kỷ vừa qua và tự ban cho mình tư cách và tính chính thống để độc quyền lãnh đạo quốc gia từ trước tới nay và từ nay về sau
Khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ bị cạnh tranh và hiệu năng kém lẫn tham nhũng cao của khu vực nhà nước khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, nhân viên bị sa thải... Việt Nam đang nuôi cả hy vọng lẫn mối lo trong viễn ảnh gia nhập tổ chức WTO. Diễn đàn Kinh tế đài RFA sẽ đề cập tới những vấn đề trên qua phần trao đổi với
Vào ngày 12 tháng 7 năm 2006 vừa qua, Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, thường được gọi là Ban chỉ đạo 33, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã tổ chức một cuộc tọa đàm tại Hà Nội để bàn về phương hướng và giải pháp khắc phục hậu quả mà chánh phủ
Mục tiêu chính của phái đoàn thương mại Hoa kỳ ngồi thương thuyết với phái đoàn cộng sản Việt nam là làm sao đạt được những đòi hỏi có lợi cho tư bản Hoa kỳ với những đặc quyền, đặc lợi ở thị trường Việt Nam. Đó là cái gía mà cộng sản Việt Nam phải trả để
Nghệ thuật mượn sức đôi khi là nghệ thuật mệt sức. Trong mọi cuộc thương thảo, người ta chỉ đạt kết quả khi đôi bên cùng nhượng bộ… một phần. Khi cần nhượng bộ, nhà thương thuyết phải nói với đối phương: "đây là cố gắng tột cùng của chúng tôi, chúng tôi mà lùi thêm một bước nữa thì… chúng ta cùng chết." Sau đấy, khi trở về trình bày với đồng chí,
Thế giới đang e ngại nguy cơ suy trầm kinh tế thì đúng một tuần sau khi Bắc Hàn phóng hỏa tiễn tại Đông Bắc Á, quân khủng bố lại đánh bom tại Mumbai của Ấn Độ; thế rồi xung đột vừa bùng nổ tại Trung Đông và có thể suy đồi thành chiến tranh lan rộng. Diễn đàn Kinh tế Đài RFA sẽ tìm hiểu về hậu quả của cuộc chiến đối với kinh tế
Việc Bắc Hàn gây rối sẽ còn kéo dài, với hậu quả bất lợi cho kinh tế Đông Á. Trước mắt thì xăng dầu và lạm phát sẽ càng khiến kinh tế của khu vực dễ bị suy trầm. Việc Bắc Hàn phóng hỏa tiễn vào tuần qua sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Đông Á trong viễn ảnh kinh tế Á châu có thể bị suy trầm vào năm tới" Diễn đàn Kinh tế đài RFA nêu
Có thể thấy một mối liên hệ dù gián tiếp nhưng vẫn đáng kể giữa thành quả trong giải World Cup với thành tích kinh tế của một xứ mở cửa... Trong suốt một tháng, thế giới lên cơn sốt với giải vô địch bóng đá thế giới World Cup. Với không khí nhộn nhịp tưng bừng ấy, Diễn đàn Kinh tế đài RFA sẽ tìm hiểu khiá cạnh kinh tế của hiện tượng
Vì sao Hồ Cẩm Đào trở lại bài bản Mao Trạch Đông" Ngày xưa, hơn hai mươi năm trước, Đặng Tiểu Bình đánh giá Mao Trạch Đông theo tỷ lệ "tứ-lục". Bốn phần tiêu cực, sáu phần tích cực. Ngày nay, Hồ Cẩm Đào lại có cái nhìn khác. Chưa khi nào Hồ Cẩm Đào công khai phê phán Mao Trạch Đông. Năm 2003, nhân lễ kỷ niệm 110 
Những việc cải cách về chính trị, cơ chế và luật pháp lẫn sách lược kinh tế vẫn là đòi hỏi khách quan...Phải trả lại đất nước cho người dân, trả lại quyền định đoạt về đời sống cho người dân
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.