Hôm nay,  

Mai Thảo: Mặc Đỗ Quy Ẩn

08/01/201700:02:00(Xem: 5302)

MẶC ĐỖ QUY ẨN
 
MAI THẢO


Mỗi buổi sáng khi sương mù còn là một biển hơi trắng xoá chưa tan biến trên khắp vùng Missouri City, khi sân chơi mênh mông của ngôi trường tiểu học địa phương đối diện với cái địa chỉ văn chương Blue Ridge 1802 còn hoàn toàn vắng lặng, khi cách đó 5 dặm đường đồng, nhà thơ trẻ Hoàng Ngọc Ẩn, người hàng xóm Việt Nam còn ngủ vùi sau một ngày làm việc ở các tiệm sách nhạc mới mở dưới phố, nhà văn Mặc Đỗ đã một mình thức dậy.

blank
Hình 1: bìa tạp chí Văn số hai, tháng 8, 1982
[nguồn: Da Màu http://damau.org/archives/32091]

     Thức giấc sớm giữa mỗi tinh sương thôn dã Texas còn trong vắt, đầu cành chưa chim hót, gờ mái chưa nắng dấy, lúc mà chuyển động của Texas duy nhất ở nơi những cỗ máy khoan dầu to nặng không tiếng in hình trên một nền trời cực Nam còn thoi thóp những vì sao cuối cùng chưa rụng, ở người nhà văn chủ lực của nhóm Quan Điểm là một thức giấc đã cố định, đã một đời. Từ xa thẳm thanh niên. Từ thiếu thời đại học. Nơi người sinh viên Hà Nội tiền chiến và tiền khởi nghĩa trước mỗi giấc ngủ đều hẹn giờ với cây kim báo thức, tắm nước lạnh những buổi sáng mùa đông và tập thể dục trước khung cửa phòng ngủ ngó xuống 36 phố phường chưa một tiếng xe lăn. Thức giấc củng Hồ Tây mầu cốm đậm chưa ngời ngời một triệu con trăng ánh sáng. Cùng Quan Chưởng đèn khuya còn thắp, chuyến xe điện Yên Phụ đầu ngày lát nữa mới Kim Liên.


     Thức giấc sớm ấy ở mãi với người sinh viên sau đó giã từ những mộng vàng niên thiếu, theo cửa lớn vào đại dương đời và trở thành nhà văn, một nhà văn như người ta thấy ở một giai tầng trí thức tây phương, mà văn chương là một tra vấn không ngừng, đời sống là một ám ảnh siêu hình, và ngôn ngữ một lên đường dẫn vào hành động. Thức sớm. Bởi tâm thể thao thức. Bởi thời thế sóng đập. Bởi nhân gian không ngủ, đứng ngồi không yên. Chừng như trong tâm thức đã trưởng thành, mỗi khởi đầu ngày vẫn trước sau là một hé cánh rất ban mai của tiếng chuông đồng hồ tuổi nhỏ. Đứa trẻ nghe chuông cho khỏi trễ giờ vào lớp. Người viết chữ ký thác những hoài bão trí thức của mình lên mặt giấy sáng sáng thức cùng chuông để gặp sớm, để khỏi lỡ hẹn với hiện tại và thế kỷ của mình.


     Ngồi lên và ra khỏi chiếc giường mỗi tinh sương còn nhờ nhờ bóng đất bóng trời, vẫn ở với Mặc Đỗ đêm 26 tháng tư 1975 từ căn phố lầu Trần Hưng Đạo cùng gia đình âm thầm rời khỏi Sài Gòn sắp mất. Những ngày ở đảo, ở trại, buổi sớm ra bãi, tới ngồi trên một mỏm đá, chống tay dưới cằm, nghe tiếng sóng đổ hồi không nghỉ, nhìn ngắm những biến thiên những thay đổi một đời. Thức giấc sớm ấy vẫn cứ như một kỷ luật sắt son không phá vỡ với Mặc Đỗ lữ thứ, từ bảy năm Texas, trong cùng đáy tách thoát mất tích cánh đồng Missouri City hoạ hoằn mới có một Nghiêm Xuân Hồng, một Võ Phiến, một Mai Thảo từ nghìn dặm tới thăm. Thức giấc sớm ấy bây giờ chừng như còn chặt chẽ, còn trọn vẹn hơn nữa. Với một Mặc Đỗ đã 65 tuổi. Với một Mặc Đỗ đã nhìn thấy rất gần số tháng năm còn lại của mình. Với một Mặc Đỗ từ giải phẫu mắt khiến cái nhìn yếu kém, từ giải phẫu óc, đã lành, nhưng mỗi đổi mùa còn làm cho đau. Với người nhà văn đã lựa chọn từ mười năm một thế sống tịch mịch, cách khuất hơn hết mọi đời sống nhà văn Việt Nam lưu vong, từ chối mọi tiếp xúc tạp nhạp với đời, đi hẳn vào một thế giới bên trong, tự vây hãm trong một lưu đầy im lặng.


     Hình ảnh đời sống Mặc Đỗ bây giờ là thế. Một mặt phẳng không tiếng. Một đáy giếng thăm thẳm. Một cánh cửa đóng kín. Một quy ẩn sớm chiều. Một tịnh thất hoàn toàn. Ở cái địa chỉ văn chương Blue Ridge, người chủ nhân khoanh tay nhìn ra thế giới mù sương, đã rút lên cây cầu treo, từ lâu không xuống nữa. Những chuyến xe đò, những hãng máy bay từ mười năm chưa lấy được một đồng nào của Mặc Đỗ quyết liệt từ chối mọi chuyển dịch. Mỹ sống đã vô chừng riêng tây hang động. Nhà văn Việt Nam còn trăm lần ốc đảo, nghìn lần hang động hơn. Bóng dáng một Mặc Đỗ ở quê nhà, mỗi buổi chiều Sài Gòn tắm nắng, nhanh nhẹn băng qua con đường Trần Hưng Đạo, đứng đợi xe trước cửa chợ Bến Thành, chiều nào cũng ngồi với bạn hữu ở nhà hàng Hải Biên, đêm nào cũng là một đêm huy hoàng Chợ Lớn, cái bóng dáng cùng khắp ấy, không ai còn nhìn thấy nữa. Bằng hữu khắp nơi như láng giềng lân cận. Tấm rèm đã buông. Một im lặng đầy. Và lớn. Luỹ hoa đã dựng. Bên ngoài luỹ hoa, trong này luỹ hoa. Ngôi nhà sáng láng, ngưng đọng, với những bức thuỷ mạc Trung Hoa trên những vì tường, cỗ máy điện thoại không reo, những mặt ghế phòng khách bỏ trống, những tờ lịch rớt xuống, rớt xuống theo nhịp đi lặng lặng của tháng ngày, hoàng hôn Texas đỏ thẫm thế nào không hay, những ngã tư đời ồn động thế nào chẳng thiết, đó là Mặc Đỗ, Mặc Đỗ cực nam, Mặc Đỗ Texas, Mặc Đỗ đi dép mỏng mặc quần áo cũ, mỗi buổi sáng ra căn vườn sau nhà ngồi thật lâu với một đài hoa, và trở vào thức một mình với những cuốn sách.


     Căn vườn sau, ba phía tường vây bọc. Mảnh đất riêng ở dưới. Mảnh trời riêng trên đầu. Những cuốn sách, thức giấc đã nhìn thấy, im lìm trên giá. Những cuốn sách mà Victor Hugo gọi là những bạn đời chung thuỷ nhưng buồn bã. Những cuốn sách mà Hồ Dzếnh cảm thấy "hồn đau thổn thức buồn". Những cuốn sách của người, cái thế giới tư tưởng chữ nghĩa cổ kim kỳ ảo. Những cuốn sách của bạn, đánh dấu một thời kỳ văn học ở đó có chí lớn, có hoài bão, có nhập cuộc, có lên đường. Những cuốn sách của chính mình, đêm bay lên khỏi vùng trời đất nước đã mang theo. Cuốn Bốn Mươi của tuổi không ngờ vực. Cuốn Siu Cô Nương của vị trí giai tầng. Khu vườn sau. Những cuốn sách người. Những cuốn sách ta. Vười im lặng nắng. Sách không tiếng động. Đó là cái thế giới thu nhỏ và niêm phong hiện giờ của Mặc Đỗ.


      Khoảng hai năm trước đây, thời gian đánh dấu cho sự im lặng kéo dài, đầy và lớn nhất của Mặc Đỗ, cũng là thời gian sau này những tri kỷ và thâm giao được biết là tuyệt vọng và bi thảm nhất của Mặc Đỗ trong nhận thức riêng tây về thân thế cuối chiều, cũng như trong nhận thức tổng thể về xã hội về thời đại của người trí thức lưu đầy ở nơi ông, và buồn bực vô chừng trước bệnh trạng, trước cái điều mà ông gọi là "sự vô dụng của bản thân" đã tới, Mặc Đỗ có như rớt xuống một đáy thẳm. Đi giữa một mùa đông. Ở trong một hầm đá tối. Đời sống hết mọi lý do của nó. Tận tuyệt. Những nguyên tắc để làm gì. Những kỷ luật vô ích. Tâm trạng gần như một thù nghịch, một ngờ vực với hết thảy, thời gian này là của một Mặc Đỗ khắc khổ đến độ khô cứng, thành kiến tới cố chấp, lúc diễu cợt mỉa mai, hồi lạnh lùng cay đắng, cặp mắt khắc nghiệt phán xét tàn nhẫn đời sống, mọi thoả thuận khoan dung với đời, với người không còn nữa, khởi đi từ một nhìn ngắm u uất hờn giận với chính bản thân mình. Đó là thời kỳ Mặc Đỗ cự tuyệt với hết thảy, không còn viết được một giòng chữ nào và đã nghĩ thôi hẳn với văn chương. Trả lời thư một bạn thân hỏi tại sao không còn viết nữa, ông trả lời khô khan vắn tắt: "Tại vì tôi không còn nhìn thấy một giá trị nào". Những bằng hữu ở xa tới thăm, ông ra đầu thềm tiễn chân nói có thể đây là lần gặp cuối. Bạn tới thăm không muốn ở lâu trong ngôi nhà buồn bã. Người tiếp bạn tới thăm chừng như cũng không thiết tha giữ bạn ở lại với mình. Thời gian này, ở trong cánh đồng Missouri City là những buổi chiều đi "gọi chim vườn bay hết", là trời hết một phương, trái đất cùng đường, những con ngựa gầy Texas đứng hình phạt trên những đồng cỏ khô cháy, những cỗ máy khoan dầu Texas nhẫn nhục quay những vòng quay chịu tội, không một bông hoa nở trong căn vườn sau, những cuốn sách trên giá và những tranh thuỷ mạc Trung Hoa trên tường vô nghĩa.


     Vượt qua sa mạc Arizona từ phía Tây, rời khỏi Oklahoma City và Dallas gió cát chói chang từ phía Bắc, những bạn hữu từ nghìn dặm và bằng đường bộ tới thăm Mặc Đỗ đi vào Texas và Houston hồi gần đây, vẫn gặp lại một Texas và một Houston như cũ. Những trang trại típ tắp. Những đồng cỏ mệnh mông. Những cái máng khô, những con ngựa gầy, những hàng dậu đổ. Những ngôi nhà chọc trời của những thị trấn nắng lửa in hình trên một nền trời cực Nam loà nắng. Những xóm nghèo. Những người da đen. Những ghe thuyền đánh cá trong những vùng biển. Bầy thuỷ thủ say rượu hò hét. Khói nhà máy và mùi dầu lửa mùi biển mặn trộn lẫn trong không khí hừng hực choáng váng dồn dập hơi thở.


     Và tiến vào Missouri City, một cương thổ mới, khuất cách của văn chương Việt Nam lưu vong, vẫn những con đường cũ, một địa chỉ cũ, một ngôi nhà cũ, một Blue Ridge 15803 gặp lại. Những con đường cỏ hoang lan tràn, vắng vẻ, gợi nhớ những con đường đồng miền Trung. Một địa chỉ yên tĩnh. Một ngôi nhà đóng kín. Tất cả hầu như vẫn thế, vẫn vậy, không một đổi thay nhỏ so với lần trước. Tất cả vẫn như riêng một trời ta một biển ta, rất cách biệt, rất riêng tây với mọi biển trời người. Rồi tiếng chân người từ bên trong đi ra. Rồi Mặc Đỗ mở cửa đón bạn xa vào, thì cũng vẫn là Mặc Đỗ ấy. Tịnh thất quy ẩn. Bên ngoài đời sống, trong này luỹ hoa. Cả tháng không ra khỏi nhà, hàng xóm láng giềng sáng chiều không thấy mặt.


     Nhưng Mặc Đỗ gần đây, Mặc Đỗ của lần gặp mới, trong cái phong thái đi ra, trong ánh mắt và nụ cười đón bạn, đã có một vẻ gì đổi khác. Gần như sự trở về của một Mặc Đỗ xưa. Gần như sự trở lại với đời. Gần như một Mặc Đỗ mới. Người chừng như trẻ hơn, mặc dầu mái tóc vẫn thêm nhiều sợi bạc. Người, chừng như an nhiên hơn, nhẹ nhõm hơn, vì đã bắt gặp được một thoả thuận nào đó, một thoả thuận tâm hồn và trí thức với bản thân, với cuộc đời trước đây không tìm thấy. Ngôi nhà cũng từ người, tạo ra một cảm giác mới. Như có nhiều trời xanh hơn lần gặp trước chảy vào thiên thanh những cửa sổ phòng. Như những bức tranh thuỷ mạc Trung Hoa trên những vì tường là những cánh cửa phơi phới và sinh động khác nữa của thiên nhiên. Những cuốn sách trên giá lại đàm thoại hào hứng với người, ngoài căn vườn sau nhiều bông hồng xôn xao sắp nở. Bởi vì người ta đã ra vườn, làm cho hoa nở. Mở lại những cuốn sách. Làm cho sách nói. Ra khỏi một hầm đá tối thẳm, khiến mặt đất lại sáng loà rực rỡ ở chung quanh.


     Một buổi trưa thư thái trôi qua. Một buổi chiều tàn nắng trong vườn. Những bước dạo chơi trên cỏ. Uống rượu trước lò sưởi. Bình trà ngoài góc hiên.  Ánh đèn sáng dịu dàng. Khăn trải bàn tinh khiết. Câu chuyện vể bằng hữu, về quê nhà kéo dài tới thật khuya. Thôi ông đi ngủ, mai phải lên đường sớm. Tới Missouri City lần này sao ít thì giờ vậy. Bao giờ trở lại. Món chả cá uống với đế Nam Mỹ không kịp thôi để lần sau. Bảo với X. sắp dựng diễn đàn chung tôi sẽ có bài. Nhất định. Tươi tắn, ấm áp, rộng rãi. Đó Mặc Đỗ gặp lại. Trên con đường trở lại bàn viết, đó Mặc Đỗ mùa hè năm nay.


     Và người bạn xưa vừa tới thăm Mặc Đỗ vẫn không trả lời được cho câu hỏi hắn từ biệt bạn mang theo lên đường, ra khỏi Texas. Điều gì, động lực nào đem lại cho con người nhà văn nhóm Quan Điểm xưa cái phong thái tươi tắn, điềm tĩnh của lần gặp này không thấy ở lần gặp trước. Sự thoả thuận mới, sự bình yên mới ấy? Một giác ngộ tâm linh, một phóng thoát tinh thần? Cái bóng mát đằm thắm của đạo Phật lúc cuối đời thanh thản? Một kết quả trong suốt của quy ẩn? Một hiệu quả bất ngờ của tịnh thất? Một cửa ngõ nhập thiền? Cái hiệu năng cuối cùng của văn chương? Có thể. Không rõ. Không biết.


     Cái hình ảnh sau cùng còn giữ lại của người bạn sau lần gặp mới là một bông hồng. Một bông hồng đỏ cắm trong một lọ thuỷ tinh nhỏ. Trước ngày đón bạn tới, Mặc Đỗ đã ra vườn hái một bông hồng, đem bông hoa đặt vào trong phòng ngủ bạn. Bông hoa còn tươi thắm lúc người bạn từ biệt ra đi. Mọi câu hỏi có thể được trả lời xong xuôi. Chỉ bằng bông hồng đó.


 

MAI THẢO

[Chân Dung mười lăm nhà văn nhà thơ Việt Nam.

Nxb Văn Khoa 1985]

 

Bài liên hệ: 
Mặc Đỗ: Mộng Một Đời
https://vietbao.com/a262544/mac-do-mong-mot-doi


   



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.