Hôm nay,  

Donald Trump và Một Trật Tự Mới Trên Thế Giới

06/01/201701:03:00(Xem: 10231)
Donald Trump và Một Trật Tự Mới Trên Thế Giới
 
Trần Trung Tín
 

Thời gian gần đây, thế giới đã rất "sôi nổi" về việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống của Hoa Kỳ. Trong khi đó, giới chức hữu quyền của các quốc gia khác - cả bạn lẫn thù của Hoa Kỳ - hẳn đã phải đau đầu khi lo lục tìm "bản vẽ" chính sách đối ngoại của ông Trump - vốn là người trước đây không hề có một thành tích chính trị nào.


Nổi bật lên trên tất cả những đòn phép ngoại giao của các trung tâm quyền lực Bắc Kinh, Moscow và Washington là một khuynh hướng mới đang trỗi dậy trong chính sách đối ngoại sắp tới của Hoa Kỳ: Donald Trump đang nghiêng về Nga Sô và chống lại Trung Hoa.


Khi chọn lựa khuynh hướng chính trị này, ông Trump đã tách ra khỏi "dòng chính" của chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Trung Hoa mà từ lâu nay vẫn được áp dụng bởi tám vị tổng thống, kể từ thời Nixon cho đến Obama.


Trước mắt là một bối cảnh chính trị thế giới đang thay đổi và chắc chắn sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến mọi người. Trong tinh thần "ôn cố, tri tân", chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu sự việc quan yếu này.


Lược qua Thời kỳ Chiến Tranh Lạnh


Ngày 21/02/1972, Tổng thống Nixon sang thăm Trung Hoa lục địa và có họp với Chủ tịch Mao Trạch Đông. Chuyến đi lịch sử này của Nixon khởi đầu cho những thay đổi chiến lược trong quan hệ ngoại giao phức tạp giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa lục địa.


Nhưng mãi cho đến ngày 01/01/1979, Hoa Kỳ mới thiết lập bang giao với Trung Hoa lục địa và cắt đứt liên hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, trên bình diện của một quốc gia.   


Khi chỉ duy nhất công nhận một mình Đài Loan hoặc một mình Trung Hoa lục địa, Hoa Kỳ đã tuân theo chính sách “một-Trung Hoa” (one-China policy).


Ngoài việc nhằm cải thiện mối bang giao giữa hai nước, chuyến viếng thăm Trung Hoa năm 1972 của Nixon còn khởi đầu cho một chuyển đổi quan trọng trong thế quân bình trong Chiến Tranh Lạnh: Hoa Kỳ đã kéo được Trung Hoa về phe với mình để chống lại Liên Xô.


Kết quả là, hơn 19 năm sau, vào ngày 25/12/1991, lá cờ búa liềm của Xô Viết đã bị hạ xuống và lá cờ ba màu của Nga Sô được kéo lên tại điện Cẩm Linh: Liên Bang Xô Viết đã chính thức sụp đổ(1).


Và đế quốc Xô Viết đã bị vỡ ra thành 15 quốc gia: 1.Armenia 2.Azerbaijan 3.Belarus 4.Estonia 5.Georgia 6.Kazakhstan 7.Kyrgyzstan 8.Latvia 9.Lithuania 10.Moldova 11.Russia (Nga) 12.Tajikistan 13.Turkmenistan 14.Ukraine 15.Uzbekistan(2).


Sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống


Ngày 02/12/2016, bà Tsai Ing-wen, Tổng thống Đài Loan, đã điện thoại nói chuyện với Donald Trump để chúc mừng ông đã đắc cử tổng thống Hoa Kỳ.


Ngày 03/12/2016, bộ ngoại giao Trung Hoa nộp đơn khiếu nại với Hoa Kỳ qua việc Tổng thống đắc cử Donald Trump nói chuyện với Tổng thống Đài Loan là một việc đi ngược lại nghi thức ngoại giao đã có từ nhiều thập niên.


Ngày 11/12/2016, trong cuộc phỏng vấn của chương trình Fox News Sunday, ông Trump nói: “Tôi hoàn toàn hiểu rõ chính sách Một-Trung Hoa. Nhưng tôi không biết tại sao chúng ta lại phải bị ràng buộc bởi chính sách Một-Trung Hoa này trừ phi chúng ta thỏa thuận với Trung Hoa để phải làm những thứ khác, kể cả mậu dịch.  [Nguyên văn: I fully understand the One-China policy.  But I don't know why we have to be bound by a One-China policy unless we make a deal with China having to do with other things, including trade(3).]  


Ngày 12/12/2016, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Hoa nói với các ký giả nếu Trump quay lưng lại với chính sách "một-Trung Hoa" thì các liên hệ song phương cùng sự phát triển lành mạnh và ổn định của bang giao Mỹ-Hoa sẽ "không còn gì nữa" (out of the question). Ông cho biết nguyên tắc "một-Trung Hoa" là "bệ đứng chính trị vững chắc" ("political bedrock") trong mối quan hệ giữa hai nước.


Trong khi với Nga Sô, mối liên hệ cá nhân giữa Donald Trump và Vladimir Putin xem ra khá tốt đẹp. Cả hai đều có những phát biểu tốt lành về nhau và cùng bày tỏ những viễn kiến về một tương lai mà cả hai có thể hợp ý.


Sau khi Trump đắc cử, việc thân thiện lại càng rõ nét. Ông cũng đã kêu gọi Hoa Kỳ nên tiến ra khỏi những cáo buộc Nga đã hacking hệ thống bầu cử Mỹ.  


Về việc hacking của Nga Sô, ngày 29/12/2016, Tổng thống Obama đã trục xuất 35 nhân viên ngoại giao và ra lệnh trừng phạt hai cơ quan tình báo của Nga. Tuy nhiên, Putin đã không trả đũa Obama. Và qua twitter, Trump phụ họa: “Việc (V. Putin) hoãn lại là một thế đi rất hay. Tôi luôn luôn biết là ông ta rất thông minh!”


Phản ứng theo bản năng và Không tiên liệu được


So với các vị tổng thống tiền nhiệm, có lẽ Tổng thống đắc cử thứ 45 của Hoa Kỳ, Donald Trump, là một người nổi bật nhất ở chỗ: Không tiên liệu được (unpredictable).


Tổng thống Obama thường bị chỉ trích vì quá cẩn thận đến độ trở thành rụt rè khi cần phải đưa ra các đối sách ngoại giao, như trường hợp của Syria là một điển hình. Thì ngược lại, với những phản ứng tức thời qua Twitter, hoặc những phát biểu "thấy sao, nói vậy", ông Trump thường bị đánh giá là hay phản ứng theo bản năng (instinct) hơn là thiên về những tính toán thận trọng.


Như ngay trong thử thách đầu tiên về mặt ngoại giao, sau khi ông Trump nói chuyện với Tổng thống Đài Loan Tsai ing-wen, các nhà phê bình chính trị cho là Trump đã làm rối tung mọi chuyện.  Mặc dù, ngoại trừ ban tham mưu của ông, không mấy ai thực sự biết rõ là đàng sau sự việc này ông Trump đã có hay không có một kế hoạch mới về chính sách "một-Trung Hoa.”


Bằng việc trên, ông Trump đã làm mọi người cảm thấy "không thoải mái." Nói cho đúng ra, cho đến thời điểm này, việc “làm mọi người cảm thấy ‘không thoải mái’” chính là điều mà ông Trump làm giỏi nhất!


Rất có thể kinh nghiệm làm show The Apprenctice trên TV liên tục trong 11 năm đã giúp đào luyện ông Trump nhuần nhuyễn trong việc đóng kịch ngoài mặt để người khác không tiên liệu được những gì ông đang toan tính trong đầu.


Chính những gì làm cho người khác “không tiên liệu được” và những hành xử theo bản năng, không theo khuôn mẫu truyền thống của những chính trị gia lão luyện, đã làm cho cả đồng minh cũng như địch thủ của ông Trump bị ngỡ ngàng trong việc dự đoán và lượng định đúng những kế hoạch dự trù của ông.


Nhưng những việc làm như vậy sẽ được áp dụng như thế nào trong chính sách ngoại giao của ông Trump là điều cần phải tìm hiểu thêm, hơn là chỉ căn cứ vào một vài thể hiện ngoài mặt.


Thay đổi quan niệm chính trị và chính sách ngoại giao


Khi vận động tranh cử, "America First" là phương châm mà Trump đã mạnh dạn đưa ra.  Không những không ngần ngại bầy tỏ quan điểm thiên về chủ nghĩa quốc gia; ông còn xem đó là một hướng đi tự nhiên và đúng đắn của mọi quốc gia, kể cả Hoa Kỳ, trong việc mưu tìm và bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Ông Trump cho là Hoa Kỳ đang bị mất đi ưu thế cạnh tranh và trách nhiệm cho sự thua thiệt này phải quy về chính sách ngoại giao quá đặt nặng vào mặt quốc tế của Hoa Kỳ.  Ông tin rằng chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ rất dễ bị đoán biết và bị gò ép thái quá vào các hình thức ngoại giao. Trump cũng đã chẳng ngần ngại khi nói thẳng ra tên các tổ chức và công ước đã trở nên lỗi thời trong một hiện tình địa lý chính trị đã thay đổi.


Trump xem chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ về “một-Trung Hoa” (hàm ý không công nhận Đài Loan) là chứng tích còn sót lại từ thời Chiến Tranh Lạnh và đáng được xét lại. Ngoài ra, ông cũng đòi hỏi phải có biện pháp đối phó với việc Trung Hoa thao túng tiền tệ, và không công bằng trong cán cân thương mãi.


Mặt khác, sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, Nga không còn khả năng để kiến tạo một đế quốc thù ghét chủ nghĩa tư bản Tây phương.  Xem ra người Nga chỉ còn khả năng tập trung vào việc xây dựng hàng rào phòng thủ ngay tại Nga và tại các vùng biên địa chung quanh để ngăn ngừa việc bị Tây phương xâm lấn một khi hỗn loạn xẩy ra bên trong nước Nga.


Trước những thay đổi đó, thì việc xét nghiệm lại sự thể đại cương ngày nay tại Nga Sô và Trung Hoa thiết tưởng cũng là điều cần thiết.


Nga Sô ngày nay


Vào năm 1972, khi Nixon đến thăm Trung Hoa, thì Nga Sô đang còn là một thành viên của siêu cường Liên Bang Xô Viết, trong khi Trung Hoa chỉ mới là một cường quốc còn non trẻ.  


Đến nay, Trung Hoa là một cường quốc đang vượt trội lên, và Nga Sô lại đang thoái trào.


Trung Hoa có dân số đông nhất thế giới, với hơn 1.3 tỉ người. Trong khi Nga có hơn 142 triệu dân, chỉ hơn 1/10 dân số của Trung Hoa một chút, và dân số Nga càng ngày càng ít đi từ nhiều thập niên gần đây(4).


Tổng sản lượng (Gross Domestic Product) của Trung Hoa vào năm 2015 là hơn 10 trillion USD, trong khi tổng sản lượng của Nga chỉ bằng khoảng 1/8 tổng sản lượng của Trung Hoa (xin xem biểu đồ).

blank

Biểu đồ tổng sản lượng của Hoa Kỳ, Trung Hoa và Nga Sô (5)


Theo tập san Forbes(6), nếu Nga muốn xây dựng quốc gia bằng cách mở rộng lãnh thổ vốn đã to lớn, thì chỉ với tinh thần quốc gia chủ nghĩa, Nga không thể nào giữ vững quốc gia của họ được.  Vì vậy, Putin chỉ nhắm tới việc bảo vệ các vùng lãnh thổ chung quanh nước Nga, và buộc phương Tây phải công nhận và tôn trọng phạm vi ảnh hưởng.


Cũng theo Forbes, từ một quan điểm bớt nghi kỵ đối với các tham vọng của Nga Sô, ông Trump đã nhìn ra cơ hội để cùng Moscow tạo dựng lên một sự hiểu biết mới, theo đó có thể giải quyết được vấn đề bán đảo Crimea và có thể công nhận ảnh hưởng của Nga bên phía Đông của Ukraine.  Còn vấn đề Syria, có thể sẽ được cả Nga và Hoa Kỳ thu xếp.  


Nói một cách khác, để mua sự “chuyển trục” của Nga theo về phía mình, Hoa Kỳ sẽ để yên cho Nga tại Crimea và bên phía Đông của Ukraine, và sẽ có thể gỡ bỏ cấm vận đang làm kinh tế của Nga thêm trì trệ, nhất là mặt đầu tư nước ngoài.


Làm được điều này, Hoa Kỳ không những vô hiệu hóa được liên minh Nga-Hoa, mà còn tạo được liên minh Nga-Mỹ và sẽ không còn phải duy trì một sự hiện diện quân sự lớn lao và tốn kém tại Đông Âu.


blank

Bản đồ của Ukraine, Crimea và Nga


Trong khi đó với các quốc gia đồng minh trong NATO, thì ngay trong thời gian vận động tranh cử, ông Trump đã công khai bày tỏ sự bất bình đối với các đồng minh này trước việc họ đã không chia sẻ đúng mức gánh nặng chi tiêu quốc phòng của NATO.  Ông đã đe dọa là những quốc gia nào không chịu hoàn thành trách nhiệm đóng góp của họ, thì nếu có bị tấn công, Hoa Kỳ sẽ không đứng ra cứu.  


Bằng lời tuyên bố như vậy, Trump đã mặc nhiên thách đố giá trị của điều thứ 5 của hiệp ước NATO - theo đó khi một hay nhiều thành viên trong khối bị tấn công, là toàn khối bị tấn công(7).  Và điều này đã làm rúng động cả khối NATO.


Với một nhân vật "thấy sao, nói vậy" và "không thể đoán trước" được như Donald Trump, phần khá chắc chắn là những chỉ trích thẳng thừng của ông về tinh thần "đi xe chùa" (free riders) của các đồng minh trong NATO đã làm họ "thức tỉnh".  


Quả vậy, vài ngày sau khi ông Trump đắc cử, vào ngày 12/11/16, ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký của NATO, qua bài tiểu luận "Now is not the time for the US to abandon NATO – nor should its European allies go it alone” đăng trên báo chí bên Âu Châu đã chính thức biện minh cho sự cần thiết của NATO đối với Hoa Kỳ và Âu Châu(8).  Đúng như ông Stoltenberg đã trình bày, về mặt quyền lợi chiến lược thì Hoa Kỳ cũng cần đến NATO.  


Nhưng Hoa Kỳ không thể cứ tiếp tục bảo vệ các thành phần chuyên "đi xe chùa" (free riders) như vậy. Những thành phần mà đến như Tổng thống Obama, người được tiếng là mềm mỏng trong ngoại giao, cũng đã phải khó chịu qua tuyên bố: "Free riders aggravate me." - Những kẻ “đi xe chùa" làm tôi tức giận(9).  


Vì vậy, khi xem lại bản chiết tính tài chánh và thấy con số chi không tương xứng với lợi nhuận thu lại được, thì với doanh gia Trump, xem ra chỉ có một giải pháp đơn giản để giải quyết sự việc này: No-pay, no-play.


Tương tự, khi dựa trên con số để lượng định sức mạnh kinh tế, đang suy thoái, của Nga tương ứng với thực tế chính trị của quốc gia này, ông Trump không còn xem Nga Sô là mối đe dọa cho sự sống còn của Hoa Kỳ như trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Vì vậy, dưới nhãn quan này, Hoa Kỳ không còn bị đòi hỏi phải tập trung mọi quan tâm, năng lực và tài nguyên để đối phó với Nga Sô như trước kia.  


Quả thực là Trump có ý định muốn cập nhật lại mối bang giao giữa Washington và Moscow theo chiều hướng hòa hoãn hơn. Vì có rảnh tay ở mặt Nga Sô, thì ông mới tập trung được nhiều chú ý vào Trung Hoa.


Trung Hoa ngày nay


Từ khá lâu nay Trung Hoa đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền của quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) và các vùng lãnh hải lân cận tại vùng biển Đông, bất chấp đến công ước quốc tế về lãnh hải (UNCLOS - The United Nations Convention on the Law of the Sea). Cũng như xem ra Trung Hoa đang chuẩn bị thành lập các tiền đồn quân sự cách xa bờ biển của Trung Hoa.  


Đối với nhiều giới chức Hoa Kỳ, những việc này đã cho thấy chính sách ngoại giao với Trung Hoa được theo đuổi bởi tám vị tổng thống Hoa Kỳ bắt đầu từ Nixon đã lỗi thời. Cũng như, ý đồ và tham vọng của Trung Hoa muốn bá chủ vùng phía tây Thái Bình Dương là điều mà Hoa Kỳ không thể chấp nhận được.

blank

Bản đồ khu vực biển Đông

  • --- Vùng lãnh hải Trung Hoa cho là họ có chủ quyền

  • --- Vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý, theo Công ước UNCLOS (The United Nations Convention on the Law of the Sea)


Hiện nay, Trung Hoa là cường quốc đang tiến bộ vượt bực về nhiều mặt. Chính yếu là quân sự và kinh tế.  Chỉ trong hai thập niên, từ cồng kềnh và lạc hậu, quân đội của Trung Hoa ngày nay đã được tài trợ rất dồi dào và được trang bị với kỹ thuật cao. Kinh tế của Trung Hoa cũng phát triển mạnh, lên tới mức có khả năng đối đầu với kinh tế của Hoa Kỳ.  


Trung Hoa cũng đang mở rộng địa bàn hoạt động kinh tế đa phương của họ qua việc tạo ra Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu (Asian Infrastructure Investment Bank, AIIB). Ý tưởng tạo lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu này được Bắc Kinh đề nghị vào năm 2013 và được chính thức đưa vào thực tế trong buổi lễ tại Bắc Kinh vào tháng 10/2014.


Đây là một thách thức trực tiếp đối với Hoa Kỳ vì ngân hàng AIIB này có thể được xem như là đối thủ của World Bank nơi mà Hoa Kỳ có nhiều ảnh hưởng. Thêm nữa, Hoa Kỳ lo ngại rằng Trung Hoa sẽ dùng ngân hàng AIIB này để thiết lập các chương trình kinh tế toàn cầu theo hướng có lợi cho Trung Hoa và không cần quan tâm đến các tiêu chuẩn chống tham nhũng, bảo vệ nhân quyền, hay môi sinh.


Nhưng còn đáng phải lo ngại hơn nữa cho Hoa Kỳ là trong số 57 quốc gia hội viên của ngân hàng AIIB có cả các đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ là Anh, Đức, Úc và Nam Hàn.  Chỉ có Nhật Bản và Hoa Kỳ đứng ngoài không tham dự.


Về mặt quân sự, dù đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng Trung Hoa không có những đồng minh quân sự và không so sánh được với Hoa Kỳ có một mạng lưới đồng minh trải rộng khắp toàn cầu. Thêm nữa, Trung Hoa không có những căn cứ ở nước ngoài và cũng có rất ít kinh nghiệm chiến đấu trong chiến tranh hiện đại.


Vì vậy nhằm đối phó với Trung Hoa, cho đến nay ông Trump chỉ ưu tiên tập trung vào những vấn đề kinh tế. Quan điểm của ông như vẫn hay phát biểu trước công chúng là Washington đến nay vẫn yếu kém và không đủ khả năng để đối phó với Bắc Kinh về những vấn đề kinh tế.  


Ngay từ lúc tranh cử, Trump đã tố cáo việc Trung Hoa thao túng tiền tệ, lường gạt Mỹ trong giao thương, mậu dịch.  Ông đề xướng việc bắt buộc Bắc Kinh phải tôn trọng luật sở hữu trí tuệ, ngưng việc bắt các công ty Hoa Kỳ phải đem những kỹ thuật của họ ra chia sẻ với các thành phần cạnh tranh người Trung Hoa, và chấm dứt việc Trung Hoa đã tài trợ trái phép các thứ xuất cảng và đã hạ thấp các tiêu chuẩn lao động và môi trường.


Mặt khác, đối với các đồng minh của Hoa Kỳ tại Á Châu, ông Trump đã bày tỏ sự dè dặt về việc chia sẻ gánh nặng chi phí được dàn xếp theo mối quan hệ hiện có của liên minh Hoa Kỳ và Châu Á.  


Trump cũng chỉ đích danh Nhật Bản và Nam Hàn là những thành phần "đi xe chùa" (free riders) vì họ đã không đài thọ hết các chi phí cho việc trú đóng của những lực lượng Hoa Kỳ tại các quốc gia này.


Ông cũng đã đưa ra ý tưởng là Hoa Kỳ sẽ rút lui khỏi hai quốc gia này nếu họ không chi ra các phí khoản đó(10).  Theo cách nói bình dân, thì Trump đã gửi đến hai quốc gia này một thông điệp thật dễ hiểu: Show me the money!


Những lời tuyên bố như trên của ông Trump, đối với cả Trung Hoa và các đồng minh Nhật Bản và Nam Hàn, có thể là để tạo áp lực và cũng có thể là những quả bóng thăm dò.  


Điều đáng nói ở đây là liệu Trung Hoa và cả Nhật Bản lẫn Nam Hàn có dám xem những điều tuyên bố này của ông Trump chỉ như là những phát biểu theo cảm tính hay chỉ là những hăm dọa xuông, nhất là một khi những điều đó có khả năng gây ra những hệ quả nghiêm trọng đến nền an ninh quốc gia của họ?


Quan hệ tay ba


Theo Washington Post(11), quan hệ tay ba phức tạp giữa Washington, Moscow và Bắc Kinh đã hiện diện từ đầu thời Chiến Tranh Lạnh.


Trong thập niên 1950s, chính quyền Eisenhower đã đối xử với người Nga tốt đẹp hơn rất nhiều so với người Trung Hoa trong ý đồ tạo mâu thuẫn giữa hai lãnh tụ Mao Trạch Đông của Trung Hoa, và Nikita Khrushchev của Liên Bang Xô Viết.


Lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đã áp dụng rất khắt khe đối với Trung Hoa so với Liên Bang Xô Viết. Công dân Mỹ được phép du hành đến Liên Bang Xô Viết nhưng bị cấm không cho sang Bắc Kinh. Và Washington cũng huấn luyện các thành phần người Tây Tạng nổi dậy chống lại chính quyền Bắc Kinh.


Chính sách đó cũng đã đóng góp khá nhiều vào việc làm cho quan hệ Trung-Xô (Sino-Soviet) bị sứt mẻ nặng nề.  Mao tin rằng việc Khrushchev dang tay đón nhận cung cách "sống chung hòa bình" với phương Tây đã chứng minh rằng Hoa Kỳ đã làm suy yếu quyết tâm cách mạng của Liên Xô.


Tháng 10 năm 1959, khi vừa mới họp xong với Eisenhower tại Trại David, Khrushchev đến Bắc Kinh cho biết vì Liên Xô đã cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, cho nên ông ta sẽ phải hủy bỏ thỏa thuận của Moscow để giúp Trung Hoa xây dựng một quả bom nguyên tử. Khrushchev cũng chuyển lời của Hoa Kỳ để yêu cầu thả ra năm người Mỹ bị Trung Hoa giam giữ. Việc này đã khiến Mao nổi giận khi thấy Liên Xô đã cố gắng làm thân với Hoa Kỳ.


Nhưng hơn mười năm sau, từ 1972, Nixon đã đổi ngược lại 180 độ chính sách của Tổng thống Eisenhower, người mà Nixon đã làm phó tổng thống cho ông, và kéo Bắc Kinh vào cùng phe với Hoa Kỳ trong cuộc chạy đua toàn cầu với Liên Xô.  


Những năm sau đó, Tổng thống Jimmy Carter cũng tiếp tục theo đuổi chính sách trên.  Nhằm ngăn chặn sự bành trướng ảnh hưởng của Liên Xô trong vùng Đông Nam Á, các giới chức trong chính quyền Carter đã chấp thuận việc Trung Hoa xâm lăng Việt Nam, chỉ một thời gian ngắn sau khi Đặng Tiểu Bình hoàn tất chuyến công du đến thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên vào tháng 1/1979(11).  


Các chính quyền Hoa Kỳ sau đó, cả Dân Chủ lẫn Cộng Hòa, đã cộng tác với Trung Hoa trong những cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại Liên Xô tại Angola, Afghanistan và Cambodia.  Việc này đã thực sự xói mòn sức mạnh của Xô Viết và tiếp phần đẩy mạnh việc Xô Viết bị sụp đổ.


Có thể nào gần 45 năm sau khi Nixon bắt tay với Trung Hoa, thì lại đến phiên vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ sẽ xét duyệt lại và thay đổi toàn bộ chính sách của Nixon, và sẽ đi theo khuynh hướng của Eisenhower: Thân Nga, Chống Tàu? Liệu Donald Trump có sẽ tạo lập được một "trục" hướng tới Moscow và rời xa Bắc Kinh, như là một " dấu ấn" của mình?


Nhưng Trung Hoa ngày nay đã lớn mạnh với một nền kinh tế bằng khoảng 5 lần kinh tế của Nga. Trung Hoa không còn yếu kém như xưa. Họ đã trả lễ cú điện thoại nói chuyện giữa Tổng thống đắc cử Trump và Tổng thống Đài Loan bằng cách cho bay một phi cơ có khả năng thả bom nguyên tử ngay trên biển Đông (South China Sea)(12).


Trong khi tại Nga, dù với mọi khó khăn đang phải đương đầu, Putin vẫn mang quyết tâm muốn phục hồi lại một nước Nga với ảnh hưởng lớn như một Liên Bang Xô Viết ngày nào mà các quốc gia khác trên thế giới đều sợ hãi.


Với một Trung Hoa hùng cường và một Nga Sô đang nung nấu phục hồi sức mạnh, việc Trump sẵn sàng tái tạo lại cán cân quyền lực đã hứa hẹn một kỷ nguyên mới với những bất định - trong một thế giới mà sức mạnh của Mỹ không còn hoàn toàn là vô địch.


Tuy nhiên nhìn lại lịch sử đã qua, khi Tổng thống Richard Nixon thực hiện được việc xây dựng "trục" Hoa Kỳ và Trung Hoa, thì, có thể nói, đó chính là bước đầu tiên trong tiến trình đánh bại Liên Bang Xô Viết.


Ở vào thời điểm cực thịnh của khối cộng sản, mấy ai lại có thể nghĩ rằng Liên Xô sẽ bị đánh bại, sụp đổ và vỡ ra thành 15 quốc gia?


Tương tự, hiện nay khi Trung Hoa đang thịnh mà nói đến việc quốc gia này bị đánh bại, thì xem ra đó là một viễn ảnh không tưởng.


Nhưng lịch sử cũng đã ghi là: vào ngày 14–15 tháng Tám, 1900, Bắc Kinh đã bị đánh gục bởi Bát Quốc Liên Quân (Eight-Nation Alliance) của Anh, Hoa Kỳ, Áo, Đức, Pháp, Nga Sô, Ý và Nhật Bản(13).


Quả thực tại thời điểm này, vẫn còn quá sớm để có thể biết là Donald Trump có sẽ thành công trong việc tạo lập một "trục" Hoa Kỳ và Nga Sô hay không?  Và nếu có, liệu "trục" này có thể đánh bại được Trung Hoa hay không?  


Tuy vậy, việc “lịch sử lập lại” - như việc Liên Xô bị sụp đổ hay Bắc Kinh bị tràn ngập bởi bát quốc liên quân – cũng không phải là một điều không bao giờ có thể xẩy ra được.


Trần Trung Tín

   San Jose, Jan 03, 2017


Tài liệu tham khảo:

  1. https://history.state.gov/milestones/1989-1992/collapse-soviet-union

  2. https://en.wikipedia.org/wiki/Post-Soviet_states

  3. http://www.foxnews.com/transcript/2016/12/11/exclusive-donald-trump-on-cabinet-picks-transition-process/

  4. http://www.indexmundi.com/g/r.aspx

  5. https://www.google.com/publicdata/explore?ds=d5bncppjof8f9_&ctype=l&strail=false&bcs=d&nselm=h&met_y=ny_gdp_mktp_cd&scale_y=lin&ind_y=false&rdim=region&idim=country:CHN:USA:RUS&ifdim=region&hl=en&dl=en&ind=false

  6. http://www.forbes.com/sites/stratfor/2016/12/20/the-trump-doctrine-a-work-in-progress/#15730df3f05d

  7. http://www.nato.int/cps/en/natohq/official_texts_17120.htm

  8. http://www.dslamvien.com/2016/11/minh-uoc-bac-ai-tay-duong-nato-truoc.html

  9. http://www.nbcnews.com/politics/barack-obama/president-obama-frustrated-allies-calls-out-free-riders-n535751

  10. http://www.npr.org/sections/parallels/2016/11/10/501531166/japan-and-south-korea-rattled-by-trumps-talk-of-closing-u-s-bases

  11. https://www.washingtonpost.com/news/global-opinions/wp/2016/12/14/45-years-ago-kissinger-envisioned-a-pivot-to-russia-will-trump-make-it-happen/?utm_term=.6a5519976fb0

  12. http://www.foxnews.com/world/2016/12/09/china-flies-nuclear-capable-bomber-in-south-china-sea-after-trump-taiwan-call-us-officials-say.html

  13. https://en.wikipedia.org/wiki/Eight-Nation_Alliance


NOTE: Tác giả, Trần Trung Tín, là cộng tác viên thường trực của đặc san Lâm Viên online tại www.dslamvien.com.



Ý kiến bạn đọc
08/01/201720:57:28
Khách
Giới trẻ bầu Hill nên thua đau nhé .
07/01/201707:10:36
Khách
==Trump sẽ là người đi tiên phòng chờ việc này làm lừng lẫy và có thể đánh gục Trung Cộng trong kinh tế lần quân sự==
Vỡ bụng!
==> Thép Trump toàn mua từ Trung Quốc.
==> San Francisco đại gia Trung Quốc đầy nhóc
==> Khắp nước MỸ không đâu là không có Chinatown
==> MỸ là quốc gia thực dụng, cái gì có lợi ích cho họ thì họ làm, họ bắt tay, họ giao thiệp. Không bao giờ có khái niệm "chống Cộng", "chống Trung quốc" ( hay chống bất kỳ cái gì). Đài Loan bị MỸ đá đít văng ra khỏi liên hiệp quốc, nhường ghế cho Trung Quốc, và tới bây giờ MỸ vẫn chỉ công nhận một Trung Quốc. Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập trong Target, Walmart và cả Macys.
=> Mỹ hiện nay sụm ba chè từ bên trong, lo đối phó nạn chia rẽ sắc tộc, nạn cảnh sát bắn dân, lưỡng đảng lo đấu đá nhau, chuyện Mỹ, Mỹ còn lo chưa tới, Trump đòi xây tường biên giới bắt Mễ trả tiền, tổng thống Mễ chửi thẳng: không bao vờ có chuyện đó, Trump cụp tai
Tới giờ này mà còn ngây thơ tưởng tượng là Trump có thể làm được cái này cái kia.
Chính vì sống xa rời thực tế, chỉ thích tin vào điều mình muốn, cho nên người chống Cộng ở hải ngoại thất bại dài dài và bị xa rời khỏi dòng chính, bị Mỹ ( và giới trẻ có học) chán ghét là phải.
07/01/201706:03:14
Khách
Những nhận xét tuy chí lý nhưng tựu chung vì không phải là "có gan làm giàu" nên kết một câu nữa chừng xuân. Theo tôi tin thì với khí chất của TT/Trump và nguyên một ê kíp khét tiếng thành công về kinh tế và quân sự thì chắc chắn sẽ làm được điều mình muốn, trước khi thành công thì tất nhiên phải chấp nhận thương đau, khổ ải....tổ tiên lập quốc nước Mỹ đã súyt tuyệt hậu (lễ Hollewin) rồi mới có ngày hôm nay...chắc chắn nước Mỹ sẽ vĩ đại trở lại trong yên lành thì càng tốt nhưng cũng chẳng ngán hy sinh xương máu
06/01/201720:15:30
Khách
Một bài phân tích rất uyên bác. Thế mới biết tầm nhìn và mưu lược của Donald Trump không thể khinh thường. Trung cộng là hiểm họa lớn nhất của nhân lọai ngay bây giờ và trong tương lai.
06/01/201717:48:33
Khách
Nước Mỹ sẽ giàu mạnh lại khi người Mỹ đã thức tỉnh sau những năm bị ru ngủ bởi phải đạo chính trị.Trump sẽ là người đi tiên phòng chờ việc này làm lừng lẫy và có thể đánh gục Trung Cộng trong kinh tế lần quân sự, vì xét cho cùng Trung Cộng chỉ copy lại những sản phẩm của Mỹ đặt hàng và sản xuất tại China. Hãy nhìn vào thế giới của những nước CS độc tài, chỉ có thụt lùi chứ không tự túc làm quốc gia phát triển được, Trung Cộng mày mắn được My đặt hàng nên Copy món hàng rồi tự dán nhãn lên cho mình để loè thế giới. Cám ơn tác giả.

Tiền
06/01/201717:03:25
Khách
Trong một bàn cờ, đối phương biết rõ đường đi nước rút của mình thì dễ gì thắng nó !
Phải quyền biến và rất nhanh nhẹn, mạnh và chọn lựa đúng đối tượng để diệt trừ thì mới thắng !
Obama bao quát nhưng co cụm vì không đủ lực nên lực bất tòng tâm kết quả thất bại hầu hết, từ kinh tế, tới quân sự tới ngoại giao !
Trump khác, không ôm đồm, tiến một hai mõi nhọn nhưng củng cố hậu phương sao cho giầu mạnh và an ninh !
Tôi biết, Mỹ mà dồn hết tâm lực vào đâu Mỹ thắng !
06/01/201715:26:00
Khách
Không nên gọi nước Nga là Nga Sô, vì Nga Sô là một cách gọi khác của chữ Liên Xô. "Nga Sô" tiếng Anh là "Soviet Russia" (Russian Soviet Federative Socialist Republic = Liên Xô)
06/01/201714:54:03
Khách
Mỹ không liên minh với Nga để chống Tầu, mà Mỹ chỉ hợp tác với Nga để mang lại thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc cho dân Mỹ và toàn thế giới. Nếu Nga là nước tốt, thì hãy hợp tác tốt với Mỹ, thì cả hai nước cùng có lợi. Nếu không thì Mỹ lại tìm cách khác cho phù hợp.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.