Hôm nay,  

Cảng Cam Ranh

01/09/201600:46:00(Xem: 8709)

CẢNG CAM RANH



  1. TỔNG QUÁT

  2. VAI TRÒ CỦA HOA KỲ (1965-1972)

  • VAI TRÒ CỦA HẢI QUÂN HOA KỲ

  • KHÔNG QUÂN HOA KỲ TẠI CAM RANH

  • HẢI QUÂN HOA KỲ TẠI CAM RANH

  1. VAI TRÒ CỦA NGA SÔ (1978-2002)

  2. VAI TRÒ CỦA VIỆT NAM (2004-HIỆN NAY)

    • PHI TRƯỜNG QUỐC TẾ CAM RANH

    • CĂN CỨ HẢI QUÂN CAM RANH

    • CẢNG QUỐC TẾ CAM RANH

  3. KỀT LUẬN


  1. TỔNG QUÁT


Trong vùng Đông Nam Á có 2 vịnh: Vịnh Cam Ranh của Việt Nam và vịnh Subic của Philippines. Vịnh Cam Ranh của Việt Nam là một trong 5 vịnh tốt nhất thế giới.


	Địa hình Cam Ranh với bán đảo Cam Ranh che kín gần như toàn bộ vịnh tạo ra vùng nước lặng gần như tuyệt đối


Vịnh Cam Ranh nhìn từ vệ tinh


SO SÁNH VỊNH CAM RANH VÀ VỊNH SUBIC

Hai vịnh có những điểm khác nhau: Trước hết Subic là một vịnh nằm ở đảo quốc chứ không phải như Cam Ranh nằm ở rìa một lục địa. Với Cam Ranh thì điều này cho phép việc bố trí lực lượng, tiếp tế, bảo vệ cho căn cứ có thể kéo sâu trong lục địa. Còn vịnh Subic thì luôn phải đề phòng sự phong tỏa của lực lượng Hải quân đối phương. Do vậy xung quanh bốn mặt đảo luôn phải duy trì được một vành đai an toàn. Bên cạnh đó việc bố trí các lực lượng khác như lục quân, không quân tạo thành một căn cứ liên hoàn trên đảo cũng gặp nhiều bất lợi hơn so với Cam Ranh. Ngoài ra, cần lưu ý đến yếu tố thời tiết. Đảo Luzon của Philippines là "rốn bão" của biển Đông nên điều kiện thủy văn không hoàn toàn thực sự lý tưởng cho hoạt động của lực lượng tàu chiến trong mọi thời điểm. Đặc biệt hơn là đối với lực lượng không quân thì yếu tố thời tiết càng ảnh hưởng mạnh. Về địa hình, Cam Ranh được bán đảo Cam Ranh gần như che kín vịnh, đảm bảo vùng nước gần như lặng tuyệt đối, cũng như che chắn khỏi sự đe dọa hỏa lực và các thiết bị trinh sát của đối phương. Vịnh Subic không được che chắn kín như vịnh Cam Ranh.

crbentrance.jpg (92458 bytes)


Lối đi vào Cam Ranh từ hướng Nam. Hai đảo nối liền nhau là đảo Bình Ba.


Về địa hình, vịnh Cam Ranh có diện tích gần 60 km². Chỗ hẹp nhất khoảng 10 km, rộng nhất 20 km, độ sâu trung bình từ 18-20 m. Vịnh gần như khép kín bởi bán đảo Cam Ranh từ phía Bắc chạy phủ kín cả phía Đông, phía Tây, rất kín gió, không bị phù sa bồi đắp, thuận tiện cho việc phòng thủ. Phía Nam vịnh là đất liền, chỉ mở ra một cửa lớn - được ví như một cánh tay ôm lấy vịnh, tạo thành một vành đai nên mặt nước, có khả năng đón nhận nhiều hạm đội một lúc, nhiều tàu chiến, tàu ngầm và các tàu có trọng tải trên 100,000 tấn có thể ra vào dễ dàng bất cứ lúc nào trong năm. Ngoài ra, vịnh Cam Ranh chỉ cách tuyến hàng hải quốc tế chỉ 20-30 hải lý. Những điều đó làm cho cảng Cam Ranh trở thành một hải cảng chiến lược quan trọng, nhất là nó nằm không xa quần đảo Trường Sa nơi có nhiều tranh chấp lảnh hải với Trung Quốc.


'Cam Ranh' thứ hai ở biển Đông khiến Trung Quốc run sợ (Kỳ 3)

Trong khi đó, vịnh Subic ăn sâu vào đường bờ phía Tây Nam đảo Luzon của Philippines theo trục Bắc-Nam khoảng 8 hải lý (15 km) và có chiều rộng khoảng 3.5 hải lí (6.5 km). Về phía biển, vịnh được giới hạn bởi mũi Sampaloc và mũi Mayagao cách nhau gần 6 hải lý (11 km) theo trục Bắc Đông Bắc-Nam Tây Nam. Đường bờ biển phía Tây của vịnh tương đối thẳng, định hình rõ với địa hình cao ở phía sau trong khi đường bờ phía Đông thì thấp. Subic là một cảng nước sâu được nhiều ngọn núi có rừng nhiệt đới che chở. Độ sâu của vịnh giảm dần từ 60 m (cửa vịnh) đến 13.7 m (gần đầu vịnh). Ngày 14 tháng 3 năm 1947, Thỏa ước Căn cứ Quân sự được ký kết cho phép Hoa Kỳ mướn 16 căn cứ và khu vực dành cho quân sự bao gồm Vịnh Subic cũng như việc quản trị thị trấn Olongapo một khoảng thời gian là 99 năm. Vịnh Subic đã được Hoa Kỳ phát triển thành 1 quân cảng hiện đại của thế giới. Năm 1992, Hoa Kỳ trả lại Subic Bay cho chính phủ Philippines. Sau hơn 20 năm rời khỏi khu vực, Hải quân Mỹ năm 2015 đã trở lại căn cứ quân sự ở vịnh Subic trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc. Tổng thống mới đắc cử Rodrigo Duterte của Philippines đang để lộ khuynh hướng độc lập hơn với Hoa Kỳ nhưng hy vọng không có thay đổi lớn trong quan hệ chiến lược giữa hai nước.

blank

Không ảnh Căn cứ Hải quân Hoa Kỳ tại vịnh Subic (phải) và Căn cứ Hải-Không quân, mũi Cubi (trái)

  1. VAI TRÒ CỦA HOA KỲ (1965-1972)


Trong khoảng 8 năm đóng quân ở đây, Mỹ đã chi hàng trăm triệu USD để xây dựng Cam Ranh thành căn cứ quân sự và hậu cần cho lực lượng Hải-Lục-Không quân Hoa Kỳ tại Việt Nam.


VAI TRÒ CỦA HẢI QUÂN HOA KỲ


blank


Hải quân Hoa Kỳ đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến Việt Nam và có những những hoạt động chỉ mới giải mật trong thời gian gần đây. Khu vực hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ trải dài từ vịnh Bắc Việt qua đảo Hải Nam, xuống Hoàng Sa và Trường Sa với Đệ Thất Hạm Đội đặt Bộ chỉ huy tại Subic Bay, Market Time đặt Bộ chỉ huy tại Cam Ranh và Các cuộc hành quân ngoại lệ với Bộ chỉ huy tại Đà Nẵng. Đệ Thất Hạm Đội trách nhiệm khu vực ngoài lãnh hải 12 hải lý từ bờ biển Việt Nam với Yankee Station nằm giữa bờ biển Bắc Việt và đảo Hải Nam. Đệ Thất Hạm Đội không thể vào sát bờ biển miền Bắc vì trọng pháo phòng duyên của Bắc Việt rất mạnh. Khu vực phía Nam vĩ tuyến 17 là chiến dịch Market Time do Hải quân Hoa Kỳ và VNCH chịu trách nhiệm. Phía Bắc vĩ tuyến 17 dọc theo duyên hải Bắc Việt là những hoạt động ngoại lệ chỉ mới được giải mật trong thời gian gần đây với hai cơ quan CSS (Coastal Security Service: Sở Phòng vệ Duyên hải) của HQ/VNCH và NAD (Naval Advisory Detachment) của Hải quân Hoa Kỳ điều hành. Hoạt động xâm nhập bờ biển Bắc Việt đầu tiên do CIA điều hành vào đầu 1960 với các ghe Nautilus, sau đó là các chiến đỉnh Swift (PCF). Đến 1964 thì chiến tranh mở rộng, CIA không còn khả năng điều hành nên giao lại cho Bộ Tư lệnh Quân lực Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương nhưng quyền điều hành thực sự vẫn còn thuộc Section 302 của tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài cho đến 1965 mới chính thức bàn giao. Điều cần để ý là Bộ Tư lệnh Quân lực Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương (Pacific Command) và  Bộ Tư lệnh Hải Quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương (Pacific Fleet) đều do 2 đô đốc 4 sao của hải quân Hoa Kỳ chỉ huy. CSS/NAD là một tổ chức hỗn hợp giữa Hải quân Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa. Hải quân Việt Nam cung cấp thủy thủ đoàn và điều hành các PTF còn NAD trách nhiệm về thiết kế hành quân và yểm trợ. Về giấy tờ thì Sở Phòng vệ Duyên hải trực thuộc Nha Kỹ Thuật - BTTM nhưng trên thực tế thì CSS/NAD chẳng liên lạc gì với BTTM và ngay cả MACV. Các hoạt động và ngay cả huy chương Hoa Kỳ của họ đều do Bộ Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương cấp. Các nhân viên QL/VNCH tăng phái ra CSS đều mang căn cước mới và không được liệt vào hồ sơ quân bạ trong giai đoạn tăng phái. Trong thập niên 1960 thì hải quân Hoa Kỳ không còn các khinh tốc đỉnh nên phải mua của hải quân Na Uy. Hải quân Na Uy đóng 48 chiếc, bàn giao cho hải quân Hoa Kỳ 24 chiếc chuyển cho thủy thủ đoàn Việt Nam sử dụng. Các khinh tốc đỉnh PTF là các chiến đỉnh tối tân nhất thế giới vào thời đó với vận tốc tối đa 55 gút và là các chiến đỉnh đầu tiên thiết kế trên máy vi tính. Các chiến đỉnh của Bắc Việt trong thời gian này chỉ có tốc độ tối đa khoảng 35 gút.


blank


PTF trong vị trí chiến đấu


CSS/NAD chấm dứt hoạt động khi Hoa Kỳ quyết định ngưng oanh tạc Bắc Việt năm 1969 nhưng thỉnh thoảng vẫn còn vài chuyến xâm nhập cho đến 1972, Hoa Kỳ mới chuyển các PTF về lại Subic Bay.


KHÔNG QUÂN HOA KỲ TẠI CAM RANH


Từ  đầu năm 1965, đoàn Công binh Hải quân Hoa Kỳ  bắt đầu xây sân bay Cam Ranh cùng với các nhà  thầu dân sự và chuyển giao cho Không quân Hoa Kỳ vào cuối năm. Sân bay Cam Ranh do quân đội Hoa Kỳ xây dựng là căn cứ không quân lớn nhất,    cung cấp tiếp liệu cho Hải-Lục-Không quân và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ. Lúc đó, căn cứ không quân của Mỹ ở vịnh Cam Ranh bao gồm hai sân bay cho máy bay phản lực và một sân bay cho máy bay trực thăng, mỗi sân bay có sức chứa hơn 100 máy bay. Người Mỹ còn tiến hành khoét núi Cam Ranh, xây dựng kho chứa máy bay trong lòng núi, nâng cấp đường băng lớn có thể cho máy bay ném bom chiến lược B-52 cất và hạ cánh. Vào lúc cao điểm của cuộc chiến, sân bay quân sự Cam Ranh có tần suất hạ cánh và cất cánh cao nhất thế giới.


Cam Ranh - Aerial View


Ảnh chụp phi trường Cam Ranh do Hoa Kỳ xây trong khoảng 1965-1970 nhìn từ Biển Đông. Hai đừng băng 3,000 thước nằm giữa bức hình.  Đường băng phía Tây được đổ bê tông trong khi đường băng phía Đông được lót bằng vỹ nhôm.


Sân bay Cam Ranh được sử dụng như căn cứ chính được các đơn vị chuyển vận chiến lược Military Air Transport Service/Military Airlift Command từ Hoa Kỳ chuyển đến Nam Việt Nam rồi từ đó được Không đoàn chuyển vận chiến thuật số 483 th dùng các phi cơ chuyển vận loại C-7 Caribou và C-130 Hercules đưa đến các phi trường khác khắp miền Nam. Đơn vị Không quân trú đóng tại Cam Ranh đầu tiên là Không đoàn Chiến thuật số 12 trang bị với các chiến đấu cơ F-4C Phantom II được di chuyển từ căn cứ không quân MacDill, Florida. Không đoàn này tham dự các cuộc oanh tạc ở miền Bắc, Lào cũng như miền Nam với 4 phi đoàn 557th, 558th, 43th và 391st. Từ năm 1970, trong kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, không đoàn này được chuyển về lại Hoa Kỳ. Hai sư đoàn chuyển vận không quân số 315 th và 834 th trang bị C-130 và C-123 thường xuyên bay từ Nhật Bản và Okinawa bay đến Cam Ranh cũng như tham gia các chiến dịch tại Khe Sanh, A Lưới, A Shau và Khâm Đức v.v.. Trực thuộc sư đoàn 834 th là  không đoàn 483 th trang bị phi cơ vận tải Caribou C-7A rất hữu hiệu trong việc yễm trợ các đơn vị của lực lượng đặc biệt tại Tây Nguyên. Trong chiến tranh Việt Nam, phi trường tại Cam Ranh cùng với các phi trường tại Okinawa, Nhật Bản và phi trường Clark Field tại Philippines lập thành một mạng lưới tiếp vận hữu hiệu cho quân lực Hoa Kỳ.


HẢI QUÂN HOA KỲ TẠI CAM RANH

Quân cảng Cam Ranh là một cảng quân sự lớn nằm ở phía Nam bán đảo Cam Ranh. Đây từng căn cứ phức hợp quan trọng của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Năm 1964, các phi cơ thám thính, tàu yểm trợ thủy phi cơ Currituck AV-7 và đơn vị dò mìn Mine Flotilla 1 bắt đầu các công tác thủy văn và giám sát bờ biển để bắt đầu việc xây dựng các cơ sở bờ. Năm 1965, sau khi một tàu tiếp liệu của Bắc Việt bị khám phá tại Vũng Rô thì cảng Cam Ranh bắt đầu được xây dựng cho Lực lượng Thám sát Bờ biển (Coastal Surveillance Force). Trong những năm sau đó, Hải quân Hoa Kỳ bắt đầu điều động các tàu tuần tra loại nhỏ PG và PCF đến Cam Ranh. Tháng 4/1967, căn cứ Hải-Không quân Cam Ranh (U.S. Naval Air Facility, Cam Ranh Bay) được thành lập với các phi cơ P-2 Neptune và P-3 Orion. Mùa Hè 67, Bộ chỉ  huy Lực lượng Thám sát Bờ biển dời từ Sài Gòn ra Cam Ranh để chỉ huy chiến dịch Market Time. Trung tâm Truyền tin Hải quân (Naval Communications Station) cũng được thành lập. Trong lúc các căn cứ bờ được thành lập, 2 tàu tiếp liệu Mark (AKL-12) và Brule (AKL-28) vẫn chở đồ tiếp liệu từ Subic Bay, Philippines và tàu APL-15 vẫ đảm trách vấn đề trú ngụ cho nhân viên. Các cầu ponton được hoàn tất cho các tàu tuần tiểu. Căn cứ Yểm trợ Hải quân Cam Ranh được thành lập năm 1967 để yểm trợ cho chiến dịch Market Time cũng như các hoạt động trong vùng sông Cửu Long. Bắt đầu năm 1972, trong kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, một số cơ sở chuywển giao lại cho VNCH hay chuyển về Sài Gòn, chấm dứt 7 năm hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ tại Cam Ranh.

blank


Quân cảng Cam Ranh trong cuộc chiến Việt Nam


Nếu phân tích kỹ thì sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Cam Ranh chỉ có tính cách ngắn hạn khi xây phi trường, hải cảng, doanh trại của Hoa Kỳ trong giai đoạn này: một đường bay của phi trường Cam Ranh lót bằng vĩ nhôm, các cầu tàu bằng ponton, doanh trại hoàn toàn xây bằng gổ. Vấn đề xây dựng tạm thời một phần vì nhu cầu khẩn cấp của chiến tranh và có lẻ các chiến lược gia tiên đoán trước Hoa Kỳ sẽ không ở lâu tại Việt Nam. Năm 1973, sau Hiệp Định Paris, Hoa Kỳ trao các căn cứ này lại cho Hải - Không Quân Việt Nam Cộng Hòa trước khi Việt Nam được thống nhất năm 1975.


  1. VAI TRÒ CỦA NGA SÔ (1978-2002)

Sau khi hai miền Bắc Nam thống nhất thì cảng Cam Ranh được dùng làm căn cứ hải quân quan trọng của Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô trong bối cảnh Chiến tranh lạnh giữa khối Liên XôHoa Kỳ và tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nga Sô là chổ dựa của Việt Nam trong giai đoạn này. Chính phủ Xô viết chính thức ký năm 1978 một thỏa thuận với Việt Nam để thuê hải cảng này trong thời gian 25 năm. Cuối thập niên 1980, Liên Xô tan vỡ; chính phủ Nga nhận kế thừa hợp đồng đó cho tới năm 1993. Một hiệp định mới cho phép Nga tiếp tục có mặt tại Cam Ranh nhưng chủ đích căn cứ này chuyển sang làm nơi thám thính, theo dõi hoạt động của Trung Quốc còn các chiến cụ và quân nhân được rút về Nga. Còn lại là nhân viên kỹ thuật tình báo. Tháng 2/1984, theo đề nghị của phía Việt Nam, Chính phủ Sô Viết đã quyết định khôi phục và xây dựng thêm một loạt công trình tại căn cứ Cam Ranh. Việc xây dựng Cam Ranh bước sang một giai đoạn mới, chuyển từ hình thức tự hạch toán kinh tế sang hình thức đấu thầu khoán gọn, bắt đầu giai đoạn xây dựng kiên cố thay cho các kết cấu lắp ghép tạm thời. Trong cuộc điều đình kéo dài thời hạn thuê quân cảng Cam Ranh thì Việt Nam đòi Nga phải trả tiền thuê hằng năm là 200 triệu Mỹ kim. Chính phủ Nga không chịu điều khoản này nên ngày 2 tháng 5 năm 2002, lá cờ Nga được hạ xuống lần cuối cùng tại căn cứ Cam Ranh.

Cuối năm 1978, nhóm sĩ quan đại diện cho các tổng cục của Bộ Tư lệnh Hải quân và của Hạm đội Thái Bình Dương đáp máy bay sang Việt Nam để ngày 30/12 đã thỏa thuận xong và ký biên bản ghi nhớ làm cơ sở đàm phán xây dựng và cùng khai thác Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật.

Cuối năm 1978, Liên Xô đã ký thỏa thuận với Việt Nam về việc xây dựng và cùng khai thác Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật tại Cam Ranh. Theo đó, quân cảng này là nơi tiếp nhận tàu chiến, tàu ngầm, tàu hộ tống cùng nhiều máy bay trinh sát, vận tải và máy bay mang tên lửa của Hải đoàn tác chiến cơ động số 17 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.

blank

Ngày 4/5/2002 - ngày cuối cho sự hiện diện quân sự của Nga tại Việt Nam - các quân nhân, chuyên gia Nga rời PMTO 922 trên ôtô trong tiếng nhạc bài "Các sĩ quan". Còn các chiến sĩ Vùng 4 Hải quân Việt Nam đứng nghiêm trên cầu cảng để tiễn những người bạn Nga. Trên boong "Sakhalin-09", Chuẩn đô đốc Eryomin, chỉ huy trưởng cuối cùng của căn cứ giơ tay chào những người đồng đội Hải quân Việt Nam.

Trong thời gian gần đây, báo chí Nga-Việt nói nhiều về sự trở lại Cam Ranh của Nga Sô. Năm 2014, Bộ Quốc phòng Nga còn đưa ra thông báo cho biết các máy bay ném bom tầm xa và máy bay tiếp dầu Nga bắt đầu thường xuyên hạ cánh tại các sân bay nước ngoài; trong đó, lần đầu tiên máy bay tiếp dầu của nước này sử dụng sân bay Cam Ranh của Việt Nam. Vào tháng 3/2015, Mỹ mạnh mẽ yêu cầu Việt Nam “không cho Nga sử dụng căn cứ tại vịnh Cam Ranh”. Tình trạng kinh tế của Nga cũng là một yếu tố. Với thế chiến lược giữa Việt Nam và Trung Quốc-Hoa Kỳ-Nga Sô, việc sử dụng phi trường và cảng Quốc tế Cam Ranh sẽ là một sự cân bằng chiến lược.

  1. VAI TRÒ CỦA VIỆT NAM (2004-HIỆN NAY)

Sau 2002, Việt Nam có dự định phát triển Cam Ranh này với mục đích lưỡng dụng quân-dân sự, tương tự như chính phủ Philippines đã làm với căn cứ hải quân Subic Bay và căn cứ không quân Clark Field do Mỹ bàn giao. Cách đây khá lâu, đã có nguồn tin loan báo chính phủ Nhật Bản đã có đề nghị Việt Nam biến Cam Ranh thành 1 thành phố 3-4 triệu dân và cảng Cam Ranh thành một hải cảng lớn nhất Đông Nam Á.

PHI TRƯỜNG QUỐC TẾ CAM RANH

Ngày 19 tháng 5 năm 2004, sân bay Cam Ranh trở thành phi trường dân sự đầu tiên thay thế cho sân bay Nha Trang nằm trong nội thị thành phố bị hạn chế về diện tích và vì lý do an toàn. Ngày 16 tháng 8 năm 2007, Văn phòng chính phủ ra quyết định nâng cấp cảng hàng không Cam Ranh trở thành cảng hàng không Quốc tế. Tháng 12 năm 2009, bằng việc đưa vào sử dụng nhà ga hàng không mới, hiện đại, quy mô lớn bậc nhất miền Trung, sân bay Cam Ranh chính thức trở thành Cảng hàng không quốc tế thứ 3 của khu vực này. Năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ khởi công xây dựng đường băng số 2, sân bay quốc tế Cam Ranh. Đường băng dài 3,048 m, rộng 45 m, đạt tiêu chuẩn Cảng hàng không cấp 4E, tức là có thể tiếp nhận các loại máy bay chở khách cỡ lớn trên thế giới. Dự kiến đường băng số 2 sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2018. Nhà ga quốc tế sân bay Cam Ranh được xây dựng mới sẽ là một sân bay lưỡng dụng có công suất 4 triệu khách đến năm 2025.

Image result for Phi trường Cam Ranh


Vị trí cảng hàng không Cam Ranh
.

CĂN CỨ HẢI QUÂN CAM RANH

Hiện nay, Căn cứ Hải quân Cam Ranh đặt bộ chỉ huy của Vùng 4 Hải quân là vùng trách nhiệm quan trọng nhất của Hải quân Việt Nam, quản lý quần đảo Trường Sa, đảo Phú Quý và vùng biển phía nam miền Trung từ Phú Yên đến Bắc Bình Thuận gồm các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và phía Bắc của Bình Thuận. Yễm trợ cho Vùng 4 Hải Quân gồm có: Lữ đoàn 147 (Hải quân đánh bộ), Lữ đoàn 146 (Công Binh Hải quân), Lữ đoàn 162 (Tàu hộ vệ tên lửa: HQ 375 - HQ 376 - HQ 011 - HQ 012), Lữ đoàn 189 (Tàu ngầm: HQ 182 - HQ 183 - HQ 184 - HQ 185 - HQ 186 - HQ 187), Lữ đoàn 954 (Hải-Không quân), Lữ đoàn 681 (Tên lửa bờ) và Trung đoàn Radar 451. Lữ đoàn 125 (Vận tải biển) đồn trú tại Cát Lái. Lữ đoàn 682 (Tên lửa bờ mới nhất) đồn trú tại Phú Yên. Ngoài ra, tại phi trường Biên Hòa có Trung đoàn Tiêm kích 935 Su-30MK2V, Trung đoàn trực thăng 917 trực thuộc Sư đoàn 370 cũng có trách nhiệm bảo vệ Trường Sa. Lực lượng Hải quân tại Vùng 4 Hải Quân đang được tăng cường trong các năm vừa qua nhưng để có thể hoàn tất nhiệm vụ của mình thì phải cần có thêm 6-8 tàu hộ vệ tên lửa cỡ 3,000 tấn, khoảng 4-6 máy bay săn ngầm loại P3C Orion hay tốt hơn cũng như các máy bay chỉ huy, tác chiến điện tử và yểm trợ khác.

Vai tro chien luoc cua Cam Ranh khi Bien Dong cang thang hinh anh 2


Hình ảnh mới nhất của căn cứ Hải quân tại Cam Ranh 2016


CẢNG QUỐC TẾ CAM RANH

Cảng Quốc tế Cam Ranh, nằm về  phía Nam của khu vực quân sự của cảng Cam Ranh, là cảng dịch vụ tổng hợp, đảm bảo phục vụ các lực lượng và cung cấp các dịch vụ hàng hải cho các tàu dân sự, quân sự của các quốc gia trên thế giới... Cảng Quốc tế Cam Ranh khánh thành và đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng trong việc khai thác có hiệu quả những tiềm năng và lợi thế của Vịnh Cam Ranh; không chỉ có vai trò quan trọng với quốc phòng - an ninh, mà còn có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của khu vực nam Trung bộ ... Theo thông tin từ báo chí Việt Nam thì cảng biển Cam Ranh sẽ là một trong nhũng hải cảng lớn nhất Việt Nam có thể cho phép hàng không mẫu hạm trọng tải 100,000 tấn cập bến trong mọi điều kiện. Bằng việc cho tàu của tất cả các nước cập Cảng Quốc tế Cam Ranh, Việt Nam một mặt đã khẳng định chủ quyền của mình mặt khác đã đổi mới cách tiếp cận đa phương hóa trong việc sử dụng cảng Quốc tế Cam Ranh và bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông. Tương lai cảng Quốc tế Cam Ranh sẽ trở thành trung tâm cảng dịch vụ hàng hải, nghỉ dưỡng, hậu cần, kỹ thuật chất lượng cao trong khu vực.

Giai đoạn I của dự án Cảng Quốc tế Cam Ranh được phê chuẩn từ tháng 9/2014, khởi công ngày 23/2/2015. Đây là dự án do Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tân Cảng-Petro Cam Ranh (TCP Cam Ranh) thực hiện. Công ty này có tổng vốn đầu tư là 2,000 tỷ đồng (khoảng 90 triệu USD), trong đó Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP) góp 1,500 tỷ (chiếm 75%) và Tập đoàn dầu khí Việt Nam góp 500 tỷ (chiếm 25%). Cơ sở tàu ngầm của Việt Nam cũng được đặt bên cạnh cảng này. Hơn 1 năm thi công, toàn bộ các hạng mục công trình thủy cùng các công trình bờ của Cảng Quốc tế Cam Ranh đã được khánh thành ngày 8/3/2016. Cảng có chiều dài cầu giai đoạn I là 640 m, độ sâu 20 m; bãi tập kết hàng hóa 26,000 m² … nằm trong dự án 130 ha, gồm 3 khu: dịch vụ hàng hải và cung ứng tàu biển; khu đóng và sửa chữa tàu biển; khu đóng và sửa chữa công trình dầu khí ... với số vốn lên đến 2,000 tỉ đồng. Báo chí trong nước có những tường thuật không rỏ ràng về chiều dài cầu tàu trong giai đoạn I. Các hình ảnh ở dưới hy vọng phản ảnh chính xác chiều dài thật sự của cầu tàu.


blank


Phóng đồ chiều dài cầu tàu cảng Quốc tế giai đoạn I


blank


Chiến hạm Pháp Tonnerre, trọng tải 21,500 tấn, chiều dài 199 m, cặp cầu cảng giai đoạn I tại Cam Ranh


Cang quoc te Cam Ranh co the don tau san bay den 110.000 tan hinh anh 2


3 chiến hạm Việt Nam cặp cầu cảng giai đoạn I tại Cam Ranh


Dù rằng chi tiết về Giai đoạn II khi hoàn thành chưa được tiết lộ nhưng báo chí ngoại quốc cho biết sẽ có cầu cảng dài khoảng 2,000 m, có thể tiếp nhận 18 tàu dân sự và quân sự cùng lúc và 185 tàu mỗi năm kể cả Hàng không mẫu hạm và tàu ngầm, tải trọng tàu có thể tới 110, 000 DWT. Các cơ sở sửa chửa, nhà kho, trung tâm triển lãm cũng được dự trù. Không hiểu đây là cầu cảng mới hay là cầu cảng giai đoạn I nối dài.  Mặc dù không có xác nhận chính thức về ngày hoàn tất nhưng chính quyền Việt Nam luôn luôn nhấn mạnh khía cạnh thương mãi của dự án để trở thành khuôn mẫu của một cảng lớn trong tương lai. Ngân khoản $89.7 triệu USD như báo chí Việt Nam loan báo có thể không phản ảnh đúng nhu cầu thực sự của dự án.


  1. KỀT LUẬN

Việt Nam cố gắng giữ quan hệ cân bằng đối với mọi cường quốc trong vùng. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nước gây nhiều hệ lụy cho Việt Nam từ vấn đề Biển Đông, quân sự, nguồn nước, ô nhiễm môi trường, chiến tranh mạng v.v.. Nga là nước cung cấp vũ khí lớn nhất. Hoa Kỳ là nước quan trọng nhất về liên hệ kinh tế và có thể cung cấp một số vũ khí mà Nga không có. Nhật Bản là nước đầu tư lớn nhất và trong tương lai sẽ giúp cho Việt Nam trong lãnh vực quân sự. Ấn Độ lại là “nước ủng hộ về chính trị, quân sự” kiên định của Việt Nam. Ngoài ra còn phải kể Liên Âu do Pháp dẫn đầu và Úc Đại Lợi trong nỗ lực tuần tiểu tại Biển Đông. Do Thái đã cung cấp khá nhiều hệ thống phòng thủ cho Việt Nam. Yếu tố quan trọng nhất là giá cả trong một giới hạn mà các nước Đông Nam Á có thể chịu đựng được. Dù sao, các vũ khí của Nga tiên tiến ngang hàng với Tây phương mà giá cả chỉ bằng 2/3.

Không nên đòi hỏi Việt Nam nghiêng về một bên nào quá nhiều trong nỗ lực bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải của mình. Chiến lược của Việt Nam là muốn có càng nhiều lực lượng ngoài khu vực can dự vào để tạo một thế cân bằng với Trung Quốc. Trục Changi của Singapore-Cam Ranh của Việt Nam-Subic Bay của Philippines sẽ là tam giác chiến lược bảo đảm sự tự do hàng hải của tuyến đường vận chuyển thương mại quốc tế có trị giá đến 5,000 tỷ USD từ eo biển Malacca lên Đài Loan đến các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và ngay cả Nga Sô.


blank


THAM KHẢO


  1. Cam Ranh Base - From Wikipedia, the free encyclopedia

  2. Vietnam Unveils New Port Facility For Foreign Warships in Cam Ranh Bay – The Displomat - March 10, 2016.


*****

Đọc các bài viết của tác giả, quý vị có thể vào Google, đánh “Nguyễn Mạnh Trí”, rồi vào:

Nguyễn Mạnh Trí - Các bài viết - Vietbao
https://vietbao.com/author/post ..../1/nguyenmanhtri

và lựa chọn bài viết muốn đọc - Hiện đã có 68 bài.



Nguyễn Mạnh Trí
Tu chỉnh: 1 tháng 9 năm 2016

..

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.