Hôm nay,  

Cuối Tuần Nghỉ Lễ, Xuôi Nam

22/09/201500:00:00(Xem: 4486)

Dịp nghỉ Lễ Lao động, đầu tháng Chín vừa qua, gia đình tôi xuôi nam thăm bạn. Vùng Vịnh San Francisco và Quận Cam cách nhau 8 giờ lái xe, nhưng đường chim bay chỉ một giờ. Lái xe eo hẹp thì giờ nên chúng tôi bay xuống đó, thuê xe chạy là tiện nhất, đỡ mệt và đỡ tốn thời gian.

Đã nhiều lần, vì công việc, tôi xuống nam Cali trên chuyến bay sớm nhất lúc 6 giờ sáng từ Oakland, chuyến về 9 hay 10 giờ đêm cùng ngày từ phi trường John Wayne hay Long Beach. Nếu hết việc và dư thời gian, tôi cũng không muốn đi đâu ra ngoài khu vực vì xa lộ dưới đó kẹt xe liên tục, không là cư dân, chạy loanh quanh không đúng đường, đúng lúc sẽ rất tốn xăng, tốn thì giờ. Những lúc như thế tôi chỉ đến Little Saigon tìm vài quán ăn ưa thích, trước khi ra phi trường ghé vào Tam Biên trên đường Bolsa mua đồ nhậu mang về. Quán này nổi tiếng với đồ lòng. Lần đầu tiên tôi đến mua, nói với cô bán hàng gói chặt để đem lên máy bay, cô tròn đôi mắt trả lời không được vì sợ bay mùi và cô không muốn bán vì chưa bao giờ có khách mua đồ nhậu đến từ xa như tôi, mua lòng mang lên máy bay.

Cô nói nếu báo trước một ngày, cô cho lòng đông đá thì lên máy bay một tiếng không có vấn đề, chứ lòng vừa trong bếp ra, đang bầy bán còn nóng, bỏ xách tay đem lên máy bay sợ có mùi. Nhưng vì tôi vẫn cứ muốn mua đem về, cuối cùng chúng tôi đạt tới một giải pháp. Lòng gói lại, bỏ giữa hai lớp bao đá lạnh cho đến trước khi vào khu vực kiểm tra an ninh mới vất nước đá đi.

blank
Ăn hàng tại chợ đêm Phước Lộc Thọ (ảnh Bùi Văn Phú).

Hôm đó tôi đã mang về được vài ký lòng cho bà xã nấu cháo. Ngon tuyệt vời.

Chuyến đi vừa qua, trước khi từ giã ra phi trường, gia đình bạn bảo đem về ít lòng dồi. Lúc đầu ngại, từ chối, bạn nhất định gói kín bắt đem theo, như tôi đã làm trước đây. Khi qua máy dò, nhân viên an ninh thấy có gì trong đó nên hỏi và yêu cầu mở. Nhà tôi nói có lòng và thịt bò khô. Cô an ninh nói cô không quan tâm đến những thứ đó vì không có vấn đề gì. Thì ra nhà tôi quên chai nước uống dở trong giỏ cùng với gói đồ lòng. Chai nước làm an ninh phi trường chú ý chứ không phải gan lòng phèo phổi đã nấu chín. Cô lấy chai nước vất vào thùng rác. Thế là cho qua.

Tôi đã có dịp đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng mới “đi cho biết đó biết đây” thôi, chứ chưa biết rõ về đời sống của dân ở nhiều nơi mình đã đến. Lúc trước cứ nghĩ chỉ người Việt mới có những món nhậu đặc sản như tiết canh, lòng dồi, vịt lộn.

Những năm làm việc ở Đông nam Á, mỗi chuyến đi Philippines là được ăn balut, chính là vịt lộn, nhưng người Phi không ăn với rau răm. Ở Hồng Kông, có một quán phở trong khu Yau Ma Tei và cũng bán trứng vịt lộn – ngạp chẩy tản – mà tôi thường chỉ cho mấy anh thủy thủ tầu buôn từ Việt Nam đến ăn khi lên bến.

blank
Chợ đêm đông như ngày hội (ảnh Bùi Văn Phú).

Mấy năm trước ghé khu Phước Lộc Thọ, thấy bảng hiệu “Hột vịt lộn Long An” treo cao trên đường Bolsa có cả tiếng Mễ, tôi đoán dân gốc Mỹ Latinh quanh vùng cũng đã biết nhậu món này bên cạnh những chai bia Corona. Chuyên ấp trứng vịt mà chủ nhân của vịt lộn Long An nay thành triệu phú, tuy món này người Mỹ nhất định không đụng tới.

Còn chuyện gan lòng phèo phổi tai lưỡi thì Mễ cũng như Việt đều thưởng thức. Vào một cửa hàng ăn Mễ thường thấy món này, chỉ khác là có mầu đỏ cam vì bỏ gia vị vào, còn món Việt để trắng, nâu, khi ăn chấm nước mắm hay mắm tôm, kèm rau thơm.

Tiết canh cũng không phải món nhậu riêng của người Việt. Có lần xem chương trình du hành thế giới qua thực phẩm với Anthony Bourdain trên kênh CNN và thấy ở miền quê một nước Nam Mỹ người dân làm tiết canh dê, cũng ăn ngầu pín, ăn cật.

blank
Ca nhạc tại chợ đêm (ảnh Bùi Văn Phú).

Bàn chuyện đồ ăn đồ nhậu, những năm gần đây tôi biết có người Việt từ Cali về Việt Nam, đóng trong những kiện hàng gửi theo là thịt bò, phô-ma, dâu, nho, mận Mỹ. Hỏi xem có vấn đề gì khi vào Việt Nam không thì câu trả lời là không. Ngược lại, như mọi người đã biết khi vào Mỹ không được mang thịt hay trái cây. Có lần người quen mang bánh trung thu từ Việt Nam qua bị hải quan cắt đôi từng chiếc bánh xem trong đó có thực là chỉ đậu xanh, hạt sen, trứng muối chứ không có thịt. Bò khô, lạp xưởng mang vào sẽ bị tịch thu ngay. Một bạn từ Tây Ban Nha vào Mỹ mang theo món thịt heo hun khói đặc sản jamón cũng bị tịch thu hết.

Mang thịt vào thì cấm, nhưng mang cá, ốc, tôm, cua vào thì không sao.

Đó là chính sách của Hoa Kỳ, còn bên châu Âu có khác hay không tôi không rõ. Lần qua Paris chơi, một chủ quán người Việt cho biết nếu muốn có “nai đồng quê” truyền thống miền Bắc, sáng gọi về Hà Nội, chiều sẽ có, đã làm sẵn để nhậu ngay.


blank
Triển lãm về lịch sử người Mỹ gốc Việt ở Quận Cam (ảnh Bùi Văn Phú).

Thăm bạn ở nam Cali, tôi thích nhất những mảnh vườn sau nhà. Gia đình nào cũng trồng ít húng quế, tía tô, ít cây ớt các loại. Rau thơm là nét đặc trưng trong văn hoá ẩm thực Việt: rau mùi, ngò gai, ngò om, húng quế, húng bạc hà, kinh giới, tía tô, lá mơ đều là rau thơm ăn với các món khác nhau.

Vườn nhà bạn còn có nhiều loại cây ăn trái như ổi, đu đủ, na, nhãn, thanh long, roi mà trên miền bắc Cali không trồng được. Khí hậu Quận Cam giống quê nhà nên là nơi đất lành chim đậu, có đông người Việt sinh sống nhất tại Hoa Kỳ thì không là điều ngạc nhiên.

Một tối đi ăn vặt ở chợ đêm hè trước khu Phước Lộc Thọ mới thấy đậm nét sinh hoạt quê nhà. Những hàng quán đông khách bán đồ nướng thơm phức với tôm, mực, heo, bò, gà và cả vịt lộn nướng. Tôm vừa 6 đến 8 đô một con. Tôm càng 15 đô. Mực nướng 7 đô một dĩa với nước chấm đặc biệt cay mùi húng quế. Một góc khác là sân khấu cải lương, ca nhạc kiểu karaoke với đông khán giả ngồi xem. Ai thích cứ tự nhiên ghi tên lên giúp vui.

blank
Di vật người tị nạn mang theo (ảnh Bùi Văn Phú).

Trong chuyến đi vừa qua, chúng tôi đến xem triển lãm về lịch sử người Việt Quận Cam, chủ đề “Vietnamese Focus: Generations of Stories” được trưng bày trong Old Court House ở thành phố Santa Ana, thủ phủ của quận hạt.

Đây là một triển lãm rất chuyên môn, mỹ thuật và có ý nghĩa nhất từ trước đến nay về cộng đồng người Việt mà tôi được xem. Với những câu chuyện kèm di vật và hình ảnh của nhiều người đã khởi nghiệp tại vùng đất này từ 1975, khi nơi đây còn là những cánh đồng cam. Từ chiếc áo dài, cuốn sổ tay ghi chép những ngày lênh đênh trên biển, qua các trại tị nạn, đến tờ báo Chân Trời Mới ở Guam, tờ giấy ra trại học tập cải tạo, phim chụp phổi, những túi ni-lông đựng hồ sơ định cư do cơ quan di trú quốc tế IOM cấp khi lên đường vào đất Mỹ.

blank
Hành trình đến Mỹ đều qua nhiều gian nan (ảnh Bùi Văn Phú).

Nét đẹp và sự phong phú của những câu chuyện tị nạn được sắp xếp và trưng bày, trong một gian phòng không lớn lắm, là tác phẩm của hai giáo sư gốc Việt tại Đại học UC Irvine là Thuy Vo Dang và Linda Trinh Vo, cùng với Tram Le là phó giám đốc dự án về lịch sử người Mỹ gốc Việt qua ghi âm cũng tại đại học này. Cả ba đồng là tác giả tập sách “Vietnamese in Orange County” sắp được xuất bản.

Chuyến đi vừa qua chúng tôi còn có dịp tham quan tầu Queen Mary ở bến cảng Long Beach. Đây là du thuyền hiện đại của thập niên 1930 đã được trưng dụng chuyên chở hàng vạn quân Mỹ trong Thế chiến Thứ Hai. Nay là một bảo tàng.

Đứng trên boong nhìn về thành phố gợi lại kí ức 40 năm trước khi tôi rời Sài Gòn, bỏ quê hương ra đi. Con tầu này chắc cũng gợi nhớ cho nhiều người Việt trên tầu Trường Xuân rời Việt Nam tháng 4/1975 hay con tầu Hải Hồng vào cuối thập niên 1970.

blank
Kỷ vật của hội nhập vào đời sống mới (ảnh Bùi Văn Phú).

Bên cạnh Queen Mary là một du thuyền lớn đưa khách du lịch xuống Mexico. Nhiều lần các bạn rủ chúng tôi cùng đi một chuyến du hành trên biển, nhưng nhà tôi nhất định từ chối vì ký ức vượt biển chưa phai. Một lần đi chơi Hawaii, rủ mãi nhà tôi đồng ý lên tầu ngắm hoàng hôn và ăn cơm tối. Ra khơi chừng nửa giờ là say sóng, nằm vật vã trên boong, chẳng còn thấy hoàng hôn trên biển đẹp hay cơm ngon ra sao. Đến nay chúng tôi cũng chưa một lần du hành trên biển.

Quận Cam không chỉ thu hút người Việt mà còn những sắc dân châu Á khác, đặc biệt là người Hoa. Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn trong một phát biểu trước đây đã tỏ ra quan ngại về việc nhiều người từ Trung Quốc mua nhà trả giá cao hơn thị trường bằng tiền mặt khiến giá nhà Quận Cam tăng lên vùn vụt, quá mức có thể trả nổi của dân địa phương.

Một căn nhà 20 tuổi ở thành phố Irvine, rộng chừng 2,200 bộ vuông, thời giá cũng gần 800 nghìn đô-la. Nhà cùng cỡ, mới chừng vài tuổi giá một triệu đô là thường.

blank
Cuộc đời mỗi người tị nạn là một câu chuyện (ảnh Bùi Văn Phú).

Ra phía biển còn đắt hơn nữa. Về phía núi rẻ hơn. Như ở thành phố Placentia, chúng tôi thấy bảng nhà bán, ghé vào xem. Nhà hai tầng, gần 20 tuổi, 5 phòng ngủ 3 phòng tắm, rộng 2,500 bộ vuông, giá cũng 800 nghìn.

Giá nhà tăng, nhưng hình như ăn tiệm có nhiều chọn lựa rẻ. Chúng tôi đi ăn buffet đủ thứ Nhật, Tầu, Hàn gom lại mà giá chưa đến 20 đô cho một người. Muốn ăn nướng hay ăn lẩu cùng lúc cũng được.

Các bạn than thở người Hoa đổ vào Quận Cam mua nhà ngày càng đông. Một bạn đã đùa nói rằng, bây giờ UCI trong lòng Quận Cam đã trở thành University of Chinese and Indians.

© 2015 Buivanphu.wordpress.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.