Hôm nay,  

Chiều Văn Thơ, Nhạc Sơn Cư

18/07/201500:00:00(Xem: 6033)
Chiều hôm nay, 20 tháng 6 năm 2012, các thiền sinh gia đình Sợi Nắng chúng ta vân tập về đây tu học và cùng nhau tổ chức một buổi “Chiều văn-thơ-nhạc Sơn Cư”...

Sơn Cư là bút hiệu của Thầy Thích Tinh Từ. Chúng ta thường gọi Thầy bằng tiếng gọi thân mật: Sư Ông. Sư Ông là tu sĩ trong đạo hay thi sĩ ngoài đời? Có lẽ tâm hồn của nhà thơ đã tiềm ẩn trong người tu sĩ Phật giáo có bút hiệu “Sơn Cư”, người tu sĩ sống trên đỉnh núi Madonna.

Cho đến nay, Thầy đã sáng tác hàng trăm bài thơ và thi kệ. Một số đã được phổ nhạc và phát hành bằng bặng dĩa CD. Nếu ở ngoài đời, đây là một sự nghiệp thơ văn lớn nhưng trong đạo, người tu sĩ ấy vẫn an nhiên, tự tại, vô tư và thảnh thơi trước gia tài thơ khổng lồ này. Có khi nhà thơ không còn nhớ những tác phẩm của mình được sáng tác ở đâu, vào lúc nào? Chiều nay, chúng ta mạo muội làm công việc tổ chức một buổi “Chiều văn,thơ, nhạc Sơn Cư” như làm công việc “bắt voi bỏ rọ”. Chỉ có vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi, chúng ta họp mặt tại đây, cùng với Thầy và Tăng Đoàn Kim Sơn nghe lại trên dưới không quá hai mươi bài thơ của Thầy đã được các nhạc sĩ phổ nhạc và phổ biến trong các sinh hoạt văn nghệ. Thật là ít ỏi và thiếu sót với con số hai mươi trong hơn ba trăm bài thơ của Thầy sáng tác được chúng ta hát và ngâm. Còn biết bao nhiêu bài thơ khác đã bị bỏ quên hay chưa được chiếc đũa thần của âm nhạc phù phép để biến thành những bản nhạc hay, vừa có giá trị đạo đức, vừa truyền bá Phật pháp cho chúng sinh, vừa tô điểm cho vườn hoa văn nghệ Phật giáo ở hải ngoại càng ngày càng phong phú.

Để có một gia tài lớn là số lượng hàng trăm bài thơ như thế, chúng ta tự hỏi nhân duyên nào đã hội tụ để Thầy có sức sáng tác mạnh mẽ đó? Chính là niềm tin vào sự độ trì của chư Phật và chư Bồ tát nhất là Quan Thế Âm, vị Bồ tát hộ mạng và chỉ dẫn cho Thầy trên con đường hoằng pháp. Đó là nhiệt tình, hy sinh vì đạo nghiệp, là lòng từ bi muốn cứu giúp chúng sinh thoát khỏi bể khổ nguồn mê, là nghị lực và sự trải nghiệm về cuộc đời của Thầy qua nhiều tai ương ách nạn.

Sức sáng tác mạnh mẽ đó càng được vun bồi khi Thầy được định cư nơi xứ Mỹ. Thầy đã miệt mài học hỏi nền văn hóa Âu Mỹ ở bậc đại học, thích nghi với đời sống ở xứ Mỹ, nhất là sự quan tâm nhiều của Thầy đối với giới trẻ lớn lên ở xứ Mỹ. Ngoài ra, Thầy đã thường xuyên tu tập và quán chiếu các pháp học lẫn pháp hành trong đạo Phật và cuối cùng là sở học uyên thâm về nội điển Thầy đã tiếp nhận được từ các các bậc sư phụ đạo cao, đức trọng ở Việt nam… Tất cả là nguồn cảm hứng vô tận cho nhà thơ Sơn Cư miệt mài trải những trang thơ đẹp cho đạo, cho đời và cho người.

Không chỉ là tu sĩ, thi sĩ,văn sĩ, Thầy còn là nhạc sĩ phổ nhạc từ những bài thơ do Thầy sáng tác và tư biên tự diễn. Lời thơ, tiếng nhạc, giọng hát đã hòa quyện là một trong người tu sĩ Thích Tịnh Từ.

Để có một cái nhìn trải dài về cuộc đời Thầy, chúng ta hãy trở về quá khứ xa xưa với cậu bé Nguyễn Đại Quang thời thơ ấu và hình ảnh Thầy, chiều nay đang ngồi trước mặt chúng ta.

Ngày ấy, cậu bé Nguyễn Đại Quang trên đường tha phương tầm sư học đạo,suýt chết đuối trong cơn lũ tháng mười. Câu được cứu sống và chở về chùa Báo Quốc. Sư Ông Viên Giác được Đức Bồ Tát Quan Thế Âm báo mộng tìm đến chùa Báo Quốc đón cậu và đưa cậu về chùa Giác Hải ở Nha Trang tu học. Ba năm làm điệu, cậu tho giới Sa Di, Cụ Túc giới, vừa học đạo trong chùa vừa học phổ thông ngoài đời, trải qua các trường Cao Đẳng Phật học như Phật học viện Phổ Đà ở Đà Nẵng, Viện Trung Đẳng Phật học Liễu Quán tại chùa Linh Quang ở Huế, Viện Phật Học Huệ Nghiêm tại Sài gòn… Ước mơ trở thành giảng sư truyền bá Phật pháp ở xứ người của cậu thanh niên đã thành sự thật. Cậu đã lên đường sang Mỹ du học với sự bảo trợ của Hòa Thượng Thích Thiên Ân.

Đến Mỹ năm 1974, Thầy Thích Tịnh Từ đã theo lời chỉ bảo của ân sư xây dựng già lam, tự viện làm nơi hoằng pháp độ sinh. Thầy đã hoàn thành những Phật sự lớn lao như xây chùa Từ Quang năm 1976, chùa Kim Quang năm 1977, tu viện Kim Sơn năm 1983, tu viện Thôn Yên năm 2002, tu viện Liên Trì năm 2006, tu viện Quan Âm Nam Hải năm 2010.

Với quá trình tu học từ thuở nhỏ, trưởng thành và đào tạo chánh quy trong chốn Thiền môn, với kiến thức về nội điển sâu rộng và quá trình tu tập theo pháp môn Thiền Tịnh song tu, Thầy Thích Tịnh Từ đã dùng thơ và thi kệ để truyền bá Phật pháp. Hầu hết thơ của Thầy đều củng cố niềm tin vào các vị Phật, các vị Bồ Tát. Thơ của Thầy gieo rắc tình thương từ lòng từ bi và tuệ giác trong “duy tuệ thị nghiệp” của đạo Phật. Thơ của Thầy có tính giáo dục, chuyển hóa niềm đau nổi khổ, hàn gắn những đổ vỡ, mất mát, mang đến hạnh phúc, niềm an vui chân thật cho chúng sinh trong cõi ta bà. Thơ của Thầy chất chứa những tình tự về Mẹ, về quê hương, đất nước, và đầy tính nhân bản. Và còn nhiều chủ đề cao sâu về Phật pháp như Phật tánh, Chân tâm, Vô ngã, Luân hồi, Nghiệp báo, Duyên khởi….bàng bạc trong những bài thơ của Thầy.

blank
Hòa Thượng Tịnh Từ trong “Chiều văn-thơ-nhạc Sơn Cư”...

Đọc bài “Liên Trì cảnh Bụt, chúng ta cảm nhận được tính chất giản dị, dễ thấm vào lòng ngừơi như:

...“Liên Trì vừa bước tới nơi.
Thảnh thơi như đã nhẹ vơi cõi lòng”...

nhưng đầy những ẩn dụ thi vị và đạo vị khi so sánh “thật địa”, “quê xưa”, “hồ tâm lặng chiếu” với Phật tánh có sẵn trong mỗi người:

...“ Bước chân lên cảnh Liện Trì
Đi trên thật địa đây rồi quê xưa...

hoặc thanh tịnh như trong cõi Bụt với “lời kinh thiêng”, lời “diệu đạo chân thừa”, cùng chiêm ngưỡng các Bồ Tát “tam thân xuống cõi đời ” để “hóa thành dựng khắp tịnh, thiền” như trong kinh Pháp Hoa.

“Ngồi Yên”, một bài thơ lắng đọng pháp tu “hiện pháp lạc trú”, “không mơ về tương lai chưa tới”, “không mơ về quá khứ xa xăm”, lắng nghe từng hơi thở để biết ta đang sống hạnh phúc với từng giây phút hiện tại ở đây và lúc này:

... “Ta ngồi yên bao năm không mơ về tương lai chưa tới
Ta ngồi yên bao năm không mơ về quá khứ xa xăm...”

và lắng nghe hơi thở:

... “Hãy ngồi yên nghe hơi thở tự tình..”

“Ngồi Yên” còn là những giây phút thân tâm thanh tịnh để quán chiếu vòng luân hồi sinh tử ngắn ngủi của kiếp người “Tử sinh ngang qua ôi từng phút mọn”, để tỉnh thức nghe “sợi nắng kể chuyện tiền thân”, để lắng nghe niềm đau nỗi khổ của con người trong cuộc đời huyễn mộng:

“Nghe, nghe nỗi đời ngang qua bờ mộng
Nghe nỗi đau kiếp người mong manh”...

Một hình ảnh tượng trưng rất quen thuộc thường được nhắc đến trong thơ Sơn Cư đó là hình ảnh “nắng”. Tác giả đã miêu tả “nắng” bằng nhiều hình ảnh như “giọt nắng long lanh”, “hạt nắng đong đưa”, “không gian nắng ấm”, “nắng mới về”, “rừng thiêng nắng lượn”, “những sợi nắng chiều”, “bé thơ sợi nắng”...Có lẽ vì yêu cái nắng của mặt trời, nguồn năng lượng diệu kỳ của sự sống, “Sợi Nắng” còn tượng trưng cho tánh giác có sẵn trong chúng ta. Hình ảnh “Sợi Nắng nhắc nhở chúng ta hãy tỉnh thức nhận biết cái tánh giác ấy. Có lẽ vì lý do đó Thầy đã đặt tên cho đạo tràng chúng ta cái tên “Gia Đình Thiền Sinh Sợi Nắng”.

blank
Hòa Thượng Tịnh Từ trong “Chiều văn-thơ-nhạc Sơn Cư”...

Trong bài thơ “Sợi Nắng”, hình ảnh “Sợi Nắng”tương trưng cho tánh giác nguyên thủy, cái “Sơ tâm thuở ấy rạng ngời. Hóa thân đi khắp tháng ngày thong dong”. Cái “tâm xuân diệu kỳ “ ấy lúc nào cũng mới mẻ, có sẵn, an nhiên tự tại, thảnh thơi, trùm, khắp, chưa bị sáu căn tiếp xúc với sáu trần tạo thành sáu thức đưa đến sự phân biệt, chia chẻ. Bằng sự tưởng tượng phong phú, nhà thơ đã nhân cách hóa hình ảnh “Sợi Nắng” bằng tiếng gọi dễ thương “Bé thơ” (Bé thơ sợi nắng bên đường) và tiếng “Em” (Em thức giấc ngủ nghìn say) để cho “Anh” (Anh thức giấc giữa lưu đày nhân gian). Cuộc đời là một giấc mộng. “Em” và “Anh là hình ảnh chúng ta, những ngừơi vẫn còn mê muội hoặc còn bị trói buộc, quay cuồng trong mười tám giới.

“Niệm” là nhớ, nghĩ. Niệm Phật là quán tưởng đến chư Phật. Niệm Phật là pháp môn thù thắng vì đi, đứng, nằm ngồi, bất cứ ở đâu và lúc nào, tâm chúng ta đều có thể nhớ, nghĩ đến chư Phật. Chúng ta có thể niệm danh hiệu các Ngài thành tiếng hoặc niệm thầm trong tâm. Trong bài thơ “ Bài ca niệm Phật”, Nhà thơ Sơn Cư tha thiết nhắc nhở chúng ta “Này em xin nhớ câu niệm Phật”. “Này anh xin nhớ câu niệm Phật”, “Và người ơi xin nhớ, xin nhớ đừng lãng quên” bởi vì niệm Phật xua tan những “sầu đau, “ buồn lo”, những “khổ sầu chơi vơi”, “hờn dỗi” ngủ ngầm trong tâm. Niệm Phật giúp cho tâm thanh tịnh, tỉnh giác, để thấy “trần gian huyễn mộng” nên không vướng mắc, chấp trước. Niệm Phật mang “nụ cười hé nở trên môi”, “cho đời mãi đơm hoa”, cho “hạnh phúc tìm về”. Bình an, hạnh phúc và phước báu cho những ai thường xuyên niệm Phật.

Chúng ta là những người sinh ra được nhiều phước báu có các căn lành lặn, đầy đủ..Có khi vì thiếu sự quán chiếu, chúng ta vô tình lãng quên sự mầu nhiệm của đôi bàn tay gắn liền với sinh hoạt của chúng ta hằng ngày. Bài thơ “Bàn tay mầu nhiệm” được Thầy gọi bằng tiếng “Em” là những bàn tay của các vị Bồ Tát dấn thân đi vào cuộc đời, hành Bồ tát đạo, “lau ráo lệ tràn” những niềm đau nỗi khổ của thế gian bằng những hành động cụ thể như “may áo cơ hàn”, “dâng bát cơm tràn yêu thương” cho những kẻ khốn cùng. Đó là những bàn tay “đưa lối về nguồn yêu thương”,“kết nối tình ngừơi”, giữ mối “tình chung quê nghèo” với Tổ quốc, biết gìn giữ “bốn ngàn năm văn hiến giống nòi”, “nắm lấy cương thường tổ tiên”, mãi mãi “ghi nhớ hình bóng mẹ cha thân yêu”. Những “bàn tay mầu nhiệm ấy “không vương thù hận”, “đem đến bình yên”. Đó còn là những bàn tay “nở những đóa sen hồng”, chuyển “ánh đạo vàng lan xa” của đạo Phật. Lời thơ trong bài “Bàn tay mầu nhiệm” mộc mạc, chơn chất, gần gũi với ngôn ngữ đời thường nhưng nội dung thấm đậm tình đạo, tình người, tình gia đình, quê hương, đất nước, dân tộc.

Nếu so sánh mỗi bài thơ là một đóa hoa, chúng ta đang làm công việc “cưỡi ngựa xem hoa”, đang ngắm nghía vài đóa hoa trong khu vườn thơ của nhà thơ Sơn Cư. Hàng trăm đóa hoa trong khu vườn ấy đa dạng, phong phú và bao la với nhiều chủ đề khác nhau lồng trong nội dung uyên áo, cao sâu của triết lý đạo Phật nhưng rất tiếc thời gian không cho phép chúng ta giới thiệu nhiều hơn về tác giả cũng như tác phẩm.

“Chiều văn-thơ-nhạc Sơn Cư” là sinh hoạt văn nghệ đầu tiên của các anh chị trong gia đình thiền sinh “Sợi Nắng”, cùng ngồi hát và ngâm với nhau những bài thơ của Thầy bổn sư và cũng để được nghe tác giả hát và tâm sự đôi điều về cuộc đời và thơ của mình.

Những bài thơ đó đã được cất lên bằng tiếng hát và giọng ngâm của các Thiền sinh “Sợi Nắng” như những lời tri ân đến vị Thầy tâm linh mà lời thơ tiếng nhạc là phương tiện thiện xảo để Thầy hoằng pháp, độ người. Mong cho nguồn suối thơ và nhạc của Thầy sẽ mãi mãi tuôn trào, làm dịu mát lòng người và tô điểm cho cuộc đời luôn được sáng tươi.

Cali ngày 25 tháng 6 năm 2015

DIỆU LAN

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ ngày càng hấp dẫn qua các màn tố khổ lẫn nhau ngày càng nặng nề giữa các ứng viên cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa.
Bản Tin Tiếp Theo Về Trường Hợp Nhà Báo Đối Lập Nguyễn Khắc Toàn Đang Bị Công An CSVN Bao Vây Ngặt Nghèo Tại Hà Nội.
Hiện có 161 đồng bào VN tỵ nạn kém may mắn, còn lưu lạc gần  hai mươi năm ở Phi Luật Tàn
Dòng đời nhiều khi chỉ thấy như một dòng thác loạn, với những nhịp xung đột, làm thâm gan
Đôi lời của tác giả: Sau khi loạt bài về trại A-20 Xuân Phước được phổ biến, nhiều độc giả đã gửi thư về yêu cầu viết thành một tập hồi ký từ ngày đầu
Thứ Ba hàng tuần là ngày họp của hội đồng thành phố San Jose và tối ngày 20.11.2007
Ngày nay việc sử dụng Internet được xem như là một phần trong sinh hoạt hằng ngày của đa số chúng ta. Internet là tai mắt và đồng thời cũng là sợi dây liên lạc
Những hoa hồng hôm qua nở đẹp dưới nắng buổi đầu thu, nay đã rụng xuống sân, vẽ thành một khoanh nhỏ
Có lẽ những người dân trong nước cũng như đảng viên của đảng cộng sản rõ hơn ai hết câu truyền miệng "Đi với Trung Quốc thì mất nước
Một năm, không theo trong Phật giáo, thông thường dân gian có ba ngày rằm chính. Đó là: Rằm tháng giêng, Rằm tháng bảy và Rằm tháng mười.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.