Hôm nay,  

Đọc ‘Đường Ta Đi, Một Đoạn Đời Binh Lửa’ Của Nguyễn Lê Minh

6/9/201519:16:00(View: 10532)

Nguyen Ngoc BaoThư Mời ra mắt tác phẩm “Đường Ta Đi, Một Đoạn Đời Binh Lửa.”


Chiều thứ Bẩy 13 tháng 6 năm 2015, Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y sẽ tổ chức buổi ra mắt tập thơ “Đường Ta Đi, Một Đoạn Đời Binh Lửa” của Nguyễn Lê Minh trong khoảng thời gian từ 1 giờ 30 đến 4 giờ 30 tại Hội trường VNCR, 14861 Moran St, Westminster, CA 92683. Tác giả vốn là y sĩ trưởng của một lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến trong chiến tranh Việt Nam trước 1975. Hầu hết những bài trong tập thơ được viết trong giai đoạn 1972-1973, ghi lại những hình ảnh tác giả chứng kiến và tâm trạng của ông khi tham gia các trận chiến khốc liệt lúc bấy giờ.


***
Hơn một năm về trước, anh Nguyễn Lê Minh gửi tôi bản thảo Đường Ta Đi, Một Thời Binh Lửa. Hôm ấy là ngày cuối tuần đúng thời khắc đến thăm hai cụ thân sinh, nên tôi cầm tập thơ theo để đọc trong lúc ở nhà ông bà. Khi tôi đến, mẹ tôi nhờ tôi lái xe đưa bà đi vài nơi. Tôi để tập thơ lên bàn trong phòng ăn rồi cùng bà ra đi.
Khoảng đôi ba giờ sau hai mẹ con trở về. Tôi vừa ngồi xuống ghế thì bố tôi chống gậy từ phòng trong ra trao cho tôi tập thơ và bảo:
- Thơ của ai hay quá!
- Thưa, của anh Minh, gần nhà mình trong cư xá.
Gia đình anh và gia đình tôi cùng ở trong cư xá Sĩ Quan Chí Hòa, Sài Gòn, sau đổi tên thành cư xá Bắc Hải, từ năm 1957 đến tháng Tư năm 1975.
- Thơ hay lắm! Bố tôi lập lại.
Bố tôi là người của thế hệ yêu thi ca thế kỷ 19, Kiều của Nguyễn Du, Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm, và những bài Đường Thi của Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan. Ông vốn không có cảm tình ngay cả với dòng thơ gọi là Thơ Mới, xuất hiện vào thập niên 30 của thế kỷ trước. Vì vậy, tôi có đôi chút ngạc nhiên khi cụ khen Đường Ta Đi, lời tuy vắn tắt nhưng giọng mang âm hưởng trầm trồ.
Khi đọc tập thơ, tôi hiểu vì sao bố tôi dành những lời nồng hậu cho Đường Ta Đi. Một phần vì ông từng là chiến binh trong một tiểu đoàn khinh chiến thuộc quân đội Quốc Gia, đã tham gia nhiều mặt trận ác liệt tại miền Bắc từ năm 1951 đến ngày đất nước bị chia đôi năm 1954, và một phần vì thơ Nguyễn Lê Minh hay thật.
Với tôi, Đường Ta Đi là tập thơ đủ và thật nhất về cuộc chiến Việt Nam so với những thi phẩm cùng đề tài tôi từng đọc. Thơ có hình ảnh khốc liệt của quân tràn lên lớp lớp, điêu tàn tiếp điêu tàn, bên địch xác chết nằm đầy đồng, bên ta tử sĩ tiếp tử sĩ.
Thơ cũng có âm thanh của muôn quân reo hò, của cõi sống bom rơi đạn nổ, của ngột ngạt tiếng máy 25, của phành phạch những mái tôn rách nát, của tiếng rú từ những cột kèo gẫy gục, tiếng thương binh rên xiết trên chiến địa, và tiếng gió vờn quanh những gói poncho bọc xác người.
Không giống những bài thơ khác viết về chiến tranh, Đường Ta Đi dành một phần đáng kể để ghi lại thảm trạng của người dân lành cuống cuồng, vật vã giữa hai lằn đạn. Biết bao người dân, già có trẻ có, nam có nữ có, đã tức tưởi nằm xuống; biết bao gia đình đã xẩy đàn tan nghé vì chiến tranh. Những tang thương, mất mát này đã làm dấy lên trong lòng tác giả nỗi bất mãn, hoài nghi, và cả điên cuồng giận dữ trước bất lực của mình. Thấp thoáng trong những câu thơ của Nguyễn Lê Minh, tôi cảm nhận được tấm lòng của Đỗ Phủ và Nguyễn Du, hai nhà thơ được đời sau xem là có mối đồng cảm sâu sắc với người dân lầm than, cơ cực trong xã hội bất công thời của họ.
Thơ trong Đường Ta Đi cũng bộc lộ tâm trạng người lính dãi dầu qua lửa đạn, những khắc khoải, xót xa; những âu lo, trăn trở. Nhưng đẹp thay, thơ cũng có diện mạo người lính trẻ miền Nam hồn nhiên đánh giặc, hồn nhiên giữ nước, và có tình chiến hữu đậm đà, thứ tình khiến tác giả thêm vững chân khi bước trên những con đường hiểm nguy đầy gian khổ, bởi anh tin chắc rằng:
Bước ta đi trên đoạn đời máu lửa
Trượt ngã bao lần đã có những bàn tay
Đường Ta Đi cũng thể hiện tính nhân bản của người lính miền Nam mà tác giả là tiêu biểu. Qua câu thơ “Búa Liềm còn khát máu người,” Nguyễn Lê Minh hiểu rất rõ bản chất Cộng Sản và nguyên nhân của cuộc chiến. Tuy nhiên, với anh, những người nằm xuống, dù ở phía bên nào, cũng đều là những anh hùng. Họ cầm súng lao vào nhau chỉ vì “bước rẽ sai lầm của vài lãnh tụ,” và bị thúc đẩy bởi “những gọng kềm chủ nghĩa ngoại bang.”
Cổ Thành ơi! cho tôi cúi đầu kính phục
Những Chiến Sĩ Vô Danh
Dù tử thủ, dù tấn công
Dù thành công hay thất bại
Dù đã chết, thành thánh thần hay ma dại
Hay vẫn còn mưa nắng, hố hầm
Trong tim tôi các anh là những anh hùng
Dù đứng ở hai bờ đấu tranh Vàng Đỏ
Tuy nhiên, Đường Ta Đi không có hình ảnh những lá cờ phất cao và âm vang tiếng kèn đồng mừng chiến thắng, dù rằng các anh, những người lính Thủy Quân Lục Chiến, đã chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị sau hơn hai tháng trời quần thảo với lực lượng cố thủ của địch trong Mùa Hè Đỏ Lửa. Có lẽ, đối với tác giả, không có kẻ thắng ở bất kỳ mặt trận nào trong cuộc chiến tang thương này, như ông Léon Blum, một chính khách của Pháp vào thập niên 40 thế kỷ trước, đã nhận định “Với kết cục của một cuộc nội chiến dai dẳng và bi thảm, chiến thắng cũng đồng nghĩa với thất bại.”


Về phương diện nghệ thuật, từ cổ đến kim, bản chất của thơ là trữ tình. Xét về khía cạnh này, có thể nói Đường Ta Đi là tập thơ sắc mầu đa dạng. Dòng thơ gói ghém tâm trạng tác giả qua đủ các thể trữ tình mà các nhà phê bình thường phân loại và được ông Nguyễn Hưng Quốc nhắc đến trong tác phẩm “Nghĩ Về Thơ” của ông. Nào là trữ tình công dân với những vấn đề liên quan đến Tổ Quốc, nào là trữ tình thế sự với những vấn đề trong phạm vi xã hội, nào là trữ tình cá nhân khi tác giả đối diện với bản thân, và nào là trữ tình siêu hình khi tác giả trăn trở về số phận mình.
Theo thiển ý, giá trị nổi bật của Đường Ta Đi là mức độ lan truyền cảm xúc từ tác giả đến người đọc qua những câu thơ. Tôi đã cảm thấy rợn da khi đọc “Những Giây Phút Linh Thiêng Đời Lính,” bài thơ thuật cảnh một cuộc địa pháo của địch mà tác giả so sánh với trò chơi đáo lỗ của trẻ con. Cũng từng là một người lính trên chiến trường, tôi thấy lại hình ảnh mình đang rúm người trong một chiếc hố cá nhân với tiếng đạn xé gió, tiếng nổ bên tai, và tiếng ai đó đang hát thầm thì bài đồng dao của một trò chơi mới.
Ai dữ, ai hiền
Ai vinh, ai nhục
Ai tục, ai tiên
Ai hùng, ai nhát
Ai dại, ai khôn
Hãy im, hãy im
Ngồi yên trong hố
Nghe tiếng pháo đi
Chờ viên đạn nổ…
Qua Đường Ta Đi, người đọc sẽ có cơ hội trải qua những cảm xúc với cường độ không kém trong nhiều câu thơ khác.
Tôi khá ngạc nhiên khi nhận thấy Đường Ta Đi không có chỗ cho những phút giây mơ mộng lãng mạn, và cũng không có hình ảnh của một người nữ thuộc loại em gái hậu phương, dù là trong tâm tưởng tác giả, điều hầu như đã trở thành ước lệ cho dòng thơ chiến tranh. Đúng vậy, đọc Đường Ta Đi, độc giả không hề bắt gặp những câu trữ tình nhẹ nhàng kiểu Quang Dũng như “thoáng hiện em về trong đáy cốc” hay ngổ ngáo kiểu Nguyễn Bắc Sơn “lúc này đây ta không thèm đánh giặc, thèm uống chai bia thèm châm điếu thuốc, thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh”, hai nhà thơ nổi tiếng của dòng thơ chiến tranh. Theo thiển ý, sự thiếu thốn này khiến Đường Ta Đi trở nên trung thực đối với một cuộc chiến tàn khốc, đầy máu và nước mắt.
Có thể nói trong thơ Nguyễn Lê Minh chỉ có một người nữ duy nhất là mẹ anh. Hình ảnh bà trong tâm tưởng, những kỷ niệm với bà (ta thấy ta 25 năm trước, trong thúng mẹ lủng lẳng tản cư, thằng bé chỉ chỏ miệng bi bô “khói bụi”), lời bà dậy (lời mẹ dạy, điệu ru cò lả), những bức thư bà gửi anh (thư đã đầy túi nặng), những đối thoại loại thần giao cách cảm với bà (mẹ ơi, con của mẹ cha, ngờ đâu có lúc phải qua cầu này), và tiếng kinh cầu an bà tụng hằng đêm cho anh (mẹ mấy lần lo mê, bao đêm dài lệ ứa, bao câu kinh thầm thì) là niềm an ủi lớn lao, là động lực mãnh liệt giúp anh đi trọn Đoạn Đời Binh Lửa mà định mệnh đã dành sẵn. Trong dòng thơ viết về cuộc chiến Việt Nam, có lẽ không người lính nào nhắc đến mẹ nhiều như Nguyễn Lê Minh. Đó là điểm đặc biệt, và đầy giá trị nhân bản của Đường Ta Đi. Chiến tranh: thật khắc nghiệt! Người lính Việt Nam: thật can đảm! Bà Mẹ Việt Nam: thật tuyệt vời!
Về mặt hình thức, những bài thơ trong Đường Ta Đi được viết bằng nhiều thể loại, có thơ tự do, có thơ bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bẩy chữ, và có cả lục bát lẫn song thất lục bát. Tuy cụ Nguyễn Du bảo “linh văn bất tại ngôn ngữ khoa” (văn thiêng không phải nhờ ở khoa ngôn ngữ) nhưng theo tôi, thơ có thể dễ dàng mang lại cảm xúc cho người đọc nếu tác giả xử dụng thể loại thích hợp cho hình tượng và tâm trạng gửi gấm trong thơ. Nguyễn Lê Minh quả đã khéo tay trong lãnh vực này. Tính đa dạng của các thể loại thơ đã làm phong phú thêm cho sắc mầu chinh chiến của Đường Ta Đi.
Tôi tin rằng Đường Ta Đi sẽ được đón nhận nồng nhiệt bởi cả những người đã từng là lính trong chiến tranh Việt Nam lẫn các bạn trẻ hôm nay. Đường Ta Đi có đủ độ truyền cảm để làm hụt mất vài nhịp trong tim người lính cũ và khiến tâm hồn họ bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm, những khuôn mặt thân thiết đã cùng nhau sớt chia bao gian khổ trên chiến trường. Thơ cũng đủ tính thuyết phục để người trẻ hôm nay, và những thế hệ mai sau, có cái nhìn chính xác hơn về cuộc chiến Việt Nam.
Phương Đông có câu “Người đàn ông có ích cho đời là người đã trồng một cái cây, có một đứa con, và để lại một quyển sách.” Xin chúc mừng tác giả Nguyễn Lê Minh. Trong cuộc đời, anh đã từng trồng hàng trăm cây, có ba người con, và viết biết bao bài thơ. Các con anh đã “thành nhân” và thơ anh rồi hôm nay “thành… sách.”
Một quyển sách xứng đáng đặt ở nơi trang trọng trong tủ sách gia đình mỗi người, đặc biệt là những người yêu thơ, và mãi nặng lòng với đất nước, như anh.

Nguyễn Ngọc Bảo

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Gần đây, Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý gia hạn hiệu lực của Hiệp ước Hữu nghị Trung Quốc và Nga năm 2001. Đây là một quyết định quan trọng để cho hai nước có cơ sở đến gần nhau hơn trong việc thực hiện các chiến lược hợp tác kinh tế và chính trị. Nhưng trong mối quan hệ đối tác mới này không có nghĩa là cả hai nước không còn các vấn đề tranh chấp.
Tìm hiểu cấu trúc của Vũ Trụ đã gặp những hiện tượng dị thường, khó tưởng tượng. Xem cách Vũ Trụ vận hành còn thấy nhiều chuyện bất ngờ, lý thú hơn. Ta bắt đầu bằng cái nhỏ nhất trong trời đất: sự “vận hành” của một vi phân tử. Hệ thống giao thông kỳ diệu, chi chít đường hầm trong lòng Vũ Trụ đã thấy rồi, thử xem vi phân tử – thí dụ vi phân tử radio – ngược xuôi “di hành” trong đó như thế nào? Có người gọi, bạn cầm điện thoại, mở đầu bằng hai tiếng: “A-lô!” thường dịu dàng. Chuyện ấy tầm thường, quen thuộc đến độ không ai thắc mắc: Người gọi ở cách ta hàng trăm, hàng ngàn dặm vẫn nghe rõ mồn một! Sao mình A-lô “to” dữ vậy? Nếu lỡ thắc mắc ngớ ngẩn thế thì trực giác và những kiến thức khoa học sẵn có giải thích liền: Điện thoại biến tiếng nói thành sóng radio lan đến các tháp truyền sóng, lan tới vệ tinh, rồi lan tỏa phủ xuống vị trí của người nghe. Giản dị thế thôi, phần rắc rối, phức tạp nằm trong cấu trúc của điện thoại di động, trong vệ tinh, tháp nhận và chuyển
Hơn ai hết, đức Giáo Hoàng Francis là người thường thực hành điều này khi quỳ hôn hay ôm chân những người khác. Há không phải như lời trích trong "Thư gởi tín hữu Phi-líp-phê" đã dẫn bên trên hay sao? Đó là hành động khiêm cung, tôn vinh người khác bằng cách tự hạ mình xuống, cho dù đang ở một vai trò quan trọng. Hành động của tổng thống Joe Biden cũng mang cùng ý nghĩa như vậy.
Trận đấu kết thúc sau 120 phút! Anh đánh bại Đan Mạch 2-1 và bước vào trận chung kết EURO 2021! "Tam Sư" (Đội tuyển Anh) là đội chiếm ưu thế trong hiệp phụ và dồn ép Đan Mạch để có cơ hội làm bàn thắng, nhưng cuối cùng phải cần đến một quả phạt đền gây tranh cãi, được Kane chuyển thành bàn thắng. Sau đó, người Đan Mạch tận dụng sức lực cuối cùng của mình và cố gắng gỡ hòa, nhưng Southgate-Elf đã kiên trì bảo vệ các cuộc tấn công cho đến cuối cùng.
Trong cuộc tụ tập cuối tuần qua tại Florida, Donald Trump đã vô tình thừa nhận các cáo buộc của văn phòng biện lý Manhattan với giám đốc tài chính (CFO) và tập đoàn của mình khi phát biểu rằng, các quyền lợi bên lề (fringe benefit) là bình thường, hãng nào cũng áp dụng nên cuộc truy tố của New York vào tập đoàn của ông ta mang mục đích chính trị. Đó cũng là điều mà hầu hết người ủng hộ Trump đã tin và lặp lại.
Lời giới thiệu: Nhận dịp kỷ niệm 100 năm ngày đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời (01/07/1921 – 01/07/2021), Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đọc diễn văn dài hơn 1 giờ, phần lớn tập trung vào những vấn đề nội bộ, nhưng ông cũng không giấu tư tưởng sẽ cương quyết chống lại các thế lực thù nghịch với Trung Quốc bất cứ từ đâu đến. Để hiểu rõ hơn về nội dung bài diễn văn quan trọng này, chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với Tiến sỹ, Giáo sư huân công (Professor Emeritus), Nguyễn Mạnh Hùng, người từng giảng dạy nhiều năm về Quan hệ Quốc tế tại Đại học George Mason, gần Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Và ông Tập đã nuôi dưỡng quyết liệt tinh thần sùng bái. Trong những ngày này, trên trang nhất của tờ báo Nhân dân Nhật báo có tràn ngập các bài vở về các hoạt động và sắc lệnh cá nhân của ông Tập. Gần đây, để đánh dấu một trăm năm của đảng, tài liệu lịch sử giản lược của ĐCSTQ được phát hành, dành một phần tư nội dung để nói về tám năm cầm quyền của ông Tập, trong khi chỉ dành một nửa chổ cho bài viết về Đặng Tiểu Bình, vị cứu tinh thực sự của Đảng.
“Đó là một mùa đông dài, nhưng những đám mây đã bay đi. Chúng ta chưa tới lằn mức cuối cùng, nhưng mùa hè thì chưa bao giờ được cảm thấy tràn đầy lạc quan như vầy. Và không khí có mùi ngọt ngào hơn nếu không có khẩu trang của chúng ta?” theo Đệ Nhất Phu Nhân Jill Biden phát biểu tại quê nhà của bà ở Philadelphia hôm Chủ Nhật, giới thiệu thông điệp của phu quân của bà sẽ được đọc tại Bạch Ốc đánh dấu Ngày Lễ Độc Lập. Trong nhiều mặt, Biden đang nắm giữ tín nhiệm chính trị vì sự tập trung chủ ý của ông đối với đại dịch ngay từ buổi đầu làm tổng thống của ông. Dù ông đã thu lợi từ thuốc chích ngừa đã phát triển từ thời chính phủ Trump, việc giải quyết của ông về cuộc khủng hoảng trái ngược hoàn toàn với sự thờ ơ của người tiền nhiệm ông – Donald Trump đã mất nhiều tuần lễ cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống phần lớn tập trung vào nỗ lực đảo ngược việc thất cử của ông. Nhưng thời khắc “hoàn thành sứ mệnh” của Biden có đến sớm không?
Từ tin tức không vui này chúng ta thấy lịch sử chỉ là sự tái diễn. Nó là bài học đau đớn cho các quốc gia nhỏ được Mỹ đỡ đầu và che chở: -Khi Mỹ muốn vào vì quyền lợi của họ thì họ sẽ vào- và không một sức lực nào có thể ngăn cản được. -Khi Mỹ rút lui vì tổn thất quá cao, làm nước Mỹ suy yếu thì bằng mọi giá Mỹ sẽ rút lui và không thèm quan tâm tới số phận của đồng minh như Quốc Dân Đảng Trung Hoa năm 1949 và VNCH năm 1975.
Từ đầu tuần diễn ra những trận đấu vòng 3, Viertelfinale theo kiểu Ko-System, tức là đội nào thắng đi tiếp còn thua thì bị loại và cuốn gói về nước. Vì thế những đội tuyển tranh tài phải "chơi" hết mình, không có chuyện huề vì nếu huề sau 120 phút thì phải đá luân lưu 11 mét để biết đội nào thắng. Người viết chỉ tóm lược tổng quát và giới thiệu kết quả các trận đấu Vierfinale trong tuần qua, ngày 02.07 cho đến tối ngày 03.7.2021. Xin hoan hỷ cho mọi sự. Nước Anh trong niềm vui sướng ngất ngây. Bây giờ cuối cùng cũng đang mơ về danh hiệu Vô địch Túc cầu châu Âu đầu tiên của họ. Sau "trận đấu sân khách" duy nhất của họ tại Rome, "Three Lions" (Tam Sư) được phép thi đấu trở lại tại vận đồng trường Wembley trong trận bán kết đấu với Đan Mạch vào thứ Tư (7/7/2021).
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.