Hôm nay,  

TPA, TPP, Và Hoạn Nạn Dân Chủ

4/25/201500:00:00(View: 6329)
Khi đồng minh tháo chạy… khỏi mặt trận kinh tế

Trong Tháng Tư này, người Việt ta đều nhớ đến biến cố 1975 vào 40 năm trước. Ít ai chú ý đến một trường hợp tương tự đang tái diễn tại Hoa Kỳ, trên một trận tuyến khác.

Khi các nhân vật thế giá trong đảng Dân Chủ của Tổng thống Barack Obama mà nói như vậy thì người ta nên tin - hoặc nên nhìn lại cho sâu hơn. Tháng Tư này mở màn với vụ Hoa Kỳ triệt thoái khỏi trận đánh về kinh tế do Trung Quốc dàn ra từ 18 tháng trước.

Đó là đề nghị thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu, gọi tắt là AIIB, với số vốn 50 tỷ rồi tăng thành 100 tỷ đô la. Thay vì nhập cuộc - bước vào dự án với đồng tiền và kỹ thuật của Mỹ để lèo lái định chế này theo cái hướng tự do, minh bạch và có ích cho các nước Á châu - Chính quyền Obama lại quyết định đứng ngoài. Lại còn rủ các đồng minh khác đừng tham dự.

Kết cuộc thì chỉ có Nhật Bản ngồi trên bờ rào để cân nhắc. Còn lại, các nước khác như Anh, Đức, Pháp, Ý, Úc, Nam Hàn và Israel đều nhảy vào vòng tay chờ đợi của Bắc Kinh, để xoay chuyển từ bên trong, hoặc ít ra là còn kiếm được chút cháo. Tính đến nay đã có 57 nước tham gia.

Khi sự thể xảy ra, một cựu Tổng trưởng Ngân khố (Tài chánh) của Chính quyền Obama, và Thống đốc hụt của Ngân hàng Trung ương, là Giáo sư Lawrence Summers đã kết luận rằng “ta nên nhớ Tháng Tư này là khi Hoa Kỳ mất vai trò chỉ đạo hệ thống kinh tế toàn cầu.”

Mất vào tay Trung Quốc, dĩ nhiên.

Thật ra, đây chỉ là một vụ thất trận nhỏ, trên bình diện ngoại giao mà thôi.

Lý do là các nước Á châu cần tới nghìn tỷ đô la một năm cho việc xây dựng hạ tầng và đang có Ngân hàng Thế giới (WB) cùng Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) góp phần giải quyết nhu cầu đó nhờ số vốn tổng cộng là 365 tỷ với khả năng huy động rất cao sau nhiều thập niên hoạt động. Ngân hàng Thế giới ra đời từ 70 năm trước (1944) và Ngân hàng ADB thành lập từ 1966 - khi Trung Quốc đi vào 10 năm hỗn loạn của cuộc Đại Văn Cách 1966-1976 - và đã kết hợp nghiệp vụ tài trợ phát triển với Liên hiệp quốc. Trong khung cảnh đó, Ngân hàng AIIB mà Bắc Kinh muốn thành lập với 100 tỷ thì chưa thể là định chế sẽ đảo lộn cuộc chơi, hay trận đánh, tại Á châu.

Vả lại, Hoa Kỳ còn đang có trận đánh khác cũng trên chiến tuyến kinh tế.

Đấy là Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái bình dương, gọi tắt là Trans-Pacific Partnership (TPP). Do sáng kiến ban đầu của bốn nước trong vành cung Thái bình dương, từ Nam Mỹ qua tới Đông Á, Hoa Kỳ từ năm 2008 đã gia nhập (thời George W, Bush) rồi thời Obama khai triển thành một dự án tự do mậu dịch và đầu tư rộng lớn bao gồm 12 nước có sản lượng kinh tế bằng 40% của toàn cầu, mà không có Trung Quốc. Với việc Nhật Bản ngần ngại rồi gia nhập, bên cạnh Canada và Mexico, Hiệp định TPP này sẽ củng cố ảnh hưởng của Hoa Kỳ trước sức bật của Trung Quốc.

Nhưng các tiêu chí hoàn thành do Chính quyền Obama đề ra từ năm 2009 cứ tụt dần hàng năm và đến nay chưa có hy vọng thành hình vào cuối năm như các quốc gia đã mong đợi qua hai chục vòng đàm phán.

Một trong các trở ngại xuất phát từ phía Hoa Kỳ.

* * *

Từ năm 1974, nước Mỹ đã có một đạo luật về ngoại thương cho phép Hành pháp được rộng quyền đàm phán các hiệp ước thương mại và khi nào Đặc sứ Thương mại của Tổng thống hoàn thành thì mới chuyển qua Quốc hội phê chuẩn trọn gói. Thể thức nhanh gọn ấy được gọi là “fast track”, với đạo luật được tái tục mỗi năm năm. Kỳ hạn 2012 đã tới và đã qua mà đạo luật chưa được tái tục vì sự cản trở của các dân biểu nghị sĩ bên đảng Dân Chủ, dù Chính quyền Obama đã nhiều lần yêu cầu và thúc giục, với hậu thuẫn của đảng Cộng Hòa vốn coi trọng nguyên tắc tự do mậu dịch.

Hôm 15 vừa qua, ba Nghị sĩ (hai Cộng Hòa, một Dân Chủ) đã hoàn tất một đề luật gọi là Trade Priority and Accountabilyty Act, gọi tắt là TPA. Tuần này, Ủy ban Tài chánh Thượng viện rồi Ủy ban Chuẩn chi Ngân sách tại Hạ viện đã ủng hộ đề luật, trở thành dự luật sẽ đưa ra khoáng đại cho hai viện cùng biểu quyết trong những ngày tới.

Vắn tắt thì qua khe suối TPA mới tới bờ TPP.

Cùng lúc đó, Nhật Bản cũng thông báo là khai thông được nhiều trở ngại trong các cuộc đàm phán Mỹ-Nhật để có thể đạt thỏa thuận khi Thủ tướng Shinzo Abe thăm viếng Hoa Kỳ vào tuần tới. Trong hơn 400 tỷ đô la Hoa Kỳ mua bán hàng năm với các nước đang đàm phán Hiệp định TPP, Nhật Bản chiếm phân nửa và có tiếng nói khá mạnh với các nước Á Châu.


Sau thất bại về dự án ngân hàng AIIB của Trung Quốc, nếu Mỹ đạt thắng lợi trong trận TPP thì quan hệ của Hoa Kỳ với các nước Á Châu sẽ được củng cố và tăng cường. Nhiều nước còn lại, như Nam Hàn rồi cũng sẽ xin gia nhập. Việc Hoa Kỳ “chuyển trục” về Đông Á sẽ được thể hiện rõ rệt trên bình diện kinh tế nhờ chiến thắng TPP.

Nhưng đấy là lúc người ta chưng hửng về nền dân chủ Mỹ.

* * *

Âm ỉ từ đã lâu, phong trào chống đối hiệp định TPP đã bùng phát mạnh mẽ, trước hết là qua các cuộc vận động chống dự luật TPA, nhất là tại Hạ viện, để không cho Hành pháp rộng quyền đàm phán các hiệp định thương mại theo thủ tục nhanh gọn. Đa số dân biểu nghị sĩ đang chống lại sáng kiến TPP và dự luật TPA lại nằm trong đảng Dân Chủ của ông Obama.

Ngoài hồ sơ TPP với các nước Thái bình dương, Hoa Kỳ cũng đang đàm phán một hiệp định tương tự Xuyên Đại Tây dương với các nước Âu châu (Trans-Atlantic Trade and Investment Partnership, hay T-ATIP) và cần đạo luật fast-track để sớm hoàn tất khi Âu Châu còn bị hoạn nạn với Hy Lạp và đồng Euro.

Tức là trong khi Hoa Kỳ đàm phán với các nước Âu-Á thì Chính quyền Obama phải đàm phán với đảng Dân Chủ của mình.

Phe Cộng Hòa vốn khó chịu với khuynh hướng tự tiện quyết định của Tổng thống bằng Sắc lệnh của Hành pháp mà khỏi thông qua Quốc hội, kể cả trong vụ đàm phán với Iran, lần này lại muốn hỗ trợ ông Obama về ngoại thương, để đạt thắng lợi trong trận đánh TPP.

Những lý do chống đối kể ra thì rất nhiều, từ chuyện môi sinh đến nhân quyền, thuần về kinh tế thì người ta e sợ cạnh tranh sẽ khiến công nhân Mỹ mất việc nên các tổ hợp xe hơi hay nghiệp đoàn Mỹ mới tung tiền tác động vào Quốc hội. Ngoài ra, phe Dân Chủ cũng muốn lồng vào việc đàm phán hồ sơ hối đoái để cấm các nước đối tác can thiệp vào thị trường ngoại tệ nhằm phá giá đồng bạc và chiếm lợi thế ngoại thương vì bán hàng rẻ hơn. Quên rằng sau vụ khủng hoảng 2008, Hoa Kỳ cũng ào ạt bơm tiền khiến Mỹ kim mất giá và mặc nhiên gây ra một trận chiến ngoại tệ với các nước khác, họ chỉ nêu vấn đề khi đồng đô la lại lên giá mạnh từ năm ngoái.

* * *

Trong hàng ngũ Dân Chủ, một tiếng nói có thế giá là Dân biểu Nancy Pelosi, Trưởng khối Thiểu số và nguyên Chủ tịch Hạ viện khi đảng Dân Chủ chiếm đa số từ 2006 đến 2010. Bà Pelosi chống dự luật TPA một cách nhẹ nhàng và kín đáo để khỏi gây thiệt hại chính trị cho Obama. Nhưng với cuộc vận động của bà, phe ủng hộ dự luật sẽ khó kiếm ra 218 phiếu để thông qua dự luật thành một đạo luật.

Trừ phi là Obama phải dùng tài hùng biện để thuyết phục các đồng chí của mình.

Giữa tình trạng bát nháo trong đảng, Nghị sĩ Elizabeth Warren lại mạnh mẽ đả kích cả hai hồ sơ TPA và TPP, gần như công khai tranh luận với Tổng thống. Thuộc xu hướng cực tả nhuốm mùi mị dân, gọi lịch sự là đại chúng, populist, Warren phóng một mũi tên qua Obama mà vào tới… Hillary Clinton.

Đang ra tranh cử làm chuẩn ứng cử viên của đảng Dân Chủ, Hillary chẳng muốn ai nhắc tới sự kiện Hoa Kỳ đã đạt Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico vào năm 1994 là dưới thời Tổng thống Bill Clinton, với lá phiếu của phe Cộng Hòa. Bản thân mình, có lẽ Hillary cũng muốn ủng hộ hồ sơ TPA và TPP, nhưng chẳng muốn làm mất lòng ai trong vòng sơ bộ khá gập ghềnh vì quá nhiều tai tiếng khác.

Nghĩa là trong khi 11 nước đang chờ đợi Hoa Kỳ dứt khoát về những yêu cầu và cam kết thì nội bộ nước Mỹ lại tranh luận triền miên về những thủ tục và nội dung đàm phán. Và cuộc tranh luận có thể kéo dài vì bị lồng trong cuộc tranh cử tổng thống.

Kết luận ở đây là gì? Sau thất bại nhỏ với vụ ngân hàng AIIB tại Á châu, Hoa Kỳ đang mất trớn phản công bằng một thành quả quốc tế là khai thông bế tắc để hoàn thành Hiệp định Xuyên Thái bình dương.

Chi tiết nên biết là Trung Quốc kín đáo yểm trợ những ai trong trào lưu chống tự do mậu dịch tại Hoa Kỳ? Chi tiết đáng ngại khác mà Quốc hội Mỹ chẳng ngó tới là Bắc Kinh đang mời chào các nước tham gia hiệp ước Đối tác Kinh tế Toàn diện Vùng Á châu (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP) với 10 quốc gia trong Hiệp hội ASEAN, Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn, Úc, Tân Tây Lan (New Zealand). Trong dự án này, không có Hoa Kỳ.

Chẳng lẽ ông Summers có lý khi phê phán rằng Hoa Kỳ đang mất vai trò chỉ đạo kinh tế toàn cầu?

Một Tháng Tư Đen của Mỹ!

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Mười chín năm trước, 2004, nguyên Thủ tướng Cộng sản Võ Văn Kiệt nói: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại theo các lối cũ vẫn làm sẽ “có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Trong cuộc phỏng vấn của báo Quốc Tế thuộc bộ Ngoại giao phổ biến ngày 30-3-2005, ông Kiệt khuyên: “Vết thương chung của dân tộc như vậy cần được giữ lành, “thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Và muốn để mọi người Việt Nam chung tay hàn gắn thì chúng ta, người chiến thắng và đang lãnh đạo đất nước, “phải thực tâm khoan dung và hòa hợp”.
Như vậy, ông Trọng và đảng của ông Trọng không chỉ có khả năng dễ dàng tham nhũng, vơ vét ngân quĩ, tiền bạc công khố, tài nguyên của Việt Nam mà còn có khả năng dễ dàng nhận được hỗ trợ tiền bạc từ thế lực nước ngoài muốn thôn tính Việt Nam. Ông Trọng có bao nhiêu đô-la, bao nhiêu ngoại tệ hay bao nhiêu vàng là điều chúng ta có thể không bao giờ biết. Nhưng chắc chắn không thể ít...
Kẻ Bắc/người Nam, bên thua/bên thắng nên họ đã phải trải qua những hoàn cảnh và kinh nghiệm sống khác nhau. Duy có điều này thì chắc chắc là hoàn toàn không khác : khi họ chết không ai nhắm mắt!
✱ SCMP/Mỹ: Chúng tôi chắc chắn sẽ hoan nghênh bất kỳ nỗ lực nào nhằm đạt được một nền hòa bình công bằng miễn là nền hòa bình đó, như tôi đã nói, có thể bền vững và đáng tin cậy. ✱ SCMP/Pháp: Tôi biết tôi có thể tin tưởng vào việc ông Tập sẽ khiến Nga tỉnh táo và đưa mọi người trở lại bàn đàm phán. ✱ Global Times: Cuộc điện đàm này cũng là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm thúc đẩy ngừng bắn và lập lại hòa bình càng sớm càng tốt. ✱ Moscow Times: Chúng tôi sẵn sàng hoan nghênh bất cứ điều gì có thể giúp chấm dứt xung đột ở Ukraine và đạt được các mục tiêu của Nga...
Từ Ất Mão 1975 đến Quý Mão 2023 là 48 năm, tròn 4 con giáp từ ngày nước Việt Nam thống nhất. Sau 10 năm với chính sách bao cấp khiến kinh tế gặp khó khăn, từ dấu mốc “đổi mới” 1986 mở cửa giao thương với phương Tây, bỏ chủ trương kinh tế tập trung, ban hành những cải cách cho giới tiểu thương tự do kinh doanh, tạo ra nền kinh tế nhiều thành phần, bắt đầu từ đó Việt Nam phát triển...
Trước thềm Hội nghị Trung ương lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ khóa đảng XIII (2021-2026), Ban Tuyên giáo đảng đã chỉ đạo báo chí phải kiên quyết “bảo vệ tư tưởng đảng”. Theo Trung ương, tư tưởng Đảng bao gồm chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã được chọn làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động...
Cũng thôi đừng đập phá nghĩa trang và bia mộ của những kẻ thuộc bên thua cuộc nữa. Trút hận thù lên ngay cả những nấm mồ của người đã chết thì làm sao với tay đến được thân nhân của họ, những khúc ruột xa, ở tận nước ngoài?
Một vài chủ đề trong lĩnh vực giáo giục đã nổi lên khắp các trang tin tức trong vài năm qua, trong đó nỗ lực cấm Thuyết Chủng Tộc Phê Phán* (Critical Race Theory – CRT) trong các trường học là một trong những chủ đề thống trị. Chủ đề này phổ biến đến mức các chuyên gia nghiên cứu tại UCLA School of Law Critical Race Studies Program đã lập ra một cơ sở dữ liệu mới để theo dõi các nỗ lực của chính quyền địa phương và tiểu bang trong việc cấm giảng dạy lý thuyết này cùng với những thứ khác.
Hôm 26/03/2023, FB Trịnh Nhung ái ngại cho hay: “Hiện tại chị Bong Tuyet vợ TNLT Đỗ Nam Trung đang gặp khó khăn trong việc tìm và thuê nhà. Kính mong cô bác thương tình, có căn nhà nào đang để trống thì cho chị ấy thuê lại với ạ. Để có chỗ còn sinh sống và các cháu được yên ổn học hành...
Đảng Cộng sản Việt Nam tự cho mình quyền lãnh đạo là phản dân chủ vì dân chưa bao giờ bỏ phiếu giao quyền cai trị cho đảng. Thế nhưng Đảng vẫn cãi lý rằng “vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử, không thể thay thế.” (Tạp chí Quốc phòng toàn dân, ngày 10/02/2020). Nhưng “lịch sử nào” đã chọn đảng thay dân? Nói cách khác là đảng của ai và đại diện cho tầng lớp nào trong xã hội Việt Nam?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.