Hôm nay,  

Truyện Ngắn Bức Tranh Tĩnh Vật

14/02/201500:00:00(Xem: 4827)
Ngày 13 tháng 6 của năm 1975, Chị và bố mẹ rời trại Pendleton theo người bảo trợ cũng là người bạn trong giới truyền thông Mỹ từ hồi còn ở Việt Nam, đến thành phố Encino, California. Khi chị rời trại ngày thứ sáu 13, mấy người bạn cùng lều bảo chẳng nên ra trại vào ngày này, không tốt đâu. Nhưng người bảo trợ nói, chị có cha mẹ già, không nên ở lâu trong trại, ban đêm lạnh, không tốt cho sức khỏe hai cụ. Cá nhân chị thì chẳng còn tin vào may rủi gì nữa. Cả một cái tháng tư năm nay, ngày nào không là ngày xấu đối với cả triệu người dân miền Nam.

Tạm trú nhà bạn được hai tuần, chị tìm được việc làm ngay, nhờ vợ bạn là người Nhật, giới thiệu chị đến phỏng vấn trong một ngân hàng Nhật. Có lẽ thứ sáu,13 lại là ngày may của chị (đành phải tin vào vận may vậy) nên chị được chọn vào làm Bank Teller, là một, trong ba người cùng tới xin việc hôm đó.

Chị rời nhà bảo trợ ở Encino, thuê được căn chúng cư, một phòng ngủ, có sẵn đồ đạc ở cách nơi chị làm có ba ngã tư, ngân hàng Mitsui Bank trong World Trade Center, Los Angeles.

Mỗi ngày, chị đi bộ đến sở làm. Tính từ ngày rời Việt Nam 21 tháng 4, tới Mỹ chưa được hơn hai tháng, không có xe, bằng lái xe cũng chưa có, đi bộ là giải pháp đúng và hay nhất.

Dọn mấy cái bao quần áo của ba người vào nhà, rồi mới bắt đầu đi mua những dụng cụ nhà bếp ở Garage Sale, Goodwill; chăn gối ở K-mart. Căn chúng cư có hai phòng. Một phòng ngủ duy nhất nhường cho ba mẹ, một phòng nữa vừa là phòng khách, phòng ăn liền với bếp. Chiếc sofa dài kê sát ở góc tường, ban ngày là nơi tiếp khách (nếu có khách), ban đêm là giường ngủ của chị. Lúc đó còn trẻ, dễ ngủ, lại biết cái thân phận di tản nên tự cho thế là may mắn lắm rồi.

Nơi cư ngụ tạm yên ổn, chỗ làm tốt, công việc một phát ngân viên trong ngân hàng chỉ cần cẩn thận và nghe chỉ dẫn của xếp. Với số lương $520 Mỹ kim một tháng, chị coi như mình đã may mắn hội nhập nhanh hơn một số người thân.

Một buổi tối cuối tuần, chị dọp dẹp nhà cửa, nhìn lên tường thấy trống quá, chị tự nhủ, sáng mai sau khi đi nhà thờ, mình nên đi tìm mua một tấm tranh treo trên tường. Chưa biết là loại tranh nào, nhưng ít ra cũng phải làm cho bức tường ở giữa phòng ấm áp một chút chứ.

Chị đi loanh quanh Garage Sale, Goodwill, và mấy cái tiệm tàng tàng rẻ tiền, chẳng tìm ra bức tranh nào ưng ý. Mấy cái tranh in phong cảnh bãi biển, hay thành phố, hoa lá, trông tất cả đều vô hồn làm sao! Chị cứ cầm lên, bỏ xuống, cuối cùng về tay không. Chị đi hai ba lần cuối tuần như thế, cũng chẳng được bức nào thích mà vừa túi tiền. Túi tiền của chị lúc đó hạn chế lắm. Cuối cùng chị quyết định. Tại sao mình không tự vẽ một bức tranh nhỉ? Ở Việt Nam chị có vào trường Mỹ Thuật Gia Định học vẽ một thời gian mà.

Chị đi làm, hỏi đồng nghiệp mua dụng cụ vẽ ở đâu? Và chị chọn vẽ mầu nước thay vì sơn dầu cho rẻ hơn.Vẽ chì than trông buồn lắm, mà không phải họa sĩ thứ thiệt dễ trông thấy cái vụng. Chị thuộc loại “Họa sĩ vụng”. Cuối cùng chị mua giấy và một số mầu nước về. Chị bắt đầu vẽ một bức tranh tĩnh vật:

Chị không ngờ bức tranh tĩnh vật chị bắt đầu năm 1975, chị tiếp tục vẽ đến bây giờ, bức tranh vẫn dở dang. Chắc nó không bao giờ hoàn thành.

Khi chị dựng cái giá vẽ lên, chị phân vân không biết nên bắt đầu vẽ cái gì vào đó. Quả táo, ổ bánh mì, chai rượu, bình hoa là những thứ họa sĩ hay cho vào tranh tĩnh vật. Với chị, những thứ ấy chẳng nói lên được cái gì thuộc về đời sống của chị.

Chị nghĩ mình nên vẽ vào đây những gì mình đem theo ở quê nhà, nhờ bức tranh giữ cho chị. Kẻo thời gian và đời sống của một người di tản rất dễ làm mất đi những gì thuộc về quá khứ. Làm sao chị biết cuộc đời sẽ thổi chị đi tới đâu nữa, sau khi cơn giông bão hãi hùng đó đã cuốn chị trôi xa ngàn vạn dặm.


Trong cái túi di tản, khi hấp tấp ra đi, chị mang theo chẳng nhiều gì, nhưng chị cũng phải lựa ra. Cái túi đó có: Một chiếc áo dài nội hóa, một cây son môi, cuốn Kiều, cuốn Chinh Phụ Ngâm,ba bộ quần áo thay đổi hàng ngày và ba trăm Mỹ kim (vẫn để dành, chưa tiêu đến đồng nào) ít đồng bạc Việt Nam còn sót lại.

Năm 1975 chị vẽ vào trong tranh: Cây son màu Terra Cotta (màu hồng đất). Chị nhớ cây son này anh ấy mua cho chị vào một ngày gần Tết, trong Passage Eden, lúc đó hai người mới đính hôn. Chị đã mặc chiếc áo dài màu cam nhạt, thoa son màu hồng đất cùng anh đi chúc Tết, đi chơi với bạn hữu của hai gia đình. Chị nhớ lại, mỗi lần nhìn màu son trên môi, chị thấy nó đẹp như mối tình của hai người: cái màu hồng của cánh hoa pha mầu nâu của đất, thật nhẹ nhàng nhưng sao vẫn nồng nàn quá đỗi.

Chị vẽ thêm cuốn Kiều, cuốn Chinh Phụ Ngâm và vạt áo dài mầu cam nhạt. Bức tranh treo trên tường năm đó, nền trắng với một vệt son môi nằm bên hai cuốn sách màu nâu nhàn nhạt, có vạt áo dài màu cam ngọt ngào vắt ngang.

Thời gian trôi như mộng, chảy một giòng sông đời. (*) Năm này sang tháng khác. Chị làm lại đời mình. Sinh con, nuôi con, chăm nom cha mẹ già, rồi cha mẹ mất đi.

Chị vẽ thêm hai cây thập giá vào bức tranh tĩnh vật.

Đời sống quanh chị với bao nhiêu là tiếng động. Có những tiếng kêu vang vọng đến từ quê nhà xa ngút ngàn. Có tiếng kêu âm ỉ trong lồng ngực chị. Chị không biết vẽ tiếng động như thế nào, chị vẩy vào tranh những giọt mầu đỏ, những giọt màu tím than.

Con cái dọn ra khỏi nhà như chim vỗ cánh ra giàng. Rồi con gái chị thành người mẹ, con trai chị thành người cha. Soi gương thấy mình tóc trắng. Chị vẽ vào bức tranh tĩnh vật một dòng sông màu lục và những sợi tóc màu xám tro.

Bức tranh theo chị từ thành phố này qua thành phố khác, từ ngôi nhà này sang ngôi nhà kia. Mỗi nơi chị thêm vào một chút, lá cờ quốc gia trong tranh của chị cũng đứng im như gió đứng. Mỗi lần nhìn vào, chị như muốn mang hết hơi của mình thổi vào nó, cho nó tung bay. Lá cờ không nhúc nhích, nước mắt chị lại trào ra.

Bức tranh im lặng, nhưng vùng biển quê hương chị thì sóng đang gào, những tiếng gào trong họng biển, chị vụng về không diễn tả nổi. Chị quẹt trong tranh một mảng xanh đen loang lổ, đến bất tận.

Chị muốn vẽ về người dân Việt ở quê nhà, nhưng trí tưởng tượng của chị nghèo nàn quá, chị không biết dùng mảng màu nào để vẽ xuống những thăng trầm, những nghịch lý, những tương phản đang diễn ra nơi đó. Chị vẽ xuống một vòng tròn không màu.

Bức tranh toàn những mảng màu câm.

Tết âm lịch lại về, tháng 4 rồi lại đến.

Bốn mươi năm bức tranh tĩnh vật vẫn chưa hoàn thành. Chị nhìn bức tranh treo trên tường tự hỏi: Khi nào mình sẽ ở trong bức tranh này? Chị cầm chiếc cọ loay hoay không biết, nếu vẽ, thì mình đặt mình vào đâu? Ở trên cùng bức tranh nhìn xuống, hay ở dưới bức tranh nhìn lên. Mình sẽ đứng trên một ngọn đồi đầy gió ở quê người hay mình sẽ ngồi bên một bãi biển, sóng êm, gió lặng ở quê nhà, hay mình sẽ im lìm như cây thập giá cạnh mẹ cha.

Bức tranh tĩnh vật không trả lời chị. Chị nhìn con số 1975 trên góc bức tranh. Chị ngửi thấy thoang thoảng trong không gian mùi hương trên bàn thờ của ngày 30 tết.

Chao ôi, đã bốn mươi năm rồi. Chị đứng lên đi mở tất cả cánh cửa trong nhà cho gió lùa vào.

 Ước gì gió thổi tất cả những gì chị vẽ trong tranh bay đi, bay đi.

Ước gì gió đưa chị về lại nơi chốn thân yêu của bốn mươi năm ngày xưa đó, và mọi sự ở nơi đó vẫn đứng lại như trong một bức tranh tĩnh vật, đợi chị về.

Em ước tuổi mình như pháo đỏ

Người quên chưa đốt lúc xuân về (*).

Trần Mộng Tú

Tết Ất Mùi-2015

(*) Thơ tmt

Ý kiến bạn đọc
14/02/201516:48:22
Khách
Truyện ngắn nhưng rất hay! Xin cám ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.