Hôm nay,  

Viết Về Nước Mỹ: Thông Điệp Lạc Quan

17/08/201400:18:00(Xem: 9087)
Chúng ta văng ra ngoài, và đến nơi đây, là từ một sự đổ vỡ.

Bây giờ, xin hãy cùng nhìn lại....

Từ một sự đổ vỡ, tù đầy rồi chia ly, Việt Báo ra đời, hay tái sinh tại Hoa Kỳ từ Tháng Chín năm 1992. Khi ấy, chẳng ai biết được rằng mai này rồi sẽ ra sao. Nhưng tờ báo vẫn tồn tại.

Tám năm sau, nhớ lại sự đổ vỡ ban đầu, ngày 30 Tháng Tư năm 1975, một số người trong nhóm chủ trương Việt Báo đã phát động giải thưởng Viết Về Nước Mỹ. Khi ấy, những người đưa ra sáng kiến này - Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Kiều Chinh, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Phan Tấn Hải, Phạm Quyến, Chấn Lê và Hòa Bình - cũng chưa biết rằng mai này rồi sẽ ra sao....

Nhưng từ đó, trong 15 năm liền, Việt Báo có một món quà điểm tâm cho độc giả ở trang hai. Mỗi ngày lại có một bài Viết Về Nước Mỹ được tuyển trong số bài đã được tác giả gửi đến từ khắp nơi. Tính ra thì cả vạn bài viết và hơn bốn ngàn bài được đăng.

Thế rồi, khi phương tiện điện tử cho phép Việt Báo Online đăng tải, lưu trữ và.... đếm lượt người đọc thì chúng ta gặp hiện tượng lạ. Có những bài được hai trăm ngàn người đọc. Nếu kể thêm những bài được nơi khác tiếp vận và đăng lại thì có cả trăm triệu lần đọc.

Nói theo ngôn ngữ xuất bản, thế nào mới là "best seller"?

Kể từ lần trao giải đầu tiên tại Thư viện Richard Nixon ở thị trấn Yorba Linda của California vào ngày 29 Tháng 11 năm 2000, trước sau đã có 14 giải Chung kết, mỗi giải trị giá 10 ngàn Mỹ kim, và còn nhiều giải khác, như giải Tác giả hoặc Tác phẩm hay nhất năm, giải Danh dự, giải Khuyến khích.... Tổng cộng là 296 giải thưởng được trao tặng trong thời gian qua.

Bộ sách Viết Về Nước Mỹ để giới thiệu những bài được tuyển chọn cũng được Việt Báo ấn hành hàng năm. Đến nay có 17 cuốn, dày hơn vạn trang sách - chưa kể những ấn bản được tự động thực hiện ở nơi khác. Bộ sách in ra và phổ biến là để góp phần thực hiện lễ trao giải hàng năm. Phần kia là sự yểm trợ của các mạnh thường quân, kể cả từ nhiều tác giả trúng giải.

Rồi hàng năm, lễ trao giải Viết Về Nước Mỹ là dịp hội ngộ của mọi người, có những người đến từ rất xa và mừng rỡ gặp các tác giả mà mình đã mến mộ khi đọc. Cùng từ những hội ngộ đó mà một câu lạc bộ "Việt Bút" đã thành hình và trở thành một trung tâm vận động và hỗ trợ giải thưởng Viết Về Nước Mỹ.

Khi nhìn lại một công trình dài hơi và rộng khắp như vậy, ta có thể tự hỏi: vì sao một giải thưởng hoàn toàn tự nguyện của tư nhân lại tồn tại được lâu như vậy, và tại sao hàng ngày hàng năm vẫn có người hưởng ứng?

Câu trả lời là nhờ các tác giả, và sự khát khao cùa độc giả. Ngày nào còn có người viết và người đọc, giải Viết Về Nước Mỹ còn tiếp tục.

Trong số người viết, có những bậc cao niên, kể cả vị niên trưởng lớn tuổi nhất là cụ Phạm Gia Mai đã đi bộ tới nộp bài. Hoặc cụ bà Trùng Quang, người sống thọ nhất và trước khi ra đi còn căn giặn con cháu đưa tiền gây quỹ cho giải thưởng. Từ đó mới có thêm Giải Trùng Quang cho những cây bút mới mà cố viết về văn hóa lịch sử Việt Nam.

Trong số những người của ban tuyển chọn, nhà văn Thảo Trường và nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh cũng không còn ở với chúng ta nữa. Nhưng tinh thần và ý chí đó vẫn tồn tải và trải xuống ba bốn thế hệ.

Trong số tác giả trúng giải, nhiều người còn ở tuổi ấu thơ khi biến cố 1.9.7.5 xảy ra. Ngày nay, họ đã thành tài, thậm chí thành danh trong các xã hội định cư, nhưng vẫn bền bỉ viết về nước Mỹ. Mà không phải ngẫu nhiên là nhiều tác giả đoạt giải Chung kết đều đã lặng lẽ góp bài từ mấy năm trước. Họ thể hiện một sức viết dồi dào, một cái nhìn phong phú về cuộc đời với những đề tài có ý nghĩa.

Người viết này được mời làm Trưởng ban Tuyển chọn – có phải là một cuộc khảo thí đâu mà xưng danh Chánh chủ khảo! - từ năm 2003, và đã bao lần bày tỏ lòng tri ân đến các tác giả vì học được rất nhiều từ cả ngàn bài viết. Đôi khi, chỉ đôi khi thôi, thì than thầm là các tác giả làm minh nhức đầu quá vì phải phân vân chọn lựa với sự áy náy!

Trong dịp chào mừng Giải thưởng Viết Về Nước Mỹ thứ XV và đón mừng các tác giả đến từ rất xa, người viết này xin có vài ý sau đây từ những kinh nghiệm đọc bài và chấm điểm:

Vì công việc trong lãnh vực nghiên cứu kinh tế và bình luận chính trị, hàng ngày người viết phải theo dõi thời sự, nhất là tại nước Mỹ, và nhất là trong năm Giáp Ngọ tang thương này. Nếu có phải.... viết về nước Mỹ thì tác giả này sẽ viết ngay rằng "người Mỹ chẳng hiểu gì cả!"

Nhiều người Mỹ cao niên thì nhìn về quá khứ với sự luyến tiếc một nước Mỹ an bình không còn nữa. Nhiều người trung niên thì không hài lòng với hiện tại và chỉ nói đến khủng hoảng, đủ loại khủng hoảng, từ an ninh đến kinh tế, từ khủng bố tới lãi suất mua nhà. Nhiều người thuộc lớp trẻ thì ngờ vực tương lai, và trông chờ ở cha mẹ hay ai đó sẽ giải quyết các vấn đề của mình.

Phải chi, họ đọc được Viết Về Nước Mỹ!

Vì các tác giả Việt Nam, thuộc ba bốn thế hệ, lại có cái nhìn khác hẳn.

Chiến tranh, khủng bố, chủ nghĩa, tuyên ngôn, tuyên cáo, đảo chính, kinh tế khủng hoảng, đổi tiền và mất nghiệp, tù đầy, lưu đầy ngay trên quê hương, gom tiền vượt biên rồi bị lừa, gia đình chia ly, đi tìm tự do nhiều lần mới thoát, đến chốn tạm dung rồi mới biết rằng đấy sẽ là quê hương mới, làm lại cuộc đời lần thứ mấy cũng hết đếm nổi, già đầu rồi cắp sách đi học lại một nghề mới, vào trong hãng thì đối thoại bằng tay, về đến nhà thì sợ con cháu quên mất tiếng Việt, v.v... và v.v...

Nhiều người Mỹ mà gặp cảnh ngộ đó thì ngồi khóc, buông lời oán than hay nêu ra đòi hỏi, hoặc tìm thuốc an thần, có khi xây dựng ảo vọng bằng độc dược. Các tác giả Viết Về Nước Mỹ lại khác hẳn.

Từ già đến trẻ đều có lúc bàng hoàng ngơ ngác và kể lại thời hắc ám đó với sự ngậm ngùi. Rồi họ lồm cồm bò dậy, đứng lên, đi tới. Họ nhìn thấy rất nhiều ưu điểm màu hồng của xã hội Mỹ, kể cả những người chưa đặt chân lên đất Hoa Kỳ cũng nói tới ưu điểm ấy trong các bài viết.

Họ ngợi ca tự do của Hoa Kỳ và học được đức tính tự trọng, tự chủ và lạc quan của người Mỹ.

Thông điệp để lại trong cả vạn bài viết đó là tinh thần lạc quan, yêu đời và yêu người. Chính niềm tin đó khiến các tác giả Viết Về Nước Mỹ đang thực tế làm giàu cho nước Mỹ về cả kinh tế lẫn tinh thần. Nhất là tinh thần khi con em trong nhà cũng chia sẻ niềm tin và sự tự tin đó.

Chúng ta chứng kiến điều ấy khi đọc các tác phẩm của họ.

Việt Báo đã có một sáng kiến với kết quả bất ngờ. Sáng kiến còn lại là làm cho người Mỹ hiểu được người Việt viết và nghĩ gì về nước Mỹ. Các thế hệ về sau có thể làm được điều này - để người Mỹ biết rõ hơn về Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thứ Ba hàng tuần là ngày họp của hội đồng thành phố San Jose và tối ngày 20.11.2007
Ngày nay việc sử dụng Internet được xem như là một phần trong sinh hoạt hằng ngày của đa số chúng ta. Internet là tai mắt và đồng thời cũng là sợi dây liên lạc
Những hoa hồng hôm qua nở đẹp dưới nắng buổi đầu thu, nay đã rụng xuống sân, vẽ thành một khoanh nhỏ
Có lẽ những người dân trong nước cũng như đảng viên của đảng cộng sản rõ hơn ai hết câu truyền miệng "Đi với Trung Quốc thì mất nước
Một năm, không theo trong Phật giáo, thông thường dân gian có ba ngày rằm chính. Đó là: Rằm tháng giêng, Rằm tháng bảy và Rằm tháng mười.
Kỳ họp 2 của  Quốc hội khoá XII kết thúc ngày 21/11 (2007) sau một tháng làm việc,nhưng xem ra tính bù nhìn vẫn không thay đổi
Đã thành thói quen, tôi thức dậy là mở máy computer, rồi mới đi pha ly cà phê đầu ngày. Khi ngồi vào chỗ thụ hưởng thì công việc đầu tiên là check mail
Anh Hùng Liệt Sĩ, các Anh Thư, các Chiến Sĩ Vô Danh, Hữu Danh và nguyện cho các vị đã quá vãng được siêu sinh, còn các vị hiện tiền được vạn sự cát tường
Kỷ niệm 40 năm thành lập, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN vừa chứng minh rằng tổ chức này vẫn chưa trưởng thành vào tuổi bốn mươi.
Máu chảy ruột mềm! Trong hoàn cảnh của những người lao động VN đình công thiếu thốn
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.