Hôm nay,  

Chuyện Y Tế Ngày Nay Tại Mỹ

17/06/201400:00:00(Xem: 5758)

Vào trung tuần tháng 5 vừa qua tôi có dịp đến thủ đô Washington D.C. để dự lễ ra trường của một người cháu tại trường Medical School của đại học Georgetown University. Đây là một trường nổi tiếng về nhiều ngành, nhất là về ngoại giao, của vùng Hoa Thịnh Đốn.

Lễ ra trường của sinh viên ngành Y hôm đó được tổ chức tại rạp hát cổ nổi tiếng Warner Theatre ngay tại trung tâm của D.C. Từ đây chúng ta có thể đi bộ đến Toà Bạch Ốc và các đền kỷ niệm của D.C. không bao xa.

Trong dịp nầy tôi đã được nghe bài diễn văn của diễn giả chính là Bác Sĩ George E. Thibault. Ông ta là một cựu sinh viên ngành triết học của trường Georgetown trước khi chuyển qua ngành Y sau khi thân phụ của ông – cũng là một bác sĩ - qua đời. Ông tốt nghiệp Y Khoa tại đại học Hardvard năm 1969.

Nhưng thông điệp chính và ý nghĩa của bài diễn văn là gì và có gì khác biệt đáng nói?

Ông nhắn nhủ các tân khoa rằng chúng ta vào ngành nầy không phải để làm “business” mà là để... cứu người! Ông ta kể lại những kỷ niệm và việc hành nghề bác sĩ của thân phụ ông tại một tỉnh nhỏ gần Syracuse, New York cách đây mấy chục năm. Theo bác sĩ Thibault thân phụ ông sau khi ra trường vào năm 1937 đã chọn về một thành phố nhỏ với dân số trên dưới 2000 người để hành nghề. Cả một làng chỉ có một ông bác sĩ nên thân phụ ông đã có một đời sống bận rộn, nhưng với đầy tấm lòng của một lương y. Ngày đó bác sĩ còn đi đến từng nhà để chăm sóc bệnh nhân, ngay cả lúc trời mưa, tuyết đổ đầy đường. Dạo đó chưa có Medicare hay Medicaid. Bảo hiểm y tế tư nhân thì mới manh nha và chưa thịnh hành cho lắm. Thành phố Chittenango, cách độ 20 dặm từ Syracuse, bang New York là một thành phố của công nhân, rất có nhiều người nghèo túng. Nhưng thân phụ ông không từ chối một bệnh nhân nào. Ông tính tiền lệ phí tùy theo hoàn cảnh của mỗi người, đôi khi không tính một đồng nào. Nhiều bệnh nhân không có tiền thì họ xin trả bằng hiện vật như rau quả trồng sau vườn cho một cuộc khám bịnh bình thường, hay gà heo cho một ca mổ hay sinh đẻ. Có người xin lấy công trả nợ như sơn hay sửa nhà giùm. Thân phụ của ông làm bác sĩ gia đình nhưng cũng kiêm luôn các ngành chuyên môn khác vì đa số muốn đến nhà thương thì phải đi xa đến tận thành phố Syracuse, cái bệnh viện duy nhất trong vùng. Ông vừa là bác sĩ tư, là bác sĩ cho trường học và là một nhân viên y tế công cộng. Có lúc ông làm nhân viên tư vấn và tâm lý cho người dân trong làng. Vì có được các vai trò trên, thân phụ ông đã hiểu rõ được hoàn cảnh của nhiều người và từ đó đã giúp ông thành một lương y giỏi vì có dịp lắng nghe bệnh nhân, một việc ông cho là rất quan trọng cho một y sĩ.

Thân phụ ông qua đời lúc còn quá trẻ, chỉ có 48 tuổi, vì bệnh nhồi máu cơ tim. Cả làng đều thương tiếc ông vì từ nay họ mất đi một lương y không tìm đâu ra. Ròng rã hai ngày liền người dân đổ xô đến viếng thăm. Rõ ràng là ông đã giúp đỡ rất nhiều cho người dân với hoàn cảnh y tế lúc đó. Ông đã cứu giúp nhiều bệnh nhân mà không cần có khoa học, kỹ thuật và các tổ hợp y tế tân tiến như ngày hôm nay.

Theo bác sĩ Thibault, nếu còn sống thân phụ ông cũng sẽ hoang mang về những thay đổi trong ngành y khoa trong vòng 50 năm trở lại đây. Ông Cụ sẽ sung sướng nhìn thấy các bác sĩ ngày nay có thêm phương tiện để giúp cho bệnh nhân như có thêm thuốc men mới để chữa trị và các phương pháp trị liệu. Nhưng có lẽ ông cũng sẽ lo âu rất nhiều về khía cạnh thương mại của ngành y tế, với áp lực hay sự cần thiết để gia nhập các tổ hợp lớn. Ông ta đề cập đến thời đại “computerized” và vô số các dữ kiện, thông tin mà một người bác sĩ đương thời đang gặp phải. Ông cho rằng ở thời buổi nầy người y sĩ không thể làm việc một mình mà phải hợp tác với các chuyên viên trong các lãnh vực khác hầu đem lại lợi ích cho bệnh nhân và tránh gây ra lỗi lầm đáng tiếc. Ông đề cập đến yếu tố tài chánh rất ư là tốn kém trong dịch vụ y tế hiện nay mà theo đó người bác sĩ phải tìm ra phương pháp để đem lại hiệu quả tối đa và cung cấp dịch vụ cho tất cả người dân. Ông cho rằng không thể giao trách nhiệm nầy cho các cơ quan từ thiện là đủ. Một người y sĩ tốt phải có lòng vị tha, từ bi và nhạy cảm với bệnh nhân. Họ phải luôn nhớ rằng bổn phận của họ là đem lại sự săn sóc mà bệnh nhân cần có và muốn có. Điều nầy mãi mãi là mục tiêu chính, dù cho có kỹ thuật tân tiến và sự phức tạp hay ràng buộc của hệ thống y tế hiện nay.

Bác sĩ Thibault cho rằng chúng ta không thể quay lại với lối làm việc của một lương y như thời của thân phụ ông. Nhưng với tất cả những văn minh của khoa hoc ngày nay, cộng với cách tổ chức quản trị y tế như là một công ty thương mại, một người y sĩ tốt vẫn còn phải có các đức tính như cha của ông. Đó là hãy lắng nghe người bệnh, tìm cách gợi ý và hiểu rõ người bệnh nhân muốn gì và giải quyết nhu cầu cá nhân của người bệnh, trong đó bao gồm cả nhu cầu của gia đình và cộng đồng của họ. Người y sĩ nên tạo ra mối liên hệ mật thiết, sự quan tâm và lo lắng đối với bệnh nhân, những điều mà khoa học và kỹ thuật tối tân không thể thay thế được.

Sau cùng ông cho rằng các tân khoa hôm nay sẽ làm được các điều trên vì các anh chị đã được đào tạo tại trường Georgetown University, nơi có truyền thống của Jesuit là luôn chăm sóc cả về thể chất lẫn tâm linh.

* * *

Sau khi nghe bài diễn văn của Bác Sĩ George E. Thibault, tôi cho rằng ông ta đã gởi đến một thông điệp có ý nghĩa cho các sinh viên y khoa ra trường hôm đó. Nó được nêu ra đúng vào thời kỳ mà nước Mỹ, dù là một nước có nền y khoa hiện đại, tối tân nhất nhì trên thế giới, đã và đang gặp phải nhiều vấn đề về y tế, nhất là bảo hiểm sức khoẻ cho mọi người dân và chi phí quá cao với các thử nghiệm không cần thiết, đôi khi người bác sĩ phải chiều theo tổ hợp họ đã gia nhập, vì lợi nhuận của các công ty nầy.

Trong chuyến bay trở về lại Orange County vào ngày Thứ Ba 20 Tháng 5, 2014, khi tôi đang ngồi ở Reagan National Airport chờ lên phi cơ, thì tôi tình cờ thấy tờ báo The Washington Post do ai đó bỏ lại trên ghế bên cạnh. Tôi nhặt nó lên và muốn đọc các tin trên tờ báo nổi tiếng nầy, vì một thời có hai anh ký giả đã phanh phui vụ Watergate làm cho TT Nixon cuối cùng rồi phải từ chức!

Trên trang nhất của mục Health & Science có một bài của ký giả Sandra G. Boodman với tựa đề “As hands-on doctoring fades away, patients lose” – xin tạm dịch là “Khi việc khám bịnh tại chổ từ từ bớt đi, thì bệnh nhân sẽ chịu sự mất mát”. Bên dưới có các hàng chữ nhỏ “Bác sĩ dựa quá nhiều vào kỹ thuật khiến khả năng chẩn bịnh sút kém” (Physicians rely so heavily on technology that they’re short on diagnostic skills”.

Đọc nguyên bài viết của ký giả trên, tôi thấy ký giả trên đã nêu ra các vấn đề y tế hiện tại đang xảy ra trên nước Mỹ mà một phần cũng tương tự như các điều nhắn nhủ của BS Thibault cho các tân khoa Medical Class 2014 của Georgetown University ở trên.

Bài báo ghi lại một trường hợp đã xảy ra tại một bệnh viện thuộc miền Bắc California. Các bác sĩ tại đây khi nhận thấy một nữ bệnh nhân độ 40 tuổi có áp huyết quá cao và nghĩ rằng bà ta có thể bị nghẽn mạch máu đâu đó, bèn cho chụp hình CT scan hai lá phổi của bà. Kết quả CT scan đem đến ngạc nhiên cho mấy ông bác sĩ là bà ta không có bị nghẽn mạch máu mà là bị ung thư vú rất nặng, đến độ nó đã lan ra đến toàn thân bà ta. Phải chi trước đó bác sĩ của bà chỉ cần khám ngực của bà một cách bình thường thì cũng sẽ tìm ra triệu chứng ung thư một cách dễ dàng. Bà nầy đã ra vào bịnh viện gần hai năm, nếu bác sĩ chỉ khám bình thường dùng tay và ống nghe, thì có thể đã khám phá sớm bịnh ung thư vú và chữa trị kip thời.

Một trường hợp khác là có một bệnh nhân ở tuổi trung niên đi đến phòng cấp cứu tại Seattle lần thứ ba trong vòng 6 tuần lễ. Ông nầy có triệu chứng như bị xơ gan và người ta đã tìm cách chữa trị cả bịnh hai chân bị sưng phù và bụng phình ra. Nhưng sau đó một bác sĩ có lâu năm kinh nghiệm khám phá ra rằng ông ta có triệu chứng khác. Đó là dưới mang tai bên phải của ông ta người ta thấy có nhịp đập nhanh chạy vô phía trong người. Té ra là ông ta không có vấn đề với lá gan mà là với trái tim của mình. Ông ta bị viêm màng tim co thắt, cần phải giải phẫu mới chữa trị được.

Cả hai trường hợp trên cho thấy rằng ngày nay các bác sĩ đã dựa quá nhiều vào kỹ thuật, gặp cái gì cũng cho đi thử qua máy móc, mà quên hẳn đi việc khám bịnh cơ bản cho bệnh nhân để có thể chẩn bịnh chính xác hơn vì nhờ có “mắt thấy, tai nghe”.

Mấy thập niên trở lại đây, khả năng khám bịnh trực tiếp cho bệnh nhân, mà một thời đó là việc làm đầu tiên và bổn phận chính của các bác sĩ đã bị thay thế một cách ồ ạt bởi các thử nghiệm tối tân và tốn kém vô cùng.

Theo bài báo trên, bác sĩ Salvatore Mangione, giám đốc chương trình nội trú về ngành nội thương tại đại học Philadelphia’s Jefferson Medical College, đã viết trên tờ báo the Clevand Clinic Journal of Medicine rằng ông ta đã thấy với kỹ thuật tối tân các bác sĩ bị dẫn dắt đến việc cho thử từ “test” nầy qua “test” khác và rồi cuối cùng phải đi đến làm giải phẫu, hay tệ hơn là đi đến luật sư để giải quyết vấn đề rắc rối đã gây ra do bất cẩn y tế.

Ngày nay, với các phương pháp tối tân trong nhà thương, các bác sĩ bỏ ra quá nhiều thì giờ để đọc kết quả của CT scan, của MRI, của các giản đồ bệnh lý mà quên hẳn việc đi đến từng giường để thăm hỏi và khám bệnh nhân. Bài báo ghi lại câu chuyện tại một nhà thương kia có một y tá báo cho một bác sĩ trẻ biết là có một bệnh nhân bị lên cơn sốt cao. Người bác sĩ trẻ hoảng hốt tìm lục trong tài liệu điện toán để biết nguyên nhân gây ra cơn sốt, thay vì đi xuống tận giường bệnh nhân để thấy rằng nguyên nhân chẳng có gì khác hơn là một vết sưng đỏ do kim truyền nước biển gây ra.

Bài báo còn ghi lại một kinh nghiệm bản thân của ông Arnold Relman, cựu chủ biên của tờ báo nổi tiếng the New England Journal of Medicine và là giáo sư y khoa tại đại học Harvard, trong lúc ông ta nằm tại bệnh viện Massachusetts General Hospital (MGH) sau khi bị té gãy cổ. Khi xem xét lại tất cả hồ sơ bệnh lý của mình trong mấy tháng trời nằm ở MGH, ông Relman nhận thấy các bác sĩ ghi chép rất sơ sài về những gì ông cảm thấy và tình trạng sức khỏe của mình. Trái lại ông ta thấy các bác sĩ ghi lại vô số các dữ kiện về các thử nghiệm và kết quả của các máy móc theo dõi treo bên đầu giường. Các cuộc trao đổi ý kiến và đàm thoại với bác sĩ thì ngắn ngủi, lâu lâu mới xảy ra và thường thì không được ghi lại trong hồ sơ bệnh lý.

Ngày nay bác sĩ nội trú trong nhà thương trung bình bỏ ra chừng 4 phút để “khám cho bệnh nhân”, theo Brendan Reilley, cựu phân khoa phó của Y Khoa tại New York-Presbyterian Hospital. Theo ông trong quá khứ, bác sĩ chẩn bệnh trước, rồi từ đó mới cho làm các thử nghiệm tuỳ theo họ khám phá ra cái gì. Nay thì ngược lại, ông bà bác sĩ nào cũng cho “order test” thoải mái khi chưa có khám bệnh nhân. Họ lấy các kết quả do máy móc trao lại làm cái kim chỉ nam mà trị bệnh.

Với tình trạng “làm business”, có lẽ các tổ hợp y tế vì nhắm vào lợi nhuận cao cho cổ động viên của công ty mình và mặt khác họ thấy các hãng bảo hiểm bây giờ chịu hoàn trả 100% tiền phí tổn cho các “test”, nhưng lại không để ý đến các cái “bills” về thời gian bác sĩ khám bệnh nhân bên giường bệnh đã làm cho tình trạng các bác sĩ thi nhau cho làm các thử nghiệm nầy qua thử nghiệm khác ngày càng đông. Sau các thử nghiệm thì các bác sĩ lại tốn quá nhiều thì giờ với computer của họ để đọc và nghiên cứu các kết quả. Kẻ thiệt thòi là bệnh nhân và người đứng ra trả bảo hiểm sức khỏe, dù đó là chính phủ, Medicare, Medical, công ty, nhân viên hay cá nhân móc tiền túi ra trả.

Cũng theo nhận xét của ông Reilley, ngày nay các bác sĩ được huấn luyện ở ngoại quốc có khả năng chẩn bịnh khá hơn các bác sĩ mới được huấn luyện bây giờ tại Hoa Kỳ. Các bác sĩ ở ngoài Hoa Kỳ được huấn luyện không dựa nhiều vào các kỹ thuật tân tiến - đôi khi vì hoàn cảnh bắt buộc - mà vào khả năng chẩn bệnh, thăm viếng tại chổ bệnh nhân.

Để làm sống lại phương pháp chẩn bịnh căn bản đã có từ trước, nhiều trường y khoa Hoa Kỳ nay đã dạy cho các sinh viên phải nên “học” cách khám bệnh nhân. Trường đại học Y Khoa Stanford đã có một chương trình có tên là “ Stanford Medicine 25”, dạy cho các sinh viên 25 cách khám bịnh và bắt họ phải thực tập và chỉ dẫn lại cho lớp đàn em.

Ông Reilley hy vọng rằng các tổ hợp y tế, các bác sĩ có trách nhiệm đang hợp tác với các nhà thương để làm khá hơn về phẩm chất của việc chăm sóc chu toàn cho bệnh nhân và giảm thiểu chi phí, sẽ cố gắng làm sống lại tinh thần “đi khám từng giường bệnh” của ngành Y Khoa. Vì với tình trạng hiện nay chúng ta có một hệ thống y tế rất kỳ cục, thiếu hiệu quả và quá tốn kém.

Với những gì bài báo trên đã ghi lại và những nhắn nhủ của Bác Sĩ George E. Thibault, chúng ta thấy nó cũng cần để các bác sĩ người Việt Nam nên lưu ý mà điều chỉnh lại lối làm việc của mình để xứng đáng với câu châm ngôn “lương y như từ mẫu” và giữ vững lời thề Hippocrates của năm xưa. Nên nhớ là quý vị vào ngành nầy không phải để kiếm thật nhiều tiền mà là để giúp đem lại sức khoẻ tốt cho bệnh nhân và cứu người. Dĩ nhiên là quý vị sẽ được hệ thống xã hội ở Hoa Kỳ trả công xứng đáng. Nhưng hãy mạnh mẽ bỏ đi các việc làm không tốt đẹp, các tham lam không cần thiết và nhất là để khỏi thấy hổ thẹn khi gặp lại bệnh nhân và thân nhân của họ.

Võ Văn Thiệu

(Thân Tặng Cháu Võ Nam Hưng và Ba Mẹ)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Buổi ra mắt sách Huyền Thoại Duy Ma Cật của Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ tại Houston, TX, ngày 04 tháng 11 năm 2007
Bạo lực hung tàn sẽ không bao giờ chế ngự được niềm khao khát căn bản nhất của con người là có được tự do
Thượng tọa Thích Không Tánh tường trình việc Cứu trợ Dân Oan, Nạn nhân cầu Cần Thơ và nạn nhân bão lụt Kekina
Năm 2004, Viện thăm dò dư luận Galớp của Mỹ có thăm dò nhận xét của người dân Mỹ về xã hội Mỹ; kết qủa hơn 70% trong số gần 100 triệu người được hỏi
Là người dân Việt nam, không một ai trong đất nước không biết đến những anh Pha, Chị Dậu, Chí Phèo..., những nạn nhân của chế độ thực dân Pháp ngày xưa
Trong chuyến thăm viếng Bắc Hàn vừa qua của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, dường như lãnh tụ Cộng sản Bắc Hàn có nêu ý kiến là Bắc Hàn
Tháng 11 là tháng Tạ Ơn của người Hoa Kỳ để cám ơn Thượng Đế đã ban cho chúng ta sự sống
Gần đây người ta khám phá một loại cây thường được gọi là “cây phép lạ - miracle tree”
Ngày 30/10/2007 vừa qua, tôi công bố bài viết về việc có một vài người ở cơ quan tôi đã có hành động xấu đối với tôi
Lữ Đoàn 3, còn có tên gọi là Airrowhead Stryker, thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh đã tổ chức buổi lễ trở về của Lữ Đoàn  hôm 11/10/ 07
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.