Hôm nay,  

Đồi Gió

5/3/201400:00:00(View: 6219)
Lời tác giả: Suốt hai tuần qua, khí hậu đột ngột thay đổi khắp nơi đã tạo nên nhiều thảm trạng. Nơi thì gió lốc, nơi mưa lụt, nơi bão giông.Riêng miền Nam Cali, tuy chỉ bị ảnh hưởng thôi, nhưng nóng và gió mạnh cũng đủ thay đổi nhiều sinh hoạt bình thường. Khi loay hoay cột mấy nhánh bồ đề, phòng xa khỏi bị gió lớn làm gẫy, tôi bỗng nhớ tới một bài viết cũ. Xin chia sẻ bằng tất cả niềm ngậm ngùi và lòng tôn kính. Huệ Trân.

* * *

Mới quá trưa, trời bỗng tối sầm, mây đen ở đâu kéo đến nhanh quá, và không bao lâu, mưa bắt đầu rơi. Tôi ngồi trước ban thờ Phật, lặng lẽ nhìn mưa rạt rào ngoài khung cửa kính, lòng lắng trong, an tịnh sau thời kinh Kim Cang.

Nhưng mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn, rồi gió vần vũ ngả nghiêng những nhánh hồng, đập vào cửa kính, phút chốc, cuốn giạt tâm tĩnh lặng trong tôi, lên tới một vùng đồi tầm tã bão giông và đầy gió nổi!

Mấy ngày nay, khi tọa thiền, tâm tôi lại lang thang về đồi gió đó, một nơi chốn tôi chưa từng được biết, được tới. Chỉ vì tờ tạp chí tình cờ có được, trong đó có bài của ngài Huyền Không nhắc đôi giòng về ngôi chùa cổ rất nghèo, rất khuất lánh, trên ngọn đồi Kim Sơn nhìn xuống phía bắc sông Bạch Yến. Chùa thuộc làng Lựu Bảo, gần chùa Linh Mụ ở Huế.

Sau khi bị trấn động vì một vài chi tiết trong bài viết đó, tôi lục tung cả hai kệ sách, giở tất cả những cuốn có di tích về chùa chiền miền Trung, tìm thấy hàng trăm tên chùa, trừ chùa Kim Sơn! Ngôi chùa nhỏ - dường như cố tình khiêm tốn - nhưng tinh thần Bi Trí Dũng của đạo Phật vẫn thể hiện rực rỡ trong ngôi tháp tại khuôn viên chùa, nơi thờ xá lợi của một nhà sư, mà những sự kiện xảy ra thời đó đã được tôn vinh trong sử sách.

Tuy không tìm được hình ảnh xưa, về chùa Kim Sơn nhưng những chi tiết đọc được qua tờ tạp chí đã không ngừng thôi thúc tôi quán chiếu về bao dữ kiện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam thời đó, thời người Pháp đã thẳng tay tiêu diệt những phần tử cách mạng yêu nước, tiêu biểu nhất là Việt Nam Quốc Dân Đảng, nổi dậy từ thập niên ba mươi.

blank
Không riêng gì Việt Nam, lịch sử thế giới đã chứng minh từ ngàn năm là khi không còn gì để mất thì không còn gì để sợ! Bao nhiêu năm dưới ách thống trị của người Pháp, người dân Việt Nam đã không còn gì để mất nữa, nên người Việt Nam vẫn tiếp tục đứng dậy đòi lại quyền làm người.Cũng từ ngàn xưa, người Phật tử hiểu rằng Đạo Pháp với Dân Tộc là một.

“Đạo như Trời đất
Vận hành mang mang
Lặng thinh dũng mãnh
Rạt rào thơm ngát Kim Cang….”

Thế nên, vào những năm cực kỳ đen tối của Đạo Pháp và Dân Tộc thì Thất Hiền đã tùy duyên mà cứu độ chúng sanh. Đó là những năm 1946, 1947 bẩy vị Thầy ưu tú nhất, tốt nghiệp Phật Học Đường Báo Quốc tại Huế (tương đương với bằng đại học Phật Giáo đầu tiên thời ấy) đã nương hạnh Bồ Tát Quán Âm mà tải đạo giúp đời. Có vị lánh vào Nam, âm thầm củng cố Giáo hội Tăng già, có vị cởi áo cà-sa tham gia kháng chiến, theo đúng tinh thần Quán Âm, nghe tiếng kêu thương quằn quại của cuộc đời là tìm đến bằng mọi cách, bằng bất cứ hình dáng nào thích hợp “Ưng dĩ trưởng giả, cư sĩ, tể quan, bà la môn, phụ nữ thân đắc độ giả, tức hiện trưởng giả, cư sĩ, tể quan, bà la môn, phụ nữ thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ đồng nam đồng nữ thân đắc độ giả, tức hiện đồng nam đồng nữ thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ thiên, long, dạ xoa, càn thát bà, atula, cẩn na la, ma hầu la già, nhân phi nhân đẳng thân đắc độ giả, tức giai hiện chi nhi vị thuyết pháp”, chỉ còn một thầy tình nguyện ở lại với ngôi chùa xiêu vẹo để cùng chia xẻ gian nguy và làm nơi nương tựa tinh thần cho dân nghèo quanh vùng. Đó là thầy Trí Thuyên, một trong Thất Hiền ưu việt của Phật giáo Việt Nam thời đó.

Với lưới tình báo bủa vây khắp nơi, người Pháp đã nghe phong phanh về ngọn đồi khô cằn sỏi đá, trên đó có ngôi chùa đổ nát đã đào tạo những nhà sư trí tuệ, có thể sẽ là những người lãnh đạo tinh thần, hướng dẫn dân chúng đòi lại nhân quyền.

Ngày 23 tháng 2 năm 1947, người Pháp được chỉ điểm đã bất thần kéo lực lượng võ trang hùng hậu tràn lên đồi Kim Sơn, xông vào chùa khi thầy Trí Thuyên đang tọa thiền trước chánh điện. Chúng lên đạn rầm rập, định bắn thầy ngay. Thầy chỉ điềm đạm yêu cầu để thầy tụng xong một thời kinh rồi hãy bắn, cũng không muộn. Chúng đồng ý. Và hầy khai chuông mõ, an nhiên tụng kinh.

Khi thời kinh dứt, Thầy điểm chuông, lạy ba lạy. Tiếng chuông còn ngân dài mà tiếng súng đã chát chúa vang lên !

Thầy Trí Thuyên gục xuống trước Tam Bảo trong hồi chuông Bát Nhã khi thầy chỉ vừa hai mươi bốn tuổi!

* * *

Kính lạy Mười Phương Chư Phật

Tiếng chuông cứu độ quyện vào tiếng súng oan nghiệt đó, tới nay đã hơn sáu thập niên, có lúc, có kẻ tưởng rằng cát bụi ta-bà đã phủ lấp Chân Như; nhưng không, trên ngọn đồi Bi Trí Dũng đó, gió có bao giờ ngừng thổi, mây có bao giờ ngừng bay, mặt trời có bao giờ ngừng mọc, trăng có bao giờ ngừng sáng, mưa có bao giờ ngừng rơi, nắng có bao giờ ngừng chiếu... nên thầy Trí Thuyên có bao giờ mà không còn đó với Kim Sơn, khi gió chính là mây, mây chính là mặt trời, mặt trời chính là mặt trăng, mưa lạnh chính là nắng ấm và thầy Trí Thuyên chính là Đạo Cả, là Chánh Pháp, là trùng trùng duyên khởi của vạn hữu bất sanh bất diệt. 

Với tất cả tấm lòng hướng về Chư Phật, con tin chắc thầy Trí Thuyên còn đó, con tin chắc không bao giờ thầy Trí Thuyên lại không còn đó.

Không phải thầy chỉ còn đó mà thầy vẫn đang tụng kinh. Thầy chỉ mới dứt kinh Bát Nhã, đem trí tuệ Phật soi tâm thế gian; Thầy còn tụng Phổ Môn cứu khổ cứu nạn, còn tụng A Di Đà đưa người nhất tâm bất loạn về Tịnh Độ, còn tụng Địa Tạng chuyển nghiệp cho kẻ đọa trầm luân….

Bạch Chư Phật, tiếng chuông hôm đó vẫn còn ngân vang, tiếng chuông đó chưa dứt, tiếng chuông đó không bao giờ dứt vì đó là tiếng đại hồng chung trong lòng Phật tử Việt Nam, những người con Phật hướng về Đạo Pháp trong tinh thần tải đạo cứu đời, thể hiện hạnh nguyện Quán Âm độ thế.

Thương thay cho những kẻ vô minh, vì nếu biết được điều đó, họ đã không lên đạn để diệt cái bất diệt.

Huệ Trân

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Nhiều người vẫn tưởng đảng Cộng sản Việt Nam càng ngày càng vững tiến lên Xã hội Chủ nghĩa, ai ngờ đảng viên, báo chí lại đang có khuynh hướng
Một ngày trước khi tướng Phú tuyên bố Ban Mê Thuột thất thủ, hôm 12-3 -1975 Hạ Viện Mỹ biểu quyết cắt 300 triệu Mỹ kim quân viện bổ túc
Dù xa quê hương hơn ba mươi năm, đồng bào Phật tử vùng HTĐ vẫn giữ truyền thống hành hương thập tự (mười chùa) vào dịp đầu năm Âm lịch
Ngày "nguyên tiêu" của ta (đúng hơn, của Tầu), rầm tháng Giêng Âm lịch là một ngày "lễ trọng" của Phật giáo Tây Tạng, gọi là Moon Lam
Thế là sau 2 tháng đợi chờ và thương lượng khá là căng thẳng giữa các vị lãnh đạo tăng thân Làng Mai và ban tôn giáo cộng sản ở Hà Nội
Cuối năm, khép lại một trang đời, khai bút chào ngày mới năm mới của "cư dân mạng" là lời chúc gửi đến đọc giả và những người có tâm huyết cống hiến
Nhà thơ trong ca dao tự trào: "Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm!", tự thấy nhà nho như mình vô tích sự, nhưng không phải vậy! Tâm lý nhà thơ tài ba như Tú Xương chẳng hạn
Không có tự do và nhân quyền thì kinh tế thị trường chỉ là sự bất công được định chế hoá và biểu hiện của bất công chính là tham nhũng và quan liêu
Hằng nằm cứ vào ngày 6-2 âm lịch lể kỷ niệm hai bà Trưng được cử hành tại nhiều nơi có người Việt sinh sống. Đây là một sinh hoạt có tính lịch sử truyền thống.
Mồng một Tết là ngày bận rộn. Nếu là Thiện Nam Tín Nữ thì đi lễ chùa, nếu là dân lai rai thì tụ năm tụ ba hát ca và tâm sự! Ngày mồng Một Tết đi chúc thọ ông bà
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.