Hôm nay,  

Obamacare Và Cuộc Bầu Tại Florida

18/03/201400:00:00(Xem: 14007)
...đà này, chi phí bảo hiểm và dịch vụ y tế sẽ lại phải tăng cao hơn nữa...

Tuần vừa qua, một cuộc bầu dân biểu đặc biệt đã được tổ chức tại tiểu bang Florida, để thay thế một dân biểu lớn tuổi bị đột tử. Bầu cử loại này là chuyện bình thường, hầu hết đều không mang ý nghiã gì, tuy cũng có lúc mang ý nghiã thật lớn lao và hệ quả còn lớn hơn nữa. Tiêu biểu là sau cái chết của TNS Ted Kennedy, tiểu bang Massachusetts đã có cuộc bầu đặc biệt để lựa người thay thế. Kết quả, một ông Cộng Hoà đã đắc cử, khiến đảng Dân Chủ mất thế đa số tuyệt đối tại Thượng Viện, đưa đến chuyện TT Obama phải thông qua Obamacare bằng cửa hậu.

Lần này, cuộc bầu không có tầm vóc đó. Chỉ là bầu một dân biểu, mà kết quả không thay đổi gì thế đa số của Cộng Hòa tại Hạ Viện Liên bang.

Tại hạt 13 –13th district- một đơn vị gần Saint Petersburg, bên bờ biển phiá tây của Florida, dân biểu Cộng Hòa lão thành Bill Young bất ngờ qua đời, đưa đến bầu cử đặc biệt.

Bên Cộng Hòa, sau một cuộc tranh cử căng thẳng trong nội bộ, đưa ra ông David Jolly, một cựu phụ tá của ông Young, nhưng đã nghỉ việc, đi làm trên Hoa Thịnh Đốn. Bên Dân Chủ đưa ra bà Alex Sink, cựu ứng viên thống đốc tiểu bang Florida.

Trên căn bản, mọi người đầu tiên đoán bà Alex Sink sẽ thắng, dựa trên khá nhiều yếu tố then chốt.

Quận hạt này trong hơn 40 năm qua đã bầu ông Cộng Hòa Bill Young, như là một thông lệ, nhưng trên thực tế, có khuynh hướng theo Dân Chủ, bỏ phiếu cho tổng thống Dân Chủ từ 30 năm nay, kể cả hai lần bầu cho ông Obama. Vùng trung Florida nói riêng và cả tiểu bang nói chung là vùng “xôi đậu” với hai chính đảng tranh dành ưu thế ngang ngửa. Nhưng trong hai lần bầu cử tổng thống vừa qua, đều ngả qua phe Dân Chủ, bầu cho Obama. Những thăm dò địa phương cho thấy bà Sink của Dân Chủ có ưu thế khá rõ rệt.

Nói về cá nhân các ứng viên thì bà Sink càng có ưu thế lớn hơn.

Bà từng là ứng viên thống đốc tiểu bang Florida của đảng Dân Chủ chống lại ứng viên Rick Scott của Cộng Hòa năm 2010, và bà đã chỉ thua ông Scott một cách khít khao, thua hơn 60.000 phiếu trong tổng số phiếu 5,3 triệu. Có nghiã là bà Sink đã thu được hơn hai triệu rưởi phiếu trên cả tiểu bang. Trước đó, năm 2002, chồng bà, ông McBride, cũng đã từng là ứng viên thống đốc Florida của đảng Dân Chủ và cũng đã thua ông Jeb Bush –em TT Bush con- khít nút. Tuy cả hai đều thất cử, nhưng cử tri biết rất nhiều về hai ông bà Sink. Và dĩ nhiên, bà Sink là người đầy kinh nghiệm tranh cử, và có lợi thế là cả đảng Dân Chủ nhất trí hậu thuẫn bà. Nói đi cũng phải nói lại, bà Sink cũng có yếu điểm là bà đã từng làm chủ tịch NationsBank (sau sát nhập vào Bank of America) tại Florida, lãnh lương và tiền thưởng cả chục triệu, một đại gia ngành ngân hàng, thủ phạm của khủng hoảng tài chánh thời năm 2008-09.

Ứng viên Jolly của Cộng Hoà gần như là một ứng viên vô danh. Chỉ là phụ tá thường trong hậu trường cho ông Young. Đã vậy lại còn đi làm trên Hoa Thịnh Đốn một thời gian. Chưa bao giờ tranh cử một chức vụ nào. Trong nội bộ đảng, ông lại còn bị một bà đồng chí tranh chức một cách mạnh mẽ, đả kích thẳng cánh.

Tháng Chạp năm 2013, sau khi ông Young qua đời tháng 10, cuộc chạy đua thế chỗ bắt đầu, bà Sink có gần 1,5 triệu đô trong quỹ tranh cử, trong khi ông Jolly có vỏn vẹn hơn 150.000.

Từ đó, ta thấy bà Sink có ưu thế dựa trên chiều hướng ngả về phiá Dân Chủ của vùng, trên kinh nghiệm chính trị và kinh nghiệm vận động tranh cử của cá nhân bà, trên tên tuổi của hai vợ chồng bà, và trên ưu thế tài chánh lớn gấp 10 lần.

Tuy vậy, kết quả cuối cùng cho thấy ông David Jolly đã thắng với tỷ lệ 49%-47%. Đó đã là một bất ngờ lớn cho tất cả các quan sát viên của cả hai đảng. Ai cũng nghĩ ông Young là trở ngại cuối cùng cho chiến thắng của đảng Dân Chủ trong vùng này, và cái chết của ông này đã mở đường cho chiến thắng cần thiết này.

Điều đáng nói nữa là số phiếu bảo thủ đã bị phân tán bớt mất 5% qua một ứng viên thứ ba, của khối cực hữu Libertarian. Nếu không thì ông Jolly đã thắng lớn với gần 55% phiếu.

Nhìn vào quá trình vận động tranh cử cũng như kết quả bầu cử, các quan sát viên đã thấy rõ hai yếu tố căn bản đưa đến thắng lợi cho ông Jolly của Cộng Hoà.

Yếu tố thứ nhất là Obamacare.

Địa phận 13 này là vùng có khá nhiều dân hưu trí trên 65 tuổi đến từ phiá bắc. Obamacare trên nguyên tắc không có tác dụng gì nhiều trên giới về hưu đã lãnh Medicare, nhưng trên thực tế, đã không tha bất cứ một ai, khi tất cả chi phi y tế như tiền nhà thương, thuốc men, bác sĩ đều gia tăng đồng loạt. Medicare chỉ bao 80% chi phí y tế. Một khi tất cả chi phí y tế tăng thì cái phần 20% ông gìa bà lão phải trả cũng sẽ tăng. Dân cao niên cũng đang lo ngại chuyện TT Obama sẽ bắt buộc phải chuyển một phần tiền Medicare của người già qua Medicaid của người nghèo vì đại đa số dân mới được bảo hiểm y tế của Obamacare sẽ là dân lãnh Medicaid.

Nhưng vấn đề lớn nhất của Obamacare hiện nay là chuyện TT Obama thất hứa –cố tình hay không biết trước- là hầu hết mọi người đều sẽ không còn giữ được bảo hiểm y tế mình đang có, cũng như không giữ được nhà thương, bác sĩ hay thậm chí cả thuốc mình đang uống. Đối với những người khoẻ mạnh, chuyện này không mang nhiều ý nghiã, nhưng đối với những người đang có bệnh nặng phải chữa trị, những thay đổi này làm họ lo ngại rất nhiều. Càng bệnh nặng càng lo nhiều khi phải trực diện với những thay đổi quan trọng này. Với các cụ đang nghỉ hưu trong vùng, đây không phải là chuyện nhỏ.

Thêm vào đó, những trục trặc kỹ thuật của các trang mạng Obamacare vẫn còn đầy rẫy, chưa được giải quyết trọn vẹn và thỏa đáng.

Trong cuộc chạy đua tranh cử, ngoài hàng loạt quảng cáo trên truyền hình tập trung vào việc đả kích Obamacare, ông Jolly cũng đã liên tục chất vấn bà Sink của Dân Chủ về vấn đề này, và bà Sink đã không có câu trả lời thoả đáng, chỉ biết nói đại khái là Obamacare còn cần phải được chấn chỉnh nhiều, mà không thể đi vào chi tiết hơn.

Công bằng mà nói, bà Sink không thể ở trong tư thế trả lời rõ ràng hơn vì đây là chuyện mà thật sự TT Obama cũng khó trả lời.

Yếu tố thứ hai đưa đến chiến thắng của ông Jolly, hay nói cho chính xác hơn, đưa đến thất bại của bà Sink là... chính TT Obama.

Trong cuộc chạy đua, ông Jolly đã cố gắng gắn liền bà Sink với TT Obama, và điều này quả đã trở thành một bất lợi lớn cho các vị dân cử của đảng Dân Chủ.

Như cột báo này đã có khá nhiều dịp trình bày, năm qua, kể từ ngày tuyên thệ nhậm chức hồi tháng Hai, đã là một chuỗi dài thảm hoạ cho TT Obama. Hết xì-căng-đan này đến tai hoạ khác, đặc biệt là thất bại của Obamacare, dồn dập đổ lên đầu tổng thống trong khi những vấn đề lớn khác như kinh tế èo uột, thất nghiệp dai dẳng, bế tắc trong quốc hội, thách thức tại Syria, rồi mới đây, khó khăn tại Ukraine, tất cả đã tô vẽ ra hình ảnh một tổng thống vừa yếu ớt, không có chính sách rõ rệt, đã vậy lại còn có vẻ... “quá tải”, phải trực diện với quá nhiều vấn đề quá khả năng của mình, không biết phải làm gì, cứ đợi tai họa xẩy ra rồi chạy vá víu đầu này bít lỗ đầu kia, mà chẳng chuyện nào ra chuyện nào.


Đối nội, chẳng làm nên chuyện gì. Những hứa hẹn lớn cho nhiệm kỳ này, như kiểm soát súng, dân cư trú bất hợp pháp, tăng lương tối thiểu, tăng trưởng kinh tế, giảm thất nghiệp, san bằng cách biệt giàu nghèo, hâm nóng địa cầu,... có vẻ chẳng đi xa hơn được một bước nào ngoài hứa hẹn. Đối ngoại, càng ngày càng tuột hậu, mất thế đại cường, trao tay lái cho ông KGB Putin đóng vai trò thuyền trưởng, lèo lái con tàu thế giới theo ý của ông ta.

Mới đây nhất, thăm dò của báo phe ta Washington Post cho thấy tỷ lệ hậu thuẫn của TT Obama đã rớt xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, 41%. Không phải chỉ có Washington Post, mà hầu hết các thăm dò của các cơ quan, báo chí, đại học khác đều cho thấy một sự tuột dốc mau lẹ và nhất loạt. Đưa đến trung bình khoảng 40% hậu thuẫn. Đại khái rớt 13% kể từ ngày tái đắc cử với 53%.

Thăm dò mới nhất sau vụ Nga chiếm Crimea của báo The Economist cho thấy 45% dân Mỹ nghĩ TT Obama là một lãnh đạo mạnh, 30% cho TT Obama rất yếu –very weak-, so với 78% cho rằng TT Putin mới là người lãnh đạo mạnh và chỉ có 7% nghĩ TT Putin rất yếu.

Nói một cách nôm na, rõ rệt nhất, cuộc bầu cử đặc biệt tại hạt 13 của Florida nếu là một cuộc trưng cầu dân ý về Obamacare và về khả năng lãnh đạo nước của TT Obama, thì ý dân, qua kết quả đại thắng của ông Cộng Hoà vô danh David Jolly trong một vùng xôi đậu mà tất cả mọi người đều đinh ninh sẽ rơi vào tay Dân Chủ, đã là một tuyên cáo thật rõ ràng.

Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, cả hai chính đảng đều mở máy tuyên truyền, diễn giải kết quả này.

Theo bên Cộng Hoà, chiến thắng của ông Cộng Hoà Jolly đã là một loại sấm Trạng Trình, cho thiên hạ biết trước kết quả cuộc bầu cử giữa mùa tháng Mười Một năm nay, gần 9 tháng nữa. Hiển nhiên, các vấn đề mấu chốt của cuộc tranh cử tại Florida cũng sẽ thành những đề tài tranh cử then chốt cho cả nước: Obamacare và thành quả của TT Obama. Cho dù cuộc bầu bán mùa chỉ là để bầu quốc hội, không trực tiếp liên quan đến TT Obama, nhưng thực tế sẽ là một cuộc trưng cầu dân ý về TT Obama, không hơn không kém. Và kết quả sẽ là thảm họa cho đảng Dân Chủ. Đảng Dân Chủ sẽ phải tìm đủ cách để lái dư luận ra khỏi hai đề tài này nếu muốn tránh thất bại. Nếu không thì chẳng những Hạ Viện vẫn sẽ còn trong tay Cộng Hoà mà, tệ hơn nhiều, cả Thượng Viện cũng có thể bị mất theo luôn.

Bên Dân Chủ phản pháo, cho rằng Cộng Hòa đã thổi phồng cuộc bầu một dân biểu thay thế. Cái ghế này từ trước đến giờ là của Cộng Hòa, bây giờ cũng vẫn là Cộng Hòa, chẳng có gì thay đổi. Hơn thế nữa, bầu đặc biệt chỉ thu hút một số cử trị rất nhỏ đi bầu, chẳng thể nào thể hiện thực trạng chính trị của tiểu bang, hay của vùng, khoan nói tới của cả nước. Không thể nói đầu cử đặc biệt giữa mùa là trưng cầu dân ý về Obamacare hay về thành quả của TT Obama.

Điều mà họ không nói là trước ngày bầu cử, họ đã mạnh mẽ ca khúc khải hoàn, coi chiến thắng của bà Sink như chuyện đã rồi, bầu cử chỉ là một thủ tục hành chánh để xác nhận ưu thế ngày một lớn của đảng Dân Chủ tại vùng xôi đậu nhất của tiểu bang xôi đậu Florida. Bây giờ, sau khi thua, thì lại nói đó chỉ là chuyện nhỏ của địa phương.

Theo những quan sát viên trung lập, thì có thể bên Cộng Hoà đã thổi phồng thành quả hơi quá, nhưng thực tế đây vẫn là một kết quả đáng lo ngại cho đảng Dân Chủ, đặc biệt là nếu đem ghép lại với tỷ lệ chống đối Obamacare và tỷ lệ hậu thuẫn đang rớt đài của TT Obama. Cả ba sự kiện đều có liên quan trực tiếp với nhau, không thể nhắm mắt chối cãi được.

Ngay cả chiến lược gia Paul Begala của đảng Dân Chủ, cựu phụ tá của TT Clinton, đã kêu gọi đảng Dân Chủ nên nhìn nhận đây là một thất bại – we lost -- mà đảng cần phải nghiên cứu kỹ để rút bài học, tránh một tai họa lớn hơn nhiều trong tương lai.

Thực tế, đảng Dân Chủ cũng đã nhìn thấy những vấn đề ngày một lớn của Obamacare đối với họ. Cả triệu người đã bị bắt buộc phải đổi hãng bảo hiểm với đủ thứ thay đổi kèm theo như mọi người đều biết, đặc biệt là liên quan đến chi phí bảo hiểm cũng như chi phí chữa bệnh. TT Obama có nói gì đi nữa thì dân Mỹ cũng đã nhìn thấy hậu quả trực tiếp của Obamacare trên túi tiền của họ.

Một người em bà con của kẻ viết này, chỉ là nhân công thường, không phải thuộc thành phần trung lưu khá giả gì, đã thấy tiền đóng bảo hiểm tập thể của công ty tăng từ hơn $200 một tháng lên gần $500, đồng thời tiền trả cho bác sĩ mỗi lần đi khám bệnh –- copay -- cũng tăng từ $10 lên $20.

Nhiều người sẵn sàng chấp nhận tăng chi phí y tế để có thể giúp cả ba chục triệu người có bảo hiểm y tế để được chữa trị đầy đủ. Nhưng vấn đề là cho đến nay, số người mới có bảo hiểm lần đầu nhờ Obamacare rất là ít. Nhiều thăm dò cho thấy chưa tới 20% những người trước đây không được bảo hiểm đã tham gia vào Obamacare. Ngay cả giới trẻ, là giới cột trụ đóng góp phần lớn gánh nặng tài chánh cho Obamacare cũng đã không hồ hởi gì lắm, tham gia Obamacare rất ít, chưa tới 30%. TT Obama mới đây trong một cố gắng rao hàng cho giới trẻ, đã tuyên bố chi phí Obamacare chỉ bằng chi phí điện thoại di động. Lý luận này chẳng thuyết phục được ai vì tất cả mọi người, nhất là giới trẻ, đều biết đây không đúng sự thật.

Chưa kể theo đà này, chi phí bảo hiểm và dịch vụ y tế sẽ lại phải tăng cao hơn nữa.

Tin báo chí cho thấy không có một dân biểu hay nghị sĩ Dân Chủ nào chuẩn bị tranh cử cho Tháng Mười Một tới đã dám công khai cổ võ cho Obamacare. Phần lớn nhìn nhận Obamacare chưa hoàn hảo và cần được chỉnh sửa nhiều, nhưng giống như bà Sink, không biết hay không dám nói phải chỉnh sửa ở đâu.

Ngay cả TT Obama, mới đây lại một lần nữa, hoãn việc áp dụng trọn vẹn Obamacare hai năm cho tới… sau cuộc bầu tổng thống năm 2016 để hoãn lại ngày hàng triệu người sẽ bị mất bảo hiểm. Một việc làm vừa nặng mùi ma-nớp chính trị vừa có vẻ bất hợp pháp khi tổng thống tự động và đơn phương thay đổi ngày áp dụng một luật đã được quốc hội phê duyệt và tổng thống ký thành luật.

Cuộc bầu đặc biệt tại hạt 13 của Florida có thể là một cuộc bầu địa phương thật, nhưng dù sao cũng đã mang nhiều ý nghiã lớn. Kết quả cuộc bầu mang nặng dấu ấn của Obamacare, làm tăng tinh thần cho khối Cộng Hoà bảo thủ và làm nản chí những mạnh thường quân ủng hộ tài chánh cho các ứng viên đảng Dân Chủ. Cho dù khối Dân Chủ muốn khoả lấp cách nào đi nữa, thì đây cũng là tiếng chuông báo động lớn. Họ có thể bịt tai không nghe, không làm gì để đáp ứng ưu tư của dân, nhưng nếu thất bại nặng trong cuộc bầu tháng Mười Một tới thì không thể nói là chuyện bất ngờ được nữa.

Mặt khác, khối Cộng Hòa cũng không thể chỉ dựa vào thất bại của Obamacare để mong chiếm quyền lại. Dân Mỹ đòi hỏi giải pháp cho rất nhiều vấn đề khác. Ngay cả chuyện y tế cũng vậy, chỉ trích Obamacare chưa đủ, mà còn phải đưa ra được giải pháp thay thế. Đó là những thách đố lớn cho đảng Cộng Hoà. Họ còn 9 tháng để thuyết phục dân Mỹ là họ có đủ giải pháp và giải pháp của họ tốt hơn. (16-03-14)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hội đồng thành phố San Jose tối ngày 20.11.2007 đã biểu quyết thông qua việc đặt tên cho một khu phố
Tập Hợp Thanh Niên Dân chủ (THTNDC), tập hợp những thanh niên có mong muốn góp sức xây dựng một Việt Nam dân chủ và giàu mạnh
Cũng là trò, là thầy - cô cả, song ở giai đoạn tôi học, nó khác! Tất nhiên so với thời kỳ kết thúc chiến tranh tôi tận mắt chứng kiến cảnh thầy trò ở Miền Nam
Khi một biến cố xảy ra mà ngần ấy phe đều thấy mình đúng - và đối phương sai lầm -  người ta tất nhiên phải phân vân về lẽ đúng sai.
Nếu muốn nói về sức mạnh và hiệu quả đấu tranh dân chủ, làm tan băng chánh trị VN, làm sáng sủa con đường đi tới cũng như lẽ đúng sai
Việt Nam đã và đang làm hết sức để cải tiến quan hệ với Hoa Kỳ. Nhưng chỉ mới tám tháng trước
Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam 2007 (DLNQ), đã thông qua Hạ Viện ngày 18/9/2007 với đa số áp đảo 414/3, tố cáo mạnh mẽ CSVN đã vi phạm nhân quyền
Hai cuộc thử nghiệm  lòng  dân cùng xẩy ra một ngày, ở hai lục địa khác nhau nhưng có cùng một bài học về dân chủ  cho đảng Cộng sản Việt Nam.
Trên các báo mạng ra ngày 27-11-2007, và cả báo truyền khẩu quán cóc vỉa hè, xe ôm, hớt tóc dạo... tất cả đều luân lưu những bản tin
Hội Đồng Giám Sát Quận Cam đã vinh danh ông Nguyễn Nam Lộc vì đã hoạt động liên tục 32 năm qua
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.