Hôm nay,  

Khu vực Năng lượng của Liên bang Nga

13/03/201400:00:00(Xem: 8689)
...năng lượng trở thành võ khí cho ba mục tiêu an ninh, chính trị và kinh tế...

Khi thế giới nói đến một hậu quả của vụ khủng hoảng Ukraine là thị trường năng lượng Nga, người ta dự đoán là nhiều nước có thể giúp Ukraine mà đánh vào túi tiền dầu khí của nước Nga. Vì ly do đó, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về khu vực năng lượng này của Liên bang Nga.

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Trong vụ khủng hoảng tại Ukraine đang xảy ra, có một yếu tố kinh tế chính trị được nhiều người nhắc tới, là năng lượng. Một đàng thì Liên bang Nga dùng lợi thế năng lượng để khống chế Ukraine và chi phối các nước, trước tiên là khối Liên Âu. Đàng kia thì Hoa Kỳ cũng có thể dùng năng lượng để yểm trợ Âu Châu và Ukraine trước sức ép của Nga và còn có thể làm giảm giá năng lượng để tấn công ưu thế tài chính của Nga. Vì vậy, kỳ này, Diễn đàn Kinh tế xin đề nghị ông trình bày cho vai trò năng lượng của nước Nga để thính giả của chúng ta hiểu ra những khúc mắc kinh tế và chính trị trong một vụ khủng hoảng quốc tế.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng, khái quát về nước Nga thì ta nên nhớ vài ba chi tiết này.

- Nga có địa dư trống trải, khó phòng vệ bên cạnh các đế quốc hay cường quốc khác, với nhiều vùng đất quá lạnh của Bắc bán cầu, mà bên trong lãnh thổ lại có nhiều sắc tộc dù sống chung lại không cùng chung một ý thức dân tộc. Với 17 triệu cây số vuông, lãnh thổ Nga rộng nhất thế giới, có trữ lượng tài nguyên kiểm chứng được rất cao, số một về khí đốt, số hai về than đá, số ba về uranium, số tám về dầu thô với sản lượng ngang bằng Saudi Arabia.

- Do địa dư hình thể và tài nguyên có hai mặt lợi và hại như vậy, nhu cầu tồn tại và phòng thủ là định luật ngàn đời của nhiều chế độ nối tiếp, từ thời các Sa hoàng đến Liên bang Xô viết, và gần đây hơn là Liên bang Nga. Định luật ấy đòi hỏi là phải kiểm soát được xã hội dưới sự cai trị của một trung ương cực mạnh, có độc tài thì dân cũng đành chịu. Thứ hai là bành trướng ảnh hưởng ra ngoài để xây dựng nhiều vùng trái độn chống lại các lân bang. Và thứ ba là tận dụng tài nguyên để vừa làm giàu cho mình vừa chi phối các nước khác, cũng trong mục tiêu bành trướng để tự vệ. Trong số tài nguyên này, với đà phát triển của công nghiệp toàn cầu của thế kỷ 20, năng lượng trở thành võ khí cho ba mục tiêu an ninh, chính trị và kinh tế, mà an ninh mới là chính.

Vũ Hoàng: Qua phần tóm tắt này, chúng ta thấy ra nhiều vấn đề, trong đó mới có vai trò của khu vực năng lượng. Bây giờ ta sẽ nói về năng lượng của Nga.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Không nói về thời Đế quốc Nga thì từ đầu thế kỷ 20, người Bôn sơ vích đã lấy khu vực năng lượng làm bàn đạp và lực lượng lao động làm sức đẩy để lật đổ chế độ quân chủ và cướp chính quyền rồi mới chỉ có chiến lược năng lượng hiện đại kể từ sau Thế chiến II. Liên Xô khi ấy đã có thể bán dầu bằng nửa giá quốc tế cho các nước trong khối Xô viết và dùng năng lượng rẻ khuynh đảo các chế độ dân chủ Tây Âu và gây chia rẽ trong khối Tây phương.

- Chiến lược đó đạt kết quả chính trị mà bị hậu quả tài chính là vào ít tiền và trình độ công nghệ thấp khiến khu vực năng lượng tụt hậu. Khi vụ khủng hoảng dầu khí bùng nổ từ Trung Đông làm giá dầu tăng vọt từ năm 1972, Liên Xô do dự giữa mục tiêu bán dầu rẻ cho các chư hầu để giữ họ trong quỹ đạo Xô viết, hay cũng nâng giá dầu theo thiên hạ để tăng thu và sau cùng thì tăng giá từ năm 1975 nhờ đó mà đem về phân nửa số ngoại tệ.

- Nhưng chuyện ấy không bền khi giá dầu bị sụt 10 năm sau và chế độ tập trung quản lý gây di hại là Liên Xô tụt hậu về công nghiệp, nông nghiệp và kỹ thuật khai thác năng lượng. Bài toán đặt ra cho lãnh đạo là nên lại ăn cắp công nghệ hay mở ra hợp tác với Tây phương. Hai lãnh tụ sau cùng là Yuri Andropov và Mikhail Gorbachev chọn chiến lược hợp tác qua một số cải cách, mà không kịp và Liên Xô tan rã, sau đó là giai đoạn 10 năm khủng hoảng của Liên bang Nga.

Vũ Hoàng: Nghĩa là cho đến năm 1999 là khi ông Vladimir Putin lên cầm quyền, ông ta cải tiến khu vực năng lượng như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ông Putin là sĩ quan tình báo KGB, đã phục vụ tại Đông Đức nhiều năm nên ý thức được sự thua kém của nước Nga, có tài nguyên năng lượng mà bị tham nhũng đục khoét. Nhưng ưu tiên khi đó là chấn chỉnh nội tình và tập trung lại quyền lực. Năng lượng vẫn được coi trọng mà thời đó bị tan loãng trong tay các tài phiệt hay doanh nghiệp quốc tế được vào làm ăn từ thời Gorbachev và Boris Yeltsin. Vì vậy, việc chấn chỉnh khu vực này nằm trong yêu cầu tập trung quyền lực về trung ương và chỉ khởi sự từ năm 2003 trở về sau.

Vũ Hoàng: - Thưa ông, chiến lược năng lượng mà ông Putin thực hiện từ 2003 gồm những gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Yêu cầu tập trung quyền lực gồm hai hướng. Thứ nhất là loại bỏ vị trí của các tập đoàn quốc tế, thứ hai là thanh trừng các tài phiệt là đại gia về dầu khí để chỉ lưu dung hay bổ nhiệm những kẻ thân tín. Ai có ý đồ tranh cử hay tranh quyền thì không vào tù cũng phải bỏ của chạy lấy người. Kế tiếp mới là dùng quyền lợi trong khu vực để tranh thủ hậu thuẫn chính trị nội bộ, qua hai ngả là dầu thô và khí đốt, trao cho hai phe lợi ích khác nhau.

- Khi tạm thâu quyền hành, Chính quyền Putin dùng các tập đoàn dầu khí quốc doanh vào hai việc là chi phối các nước mua hàng dưới hạ nguồn và đàm phán với Âu Châu. Việc chi phối có thể là bán rẻ, bán đắt hoặc cúp dầu, khóa ống dẫn khí. Việc đấu trí với Âu Châu là thỏa thuận về điều kiện mua bán và gây vấn đề cho Âu Châu khiến họ muốn tìm nguồn khác.

- Chi tiết thứ ba cũng đáng chú ý là khi ông Putin cầm quyền giữa năm 1999 thì dầu thô sụt giá tới mức 17 đô la một thùng và qua năm 2008 lên tới 140 đồng, rồi sụt dưới 90 đồng. Vì Nga và Âu Châu giàng giá khí đốt vào giá dầu, nên giá khí đốt đắt hơn giá trung bình nơi khác. Khi năng lượng lên giá thì Nga có lời lớn, nhưng nếu sụt dưới 90 đồng là kinh tế trì trệ và ngân sách bị hao hụt, là chuyện xảy ra năm 2008-2009 sau khi thế giới bị Tổng suy trầm. Vì vậy, từ năm 2012, ông Putin lại chuẩn bị những thay đổi mới, đang được áp dụng.

Vũ Hoàng: Thưa ông, theo dõi diễn tiến về chính sách năng lượng của Nga, ta nghiệm thấy ba yêu cầu là chính trị nội bộ, an ninh đối ngoại và lợi ích kinh tế của dầu khí. Mà lợi ích đó lại tùy vào giá dầu trên thị trường quốc tế, là điều nằm ngoài khả năng tác động của ông Putin. Khi đưa ra kế hoạch cải cách năm 2012 vừa rồi, ông Putin giải quyết các bài toán đó như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Năm 2012, ông Putin lập ra Ủy ban Nghiên cứu về Chiến lược Năng lượng và An ninh Môi trường. Cơ quan rất lạ này kết hợp các lãnh tụ công nghiệp và chính trị để tìm giải pháp theo cái hướng nâng cao lợi ích tài chính của dầu khí. Lợi ích đó đến từ hai chuyện, thứ nhất là tiền thu được từ các tập đoàn dầu khí, như Gasprom là số một về khí đốt và Rosneft là số một về dầu thô; chuyện thứ hai là giá dầu quốc tế. Chính quyền Putin đã quen và vẫn tin vào trào lưu năng lượng cao giá, và trù tính là dầu thô vẫn ở khoảng 117 đồng một thùng và khí đốt bán cho Âu Châu là 400 đô la một ngàn thước khối. Ta có quyền ngờ là Nga vẫn muốn thế giới bị loạn, như tại Trung Đông vì chuyện Syria hay Iran, để giá dầu khỏi sụt, dưới mức 90 đồng là họ gặp khó khăn. Chuyện bên trong mới là quy luật "cái khó nó bó cái khôn" vì nếu muốn tăng thu về năng lượng qua thuế suất đánh trên các tập đoàn quốc doanh thì sẽ gây vấn đề.

- Các tập đoàn này là thế lực chính trị trước khi là tài chính, thứ hai, vì được bảo vệ với quá nhiều đặc lợi, họ không cải tiến hiệu năng, gây ra tham ô mà vẫn tụt hậu về công nghệ. Nay phải nộp nhiều hơn cho ngân sách thì ai cũng ngại, chưa kể là lại thiếu tiền đầu tư cho dự án khuếch trương. Chi tiết ấy đáng chú ý vì trong các nước dân chủ, tổ hợp năng lượng thật ra không có thế lực để làm ra chính sách nên phải xoay trở với chính sách công quyền khi làm ăn và cạnh tranh với nhau, mà họ vẫn thuộc vào hạng tiên tiến về quản lý và công nghệ.

Vũ Hoàng: Ông có nói các tập đoàn năng lượng Nga thật ra cũng là thế lực chính trị, thưa ông, xin hỏi ngay là họ thuộc về các nhóm nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi tránh đi vào chi tiết vì thời lượng của chúng ta có hạn, nhưng người ta phân biệt hai nhóm là "siloviki" và "civiliki". "Siloviki" có nghĩa là "người hùng", và gồm phe an ninh và quân đội với chủ trương duy trì sức mạnh quốc gia. "Civiliki" là dân sự, quy tụ giới chuyên gia và chính trị muốn canh tân xứ sở. Cả hai đều sống chung mà ganh đua với nhau để củng cố quyền lực của ông Putin, vốn là một tay siloviki được phe này đưa lên từ thời Yeltsin. Trong hai nhóm, phe an ninh và quân sự có thế lực hơn lại được Putin trao cho việc quản lý tập đoàn Rosneft, vốn dĩ nhỏ yếu hơn tập đoàn độc quyền Gasprom, được đưa cho phe dân sự. Qua chuyện đó, ta thấy ông Putin muốn cân bằng lực lượng giữa hai thế lực chính trị ở dưới tay. Bây giờ ta bước qua chuyện hiện tại của trò "gậy ông đập lưng ông".

- Gasprom giữ thế gần độc quyền về sản xuất và độc quyền về xuất khẩu, chủ yếu cho Âu Châu, với nhiệm vụ quản lý khí đốt bên trong và chi phối chính trị bên ngoài. Thế độc quyền ấy gây phản ứng từ các doanh nghiệp khác của Nga và dẫn tới tham nhũng, quản trị kém mà lại làm Âu Châu khó chịu nên đòi bàn lại. Việc giảm giá qua hợp đồng dài hạn cũng không thỏa mãn Châu Âu và càng làm họ muốn tìm nguồn cung cấp điền thế trong khi nội bộ nước Nga cũng có bất mãn. Bây giờ, khi vụ Ukraine bùng nổ thì hôm 11 vừa qua, Hội đồng Liên Âu ngưng đàm phán với Gasprom về các dự án mua thêm khí đốt đang được trù tính.

- Rosneft thì yếu thế hơn Gasprom vì chỉ kiểm soát một phần khu vực dầu hỏa và 5% số khí đốt nên đang muốn bành trướng, kể cả qua hợp tác và liên doanh với các tập đoàn Âu Châu. Qua hướng này thì các tổ hợp dầu khí Tây phương như BP của Anh sẽ hiện đại hóa công nghệ dầu hỏa của Nga nhưng cũng lại giúp Tây phương có chân đứng trong khu vực năng lượng của Nga, là điều ông Putin muốn đẩy ra từ 10 năm trước.

Vũ Hoàng: Thành thử, thưa ông, có phải rằng võ khí năng lượng của Nga chưa thật là toàn năng mà khu vực này còn có nhiều nhược điểm khác nữa?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là ông Putin ý thức được vấn đề của khu vực năng lượng mà rơi vào một mâu thuẫn căn bản là dầu khí xuất khẩu có thể là võ khí nhưng cũng là nguồn thu. Nếu muốn dùng võ khí qua giá cả hay khóa mở ống dẫn để gây sức ép thì lại kẹt về số thu.

- Trong khi ấy, như người ta thường nói, Nga chỉ là một xứ Saudi dầu hỏa mà có võ khí nguyên tử. Với tôi thì đấy là một xứ chậm tiến xuất khẩu nguyên nhiên liệu mà lại muốn làm côn đồ. Vụ Ukraine giúp các nước thấy ra bản chất chế độ và sẽ phải giải quyết yêu cầu dầu khí bằng cách khác, là điều Hoa Kỳ đang trù tính. Khi tình hình trở thành gay go hơn và Hoa Kỳ xả dầu cùng khí lỏng ra thị trường thì quyền lợi của các nhóm thế lực của Putin bị thiệt hại, và họ coi đó là một thất bại của ông Putin. Tức là hậu thuẫn của ông ta bị rạn nứt. Đấy mới là hậu quả bất lường của canh bạc Ukraine. Trong trường kỳ thì nước Nga phải tính lại chiến lược năng lượng của họ.

Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông Nghĩa về cuộc trao đổi lý thú này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.