Hôm nay,  

Phiếm Luận Xã Hội: Thực Tế, Thực Dụng

08/03/201400:00:00(Xem: 7092)
Kể từ khi theo tiếng chim gọi đàn tìm về tổ ấm Houston tham dự đại hội „Cường Để -Nữ Trung Học“ thường tổ chức vào hạ tuần tháng sáu, lần đầu tiên vào năm 2004, tôi nói riêng liên hệ lại được với một số bạn bè cũ mất liên lạc từ 40 năm qua, cũng như hân hạnh quen biết thêm nhiều anh chị em đồng môn đã từng theo học trường Cường Để và vài bông hồng biết nói của Nữ Trung Học Qui Nhơn đang định cư tại Âu Châu. Xa hơn nữa, qua sự ủy nhiệm của anh chị em bên Houston nhờ phụ giúp chuyển đến tay đồng môn nam nữ Đặc San của hai trường hay DVD ghi lại những hình ảnh của Đại Hội mỗi khi „được anh chị em bên Houton chiếu cố đến“ nên thỉnh thoảng tôi có dịp trò chuyện qua điện thoại với thầy cô, anh chị em ở Âu Châu thăm hỏi có nhận sách, DVD do tôi gởi chưa, v.v…Và trong số anh chị em nói trên, có thể nói bên phái nam thì tôi liên hệ nhiều nhất với K, anh Ph, anh C., còn phái nữ thì có BL, CH.

Lúc đầu còn xa lạ nên hầu như ai cũng giữ kẽ hết, chỉ thăm hỏi sức khoẻ, nói chuyện trên trời dưới đất, vô thưởng vô phạt. Có lần phôn thăm K, anh chàng ta vì khá thân nên sau khi khám phá, nhận xét sao đó qua một số bài viết buộc miệng nói:

- Mà Châu nè, nói mày đừng buồn nha, dân Cường Để (CĐ) mày bị nói là „cù lần“ cũng đúng thôi!

Tôi hơi chới với nhưng nghĩ thầm, có lẽ bạn mình nói đúng đó. Dầu vậy vẫn hỏi lại K:

- K dựa vào đâu mà nói tỉnh bơ như thế, không sợ đụng chạm ư ?

K liền trả lời, dĩ nhiên ai nghe thế thì buồn đó nhưng sự thật là vậy. Đây nè, tao giải thích cho mày nghe lý do:

* Thứ nhất: Đa số tụi bây (nói với tôi!) dân CĐ chỉ biết lo học, đâu biết ăn chơi là cái quái gì đâu! Gặp mấy “bông hồng xinh xắn“ của xứ QuiNhơn là tụi mày run, là đỏ mặt nên câm như hến, chẳng biết tán hưu tán vượn gì cả … Còn tụi tao (vì K học Bồ Đề, chỉ học năm cuối Đệ Nhất ở CĐ) dân học trường tư bay bướm hơn nhiều, không thích học thì cúp cua lẽo đẽo đi theo tán mấy em nào thấy xinh đẹp và có duyên, hay tình tứ hơn hẹn “em” đi dạo mát ở bải biển hoặc đi chơi đâu đó vì … dân học trường tư đâu bị thầy cô kiểm soát chặt chẽ như dân CĐ. Tụi bay chỉ lo học nên chuyện dân CĐ thi đậu chiếm kỷ lục ở QuiNhơn/Bình Định cũng dễ hiểu thôi! Nói xong qua phôn K còn cười chọc quê nữa mới tức trào máu chứ nhưng nghĩ lại mình lúc thiếu thời… đành phải xuống giọng: vâng, có lẽ mày nói cũng đúng đó K!

Được lời như cởi tấm lòng, K nói tiếp:

* Thứ hai: Ngon hơn nữa là thành phần biết đàn biết hát hay nói chung biết văn nghệ văn gừng thì hết chê. Mấy anh nào thuộc thành phần này thì dễ kiếm đào hay dễ làm quen với người đẹp lắm, lý do dễ hiểu là phái nữ tình cảm và lãng mạn nên thích nghe đàn hát, nhất là mấy bản nhạc mang âm hưởng tình yêu. Chi chứ chuyện này tao rành sáu câu lắm Châu!

Biết K từng là ca sĩ nổi danh tại QuiNhơn vào giữa thập niên 70 nên tôi liền nói: “tao nghĩ mày có lý, một phần vì mày là người trong cuộc, mặt khác mày biết đờn ca nên khi lên sân khấu trình diễn, hình ảnh đó rất dễ đập vào mắt mấy người bạn khác phái …”, nhưng K có thể kể cho nghe vài trường hợp?

Chắc được gãi đúng chỗ ngứa, K nhà ta bèn kể một loạt chuyện ngày xưa, nhắc đến tên một số bạn trai ngày nào bay bướm, có thể nói muốn quen cô nào cũng dễ nhờ có tài văn nghệ; kể đến tên những người đẹp mà “ca sĩ Đ. K.” từng gặp ngày xưa, những người mà tôi có nghe biết nhưng thú thật chỉ dám nhìn từ xa hay thầm khen mỗi lần tình cờ gặp khi đi ngược đường sau những buổi tan học. Biết mình “cù lần”, đúng như K nói nên tôi chẳng phân bua gì cả và cuối cùng chỉ biết cám ơn là K đã “lên lớp” với dân CĐ chính cống như tôi, trước khi cúp phôn hẹn vào dịp khác trò chuyện tiếp.

Chưa hết, tưởng bị bạn trai mình chê cũng chấp nhận đi. Đàng này có lần phôn thăm BL, vui miệng nói BL biết không, K nó chê dân CĐ đa số nhát gái, cù lần lắm, cũng không sai nếu xét lại mình. Thế là được nghe cô nàng “phang thêm” cho một màn nữa, tôi cảm thấy chới với, buồn 5 phút! Vì quen khá thân rồi nên BL đệm thêm một câu: K nói chẳng sai lắm đâu anh Châu. Nhưng đó mới chỉ là một khía cạnh thôi, còn khía cạnh khác quan trọng hơn theo nhận xét riêng của BL.

Tôi hỏi ngay, khía cạnh nào vậy, BL có thể cho biết?

- Thực tế?

- Cái gì mà có chuyện thực tế hay không thực tế trong này, trên lãnh vực nôm na gọi là “yêu đương” đi, tôi hỏi.

Thế là BL nói một hơi … nè, để BL giải thích sơ cho anh biết:

- Đồng ý, các anh CĐ nào thời đó học đệ nhất thì le thật, số một tại tỉnh nhà đó nhưng cũng chỉ trong giới học sinh thôi. Đối với đời sống ngoài xã hội, các anh vẫn là con số không to tướng! Tại vì các anh vẫn còn cặp sách đến trường nên so với mấy anh chàng học sư phạm Qui Nhơn chẳng hạn, mấy anh sĩ quan hay những ai đã có nghề nghiệp các anh… thua họ xa!

Tôi liền ngắt lời BL, thôi tôi hiểu rồi, mấy cô nữ sinh lúc đó so sánh giữa học sinh còn cặp sách đến trường với “nhiều người khác” nên chọn những ai ít ra cũng có hay sắp có cái gì trong tay để bảo đảm tương lai phải không? Hèn gì thời đó tôi tự hỏi (nhưng chưa rõ lý do) khi thấy mấy anh chàng sư phạm từ đâu đến “chớp hầu hết” mấy nữ sinh xinh xắn, hẹn hò dạo biển hóng mát hay ra phố Gia Long tà tà bên người đẹp thả bộ lui tới; chưa kể đến chuyện mấy anh sĩ quan quân phục chỉnh tề hay mấy ông thầy còn rất trẻ được “vài cô” chiếu cố hay ngược lại … mà bây giờ sau 40 năm tôi mới được nghe sự thật phủ phàng! 

Nghe xong, BL nói ngay: đúng như anh vừa nghĩ. Thực tế cuộc đời đôi khi là vậy đó anh Châu. Đồng ý có những cuộc tình rất đẹp, rất thơ mộng nhưng cũng có những cuộc tình khá éo le và đầy ngang trái. BL dẫn chứng cho anh biết nha. Bạn gái BL lắm người xinh đẹp, con nhà giàu có.

Có bạn thương yêu anh chàng nọ nhưng anh ta nhà nghèo, công chưa thành danh chưa toại nên gia đình cô ta đâu chịu, thế là tan vỡ. Nàng lên xe hoa với nỗi lòng khó diễn tả, còn chàng thì buồn rầu bỏ việc bút nghiêng theo nghiệp lính, chỉ vì cái tội nhà nghèo, một “thực tế” khó tránh khỏi trong đời sống. Rồi BL còn nói, bây giờ anh hiểu tại sao các anh "dầu số một tại Qui Nhơn" nhưng vẫn bị “phái nữ” người ta cho ra rìa và tại sao mấy “cô gái đẹp xứ ta” bị mấy ông từ đâu tới rước đi hết rồi chứ gì ?

Liên tiếp bị hai người bạn, trước đây là K giờ thêm một nữ trung học “lên lớp” giải thích sự đời làm tôi ú ớ và chẳng biết nói gì hơn là im lặng suy ngẫm. Như được dịp, BL lại nói thêm cho tôi biết, xưa là vậy đó anh Châu, sống đôi khi phải thực tế và bây giờ ở Việt Nam, sau 1975 mấy cô thiếu nữ không như trong khoảng thời gian cách đây 5-10 năm nữa, không dễ bị gạt vì lúc nầy mấy cô rất “thực dụng”.

Tôi ngắt lời BL, cái gì, tại sao nói “thực dụng” ?

BL liền giải thích, thì đó là danh từ mới bây giờ, họ nói thực dụng thay vì thực tế. Nói thêm cho anh hay, BL tình cờ gặp một cô sinh viên còn trẻ lắm sang đây du học và đã có dịp trò chuyện trên xe buýt. Cô này cho biết ở VN bây giờ người ta rành lắm chuyện mấy “Việt Kiều” về du lịch, khó mà gạt họ được như trong thập niên trước đây. Ai mà lúc nầy đi về VN du lịch đều đều là họ biết không có công ăn việc làm hay “có vấn đề trên lãnh vực tình yêu” ngay và khi gặp mấy anh chàng này là mấy cô liền hỏi: anh ở bên đó bao lâu rồi, làm nghề gì bên nớ, lương bao nhiêu?.

Nghe xong chưa tin như xưa mà còn nhờ bạn bè, bà con xét lại có đúng thế không hay ba xạo có chủ đích. Mà không phải chỉ đối với Việt kiều đâu, ngay cả bạn trai tại quê hương cũng không tránh khỏi những câu hỏi tương tự. “Thực dụng” mà anh. Người ta “thực dụng” lắm, ai cũng muốn có nơi nương tựa vững vàng, muốn không bị gò bó vì tài chánh, v.v… nên chuyện mấy Việt kiều cương bậy như xưa bảo tui là “ông này hay ông kia” khó qua mặt họ, hết “ăn khách” rồi!

À té ra là thế. Nhưng mà BL nè, bên nhà “thực dụng” như vậy sao nghe mấy ông xồn xồn bên ni về bên nớ là có đào nhí lia chia, dễ kiếm lắm, tại sao vậy?

BL cười chọc quê (qua phôn), đúng là anh chưa về du lịch VN nên nhà quê thật. Có gì lạ đâu. Ở VN giờ giàu thì giàu kinh khủng mà nghèo thì cũng “nghèo mạt rệp” luôn nên sinh ra đủ chuyện. Chắc anh nghe vụ "bia ôm" rồi chứ.

Vâng, tôi có nghe bạn bè kể lại và cũng đã đọc vài bài báo viết về vụ này. Chỉ ghi nhận điều là mấy ông bên này “kiểu áo gấm về làng” trong túi có chút ít đô-la để dành lâu nay về tha hồ mà xài, đúng không?, tôi hỏi.

BL trả lời là những chuyện trên phản ảnh phần nào đời sống ở VN hiện nay. Người ta ăn chơi dữ lắm anh, không phải chỉ lo kéo cày như chúng ta bên này đâu, chỉ biết cắm đầu lo làm ăn trả nợ nên ít có thời giờ để “hưởng thụ”. Nhiều cô, bà góa chồng… thích vui sẵn cơ hội mấy Việt kiều về thì “dzui quá trớn thêm tí thôi” !".

Nhưng anh Châu ơi, coi vậy chứ không phải vậy đâu anh. Mấy cô, mấy bà ở quê mình thời buổi này ghê lắm, khôn lắm đó, phụ nữ ở ngoài có lẽ thua xa. Họ tìm cách chìu chuộng mấy ông bên này về, nhất là nếu biết mấy ông nào có thớ thật, thêm ăn nói ngọt như mật nên làm nhiều ông Việt kiều chết người. Thế là có ông chết mê chết mệt, về lại nước ngoài thời gian ngắn sau thì tìm cách về thăm “quê hương”. Sau vài lần “về VN ăn hàng, tắm ao ta và tha hồ hít thở không khí quê nhà” xong, trở lại nước định cư làm đơn ly dị vợ và rồi làm thủ tục hay giấy tờ bảo lãnh rước mấy cô qua. Và anh biết sao không, một thời gian sau, khi đủ lông đủ cánh rồi là nhiều cô trẻ trẻ này cho mấy “ông già” kia ra rìa ngay. Thế là đường ai nấy đi.

Thực dụng là vậy đó anh, được áp dụng tối đa như kiểu mình hay nói dùng “phương tiện để đạt được cứu cánh” đó mà. Nói cho đúng, có lẽ đa số chỉ muốn khai thác cơ hội nắm được hầu tìm cách rời khỏi VN, sau đó hẳn tính…

Lâu lắm, mặc dầu nói chuyện với nhau nhiều lần rồi nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi đi xa hơn tí, tán dóc bàn chuyện đời, chuyện xã hội nhưng vì thời giờ không cho phép nên chúng tôi ngưng, tạm gác lại cuộc nói chuyện sau khi tôi cám ơn BL đã lên chức giảng dạy cho tôi một khía cạnh khác của xã hội VN hiện tại.

Nay tôi xin tóm lược, ghi vội lại vô trật tự những ý nghĩ rời sau lần nói chuyện với K và BL, không ngoài mục đích “cảnh giác” anh em đồng môn (mặc dầu nhiều anh em chắc chắn rành hơn tôi về chuyện VN hiện nay!) qua đó thận trọng hơn nếu có dịp tiếp xúc với những người “khác phái không quen biết ở VN hay từ đó ra” nước ngoài.

Là bài phiếm luận và cho dù phản ảnh phần nào sự thật tình trạng xã hội của VN dưới chế độ mới hiện nay nhưng e rằng không tránh khỏi vài sơ sót hay đụng chạm ngoài ý muốn nên chỉ hy vọng một điều là anh chị em hoan hỉ cho. Mong rằng anh chị em đồng môn có được vài giây phút “thầm cười” và đặc biệt, anh em nào cũng cở tuổi xế chiều như tôi khi đã hiểu được thế nào là “thực tế” dưới xã hội VN trước 30 tháng tư năm 1975 và “thực dụng” dưới xã hội chủ nghĩa ngày nay (sau 30-04-1975) thì lại càng lưu ý hơn hầu tránh khỏi những bất ngờ có thể xảy ra, dầu không … muốn nhưng trót lỡ dại … vì cái “nam tính trời cho” (mà không phải tất cả đàn ông ai cũng có) vốn ham thích … “ăn quà”!

* © Lê Ngọc Châu (Đức quốc, 31-03-2008)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Các tổ chức như Hội Hồng Thập Tự, Hội Hướng Đạo hay các Hội Từ Thiện của các tôn giáo…, thì xưa nay ở nước nào cũng có và họ được tự do họat động để góp phần xây dựng xã hội
Nếu chọn mốc thời gian đánh dấu cho việc Nga-Hoa trở lại hợp tác chiến lược sau Chiến Tranh Lạnh thì đó là cuộc chiến Kosovo, khi máy bay Hoa Kỳ vô tình (hay cố ý) thảy một quả bom đánh xập Đại Sứ Quán Trung Quốc
Việc giam giữ hoàn toàn phi lý và phi pháp này không chỉ là hành vi chà đạp nhân quyền trầm trọng mà còn chà đạp cả chính bộ mặt pháp quyền giả tạo của chế độ. Đây mới là thực tế tình trạng nhân quyền tại Việt Nam...
...đứng giữa phiên toà đại hình của thực dân Pháp trong vụ xử con trai Lương Ngọc Quyến. Thay vì khuyên răn con như đã được phủ dụ, người mẹ quay lại hỏi quan tòa: “Con tôi theo đuổi mục đích cứu nước là hợp đạo lý của gia đình và của đất nước chúng tôi, sao lại gọi là phản loạn?”
Cuộc cướp chính quyền từ trong tay Nhật, Pháp không hề có, mà đơn giản chỉ là một cuộc lật đổ một chính quyền còn non trẻ của chính phủ Trần trọng Kim với những nhân vật tham gia nội các nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước
Paulo Freire sinh năm 1921 tại Brazil. Ông học Luật và Triết học, nhưng lại dấn thân vào công cuộc giáo dục đặc biệt cho giới tráng niên,
Kỳ II – Giáo Dục Giải Phóng Con Người: Nội dung & Ảnh hưởng
Trưa Thứ Năm mùng sáu, Tổng thống Barack Obama xuất hiện trước báo chí để công bố quyết định trừng phạt Liên bang Nga qua một Sắc lệnh Hành pháp.
Sân trường ngập nắng vàng. Học sinh tứ phía đang vui vẻ về trường, bóng họ lung linh cùng bóng nắng và tiếng chuyện trò líu lo
Đầu tuần này, ngày 5 tháng 3, 2014, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon thăm viếng Cộng Hòa Sierra Leone
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.