Hôm nay,  

Khủng khoảng Ukraine: Căng thẳng giữa Mỹ, Liên Âu Với Nga

07/03/201400:00:00(Xem: 11408)
Hôm 28/2 Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng cảnh báo nếu Nga can thiệp quân sự vào Ukraine thì sẽ phải “trả giá” cho hành động đó.

Từ khi có khủng hoảng chính trị ở Ukraine, ông Obama chủ trương không can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác. Trước những cuộc xuống đường ở thủ đô Kiev trong ba tháng qua, ông Obama không có phát biểu gì để ủng hộ. Cho đến khi có tin binh lính Nga đã tiến vào vùng Crimea ở miền đông Ukraine. Khi đó ông Obama mới đưa ra lời cảnh báo trong cuộc họp báo bất ngờ tại Bạch Ốc vào thứ Sáu tuần qua.

Cùng lúc, đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp quốc nói lính Nga đã bao vây phi trường ở Crimea và vị đại diện ngoại giao yêu cầu đưa vấn đề ra thảo luận trước Hội đồng Bảo an. Crimea nằm ở phía đông Ukraine, sát biên giới Nga là nơi có đa số dân gốc Nga và là khu vực ủng hộ mạnh tổng thống thân Nga mới bị truất nhiệm Viktor Yanukovych.

Một ngày sau cảnh báo của Tổng thống Obama, hôm thứ Bảy 1/3 Thượng viện Nga đồng thanh chấp thuận đề nghị của Tổng thống Vladimir Putin đem quân vào Ukraine.

Tình hình Ukraine trở nên căng thẳng từ ngày 18/2, sau khi cảnh sát và an ninh bắn chết khoảng 80 người biểu tình ở Quảng trường Độc lập. Cuộc khủng hoảng chính trị gia tăng khi quốc hội, với đa số dân cử tuy cùng đảng với Tổng thống Yanukovych cũng đồng ý bỏ phiếu truất nhiệm ông và chỉ định ông Oleksandr Turchynov làm tổng thống lâm thời cho đến khi có bầu cử mới vào ngày 25/5 tới đây.

Sáng Chủ Nhật 23/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice có mặt trong chương trình Meet the Press của đài NBC phát biểu ủng hộ những người biểu tình ở Quảng trường Độc Lập, thủ đô Kiev: “Hoa Kỳ đứng về phía nhân dân Ukraine”. Bà kêu gọi có những thay đổi hiến pháp và tổ chức bầu cử dân chủ trong thời hạn sớm nhất. Bà Rice nói sẽ là một “lỗi lầm nghiêm trọng” nếu Ukraine bị phân chia và Nga Sô can thiệp bằng quân sự.

Cùng lúc, trong chương trình Face the Nation của đài CBS, Thượng Nghị sĩ John McCain phát biểu: “Hãy để cho người dân Ukraine quyết định tương lai của chính họ”. Ông cũng nói phân chia Ukraine là điều không thể chấp nhận được. Hoa Kỳ sẽ viện trợ kinh tế giúp quốc gia này, theo lời ông McCain.

Trung tuần tháng 12/2013, Thượng Nghị sĩ John McCain của Đảng Cộng hoà và Thượng Nghị sĩ Chris Murphy của Đảng Dân chủ là hai thành viên cao cấp của ủy ban ngoại giao đã đi thăm Kiev và có mặt tại Quảng trường Độc lập để gặp gỡ người biểu tình. Ông McCain cũng đã gặp con gái của bà Yulia Tymoshenko, cựu thủ tướng lúc đó đang bị giam tù. Bà mới được trả tự do hai tuần trước.

Sau khi quốc hội truất quyền Tổng thống Viktor Yanukovich, Nga cho tập diễn quân sự với 100 nghìn quân sát biên giới với Ukraine.

Trước những chuyển biến đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lại một lần nữa cảnh báo Nga Sô không nên can thiệp quân sự vào Ukraine. Điện đàm với ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ông Kerry đã nói đó sẽ là một “lỗi lầm rất nghiêm trọng” nếu Nga đem quân vào can thiệp.

Sau nhiều ngày ẩn cư, ông Yanukovych đã sang Nga. Trong cuộc họp báo đầu tiên trên đất Nga hôm 28/2, ông vẫn coi mình còn là tổng thống Ukraine và nói ông rời nước vì an ninh bản thân và gia đình. Không lâu sau cuộc họp báo có thông tin binh lính Nga không mang phù hiệu đã vào vùng Crimea.

Quốc hội Nga đã chuẩn thuận cho can thiệp quân sự, nếu Nga đem quân vào Ukraine thì đây có sẽ là cuộc chiếm đóng kéo dài như ở Afghanistan, nơi Nga và Hoa Kỳ đã đối đầu nhau trong suốt thập niên 1980, thời còn Chiến tranh Lạnh?

Những động thái của Nga trong tuần qua đã khiến Hoa Kỳ và khối Liên Âu lên tiếng phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Nga rút lui binh lính và tìm một giải pháp qua đường ngoại giao. Tuy nhiên, đến nay Tổng thống Putin vẫn không thừa nhận là binh lính Nga đã có mặt trong vùng Crimea.

Mỹ và các nước Anh, Pháp, Đức và khối NATO đến nay chưa có những giải pháp quân sự để đáp trả hành động của Nga ở Ukraine. Các cường quốc mới quyết định đình chỉ những phiên họp chuẩn bị cho Hội nghị G-8 của các đại cường, trong đó có Nga, dự trù diễn ra vào tháng Sáu tới tại Nga. Các biện pháp phong tỏa kinh tế và trừng phạt tài chánh đối với Nga đang được bàn thảo, tuy nhiên Tổng thống Putin không tỏ ra lùi bước và quan ngại vì bao vây kinh tế nước này cũng sẽ làm cho nhiều quốc gia trong Liên Âu bị ảnh hưởng, vì Nga là nguồn cung cấp nhiên liệu và có nhiều trao đổi thương mại với khối này.

Chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama là tránh đối đầu quân sự và muốn hoà hoãn với các nước, nếu Nga đưa quân vào Ukraine phản ứng của Hoa Kỳ sẽ không là biện pháp quân sự mà chỉ trừng phạt kinh tế thương mại, phong tỏa tài chánh như phản ứng của Tổng thống Carter trước việc Hồng quân Liên Xô xâm lăng Afghanistan cách đây 35 năm bằng cách cấm buôn bán và tẩy chay Olympics tổ chức tại Moscow 1980.

Khi ở thủ đô Kiev bùng lên biểu tình phản đối chính phủ, báo New York Times, Wall Street Journal và Washington Post đã có nhiều bài xã luận liên quan đến chính trị Ukraine. Suốt hai tuần qua các báo đều đưa tin trang nhất về những biến động tại đây.

BuiVanPhu_20140306_Ukraine_H01_WSJ0305
Trang nhất báo Wall Street Journal ngày 5/3/14 với tin về khủng hoảng Ukraine (ảnh Bùi Văn Phú)
Các quan điểm đưa ra đều không ủng hộ chính sách thân Nga của Tổng thống Yanukovych và vì ông còn đưa ra quốc hội, với đa số dân cử cùng đảng, để biểu quyết chấp thuận những luật nhằm củng cố quyền lực, giới hạn hoạt động dân chủ, trấn áp đối lập và có mục đích loại các bỏ đối thủ chính trị trong cuộc bầu cử năm tới.

Nhật báo tài chính Wall Street Journal trong bài phân tích hôm 19/1 đã đề nghị chính quyền của Tổng thống Barack Obama và các nước châu Âu phong tỏa tài khoản ngân hàng của những lãnh đạo Ukraine để tạo áp lực. Tuy nhiên đề nghị này không được thực hiện ngay và chỉ mới được các nước phương Tây bàn đến sau khi ông Yanukovych bị truất quyền và rời nước.

Liên Âu có thể sẽ áp dụng trừng phạt này với 18 lãnh đạo của Ukraine. Tổng thống Obama hôm 6/3 đã ký sắc lệnh phong toả tài chánh và không cấp thị thực vào Mỹ cho những người Ukraine và Nga đã tạo nên khủng hoảng ở Crimea, tuy nhiên những biện pháp đó không áp dụng cho Tổng thống Putin và quan chức cao cấp Nga.

Nhật báo Washington Post, thường phản ánh tầm nhìn của chính giới Mỹ, đưa quan điểm không ủng hộ một cuộc cách mạng nữa ở Ukraine vì sau Cách mạng Cam 2004 là xáo trộn chính trị, với những chính quyền không thể hiện ý dân và không thực thi dân chủ như mong ước của các nước Phương Tây.

Bài xã luận ngày 2/12/13 không tán đồng việc loại bỏ Tổng thống Yanukovych bằng các cuộc xuống đường hay qua phương cách ngoài khuôn khổ hiến pháp. Làm như thế sẽ tạo cớ cho Nga can thiệp, vì Tổng thống Vladimir Putin luôn nghi ngờ phía sau Cách mạng Cam và những cuộc biểu tình hiện nay ở Ukraine là có Phương Tây nhúng tay vào.

“Cách để Ukraine giải quyết những tranh luận về chiều hướng địa chính trị là qua bầu cử tự do. Những người đối lập nên bắt đầu chuẩn bị để tranh đua với ông Yanukovych và những người ủng hộ ông vào năm tới – và chính phủ các nước Phương Tây nên đưa ra mục tiêu là đảm bảo cho cuộc tranh đua đó được công bằng”. Báo này kết luận.

Sau khi ông Yanukovych không còn nắm quyền, tờ Washington Post kêu gọi thành lập một chính phủ đoàn kết bao gồm đại diện các phe nhóm thân và chống Nga. Bài xã luận hôm 24/2 có đoạn như sau:

“Để tránh những thảm họa, lãnh đạo mới của Ukraine cần áp dụng chính sách hòa giải với những bảo đảm cho người Ukraine nói tiếng Nga rằng họ sẽ không bị trả thù hay bị kỳ thị và nền dân chủ pháp trị sẽ được thi hành. Các thành viên trong đảng của ông Yanukovych phải có trong nội các mới và giới hạn những điều tra hình sự về chế độ cũ.”

Bài báo kêu gọi Ukraine cải cách chính sách để Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF có thể giúp đỡ tài chánh hầu khỏi bị suy sụp kinh tế và khuyến khích nước này kết thân với Liên Âu, tuy không cần trở thành thành viên, trong khi vẫn duy trì quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga.

Trước khả năng Nga có thể can thiệp quân sự, tờ Washington Post đề nghị: “Phương Tây cần nói rõ bất cứ sự can thiệp nào sẽ là thảm hoạ không chỉ cho Ukraine mà cho cả Nga nữa.”

Ukraine có một lịch sử đã bị nhiều đế quốc chiếm đóng trong thế kỷ 19. Đến thập niên 1940 bị sát nhập vào Liên bang Xô-viết cùng với Luthuania, Latvia, Estonia, Kazakhstan. Đầu thập niên 1990 những nước này giành lại được độc lập khi Liên bang Xô-viết tan rã. Các nước Luthuania, Latvia và Estonia đã gia nhập khối Liên Âu (EU) năm 2004.

Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych được bầu chọn năm 2010. Tháng 11 năm ngoái, ông quyết định không ký kết những hợp tác kinh tế với Liên Âu mà chấp nhận những thoả thuận với Nga để cứu nền kinh tế Ukraine đang suy thoái. Lựa chọn đó đã làm nổi lên những cuộc biểu tình kéo dài tại Quảng trường Độc Lập. Cuối tháng 2 vừa qua ông Yanukovych bị truất nhiệm và sau đó đã đào thoát sang Nga.

Sau khi lên nắm quyền, ông Yanukovych đã trở thành nhà độc tài, tham nhũng gây nhiều bất mãn trong dân chúng. Bằng chứng là những lâu đài hoành tráng của gia đình được xây dựng bằng tiền tham nhũng tích luỹ trong những năm ông lãnh đạo đất nước.

Nhưng đó không phải là quan tâm của chính giới Hoa Kỳ. Bây giờ ông Yanukovych đã ra đi, những nhà làm chính sách Mỹ chỉ muốn thấy một tương lai Ukraine được toàn vẹn, độc lập, đoàn kết trong tự do dân chủ và không có sự can thiệp của bên ngoài.

Hôm thứ Tư 5/3, ngoại trưởng các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Ukraine đã họp tại Paris mong tìm một giải pháp nhưng đã không đưa đến một kết quả nào cho vấn đề lính Nga chiếm đóng Crimea.

Trong khi đó Liên Âu đang bàn thảo một gói trợ giúp kinh tế cho Ukraine lên đến 15 tỉ đôla. Quốc hội Mỹ cũng đang cứu xét việc cung cấp 1 tỉ đôla tín dụng cho nước này.

Vấn đề sẽ phức tạp hơn trong những ngày tới với việc quốc hội Crimea đã đồng ý sát nhập Crimea vào Nga và sẽ tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 16/3 để người dân trong vùng biểu quyết về tương lai nếu họ có muốn vùng đất này vẫn thuộc về Ukraine hay sẽ trở lại với Liên bang Nga như trước năm 1954.

Liên Âu cực lực phản đối quyết định này. Còn Tổng thống Obama cho đó là việc làm phản lại Hiến pháp Ukraine và vi phạm luật quốc tế.

© 2014 Buivanphu.wordpress.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Các tổ chức như Hội Hồng Thập Tự, Hội Hướng Đạo hay các Hội Từ Thiện của các tôn giáo…, thì xưa nay ở nước nào cũng có và họ được tự do họat động để góp phần xây dựng xã hội
Nếu chọn mốc thời gian đánh dấu cho việc Nga-Hoa trở lại hợp tác chiến lược sau Chiến Tranh Lạnh thì đó là cuộc chiến Kosovo, khi máy bay Hoa Kỳ vô tình (hay cố ý) thảy một quả bom đánh xập Đại Sứ Quán Trung Quốc
Việc giam giữ hoàn toàn phi lý và phi pháp này không chỉ là hành vi chà đạp nhân quyền trầm trọng mà còn chà đạp cả chính bộ mặt pháp quyền giả tạo của chế độ. Đây mới là thực tế tình trạng nhân quyền tại Việt Nam...
...đứng giữa phiên toà đại hình của thực dân Pháp trong vụ xử con trai Lương Ngọc Quyến. Thay vì khuyên răn con như đã được phủ dụ, người mẹ quay lại hỏi quan tòa: “Con tôi theo đuổi mục đích cứu nước là hợp đạo lý của gia đình và của đất nước chúng tôi, sao lại gọi là phản loạn?”
Cuộc cướp chính quyền từ trong tay Nhật, Pháp không hề có, mà đơn giản chỉ là một cuộc lật đổ một chính quyền còn non trẻ của chính phủ Trần trọng Kim với những nhân vật tham gia nội các nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước
Paulo Freire sinh năm 1921 tại Brazil. Ông học Luật và Triết học, nhưng lại dấn thân vào công cuộc giáo dục đặc biệt cho giới tráng niên,
Kỳ II – Giáo Dục Giải Phóng Con Người: Nội dung & Ảnh hưởng
Trưa Thứ Năm mùng sáu, Tổng thống Barack Obama xuất hiện trước báo chí để công bố quyết định trừng phạt Liên bang Nga qua một Sắc lệnh Hành pháp.
Sân trường ngập nắng vàng. Học sinh tứ phía đang vui vẻ về trường, bóng họ lung linh cùng bóng nắng và tiếng chuyện trò líu lo
Đầu tuần này, ngày 5 tháng 3, 2014, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon thăm viếng Cộng Hòa Sierra Leone
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.