Hôm nay,  

Ngân Sách Và Xài Hoang

24/12/201300:00:00(Xem: 3517)
...dự luật ngân sách mới cũng không khác gì... món cháo lòng.

Đại Cường Cờ Hoa từ ba năm nay đã ở trong một tình trạng quái lạ hết sức: cả nước không có ngân sách hàng năm gì cả. Trên căn bản, không có tổ chức kinh doanh nào có thể hoạt động mà không có ngân sách, và dĩ nhiên quan trọng hơn nữa, không có quốc gia nào có thể hoạt động mà không có ngân sách. Nhưng đó lại là tình trạng của nước Mỹ dưới triều đại Obama. Từ mấy năm qua, giữa hành pháp và lập pháp, cũng như giữa hai chính đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, đã không có được sự thỏa thuận để Nhà Nước có được một ngân sách đàng hoàng hàng năm. Kết quả là mấy phe cò cưa, điều đình, trả giá, trong tình trạng thường trực để có được những ngân sách kiểu chắp nối, vá víu, cho qua ngày, mỗi lần giằng co qua lại, lòi ra được một ngân sách tạm cho ba tháng, bẩy tháng, năm tháng,...

Đã vậy, Nhà Nước Obama ngay từ những ngày đầu đã chi xài rất mạnh tay, mà toàn là bằng tiền vay mượn. Mỗi lần xài là đi vay, vay vài lần là đụng trần quốc hội cho phép, bị đe dọa không được vay nữa, có nguy cơ không đủ tiền trả nợ, bị hăm giảm điểm tín dụng và tăng lãi suất đồng loạt, lại điều đình giằng co, nâng mức nợ lên chút ít, rồi lại mau mắn đụng trần lại. Chu kỳ tái diễn, lập đi lập lại. Một chính sách tài chánh quốc gia không chính sách gì hết. Tùy cơ ứng biến, từ đe dọa này nhẩy qua khủng hoảng nọ.

Một trò đùa chính trị cực kỳ tốn kém và nguy hại vì Nhà Nước và cả ngàn cơ quan của Nhà Nước không thể thiết lập được chương trình hay kế hoạch dài hạn nào hết.

Vấn đề then chốt cản đường cho mọi thỏa thuận là quan điểm về vai trò của Nhà Nước trong việc quản trị cả nước. Và ở đây, ta cần lui lại vài bước để nhìn vấn đề dưới khiá cạnh hệ tư tưởng.

Khuynh hướng bảo thủ chủ trương Nhà Nước đóng vai cảnh sát hay trọng tài, bảo đảm guồng máy chạy trơn tru, không có những lạm dụng quá mức, không có tình trạng cá lớn nuốt cá bé quá đáng, không có ai bị chết đói hay chết nghèo hay chết bệnh mà không được cứu, hay nôm na ra là bảo đảm một mạng lưới an toàn và ổn định tối thiểu. Trong quan điểm này thì vai trò của Nhà Nước cần duy trì ở mức càng thấp càng tốt, từ đó chi tiêu của Nhà Nước cũng giới hạn, và tiền thuế của dân phải đóng cũng ở mức tối thiểu.

Khuynh hướng cấp tiến thì chủ trương thiết lập một Nhà Nước càng vú em nhiều càng tốt, lo cho dân từ ngày lọt lòng đến ngày xuống huyệt nếu có thể. Vì vai trò quan trọng này nên Nhà Nước cần tiền tối đa, để chi tiêu tối đa cho dân, do đó, cũng cần phải thu thuế tối đa, kèm với đủ loại phí cho các dịch vụ do Nhà Nước cung cấp. Một cách gián tiếp, phân chia lại tài sản cả nước, lấy bớt tiền của những người dư thừa, gọi là “giàu”, để chu cấp cho những người thiếu thốn, gọi là “nghèo”.

Một bên tin tưởng vào khả năng và sáng kiến của mỗi người, mỗi cá nhân, tôn trọng tự do cá nhân. Một bên tin vào khả năng và trách nhiệm của guồng máy hành chánh, của các công chức và quan chức, mưu tìm công bằng xã hội.

Cần phải nói ngay là quan điểm cấp tiến đi đến cực đoan đã được áp dụng trong các chế độ cộng sản, còn được gọi là “xã hội chủ nghĩa” theo văn chương mới sau khi bức màn sắt xụp đổ cuối thập niên 80 và danh từ “cộng sản” đã trở thành một ác mộng cho nhân loại.

Thật ra, công bằng mà nói, cấp tiến không phải là một cái tội, hay một cái gì xấu xa. Trái lại, đại đa số những người có tư tưởng cấp tiến là những người có lòng nhân ái hơn người, muốn lo cho thiên hạ chứ không muốn hại ai.

Đức Giáo Hoàng Francis là người có tư tưởng cấp tiến rõ ràng, đến độ nhiều người cực hữu đã tố ông là người có tư tưởng mác-xít. Khiến ông không những phải lên tiếng phủ nhận ông không phải là thành phần mác-xít, mà còn bênh vực và xác nhận tuy hệ tư tưởng mác-xít sai lầm, nhưng cũng có nhiều người “tốt” trong số những người theo mác-xít.

Đức Giáo Hoàng chẳng qua chỉ nói lên một sự thật hiển nhiên. Trong cả triệu triệu người tin tưởng vào mác-xít, không phải tất cả đều là người xấu hết. Cũng như trong cả triệu triệu người tin tưởng vào chủ nghiã tư bản, không phải tất cả đều là người tốt hết. Vấn đề không phải là cá nhân, mà là hệ tư tưởng. Và đúng như Đức Giáo Hoàng nhận định, cái sai là chủ thuyết mác-xít với tất cả những cái cực đoan của nó.

Vấn đề ở đây không phải là lý thuyết mơ hồ, cần công bằng xuông. Mà là làm sao thực hiện được sự công bằng đó? Đến mức nào thì đạt được thành công và đến mức nào thì thành thất bại, hay tệ hơn nữa, trở thành nguy hại chung cho tất cả mọi người.

Câu trả lời, lịch sử đã cho ta thấy: cuối thập niên 80, toàn thể khối CS sụp đổ. Còn lại lèo tèo vài nước CS thì cũng đã phải mau mắn “đổi mới”, cắt giảm mức can thiệp của Nhà Nước tối đa, để rồi biến thành một thứ quái thai, “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghiã”, mà chẳng ai hiểu là gì, chỉ thấy các đại cán mau mắn trở thành đại gia, trong khi nước vẫn nghèo, dân vẫn đói, chính quyền vẫn nắm quyền bằng súng đạn và nhà lao.

Công bằng xã hội là điều không ai không mê, nhất là trong giới lợi tức thấp. Ngay cả các trọc phú Mỹ như Bill Gates hay Warren Buffett cũng muốn thấy công bằng xã hội nhiều hơn trong cái thành trì tư bản Mỹ này. Dù sao thì đi xa hơn tính nhân đạo, công bằng xã hội cũng là phương thức bảo đảm ổn định xã hội vững chắc nhất cho mấy ông trọc phú yên ổn kiếm thêm tiền, chứ cũng chưa chắc mấy ông trọc phú đó tốt lành gì đâu.

Nhưng cũng như bất cứ thứ gì trên cõi đời này, công bằng xã hội cũng có mặt trái của nó, và cái giá phải trả, cho dù là chưa đến mức cực đoan như trong các chế độ CS. Ta chỉ cần nhìn vào những xáo trộn kinh tế và chính trị bên Âu Châu trong vài năm qua thì sẽ thấy.

Nhân danh công bằng xã hội, những chính sách cấp tiến nhất đã được ban bố từ nhiều thập niên qua trên hầu hết các nước Tây Âu, kể cả các đại cường Anh, Pháp, Đức,... Nhà Nước thu thuế xấp xỉ trên một nửa lợi tức của thiên hạ (so với trung bình một phần năm ở Mỹ) để chu cấp cho một hệ thống y tế gần như miễn phí cho tất cả mọi người, chu cấp cho một chế độ an sinh rộng rãi về tiền thất nghiệp, tiền hưu, tiền trợ cấp nuôi con, … Kết quả là hiện nay, hầu như toàn thể Âu Châu đang trên bờ phá sản kinh tế, tuột hậu xa lắc so với phát triển của Mỹ từ mấy thập niên qua.

Trở về câu chuyện nước Mỹ, đối với TT Obama, chính sách cấp tiến của ông một mặt đã thu hút được cảm tình và phiếu bầu của hàng triệu người thuộc giai cấp lợi tức thấp vì họ tin ông sẽ lo cho họ như đã hứa hẹn; mặt khác cũng đã khiến ông bị tố là có khuynh hướng “xã hội chủ nghiã” (socialist), tuy chưa đến mức mác-xít.

Thật ra, khuynh hướng cấp tiến của Mỹ không đi quá xa như vậy, còn thua xa các chế độ cấp tiến Tây Âu. Chưa bao đồng đến độ cả nước ngộp thở, chưa lấy thuế tới hơn một nửa lợi tức của ai hết. Nhưng cũng đang “tiến nhanh, tiến mạnh”, tuy không “vững chắc” lắm về hướng cực tả dưới sự lãnh đạo của TT Obama.

Tuy vẫn thua xa các chế độ khuynh tả Tây Âu, nhưng đó chính là nhờ vào thể chế chính trị Mỹ đã không cho phép ông đi quá xa. Chỉ trong hai năm nắm Tòa Bạch Ốc và được sự hậu thuẫn của đảng Dân Chủ kiểm soát cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện, TT Obama đã đi khá xa, khiến dân Mỹ hoảng sợ, trao ngay Hạ Viện cho đảng đối lập Cộng Hòa năm 2010 để thắng bớt chính sách cấp tiến của TT Obama lại.


TT Obama muốn gì và đối lập muốn gì?

Công bằng mà nói, TT Obama thừa hưởng một gia tài kinh tế và chính trị không mấy hấp dẫn. Hai cuộc chiến cực kỳ tốn kém vẫn còn đó, cộng thêm một cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng đầu thập niên 30. Dĩ nhiên ông cần phải tung tiền ra cứu nguy kinh tế, không có tam thập lục chước. Nhưng rồi ta cũng phải nhớ lại câu nói của cựu cố vấn/chánh văn phòng Rahm Emanuel, “không thể bỏ lỡ cơ hội khủng hoảng”. Lợi dụng chuyện cứu nguy kinh tế, TT Obama tung ra hàng loạt biện pháp vú em, tăng chi tiêu Nhà Nước, tăng trợ cấp đủ loại,... Thâm thủng ngân sách và mức nợ công tăng đến chóng mặt như thể đến cuối nhiệm kỳ của Đấng Tiên Tri thì sẽ là tận thế, không cần ai phải thắc mắc gì đến chuyện năm mười năm nữa, ai sẽ trả nợ, trả bằng cách nào.

Thật ra, trong bài toán của TT Obama, quan điểm cấp tiến Nhà Nước bao đồng là căn bản, nhưng ngoài ra, cũng còn yếu tố tranh cử lần thứ hai, năm 2012. Và tung tiền trợ cấp ra cho thiên hạ dĩ nhiên là cách mua phiếu hiệu quả nhất. Nước Mỹ ngày nay đã trở thành lệ thuộc vào Nhà Nước hơn bao giờ hết. Những con số về người lãnh tiền thất nghiệp, lãnh phiếu thực phẩm, lãnh trợ cấp, hay có medicaid, đều đã đạt những kỷ lục chưa từng thấy. Người ta có thể nhìn vấn đề dưới hai mặt: hoặc là chưa bao giờ dân Mỹ nghèo như bây giờ; hoặc là chưa bao giờ Nhà Nước Mỹ rộng rãi như bây giờ. Cả hai cách nhìn đều không có gì đáng mừng rỡ, phấn khởi gì, mà chỉ đưa ra một bức tranh về tương lai không mấy tốt đẹp.

Vung tiền trợ cấp có thể di hại cho cả nước về lâu về dài, nhưng ít ra bảo đảm ông sẽ tái đắc cử với lá phiếu của hàng triệu người đang lãnh tiền trợ cấp, tiền an sinh, tiền già, tiền bảo hiểm y tế,... Và đúng như vậy, ông đã tái đắc cử.

Nhưng như đã nói, cái gì cũng có cái giá phải trả. Nhà Nước tung tiền trợ cấp đủ loại cho thiên hạ không phải không có hại, kể cả cho những người đang lãnh trợ cấp. Đến một ngày nào đó, Nhà Nước sẽ đụng đáy, không còn tiền để trợ cấp, không còn khả năng đi vay mượn, kinh tế không thể sản xuất đủ để nuôi dân, trả lương công chức,... Khi đó là lúc sẽ phải thắt lưng buộc bụng chặt nếu không muốn cả nước phá sản. Hãy nhìn vào Hy Lạp. Câu hỏi cho những người đang thoải mái và vui vẻ lãnh trợ cấp: khi đó, ai sẽ là nạn nhân lớn nhất? Ai sẽ mất phần lớn quyền lợi mà không có gì bù đắp? Ai sẽ gặp khó khăn lớn nhất? Câu trả lời ngắn gọn: thành phần giai cấp thấp nhất, càng thấp thì càng bị thiệt hại, và hoàn cảnh càng khó khăn. Đối với các ông trọc phú Bill Gates và Warren Buffett, có mất vài chục triệu hay đóng thêm vài triệu bạc tiền thuế, cũng chỉ là... muỗi đốt gỗ. Nhưng đối với gia đình sống bằng phiếu thực phẩm, mất vài chục đô một tháng cũng đủ là chuyện đau đầu nhói tim.

Đó chính là cái lo lớn của đối lập Cộng Hoà. Họ không thể khoanh tay đứng nhìn, hay thậm phỉ bỏ phiếu cho TT Obama tiếp tục vung tay xài vô hạn. Họ đã có những đề nghị cụ thể: họ sẽ cấp ngân sách dài hạn cho chính quyền Obama, nhưng phải có giới hạn, phải có kèm theo cắt giảm chi tiêu.

Chính quyền Obama không chịu thua, khẳng định không thể cắt giảm thêm được gì nữa. Có thật là không thể cắt giảm gì nữa không? Tuần qua, TNS Tom Coburn, Cộng Hòa của Oklahoma, đã công bố bạch thư hàng năm của ông, liệt kê những chi tiêu vô lý nhất của chính quyền, cho thấy Nhà Nước đã phung phí ít ra là 30 tỷ trong năm rồi. Một vài ví dụ:

- 1,5 tỷ tiền điện cho các cơ quan, cao ốc Nhà Nước, không xài, bỏ hoang nhưng vẫn lên đèn mỗi tối;

- 400 triệu lương hồi tố cho các công chức nghỉ làm khi Nhà Nước đóng cửa hai tuần mới đây;

- 3 triệu cho nhân viên NASA học tập về thủ tục bầu bán quốc hội Mỹ, mà không ai giải thích được vì mục đích gì;

- 2 triệu để tu sửa một trang trại đổ nát, di tích của cuộc nội chiến cách đây một thế kỷ;

- Và không biết bao nhiêu chi tiêu lặt vặt khác, như gần nửa triệu để nghiên cứu về bộ phận sinh dục của vịt.

Đưa đến những bế tắc chính trị hiện nay. Lỗi tại ai? Câu trả lời: lỗi tại khối ba trăm triệu dân Mỹ. Họ đã bầu cho một tổng thống cấp tiến cực đoan nhất, hoan hỷ lãnh đủ thứ trợ cấp, nhưng rồi lại sợ và bầu cho khối bảo thủ kéo giữ tay tổng thống lại phần nào. Người dân Mỹ hy vọng vì quyền lợi đất nước, quyền lợi chung, hai bên sẽ tương nhượng nhau, thoả hiệp với nhau một cái gì đó để chuyện nước được trôi chẩy hơn, trên một con đường ít cực đoan hơn. Nhưng thực tế là chẳng bên nào chịu thua bên nào. Tổng thống thì... đường ta ta cứ đi, đối lập thì ngăn cản vẫn ngăn cản. Bế tắc kéo dài, cho đến tuần qua, khi mà Hạ Viện do Cộng Hoà kiểm soát thông qua được một đề nghị hai năm ngân sách tương đối dung hoà được cả hai khuynh hướng cấp tiến và bảo thủ, do dân biểu Paul Ryan, cựu ứng viên phó tổng thống cùng liên danh với TĐ Romney, và một dân biểu Dân Chủ, cùng đưa ra. Thượng Viện sau khi cò cưa chỉnh sửa đôi chút cũng đã thông qua, để rồi có nhiều hy vọng TT Obama sẽ ký thành luật. Ít ra, hy vọng tránh được chuyện Nhà Nước lại đóng cửa cuối Tháng Giêng tới khi Nhà Nước lại... hết tiền.

Đại cương thì dự luật ngân sách mới cũng không khác gì... món cháo lòng. Đủ cả: thịt, gan, tim, mề, thận, ruột già, ruột non, bao tử, huyết, kèm thêm ít rau, giá, hành, nước lèo, bột ngọt, vân vân... Mỗi thứ một chút cho vừa lòng càng nhiều người càng tốt, miễn sao thu đủ phiếu thông qua là được.

Lần đầu tiên từ nhiều năm nay, hai bên đã có được một sự thoả thuận nào đó. Trên căn bản, đó là sự thoả thuận về mức chi tiêu của Nhà Nước, đại khái là sẽ “chỉ” chi tiêu sơ sơ có hơn một ngàn tỷ mỗi năm trong hai năm tới 2014-2015. Tức là trong hai năm tới, Nhà Nước sẽ chi tiêu trung bình có gần 3 tỷ mỗi ngày.

Giải pháp hoàn hảo? Thưa không. Có hai vấn đề lớn với hàng loạt câu hỏi chưa được đề cập:

- Lấy đâu ra ba tỷ đô một ngày? Đi vay mượn? Ở đâu? Chừng nào trả? Trả bằng cách nào? Bao giờ trả? Tăng thuế? Tăng thuế ai? Bao nhiêu?

- Ba tỷ đô đó chi vào đâu, việc gì? Trả bớt nợ hay là tăng thêm trợ cấp?

Chưa ai có câu trả lời. Đây sẽ tiếp tục là đề tài tranh cãi, vẫn có thể đưa đến chuyện Nhà Nước đóng cửa tiệm được như thường.

Chỉ biết là Nhà Nước Obama ngày càng lớn, ngày càng bao đồng, mà lại chẳng được tin tưởng hơn. Thăm dò mới nhất của Gallup cho thấy trong ba người Mỹ thì hiện nay đã có hai người cho rằng Nhà Nước bao đồng xài tiền quá mức đã trở thành đe dọa lớn nhất cho nước Mỹ, lớn hơn khủng bố Al Qaeda rất xa.

Trong khi đó, TT Obama và gia đình ung dung đi nghỉ Giáng Sinh hai tuần tại Hạ Uy Di. Tổng thống và gia đình thuê một dinh thự của một đại gia địa phương với giá 25.000 đô một tuần, trả bằng tiền túi. Nhưng hàng trăm phụ tá, tùy tùng, an ninh, đều ở khách sạn thượng hạng 200-300 đô một đêm do chúng ta chi trả qua tiền thuế. Những ai có dịp du lịch Hawaii đều biết giá khách sạn ở đây cao nhất Mỹ. Tiền tàu bay gần bốn triệu, chí phí tùy tùng, an ninh, linh tinh đủ thứ hơn bốn triệu nữa, vị chi tám triệu đô. Chuyện nhỏ. (22-12-13)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.