Hôm nay,  

Cải Cách Tại Trung Quốc

04/12/201300:00:00(Xem: 5956)
Những điều bất khả thi trong nhiều tham vọng lớn…

Vài ngày sau khi kết thúc Hội nghị lần 3 Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh công bố danh sách một loạt biện pháp «đẩy mạnh vai trò của kinh tế thị trường» nhưng các doanh nghiệp Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo. Thu hẹp vai trò của các tập đoàn doanh nghiệp Nhà nước phải chăng chỉ là những lời tuyên bố suông?

Các chuyên gia phương Tây chú ý đến việc Trung Quốc tuyên bố mở rộng quyền hạn kinh tế cho tư nhân, giải tỏa khu vực tài chính và ngân hàng, hiện đại hóa thủ tục tham gia thị trường chứng khoán… giảm bớt rào cản cho doanh nghiệp nước ngoài trong một số lĩnh vực. Riêng với khu vực quốc doanh, Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình hứa từng bước thu hẹp vai trò và thế lực của các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước.

Giới quan sát đánh giá cao lộ trình kinh tế của Bắc Kinh và cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đề ra một chính sách kinh tế đầy tham vọng. Câu hỏi đặt ra là những mục tiêu đầy tham vọng đó liệu sẽ được thực hiện tới đâu? Trên con đường cải tổ hệ kinh tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ vấp phải những trở ngại nào? Làm sao có thể giải thích được mâu thuẫn giữa mục đích «tăng cường vai trò của tư nhân và kinh tế thị trường» trong lúc «doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo» ? Hay chủ trương thu hẹp vai trò của các tập đoàn doanh nghiệp Nhà nước chỉ là những lời tuyên bố suông?

Trong khuôn khổ tạp chí kinh tế hôm nay, chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa lần lượt trả lời các câu hỏi trên. Nhưng trước hết, ông trở lại với những thông báo cải cách mà Bắc Kinh coi là có «ý nghĩa lịch sử» vừa được công bố vào trung tuần tháng 11/2013:

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Có hai văn kiện, một ngắn một dài, được công bố cách nhau mấy ngày. Trước hết là Thông báo ngắn công bố chiều 12 Tháng 11, sau sau khi Hội nghị kỳ Ba kết thúc. Văn kiện này khá tổng quát và mơ hồ đề cập về những gì lãnh đạo Trung Quốc dự tính thực hiện trong sáu năm trước mắt. Kế tiếp là Nghị quyết 60 điểm được công bố hôm 15 với nhiều chi tiết về việc cải cách. Dù bản Nghị quyết có độ mở được coi là rộng hơn bản Thông cáo, hai tài liệu có nhiều tương đồng hơn là dị biệt và nói ra nỗi băn khoăn của lãnh đạo khi phải dung hợp yêu cầu của hai xu hướng đối nghịch trong đảng, là vừa bảo vệ ý thức hệ vừa cải cách.

- Theo dõi kỹ tiến trình quyết định phản ảnh sự tranh luận trên thượng tầng, có lẽ bản Thông báo đã rào sẵn yêu cầu về ý thức hệ khi viện dẫn Chủ nghĩa Mác-Lenin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, với Lý luận Đặng Tiểu Bình và cả phương thức Giang Trạch Dân để thỏa mãn phe thủ cựu. Rồi bản Nghị quyết mới khai triển 15 lãnh vực cải cách trong Thông báo thành ra 60 biện pháp sẽ áp dụng. Tất cả đều được hai lãnh tụ trên cùng là Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày trước, gói ghém qua năm khẩu hiệu là: 1) Xây dựng Giấc mộng Trung Quốc; 2) Cải cách năm lãnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi sinh theo tinh thần "ngũ vị nhất thể"; 3) Phát huy nền Văn minh Sinh thái để bảo vệ môi sinh; 4) Không chỉ tiến hành chủđiểm cải cách mà còn phải tìm ra giải đáp về việc cải cách; và 5) Đẩy mạnh cải cách sâu sắc toàn diện, phát triển kinh tế và xã hội hiệu quả hơn, công bằng hơn và bền vững hơn.

- Nói vắn tắt, đây là dự án có đầy tham vọng lẫn mâu thuẫn và nhiều khoảng trống vì họ phải vừa cải cách vừa thuyết phục hoặc thậm chí đấu đá qua từng bước thi hành.

RFI: Cụ thể về kinh tế thì thưa anh, lãnh đạo Bắc Kinh đã đưa ra những gì và theo anh nhận định thì những đề xuất đó có dễ thực hiện không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là sẽ làm thính giả của chúng ta nhức đầu khi tóm gọn dự án cải cách trong năm lãnh vực sau đây. Tôi xin vừa trình bày vừa nêu ra những mâu thuẫn để ta lượng định về tính chất khả thi của từng việc.

- Thứ nhất là về quan hệ giữa tư doanh và doanh nghiệp Nhà nước. Tư nhân có nhiều quyền hạn hơn nhưng doanh nghiệp Nhà nước và chế độ công hữu vẫn được coi là căn bản. Mâu thuẫn là giữa khẩu hiệu đề cao quy luật thị trường với thực tế là khu vực Nhà nước vẫn là chủ đạo. Nghĩa là thế lực cưỡng chống cải cách từ hệ thống doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn rất mạnh.

- Thứ hai, việc giải toả khu vực tài chính và ngân hàng có được bản Nghị quyết nhắc tới qua năm biện pháp, nhưng vẫn thiếu rất nhiều chi tiết cụ thể thì dụ như chế độ ngoại hối của đồng bạc hay chế độ lãi suất của tiền ký thác hoặc quy chế tự do của tư bản. So với dự án xây dựng Vùng Giao dịch Tự do Thượng Hải thì có lẽ họ còn hàm ý thu hẹp việc cải cách hơn nữa.

- Thứ ba là họ có thông bảo việc cải tổ chế độ thuế khóa, một điều cực kỳ then chốt. Việc cải tổ thuế khóa năm 1994 gây ra nhiều vấn đề, quan trọng nhất là các địa phương tìm đến 40% nguồn thu cho ngân sách bằng cách bán quyền sử dụng đất và vì vậy mới làm dân chúng bất mãn và còn dẫn tới bong bóng đầu cơ trong lãnh vực địa ốc. Bây giờ, họ mới chỉ hàm ý là sẽ cải tổ vì thuế khóa là một cột trụ căn bản mà chúng ta chưa biết là sẽ cải tổ ra sao.

- Thứ tư, việc cải cách đất đai nông thôn và đô thị hóa có được coi là quan trọng theo chiều hướng gia tăng quyền lợi cho thôn dân, thống nhất thị trường xây cất và có thể là còn nới lỏng chế độ hộ khẩu. Tôi cho rằng việc này quan trọng nhất vì liên quan đến nhiều lãnh vực và vấn đề kinh tế lẫn xã hội và chính trị. Tuy nhiên, mức độ khả thi còn bị hạn chế khi chế độ hộ khẩu vẫn được duy trì vì nhiều lý do an ninh lẫn mối lo là cư dân nông thôn sẽ tràn vào thành phố.

- Thứ năm và có lẽ để trấn an dư luận quốc tế và giới đầu tư nước ngoài, cả bản Thông báo lẫn Nghị quyết đều hứa hẹn giải tỏa chế độ đầu tư lẫn việc cho phép ngoại quốc đầu tư vào các dịch vụ như tài chánh, giáo dục, y tế, kế toán, thương mại, kể cả thương mại điện tử. Một số nhà quan sát quốc tế đã dựa vào phần này để có nhận định lạc quan về nỗ lực cải cách.


- Thứ sáu và đáng chú ý hơn cả là khẩu hiệu Văn minh Sinh thái và nỗ lực giải trừ tình trạng ô nhiễm môi sinh quá trầm trọng của Trung Quốc. So với trước đây thì Nghị quyết của Hội nghị Ba đã nâng chuyện bảo vệ môi sinh lên một ưu tiên mới với nhiều biện pháp trừng phạt gắt gao hơn. Tuy nhiên, lãnh đạo Bắc Kinh mới chỉ nêu ra ước muốn chứ chưa có những tiêu chí rõ rệt.

RFI: Sau khi trình bày sáu lãnh vực khái quát này, xin anh nói rõ hơn về lãnh vực cải cách doanh nghiệp Nhà nước đi cùng việc giải phóng cho tư doanh dễ làm ăn vì hai khu vực này có mối quan hệ đối nghịch hay bổ xung cho nhau.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Quả thật khu vực Nhà nước có quá nhiều đặc quyền đặc lợi đã ớm bóng khu vực tư nhân nên ai ai cũng chú ý đến chuyện đó, nhất là tư doanh tại Trung Quốc.

- Về hệ thống doanh nghiệp Nhà nước, lãnh đạo Bắc Kinh đề ra ba chương trình. Trước mắt thì bắt doanh nghiệp Nhà nước đóng góp nhiều hơn cho ngân sách, tiền lời trả cho Nhà nước từ 5% đến 15% sẽ được nâng lên thành 30%. Thứ nhì, cải cách doanh nghiệp đòi hỏi các tập đoàn kinh tế Nhà nước thông báo tình hình tài chính, đi cùng việc hoàn thiện luật lệ về phá sản và việc tách rời Nhà nước khỏi các doanh nghiệp đang mặc nhiên giữ thế độc quyền và cả việc thành lập các công ty quản lý tài sản đầu tư quốc doanh. Những quyết định này sẽ thu hẹp vai trò và thế lực của hệ thống doanh nghiệp Nhà nước, nhưng không thay đổi chủ trương căn bản là khu vực Nhà nước và chế độ sở hữu tập thể vẫn giữ vị trí chủ đạo.

- Ở vùng giao tiếp giữa quốc doanh và tư doanh thì tư nhân được quyền đầu tư tài chánh để làm chủ một phần vốn của doanh nghiệp Nhà nước, tức là họ chấp nhận chế độ sở hữu hỗn hợp. Nhưng thật ra thì có lẽ như thành ngữ của ta, tư doanh có bỏ tiền tậu voi chung với đức ông, chứ đức ông vẫn nắm dao đằng chuôi.

- Qua đến khu vực tư doanh thì các cơ sở kinh doanh của tư nhân được gia nhập thị trường dễ dãi hơn trước, với ít rào cản và hạn chế và thủ tục cho phép tương đối thông thoáng hơn. Một chi tiết quan trọng trong này là việc giải toả chế độ kiểm soát giá cả khiến giá nhập lượng của nguyên nhiên vật liệu và dịch vụ viễn thông sẽ tăng. Ngược lại, giá cả các dịch vụ và tiện ích công cộng thì vẫn do Nhà nước quản lý.

- Nói chung, tư doanh được mở cửa tham gia vào nền kinh tế vẫn do quốc doanh và Nhà nước giữ phần chính. Có lẽ đây là khu vực quyền lợi bất khả xâm phạm của hệ thống quốc doanh vì lãnh đạo các tập đoàn này đều là Trung ương Ủy viên có phe phái lên tới Bộ Chính trị.

RFI: Thưa anh, trong Bộ Chính trị thì có quyền lực cao nhất hiện nay là Tập Cận Bình vì ông ta cầm đầu bộ máy Đảng với tư cách Tổng Bí thư, và Nhà nước trong vai trò Chủ tịch và cả cơ chế lãnh đạo quân đội là Quân ủy Trung ương. Liệu ông ta có đủ thế lực chính trị để đẩy tiếp việc cải cách này hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Dư luận bên ngoài có nói đến việc lập ra hai cơ chế mới như dấu hiệu tập trung quyền hạn của ông Tập Cận Bình, đó là Hội đồng An ninh Quốc gia và Tổ chỉ đạo Trung ương. Hội đồng An ninh thì chú trọng đến ba mối nguy được nêu ra là khủng bố, bọn cực đoan và phe phái phân liệt, toàn là mối nguy về xã hội và chính trị bên trong lãnh thổ. Ưu tiên đó của lãnh tụ Tập Cận Bình có cho thấy ưu tư của ông ta.

- Còn Tổ chỉ đạo Trung ương có thể quy tụ một số Ủy viên của Thường vụ Bộ Chính trị với ba nhiệm vụ là trù hoạch cải cách, thống nhất thi hành kế hoạch và phối hợp, và thanh tra tiến độ cải cách. Theo cách suy diễn của tôi, dĩ nhiên là có thể sai, thì bài toán của Tập Cận Bình và nhân vật thực hiện cải cách là Thủ tướng Lý Khắc Cường nằm ở mối quan hệ giữa Trung ương và các địa phương. Đây là một vấn đề truyền thống của Trung Quốc.

- Dù Trung ương hiện nay ở Bắc Kinh có rất nhiều quyền lực trong một chế độ độc đảng, họ vẫn gặp trở ngại, thậm chí trở lực và sự cưỡng chống của các đảng bộ địa phương, do các Trung ương Ủy viên lãnh đạo. Tinh thần gọi là "đồng thuận" của đảng đòi hỏi hậu thuẫn và chấp hành của các đảng bộ địa phương, nhưng mỗi địa phương lại có thế lực riêng và không dễ gì đồng ý và tuân thủ các quyết định của Trung ương.

- Từ cả chục năm nay rồi, lãnh đạo ở Bắc Kinh cần tăng cường quyền hạn để quyết định về ưu tiên và cả việc tái phân lợi tức và nâng sức tiêu thụ cho các tỉnh bị tụt hậu. Thế hệ thứ tư của Hồ Cẩm Đào hay Uý Kiện Hành và Ôn Gia Bảo đã không giải quyết được vấn đề ấy nên trao lại gánh nặng cải cách cho thế hệ mới. Ngày nay, Tập Cận Bình có thể thâu tóm quyền lực nhanh hơn Hồ Cẩm Đào và đã có những quyết định hạn chế quyền tự do thông tin nhưng chưa thể sai khiến được ngần ấy đảng bộ địa phương lẫn các thế lực quá lớn trong hệ thống quốc doanh.

- Vì vậy, tôi nghĩ rằng việc cải cách thành công hay chăng còn tùy thuộc vào các đảng viên cao cấp ở địa phương và trong thành tri của nền tư bản Nhà nước là các tập đoàn quốc doanh vốn dĩ cũng có ảnh hưởng vào tới Bộ Chính trị ở trên. Đây không phải là bài toán kinh tế mà là vấn đề trong cơ chế chính trị Trung Quốc, một xứ quá lớn chưa có dân chủ và thể chế liên bang.

- Nói cách khác, hiệu quả của các biện pháp cải tổ vừa được chính quyền Trung Quốc đề xướng không chỉ tùy thuộc vào những yếu tố thuần túy kinh tế mà chủ yếu còn lệ thuộc vào tương quan chính trị giữa những phe phái ngay trong guồng máy lãnh đạo Trung ương, cũng như là vào cuộc đọ sức giữa Trung ương với cấp lãnh đạo địa phương.

- Chính quyền của ông Tập Cận Bình vừa đưa ra một chương trình cải tổ được đánh giá là khá hấp dẫn tuy vẫn còn đầy rẫy những mâu thuẫn, nhưng vấn đề còn lại là chương trình đó sẽ được thực hiện tới mức độ nào. Chắc chắn là vì những quyền lợi kinh tế, các quan chức địa phương và nhất là các tập đoàn Nhà nước không dễ dàng để Trung ương áp đặt luật chơi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.