Hôm nay,  

Độc Lập, Tự do, Hạnh Phúc

13/07/201300:00:00(Xem: 7345)
Năm nay Lễ Độc Lập Hoa Kỳ rơi vào thứ Năm nên nhiều người được nghỉ kéo dài bốn ngày, đến hết Chủ Nhật. Một cuối tuần vui chơi, ăn nhậu mừng lễ và cùng đón nắng hè với người thân, bạn bè.

Đầu tuần trước, xe BART không chạy. Công nhân đòi tăng lương, đòi thêm quyền lợi hưu trí, bảo hiểm y tế mà ban giám đốc không chấp thuận. Thế là đình công, cầm biểu ngữ xuống đường, tạo trở ngại cho gần nửa triệu cư dân dùng tàu điện đi làm mỗi ngày. BART không chạy nên nhiều người năm nay không vào San Francisco coi bắn pháo bông.

Năm 1976 tôi đón Lễ Độc Lập đầu tiên khi nước Mỹ tròn 200 tuổi. Năm đó đi coi bắn pháo bông ở sân vận động Candlestick, dù đã mặc vào người mấy tấm áo dầy mà vẫn cảm thấy cái lạnh mùa hè San Francisco.

Dịp lễ lớn nhất của Mỹ rơi vào mùa hè, mùa của nhiều thú vui chơi, thư giãn nhất trong năm. Hai tuần trước leo núi Yosemite, nóng như lửa. Tuần này nhiệt độ vẫn trên 100 vì thế kéo nhau xuống biển Santa Cruz. Ở đây có những trò chơi nhào lộn cao tốc cho trẻ con. Người lớn cắm dù, dựng lều, đem lò ra nướng thịt, burger, hot dog. Bia chỉ được uống trên khu vực giải trí, không được mang ra bãi biển. Giới hạn thế, nhưng giấu bia trong thùng đá, khi uống rót vào ly giấy. Nhâm nhi, lai rai.

Đường ra biển sáng sớm đã đông xe, chạy rất chậm. Lúc ngừng tại một ngã tư, thấy trên bảng “Welcome to Santa Cruz” có ghi là thành phố kết nghĩa chị em với nhiều nơi trên thế giới: Nhật, Ý, Tây Ban Nha, Ukraine, Nicaragua, Venezuela.

Tấm bảng là biểu hiện tinh thần độc lập và tự do của dân Mỹ. Kết nghĩa chị em với các nước bạn không nói làm gì, nhưng với Venezuela là điều chú ý vì bao năm nay lãnh đạo nước này hăng hái chống Mỹ, ra rả chửi Mỹ. Bất kể quan hệ ngoại giao hai nước căng thẳng, Santa Cruz vẫn đưa bàn tay thân hữu ra kết nghĩa với Puerto La Cruz.

Trong vụ nhân viên tình báo Edward Snowden tiết lộ bí mật nghe lén của chính phủ Mỹ, Venezuela sẵn sàng đón nhận cho tị nạn.

Và cư dân Santa Cruz cũng ủng hộ Snowden. Trên đường Beach sáng nay có vài chục người cầm biểu ngữ xuống đường hoan hô việc làm của Snowden.

Độc lập, Tự do ở Mỹ là thế. Tổng thống chẳng nhắc đến, người dân cũng không, chỉ thể hiện qua những việc làm và hành động.

Trong khi đó lãnh đạo Việt Nam lại luôn nhắc đến Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Nghe riết, trong các phát biểu của quan chức trên VTV4; đọc riết, trên các báo của nhà nước; và thấy riết trên các giấy tờ, khẩu hiệu và gần đây là trong các phản hồi của những dư luận viên ăn lương nhà nước.
buivanphu_20130710_julyfourth_h01_welcome_resized
Santa Cruz kết nghĩa chị em với nhiều thành phố trên thế giới. (ảnh Bùi Văn Phú)
Có nghe, có đọc nhưng tôi không tin. Vì sao? Nhìn vào hiệp ước biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhìn vào những phản ứng hay cảnh báo của một số người trong nước đối với quan hệ Việt-Trung và âm mưu của Bắc triều, mà hệ quả là họ bị sách nhiễu hay phải vào tù. Nhìn vào đường khoanh lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc, nhìn những lần tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam, nhìn vào những chuyến đi của lãnh đạo Việt Nam tới Trung Quốc, tất cả cho thấy sự sợ hãi và lệ thuộc của lãnh đạo Việt Nam vào Trung Quốc là điều có thực.

Lãnh đạo các nước khác trong khu vực như Nam Hàn, Nhật Bản, Malaysia, hay Thái Lan, Philippines, Myanmar không thường xuyên đi Trung Quốc. Trong khi đó Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng của Việt Nam lại luân phiên qua hội họp, bàn bạc với Bắc Kinh.

Vì quan hệ Việt-Trung ở tầm mức cao hơn quan hệ Nhật-Trung hay Hàn-Trung? Tôi không nghĩ thế. Trung Quốc chỉ có thể bắt nạt được Việt Nam thôi, với Nhật Bản hay Nam Hàn nào dám.

Vì sao Trung Quốc lại chỉ có thể bắt nạt được Việt Nam. Vì lãnh đạo Việt Nam đã đánh mất tinh thần độc lập, làm suy yếu tính tự chủ của dân tộc đã có từ thuở “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư”.

Quan chức nhà nước hay nói đến Độc lập. Nhưng cả nước không có được một tờ báo độc lập của tư nhân. Nhắc đến tự do mà các ban ngành phụ trách thông tin không cho các ý kiến trái với quan điểm của nhà nước được hiển thị, trong khi trả lương cho cả nghìn dư luận viên để viết bài, viết phản hồi với mục đích giải thích chính sách của nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm đánh tan những “tuyên truyền xuyên tạc” của “bọn phản động” trên các mạng thông tin quốc tế và những blog lề trái.

Tự do. Ở Việt Nam chỉ gắn liền với bắt bớ, giam tù vì người Việt ngày nay vẫn chưa có tự do phát biểu, không được biểu tình, không được ra báo, không được hội họp hay lập hội, không được tự do ứng cử.

Nếu có tự do, ở Việt Nam đã có những tờ báo độc lập, nhiều tổ chức xã hội, nghề nghiệp, có nhiều cuộc xuống đường rầm rộ phản đối Trung Quốc lấn chiếm đất biển và mỗi kỳ bầu cử đã nhộn nhịp ứng viên của nhiều đảng chính trị vận động tranh cử.
buivanphu_20130710_julyfourth_h02_bieutinh_resized
Xuống đường ủng hộ cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden. (ảnh Bùi Văn Phú)
Tự do ở Việt Nam, như nhận xét của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện: “Tự do tôi quí thiết tha, mà sao tù ngục hết ra lại vào.”

Lời thơ từ nửa thế kỷ trước mà bây giờ cũng vẫn đúng. Có thể nhắc đến Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Hồ Thị Bích Khương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Việt Khang, Cù Huy Hà Vũ, Trương Duy Nhất, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha… là những người yêu nước, yêu tự do mà đang bị tù đày.

Hạnh phúc. Điều này khó đong đếm vì hạnh phúc chỉ là khái niệm tương đối, tùy theo hoàn cảnh của mỗi cá thể.

Một nghiên cứu năm 2006 của Giáo sư Adrien White, Đại học Leicester Anh quốc, đã xếp hạng 178 quốc gia về chỉ số hạnh phúc.

Nhiều nước Bắc Âu sống hạnh phúc nhất: Denmark, Switzerland, Austria là ba nước đứng đầu bảng. Trong khi Congo, Zimbabwe và Burundi ở cuối bảng. Hoa Kỳ xếp hạng 23, Anh quốc 41, Nhật 90, Nga 167.

Nghiên cứu dựa vào những yếu tố làm cho người dân cảm thấy cuộc sống có hạnh phúc nhiều hay ít là điều kiện y tế, mức độ giầu có và nền giáo dục.

Việt Nam được xếp hạng trung bình, bằng với Cambodia, cao hơn Lào, Miến Điện, Ấn Độ, Nga; thua Nhật, Nam Hàn, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Trung Quốc.
buivanphu_20130710_julyfourth_h03_baibien_resized
Biển Santa Cruz ngày 4-7-2013. (ảnh Bùi Văn Phú)
Chỉ số hạnh phúc đó có lẽ phản ánh phần nào nguyên nhân khiến nhiều người Việt vẫn còn bỏ nước ra đi.

Hơn ba thập niên trước người Việt ra đi bằng thuyền, bằng con đường đoàn tụ gia đình ODP, diện HO, diện con lai, diện vượt biển hồi hương, bằng đường xuất khẩu lao động.

Nay người Việt chọn con đường du học, đường kết hôn với người nước ngoài. Tìm được lối thoát là họ sẵn sàng rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún.

Ừ, thì bảo vì hoàn cảnh gia đình nghèo quá, họ ra đi để tương lai có khả năng giúp đỡ người còn ở lại.

Nhưng người giầu cũng tìm đường ra đi. Càng giầu càng muốn cho con cái sớm được ra khỏi nước bằng con đường du học các nước Úc, Anh, Pháp, Mỹ ngay từ cấp hai.

Nếu ai ra đi và không còn muốn trở về. Điều đó có nghĩa là ở một nơi nào đó họ đã tìm được độc lập, tự do và hạnh phúc.

© 2013 Buivanphu.wordpress.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhật báo Washington Post của Mỹ ghi nhận là: “Tổng thống Pháp Macron vốn dĩ đã rất tức giận khi được tham vấn tối thiểu trước khi Mỹ rút khỏi Afghanistan. Điều đó bây giờ đã tăng lên. Chính quyền Biden nên xem xét sự không hài lòng của Pháp một cách nghiêm túc. Hoa Kỳ cần các đối tác xuyên Đại Tây Dương vì đang ngày càng tập trung chính sách đối ngoại vào cuộc cạnh tranh cường quốc với Trung Quốc. Và trong số này, Pháp được cho là có khả năng quân sự cao nhất.
Sau khi tấm ảnh người đàn ông đi xe máy chở người chết cuốn chiếu, chạy qua đường phố của tỉnh Sơn La (vào hôm 12 tháng 9 năm 2016 ) được lưu truyền trên mạng, Thời Báo – Canada đã kêu gọi độc giả góp tay ủng hộ gia đình của nạn nhân. Số tiền nhận được là 1,800.00 Gia Kim, và đã được những thân hữu của toà soạn – ở VN – mang đến tận tay gia đình của người xấu số, ở Sơn La.
Công bằng mà nói, ngày càng có nhiều sự đồng thuận là chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn các hành động của Trung Quốc trong khu vực. Sự răn đe đòi hỏi những khả năng đáng tin cậy. Liên minh mới này phù hợp với lý luận đó.
Liên quan đến cuộc bầu cử Quốc Hội Đức 2021 trước đây tôi đã giới thiệu lần lượt ba ứng cử viên: Scholz của SPD, Laschet (CDU) và Baerbock (Xanh). Nhưng trong những tháng qua có khá nhiều tin giật gân nên để rộng đường dư luận tôi lại mạn phép ghi ra vài điểm chính bằng Việt ngữ từ vài tin tức liên quan đến cuộc bầu cử 2021 được truyền thông và báo chí Đức loan tải.
Năm 17 tuổi, đang khi học thi tú tài, tôi bỗng nhiên bị suyễn. Căn bệnh này – vào cuối thế kỷ trước, ở miền Nam – vẫn bị coi là loại nan y, vô phương chữa trị. Từ đó, thỉnh thoảng, tôi lại phải trải qua vài ba cơn suyễn thập tử nhất sinh. Những lúc ngồi (hay nằm) thoi thóp tôi mới ý thức được rằng sinh mệnh của chúng ta mong manh lắm, và chỉ cần được hít thở bình thường thôi cũng đã là một điều hạnh phúc lắm rồi. If you can't breathe, nothing else matters!
Một người không có trí nhớ, hoặc mất trí nhớ, cuộc đời người ấy sẽ ra sao? Giả thiết người ấy là ta, cuộc đời ta sẽ như thế nào? Ai cũng có thể tự đặt câu hỏi như vậy và tự cảm nghiệm về ý nghĩa của câu hỏi ấy. Sinh hoạt của một người, trong từng giây phút, không thể không có trí nhớ. Cho đến một sinh vật hạ đẳng mà chúng ta có thể biết, cũng không thể tồn tại nếu nó không có trí nhớ. Trí nhớ, Sanskrit nói là smṛti, Pāli nói là sati, và từ Hán tương đương là niệm, cũng gọi là ức niệm, tùy niệm. Nói theo ngôn ngữ thường dùng hiện đại, niệm là ký ức. Đó là khả năng ghi nhớ những gì đã xảy ra, thậm chí trong thời gian ngắn nhất, một sát-na, mà ý thức thô phù của ta không thể đo được.
Ba mươi năm trước tôi là thành viên hội đồng quản trị của một cơ quan xã hội giúp người tị nạn trong khu vực phía đông Vịnh San Francisco (East Bay) nên khi đó đã có dịp tiếp xúc với người tị nạn Afghan. Nhiều người Afghan đã đến Mỹ theo diện tị nạn cộng sản sau khi Hồng quân Liên Xô xâm chiếm đất nước của họ và cũng có người tị nạn vì bị chính quyền Taliban đàn áp. Người Afghan là nạn nhân của hai chế độ khác nhau trên quê hương, chế độ cộng sản và chế độ Hồi giáo cực đoan.
Bà Merkel là một người đàn bà giản dị và khiêm tốn, nhưng nhiều đối thủ chính trị lại rất nể trọng bà, họ đã truyền cho nhau một kinh nghiệm quý báu là “Không bao giờ được đánh giá thấp bà Merkel”.
Hai cụm từ trọng cung (supply-side) và trọng cầu (demand-side) thường dùng cho chính sách kinh tế trong nước Mỹ (đảng Cộng Hòa trọng cung, Dân Chủ trọng cầu) nhưng đồng thời cũng thể hiện hai mô hình phát triển của Hoa Kỳ (trọng cầu) và Trung Quốc (trọng cung). Bài viết này sẽ tìm hiểu cả hai trường hợp. Trọng cung là chủ trương kinh tế của đảng Cộng Hoà từ thời Tổng Thống Ronald Reagan nhằm cắt giảm thuế má để khuyến khích người có tiền tăng gia đầu tư sản xuất. Mức cung tăng (sản xuất tăng) vừa hạ thấp giá cả hàng hóa và dịch vụ lại tạo thêm công ăn việc làm mới. Nhờ vậy mức cầu theo đó cũng tăng giúp cho kinh tế phát triển để mang lại lợi ích cho mọi thành phần trong xã hội. Giảm thuế lại thêm đồng nghĩa với hạn chế vai trò của nhà nước, tức là thu nhỏ khu vực công mà phát huy khu vực tư.
Gần đây, chỉ một tấm ảnh của nữ trung sĩ TQLC Hoa Kỳ – Nicole Gee – ôm em bé người Afghan với thái độ đầy thương cảm thì nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đều phổ biến và ca ngợi! Nhân loại chỉ tôn trọng sự thật, trân quý những tâm hồn cao thượng và những trái tim biết rung động vì tình người – như nữ trung sĩ TQLC Hoa Kỳ, Nicole Gee – chứ nhân loại không bao giờ thán phục hoặc ca ngợi sự tàn ác, dã man, như những gì người csVN đã và đang áp đặt lên thân phận người Việt Nam!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.