Hôm nay,  

Lê Thiệp và Bạn Bè

09/07/201300:00:00(Xem: 4145)
Thế sự hồi đầu nhất dĩ không

Giang san vô lệ khấp anh hùng... (Phan Chu Trinh)

Ba ngôi trong vài Đạo tuy tương tự nhưng được gọi bằng tên khác nhau. Ấn Giáo (Hindu) cũng có ba ngôi và những tượng trưng chí thánh nầy có thể được hiểu là tam lực tiên thiên nhằm sáng tạo, duy trì và phá bỏ để cho cuộc sống có thể tiếp tục. Cả ba (sáng tạo, duy trì và hủy diệt) đều cần thiết cho mục đích tối hậu là bảo toàn dòng sống. Brahma là thần sáng tạo, có trách vụ phân chia các hình thức sống trên thế gian. Vishnu là thần duy trì cuộc sống trong khi Shiva là thần hủy diệt các biểu trưng hiển hiện của sự sống khi các biểu trưng đó bước vào trạng thái suy tàn. Shiva, như vậy, trở thành một công cụ tối cần cho quá trình chuyển biến. Như trong đạo Phật, Công Giáo, Tin Lành; tam lực tiên thiên được người theo Ấn Giáo coi là ba dạng của một đấng tối cao duy nhứt … là Đấng Tạo Hóa, là Thượng Đế, là Đức Cao Đài, là Phật, là Ông Trời ...

Bởi thế cho nên các tín đồ vẫn hay coi ba sức mạnh nầy là tối cần thiết để cuộc sống trên thế gian được mãi mãi tiếp tục. Tuy vậy vẫn thường thấy có người chống lại nhu cầu thay đổi mang tính bắt buộc đó. Nhứt là chống lại sự hủy diệt. Bởi thế nên có điều trớ trêu là trong đời, người được ca tụng là can đảm lại là những người “bất úy tử”, có ý thức và chịu chấp nhận tiến trình thay đổi tự nhiên đã nói. Họ được coi là những người quảng bác và nhờ vậy mà đã hiểu biết cái “lẽ thường” trong thời gian tại thế.

Ngay chính trong cuộc sống của mỗi người cũng có những dạng thay đổi để tồn tại nầy. Tiến trình đổi thay đó bao giờ cũng kéo theo nhiều áp lực. Và cũng là điều nghịch lý khi con người phải cố chịu đựng áp lực ấy trong cuộc sống để cuộc sống được tiếp tục. Nói cho đúng thì dù có muốn tiêu trừ áp lực đó – kiểu như các y sĩ vẫn thường khuyên chúng ta phải cố giảm căng kéo (strain and stress) – rõ ràng không ai có khả năng tiêu trừ hoàn toàn những căng kéo trong đời mình. Dĩ nhiên bất cứ ai muốn giảm sức căng kéo, mà sẽ hết sức tai hại nếu để nó tăng cao, thì chính người đó cũng phải trải qua nhiều thời gian tu tập. Tu tập gian khổ đến độ đã có người chết sớm chỉ vì muốn tu tập để giảm nguy cơ chết sớm.

Ghi lại, hơi dài dòng như vầy, chỉ để đưa đến một kết luận, tạm thời coi như một định đề, là cái chết, trên thực tế là cái cuối cùng không thể tách rời khỏi cuộc sống của mọi sinh vật. Có phần chắc là cái cuối cùng đó đã được Nó hiểu. Và đã rất can đảm chấp nhận. Lần gặp đó, trông Nó ốm, hom hem là đàng khác. Tôi hỏi, chỉ để mà hỏi “Sao, bị gì vậy?”. Nó trả lời nhát gừng y như lối trò chuyện thông cảm nhiều mà phát biểu ít, rất bình thường giữa hai thằng bạn thân từ quá lâu “Ung thư chứ cái đ.. gì?”. Và chỉ có vậy, nhếch mép, văng loại ngôn từ nầy thêm vài lần nữa … rồi im lặng. Câu chót Nó hỏi “Mầy uống không?”. Rồi đứng dậy vác ra một chai vang. Khui, nói “Uống không hết thì mầy cầm đi luôn nha”.

Đấy, cái lần gọi là đi thăm một thằng bạn thân mắc bịnh nặng, chỉ qua lại làm xàm với nhau được mấy phút. Thời gian còn lại chỉ nhằm câu giờ cho hai bà nói chuyện và hỏi thăm nhau. Họ có cái tài mà cả tôi lẫn Nó đều không có. Nhờ vậy mà tụi tôi mới xong được một bữa cơm chiều dài hơn hai tiếng đồng hồ. Nhìn Nó – chúng tôi, như Nguyễn Minh Diễm, Hoàng Xuân Trường, Nguyễn Mạnh Tiến, Phạm Trần, Đỗ Đình Duyệt, Nguyễn An Sơn và rất nhiều nữa, trước; và Hoàng Khởi Phong, Trần Trọng Thức và rất nhiều người nữa, sau tôi – có lẽ đều lo sợ là thần Shiva hình như đã khởi sự công việc bình thường của Ngài tuy không ai nói ra. Và bởi vậy mà cũng dễ hiểu khi chúng tôi nói chuyện với nhau bằng mắt nhiều hơn bằng miệng. Buổi gặp mặt có mục đích “cứu” tủ sách Tiếng Quê Hương là một trong vài dịp mà Nó nói nhiều trong thời gian gần đây. Trước cử tọa khi đọc bài đã soạn sẵn, lẫn khi trả lời những quan tâm của bạn bè, nhứt là các bà, hăng hái cố thuyết phục Nó chuyển qua uống nước lá đu đủ. Tôi không nghĩ Nó đã uống bởi tôi cho là Nó đã biết. Lay chuyển một người quyết tâm vì đã biết, không phải là chuyện có thể làm.

Hơn 30 năm xưa, ở một chợ Tết đâu đó trong vùng bắc Virginia, vừa mua xong một tờ báo Tết thì chợt thấy Nó từ đàng xa. Đó là lần đầu gặp lại sau cuộc đổi đời. Dĩ nhiên là từ hôm đó, đã có nhiều dịp hàn huyên. Dĩ nhiên là đã có lúc văng đủ thứ. Nặng thì thô tục như đã ghi. Nhẹ thì như lần Nó giáo huấn tôi về sự khác biệt giữa “rán” và “ráng” sau khi phán “Nam Kỳ tụi mầy ngu như bò ấy. Rán là chiên trong dầu mỡ. Còn ráng là cố gắng làm cái gì đó. Hiểu chưa em giai?”. Nói nào ngay, tôi đã quen với bản chất “ngu như bò” đó từ lâu rồi. Dầu vậy cũng vẫn đôi co “Ông cụ Nguyễn Hiến Lê cũng là dân Bắc Kỳ như mầy và ổng vẫn xài chữ rán trong sách ổng viết. Bộ ổng cũng ngu như tao sao?”.

Tuy nhiên mang Cụ Lê ra dọa vẫn chẳng làm Nó thay đổi. Nó vẫn “chắc như bắp” – cũng là chữ của Nó đấy – là tôi từ cha sanh mẹ đẻ vốn đã ngu. Bởi vậy mà lần gặp nhau cuối cùng, tuy không nói nhiều mấy, Nó vẫn nhắc “Mầy thì biết cái đách gì” khi tôi chỉ viên thuốc Nó đang uống và hỏi “Thuốc mới hả?”. Nó đã “hạ quyết tâm” rằng tôi ngu, thì cũng như sau nhiều trường hợp quyết tâm khác nhìn thấy sau nầy, Nó chẳng buồn thay đổi. Có người nói Nó ngoan cố và lì lợm. Tôi thì nghĩ Nó tự tin và nhiều can đảm. Chính đó, có lẽ là yếu tố giúp Nó thành công trên thương trường. Nhớ hoài khi manh nha ý định cùng Ngô Văn Bính, một người bạn cùng chí hướng và, coi như, là một ông em thân thiết, mở tiệm phở đầu tiên trong vùng Virginia chỉ “chuyên trị phở”. Nó hỏi

- “Bọn mầy có tiền đưa tao vay?”

- “Tiền đ... đâu. Mới dọn qua đây, chỉ có một mớ tiền mặt và vài món nữ trang. Mầy biểu bà O bả đưa cho”

Nhờ vậy mà từ đó trở đi, năm nào “hệ thống Phở 75” đóng cửa để cùng nhau tưởng niệm ngày 30/4, vợ chồng tôi cũng đều được mời dự sau biết bao lần đã ăn phở miễn phí nếu có dịp ghé ngang tiệm đầu tiên ở đường Wilson, rồi đường 50, rồi ở Maryland, rồi trên Philadelphia, rồi ở Herndon. “Phở 75” thành công, trở thành “Danh Trấn” ở “Hoa Đô” rồi được thiên hạ ùa nhau mô phỏng đến độ loại tiệm ăn “chuyên trị phở” nay đã có mặt nhan nhản trong vùng ven đô. Thành quả ấy do “Trời thương” đã đành. Nhưng nếu muốn nói một cách thực tế thì phải nhìn nhận là nhờ công khai phá một cách ngoan cố, với nhiều tự tin và can đảm của Nó và Bính. Nhớ hoài ngày đầu khai trương.

Thực khách nôn nóng xếp hàng dài trước cửa tiệm trên đường Wilson; đứng chờ với hoạ sĩ Ngọc Dũng – ông anh của Nó, Hoàng Xuân Trường và tôi – ông ND nói “Tụi Nó mở tiệm mà tao lo đến mất ăn mất ngủ”. Nhưng Nó dường như chẳng mấy lo. Hay Nó lo mà cứ tàng tàng chân ướt chân ráo bước vào doanh nghiệp như đã lững thững giữa đời từ đầu đời?!. Hay Nó biết chắc sẽ thành công, như lời một thằng em Nó nói “Ông ấy đúng là genius”?! Dù gì đi nữa thì sự thật là Nó đã thành công. Rất thành công. Bạn bè có thằng gọi Nó là “triệu phú” chỉ để thấy nó lề mề đáp “Chỉ triệu phú thôi à? Tỉ phú mới đúng chứ”. Cái lối ngoan cố chắc như bắp của Nó đã trở thành một nhãn hiệu riêng ở tiệm Phở, quen thuộc và đặc trưng đến độ một vài bà khách “lắm chuyện” đã phải nhận xét “Khách đông đến mấy cũng chẳng thấy ổng đi lẹ hơn”. “Chậm mà chắc”, nó nói “sẽ bưng được hết phở và cà phê đến bàn cho khách, không vênh không tháo tí nào, chứ ... mẹ, chạy cho nhanh thì cũng chỉ bưng được đến thế. Họ sốt ruột nhưng chắc chắn họ vẫn có ăn”

Thái độ đầy tin tưởng vào hành động của mình được nhận thấy rõ hơn trong giới bè bạn – mà Nó có đến cả ngàn – trong suốt giai đoạn từ lúc trưởng thành, khoảng đầu thập niên '60. “VN Ký Sự” mà bạn bè hay nhắc đến trong thời gian làm báo sau đó – gọi là “đi khách” ở Saigon – không thể có được, và thành công, nếu Nó không khởi xướng và đôn đốc bè bạn. Ai cũng có thể hình dung ra một dòng sông nhờ đã nhiều lần trông thấy. Nhưng liệu có được mấy người nhìn thấy, hoặc mường tượng được, nơi khởi nguyên? Ai cũng có thể hưởng được, và nhận ra, độ mát trong và ngọt ngào của dòng nước; nhưng có lẽ chẳng mấy ai biết được là nếu không có người bỏ công dọn sạch rác rến, cành lá, đất đai, xác chết của muông thú để khơi dòng ở ngay địa điểm phát nguyên – mà dĩ nhiên là rất nhỏ về kích thước so với chính dòng sông bao la vẫn nhìn thấy – thì sẽ chằng bao giờ có được những dòng nước, hay bờ bến, trong mát cho mình hưởng thụ. Sông Hồng, sông Hương, sông Cửu cứ được văn thi nhân ca tụng trong khi rất ít nghe ai nói đến nguồn nước của những mạch sống đó, nhứt là công lao của những người khơi nguồn.

Khối nước từ trong khe núi chảy ra vẫn được cho là của Trời. Dòng sông lặng lờ êm đềm trôi thì mọi người đều vui mừng tạ ơn Trời. Nó hùng hổ tràn bờ và hủy hoại mọi thứ, hoặc bỗng dưng khô cạn đi, thì bị gọi là thiên tai. Nhân họa ít khi được đề cập. Và nhân công – hiểu theo nghĩa công lao của người – thì thảng hoặc lắm mới được nói đến. Thử tưởng tượng nếu không có người khơi nguồn, và sau đó là duy trì cho dòng nước từng giây tuôn trào trong không gian giữa hai bờ, thì nhân loại có lẽ đã tuyệt diệt. Không phải đợi thần Shiva.

Biết ơn những người khơi nguồn chăng? Có lẽ nên. Những người bỏ công khơi nguồn đáng được coi là anh hùng theo ý ngu của tôi – một loại anh hùng vô danh, chẳng được mấy người biết đến – kiểu anh hùng mà người Mỹ vẫn gọi là “unsung heroes”. Ít nhứt cũng vì họ không chỉ làm để mưu lợi riêng. Thành thử người còn dư lệ trong giới bè bạn chắc cũng khó mà không buồn đến rơi nước mắt khi Nó ra đi tuy người ngoài có thể dè bỉu là chẳng qua chỉ vì bạn bè có quá nhiều thương tưởng riêng dành cho Nó:

Thế sự thôi rồi một cái không
Giang sơn hết lệ khóc anh hùng
(Học giả Trần Gia Thoại dịch câu sao lại trên đầu bài của chí sĩ Phan Tây Hồ)

Mà Nó không chỉ khơi phở ở miền bắc Virginia. Bánh mì nữa. Có điều là chắc chắn chẳng có ai biết trừ nó và vợ chồng tôi. Nhiều lần nhậu nhẹt, tôi đôi khi thổ lộ nỗi chán làm công chức. Chỉ là một mẩu chuyện nhỏ trên bàn rượu. Nhưng không ngờ câu chuyện đã đánh động cái đầu ưa thử thách của Nó. Một hôm đang ăn, Nó móc trong túi ra một phong bì đưa cho tôi, nói “Trong đó có….. Ra mở tiệm bán bánh mì đi. Tao sẽ lo order mọi thứ thịt nguội từ Cali. Mầy chỉ lấy bánh mì mỗi sáng rồi đứng bán. Lời ăn lỗ chịu nhưng tao bảo đảm chắc như bắp”. Xin mạn phép giữ kín con số. Chỉ xác nhận là nó lớn. Rất lớn so với đồng lương công chức quèn của tôi trước 1990. Rất tiếc là vợ chồng tôi không có gan, mau lạnh cẳng mà cũng không thích mạo hiểm. Nên đã từ chối. Để rồi không lâu sau đó, một đôi vợ chồng chịu chơi hơn đã ra mở đúng loại tiệm bánh mì dồn thịt mà Nó đã muốn tôi làm. Cũng ở đúng khu vực mà Nó đã dẫn tôi đi coi. Ông bà đó đã trở thành những người khai phá cho loạt nhiều tiệm bán bánh mì ba lẹ trong vùng. Và nghe nói họ rất phất. Cho tới tận giờ phút nầy. Mấy chục năm trước, giá tôi liều như Nó và có một tí óc kinh doanh của Nó thì chưa chừng tôi đã thành tỉ phú đô la (!) như Nó vẫn khoác lác bỡn cợt với bạn bè.

Kể những câu chuyện nầy công khai là đã vượt ra ngoài bản tính và mong muốn của Nó. Nó lặng lẽ và kín đáo giúp đỡ rất nhiều bạn bè. Nhưng chẳng bao giờ Nó kể cho ai nghe. Nó hành xử kiểu các bậc Thầy đạt đạo trong nhà thiền dù chưa thấy Nó thiền bao giờ. Trong sách, tôi thấy Nó viết chuyện một bậc được coi là chân tu. Rất khen ngợi vị nầy. Nhưng tôi lại có đôi chút quen biết với Ngài. Và nhận thấy rằng thật ra nhà tu được nó ca ngợi có vẻ còn kém đức hơn nó. Nó đóng lấy chiếc bè để qua sông rồi đốt ngay chiếc bè khi lên bờ. Không kể lể. Không nhắn nhe. Không nói gì thêm. Người thọ ơn Nó muốn kể lại thì đó là chuyện riêng. Nhưng tôi cũng chắc như bắp rằng nếu người nầy kể lại câu chuyện trước mặt nó, và có đông người nghe, thì sẽ chỉ nghe Nó phủ nhận “Mẹ, mầy tưởng tao ngu như mầy đấy à”. Người ngoài rồi ra có lẽ đều cho đó chỉ là một câu chuyện tưởng tượng. Nó hơi khác so với nhà tu mà Nó khổ công khen ngợi trong sách. Dĩ nhiên muốn khác như thế thì cũng hơi khó. Bỏ lại một cách không thương tiếc những thứ mà người đời coi là công lao của mình không phải là điều ai cũng làm được. Kể cả những người đã dày công tu luyện. Nhưng thử nghĩ, nếu cứ kè kè mang trên vai chiếc bè sau khi không còn thấy tí nước nào quanh mình thì chắc chẳng thể đi xa. Bởi vậy mà đốt đi là thượng sách. Cho nhẹ gánh. Và cho dễ tới niết bàn. Nó đã làm như thế và nó cũng muốn người thọ ơn Nó làm như thế. Hành động của Nó trông chẳng khác hành động các tộc trưởng Mayans trong phim ảnh: họ thiêu hết trong vòng lửa mọi thứ đã xử dụng mà không còn cần dùng nữa. Đối với các bộ tộc đó thì hành động của họ quả là một lối tái dụng (recycle) mà chúng ta bây giờ vẫn làm hàng tuần. Khác chăng là họ đã đi trước đến mấy ngàn năm. Tuy nhiên cũng có một chút khác biệt giữa chuyện Nó đốt chiếc bè và cũng đồng thời muốn bè bạn mà Nó giúp đỡ, đốt theo. Khác biệt đó là Nó đốt để quên. Còn bạn Nó đốt là để nhớ cái tính khí bao dung và hào hiệp hầu như là bản chất con người Nó. Ghi lại lần đầu câu chuyện bánh mì ba lẹ ở trên, đối với tôi, là để nhớ, biết ơn, và thương yêu Nó. Còn chính Nó, tôi nghĩ Nó đã quên tuốt từ khuya.

Thói quen của nhiều người là ưa kể lại công đức của kẻ từng ban ơn, hay cất nhắc mình. Và thói quen của đối tượng được nghe những lời khen ngợi đó là thỏa mãn đối với những gì mình đã làm. Bởi thế mới có những lời tâm sự, trong truyện, lẫn trong thực tế, rằng “Xét mọi chuyện đã qua, tôi nhứt định không đánh đổi cuộc sống tôi đã trải qua với bất cứ gì khác trong đời”. Dĩ nhiên là hữu lý nếu người đó thỏa mãn với những gì mình làm và những thứ được gọi là công đức mình đã tạo ra, cho người chung quanh, và nhứt là cho các bạn bè không mủ máu với mình. Có câu tôi muốn hỏi là liệu cứ tiếp tục làm mọi chuyện như đã làm, an nhàn và được ngợi khen, cứ thế, hoài hoài … có là điều tuyệt vời hơn tất cả mọi thứ hay không? Người Mỹ hay nói “If it aint broke, dont fix it” (Hễ nó còn chạy thì chớ đụng tới) và nhiều người hẳn sẽ đồng ý. Nhưng Nó dường như không nghĩ thế. Nó đã có tất. Nhưng không thỏa mãn và cứ muốn làm thêm. Chẳng khác gì tổ phụ tổ mẫu loài người trong Kinh Thánh cứ nằng nặc phải ăn cho bằng được trái cấm để thoát ra khỏi cái khuôn sáo nhàm chán, dù sung sướng và hạnh phúc (?), trong vườn địa đàng. Nó có đề cập vài dự tính – đúng hơn thì chỉ mới là những ý nghĩ – mà Nó định thực hiện. Ngay cả ở VN với vài người bạn cũ. Kể cả chuyện trồng cây và… làm vườn. Trên qui mô lớn chớ không phải chỉ là những mảnh vườn con con. Và làm chung với những bạn bè cũng nuôi mộng lớn như Nó. Tôi bàn “Đấy là thứ trái cấm mà đám đầu xỏ vẫn muốn ăn. Bọn có quyền và có súng đó sẽ chẳng để cho mầy ăn ngon đâu”. Có lẽ riêng lần nầy tôi không còn “ngu như bò” nữa nên đã không thấy giấc mộng lớn được Nó tiến hành.

Kể những điều nầy chỉ để nói lên cái tính xông xáo, thích khai phá, thích làm những chuyện mà ít người dám làm, hay muốn làm, của Nó. Và chỉ làm với bạn bè. Tôi nghĩ giá mà những dự tính đó được xúc tiến thì rồi ra có lẽ Nó sẽ còn làm thêm nhiều chuyện khác nữa. Vườn địa đàng coi bộ vẫn là quá nhỏ đối với Nó và bạn bè. Bởi Nó có quá đông bạn. Có người đã trách đám bạn, cho rằng vì đã để cho Nó quá lo toan nên Nó mới đi đến chỗ tiêu phí sức lực. Nhưng những ai vốn đã biết Nó thì đều có thể cam đoan rằng Nó sẽ không bao giờ là Nó nếu không có bạn và quan tâm đến bạn. Anthony Bourdain, một đầu bếp chủ nhà hàng, đồng thời một chuyên viên truyền hình nổi tiếng vừa chuyển từ Travel Channel sang CNN có lần đã nói “Hình hài của mình không phải là một ngôi chùa mà là một giải trí trường. Hãy cứ vui chơi đi đã”. (Your body is not a temple, its an amusement park. Enjoy the ride). Bourdain là người cùng nghề với Nó nhưng trẻ hơn cả giáp. Và những ai thích coi TV thì đều biết cái lối hưởng thụ “tới bến” của Bourdain: lúc nào cũng bập thuốc lá và lúc nào cũng có một ly rượu trên tay. Với cả đống bè bạn chung quanh. Bourdain đi mọi nơi. Ăn đủ mọi món ngon vật lạ. Uống đủ mọi loại rượu chiến và chắc đã phải hút (thử) mọi thứ thuốc ngon. Cả ma túy nữa cũng chưa chừng. Ăn, uống, hút và bạn. Hình như không mấy khác Nó (ngoài chuyện nó chưa từng làm TV). Qua điều Bourdain đã nói. Và nhìn thấy những gì anh thường làm. Tôi không nghĩ Bourdain sẽ còn gì phải hối tiếc khi đến kỳ. Cũng như Nó đã vừa nói “Ung thư chứ có cái đ.. gì”. Nghĩa là Nó cũng đã chẳng có gì hối tiếc. Có chăng là ở nơi vừa đến có thể sẽ không có bạn đông vui. Có thể cũng không có cả thuốc lá ngon với rượu hạp khẩu. Và, quan trọng hơn nữa, chắc sẽ không có người vợ trẻ cùng ba bé gái mà Nó đã ấp yêu 30 năm nay. Và hiển nhiên là Nó đã hết sức lo lắng trong những ngày cuối đời

… Vợ trẻ nương song bóng lê quạnh cọi,
Anh em mất một bạn hiền,
Lũ trẻ thiếu một thầy giỏi…

(Học giả Võ Liêm Sơn, qua đời năm 1947; Giáo Sư trường Quốc Học khóc một học trò tử nạn của mình)

Dù sao thì cũng sẽ sướng ở chỗ, biết đâu ở nơi vừa đến, lại chẳng được gặp những người từng một thời thân thiết. Có điều là cũng mong Nó thương hại anh Ngọc Dũng mà đừng mở thêm chi nhánh Phở 75 ở đó để ảnh lại một phen nữa lên ruột. Gặp lại, hàn huyên là đủ để vui như Tết rồi. Khỏi phải cám cảnh mà than như bạn bè ở đây: những kẻ chắc sẽ phải đôi lần than van vì thiếu Nó đúng như nhà thơ Vương Đức Lệ dường như đã nhìn thấy trước và ghi lại trong mấy vần

Bỗng nhiên thèm bạn hơn thèm rượu
Cùng luận bàn vui, chuyện vãn buồn
Quên cả thói hư cùng tật xấu
Cho lòng ta bớt chút cô đơn

Có điều là rồi thì bạn bè cũng đều sẽ đáo bỉ ngạn để gặp nhau ở bờ bên kia cả thôi. Nghĩa là Nó chắc sẽ không cô đơn lâu. Hoặc giả, nếu tin vào những gì mà ông đốc tờ Brian L. Weiss viết trong cuốn “Same Soul Many Bodies” thì biết đâu, một ngày không xa, bạn bè sẽ lại gặp Nó, y nguyên Nó, ngay trên hành tinh nhỏ bé nầy, trong một chiếc áo mới thay cho manh áo rách nó vừa vất đi? Công tác của Shiva bao giờ cũng vẫn là để chuẩn bị cho Brahma và Vishnu. Chắc như bắp sẽ là thế. Ngoài ra thì hẳn là Nó cũng không thể làm tất cả những gì muốn làm trong chỉ một đời người: cho chính Nó, cho người vợ yêu thương đã cả đời hi sinh cho nó, cho ba bé gái lúc nào cũng cần một người Thầy giỏi như Nó và dĩ nhiên, cho tất cả bè bạn của Nó. Đời nầy lẫn đời sau.

Nguyễn Thiên Ân (Tháng 7 năm 2013)

(Viết riêng cho Phương Mai, người đã tận tụy suốt đời cho chồng con.

And for Dĩ An, Dĩ Hòa & Quán Chi, in memory of the great Father who loved you three more than anything else in life)

(Do Nhà báo Phạm Trần, đại diện thân hữu của Lê Thiệp tiềp nhận và phổ biến để tưởng nhớ đến một Ký giả có lòng với mọi người.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Câu nói của cố thủ tướng Việt Cộng là Võ Văn Kiệt rằng ngày 30-4 có một triệu người vui và một triệu người buồn...
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.