Hôm nay,  

Thực Hư Về Đảng Cộng Hòa – Phần I

28/05/201300:00:00(Xem: 9402)
...Nếu giao thương với Trung Cộng là một cái tội, thì cái tội đó phải là tội của TT Clinton...

Mới đây, tác giả nhận được thư của một độc giả, chỉ trích tác giả khá nặng nề về cái tội “mù quáng theo đảng Cộng Hòa” chống lại TT Obama, chê tác giả “không đủ trình độ”, dốt đến độ phải ưu ái giới thiệu cho kẻ viết này đi học một khoá hàm thụ miễn phí. Thay vì phản biện từng điểm về những luận cứ của tác giả, thì vị độc giả đó lại liệt kê ra một danh sách gần hai chục “cái tội” của Cộng Hòa (CH). Vì ông ấy nghĩ tác giả là đảng viên trung kiên của CH.

Phải nói ngay, kẻ viết này không có quan hệ xa gần gì với CH, dù có rất nhiều điểm đồng ý với CH vì trên căn bản, tác giả có khuynh hướng bảo thủ gần với CH hơn. Nhưng CH cũng có vô số điều đáng chê. Như tác giả đã từng bàn trên cột báo này, không chương trình hấp dẫn, không lãnh tụ, tương lai CH chưa thấy gì sáng lạn cho cuộc bầu năm tới, hay cuộc bầu năm 2016.

Dù sao, quan niệm của tác giả từ trước đến giờ luôn là cá nhân người viết bài không quan trọng, mà quan trọng là những ý kiến, tư tưởng được trình bày. Tác giả có là CH hay DC hay vô học hay thậm chí là CS cũng không quan trọng. Quan trọng là quan điểm người viết trình bày nghe có hợp lý, hợp tình đối với người đọc hay không thôi. Đó cũng là lý do tác giả không nêu tên độc giả đó, cũng như không viết rõ ông là ai. Ông ta là ai không quan trọng, những ý kiến ông ta nêu lên mới quan trọng.

Bỏ qua chuyện cá nhân, tác giả thấy những điểm kết tội CH của vị độc giả đó phản ánh quan điểm chung của khối cấp tiến, đã được truyền thông dòng chính “nhai” (danh từ của vị độc giả) tới nhai lui từ lâu nay, chẳng có gì mới lạ, vì đều là những luận cứ kinh điển chống CH, và rất nhiều người đã chia sẻ cái nhìn này.

Tác giả cảm thấy nên bàn thêm về đảng này, không phải vì là đảng viên trung kiên sẵn sàng đứng mũi chịu sào làm liệt sĩ cho CH, mà chỉ để cung cấp cho độc giả một cái nhìn khác với quan điểm của truyền thông cấp tiến dòng chính mà vị độc giả đó đã lập lại nguyên văn, để quý độc giả có thêm dữ kiện nhận định. Gọi là rộng đường dư luận. Một độc giả hiểu biết, nhìn thấy được cả hai mặt của đồng tiền, là độc giả cần thiết nhất cho người viết.

Theo vị độc giả đó, CH có tới gần hai chục “tội”. Nhiều “tội” không quan trọng, có tính chi tiết, đặt ra cho có, cũng có tội được lập lại, từ một tội trở thành hai ba tội. Nhưng cũng có nhiều “tội” chính đáng, đáng bàn thêm. Ta hãy xét qua vài tội đáng bàn.

1. “CH là đảng do nothing ”.

Đây là luận cứ thông thường, được nhai kỹ nhất của phe chống CH, còn được gọi là “the Party of NO”, được tung ra từ khi TT Obama lên nắm quyền. Chỉ vì lý do giản dị là CH không chịu ngoan ngoãn “làm chuyện đúng” (do the right thing) theo ý của TT Obama, mà trái lại chuyện gì TT Obama đề nghị cũng nói “no” và không chịu làm theo. Trong truyền thống dân chủ của Mỹ, vai trò của đối lập là chống, và cái tài của người lãnh đạo là đi tìm thoả hiệp, đi tìm sự hợp tác của đối lập. Tìm được sự đồng ý của phe ta thì quá dễ rồi. Do đó, không tìm được sự hợp tác của đối lập là lãnh đạo dở, không thể đòi hỏi đối lập phải gọi dạ bảo vâng như trong các chế độ độc tài.

Vài ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức năm 2009, tân TT Obama nhận được lời chúc mừng của ông Eric Cantor, đại diện khối dân biểu đối lập CH, kèm theo một chương trình hành động của CH đề nghị. Một tuần sau, tân TT tiếp các đại diện đó. Ông đưa ra chương trình tổng quát của chính quyền mới. Ông Cantor nghe xong thì hỏi tân tổng thống sao không thấy một điểm nào do CH đề nghị. Câu trả lời của TT Obama đã đi vào lịch sử: “We won!”, diễn giải nôm na là “các anh đi chỗ khác chơi, chúng tôi thắng, làm gì thì làm”.

Chương trình của CH đề nghị, TT Obama đã cho vào nhà kho (danh từ lịch sự nhất), bây giờ lại nói CH không làm gì, không có chương trình gì.

Khi chính Washington Post mô tả TT Obama là tổng thống tạo phân hoá nhất lịch sử cận đại, thì trách nhiệm trong chuyện tê liệt bộ máy chính quyền là ở đâu?

2. “CH coi thường đàn bà, ..., không tôn trọng quyền tự do phá thai, ngay cả khi mang thai là kết quả của loạn luân, hãm hiếp và hay sự mang thai này có thể gây thiệt mạng đến người mẹ, không bao giờ nhận, thương và giúp đỡ ngay cả khi "món quà" thượng đế cho không may là "món quà" đi đường bị hư, bễ như bệnh tật,… Năm 1973 TCPV đã phán quyết rằng quyền hạn phá thai là hợp hiến.”

Không chấp nhận phá thai là một tư tưởng có căn gốc xâu xa từ những suy tư tôn giáo, nhân đạo, và nhân sinh quan. Cả trăm triệu phụ nữ trên thế giới không chấp nhận phá thai, do đó không thể đồng hoá chuyện chống phá thai với việc không tôn trọng phụ nữ. Tối Cao Pháp Viện đã phán quyết phá thai là chuyện hợp hiến. Đó là quyết định trên phương diện luật Hiến Pháp, không có nghiã phá thai đã trở thành tiêu chuẩn đạo lý mẫu mực không ai có thể chống.

Quan điểm của CH là không chấp nhận phá thai ngoại trừ những trường hợp loạn luân, hãm hiếp hay nguy hiểm đến tính mạng bà mẹ. Chủ trương chống phá thai tuyệt đối kể cả trong những hợp đặc biệt trên chỉ là quan điểm của một thiểu số cực đoan trong phe bảo thủ. Cũng tương tự như trong phe cấp tiến có thiểu số cực đoan cho phá thai ngay cả khi thai nhi đã nẩy nở thành một em bé trong bụng, vẫn chấp nhận cho bác sĩ thọc kim hay chính thuốc giết đứa trẻ đó rồi kéo xác ra.

Còn nói chuyện CH không có tình thương đối với “món quà đi đường bị hư”, chỉ cần nhìn vào đứa con út của bà Sarah Palin, ứng viên phó tổng thống của CH năm 2008. Đứa con đó đã được bác sĩ biết là bị bệnh Down (chậm phát triển) từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ. Nếu bà Palin có quan điểm cấp tiến, phá thai tự do, thì có lẽ đứa trẻ đó đã không bao giờ thấy được ánh sáng mặt trời và hưởng được tình thương của mẹ.

3. “CH kỳ thị và coi thường dân di cư, tị nạn, hay dân thiểu số”.

Nói về dân di cư là ám chỉ di dân Nam Mỹ, hợp pháp hay bất hợp pháp. Vấn đề mang màu sắc chính trị hiển nhiên, không phải là vấn đề kỳ thị màu da. Ai cũng biết dân di cư, dân tỵ nạn, và dân thiểu số, đại đa số là cử tri của đảng DC, vì thiên kiến, luôn cho rằng CH là đảng của nhà giàu, DC mới là đảng lo cho nhà nghèo, họ là nhà nghèo nên phải bầu cho DC. Do đó, DC chủ trương thu nạp càng nhiều dân thiểu số càng tốt vì càng tăng phiếu cho họ, trong khi CH muốn kềm hãm lại vì sợ thua phiếu. Không phải chuyện DC thương yêu mấy ông bà Mễ hơn CH. Thực tế không có ông bà chính khách nào thương ai hay kỳ thị ai hết. Mùi lá phiếu thơm nhất, đánh bạt mọi mùi vị khác.

Còn muốn biết thực sự CH và DC nghĩ sao về dân tỵ nạn thì chỉ cần nghe Thượng Nghị Sĩ Joe Biden tuyên bố trước Thượng Viện năm 1975 khi bàn về việc chấp nhận dân tỵ nạn Việt: tôi không muốn nhận bất cứ một người tỵ nạn Việt Nam nào vào nước Mỹ và tôi sẽ biểu quyết không cho TT Ford một đồng nào để giúp định cư họ tại Mỹ. Đa số thượng nghị sĩ CH đã bỏ phiếu chấp nhận cho dân Việt vào tỵ nạn, và dự luật của TT Ford được thông qua, cho phép hơn một triệu người Việt vào Mỹ tỵ nạn. Nếu khi đó, đa số nghe theo ông DC Biden thì ngày nay đã không có cộng đồng tỵ nạn Việt tại Mỹ.

4. “CH ngu dốt và vì vậy thường cuồng tín, giáo điều, chủ trương đem tôn giáo vô chính quyền”.

Nước Mỹ được thành lập một phần bởi những người muốn được tự do tôn giáo, chống lại những đàn áp tôn giáo của Anh Quốc, nhưng không có nghiã họ là vô thần. Tờ giấy dollar có ghi rõ châm ngôn của Mỹ “In God We Trust”. Tất cả các viên chức quan trọng, kể cả các tổng thống, đều tuyên thệ nhậm chức trên Kinh Thánh. Tất cả các chính khách, kể cả DC, đọc diễn văn đều kết luận bằng câu God Bless America. Tất cả đều xuất phát từ các vị lập quốc Mỹ (Founding Fathers) chứ không phải từ một nhóm “ngu dốt, cuồng tín” nào. Tất cả tổng thống đều phải làm gương, chăm chỉ đi nhà thờ thường xuyên, được báo chí chụp hình phổ biến khắp nơi.

Tôn giáo luôn luôn là yếu tố cực kỳ quan trọng trong đời sống Mỹ, kể cả trong chính trị. Trong tất cả các nước Tây Phương, không có dân nào sùng đạo bằng dân Mỹ. Dù vậy, Hiến Pháp quy định rõ ràng cách biệt giữa tôn giáo và chính trị, và chưa bao giờ một chính quyền Mỹ nào, dù DC hay CH, đã bị cáo buộc không tôn trọng tự do tôn giáo, hay mang “tôn giáo vào chính trị”.

Còn chuyện “CH ngu dốt” hay DC thông minh thì đó là nhận định cá nhân.

5. “CH coi thường Hiến Pháp và luật pháp, dối trá”.

Đúng là TT Nixon vi phạm Hiến Pháp và luật pháp, nhưng như vậy không có nghiã toàn thể đảng CH đều như vậy, nếu không thì phe DC trong quốc hội thời đó đã không đủ phiếu để đòi đàn hạch TT Nixon. Ông này phải từ chức vì hầu hết các đồng chí CH của ông đều muốn tuân thủ Hiến Pháp và luật pháp và không chấp nhận việc làm của lãnh tụ của họ, mà chấp nhận lột chức TT Nixon.

TT Clinton mang cô Monica vào Phòng Bầu Dục, dối trá với cả nước khi ra trước truyền hình khẳng định không có quan hệ tình dục gì, rồi nói láo khi dơ tay tuyên thệ trước tòa. Nhưng đa số thượng nghị sĩ DC đã biểu quyết vẫn chấp nhận Clinton làm tổng thống.

Còn chuyện TT Obama, cựu giảng viên luật Hiến Pháp, có tôn trọng Hiến Pháp và luật pháp, và có dối trá hay không hiện nay đang là dấu hỏi thật lớn qua ba vụ xì-căng-đan mà quốc hội đang điều tra. Cuộc điều tra chỉ mới bắt đầu. Chuyện Bộ Tư Pháp theo dõi ký giả của AP và FoxNews là chuyện mà đài truyền hình “phe ta” NBC gọi là “đến cả Nixon cũng chưa dám làm”.

6. “CH đối xử thợ thuyền như những tên nô lệ.”

Trong vấn đề thợ thuyền, sự khác biệt cơ bản là DC chủ trương bành trướng nghiệp đoàn trong khi CH chống lại.

Vai trò của nghiệp đoàn ngày xưa là một vai trò cần thiết để giúp các công nhân chống lại sự bóc lột của các chủ hãng xưởng, đồn điền. Ngày nay, vai trò của nghiệp đoàn đã thay đổi hoàn toàn. Quyền lợi của các công nhân đã được đủ thứ luật lệ bảo đảm, khó có thể bóc lột ai được. Nghiệp đoàn ngày nay đã trở thành những tổ chức áp lực –lobby group- nặng mùi chính trị, chủ yếu là công cụ tranh cử đắc lực nhất của đảng DC. Các thành viên nghiệp đoàn bị ép buộc đóng tiền, nghiệp đoàn tự động trích lương đóng niêm liễm dù công nhân đồng ý hay không. Một phần lớn số tiền đó được đưa cho các chính khách DC, phần còn lại để trả lương cao ngất ngưởng cho các lãnh tụ nghiệp đoàn. Trong cuộc tranh cử tổng thống vừa qua, cả chục ngàn thành viên nghiệp đoàn đã được tung xuống đường đi vận động cho TT Obama.

Trên phương diện kinh tế, những đòi hỏi của nghiệp đoàn đã trở thành gánh nặng quá lớn khiến cho kỹ nghệ Mỹ không thể cạnh tranh được với thế giới, không biết bao nhiêu đại công ty với nghiệp đoàn lớn đã bị phá sản vì mức lương quá lớn. Cả ba hãng xe của Mỹ đều là nạn nhân của nghiệp đoàn, đến độ gần phá sản, Nhà Nước can thiệp, không phải để cứu các đại gia chủ hãng, mà để cứu các nghiệp đoàn. Nói trắng ra, những nhân công trong các nghiệp đoàn xe hơi lãnh lương tối thiểu từ $20 đến $40 một giờ. Khi hãng gần xập tiệm vì không kham nổi mức lương đó, thì Nhà Nước can thiệp lấy tiền thuế của thiên hạ cứu họ để họ tiếp tục lãnh lương khổng lồ. Cứu họ, tức là cứu nghiệp đoàn, tức là cứu công cụ chính trị của DC.

Ủng hộ hay phản đối tình trạng này là quyền của mỗi người. Những người đi làm lương cỡ $10 một giờ có quyền phản đối chuyện họ phải đóng thuế để Nhà Nước trả lương $40 cho người khác.

7. “Khi ô Obama và đảng DC cũng như các gia đình, bà mẹ của nhưng nơi có con nít bị thảm sát tập thể lên tiếng có biện pháp kiểm soát súng, được 90% dân chúng ủng hộ thì đảng CH theo lệnh NRA chống đối mãnh liệt.”

Nói đảng CH “theo lệnh của NRA (National Rifle Association, hội những người sở hữu súng) chống đối mãnh liệt” là không hiểu gì hay bóp méo tổ chức chính trị Mỹ. Tất cả chỉ là tiền và đếm phiếu, chẳng có tổ chức NRA nào ra lệnh được cho ai hết. Ngay cả trong một chính đảng Mỹ, cũng chẳng có chuyện “đảng trưởng” hay “tổng bí thư” ra lệnh cho đảng viên. Tổ chức đảng phái ở Mỹ lỏng lẻo hơn cả kỷ luật của chợ cá.

Thượng Viện do DC nắm đa số đã biểu quyết chuyện này, và gần hai chục thượng nghị sĩ DC biểu quyết cùng với khối CH chống lại, 60 phiếu chống. Nếu 90% dân Mỹ ủng hộ thì khó giải thích được sao 60 nghị sĩ lại chống. Chẳng lẽ 60 ông bà này sợ NRA hơn là sợ thất cử kỳ tới? Nói chuyện kiểm soát súng đạn là chuyện được dân Mỹ hoan hô là không hiểu gì về văn hoá Mỹ.

8. “CH chủ trương buôn bán với TC để kiếm lời cho tư bản.”

Kẻ viết này có điều mù mờ không hiểu tại sao đây lại là “cái tội” của CH. Nước Mỹ là nước tư bản hàng đầu luôn chủ trương buôn bán với các nước khắp thế giới, kể cả Trung Cộng hay Congo hay Việt Nam, hay bất cứ nước nào khác trên hành tinh này, để kiếm lời cho tư bản, dưới các chính quyền nào cũng vậy, DC hay CH chẳng có gì khác. Tại sao đây lại là cái tội của CH?

Nếu giao thương với TC là một cái tội, thì cái tội đó phải là tội của TT Clinton, là người đã bắt đầu thương thảo với TC để mang TC vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO, cho dù điều đình mấy năm trời, mãi đến cuối năm 2001, dưới thời TT Bush con, TC mới được tổ chức này chấp nhận.

xxx

Vị độc giả còn nêu thêm nhiều ý kiến đáng bàn về CH, nhưng vì khuôn khổ bài báo có hạn, tác giả xin tạm gián đoạn đề tài bài viết lần này tại đây, để sẽ tiếp tục bàn thêm vài đề tài khác như Obamacare, Iraq, vào số báo tới. (26-05-13)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Ý kiến bạn đọc
20/12/201504:20:46
Khách
Bó tay với vị độc giả này.
Ý kiến ngược xuôi đúng sai là quyền của mỗi người, nhưng đã gửi thư phản biện và nhất là công kích người khác thì nên cố gắng khách quan và tôn trọng người khác hơn.
20/12/201504:17:48
Khách
Đọc mấy cái ý kiến của độc giả phản biện thấy thật bó tay, may gặp cao thủ còn trả lời rành mạch chứ gặp người khác chắc tức lộn ruột mất.
Ý kiến đúng sai ngược xuôi là quyền mỗi người, nhưng thiết nghĩ khi phản biện và nhất là công kích người khác thì nên cố gắng tôn trọng và khách quan hơn.
28/05/201317:27:53
Khách
Ông Vũ Linh viết rõ ràng rành mạch. Nhờ vậy, chúng tôi mới hiểu thêm về mặt thực của chính trị Mỹ. Xin cám ơn.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nghĩa trang quân đội Biên Hòa là một chứng tích lịch sử của quân lực VNCH còn sót lại sau cuộc chiến tranh Việt Nam
Kể từ năm 2003, giá dầu thô trên thế giới bắt đầu tăng dần từ khoảng 25 Mỹ kim/thùng đến 70 Mỹ kim/thùng vào tháng 6, 2006. Hiện tại giá dầu đang giao động khoảng 60 Mỹ kim
Chỉ một việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân công du Âu châu sẽ đến Vatican gặp đức Giáo hoàng Benedict XVI cũng trật lên trật xuống. Vào khoảng ngày 10/1 Hà Nội thông báo
Các lý thuyết về sự hâm nóng toàn cầu phát sinh từ cuối thế kỷ 19 do những nhà khoa học Thụy Điển trong khi quan sát sự thay đổi nhiệt độ của không khí bị ô nhiễm để rồi từ đó
Là nước thuộc địa nửa phong kiến, nhân dân Việt Nam chịu nhiều đau khổ do thực dân Pháp đô hộ và giai cấp phong kiến áp bức bóc lột. Các tầng lớp nhân dân
Đảng Cộng sản Việt Nam đang tự chui đầu vào thòng lọng cửa quyền quyền lãnh đạo bằng các giải pháp dân chủ giả tạo mà cứ nghĩ đó là cách tốt nhất để đưa Việt Nam thoát khỏi đói nghèo
Một ngày phiên chợ, u tôi mua về đôi gà nhỏ. Hai con gà: một trống, một mái, dáng còn bé tí teo, như vừa mới lìa đàn. Suốt ngày chúng cứ rúc vào một góc sân
CSVN âm thầm đem tượng Hồ Chí Minh vào trong chùa, tưởng rằng để cho dân chúng thờ lạy như cúng Phật. Dân chúng Việt Nam nghĩ khác. Đồng bào nói với nhau rằng Hồ Chí Minh
Chúng ta biết rằng đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN lúc đầu lấy tên gọi là đảng CS Đông Dương) ra đời ngày 3 tháng 2 năm 1930 đến nay đã 76 năm. Nhưng do các quan điểm sai lầm như
Đây là một chủ trương lớn vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc…tạo sự chuyển biến mạnh mẽ
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.