Hôm nay,  

Canh Bạc “Sequester”

05/03/201300:00:00(Xem: 8244)
...Sự thật không mầu hồng như TT Obama khoe...

Câu chuyện thời sự đang chiếm trọn các mặt báo chính là câu chuyện cắt giảm ngân sách của TT Obama. Ngày Thứ Sáu vừa qua là ngày mà theo luật do chính TT Obama ký, hàng trăm tỷ trong ngân sách sẽ tự động bị cắt.

Dĩ nhiên là mỗi lần cắt chi tiêu sẽ là có ảnh hưởng tai hại. Bất cứ cắt thứ chi tiêu nào cũng vậy. Cắt tiền già, tiền thuốc, tiền lương công chức, tiền tu bổ đường xá, tiền ráp tàu bay, tàu thủy, tiền xây trường học, hay ngay cả tiền xây nhà tù, ... Luật bình thường trong tâm lý con người, cái gì đã có thì khó bỏ đi. Những quyền lợi, lương cao bổng hậu, một khi đã nhận được thì không ai muốn hy sinh bỏ nó đi đâu hết. Hậu quả hiển nhiên là những cắt giảm sẽ gây bất mãn. Bố mẹ rộng lượng, xài sang, cho con cái mỗi đứa 100 đô xài cuối tuần chơi, bây giờ cắt giảm còn 10 đô, dĩ nhiên con cái sẽ la ó nhao nhao phản đối, mà không cần biết tại sao lại phải cắt như vậy?

Theo như thoả thuận, mức công chi sẽ bị tự động giảm 600 tỷ trong 10 năm, bắt đầu từ năm 2013 với 85 tỷ. TT Obama la hoảng là cắt như vậy sẽ là đại họa, trong khi phe Cộng Hòa thì nói đã có sự thỏa thuận về tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. Vụ thuế đã được phe Cộng Hòa nhượng bộ cuối năm ngoái khi thuế suất sẽ tăng cho những người có lợi tức trên 400.000 đô, mang lại cho Nhà Nước hơn 600 tỷ trong mười năm tới. Bây giờ đến phiên phe Dân Chủ phải cắt chi tiêu như đã thỏa thuận. Nếu quốc hội không có thoả thuận, không cắt gì, thì những cắt giảm chi tiêu sẽ tự động bị kích động như cả hai phe đã thỏa thuận và TT Obama đã ký thành luật.

Trở về quá khứ, mùa hè 2011, mức công nợ của Nhà Nước leo vun vút qua mức cho phép của quốc hội, bây giờ là lúc quốc hội phải cho phép Nhà Nước tăng mức nợ trần lên, tức là cho quyền đi vay mượn thêm. TT Obama dĩ nhiên muốn tiếp tục có tiền xài thả giàn, vì ông cho đó là phương thức tiếp tục phục hồi kinh tế, mang nước Mỹ ra khỏi khoảng kinh tế từ những năm 2007-08. Khối bảo thủ Cộng Hòa thì lo ngại tiêu xài kiểu này sẽ phá sản cả nước chứ chẳng phục hồi kinh tế gì hết.

Nhu cầu tăng mức nợ trần lại còn bị áp lực mạnh của giới đầu tư quốc tế. Nếu không cho phép Nhà Nước Obama đi vay mượn nữa thì ông ta sẽ không có tiền để trả những số tiền vay nợ đã đáo hạn, cũng như sẽ không có tiền trả tiền lãi trên hàng ngàn tỷ công khố phiếu của Mỹ đang rải rác khắp thế giới. Một cái vòng luẩn quẩn tự Nhà Nước Mỹ tròng vào đầu mình: không trả nợ thì không vay mượn được nữa, mà không vay mượn nữa thì không có tiền trả nợ.

Cả hai khối chính quyền và đối lập, tuy khác quan điểm về những nguyên tắc tài chánh và kinh tế, nhưng đều nhìn thấy nguy hại của nhu cầu tăng mức nợ trần. Khác biệt là ở điểm TT Obama muốn có quyền chi tiêu không giới hạn (ông đã từng công khai kêu gọi bỏ cái luật Nhà Nước muốn đi vay mượn phải xin phép quốc hội), thiếu hụt sẽ được bù đắp bằng cách đi vay mượn tiếp tục và đánh thuế “nhà giàu”; trong khi khối đối lập thì muốn Nhà Nước tiêu xài có trách nhiệm hơn, thắng bớt lại để cân bằng ngân sách, có nghiã là thu bao nhiêu chi bấy nhiêu, chứ không thể cứ tiếp tục thu ít chi vô hạn như bây giờ.

Hai bên giằng co nhau từ đầu năm cho đến mùa hè mà vẫn không có thỏa thuận gì hết.

Tháng Sáu năm 2011, ông Jack Lew, Giám Đốc Ngân Sách của TT Obama, đưa ra một “sáng kiến”. Yêu cầu quốc hội phê duyệt chuyện tăng mức nợ trần ngắn hạn, với điều kiện thành lập một thứ siêu ủy ban lưỡng đảng để đưa ra đề nghị cụ thể vừa tăng thuế vừa cắt giảm chi tiêu. Siêu ủy ban này sẽ gồm có các lãnh đạo của cả hai đảng tại cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện, và có hạn kỳ là đến cuối năm 2011 phải đưa ra giải pháp. Nếu không đưa ra được giải pháp nào để hai bên cùng đồng ý, thì đến đầu năm 2013, một mặt thuế suất của tất cả mọi người không cần biết giàu nghèo, đều sẽ tăng lên lại mức trước thời TT Bush, mặt khác chi tiêu sẽ bị tự động cắt giảm 600 tỷ, bắt đầu bằng 85 tỷ cho năm 2013, phần lớn là cắt chi tiêu quốc phòng nhưng cũng cắt nhiều loại chi tiêu khác. Việc tự động cắt giảm chi tiêu này được gọi là “sequester”.

Đối với Hành Pháp, đây hiển nhiên là biện pháp bán cái cho Lập Pháp, hay đúng hơn, cho Thượng Viện giải quyết bế tắc, sau khi những thương thảo giữa TT Obama và ông John Boehner, Chủ Tịch Hạ Viện, đã hoàn toàn thất bại.

Trước viễn tượng tăng thuế đồng loạt cho tất cả mọi người, và cắt giảm chi tiêu đồng loạt, kể cả chi tiêu quốc phòng và trợ cấp an sinh, TT Obama hy vọng cả hai bên sẽ phải tương nhượng để có giải pháp.

Lập Pháp chấp nhận “sáng kiến” này, và TT Obama chính thức ký tên lên luật mới, rồi lên truyền hình khoe công là đã có sáng kiến giúp giải quyết vấn đề, dù tạm thời, để tránh chuyện Nhà Nước có thể có tiền tiếp tục trả nợ và trả lương công chức. Ông cũng khoe đây là giải pháp có tính cân bằng –balanced- vừa tăng thuế vừa cắt chi tiêu để đi đến cân bằng ngân sách về lâu về dài.

Sự thật không mầu hồng như TT Obama khoe.

Siêu ủy ban của lập pháp thất bại hoàn toàn, chẳng đi đến thỏa thuận nào hết. Trên nguyên tắc, như vậy thì từ đầu năm 2013, tiền thuế sẽ gia tăng đồng loạt và chi tiêu sẽ bị cắt ngay cả trăm tỷ. Hai điều này hợp lại sẽ là đại họa kinh tế, đẩy nước Mỹ xuống cái mà báo chí gọi là “vực thẳm tài chính” –fiscal cliff-

Cuối năm 2012, hai bên tụm lại để giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt: tránh việc tăng thuế toàn diện. Đi đến thoả hiệp là tăng thuế cho những người có lợi túc trên 400.000, còn lại thì vẫn theo thuế suất hiện hữu của TT Bush. Cả hai bên đều khoe chiến công, TT Obama khoe đã tăng thuế được tụi giàu nhất, Cộng Hòa khoe đã tranh đấu giữ được mức thuế hiện hữu cho giới trung lưu có lợi tức 200.000 khỏi bị TT Obama tăng thuế. Kèm trong thoả thuận này là việc TT Obama đồng ý sẽ “cứu xét” việc cắt chi tiêu trước cuối tháng Hai, năm 2013.

Sau khi đạt được thỏa thuận về thuế thì đến việc điều đình cắt chi tiêu. Đến đây thì TT Obama thay đổi lập trường 180 độ.

Ông phủ nhận chuyện ông là tác giả “sáng kiến sequester” mà ông Jack Lew đưa ra, và cho đó là ý kiến của khối Cộng Hòa. Nhà báo lừng danh Bob Woodward, người đã từng khui vụ Watergate khiến TT Nixon phải từ chức, công khai viết sách, nêu đích danh TT Obama là chủ nhân ông của sáng kiến sequester. Ông nhà báo này còn viết rõ ràng đề nghị sequester này đã được ông Jack Lew và Rob Nabors, phụ tá liên lạc với quốc hội của TT Obama, đích thân trao cho thượng nghị sĩ Harry Reid, chủ tịch khối đa số Dân Chủ tại Thượng Viện vào lúc 2:30 trưa ngày 27 tháng 7 năm 2011.

Ở đây, có một chuyện bên lề đáng để ý. Sau khi nhà báo Woodward khẳng định những điều ông viết là sự thật bất chấp những chối cãi của TT Obama, thì ông Woodward cho biết Tòa Bạch Ốc đã cảnh cáo thái độ “bất thân thiện của ông Woodward sẽ đưa đến những hậu quả không tốt cho ông, và ông sẽ phải hối hận”. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc cải chính, nhưng lời cảnh cáo này đã được luật sư Lanny Davis, phe Dân Chủ, cựu phụ tá của TT Clinton, xác nhận là có thật, và báo Washington Times, là báo đăng tin của ông Woodward, còn có thể sẽ bị rút giấy phép vào Toà Bạch Ốc tham dự các họp báo của TT Obama, và ông Davis cho đó là điều thật đáng tiếc. Ngay cả trong những ngày bị ông Woodward khui chuyện Watergate khiến ông phải từ chức, TT Nixon cũng không bao giờ hăm dọa ông Woodward hay bất cứ nhà báo nào khác.


Chẳng những phủ nhận đứa con đẻ sequester, TT Obama còn đi xa hơn nữa, tố cáo sequester chỉ là con dao phay chặt thịt –meat cleaver-, sẽ đưa đến những kết quả cực kỳ tai hại.

Thái độ của TT Obama chỉ có thể được mô tả như là trắng trợn tráo trở. Năm 2011, khi mà “sáng kiến” sequester được đưa ra là lúc TT Obama và khối cấp tiến Dân Chủ vừa bị sao quả tạ chiếu khi cuộc bầu cử giữa mùa cuối năm 2010 đã giảm thế đa số Dân Chủ tại Thượng Viện, và trao đa số cho khối Cộng Hoà tại Hạ Viện. Trong thế yếu đó, TT Obama đã phải chấp nhận nhân nhượng, đồng ý cắt giảm chi tiêu. Bây giờ, sau khi tái đắc cử, TT Obama đã coi đó như là việc dân Mỹ đồng ý với chính sách tiêu xài của ông, và ông trở giọng, không chịu cắt chi tiêu gì nữa, mà chỉ nằng nặc đòi tăng thuế thêm. Bây giờ mà nói đến cắt chi tiêu là TT Obama mở ngay chiến dịch đe dọa dân Mỹ.

Toà Bạch Ốc mới đây cho phổ biến một danh sách dài lê thê những cắt giảm chi tiêu nếu phải thực hành cái sequester mà chính ông là tác giả. Danh sách theo từng tiểu bang một. Hàng trăm ngàn người sẽ bị sa thải, tiền trợ cấp an sinh sẽ bị cắt, an ninh quốc gia bị đe dọa vì bớt tầu bay, tầu bò, súng đạn, và vô số ảnh hưởng tai hại khác trên phương diện giáo dục, y tế, năng lượng, ... Ngay cả những chi tiết như các chuyến bay của hàng không dân sự sẽ bị chậm trễ, tắc nghẽn vì thiếu nhân viên kiểm soát không lưu. Điều miả mai đáng nói là TT Obama đã chỉ thị cho bộ trưởng Giao Thông Ray LaHood đưa ra lời hăm dọa này, trong khi ông LaHood lại thuộc đảng Cộng Hòa, cái này gọi là dùng gậy ông đập lưng ông! (Theo thông lệ trong nội các, bao giờ cũng có một hay hai người của đảng đối lập để chứng minh có hợp tác lưỡng đảng; ông LaHood là dân biểu Cộng Hòa trước khi nhận làm bộ trưởng Giao Thông cho nội các Obama).

Danh sách khiếp người. Chỉ có điều là đây chỉ là danh sách ... tưởng tượng để dọa thiên hạ. Danh sách thật, nếu có, sẽ còn phải chờ lưỡng viện quốc hội quyết định, chứ không phải do Tòa Bạch Ốc quyết định.

Có một số chi tiêu thực sự đáng bị cắt mà ông LaHood không nói đến. Chẳng hạn như mỗi năm, bộ trưởng Tư Pháp Eric Holder đi công vụ (70%) và đi chơi riêng tư (30%) bằng máy bay phản lực tư “hiện đại” nhất, Gulfstream V Jet, tốn của công quỹ gần sáu triệu đô, dĩ nhiên là tiền thuế chúng ta đóng. Thỉnh thoảng thì ông Holder cũng sợ bị chỉ trích, nên khi đi chơi riêng tư, cũng hoàn trả lại tiền theo giá vé thương mại bình thường đúng theo luật quy định. Chẳng hạn như tháng Mười Một năm 2010, ông đi du hý riêng tư từ Washington DC đi Nữu Ước bằng Gulfstream V jet, tốn gần 16.000 đô, và hoàn trả bộ Tư Pháp 420 đô, là giá vé máy bay dân sự đi từ Washington đến Nữu Ước. Theo báo cáo của Bộ Tư Pháp, trong số gần sáu triệu tiền công du nêu trên, thì ông Holder đã hoàn trả lại 47.000 đô, chừng 0,008%, đại khái cứ 10.000 đô thì ông Holder trả lại 80 xu! Ít ra thì cái “sequester” này sẽ buộc ông bộ trưởng đi ít hơn, dùng tàu bay rẻ tiền hơn, và hoàn trả chúng ta nhiều hơn. (Những chi tiết về công du trên là lấy từ báo cáo chính thức của bộ Tư Pháp nộp cho Văn Phòng Kế Toán Chính Phủ (GAO) tháng 2, 2013)

Một điểm quan trọng mà ít báo đề cập. Khi đề nghị sequester trước đây, TT Obama chấp nhận là đây chỉ là điều khoản liên quan đến cắt giảm chi tiêu thôi, và không lệ thuộc vào điều kiện tăng thuế nào hết, vì vấn đề tăng thuế sẽ được bàn riêng. Kết quả là giải pháp về tăng thuế đã đạt được cuối năm ngoái, như vừa nêu ở trên. Nhưng bây giờ, TT Obama một lần nữa lại đổi giọng, nói là mọi cắt giảm trong khuôn khổ sequester đều bắt buộc phải đi kèm với tăng thêm thuế nữa. Một điều kiện hoàn toàn mới lạ, chưa từng được thỏa thuận. Điều này, nhà báo Woodward gọi là TT Obama đã di chuyển cột thủ môn trong trận đấu –moving the goal posts-.

Một chuyên gia chính trị Dân Chủ, Patrick Caddell, cựu phụ tá của TT Jimmy Carter và PTT Biden, đã nhận định Obama là tổng thống giả dối nhất từ thời TT Nixon đến giờ.

Như cột báo này đã bàn qua, sau khi tái đắc cử, TT Obama đã cởi bỏ chiếc áo “đại đoàn kết tòan dân”, để hiện hình như là một tổng thống cấp tiến cực đoan nhất từ thời TT Johnson cách đây nửa thế kỷ. Qua hai bài diễn văn quan trọng khi nhậm chức và khi báo cáo tình trạng liên bang, ông đã hứa hẹn sẽ để lại một gia tài cấp tiến nhất cho hậu thế. Một gia tài với một Nhà Nước bao đồng, chủ trì tất cả mọi chuyện, tung tiền khắp bốn phương tám hướng, gọi là để phục hồi kinh tế, và giúp dân nghèo, nhưng cũng mang nặng hàm ý mua phiếu cử tri cho những chiến thắng chính trị ngắn hạn cho phe cấp tiến, mà không cần biết đến hậu quả kinh tế lâu dài cho đời con cháu.

Nhưng chiến thắng của TT Obama chỉ là một nửa của sự thật. Cái nửa mà TT Obama không nói đến là dân Mỹ cũng đã bầu cho đa số dân biểu bảo thủ Cộng Hoà để họ tiếp tục nắm đa số tại Hạ Viện, là chìa khoá hầu bao, tức là để kềm hãm bớt những cái vung tay quá trớn của tổng thống.

Trong những ngày qua, TT Obama đã đi một vòng các tiểu bang để vận động dân chúng, khiến phe bảo thủ tố giác tổng thống đang đi vận động chính trị cho giải pháp của ông chứ không muốn thương thảo với cấp lãnh đạo Cộng Hoà để đi đến giải pháp thực tiễn trung dung. Nhưng cuộc vận động có vẻ không thành công lắm. Theo thăm dò mới nhất của Fox, gần 60% dân Mỹ đồng ý là cần cắt chi tiêu để cân bằng ngân sách chứ không thể chi tiêu mút mùa vô hạn như TT Obama muốn. Việc TT Obama muốn qua mặt quốc hội, vận động thẳng với quần chúng, cũng như việc ông liên tục tố giác phe Cộng Hòa chỉ lo bảo vệ nhà giàu đã khiến nhiều lãnh tụ Cộng Hoà bất mãn, coi như thiếu thiện chí, và không giúp gì cho cuộc thương thảo.

Toàn bộ câu chuyện có thể nói là ... sặc mùi chính trị phe đảng. Một loại khủng hoảng phịa để lấy điểm với cử tri. Cả hai bên đang tranh cãi kịch liệt về chuyện cắt hay không cắt 85 tỷ chi tiêu cho ngân sách năm nay, trong khi tổng cộng ngân sách này là 3.600 tỷ, tức là đang tranh cãi ỏm tỏi chuyện cắt 2,3% ngân sách. Cũng tương tự như ông chồng đi làm 20.000 đô một năm cãi nhau, đòi ly dị bà vợ vì bà này không chịu cắt bớt tiền chợ 40 đô một tháng. Chưa kể chuyện 85 tỷ chỉ bằng tiền Nhà Nước tung ra cứu một công ty bảo hiểm AIG khi công ty này bị đe dọa phá sản cuối năm 2008 đầu năm 2009.

Khua chiêng gõ trống ầm ĩ một chuyện chẳng đâu vào đâu. Trừ phi đây là một cuộc đấu tranh ý thức hệ, với một bên chủ trương tăng thuế để Nhà Nước tiêu xài, và một bên đòi cắt giảm chi tiêu để giảm thuế thiên hạ. Thắng hay thua trong cuộc chiến này quan trọng hơn gấp bội con số 85 tỷ, vì hướng đi chính trị của nước Mỹ sẽ tùy thuộc vào kết cuộc trận chiến này. (3-3-13)

Vũ Linh
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: [email protected]. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Ý kiến bạn đọc
05/03/201311:12:20
Khách
Cám ơn tác giả Vũ Linh đã cho độc giả đọc một bài phân tích rất hữu ích về cắt giảm ngân sách liên bang tự động.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Từ lâu, cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã được công luận cũng như giới sử gia coi là phải cam chịu nhiều thất bại trên chính trường. Bằng chứng hiển nhiên nhất là sau một nhiệm kỳ tại chức, năm 1980, ông không được tái đắc cử, chuyện hiếm có trong lịch sử tranh cử tổng thống Mỹ...
Người xưa vẫn thường dùng câu “Nam Kha nhất mộng” hay “Giấc mộng Nam Kha” câu chuyện Thuần Vu Phần ngủ mơ dưới gốc cây, để chỉ về những thứ vô thực, hư ảo, vượt xa tầm tay với của con người. Thời nay, có vị tổng thống đắc cử, chưa chính thức lên ngôi, nhưng đang ôm mộng bành trướng diện tích quốc gia, bằng đô-la thay vì đánh trận. Tổng thống đắc cử Donald Trump bước vào mùa lễ lớn cuối cùng trong năm 2024 với quả quyết sẽ giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama (Panama Canal); đòi mua Đan Mạch và gợi ý Canada có thể trở thành tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ.
Trong lúc ông Tô Lâm đang ồn ào “giống trống lệnh” (phòng chống lãng phí) thì nhà báo & nhà văn Lưu Trọng Văn nhỏ nhẹ tâm sự: “Nhà lý luận Nhị Lê nói với gã … cái mà chúng ta đang lãng phí gây ra tổn thất lớn nhất chính là lãng phí niềm tin.” Bộ thiệt vậy sao? Sao các nhà (nhà báo, nhà lý luận, nhà văn .. ) lại cứ cố nói vớt vát (và nói lấy được) như vậy cà? Có còn ai tin tưởng tí gì vào cái chế độ hiện hành đâu mà lại đặt vấn đề lãng nhách và lãng xẹt, vậy Trời ?
Cuối năm là lúc con người nhìn lại về giá trị cuộc sống. Một bài viết trên trang mạng The Conversation nêu vấn đề về những vực thẳm chính trị, các cuộc chiến tranh, áp bức… và con người vì thế cảm thấy vô vọng và bất lực khi chứng kiến những thế lực đen tối diễn ra khắp nơi trên thế giới. Liệu chúng ta có thể làm được điều gì đem lại thay đổi trước những bi hoại này hay không?
Danh hiệu “Nhân Vật Của Năm” do TIME bắt đầu từ năm 1927 – theo truyền thống được trao cho những người có ảnh hưởng đáng kể trong các sự kiện toàn cầu, từ chính trị đến văn hóa, môi trường, nghệ thuật. Những người được chọn đóng vai trò như một “thước đo phong vũ” về sức lan tỏa trong xã hội đương đại. Ảnh hưởng đó, theo tiêu chuẩn do chính TIME đề ra, có thể là “for better or for worse – làm cho thế giới tốt đẹp hơn hoặc tệ hại hơn.”
Tiễn 2024, thế giới sẽ chào đón một năm mới 2025 mang theo cả bóng tối lẫn ánh sáng. Các cuộc xung đột, sự phân cực chính trị và những rủi ro khôn lường là lời nhắc nhở về sự bất ổn của thời đại. Nhưng đồng thời, khả năng phục hồi kinh tế, sự phát triển công nghệ, tinh thần hợp tác quốc tế, hơi thở và sự sống còn bất khuất của từng người mẹ, từng đứa trẻ vực dậy và vươn lên từ những đống gạch vụn đổ nát ở Ukraine, ở Gaza, ở Syria… cũng là cảm hứng và hy vọng cho tương lai nhân loại. Nhà văn Albert Camus đã viết: “Giữa mùa đông lạnh giá nhất, tôi tìm thấy, trong mình, một mùa hè bất khả chiến bại.”* Thế giới năm 2025, với tất cả những hỗn loạn, vẫn mang đến cơ hội để con người vượt qua và xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, tử tế hơn. Đó cũng là lời chúc chân thành cuối năm của toàn ban biên tập Việt Báo gửi đến quý độc giả: một năm 2025 tràn trề cơ hội và hy vọng.
Trong ba năm học gần đây, PEN America đã ghi nhận hàng loạt trường hợp cấm sách xảy ra trên toàn nước Mỹ, đặc biệt trong các trường công lập. Những nỗ lực xóa bỏ một số câu chuyện và bản sắc khỏi thư viện trường học không chỉ gia tăng mà còn trở thành dấu hiệu của một sự chuyển đổi lớn hơn, đặt ra câu hỏi nghiêm trọng về tương lai của giáo dục công lập. Việc kiểm duyệt này phản ánh một xu hướng đáng lo ngại: sự tập trung vào việc kiểm soát nội dung văn hóa và giáo dục, thay vì khuyến khích học sinh tiếp cận kiến thức đa chiều.
Syria đang sống trong một bước ngoặt lịch sử sau khi chế độ độc tài sụp đổ nhanh chóng và Bashar al-Assad trốn sang Nga để tị nạn. Các nhóm nổi dậy chiến thắng đang cố gắng duy trì trật tự công cộng và thảo luận về các kịch bản cho tương lai. Lòng dân hân hoan về một khởi đầu mới đầy hứa hẹn pha trộn với những lo âu vì tương lai đất nước còn đầy bất trắc. Trong 54 năm qua, chế độ Assad đã cai trị đất nước như một tài sản riêng của gia đình và bảo vệ cho chế độ trường tồn là khẩu hiệu chung của giới thân cận.
Các số liệu gần đây cho thấy những thách thức mà nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt để phục hồi kinh tế cho năm 2025, khi quan hệ thương mại với thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc có thể xấu đi cùng lúc mức tiêu thụ trong nước vẫn sụt giảm. Và thật sự thì nền kinh tế Trung Quốc tệ đến mức nào? Việc đặt câu hỏi này ngày càng trở nên hợp lý khi Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng sản xuất trì trễ và tiền tệ mất giá kéo dài trong những năm gần đây. Đặc biệt, chính quyền Bắc Kinh dường như không muốn công khai toàn bộ thực trạng.
Chiều ngày Thứ Ba 17/12, tòa án New York kết án Luigi Mangione 11 tội danh, bao gồm tội giết người cấp độ 1, hai tội giết người cấp độ 2 cùng các tội danh khác về vũ khí và làm giả danh tính. Theo bản cáo trạng, một bồi thẩm đoàn ở Manhattan đã truy tố Mangione về tội giết người cấp độ hai là tội khủng bố. Tòa đã kết tội hành động của Luigi Mangione – một hành động nổi loạn khó có thể bào chữa dù đó là tiếng kêu cuối cùng của tuyệt vọng.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.