Hôm nay,  

Luật Súng Hoa Kỳ: Thách Đố Trong Năm Mới

22/01/201300:00:00(Xem: 6252)
...Dường như có những thỏa thuận ngầm trong các cuộc tranh cử tổng thống, các ứng viên hiếm khi nào đối chất lẫn nhau về luật súng tại Hoa Kỳ. Trong khi các đề tài về kinh tế, ngoại giao, quân sự, y tế, giáo dục cho đến các vấn đề xã hội như đồng tính, phá thai đều sôi nổi giữa hai bên bênh-chống, luật súng vẫn là một vấn đề cấm kỵ và "bình yên", dù những vụ sát nhân hàng loạt đã liên tục xảy ra các năm qua. Nhưng từ sau vụ thảm sát các em học trò bé nhỏ và các cô giáo tại Connecticut, đề tài súng lại được người dân, chính khách, các tổ chức chống súng đạn và giới truyền thông bày tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ hơn. Chính phủ Obama xem ra đang phải đối diện thêm một bài toán của thế kỷ, dù đang phải nỗ lực để vực lại nền kinh tế Hoa Kỳ...

Với nước Mỹ, bên cạnh những văn hoá và giá trị đặc trưng của riêng mình, các nhà xã hội học, sử học còn đưa ra một loại văn hóa khác, là "văn hóa súng" (gun culture) gần gũi và quen thuộc với người dân Mỹ trong hàng thế kỷ qua. Dựa vào tu chánh án thứ hai trong hiến pháp Hoa Kỳ, người dân có quyền giữ và mang vũ khí mà không bị xâm phạm (the right of the people to keep and bear arms shall not be infringed). Cho dù súng đạn là một vấn đề gây tranh cãi nhiều trong xã hội và gắn liền với chính trị Hoa Kỳ từ nhiều năm qua, luật súng đã là một thứ "taboo" khó chạm vào, một phần vì hiến pháp như đã dẫn, và phần quan trọng hơn là, một giới tài phiệt đầy thế lực và giàu có trong kỹ nghệ súng đã có những ảnh hưởng khá lớn, lại được hậu thuẫn từ đảng Cộng Hoà, là đảng chống đối mạnh mẽ luật kiểm soát súng, để ngăn cản bất cứ luật kiểm soát hay giới hạn súng nào đưa ra.

Nhìn lại một dạng "văn hoá súng" trong truyền thống dân Mỹ, có lẽ phải quay ngược lại với lịch sử nước Mỹ, trở về thời kỳ giành độc lập, việc tụ tập các nhóm dân quân để tự vệ cùng những thói quen, sở thích săn bắn trong việc mưu sinh khi nước Mỹ chưa được đô thị hóa. Tại các trang trại, mỗi gia đình đều làm chủ nhiều khẩu súng và tích trữ đạn dược, vừa trong mục đích tự vệ, vừa để săn thú tìm thực phẩm. Súng là một biểu tượng của uy lực và nam tính, nên việc trang bị súng trở thành một thói quen đại chúng, đặc biệt tại miền Nam và Tây Hoa Kỳ. Từ nửa cuối thế kỷ 19, hình ảnh những "cowboy" cưỡi ngựa, bắn súng, chống lại thổ dân da đỏ là biểu tượng của một loại anh hùng nghĩa hiệp, về sau được tiểu thuyết hóa và điện ảnh tôn vinh, càng tạo cho người dân một cái nhìn thán phục, nên "văn hóa súng" ngày càng ăn sâu vào các thế hệ tiếp nối. Sở hữu súng trở thành một điều bình thường nếu nhìn theo khía cạnh văn hoá và truyền thống này. Tuy nhiên, một xã hội phát triển, đi kèm các vấn đề xã hội và bạo lực gia tăng, vấn đề súng ngày càng được nhìn khác đi.

Theo số liệu của tổ chức Small Arms Survey, dân Mỹ hiện đang sở hữu khoảng 270 triệu khẩu súng các loại, một tỉ lệ cao nhất thế giới tính theo đầu người, khi trung bình mỗi 10 người dân có đến gần 9 khẩu súng (số liệu 2007). Và cũng theo các số liệu đã được đưa ra như một hệ lụy tất yếu, nước Mỹ cũng là quốc gia phát triển có khoảng 100,000 người bị bắn mỗi năm và số người dân sự thiệt mạng vì súng đạn cao nhất thế giới. Súng không còn là vũ khí tự vệ, hay sử dụng trong săn bắn thể thao mà đã trở thành thứ vũ khí sát hại nguy hiểm cho xã hội. Nhất là luật cho mang súng nơi công cộng (concealed weapon) hay thậm chí tại tiểu bang Vermont, chỉ cần 16 tuổi đã được phép sở hữu súng trong khi tuổi uống bia rượu đến 21. Súng nổ trên đường phố, chốn công cộng, cho đến học đường như đã từng xảy ra trong quá khứ và vụ trường tiểu học Sandy Hook làm bàng hoàng người dân vừa qua. Cái chết của 20 thiên thần bé nhỏ cùng những câu chuyện về các cô giáo được xem là những người hùng, khi đã chống trả hay lấy thân che đạn cho học trò của mình, còn làm nhiều người ứa lệ khi nghĩ về nó. Không những chỉ những cá nhân, các tổ chức ủng hộ luật kiểm soát súng lên tiếng mạnh mẽ từ đôi tuần qua, mà các công ty, tổ chức thuộc về súng đạn cũng im lặng, hay đưa ra các thông cáo chung, xoa dịu sự phẫn nộ của người dân.

Như Hiệp Hội Súng Quốc Gia-National Rifle Association (NRA), một tổ chức được coi có quyền lực chính trị được xem là mạnh mẽ nhất Hoa Kỳ, khi tạo liên minh chính trị với đảng Cộng Hòa và các tổ chức, công ty vũ khí khác. Theo Washington Post thì cứ năm dân biểu quốc hội được NRA hậu thuẫn thì có bốn người đắc cử hay tái đắc cử. NRA từng hăm dọa các chính khách rằng, không cần biết với lý do gì, nếu có gan ủng hộ chuyện kiểm soát súng thì sẽ "biết tay" họ (If you dare to restrict gun rights, we'll come after you). Sau vụ Sandy Hook, NRA đã im lặng suốt bốn ngày và trang facebook của mình được đưa vào trạng thái ngưng hoạt động, NRA đưa ra thông cáo chia buồn cùng các gia đình nạn nhân cũng như cam kết sẽ "đưa ra các đóng góp ý nghĩa để ngăn chặn sự việc tái diễn", dù không nói bằng cách nào. Sau đó trong cuộc họp báo, NRA cho rằng cứ đưa súng cho người tốt thì sẽ tốt thôi, khi ngụ ý để thầy cô giáo mang súng vào trường học. Và hiện nay đang mở chiến dịch tấn công mạnh mẽ vào TT Obama dù luật kiểm soát súng chưa được chính thức công bố. Thật khó mà chối từ một nguồn lợi béo bở. Theo IBIS World thì kỹ nghệ súng tại Hoa Kỳ là một kỹ nghệ hốt bạc rất mạnh, khi tổng thu năm nay vào khoảng 11.7 tỉ đô la và lợi nhuận xấp xỉ một tỉ đô la, khi bán ra khoảng 6 triệu khẩu súng trong năm, cao gấp đôi so với một thập niên trước, không kể thêm vài triệu khẩu súng được xuất cảng sang các quốc gia khác. Như Texas, nơi mệnh danh "thiên đàng súng", số tiệm bán súng nhiều gấp năm lần số tiệm McDonald's. Một số lý giải cho rằng, kinh tế khủng hoảng làm gia tăng trộm cướp nên đã làm con số súng tiêu thụ được gia tăng. Cách nào chăng nữa thì, người dân Mỹ ngày càng "vũ trang" không thua kém quân đội.

Thái độ của công chúng Mỹ được phân chia ngang ngửa trong vấn đề kiểm soát súng. Theo thăm dò của Pew Research Center thì có 49% dân Mỹ cho rằng cần bảo vệ quyền sở hữu súng của người dân, so với tỉ lệ 45% cho rằng cần có luật kiểm soát súng. Và nếu chỉ có 27% người theo đảng Dân Chủ ủng hộ việc cho tự do mang súng thì có đến 72% người đảng Cộng Hòa ủng hộ việc này. Nên sau các vụ bắn người hàng loạt thì một bên lên án súng, một bên lại... đi mua súng. Số người mua súng sau vụ bắn người tại Colorado tăng vọt và chỉ ngay ngày Thứ Bảy tiếp sau vụ bắn tại Connecticut, một số tiệm tại các tiểu bang được ghi nhận đã có đến vài trăm người xếp hàng mua súng. Giới ủng hộ súng lý luận rằng nếu kiểm soát súng thì chỉ có người tốt bị thiệt vì không còn phương tiện tự vệ trước kẻ xấu, trong khi giới đòi kiểm soát súng cho rằng súng là nguyên nhân gia tăng các vấn đề bạo lực, hay một người rất bình thường nhưng vì có súng trong tay nên khi quẫn trí hay giận dữ có thể gây ra chuyện. Giới sinh viên học sinh đi học vẫn thường được cho đề tài luận văn rằng "Súng giết người hay người giết người?" (Guns kill people or people kill people?) , nhằm tìm hiểu một thái độ về súng của giới trẻ.

TT Obama được xem là có thái độ ủng hộ việc kiểm soát súng, nhưng chưa bao giờ có những hành động hay chính sách cụ thể nào. Trong khi đã và đang đối đầu với các chính sách về y tế quốc gia và thuế, đi thêm một bước nữa về vấn đề súng là thêm một gánh nặng đối đầu. Dù vậy, Obama cũng đã cho rằng sự phức tạp về vấn đề kiểm soát súng không thể lấy làm lý do để không làm gì và đã đến lúc phải hành động. Ông đã bổ nhiệm Phó TT Biden đứng đầu nhóm hành động để đối thoại cùng quốc hội và tìm một giải pháp chung về vấn đề súng. Ông cho rằng không chỉ một đạo luật nào đó có thể ngăn chận được tình trạng bạo lực mà còn cần đi kèm theo các vấn đề tâm lý, giáo dục, đạo đức trong xã hội. Nếu chỉ năm đầu tiên sau đắc cử, TT Bill Clinton đã mạnh tay với luật súng khi đưa ra luật đợi năm ngày trong khi FBI kiểm tra hồ sơ nhân thân và sau đó thành công với luật cấm bán súng sát thương hàng loạt như AK-47, AR-15, Uzi... có hiệu lực 10 năm (đã hết hiêu lực năm 2004 do sự vận động của NRA), thì bước vào năm mới này, liệu chính phủ Obama có thể tái lập được việc tương tự? Câu trả lời sẽ có kết quả chỉ trong đôi tuần tới đây. Bằng không, chắc chắn rằng những vụ giết người hàng loạt này khó lòng kiểm soát nổi.

Đinh Yên Thảo

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chất phóng xạ theo định nghĩa được chia làm hai loại: phóng xạ ion hóa và phóng xạ không ion hóa. Phóng xạ không ion hóa đến từ các dạng như ánh sáng, các làn sóng điện radio hay radar
Bài báo của phóng viên Martin Wisckol ghi nhận là năm 2000 chỉ có một vị dân cử gốc Việt tại Quận Cam. Vậy mà bây giờ có tới 10 dân cử gó6c Việt, trong đó 4 người mới thắng cử
Ở Việt Nam, năm 2006 ghi nhận hai sự kiện quan trọng nổi bật. Một là, Việt Nam được gia nhập WTO. Hai là, tổng thống Hoa Kỳ George Bush sang thăm Việt Nam nhân Hội nghị APEC 14
Sáng nay tiết trời Hà nội lạnh, không khí bị phủ một lớp sương mờ, không có ánh mặt trời. Ngày đầu tiên của năm 2007
Nhưng nếu không có sự đụng chạm giữa các nền văn minh, thế giới chúng ta cũng đang đối đối đầu trước một sự đụng chạm khác. Học giả Dominique Moĩsi, một cố vấn thâm niên của
Thời gian thắm thoát trôi, mới đó mà đã 22 năm kể từ ngày các Anh vĩnh viễn ra đi. Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại có rất nhiều đổi thay, nhưng các anh nào có biết! Hôm nay nhân ngày giỗ
tôi mong là từ năm nay, Hà Nội nên có chính sách văn minh hơn với người dân của mình. Đó là bình thường hóa quan hệ với người Việt Nam chứ đừng chỉ có sợ người ngoại quốc...
Gerald R. Ford, tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ, lên nắm quyền sau khi Tổng Thống Richard Nixon 
Tổng thống Ford là một người tử tế. Nhưng thiếu mưu mô... Trong một số báo đầu năm, chúng ta nên nói về chuyện tử tế. Không có gì tử tế hơn là nói về nhân vật đang được quốc táng
Căn cứ Khe Sanh nằm lọt giữa một thung lũng, các ngọn đồi bao bọc chung quanh, do đó đây không hẳn là một vị trí có thể quan sát bao quát hết các vị trí địch.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.