Hôm nay,  

Màu sắc chính trị

23/07/201100:00:00(Xem: 7627)

Màu sắc chính trị

Ngô lộc Thiện

Nhìn dưới một góc cạnh đơn giản, vận động chính trị, dù là tranh cử hay làm cách mạng, cũng tương tự như quảng cáo thương mại để bán một món hàng, càng nhiều người hưởng ứng thì càng dễ thành công. Mà ba yếu tố căn bản trong quảng cáo thương mại là đơn giản, dễ hiểu và dễ nhớ. Vì thế gần đây, câu nói “màu sắc chính trị” đã mang thêm cái ý nghĩa cụ thể của nó, vì còn gì đơn giản, dễ hiểu và dễ nhớ hơn là ...màu xanh, màu đỏ, màu vàng, màu cam v.v...

Hẳn chúng ta còn nhớ cuộc cách mạng màu cam ở Ukraine năm 2004. Ukraine là một nước cộng hoà trong Liên bang sô viết cho đến khi cộng sản Liên sô tan rã. Trở thành một nước độc lập nhưng đa số thành viên trong chính phủ vẫn là các đảng viên cộng sản cũ. Vì thế trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004, chính phù đương quyền tìm cách gian lận để đương kim Thủ tướng, ông Yanukovych, một cựu đảng viên đảng cộng sản Liên sô, được đắc cử. Cuộc cách mạng màu cam do đó bùng nổ với những cuộc biểu tình rộng lớn ở thủ "ô Kiev. Cuối cùng kết quả bầu cử bị huỷ bỏ và một cuộc bầu cử mới được tổ chức dưới sự giám sát quốc tế, đưa đến kết quà những người lãnh đạo cách mạng màu cam thắng cử và nắm chinh quyền. Tuy vậy, sự thành công của cách mạng màu cam không kéo dài quá một nhiệm kỳ. Do sự chia rẽ trong hàng ngũ lãnh đạo cách mạng màu cam trong thời gian cầm quyền, ông Yanukovych đã thắng cử và trở lại cầm quyền trong cuộc bầu cử 2010.

Tuy kết quả có khác nhưng cuộc cách mạng xanh ở Iran cũng nảy sinh trong một tình huống tương tự. Cuộc bầu cử tổng thống năm 2009 diễn ra với ứng cử viên hàng đầu là đương kim tổng thống Ahmadinejad và đối thủ là ông Mousavi. Chính phủ của ông Ahmadinejad cũng dở trò gian lận để thắng cử. Cuộc cách mạng xanh nảy sinh với những cuộc biểu tình ở thủ đô Tehran và các tỉnh, đòi hỏi điều tra những gian lận và xem lại kết quà bầu cử. Nhưng ở đây, lãnh đạo tối cao của Iran, Giáo chủ Khamenei đứng về phía ông Ahmadinejad và tuyên bố ông này thắng cử. Chính phủ Iran xử dụng lực lượng vũ trang đàn áp biểu tình và giúp cho ông Ahmadinejad ở ghế tổng thống cho đến ngày nay. Tuy nhiên gần đây có dấu hiệu lục đục giữa ông Ahmadinejad và ông Khamenei, nên có lẽ cuộc cách mạng xanh chưa hẳn là đã kết thúc.

Nói đến màu sắc chíng trị không thể không nhắc đến Thái lan. Những cuộc tuần hành trên đường phố mấy năm gần đây của phe aó đỏ (ủng hộ ông Thaksin), áo vàng (ủng hộ hoàng gia), áo xanh (quân đội Thái), đã khiến Bangkok, thủ đô Thái lan, đổi màu như một con tắc kè. Số là ông Thaksin, khi là Thủ tướng và đang công du nước ngoài năm 2006, thì ở nhà quân đội Thái mở cuộc đảo chính khiến ông hết đường về. Trong thời gian cầm quyền, ông Thaksin không được lòng hoàng gia Thái, một thế lực quan trọng trong chính trị Thái, và các tướng lãnh trong quân đội, một thế lực quyết định. Tuy nhiên, những chương trình y tế công cộng và tín dụng cho nông dân khiến ông được hậu thuẫn mạnh từ giới này và giai tầng lao động thành phố. Vì thế, sau cuộc đảo chánh, khi tổ chức bầu cử lại, phe nhóm của ông Thaksin lại đắc cử. Phe áo vàng ủng hộ hoàng gia không chịu thua cuộc, xuống đường biểu tình và chính phủ này lại sụp đổ. Khi một chính phủ mới thân hoàng gia được chỉ định thì đến lượt phe áo đỏ của ông Thaksin xuống đường. Cuối cùng một cuộc bầu cử mới lại được tổ chức vào đầu tháng bảy qua. Đang lưu vong ở Dubai với một bản an´ treo trên đầu, ông Thaksin không thể về tranh cử, nên cử người em gái của ông, bà Yingluck ra tranh. Kết quà phe áo đỏ lại thắng lớn khiến bà Yingluck sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái. Phe áo vàng không dễ gì chấp nhận thất bại này. Tuy nhiên các tướng lãnh Thái, sau lần đàn áp phe aó đỏ khiến gần 100 người thiệt mạng và bị quốc tế lên án, chắc sẽ e dè hơn. Hơn nữa đa số binh sĩ Thái xuất thân từ gia đình nông dân, nên tuy mặc áo xanh nhưng cảm tình của họ là cho áo đỏ, khiến các tướng lãnh Thái sẽ phải đắn đo hơn khi ra lệnh cho những người lính “xanh vỏ đỏ lòng” này làm đảo chính một lần nữa. Vì thế, trong một tương lai ngắn, bà Yingluck có lẽ chưa phải ngần ngại khi được mời công du nước ngoài.

Trở lại với nước Việt nam của chúng ta, thì người cộng sản đã chọn màu đỏ là màu sắc chính trị của họ rồi. Người quốc gia sẽ chọn màu xanh hay vàng thì chưa rõ rệt. Lịch sử gần đây cho thấy một trong những yếu tố đóng góp vào sự thất bại của người quốc gia khi đương đầu với người cộng sản trong đấu tranh chống Pháp dành độc lập 1945-1954 và bảo vệ miền Nam tự do 1954-1975 là sự thiếu đoàn kết trong hàng ngũ người quốc gia, dù là đảng phái chính trị hay là tôn giáo. Gần đây, sự thành công của phong trào dân chủ Ả rập tại những nước độc tài hàng mấy chục năm như Ai cập, Tunisia chứng tỏ khát vọng dân chủ không thể bị đàn áp mãi mãi. Sớm muộn gì cũng đến một ngày mà đảng cộng sản Việt nam, để tiếp tục tồn tại, phải chấp nhận một cuộc tranh cử tự do thật sự để người dân định đoạt quyền lãnh đạo đất nước. Lúc ấy, để đối chọi với người cộng sản đỏ, người quốc gia sẽ đoàn kết dưới một màu cờ sắc áo hay một tập hợp ngũ sắc cầu vồng" 

Ai bảo đây chỉ là một câu nói đùa "

Ngô lộc Thiện

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.