Hôm nay,  

Văn chương, văn hoá qua ngòi bút Việt kiều

16/05/201100:00:00(Xem: 7160)

Văn chương, văn hoá qua ngòi bút Việt kiều

buivanphu_h02_vb_batacgia-large-content: Các tác phẩm của Angie Châu và Andrew Lâm (ảnh Bùi Văn Phú)

Angie Châu, bên phải, Gs. Pelaud và Andrew Lâm trong buổi giới thiệu sách (ảnh Bùi Văn Phú)

Bùi Văn Phú

Chiều thứ Bảy 7.5.2011 tại thư viện Martin Luther King Jr. ở trung tâm thành phố San Jose có buổi giới thiệu sách của ba tác giả người Mỹ gốc Việt: Angie Châu, Andrew Lâm và Isabelle Thúy Pelaud với chừng 60 người tham dự, có những sinh viên trẻ, có quí cụ ngoài 70, có người ở Mỹ hơn 35 năm, người mới chân ướt chân ráo. Đa số là gốc Việt, chỉ dăm bảy sắc dân khác.

Trải nghiệm cuộc đời của nhiều người có mặt cũng là chuyện kể của hai tác giả Angie Châu và Andrew Lâm trong tác phẩm được giới thiệu. Riêng Isabelle Thúy Pelaud, người Mỹ gốc Việt-Pháp, phó giáo sư Đại học San Francisco State University nói về cuốn sách phân tích, bình luận văn chương Mỹ-Việt của cô.

Angie Châu với tác phẩm đầu tay Quiet As They Come [Nxb Ig Publishing. 2010. 199 trang] về quãng đời của cô từ những ngày đầu định cư ở San Francisco, khi mới học tiểu học cho đến một chuyến trở về Việt Nam 17 năm sau đó.

Tập truyện ghi lại đời sống, có thực pha lẫn hư cấu, của một nhóm thuyền nhân đến Mỹ cuối thập niên 1970, xây dựng lại cuộc đời từ một căn hộ trong khu đông người châu Á ở San Francisco. Nhà có ba phòng ngủ với 12 người lớn bé sinh sống. Chuyện mở đầu cho người đọc cảm giác khó phân biệt được từng nhân vật, như cuộc đời họ đã có nhiều xáo trộn qua những biến cố, như Elle, Michelle, Sophia, Marcel là tên mới của những đứa trẻ trong gia đình vì muốn che dấu quá khứ và lí lịch.

Lễ Độc Lập 4-7 đám trẻ con rủ nhau đi tắm hồ, gặp những cái nhìn không thiện cảm của vài người chung quanh, bị xịt nước. Không đủ tiền đi bơi, cũng không đủ tiền ăn quà, từ một quán pizza góc phố dăm đứa trẻ chia nhau miếng bánh, nhìn những đợt pháo hoa nổ trên trời mầu mè như những cây kẹo lolly pop. Vài năm sau, trước khi lên cấp 3, cũng Lễ Độc Lập, từ đỉnh núi Mt. Tamalpais Elle cùng đám bạn học nhìn xuống vùng Vịnh San Francisco với pháo hoa nổ như những hạt mầu rắc trên chiếc bánh. Giữa khoảng thời gian là tiến trình hội nhập vào đời sống và văn hoá mới. Đàn ông bắt đầu mê bóng cà-na. Mẹ cạo gió cho Elle tím cả lưng khiến nhà trường nghi ngờ có bạo hành trong gia đình. Từ căn hộ đông người sang một chung cư riêng cho gia đình với bàn ghế và ngay cả chiếc TV remote control cũng được giữ sạch trong những lớp bọc nhựa. Gia đình có việc làm, mẹ Hương lắp ráp linh kiện điện tử, bố Việt làm bưu điện. Trong những câu chuyện là hồi tưởng về chuyến vượt biển gặp nạn, con trai duy nhất chết, là quá khứ khá giả ở Việt Nam trước năm 1975 với bố làm viện trưởng đại học. Qua Mỹ ông sẵn sàng đi cắt cỏ, làm bưu điện, vừa đi làm vừa học lấy bằng kế toán. Ít nói, nhưng ông Việt phải nổi nóng khi đồng nghiệp da đen Melvin sàm sỡ chọc ghẹo đứa con gái mới 13 tuổi của ông. Sau hai người giảng hoà.

Rồi ông Việt mất việc vì lí do có bất đồng với đồng nghiệp. Sự kiện có vẻ cường điệu. Ở nhà, trong khi đi tìm việc mới, ông lo rửa chén bát, lau dọn, hút bụi. Con gái lên trung học, ông Việt tìm được việc làm kế toán, cả nhà cùng người thân ra công viên nướng thịt ăn mừng. Những đứa bé ngày nào chưa biết câu tiếng Anh, giờ thành Elle, Michelle, Sophia học giỏi và nghịch phá cũng không thua ai. Nghỉ hè chọn đi chơi vùng biển Mexico. Gia đình xem như đã hội nhập vào đời sống mới.

Bên cạnh câu chuyện chính của gia đình Elle là đan xen tình cảm của những cô chú, cậu dì từng ở chung nhà và bạn quen gia đình trong những ngày tháng đầu tại Mỹ. Dì Kim chồng còn ở Việt Nam. Xa mặt cách lòng. Trong tình cảnh đó nảy nở tình yêu thầm kín, Kim và Bảo, thèm muốn bộc phát qua những đan tay, qua hương tóc, những môi hôn nhẹ. Rồi chồng Kim là Đức cũng được đoàn tụ.

Trong tác phẩm, hình ảnh quê cũ thỉnh thoảng vụt hiện. Đà Lạt thơ mộng tình yêu, táo bạo thân xác. Miền quê bên gia đình nội với nhà cầu trên ao nuôi cá.

Mười bảy năm sau ngày vượt biển, tác giả cùng mẹ trở về Việt Nam. Đến thăm gia đình một người thân ở quê. Chú cô của Elle đã được cả nước biết vì có con trai mới 2 tuổi đã đọc vanh vách, được gọi là Bé của Phật, giống chuyện Thánh Gióng, được báo Giải Phóng Sài Gòn dành nguyên trang giữa viết về em. Tác giả nhầm tên chăng" Vì ở Việt Nam nay có nhật báo Sài Gòn Giải Phóng, cũng như Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mà tác giả gọi là thủ tướng. Những trang báo được người chú cất giữ cẩn thận. Cho đến khi Elle về thăm. Sau bữa ăn, hình ảnh của em bé thần đồng lại trở thành nạn nhân của cơn tiêu chảy.

Quiet As They Come với mạch văn trôi chảy, phong phú trong nhân cách hoá, tuy nhiên độc giả có thể dễ lạc giữa các nhân vật trong một nhóm gia đình thân quen với cách tác giả dựng nhân vật chính khác nhau trong từng câu chuyện.

Trong khi tác phẩm của Angie Châu xoay quanh một gia đình, East Eats West [Nxb Heyday. 2010. 169 trang] của Andrew Lâm ngoài gia đình tác giả còn lan ra một cộng đồng - người Việt - và sắc dân châu Á. Đây là tác phẩm thứ hai của Andrew Lâm sau Perfume Dreams.

Bài đầu tiên giới thiệu San Francisco Bay Area là vùng đất của mọi sắc dân hoà đồng chung sống, kết hôn không phân biệt mầu da, sắc tộc để nhiều khi một cá thể khó định được mình thuộc giống dân nào: Blaxicans, Cambofrican, Hindjews, Japoricans…

Tác giả viết nhiều về ảnh hưởng văn hoá châu Á đang thấm vào đời sống Mỹ, từ phim của Bruce Lee trước sản xuất ở Hồng Kông, đến Jackie Chan. Ngày nay, đạo diễn Ang Lee với Crouching Tiger là do Mỹ sản xuất, nói tiếng Hoa, phụ đề Anh ngữ và có đông khán giả người Mỹ. Ảnh hưởng của võ thuật Trung Hoa có trong phim của Jean-Claude Van Damme, của Tom Cruise. Yoga của Nhật nay là môn thể thao ở Mỹ. Nhiều hãng bảo hiểm y tế đã nhận phí tổn chữa bệnh bằng châm cứu. Văn hoá châu Á thể hiện qua những nhân vật huyền thoại của Nhật, từ Astro Boy trong thập niên 1970 đến Akira hiện được nhiều trẻ con Mỹ ưa thích.

Đời sống gia đình của Andrew phản ánh qua nhiều bài viết, phảng phất nét văn hoá Việt. Những ngày đầu tác giả học cấp 2 ở Mỹ. Sự lễ phép của học sinh đối với thày cô. Phụ huynh mong con học bác sĩ, dù con không thích, như tác giả tốt nghiệp cử nhân sinh hoá để chuẩn bị học y khoa, nhưng viết văn, viết báo lại là đam mê. Điều này làm ba mẹ tác giả không vui, nhưng giờ đã chấp nhận những thành công của con và tác giả còn muốn bay bổng lên nữa trong văn chương. Sau East Eats West, năm nay Andrew Lâm sẽ có tập truyện ngắn ra đời và anh đang viết một tiểu thuyết.

Văn hoá Việt qua ngôn ngữ của Andrew là phở, là thờ kính tổ tiên, ông bà, là đạo Cao Đài. Đời sống người Việt ở Mỹ là giới trẻ thành công trong công nghệ thông tin, trong bánh mì Lee's, là xe đò Hoàng nối liền nam bắc California với Las Vegas. Nghề "neo" rất phổ thông trong cộng đồng Việt, đặc biệt từ khi kỹ nghệ điện tử xuống dốc, không còn cảnh chồng tách, vợ li thì nghề này đi lên, nhưng lại vắng bóng trong những câu chuyện của Andrew. Một thiếu sót.

Sinh hoạt chính trị là hình ảnh tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ, là Trung tướng Lâm Quang Thi tư lệnh phó Quân đoàn I trong những ngày trước 30.4.1975, thân phụ tác giả, đến nay ông vẫn nhất định không về thăm lại quê hương, tương phản với nhà báo Andrew thường xuyên qua lại giữa hai bờ đông tây Thái Bình Dương, đem về quê nhà hình ảnh Việt kiều; đem qua nước Mỹ những vấn đề của Việt Nam, như súp hổ cốt, căng thẳng thần kinh; như ngôn ngữ mới: đi quậy, văn hoá tốc độ, nổ; những chuyện cổ tích sự tích trầu cau, Trương Chi Mị Nương và hòn vọng phu đã hơi lạc so với nguyên bản.

Chính trị cộng đồng Việt với những dân cử vươn lên vào đầu thiên niên kỉ. Thiếu chăng là biến cố chính trị Little Saigon ở San Jose gây chú ý cả nước Mỹ, nhưng không được nhắc đến, dù tác giả sống ngay cạnh thủ đô của người Việt ở miền bắc California.

Ngoài Angie Châu và Andrew Lâm giới thiệu và đọc một vài chuyện trong tác phẩm, Giáo sư Isabelle Thúy Pelaud từ Đại học San Francisco State University nói về văn học người Mỹ gốc Việt qua tác phẩm nghiên cứu: This Is All I Choose to Tell [Nxb American Literatures Initiative. 2010. 216 trang]. Theo cô, tìm hiểu về văn học của người Mỹ gốc Việt trong những thập niên đầu sau 1975 không có nhiều tác giả. Tại một hội nghị về văn học gốc Á vào thập niên 1980 chỉ có ba người gốc Việt tham dự. Khác biệt lớn trong văn học Mỹ-Việt là phần nhiều viết về quá khứ chiến tranh, những trải nghiệm đớn đau, đối chiếu với văn học Mỹ-Á nói chung thường về kì thị, đấu tranh giai cấp, giới tính, tình dục.

Khách tham dự có người muốn biết rõ hơn về nỗi đau của người Việt. Giáo sư xã hội học Hiến Đỗ của Đại học San Jose State University góp ý về sự thiếu vắng tác phẩm văn chương trong những thập niên đầu là vì vết thương, chấn động còn quá mới, cộng thêm những đương đầu với khó khăn hội nhập. Nhưng nay nhiều người có thể đã sẵn sàng kể lại.

Hỏi về cách dạy con, nếu có, khi nhắc đến sự khắt khe của bố mẹ - như Amy Chua - được ghi trong tác phẩm, Angie Châu cho rằng nếu có con cô sẽ chọn cách hay nhất của hai nền văn hoá để giáo dục chúng.

Một câu hỏi khác. Nét văn hoá Việt nào - ngoài chiến tranh, phở và áo dài - sẽ được giới thiệu để người Mỹ biết hơn về Việt Nam. Theo Andrew Lâm, đó sẽ là những điệu nhảy hip-hop và tình dục.

Chỉ thế thôi sao" Văn hoá và cuộc chiến Việt Nam không nhẽ không để lại một tác phẩm văn chương nào có tầm vóc hơn Những thiên đường mù hay Nỗi buồn chiến tranh"

Với một thế hệ nhà văn Mỹ gốc Việt đã ra đời, những Đào Strom, Monique Trương, lê thị diễm thúy, Jade Ngọc Quang Huỳnh, Đinh Linh, Dương Như Nguyện, Andrew X. Phạm, Lan Cao cùng Angie Châu, Andrew Lâm đem đến cho chúng ta hy vọng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.