Hôm nay,  

Nhu Đạo: Môn Võ Tự Vệ Vừa Hùng Tráng Vừa Đẹp !

06/04/201100:00:00(Xem: 10503)

Nhu Đạo: Môn Võ Tự Vệ Vừa Hùng Tráng Vừa Đẹp !

Chu Tất Tiến, HLV Nhu Đạo

Thường thường, dân một nước nào thì ưa chuộng môn võ của nước đó. Dân tộc Việt Nam chúng ta vẫn tự hào với các môn võ dân tộc như Vovinam, Võ Bình Định, Việt Nam Thiếu Lâm Thất Sơn, Hàn Bái Đường và nhiều môn khác… Môn Vovinam đã được dậy tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại Pháp, và hiện nay một số nước Trung Đông cũng đang luyện tập. Môn Việt Nam Thiếu Lâm Thất Sơn, hiện nay mỗi năm vẫn đem về gần 100 cái huy chương đủ hạng cân trong các cuộc thi đấu tại Nam California.

Còn Hàn Bái Đường, đã từng rạng danh từ những năm giữa thế kỷ 20 đến nay, với Tổ Sư Lê Bái đã tung hoành trên võ đài Trung Hoa không gặp địch thủ, hiện nay đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Võ Bình Định đã làm cho quân xâm lăng Bắc Phương hoảng sợ, nhưng vì chỉ được dậy trong số những võ sinh được lựa chọn về Tài và Đức, nên không được phổ biến rộng với người ngoại quốc.

Người láng giềng Trung Hoa cũng có lẽ là dân tộc hãnh diện với võ thuật của mình nhất và cho rằng các môn võ của mình vô địch, đặc biệt là Thiếu Lâm và Võ Đang có thể coi là Bá Chủ Thiên Hạ, tuy đã từng đại bại trước các tướng thời Đinh, Lê, Lý, Trần của ta. Dầu vậy, các thần tượng võ Trung Hoa trong các phim võ thuật luôn luôn thắng thế trước mọi môn võ của các nước khác. Hiện tại, các môn sinh Thiếu Lâm vẫn tổ chức đi biểu diễn vòng quanh thế giới và ngay tại địa điểm Chùa Thiếu Lâm Tự, các buổi biểu diễn vẫn được tổ chức để hầu tiếp các du khách.. Vài thập niên trước, tên Bruce Lee – Lý Tiểu Long với môn Tiệt Quyền Đạo (Jeet Kune Do) đã chiếm lĩnh hầu hết thị trường màn ảnh của người Trung Hoa. Gần đây có Jet Lee và Jackie Chan vẫn đang làm giới yêu chuộng võ thuật trong phim ảnh mê mẩn. Người Đại Hàn lại tự phụ với môn Tae Kwon Do chặt gỗ như chặt bùn của mình. Người Israel thì có Krav Maga. Dân Brazil mê mải với Capoeira và Jujitsu đến từ Nhật Bản.

Thái Lan tự hào với Muay Thái, một môn võ thiên về đá liên tục vào một điểm, đồng thời với các cú “khuỷu tay” ác liệt. Ngoài ra còn môn Kick Boxing cũng của Thái Lan, vừa đấm “bốc” vừa đá đang thịnh hành tại nhiều nơi trên thế giới. Dân Nga lại thích Sambo. Người Sikhs ở Ấn Độ rất hãnh diện về môn Gatka của mình. Trong khi đó, người La Mã lại mê mẩn với Greco-Roman, môn vật nửa phía trên thân người .

Với nước Nhật, hầu như mọi môn võ đều được ưa chuộng, vài môn còn được cho vào lịch thi đấu của quốc tế nữa như Nhu Đạo (Judo), Summo, và Karate. Còn các môn khác tuy chưa được trọng vọng trên võ đài quốc tế như Jujitsu, Hapkido, Kendo (Kiếm Đạo), Daito-ryu Aiki-jutsu, Aikido, Yseikan Budo, và Ninjutsu cũng được nhiều dân tộc ưa chuộng. Các lớp về Aikido vẫn luôn đông nghẹt môn sinh, vì đặc tính thích hợp cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là cho các thiếu niên.

Trong một phạm vi hạn chế, bài viết này xin trình bầy một vài khía cạnh của một môn võ Nhật Bản, Nhu Đạo hay Judo, vì đây là một môn võ chủ yếu là tự vệ, nhưng tự vệ một cách oai hùng, sấm sét. Những thế đánh của Nhu Đạo, nhìn vào thì thấy uyển chuyển, nhưng sức mạnh của từng thế đánh tay, đánh lưng, vai, hay chân lại rất công hiệu trong việc khống chế địch thủ rất nhanh.

Tổ sư Kano Jigoro (1860-1938) sinh trưởng trong một gia đình khá nổi tiếng. Khi ông được 14 tuổi, ông đã học Jujitsu, một môn võ khá độc đáo với những thế ác hiểm, và chỉ được dậy cho một số người chọn lọc. Tổ Sư Kano đã theo học Jujitsu với nhiều thầy dậy, và đã đạt được đẳng cấp cao trong môn võ này. Tuy nhiên, với một chiều cao tương đối và sức khỏe không được dồi dào, ông cảm thấy luôn bị những đàn anh to lớn đàn áp. Vì thế, ông luôn suy nghĩ, tìm tòi cho mình những thế đánh thích hợp, nhất là cho những người có sức vóc kém thiên hạ, vừa để chính mình tự vệ chống lại kẻ mạnh, và cũng để cứu người yếu đuối bị bắt nạt. Sau một thời gian nghiên cứu, ông đã sáng chế ra một môn võ mới, Judo hay Nhu Đạo (Lấy Nhu thắng Cương). Thưở ban đầu, môn võ của ông bị khiêu chiến dữ dội, vì không ai muốn có một môn võ mới làm mất đi danh tiếng của các môn võ cổ truyền, và Tổ Sư đã luôn phải đối diện và lâm chiến với mọi lời thách đố. Với các trận thắng rõ rệt, môn võ Judo từ từ chiếm lĩnh đỉnh cao trong giới võ học, và rồi đã được công nhận là một môn thể thao được tranh đấu trên võ trường quốc tế, Olympic.

Nguyên tắc căn bản của Judo hay Nhu Đạo là dựa trên sự mất cân bằng của đối thủ mà chiến thắng. Nếu gặp một đối thủ vừa to con vừa mạnh thì nhất định kẻ yếu sức hơn sẽ bại trận ngay. Do đó, Nhu Đạo không trực tiếp chống lại đối thủ bằng sức mạnh, mà phải lách né đòn tấn công của đối phương rồi tìm cách làm cho đối phương mất quân bằng, từ đó, sức mạnh của hắn sẽ giảm đi, và lúc đó là khi Nhu Đạo làm cho đối phương ngã lăn ra. Đây là lý thuyết chính của Nhu Đạo (ju yoku go o seisu.)

Nhu Đạo dựa trên hai phương pháp chính: Ném hay quăng địch thủ (nage-waza), và bắt giữ (katame-waza). Ném hay quăng trên nhiều vị trí: Ném bằng tay (đòn tay), ném bằng vai (đòn vai), ném bằng hông (đòn hông) và ném bằng chân (đòn chân). Tùy theo cách đánh của đối phương mà áp dụng. Tất cả các thế ném đều được tính toán trên sự vận động các từng phần cơ thể, sao cho một người yếu và nhỏ con có thể lách tránh tay đấm, chân đá của đối phương rồi nhấc bổng đối phương lên và ném bung ra xa. Với đòn Kata, một người vừa phải có thể chụp lấy hông một đối thủ to gần gấp hai mình, giơ thẳng lên trên đầu rồi quât xuống như vật một bao cát.

Phương pháp bắt giữ gồm chụp và đè đối phương làm cho đối phương hết cựa quậy và có thể bị nghẹt thở. Chụp và đè có nhiều cách, hoặc xiết cổ từ đằng sau, xiết cổ từ đằng trước khi đang đứng đối diện nhau, xiết cổ nằm sấp hay nằm ngửa. Với người nhỏ con mà muốn xiết cổ đối phương lớn gần gấp hai mình thì có thể búng người lên, chụp lấy cổ áo của đối phương mà xiết đứng ngay trước mặt. Những đòn đè cũng được tính toán từng động tác sao cho sau khi bị đè và xiết cổ, đối phương chỉ có thể giơ tay đầu hàng, nếu không muốn bị nghẹt thở.

Điều đặc biệt là Nhu Đạo không chủ trương làm cho đối phương tắc thở ngay sau khi bị đòn đầu tiên, mà luôn luôn có một chút nương tay, để đối phương có thể quy hàng. Nếu chỉ muốn “giáo dục” đối phương bị “hoảng” mà ngưng tấn công, một võ sinh Nhu Đạo có thể chỉ ném đối phương gần tới mặt đất thì lại kéo lên, không để nguyên con đập xuống đất thì gẫy hết xương, nhất là xương sọ và cổ. Hoặc sau khi xiết cổ, bẻ tay đối phương hết cựa quậy thì lại buông ra cho đối phương có dịp xin thua. Chỉ trừ trường hợp bị tấn công như vũ bão với vũ khí mà thấy là nếu không nhanh tay, thì mình cũng chết, lúc đó, võ sinh Nhu Đạo mới đánh hết sức mình, chụp được đối phương là ném liền trong vài giây, không nhân nhượng. Còn thường thì khi thấy đối phương chỉ muốn khoe sức mạnh, muốn ăn hiếp, muốn tranh thắng chơi, thì võ sinh Nhu Đạo không cần dùng những đòn ác liệt mà chỉ áp dụng những thế làm cho địch thủ té nằm dài, đau chút chút mà thôi.

Hiện nay, ở Thủ Đô tị nạn, có rất ít lớp học Nhu Đạo, có lẽ vì thanh thiếu niên thích đấm đá nhiều hơn. Tại Westminster, có lớp Judo do Võ Sư Patrick Đoàn, thế hệ người Việt thứ hai, từng đoạt Huy chương Vàng USA, mới thành lập tại góc McFadden và Ward. Ngoài ra, tại thành phố Garden Grove, có một lớp Nhu Đạo do Sensei (Đại Võ Sư) người Brazil, Juan Montenegro, Đệ Lục Đẳng, từng vô địch Judo tại Brazil làm Giám Đốc Huấn Luyện. Võ đường nằm khiêm tốn tại góc Cerritos và Euclid. Các môn sinh tại đây được huấn luyện bởi nhiều võ sư (Brazil, Nhật, Mỹ, và Việt) từ Lục Đẳng, Tam Đẳng và Nhị Đẳng huấn luyện.

Môn võ Nhu Đạo rất thích ứng với những ai chỉ muốn tự vệ hoặc muốn cứu đời, mà không muốn khoe khoang. Những thế lách tránh, chụp, ném của Nhu Đạo rất nhanh, khiến người nhìn vào tưởng như là đang múa, nhưng lại trông rất hùng tráng. Trên hết là một nguyên lý mà các võ sinh phải luôn tuân theo: “Thắng không kiêu, bại không nản”. Đó là những điểm khiến Nhu Đạo trở thành một môn võ thích hợp với người Việt không mạnh lắm và thiếu kích thước, nhưng lại có một ý chí rất cao.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Những ngày tháng  vừa qua, xã hội VN đã có bước đổi thay rất lớn, mang một tính chất bước ngoặt cho việc xây dựng xã hội
Mấy tuần lễ này, giữa cái vui tưng bừng của Lễ Giáng Sinh, của ngày đầu năm mới 2008, và cũng là những ngày rạo rực đón Tết Con Chuột
Thực tế, nếu chỉ nói hay viết về một chương trình ca vũ nhạc kịch với những giọng ca điêu luyện hay các điệu vũ quyến rũ, và ngay cả màn thoại kịch
Trong những ngày lưu  lạc tha hương, hai tiếng “Quê hương” như một nhắc nhở đêm ngày, những hình ảnh thân thương
Câu hỏi thời thượng trong mùa bầu cử tổng thống hiện nay là: Hillary Clinton (Dân chủ, New York) hay Barack Obama (Dân chủ, Illinois)"
Chúng tôi nhận được bài viết này do một nhân vật ở Hà Nội gửi. Chính ông cho biết mỉnh là một giáo sư tiến sĩ đang giảng dậy tại một Đại học ở Hà Nội
Những dịp chuyển sang một năm mới, một thế kỷ mới, một ngàn năm mới, con mắt mỗi người tự nhiên mở rộng tầm nhìn
Hoa mai là loại hoa nở đầu tiên trong mùa Xuân. Nói đến mùa Xuân người ta liên nghỉ đến hoa mai
Khoảng 80 Tăng Ni Cư Sĩ đã họp Đaị Hội Bất Thường tại Quận Cam các ngaỳ cuối tuần qua
Mạng ''Chứng nhân lịch sử'' vừa treo giải ''Lưỡi Vàng'' cho những câu nói hay nhất trong năm con Lợn - Đinh Hợi. Phải là những câu nói xuất sắc
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.