Hôm nay,  

Giá Cả Đảo Chiều

18/11/201000:00:00(Xem: 12065)

Giá Cả Đảo Chiều

Việt Long RFA-Nguyễn Xuân Nghĩa

...nước ngoài vào VN lỗ nặng vì chứng khoán VN xuống mạnh, họ đã lỗ 57%...

Sau một tuần lên cơn số giá làm mọi người bị chấn động, vàng đã lại tụt giá mạnh ở Việt Nam. Từ hơn 38 triệu đồng một lạng vào ngày mùng chín nay đã sụt hơn ba triệu đồng. Một trong nhiều yếu tố hạ nhiệt cơn sốt là sự sụt giám giá vàng trên thế giới. Nhưng, sự sụt giá này lại đi cùng việc Mỹ kim tăng giá và còn liên hệ tới nhiều biến động tài chính tại Âu Châu lẫn mối nguy lạm phát tại Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế trao đổi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về hiện tượng giá cả đảo chiều bất ngờ như vậy trong chương trình do Việt Long thực hiện sau đây.
Việt Long: Tuần qua, giá vàng tại Việt Nam đã tăng vọt và còn cao hơn giá vàng thế giới. Thế rồi từ hơn 38 triệu đồng bạc Việt Nam một lượng, giá đó lại sụt hơn ba triệu đồng khiến một số nhà đầu cơ bị phỏng tay mất tiền. Biến động giá cả trong nước có lúc đi ngược với chuyển động giá cả của thế giới, và được giải thích một cách có thể nói là rất lộn xộn. Vì vậy kỳ này nhờ ông giải thích giúp một số thông tin về sự tương quan giữa giá cả thế giới với giá vàng, giá đô la và tiền đồng trong nước
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết, ở Việt Nam, chúng ta có các nhà đầu cơ, tức là những người đầu tư để kiếm lời nhanh nhưng sẽ gặp rủi ro lớn. Đầu cơ khác với đầu tư là như vậy mà thôi. Thứ nữa, ở Việt Nam, các phương tiện đầu tư ngắn hạn như vậy thật ra không có nhiều. Loại tài sản có thể đầu cơ thì chủ yếu chỉ có vàng và đô la. Trong khi phương tiện trao đổi và lưu giữ giá trị tài sản chính là đồng bạc Việt Nam thì lại không được tín nhiệm và càng ít được tin cậy vì nguy cơ lạm phát ngày càng cao. Thậm chí, người ta còn chờ đợi là đồng bạc sẽ còn bị phá giá so với đô la. Vì vậy, thị trường Việt Nam bị kẹt trong một tam giác đầy bất ổn.
Việt Long: Thưa ông thế nào là tam giác đầy bất ổn"
Nguyễn Xuân Nghĩa. - Đó là tam giác giữa đồng Mỹ kim, giá vàng và đồng bạc Việt Nam.
- Việt Nam là nơi hy hữu mà Mỹ kim không sụt giá như trên thế giới, nhưng lại tăng giá vì những yếu tố nội tại ở Việt Nam. Đó là nạn nhập siêu về ngoại thương, là cách ấn định tỷ giá đồng bạc quá cao, có thể là hơn 15% so với hối suất thực tế trên thị trường tự do, và nhất là rủi ro lạm phát ngày càng rõ rệt. Khi Mỹ kim sụt giá trên thế giới, giá vàng tất nhiên là tăng nếu tính bằng đô la và tuần trước đã vượt kỷ lục là hơn 1.400 đô la một troy ounce. Nhưng tại Việt Nam, vì vàng vẫn là phương triện trao đổi và tồn trữ tài sản phổ biến và vì đô la vẫn tăng giá nên thị trường đầu cơ mới đẩy giá vàng trong nước còn cao hơn giá vàng quốc tế. Chung quy mọi chuyện vẫn tùy thuộc vào sự tín nhiệm rất thấp của thị trường vào đồng bạc Việt Nam, là cái cạnh thứ ba của hình tam giác. Nếu tính ra "tỷ giá chéo" - hay "cross rates" giữa ba loại tài sản này, giữa vàng với đô la, đô la với đồng Việt Nam và giữa đồng bạc Việt Nam với vàng, thì mình có thể suy ra những xê xích về giá cả có khi trái ngược với thế giới.
Việt Long: Bây giờ, giá cả của hai loại tài sản phổ biến là vàng và đô la bỗng dưng lại đổi trên thế giới cho nên có phải là nay mai sẽ lại dội ngược vào Việt Nam hay không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy. Từ Tháng Tám, thế giới đã dự đoán là Mỹ kim sẽ còn mất giá sau khi Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ bật tín hiệu cho biết là họ có thể sẽ lại phải áp dụng một lần nữa biện pháp in bạc bơm vào kinh tế, gọi là "tăng mức lưu hoạt có định lượng" hay "quantitative easing". Khi ấy, người ta chưa biết là đích xác Mỹ sẽ bơm thêm bao nhiêu, nhưng kết luận là Mỹ kim sẽ sụt giá. Hôm mùng ba tháng này, Ngân hàng Trung ương Mỹ mới thông báo sẽ bơm thêm 600 tỷ đô la trong vòng tám tháng tới. Quyết định ấy khiến vàng lập tức lên giá rất mạnh. Nhưng, như chúng ta có trình bày hôm mùng ba đó, là cách đây hai tuần, ngân khoản 600 tỷ này thật ra không nhiều, bình quân chỉ là thêm 75 tỷ mỗi tháng, so với khối tiền tệ lưu hành là 8.700 tỷ đô la thì chưa đáng kể. Cho nên sau vài ngày điều chinh, đà sụt giá Mỹ kim sẽ không mạnh, và vàng không tiếp tục vượt mức kỷ lục nữa.
Việt Long: Thế rồi những gì đã xảy ra sau đó khiến Mỹ kim lên giá, và vàng sụt giá, phải không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng đầu tiên, thì dù lãi suất tại Mỹ đã hạ tới sàn và Hoa Kỳ còn bơm thêm tiền, người ta vẫn thấy mức lạm phát tại Hoa Kỳ thật ra không là rủi ro đáng sợ. Thứ hai, lượng tiền bơm ra cũng không lớn lao như ấn tượng ban đầu. Đó là chuyện ở bên Mỹ, khiến đồng bạc xanh không mất ưu thế như nhiều người dự đoán hay báo động. Và điều ấy cũng ảnh hưởng đến giá vàng, làm vàng sụt giá. Trong khi ấy và nhìn qua Âu Châu, người ta thấy ra mấy điều đáng ngại.
- Thứ nhất, kinh tế khu vực này chưa hoàn toàn phục hồi và rất cần tới xuất khẩu. Nhưng, vì Mỹ kim sụt giá, đồng Nguyên của Trung Quốc lại ràng vào Mỹ kim với tỷ giá thấp nên cũng giảm theo. Các nước khác thì lo sợ là vì hai đồng bạc đó đều xuống giá thì nội tệ của họ lên giá nên họ liên tục can thiệp vào thị trường ngoại hối để giảm giá đồng bạc của họ để khỏi mất ưu thế cạnh tranh về ngoại thương. Tổng cộng thì đã có 18 quốc gia can thiệp như vậy trong mấy tháng qua. Đâm ra, các nước Âu châu bị kẹt ở giữa vì đồng Euro lên giá so với hầu hết các ngoại tệ kia mà Ngân hàng Trung ương Âu châu lại không thể rộng quyền can thiệp để chống đỡ hầu khỏi bị thiệt hại vì xuất khẩu đắt hơn.
- Điều đáng ngại thứ hai, tại Âu châu, là trong khi tình hình nợ nần của Hy Lạp chưa cải thiện, một quốc gia khác là Ái Nhĩ Lan, hay Ireland, lại trôi vào khủng hoảng tương tự và có khi cần Âu châu cấp cứu vì bị bội chi ngân sách tới 12% tổng sản lượng nội địa GDP. Họa vô đơn chí là Chính quyền Ý Đại Lợi cũng lung lay và xứ này sẽ bị khủng hoảng chính trị trong tháng tới. Mà Ý là cường quốc kinh tế của khối Euro, chỉ thua Đức và Pháp. Nếu tình hình Ai-Len suy đồi thêm và Chính phủ Ý của ông Silvio Berlusconi, một Thủ tướng đã 74 tuổi và bị đầy tai tiếng, mà bị đổ thì đồng Euro sẽ trôi vào một trận khủng hoảng nữa. Khi ấy, Mỹ kim lại tăng giá bất ngờ và rất mạnh. Kịch bản ấy mà dội vào Việt Nam thì ta suy ra nhiều biến động giá cả đáng ngại vào cuối năm.


Việt Long: Bây giờ ta mới nhìn qua Trung Quốc và nguy cơ lạm phát ở tại đó. Những thông tin mới nhất cho thấy lạm phát đã tăng mạnh hơn dự báo của Chính quyền Bắc Kinh. Vậy thì những gì có thể xảy ra sau này"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trung Quốc thật ra đang ở vào hoàn cảnh ngặt nghèo nhất mà có lẽ lãnh đạo của họ cũng thừa biết.
- Nhân Thượng đỉnh G-20 tuần qua ở Nam Hàn, Trung Quốc than phiền là Hoa Kỳ "xuất khẩu lạm phát" khi quyết định bơm thêm 600 tỷ vào kinh tế. Lãnh đạo Bắc Kinh sợ nhất điều ấy vì kinh tế đang nóng máy và lạm phát gia tăng. Khi tiền Mỹ quá nhiều và quá rẻ mà tràn qua đó dưới dạng gọi là "tư bản nóng" thì sẽ thổi lên bong bóng đầu cơ và làm kinh tế Trung Quốc bị lạm phát nặng hơn. Đâm ra ưu thế ngoại hối nhờ ghim đồng Nhân dân tệ vào Mỹ kim cũng chẳng cứu được gì.
- Các thị trường trên thế giới đều theo chuyện này khi, ngày 15 vừa qua, bốn ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc đồng thanh phủ nhận một báo cáo ngày hôm trước là chính phủ vừa cấm các ngân hàng này cấp phát thêm tín dụng cho ngành kinh doanh địa ốc. Chi tiết ấy khiến ta chú ý đến sự kiện là trong năm nay, nhà nước Bắc Kinh đã nhiều lần kềm hãm tốc độ tín dụng để hạ nhiệt kinh tế. Nếu các biện pháp này không công hiệu, và nhiều phần là như vậy, nay mai, tức là có thể ngay cuối tháng này hay đầu tháng tới, Bắc Kinh phải tăng lãi suất và nâng mức dự trữ pháp định của các ngân hàng để khóa bớt vòi tín dụng.
- Điều còn đáng lo hơn vậy là mức độ thiếu khả tín, không chính xác, của thống kê kinh tế tại Trung Quốc và nhất là hiện tượng lương thực tăng giá quá mức dự đoán của nhà nước. Mà lương thực là loại sản phẩm chiến lược về xã hội nhưng không dễ quản lý giá cả qua các biện pháp hành chính. Vì vậy, ta rất nên theo dõi tình hình Trung Quốc giữa hai nguy cơ cùng nan giải là nạn lạm phát và suy trầm sản xuất. Trong khi đó, mình cũng cần biết là nay mai đà tăng trưởng của kinh tế Á Châu có thể sẽ chậm lại chứ không huy hoàng như năm nay đâu. Chuyện ấy đưa ta về Việt Nam.
Việt Long: Đúng như vậy, vì lạm phát hiện cũng là một rủi ro đáng ngại ở Việt Nam trong khi triển vọng gia tăng xuất khẩu thì vẫn còn mù mờ trước khả năng cạnh tranh rất lớn của các nước khác.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi không muốn đưa ra dự đoán quá bi quan nhưng phải chấp nhận là lạm phát sẽ lên tới hai số, là 10% trở lên vào cuối năm nay. Đồng bạc còn bị mất giá nữa mà luồng tư bản gọi là "nóng" lại không chảy vào Việt Nam như nhiều người trông đợi. Thị trường cổ phiếu của Việt Nam vốn đã èo uột nay sẽ lại sụt giá nữa, hãy nhìn vào chỉ số phức hợp VN-Index thì rõ. Khi Mỹ kim bớt bị mất giá trên thế giới vì nhiều hoạn nạn còn lớn hơn tại Âu Châu hay Nhật Bản thì đô la lại Việt Nam lại bốc giá lên trời. Đây là kịch bản đáng ngại nhất vào cuối năm nay vì có thể tiên báo nhiều biến động giá cả rất là bất thường. Đã đành là giới đầu cơ có thể bị thiệt hại nặng, nhưng những biến động ấy còn dội thẳng vào cái giỏ tiêu thụ của dân nghèo. Họ sẽ là thành phần bị thiệt hại nhất dù chẳng dư giả tài sản gì để đầu tư hay đầu cơ.
Việt Long: Góp lời về vấn đề này, hôm nay có tin là nguồn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vào Việt Nam đã bị lỗ nặng vì thị trường chứng khoán Việt Nam xuống rất mạnh, họ đã lỗ tới 57%. Việc đó có thể gây lạm phát chăng" 
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là đúng, vì yếu tố lạm phát là hệ thống phân phối của Việt Nam là một lẽ, cái thứ hai là giá đô la. Và còn khả năng quản lý rất kém của Việt Nam. Tôi nghĩ thị trường sẽ cổ phiếu còn rớt nữa. 
Việt Long: Trong tình trạng ấy thì cán cân thanh toán của Việt Nam sẽ bị thâm hụt, lại gây lạm phát dễ dàng chăng" 
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Có thể là trước Tết. Và tôi nghĩ rằng ngay trong sự biến động giá vàng vừa rồi người ta cũng nghĩ rằng lượng dự trữ vàng và quý kim cũng như ngoại tệ của Việt Nam không biết có đủ sức chống đỡ những làn sóng đầy bất trắc của thị trường giá cả hay không, điển hình là việc đối phó với giá vàng vừa rồi. Trong tương lai chúng ta bớt bị cơn sốt vàng thì lại có cơn sốt đô la. Lúc đó đồng bạc Việt Nam sẽ bị sức ép rất nặng, có khi phải phá giá nữa. 
Việt-Long : Câu hỏi cuối: trong hoàn cảnh đó, chính quyền Việt Nam có thể làm gì"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là trước hết, giới hữu trách về kinh tế tài chính và ngân hàng nên nắm vững thông tin về thị trường, nhất là của quốc tế, và đừng đưa ra tín hiệu mù mờ và mâu thuẫn như chúng ta thấy trong cơn sốt về giá vàng vừa qua. Thứ hai, người ta phải nhìn xa hơn những chuyển động nhất thời để đừng phản ứng trễ, theo kiểu chạy theo. Và quan trọng nhất là phải chinh phục được sự tin cậy của thị trường. Không tin nhà nước thì không ai tin vào đồng bạc do nhà nước phát hành nên cứ có tiền là đổi qua vật khác cho khỏi lỗ. Chính là hiện tượng đổi đi đổi lại như vậy mới gây biến động giá cả.
Việt-Long: Về việc ông nói tín hiệu mù mờ thì chúng tôi thấy hơi khác, bởi vì báo chí trong nước đưa tin tức về giá vàng giá đô la rất kỹ lưỡng, rất rõ ràng, từng giờ từng phút …
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi có theo dõi, nhưng đó là báo chí trong nước. Nhưng ta cũng thấy một đằng là ông Thống đốc Ngân hàng Trung ương, bên kia là ông Lê Đức Thúy, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong Uỷ ban kiểm soát Tài chính, lại đưa ra những thông tin khác nhau. Tôi cảm thấy như ông Lê Đức Thúy làm cho công việc của ông Nguyễn Văn Giàu thêm khó khăn! Tôi sợ rằng như vậy người dân hay thị trường nhìn thấy chính quyền không nhất quán trong cách đối phó, và có những lúng túng, những khác biệt về quan điểm.
Việt-Long: Cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.