Hôm nay,  

Fang Zheng: Từ Xe Tăng Đè Cụt Cẳng Đến Khiêu Vũ Ơ Quốc-hội Hoa-kỳ

16/10/200900:00:00(Xem: 6740)

Fang Zheng: Từ Xe Tăng Đè Cụt Cẳng Đến Khiêu Vũ Ơ Quốc-Hội Hoa-Kỳ

Fang Zheng (giữa), mất 2 chân khi biểu tình đòi dân chủ ở Thiên An Môn, khiêu vũ với vợ Zhou Jing lần đầu kể từ khi bác sĩ gắn cặp chân giả trong buổi họp báo ở Washington DC. (Photo AFP/Getty Images)


Tâm Việt


Chiều hôm 7 tháng 10, 2009, bà con được chứng-kiến gần như một phép màu của khoa-học và lòng nhân ở xứ này.  Cơ-hội là sự xuất hiện của anh Fang Zheng (Trịnh Phương), một thể-tháo-gia Trung-quốc nạn-nhân của vụ Thiên-an-môn cách đây 20 năm.
Trong khi Tổng-thống Obama và bà Ngoại-trưởng Hilary Clinton đưa ra những dấu hiệu muốn đấu dịu với Trung-Cộng về mặt nhân-quyền, thậm chí cả về mặt dân-quyền như trong trường-hợp Tây-tạng, thì một phong trào quần-chúng xem chừng như đang thành hình để chống lại cái khuynh-hướng thực-dụng nhưng vô-nguyên-tắc đó.
Theo tờ Washington Times, số ra ngày 7/10, thì các tổ-chức tranh đấu cho nhân-quyền đang lo ông Obama “ngất ngư” trong vấn-đề này (“Rights groups see Obama wavering”), đi ngược lại tất cả những hứa hẹn mà ông từng đưa ra trước đây.  Lần đầu tiên từ năm 1991, một tổng-thống Mỹ đã vì sợ làm phật lòng Bắc-kinh mà không dám tiếp Đức Đạt Lai La Ma thứ 14 dù như là tháng tới ông mới phải đi gặp ông Hồ Cẩm Đào.  Về mặt này, ông đã tỏ ra xương sống không cứng bằng ông Sarkozy ở Pháp hay một quốc gia hạng hai như Úc, mặc dầu Bắc-kinh lớn tiếng phản-đối vẫn tiếp đón bà Rebiya Kadeer, nhà lãnh-đạo Uighur sang Úc như thường.  Để gỡ thể-diện cho nước Mỹ, bà Chủ-tịch Quốc-hội Nancy Pelosi đã phải ân-cần đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma và tặng ông Huân-chương Tom Lantos đầu tiên do Quốc-hội mới đặt ra.  (Ông Lantos, mất cách đây hai năm, là một người sống sót từ Hoả-ngục tàn-sát Do-thái của Hitler để trở thành một trong những tiếng nói mạnh nhất trong Quốc-hội Hoa-kỳ về nhân-quyền trên thế-giới.)
Có lẽ chính vì thế mà buổi tiếp tân dành cho ông Fang Zheng chiều 7/10 ở phòng HVC-215 trong Điện Capitol (Toà Nhà chính Quốc Hội Mỹ) đã thu hút một số kỷ-lục những bộ mặt quen thuộc về nhân-quyền trong vùng.  Ngoài các dân-biểu Chris Smith (CH-New Jersey), Cao Quang Ánh (CH- Louisiana), Joe Pitts (DC), người ta có thể thấy đại diện Human Rights Watch (cô Sophie Richardson), Amnesty International (Hội Ân-xá Quốc-tế), Freedom House v.v. và hầu hết các cơ-quan truyền-thông lớn ở xứ này.  Trong số người Việt tham-dự ta thấy những nhân-vật quen thuộc như Tiến-sĩ Nguyễn Đình Thắng (Boat People S.O.S.), ông Nguyễn Ngọc Bích (Nghị-hội), cô Genie Nguyễn (Voice of Vietnamese Americans) v.v.
Bắt đầu chương-trình, ông Mike Horowitz thuộc Hudson Institute giới-thiệu câu chuyện ly kỳ của anh Fang Zheng.  Là một thể-tháo-gia cỡ quốc-tế của Trung-Cộng, anh đang chuẩn-bị để đi đại diện nước mình về môn chạy ở Thế-vận-hội thì xảy ra vụ sinh-viên Trung-quốc xuống đường đòi dân-chủ ở Thiên-an-môn vào mùa Xuân năm 1989.  Lúc đầu, khoảng tháng 4, chỉ có vài chục nghìn người nhưng về sau, vì hầu hết các đại-học ở Bắc-kinh rồi trên toàn-quốc xuống theo, con số chẳng mấy lúc lên đến hàng trăm nghìn người, đa-phần là tuổi trẻ, thanh-niên, sinh-viên rồi đến các công-nhân, dân-chúng.
Là một thanh-niên lý-tưởng, anh cũng như Vương Đan (Wang Dan), Nguỵ Kinh-sinh (Wei Jingsheng), Sài Linh (Chai Ling), anh chỉ muốn đem tiếng nói của mình vào cộng chung với đám đông để khẳng-định ý-chí của tuổi trẻ Trung-quốc và của toàn-dân muốn thấy dân-chủ được thiết-lập ngõ hầu người dân Trung-quốc không phải khổ đau mãi sau gần 4 thập-kỷ chịu ách cai trị của Đảng CS.
Nào ngờ đến đêm mồng 4 tháng 6, 1989, Đặng Tiểu-bình đã cho xe tăng đến dẹp đám biểu tình.  Không tin nổi mắt mình, lúc đầu còn có một anh công-nhân ra đứng trước đầu xe tăng như muốn chặn đoàn xe, không cho tiến tới.  Chiếc xe lưỡng lự, quay qua quay lại, đến nỗi anh công-nhân này leo được cả lên nóc xe tăng để tìm cách thuyết phục người lái xe hãy ngưng tiến tới.  Nhưng rồi lệnh là lệnh, đoàn xe tăng cứ tiến tới, cào bừa ngay vào đám sinh-viên học-sinh đang ngủ và nằm ngổn ngang ở ngay giữa quảng-trường.
Thấy một sinh-viên khác sắp sửa bị xe tăng đè, Fang Zheng đã nhào tới đẩy kịp anh kia ra nhưng chính anh lại bị xe tăng cán.  Được mang đi cấp-cứu, anh đã phải cưa chân trái từ đầu gối xuống và chân phải đến tận nửa đùi.


Sau đó, để che giấu tội ác, chính-quyền Trung-Cộng tìm cách thuyết phục anh giải thích chuyện mất hai chân là do một tai-nạn xảy ra.  Nhưng anh nhất-định từ chối.  Chính-quyền đã trả thù bằng cách không cho anh tốt nghiệp đại-học.  Không có bằng-cấp, anh không thể tìm được việc ra hồn.  Anh quay ra tìm một giải-pháp khác: anh sẽ vươn lên bằng con đường thể-dục, thể-thao.
Dù như phải đi xe lăn, anh đã tập luyện giỏi tới mức thành vô địch về ném lao và ném đĩa, lấy được hai giải vàng phá kỷ-lục vào Đại-hội Thể-thao dành cho người khuyết tật trên Toàn-quốc Trung-hoa năm 1992.  Anh đã đồng-ý không nói về chân mình để có thể dự Đại-hội Thể-thao dành cho người khuyết tật vùng Đông-Á và Nam Thái-bình-dương năm 1994 nhưng rồi vì sợ, chính-quyền Trung-Cộng đã cấm anh tham-dự.
Về quê anh ở Hải-nam, anh Fang phải quay sang nghề bán nhà rồi có lúc phải đi bán thuốc lá dạo và nước ngọt ở ngoài đường.  Rồi anh quyết-định đi tìm các nhà báo ngoại-quốc để kể cho họ biết về vụ Thiên-an-môn và những nỗ lực giấu giếm sự thật của chính-quyền.
Thế là cuộc đời anh bắt đầu khốn khó.  Bạn gái của anh bỏ anh sau khi bị Công-an áp-lực.  Đường dây điện-thoại của anh bị cắt, ngay trong khi anh đang nói chuyện với Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.  Đến năm 1999, anh lên đường đi Bắc-kinh tìm việc, anh bị chặn ở một nhà ga, bị công-an giam giữ một tuần và bị buộc phải đi về.
Mặc dầu vậy, anh vẫn nói.  Năm 2001, anh nói với tờ New York Times: “Không có bao nhiêu khả-năng là chính-phủ [Trung-Cộng] sẽ xét lại lập-trường của họ về ngày 4 tháng 6, 1989, trong một thời-gian tới đây.  Có thể họ sẽ nói dần dần, chẳng hạn công-nhận dùng tăng là một lỗi lầm.”
Điều lạ là mặc dầu thái-độ của anh, chính-quyền Bắc-kinh vào tháng 8 năm 2008 đã phát cho anh một giấy thông-hành (hộ-chiếu).  Có thể là họ nghĩ, cho anh ta đi để khuất mắt.  Nhưng họ đã tính lầm.
Anh Fang sang được đến Mỹ vào tháng 2 năm nay thì anh lập-tức được nhiều người tranh đấu cho nhân-quyền, bắt đầu từ Zhou Fengsuo (Chu Phong-sở"), một người cũng đã tham-gia biểu tình ở Thiên-an-môn, rồi đến Chai Ling (Sài Linh), một cựu-lãnh-tụ ở Thiên-an-môn hiện sống ở Boston, và ông Michael Horowitz, một nghiên-cứu-gia tại Viện Hudson, đã sẵn sàng chờ để đón tiếp anh.
Họ đã phổ-biến câu chuyện của anh và giúp anh có lại được cái mà anh đã mất cách đây 20 năm--khả-năng đi đứng lại như thường.  Được các bác-sĩ và chuyên-gia chăm lo miễn phí, anh đã tập đi trở lại ở Bệnh-viện Phục-hồi thuộc Giáo-hội Adventist ở Maryland.  Và anh đã đi được trên chân giả của anh do Công-ty Ossur tặng (Ossur cũng là công-ty cung-cấp chân giả cho các thương-binh Hoa-kỳ bị mất chân.)
Hôm 7 tháng 10 vừa rồi, trước một cử toạ đa quốc anh Fang lần đầu đã khiêu vũ được với vợ anh dưới sự chứng-kiến của một số dân-biểu và các nhà tranh đấu cho nhân-quyền thuộc nhiều chủng-tộc (Việt, Miến, Hoa, Đại-Hàn…).  Ngạc-nhiên, mọi người đã tự-động nổ lên một tràng pháo tay thật lâu.  Riêng sự-kiện đó, theo anh Yang Jianli (Dương Kiến-lợi"), một cựu-sinh-viên có dự vụ Thiên-an-môn và bị tù từ năm 2002 đến năm 2007, sẽ nói lên cho cả thế-giới biết “sự khác-biệt giữa hai chế-độ, giữa số-phận của anh ở Trung-quốc và cái may của anh được sang một thế-giới dân-chủ.”  Đường khiêu vũ của anh Fang, theo cô Chai Ling, “sẽ đưa về Trung-quốc một thông-điệp rất mạnh, là những ai tranh đấu ở đó đã và sẽ không bị lãng quên.”
Thông-điệp đó lại càng cần hơn nữa khi giờ đây, chính-phủ Hoa-kỳ đang bán rẻ vấn-đề nhân-quyền.  Tháng 2 năm nay, Ngoại-trưởng Hillary Clinton tuyên-bố là không thể để vấn-đề nhân-quyền “làm vướng víu” chuyện cộng-tác Hoa-Mỹ về kinh tế và về thay đổi khí-hậu.  Rồi đến Tổng-thống Obama cũng phải hoãn gặp Đức Đạt Lai La Ma chỉ vì ngại làm phật lòng ông Hồ Cẩm Đào.
Có người nói đùa, “có lẽ bà Clinton còn có một cơ-hội để cho thế-gian biết là bà chưa quên hẳn chuyện nhân-quyền.  Có lẽ bà nên xin được khiêu vũ bài thứ hai với anh Fang.”
(Bài viết trên đây dựa chủ-yếu vào thông tin lấy từ bài của David Feith trên báo Wall Street Journal ra ngày 25/9/2009, cộng thêm với sự chứng-kiến cá-nhân của người viết trên Quốc-hội hôm 7/10/2009.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Họ kỷ niệm ngày nổi dậy của dân Tây Tạng tại thủ đô Lhasa - mùng 10 tháng Ba năm 1959 - khi Trung Quốc đưa quân từ các tỉnh miền Đông
Đâu phải tự nhiên mà người Cộng sản Việt Nam rộ lên “phong trào” bàn về “hòa hợp dân tộc” sau 3 năm thi hành Nghị quyết 36
Khoa học tân tiến nhất của loài người ngày nay đã tìm đến Nguyệt cầu, Hoả tinh, và đã có các phi hành gia bay bổng ra ngoài tầng khí quyển
Khóa giảng hàng năm của đức Đạt Lai Lạt Ma là ngày hội cho Dharamsala... Hàng năm, cứ sau Tết Âm lịch
Khi một xã hội chỉ tìm thấy mẫu mực để bắt chước hay học hỏi từ ở bên ngoài thì rất dễ đánh mất bản sắc của mình vì thần tượng của họ
Trong đoàn quân Pháp sang đô hộ VN có một số quân nhân gốc Phi Châu ưa phá làng phá xóm khiến dân chúng Việt Nam căm ghét
Tình hình ở trong nước các tuần gần đây trước cuộc bầu Quốc hội (QH) vào 20.5.07 đã cho thấy hai chiều hướng phát triển
Trở về Việt Nam sau ba mươi năm lià xa, tôi đã đi không ngừng, Saigon ra Trung, Hà Nôi vô Nam; và mong sẽ quên chuyện non nước mình
Bước vào thế kỷ 21, việc xử dụng đa dạng năng lượng (energy diversity) trong chuyển vận là một trong những suy nghĩ lớn
Cuộc đấu tranh cho dân chủ trong nước đang nở rộ, và tấm gương bất khuất ngàn xưa của Việt Nam đang được lật lại từng trang
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.