Hôm nay,  

Lìa Vọng Tâm Thì Thấy Phật

22/02/200800:00:00(Xem: 9539)

Thói thường, trong xã hội sống theo văn minh Âu Mỹ, thiên hạ cho những con người khôn ngoan, thực tế, thành công, là những người biết tự tạo cho mình và gia đình một cuộc sống vật chất đầy đủ, nhà lầu xe hơi, ăn ngon mặc đẹp, tiền bạc rủng rẻng trong nhà bank. Những kẻ hay đọc sách, làm thơ viết văn, suy tư mơ mộng, học cao, nói những lời triết lý tôn giáo cao xa hão huyền là không thực tế, họ có thề được kính trọng, tiếng tăm, nhưng đa số phải sống bám vào gia đình, xã hội, và tín đồ, hay ít ra sống một cuộc sống thanh đạm, nghèo nàn về vật chất. Quan niệm sai lầm này cần phải được đem ra thảo luận và xét lại.

Hãy đặt câu hỏi như thế này: Tất cả những gì mà thiên hạ cho là thực tế, thành công về vật chất trên đời này, nhà lầu xe hơi, tiền bạc, địa vị..v.v…mà con người lao nhọc thân tâm, ngày đêm lo nghĩ, cực khổ tạo ra là để cung phụng cho cái gì" Cho cái TA, cho cái thân xác tạm bợ phù du này, đúng không" Những thứ thành công trừu tượng khác, như danh vọng, lòng kiêu hãnh vì vợ đẹp con khôn, có địa vị cao sang, cũng chẳng có công dụng nào khác ngoài làm tăng trưởng thêm lòng ngã mạn,về cái NGÃ.,cái thân xác sinh diệt này.

Cái thân xác này không bền chắc, mà  tùy thuộc vào thức ăn, nước uống, không khí, khí hậu, và mặt trời là những thứ sinh diệt vô thường. Cái thân xác suốt ngày phải kiếm ăn, nấu nường, thu nạp vào, tiêu hóa, rồi phải cuống cuồng chạy đi tìm chỗ để xổ ra. Cái thân xác này không có gì nhét vào thì đói khát, khổ sở, mà không xổ ra được, cũng đau đớn, lăn lộn ê chề…

Cái thân xác này, khi còn hít vào được, gọi là sống, mà không còn thở ra nữa, gọi là chết, khác nào khúc gỗ hôi thối, làm cho  ngay đến cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cái ruột thịt cũng sợ hãi, tránh xa.  Đó là khi khỏe mạnh, nó còn đưa vào, thải ra xuông xẻ. Khi đau bệnh ngặt nghèo rồi thì muốn nuốt thức ăn vào cũng không được, mà thải ra cũng không xong. Cái TA đó có gì là thực, là trường tồn" Nó là mầm mống của bệnh tật, già yếu và khổ đau. Nó đâu có thực. Nếu thực thì ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì ta đó, ngày xưa thân ái xum vầy  quanh ta,sao không còn nữa, mà  biến mất đâu rồi, đến phiên ta rồi cũng sẽ  vậy thôi, thân này, bởi vậy, rõ ràng chỉ là hư dối, không có thực.

Cuộc sống ở thế gian này như vậy có gì là hạnh phúc mà tham đắm. Hiểu được như vậy, mới thấy con người thực tế không phải là biết làm giàu, mà  phải là con người nhận thức rõ được chân lý này để đặt ra những câu hỏi về tâm linh, siêu hình. Ngẫm lại mà xem, ai cũng thích được chúc sống lâu trăm tuổi, trẻ đẹp mạnh khỏe mãi mãi. Không ai muốn nghe chúc “đau bệnh, già, khổ, chết”. Có đúng không" Nhưng mà đó chính là sự thực, phải chấp nhận. Hay là thiên hạ biết rõ mà vẫn  thích sống trong cái ảo tưởng giả dối “sống lâu giàu bền” đó. Thân xác, cũng như tất cà vạn pháp trên thế gian này, trong đạo Phật, là do duyên hợp mà thành. Vạn vật do tứ đại:  đất, nước, gió, lửa kết hợp lại mà thành. Cây lúa kia, do đất nước, không khí và ánh nắng duyên hợp mà thành...Thân xác kia, do đất (thịt xương gan ruột lông tóc), nước (máu, nước mắt, mồ hôi),gió( hơi thở),lửa (nhiệt độ) mà hợp thành. Còn duyên thì hợp lại, gọi là SỐNG, hết duyên thì tan rã,gọi là CHẾT. Sống và chết của con người chì cách nhau có một hơi thở. Và không ai biết trước được cái chết nó xảy ra vào lúc nào.  Nó không có báo trước. Thân xác, cái TA, mà ta cho là  quí nhất trên đời,  còn chưa giữ được thì nói chi đến những thứ ngoài thân, như nhà lầu, đất cát, xe hơi…Cái gì do Duyên hợp thì phài sinh diệt, theo luật THÀNH, TRỤ, HOẠI, KHÔNG, Phật giáo gọi là vô thường.

Người nào hiểu ra điều căn bản này có thể bắt đầu gọi là những người thực tế, khôn ngoan. Bớt thì giờ bon chen làm ăn,cãi cọ hơn thua nhau, để suy tư về ý nghĩa của cuộc đời. Tự hỏi chết rồi đi về đâu" Những người duy vật thì cho là chết là hết,cứ tha hổ cướp giựt vơ vét hiếp đáp người khác yếu hơn mình bằng mọi thủ đoạn để hưởng thụ cho thỏa mãn kiếp người trước khi tan thành tro bụi...Những người đầu óc đơn giản, nhưng biết lo xa, cho là chết rồi xuống địa ngục, hay lên thiên đàng, tùy theo lúc còn sống ăn ở hiền lành hay làm ác...Từ từ, khái niệm về một Luật nhân quả của thiên nhiên, về một  sự công bình tuyệt đối của Trời đất đã vô tình  mơ hồ kết tinh trong tâm hồn con người có chút bản chất thiện. Con người tin tưởng vào Ông Trời, Phật, Chúa, Thần linh, một đấng Tạo hóa siêu nhiên nào đó,có quyền lực tối cao, tạo ra muôn loài và đóng vai trừng phạt khen thưởng muôn loài.  Những người theo Ấn độ giáo, hay Phật giáo, tin vào vòng Luân hồi của chết và sống, thay đổi luôn luôn, trong đó chúng sinh tùy theo Nghiệp ác hay lành, tin vào Nhân duyên, tin sau khi chết, luân chuyển lăn lộn trong 6 cõi: Trời, Người, A tu la, Súc sanh, Ngạ quỹ ,và Địa ngục..  Theo đạo Phật, chỉ có những bậc chân tu, minh tâm kiến tánh, giác ngộ, mới thoát khỏi vòng luân hồi, vĩnh viễn sống trong cảnh bất sanh bất diệt, an vui tự tại. Đạo Phật gọi đó là Niết bàn, hay Chân tâm, Phật tánh.

Tất cả những bộ kinh lớn của Phật giáo, Lăng Nghiêm, Viên Giác, Kim Cang, Pháp hoa, Hoa Nghiêm, Bát Nhã.…đều bàng bạc nhắc đến  Tướng và Tánh, Sắc và Không, Tâm và Cảnh, Vọng tâm và Chơn tâm, đến Trung Đạo và lý Bất nhị. Tướng với Tánh như Sóng với Nước. Tướng là hình tướng thay đổi,sinh diệt, như mưa, tuyết, sương mù, mưa đá, sóng biển êm lặng hay nổi sóng. Tánh là bản chất cố định của các tướng đó, tức là chất nước, lúc nào cũng là ướt.

Sắc là sự vật mà con mắt thấy, tai nghe,mũi ngửi,tay chân sờ được, nhưng nó không có bản chất cố định, nó thay đổi luôn luôn, Không là TÁNH thấy, trường tồn, không thay đổi, nhưng nó vô hình, nên gọi là Không. Nhưng mà cái Không này có thực, không bao giờ mất, nên kinh  Bát Nhã lại gọi Không tức là Sắc.

Tâm có 2 thứ: vọng tâm và chơn tâm. Vọng tâm (tâm phan duyên) chạy theo Cảnh, còn Chơn tâm thì đứng yên. Sống theo vọng tâm, lăng xăng cả ngày, như con khỉ bị nhốt trong chuồng (dụ cho vọng tâm) đáp trả chí chóe với những con khỉ chọc ghẹo bên ngoài (dụ cho Cảnh) nên tạo nghiệp, bị luân hồi sanh tử. Sống theo Chơn tâm, như con khỉ trong chuồng ngủ yên, không thèm trả lời những cám dỗ hay mắng chủi của lũ khỉ bên ngoài, thì không tạo Nghiệp, không bị luân hồi sanh tử.

Muốn hiểu rõ về Chơn tâm và Vọng tâm, phải coi lại Kinh Lăng Nghiêm, mới thấy cái cảm giác sung sướng chói lòa  của người bừng tĩnh sau cơn mê lầm triền miên từ khi cha sanh mẹ đẻ tới nay. CẢNh, thì con mắt thấy khi tối khi sáng, phòng ốc nhà cửa;  con mắt thấy khi chật chội, khi rộng thoáng, nhưng TÁNH thấy thì lúc nào cũng thấy, không tối đi hay sáng ra, không chật không rộng. Con mắt là thứ sinh diệt,hoại rửa, nên cái mà con mắt thấy cũng là hư giả, không thực. Âm thanh khi to khi nhỏ, khi còn khi mất, nhưng TÁNH nghe thì lúc nào cũng nghe, không to ra hay nhỏ lại, không rõ thêm  hay điếc đi. Tai là thứ sinh diệt, thối rửa, hủy hoại, nên cái mà tai nghe là hư giả, cũng không có thực. Cái gì sinh diệt thì mất, cái gì không sinh diệt thì còn. Cho nên nhục thân tan rã sau khi chết, mà TÁNH thấy nghe, hay CHÂN TÂM, thì không bao giờ mất,mà tiếp tục đi theo con người đấu thai qua kiếp khác trong vòng luân hồi sanh tử.

Trung đạo và Bất nhị là pháp không có hai, không thái quá  cũng không bất cập, không có đối đãi hai bên,tốt hay xấu, thiện hay ác, lớn hay nhỏ, sống hay chết. Vì sao" Vì cái gì có thay đổi thì sinh diệt, hư dối...Trung đạo, hay Bát nhã, cái thấy biết Chơn tâm đó, gọi là PHÁP. Còn như có đối đãi, còn thấy hai bên như phàm phu thấy, gọi là PHI PHÁP.. Nhưng, đạt đến trí huệ Phật, thành Phật rồi, thì Pháp cũng không cấn phải giữ, cho là thật nữa. “Pháp còn phải bỏ,huống chi là Phi pháp”. Như người bệnh phải cho thuốc (Pháp) mới khỏi, Nhưng khi khỏi rồi thì có cần dùng thuốc (Pháp) nữa hay không. Nếu đã hết bệnh mà còn dùng thuốc nữa thì đó là cái đại họa. Nếu giữ cả thuốc lẫn người thì lại thấy có hai, là đối đãi, mà đối đãi là sanh diệt. Cho nên cái giáo pháp rốt ráo của Phật nói ra  rất cao, rất ít người liễu ngộ và hiểu được, nếu không có căn cơ nhiều đời tu tập về trước.. Cái triết lý mà Phật nói ra còn không nên chấp cho là thật, phải bỏ đi, huống chi là cái hư vọng mê lầm mà chúng sanh bấy lâu đeo đuổi. Giáo pháp của Phật như chiếc thuyền dùng đưa người mê sang sông (sang bờ giác ngộ), nhưng chỉ là phương tiện, khi đến bờ rồi thì phải bỏ, không còn vác trên vai nữa.  Cũng vậy, ngón tay dùng để chỉ mặt trăng, nhưng khi thấy mặt trăng rồi thì ngón tay phải bỏ đi, và cao rốt ráo tột cùng  hơn cả, khi mình đã là mặt trăng (Phật) rồi, thì chính mình với mặt trăng là MỘT, còn nhắc đến mặt trăng nào nữa, huống chi là ngón tay. Đó mới gọi là giác ngộ hoàn toàn, là viên giác (Kinh Viên giác).

Kinh Đại thừa nào cũng nhắc đến Phật tánh rỗng lặng tròn đầy trong sáng vốn có sẵn trong mỗi chúng sanh, mà chúng sanh vì Vô minh mê mờ nên không biết, Như người ăn mày có viên ngọc quí trong túi áo mà không biết, vất vã lam lũ xin ăn khắp nơi. Như vàng có sẵn ở trong quặng, gạn lọc quặng ra thì thấy vàng. Như núi xanh bị mây trắng mây đen che phủ, gió thổi mây tan thì núi lộ ra. Chơn tâm, Phật tánh, hay Niết bàn, nó vốn ở sẵn trong ta, không phải ở ngoài đưa vào, không phải tìm cầu ở đâu. .Chúng sinh vì tham sân si che lấp, như quặng che vàng, mây đen che núi, không biết quay lại chơn tâm, cứ theo vọng tâm dong ruỗi tìm cầu ở bên ngoài, buông thả cho thất tình lục dục tung hoành, hờn giận ganh ghét đố kỵ, nuôi lớn cái NGÃ,… tạo ra bao nhiêu là phiền não, nghiệp ác, cuốn hút vào vòng luân hồi không biết đến bao giờ ra khỏi. Nếu biết sống với Chơn tâm, cái Tánh sáng rỗng lặng đó, từng giây từng phút, không chạy theo vọng tâm lăng xăng vì không gian thay đổi, vướng mắc gì với những thứ sinh diệt phù du hư dối bên ngoài,  thì chính ngay hiện tại cuộc sống này ta đã thấy Phật, đã sống trong Niết bàn. Ngay cả thời gian cũng là một thứ luân chuyển không ngừng, sinh diệt, thay đổi, hư dối, làm cho ta thấy lúc trẻ lúc già. Nếu ta  còn trẻ còn đẹp mà không mừng,  già nua sắp chết mà  không lo thì tâm ta không vướng mắc âu lo sợ hãi buồn phiền nữa. Tâm mà không vướng mắc vào đâu nữa thì thênh thang ung dung tự tại. Chình đó là cõi Phật, là Niết bàn.

 Hầu hết Phật tử tại gia, không biết làm sao để thoát ra vòng luân hồi, vì nặng nợ gia đình con cái, không có cơ duyên và khả năng  nghiên cứu kinh sách Phật giáo, hiểu được cái lý Bát Nhã, “minh tâm kiến tánh”, chỉ biết đi chùa, cúng tăng, gieo duyên lành với Phật, làm phước thật nhiều  để mong được phước mà thăng hoa lên trong những kiếp sau. Nhưng làm phước thì được phước, sinh vào cõi Trời, hay cõi Người giàu có sống lâu, hưởng lạc  một thời gian rồi lại phải đọa lạc xuống địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, lại tiếp tục làm phước để ngoi lên, rồi cũng chỉ trồi lên trụt xuống lẩn quẩn trong vòng luân hồi không biết ngày nào ra, rất là mất thì giờ...Ít ai hiểu rằng muốn thoát khỏi luân hồi, phải tránh vướng mắc vào những thứ có tánh chất sinh diệt, do nhân duyên kết hợp tạo thành, như 4 tướng: NGÃ, NHƠN, CHÚNG SANH, THỌ GIẢ. Đừng cho  cái TA là thực, người  đang nói chuyện với ta là thưc, cảnh bên ngoài là thực, cảm giác là thực. Những thứ đó không có bản chất cố định, thay đồi sinh diệt..luôn luôn,khi nhỏ khi lớn, khi khỏe khi bịnh, khi chết khi sống, khi tươi khi  héo, khi giàu khi nghèo, khi buồn khi vui, khi thương khi ghét…Cái gì có đối đãi 2 bên như vậy thì vô thường, hư dối. Phải đừng chấp trước vào CẢNH, vào pháp hữu vi, vào cái mà giác quan ta cảm nhận, vì chúng thay đổi, sinh diệt từng sát na. Bám vào cái sinh diệt thì thân ta phải theo đó mà sinh diệt luân hồi. Phật giáo gọi đó là 6 Trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Con người có 6 căn (MẮT, TAI, MŨI, LƯỠI, THÂN, Ý). Khi 6 Căn tiếp xúc với 6 Trần thì nảy sinh ra 6 Thức, tức  là cái cảm giác  sung sướng hay đau khổ buồn rầu do 6 sự va chạm đó tạo ra. Lúc đó chính là lúc Vọng tâm nảy sinh, ưa thích hay ghét sợ cái cảm giác va chạm đó. Nếu ưa thích cái cảm giác sung sướng đó (như ăn ngon, mặc đẹp, ưa nghe lời êm dịu, tham sắc đẹp, danh vọng, thú vui xác thịt) thì sanh tâm THAM, mê say, nịnh bợ, ve vuốt, tìm cách chiếm đoat, nếu ghét thì sanh tâm SÂN, chửi bới, trả thù, giết bỏ. SI là không hiểu lý lẽ  dính mắc ô nhiễm này, không biết hàng phục tâm, ung dung tự tại sống với chân tâm, cứ mãi chạy theo vọng tâm. Vì Si nên mới sinh ra THAM và SÂN. AI khen làm sướng tai  ta thì ta khoái chí, ưa mến người đó, ai chê bai mắng chửi thì tức giận, tìm cách trả thù...tạo ra vô số nghiệp ác. Từ đó quay lăn trong vòng luân hồi. Muốn chấm dứt luân hồi phải NGƯNG ngay ở chỗ móng tâm ưa thích hay ghét bỏ khi Căn vừa chạm TRẦN sinh ra THỨC. Yêu hay ghét đều là vọng tâm, tạo Nghiệp, mắc vào luân hồi. Đừng vướng mắc vào cái ưa thích hay ghét bỏ đó, thì chấm dứt Nghiệp..

Khi Phật Thích ca thành đạo, quán sát thấy căn cơ chúng sanh quá thấp kém, còn chấp có hai bên trong vòng Nhị nguyên đối dãi, có Thiện có Ác, có Tót có Xấu, có Sinh có Tử…mà Đạo Ngài tìm ra thì Bất nhị, không có hai bên, quá cao siêu trừu tượng, Ngài đã buồn bã toan nhập Niết bàn, không  muốn đi giáo hóa chúng sanh. Đến khi chư thiên xúm lại nài nỉ, khuyên lơn, thuyết phục, Ngài mới phải nhận lời đi giáo hóa, nhưng chọn những bài học đơn giản thích hạp với căn cơ con người,chấp nhận sự việc thấy nghe trước mắt, ưa thích phân biệt so sánh, thích có đối đãi hai bên như Tứ diệu đế, nói về KHỔ và nguyên nhân của Khổ, cách thức diệt Khổ.

Nói về giới luật (sát sanh, ăn cắp, nói láo là xấu, phóng sanh, bố thí, ái ngữ là tốt) các phép Quán về xác chết hôi thối, quán xương trắng ờ bãi tha ma, để diệt lòng tham dục, quán về vô thường, nói về  Bát chánh đạo.  Nói về chứng được các đẳng cấp A na hàm, Tu đà hoàn, A la hán…ra khỏi vòng  luân hồi, nói về đắc được các phép mầu, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông, về Vọng tâm và Chân tâm….Khi nhận thấy căn cơ lãnh hội các đệ tử đã khá cao, bấy giờ Ngài mới nói đến việc Phá chấp, đến Kinh Kim cang bát nhã, không có cái cấp bậc gì để ĐẮC hay MẤT, không có Người có Ta, không có Năng (người làm) hay Sở(việc bị làm), không có cái gì hết. Nếu chấp là có,thì Tâm sẽ vướng mắc, sinh diệt, trôi lăn trong dòng sinh tử.

Chẳng hạn, trong kinh Kim Cang, ta thấy hầu như luôn luôn đức Phật nhắc đi nhắc lại một điệp khúc khó hiểu như vầy:

-“Này Tu bồ đề, Bồ tát trang nghiêm cõi Phật, mà không thấy mình có trang nghiêm cõi Phật, ấy gọi là trang nghiêm cõi Phật.”

-Bồ tát bố thí mà không thấy mình có bố thí, ấy gọi là Bố thí.

-Như lai gọi là Thân lớn, mà không phải là Thân lớn, ấy gọi là Thân lớn.

Phật cũng hay dựa vào lòng tham của con người, để  nói về phước đức,vì ai cũng ham có nhiều phước đức để được hưởng thụ. Phật Khuyến tu  bằng cách dùng các so sánh về phước đức.  So sánh phước đức  trì tụng Kinh với phước đức bố thí thân thể, hay châu báu vàng bạc qua vô số kiếp như số cát sông Hằng Hà. Trì tụng không có nghĩa là đọc như con vẹt, mà là ghi nhớ và theo đó mà hành động áp dụng trong cuộc sồng hàng ngày.  Nhiều người không hiểu rõ lý này, cứ cắm đầu tụng kinh ,đến chết cũng chưa giác ngộ. Hãy nghe những điệp khúc như vầy:

-“Này Tu bồ Đề, ví như có người bố thí châu báu trải qua vô số kiếp nhiều như số cát sông Hằng,như thế  phước đức  có nhiều không"

-Bạch Thế tôn, rất nhiều.

-Nhưng nếu so với phước đức của người trì tụng Kinh này,thậm chí chỉ đọc tụng một bài kệ 4 câu rồi giải nói cho người khác nghe,thì phước đức của người này còn hơn người kia rất nhiều. Tu bồ đề, Như lai nói có phước đức nhiều mà thực ra không có phước đức nhiều, ấy gọi là phước đức nhiều.

Tại sao Phật hay nói tới nói lui những sự lẩn quẩn như vầy" Là vì  bố thí vật chất chỉ mang lại phước đức trong vòng hữu vi, sanh lên cõi Trời sung sướng một thời gian rồi lại rơi xuống, loay hoay tu lại, trong khi một người hiểu được giáo pháp mà giác ngộ thành Phật thì vĩnh viễn ra khỏi luân hồi.. Và khi thành Phật mà vẫn không thấy mình thành Phật, mới gọi là thành Phật, vì không còn chấp hai bên “chưa thành” và “thành rồi”.

Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ môn, Phật cũng đề cao phước đức thờ phụng ngài Quan thế âm Bồ tát vượt hơn hẳn tất cả phước đức thờ phụng cúng dường hằng hà sa số các đức Phật khác. Cầu xin Quan thế âm bồ tát thì xin gì được nấy, muốn gì được nấy. Ý nghĩa này ra sao" Tại vì chữ TỪ BI là gốc của đạo Phật. Đời là bể khổ. Mục đích của đạo Phật là cứu khổ, hết khổ là Giải thoát.. Vì Quan thế âm tượng trưng cho lòng TỪ BI, lòng thương xót cứu độ chúng sanh muôn loài thoát khổ. Người nào nuôi dưỡng lòng từ bi thương xót cứu khổ chúng sanh chính là một Quan thế âm bồ tát, sẽ được muôn loài biết ơn, Trời người ủng hộ, không bị tai họa nào có thể xảy đến cho mình, không cần phải lập bàn thờ lộng lẫy trang nghiêm, mua hương hoa thờ cúng xin xỏ Ngài. Nhưng đạo Phật có LÝ, có SỰ. LÝ thì như vậy, tâm mình là Phật mà còn đi lạy Phật ở chỗ này chỗ kia làm chi. Cúng dường chúng sanh tức là cúng dường chư Phật kia mà. Nhưng SỰ thì việc lễ lạy cầu xin Phật với lòng thành kính sám hối,vẫn có những sự linh ứng bất khả tư nghì. Nếu ai tự cho mình là có đầu óc khoa học, không tin những việc gì không thấy bằng con mắt thịt nhục nhãn, thì cúi lạy cha mẹ, ông bà, ân nhân, ta còn làm được, tại sao cúi lạy  thành kính ngưỡng mộ các vị có hạnh nguyện siêu phàm cứu độ chúng sanh lại không được, lại không phải là một chuyện nên làm.

Một vị xuống thế gian thị hiện làm Thái tử, lìa bỏ tất cả công danh phú quí để tìm ra con đường thoát khổ vĩnh viễn cho chúng sanh (Thích Ca), môt vị giàu lòng từ bi nguyện nghe khổ ở đâu đều tìm đến cứu vớt (Quan thế âm), một vị có lời đại nguyện bao la “Nếu ta không độ hết tất cả chúng sanh trong Địa ngục thì ta nguyện không thành Phật” (Địa tạng vương), chưa kể một vị nữa, một vị tạo ra một cõi Tây phương cực lạc sung sướng đón tiếp tất cả những chúng sanh nào phát tâm niệm Phật sinh về cõi ấy để tiếp tục tu lên thành Phật (A di  Đà) với pháp môn Tịnh độ dễ tu, dành cho chúng sanh kém phước sinh vào thời mạt pháp này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhiều thanh niên nam nữ, Phong trào Tự Do Việt Nam, Phân Bộ Phila và New Jersey,  phong trào Cờ Vàng từ Cali…
Chùa Việt Nam tại Houston, Texas xin trân trọng thông bạch  đến  Chư  Tôn  Đức  Tăng  Ni,  quý  Cơ  Quan  Truyền  Thông
Tuần vừa qua, nhật báo lớn nhất Mỹ, tờ New York Times (NYT), đăng một bài điều tra về quá khứ của thượng nghị sĩ John McCain
Ít năm gần đây tên tuổi của Giáo sư kiêm cựu Tư lệnh Không Quân VNCH Nguyễn Xuân Vinh được nhắc nhiều trên báo chí và cộng đồng
Tiếp tục loạt bài tìm hiểu về sự hình thành cộng đồng Việt Nam tại Orange County từ những ngày đầu
Ngày 30 tháng 12 năm 1999, Việt Cộng cắt lãnh thổ của quê hương, dâng hiến cho Tàu cộng khoảng 700 km2. Một năm sau, ngày 25 tháng 12 năm 2000 cắt tiếp
Hình như Miyamoto Musashi (Cung Bản Vũ Tàng) đã viết như vậy cách đây hơn ba trăm năm. Lời khuyên của tay đệ nhất kiếm sĩ kiêm nghệ sĩ Nhật Bản
Tại nhà hàng Regent West, lúc 3 giờ chiều chủ nhật ngày 24 tháng 2 năm 2008, Văn Phòng II Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Santa Ana,CA-Chánh Biện Lý của Quận Cam, Ông Tony Rackauckaus hôm 20-2-2008 đã tuyên bố ủng hộ
Cơn khát này chẳng khủng khiếp lắm sao! Ảnh của Lm. Trần Cao Tường, chụp tại đcv Notre Dame, New Orleans
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.