Hôm nay,  

Nguyên Văn Bản Hiệp Định Trục Xuất Người Về Việt Nam

31/01/200800:00:00(Xem: 8229)

Sau hơn một tuần lễ kể từ ngày chính phủ Hoa Kỳ đạt thỏa hiệp trục xuất với Cộng Sản Việt Nam 22 tháng Giêng, 2008, chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được rất nhiều câu hỏi và những thắc mắc liên quan đến hiệp định nói trên. Thể theo lời yêu cầu của quý vị đồng hương, chúng tôi xin gởi đến quý vị nguyên văn bản hiệp định nói trên bằng Việt Ngữ. Hy vọng quý vị có thêm dữ kiện để tìm ra câu trả lời cho những điều mà quý vị đang quan tâm. 

HIỆP ĐỊNH GIỮA CHÍNH PHỦ HỢP CHỦNG QUỐC HOA KỲ VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VỀ NHẬN TRỞ LẠI CÔNG DÂN VIỆT NAM

Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (sau đây gọi tắt là "Chính phủ Hoa Kỳ") và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là "Chính phủ Việt Nam"),với lòng mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước, quy định những thủ tục cho các cơ quan có thẩm quyền của hai nước về việc nhận trở lại nhanh chóng và có trật tự những công dân Việt Nam được Chính phủ Hoa Kỳ ra lệnh trục xuất  khỏi Hoa Kỳ.

Nhằm mục đích quy định những thủ tục chung cho các cơ quan có thẩm quyền dựa trên những nguyên tắc pháp lý của mỗi nước và trách nhiệm quốc tế về việc nhận trở lại công dân hồi hương và thể theo những nguyên tắc chung đã được công nhận của luật pháp quốc tế, cho phép việc hồi hương được xác định trên cơ sở từng trường hợp cụ thể và công nhận quyền của nước nhận trong việc xác định quốc tịch,

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1

Những quy định chung

1.  Chính phủ Hoa Kỳ thực hiện việc hồi hương công dân Việt Nam vi phạm pháp luật Hoa Kỳ trên cơ sở phù hợp với pháp luật Hoa Kỳ, luật pháp quốc tế và các điều khoản của Hiệp định này. Việc hồi hương cần tính đến khía cạnh nhân đạo, tính thống nhất gia đình và hoàn cảnh của từng người trong từng trường hợp cụ thể.

2.  Chính phủ Việt Nam có thể xem xét nhận trở lại những công dân Việt Nam vi phạm pháp luật Hoa Kỳ,  trên cơ sở xem xét các thủ tục pháp lý,  quy chế và hoàn cảnh của từng trường hợp cụ thể.  Đối tượng và thủ tục nhận trở lại được xác định theo những quy định của Hiệp định này.

3.  Việc hồi hương được thực hiện trong trật tự,  an toàn và tôn trọng nhân  phẩm của người hồi hương.  Chính phủ Hoa Kỳ cho phép công dân Việt Nam bị trục xuất thu xếp các công việc cá nhân của họ ở Hoa Kỳ trước khi đưa họ trở về Việt Nam trong khoản thời gian hợp lý.

4.  Người hồi hương theo Hiệp định này có quyền chuyển về Việt Nam tiền và tài sản cá nhân hợp pháp của mình.

5.  Chính phủ Hoa Kỳ chịu các chi phí liên quan đến việc đưa người trở về Việt Nam những người hồi hương phù hợp với quy định tại Điều  5 và Phụ lục 1 của Hiệp định này.  Chính phủ  Hoa Kỳ cũng chịu mọi chi phí  cho việc nhân trở lại  Hoa Kỳ bất cứ người nào bị hồi hương do nhầm lẫn phù hợp với quy định  tại  Điều  3 của Hiệp định này.

Điều 2

Những người có thể bị trục xuất và các điều kiện nhận trở lại

1. Chính phủ Việt Nam nhận trở lại những công dân Việt Nam phù hợp với Điều 1 và khoản 2  Điều 2  Hiệp định này, nếu sau khi điều tra những người này đáp ứng những điều kiện sau:

(a)  Là công dân Việt Nam và đồng thời không phải là công dân  Hoa Kỳ hoặc công dân của bất kỳ nước nào khác;

(b)  Trước đây đã cư trú tại Việt Nam và hiện không có nơi cư trú ở nước thứ ba;

(c)  Đã vi phạm pháp luật Hoa Kỳ và bị cơ quan có thẩm quyền ra lệnh trục xuất; và  (d)  Nếu người này bị kết án do phạm  tội hình sự (kể cả các vi phạm pháp luật nhập cư ) thì trước khi  bị trục xuất người này phải thi hành xong án tù hoặc được giảm  án  phạt tù theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

2.  Những công dân Việt Nam đã đến Hoa Kỳ trước ngày 12 / 7/ 1995, ngày mà hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, không thuộc đối tượng nhận  trở lại về Việt Nam theo Hiệp định nầy.  Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam vẫn giữ lập trường pháp lý của mình liên quan đến  những công dân Việt Nam rời Việt Nam đến  Hoa Kỳ trước thời điểm nói trên.

3.  Trong  trường hợp  công dân Việt Nam di cư sang Hoa Kỳ từ một nước thứ ba là nơi

người này đã thường trú và nếu người này được lệnh trục xuất  khỏi  Hoa Kỳ thì Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tìm cách đưa người này quay lại nước thứ ba đó hoặc xem xét cho người này ở lại  Hoa Kỳ, trước khi yêu cầu đưa người này về Viêt Nam.      

4.  Trong bất kỳ trường hợp nào nếu Chính phủ Việt Nam có được những thông tin liên quan đến việc hồi hương của một người mà trước đây thông tin này chưa được Chính phủ Hoa Kỳ xem xét, thì Chính phủ Việt Nam có thể yêu cầu xem xét lại mặt nhân đạo dựa trên những hoàn cảnh cụ thể của người bị hồi hương phù hợp với pháp luật Hoa Kỳ.

Điều 3

Nhận trở lại trong trường hợp hồi hương nhầm lẫn

Khi nhận được thông báo của Chính phủ Việt Nam là một người đã bị Chính phủ Hoa Kỳ trao trả về Việt Nam nhưng không đáp ứng tất cả các điều kiện quy định tại Điều 2 Hiệp định này, Chính phủ Hoa Kỳ nhanh chóng nhận lại người đó trở lại Hoa Kỳ mà không cần qua bất  kỳ thủ tục đặc biệt nào.

Điều 4

Thủ tục nhận trở lại

1.  Khi Chính phủ Hoa Kỳ cho rằng một người có thể được lệnh trục xuất khỏi Hoa Kỳ là công dân Việt Nam và đáp ứng tất  cả các điều kiện quy định tại  Điều 2 Hiệp định này, Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ, thay mặt Chính phủ Hoa Kỳ, yêu cầu Chính phủ Việt Nam cấp giấy tờ đi lại phù hợp và sẽ chuyển các hồ sơ cần thiết của người đó cho Chính phủ Việt Nam. Các hồ sơ này bao gồm ba bộ, một bản gốc và hai bản sao. Bản gốc và một bản sao sẽ được Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam gởi cho Bộ Công an Việt Nam (Cục Quản lý xuất nhập cảnh), bản sao còn lại được gởi cho Bộ Ngoại Giao Việt Nam (Cục Lãnh Sự).

Mỗi bộ  hồ  sơ bao gồm công hàm ngoại giao đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp nhận người hồi hương, họ tên của người mà Chính phủ Hoa Kỳ dự định hồi hương về Việt Nam các tờ khai thích hợp do đương sự điền  đầy đủ (mẫu trong Phu lục 2 kèm theo  Hiệp định này),  bản sao lệnh trục xuất và các tài liệu khác liên quan  đến lý lịch,  quốc tịch, quá trình phạm tội, hình phạt đã áp dụng, quyết định  ân xá hoặc giảm hình phạt  tù. Lệnh trục xuất sẽ  được dịch ra tiếng Việt theo mẫu quy định, và giấy tờ liên quan đến  quá trình phạm tội, bao gồm cả hồ sơ tiếng Anh của Trung tâm Quốc gia về Thông tin hình sự,  kèm theo  mã đọc phải được dịch  ra tiếng Việt.  Tất cả các giấy tờ, tài liệu và bản dịch phải được cơ quan có thẩm quyền của  Hoa Kỳ chứng thực.

2.  Theo yêu cầu của  Chính phủ  Việt Nam,  Chính phủ  Hoa Kỳ thu xếp và tạo điều kiện để viên chức xuất nhập cảnh của Việt Nam phỏng vấn những người thuộc diện quy định tại Điều  2 (1) của Hiệp định này để xác minh các thông tin liên quan đến quốc tịch Việt Nam, dữ liệu nhân thân và nơi  cư  trú cuối cùng của người đó.  Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ sắp xếp địa điểm thực hiện các cuộc phỏng vấn đó.  Chính phủ  Hoa Kỳ cũng sẽ tạo điều kiện để các viên chức lãnh sự của Việt Nam đang công tác nhiệm kỳ tại Hoa kỳ phỏng vấn những người có thể bị trục xuất mà Hoa Kỳ tin rằng người đó là công dân Việt Nam.

3.   Chính phủ Việt Nam sẽ nhanh chóng trả lời cho Chính phủ Hoa Kỳ về các trường hợp nói đến tại Điều này sau khi đã hoàn tất việc minh xác về phía Việt Nam.  Nếu khẳng định đương sự, mà tên  và hồ  sơ của người nầy đã được chuyển giao cho  Chính phủ  Việt Nam theo đúng những quy định tại Điều nầy,  đáp ứng các điều kiên quy định tại  Điều 2,  Bô Công an Việt Nam  cấp giấy tờ thông hành cho phép người đó trở về  Việt Nam,  Đồng thời thông báo bằng văn bản cho Đại sứ quán  Hoa Kỳ tại  Việt Nam biết.

4.  Sau khi Chính phủ Việt Nam đã cấp giấy thông hành theo  Hiệp định này, Chính phủ Hoa Kỳ thông báo trước ít nhất mười lăm (15) ngày về chuyến bay và việc chuẩn bị hồi hương người được nhận trở lại  Việt Nam.  Đại sứ quán  Hoa Kỳ tại  Việt Nam thông báo cho Bộ Công an (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) và Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) về ngày tháng và số hiệu chuyến bay, thời gian hạ cánh,  cửa khẩu ( sân bay Nội Bài ở Hà Nội hay sân bay Tân Sơn  Nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh, các chi tiết liên quan đến  viên chức Hoa Kỳ áp giải người hồi hương  (như họ tên, ngày sanh, số hộ chiếu, thời gian dự kiến lưu lại Việt Nam ...) để phía Việt Nam khẳng định lại việc tiếp nhận người hồi hương.

Khi một người đang được điều trị y tế được trao trả về Việt Nam theo  Hiệp định này,  các viên chức áp giải Hoa Kỳ sẽ chuyển giao cho các viên chức tiếp nhận của  Việt Nam bản sao hồ sơ y tế của người hồi hương tại sân bay.  Viên chức áp giải và tiếp nhận của hai bên sẽ ký tên biên bản xác nhận việc bàn giao người hồi hương.

Điều 5

Chi phí

1.  Chính phủ Hoa Kỳ chịu chi phí vận chuyển những công dân Việt Nam hồi hương về Việt Nam theo Hiệp định này.

2.  Chính phủ Hoa Kỳ chịu chi phí cho việc tiếp nhận người hồi hương bao gồm: chi phí cho việc xác minh, việc tiếp nhận họ tại sân bay và chuyên chở những người này từ sân bay về nơi cư trú phù hợp với Phụ lục 1 kèm theo.

3.  Chính phủ Hoa Kỳ chịu chi phí thu xếp các cuộc phỏng vấn do các viên chức  Việt Nam có thẩm quyền thực hiện đối với những  người mà Chính phủ  Hoa Kỳ cho rằng họ là công dân  Việt Nam và thuộc đối tượng hồi hương theo  Hiệp định này.

4.  Chính phủ Hoa Kỳ chịu chi phí đưa trở về Hoa Kỳ những người hồi hương do nhầm lẫn, quy định tại Điều 3 Hiệp định này.

Điều 6

Hiệu lực và thời hạn

1.  Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực sau sáu mươi (60) ngày kể từ ngày được hai Chính phủ ký.

2.  Sau khi có hiệu lực, Hiệp định này có giá trị trong thời hạn năm  (5) Năm.  Sau đó, Hiệp định sẽ được tự động gia hạn thêm từng ba (3) năm một trừ khi Chính phủ này thông báo bằng văn bản cho Chính phủ kia về việc không gia hạn Hiệp định này ít nhất (6) tháng trước ngày Hiệp định hết hạn.

Điều 7

Sửa đổi và bổ sung

Hiệp định này có thể được sửa đổi hoặc bổ sung theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ qua kênh ngoại giao thích hợp.

Điều 8

Giải quyết tranh chấp

Mọi tranh chấp phát sinh liên quan đến việc giải thích và thực hiện  Hiệp định này được giải quyết qua kênh ngoại giao thích hợp .

Điều 9

Đình chỉ và chấm dứt hiệu lực

Hiệp định này có thể được một trong hai Chính phủ đình chỉ hoặc chấm dứt hiệu lực.  Việc đình chỉ hoặc chấm dứt hiệu lực Hiệp định này có hiệu lực sau ba mươi (30) ngày kể từ ngày  Chính phủ này nhận được văn bản thông báo của  Chính phủ kia về ý định đình chỉ hoặc chấm dứt hiệu lực Hiệp định này .

Làm tại Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2008  thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Anh và tiếng Việt;  cả hai văn bản có giá trị như nhau.

Thay Mặt Chính Phủ Nước Hợp Chủng Quốc Hoa Ky và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Đồng ký tên, Julie Myers, Đào Viết Chung

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đâu phải tự nhiên mà người Cộng sản Việt Nam rộ lên “phong trào” bàn về “hòa hợp dân tộc” sau 3 năm thi hành Nghị quyết 36
Khoa học tân tiến nhất của loài người ngày nay đã tìm đến Nguyệt cầu, Hoả tinh, và đã có các phi hành gia bay bổng ra ngoài tầng khí quyển
Khóa giảng hàng năm của đức Đạt Lai Lạt Ma là ngày hội cho Dharamsala... Hàng năm, cứ sau Tết Âm lịch
Khi một xã hội chỉ tìm thấy mẫu mực để bắt chước hay học hỏi từ ở bên ngoài thì rất dễ đánh mất bản sắc của mình vì thần tượng của họ
Trong đoàn quân Pháp sang đô hộ VN có một số quân nhân gốc Phi Châu ưa phá làng phá xóm khiến dân chúng Việt Nam căm ghét
Tình hình ở trong nước các tuần gần đây trước cuộc bầu Quốc hội (QH) vào 20.5.07 đã cho thấy hai chiều hướng phát triển
Trở về Việt Nam sau ba mươi năm lià xa, tôi đã đi không ngừng, Saigon ra Trung, Hà Nôi vô Nam; và mong sẽ quên chuyện non nước mình
Bước vào thế kỷ 21, việc xử dụng đa dạng năng lượng (energy diversity) trong chuyển vận là một trong những suy nghĩ lớn
Cuộc đấu tranh cho dân chủ trong nước đang nở rộ, và tấm gương bất khuất ngàn xưa của Việt Nam đang được lật lại từng trang
Việt Nam là một quốc gia có nhiều danh lam thắng cảnh, với niềm tự hào về nòi giống Rồng Tiên, một nền văn hóa đa dạng và một dân tộc siêng năng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.