Hôm nay,  

Dân Chủ Gian Nan

20/10/200700:00:00(Xem: 8738)

Giữa thiện và ác, cái ác vẫn dễ thắng...

Benazir Bhutto đã thoát chết trong vụ mưu sát tối 18 tháng 10 tại Karachi của xứ Pakistan. Dư luận được biết như vậy về một đòn khủng bố tự sát khiến hơn 130 người Hồi giáo Pakistan bị thiệt mạng, cả trăm người khác bị thương.

Từ biến cố này, chúng ta hãy thử nhìn qua một khiá cạnh khác.

Tại Karachi, hai đặc phái viên Carlotta Gall và Salman Masood của tờ International Herald Tribune xuất bản tại Paris đã mau mắn có bài tường thuật rất dài, trên hai ngàn chữ, về biến cố này với một tựa để bỉ ổi: "Bhutto bàng hoàng..."

Bỉ ổi vì sai lạc. Nguyên Thủ tướng Benazir Bhutto không có vẻ bàng hoàng hốt hoảng, dù biết rằng mình là mục tiêu của vụ đánh bom. Cũng bài tường thuật ấy, khi xuất hiện vài tiếng sau trên tờ The New York Times thì đã có tựa đề khác, trung thực và lương thiện hơn: Bhutto cho biết bà đã cảnh báo nhiều ngày trước về vụ tấn công. International Herald Tribune là một liên doanh Anh ngữ của hai nhật báo The New York Times và Washington Post, được xuất bản tại Pháp cho độc giả Anh ngữ của Âu châu.

Cùng một biến cố và cùng người tường thuật, truyền thông đã thể hiện hai cách nhìn khác nhau và dễ gây ấn tượng sai lầm. Ấn tượng ban đầu họ muốn gây ra là Benazir Bhutto hốt hoảng và rằng Hoa Kỳ phải duyệt lại quyết định ủng hộ nhân vật này. Sau đó, ban biên tập mới sửa lại khi đăng tải trên tờ New York Times. Chỉ vì hầu hết những người trong cuộc, ở tại hiện trường, và các thông tín viên khác trên thế giới đều nhấn mạnh đến sự kiện Bhutto không hoảng hốt mà còn bình tĩnh khẳng định rằng bà vẫn tiếp tục đấu tranh cho dân chủ chứ sẽ không lùi trước bạo lực.

Thật ra, là một người đã bị hăm dọa và coi như lãnh án tử hình, nếu Bhutto có giật mình hốt hoảng thì cũng là chuyện thường tình. Ngày 20 tháng Chín, thủ lãnh al-Qaeda là Osama bin Laden đã công bố cuốn băng ghi âm và kêu gọi dân Pakistan nổi dậy lật đổ chính quyền. Hai tuần sau, ngày năm tháng 10, một lãnh tụ Taliban là Baitullah Mehsud nói rõ hơn là nếu Benzir Bhutto trở về Pakistan, bà sẽ bị khủng bố tự sát tấn công. Ngày 18, Bhutto vẫn trở về và quả nhiên bị tấn công nhưng thoát chết. Và từ trong xe chui ra, bà lập tức hiệu triệu quốc dân về nhu cầu đẩy lui bạo động và gìn giữ ổn định cho Pakistan.

Là phụ nữ đầu tiên đã lãnh đạo một xứ Hồi giáo, Benazir Bhutto đã là một ngoại lệ. Nét văn hoá phổ biến của Hồi giáo là coi thường phụ nữ, tại Pakistan thì khác. Tại Bangladesh cũng thế, tại Indonesia cũng vậy. Hồi giáo Á châu có những đặc tính đáng kính trọng mà nhiều người Mỹ không biết. Nước Mỹ tự kiêu là dẫn đầu thế giới về dân chủ vẫn chưa tự chuẩn bị cho một Tổng thống phụ nữ, nhiều xứ Tây phương khác cũng vậy. Người ta nên nhìn Pakistan và nhiều xứ Hồi giáo Á châu với con mắt khác khi họ thực thi dân chủ với cái giá phải trả còn đắt đỏ hơn dân Mỹ gấp ngàn lần.

Trước khi trở về sau tám năm lưu vong, Benazir Bhutto biết trước là mình bị quân khủng bố Hồi giáo kết án tử hình và rằng nhiều sĩ quan tình báo cao cấp của Pakistan cũng là đồng lõa của xu hướng Hồi giáo cực đoan quá khích này. Bà vẫn trở về và tự chuẩn bị cho việc thanh lọc cả bộ máy tình báo trong cơ quan mật vụ ISI bị nhiễm độc Hồi giáo cực đoan.

Nhiều người, nhất là người Mỹ tối dạ, đã thầm nghĩ rằng sở dĩ về được là do áp lực của Chính quyền Bush để tìm một giải pháp dung hoà giữa Tổng thống Pervez Musharraf và bà Bhutto, một nhân vật "thân Mỹ" đã tốt nghiệp Đại học Hoa Kỳ.

Nếu quả là được Mỹ bồng về làm vua theo sự suy luận ấy, việc gì Bhutto lại chuốc họa bằng cách công khai diễn hành từ phi trường về, qua chặng đường dài trong tám tiếng liền trên một cỗ xe bỏ mui" Nếu là một con rối, Bhutto có thể chui vào xe bọc thép giữa một dàn hộ tống và chỉ xuất hiện phát biểu ở nơi an toàn để hốt phiếu đã được mua sẵn bằng đô la Mỹ! Nhưng, nền dân chủ lại không chấp nhận như vậy.

Hơn hai trăm ngàn người đã đi đón bà, nhiều người đến từ rất xa, từ cả ngàn cây số. Và họ tụ tập hai bên đường trên suốt lộ trình từ phi trường Karachi tới quảng trường bà sẽ đọc diễn văn. Việc Bhutto hồi hương để sẽ tranh cử vào tháng Giêng này đã trở thành một đám rước, và đám rước trong một xứ mà Tổng thống Musharraf đã bốn lần bị bọn "Thánh chiến" ám sát hụt và khủng bố đã từng ra tay rất tàn độc với thường dân.

Theo đúng kiểu đánh dồn của al-Qaeda, quân khủng bố đã tung lựu đạn để gây chấn động và khiến đội hình cận vệ bị náo loạn, sau đó mới đánh bom tàn sát. Giữa một đám rước thì việc ngăn ngừa như vậy coi như bất khả. Benazir Bhutto và đảng Nhân dân PPP của bà tất nhiên là hiểu như thế, nhưng đấy là cái giá của nền dân chủ. Lãnh tụ phải có quần chúng và phải gặp quần chúng. Các lãnh tụ độc tài hay bù nhìn thì khỏi cần chuyện đó, nhưng đã muốn dân chủ thì phải chấp nhận quy luật ấy. Và lãnh rủi ro.

Bà Bhutto đã lãnh và may mắn thoát chết. Nhiều người đã chào mừng bà tối Thứ Năm và sẽ đi bầu vào năm tới chưa chắc đã được may mắn như thế. Nhưng, nếu không chấp nhận rủi ro ấy, họ mặc nhiên chấp nhận ách độc tài họ kết án từ chế độ Musharraf, hay sự hỗn loạn cùa quân khủng bố, tiền đề cho một ách độc tài mù quáng khác của đạo Hồi theo lối suy diễn lạc hậu nhất của quân khủng bố.

Cho nên, biến cố vừa qua tại Pakistan không chỉ nói tới nhân vật Bhutto mà còn cho thấy nỗi gian truân của tiến trình dân chủ. Giữa thiện và ác, cái ác bao giờ cũng dễ thắng hơn. Nhưng, nếu vì vậy mà lùi bước thì cũng là từ bỏ quyền làm người, để cho loài thú lên ngự trị. Điều ấy, ta lại không thấy truyền thông Mỹ nói tới. Chỉ vì dân Mỹ vẫn chưa hiểu gì về cái giá mà các xứ khác phải trả cho nền dân chủ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tại thủ đô Washington D.C., tuần qua, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có vòng đàm phán thứ hai của cơ chế Đối thoại Kinh tế Chiến lược
Trong suốt thời gian vừa qua ở Việt Nam, các cơ quan thông tấn, truyền thông, báo chí liên tục đưa tin về việc tổ chức bầu cử quốc hội
Ở con người nói chung, ai cũng muốn mơ mộng để quên thực tế, phủ nhận hiện tại mà hướng về tương lai. một thứ mơ mơ màng màng
Cuộc thư hùng về Iraq giữa Quốc hội do đảng Dân chủ nắm đa số và Hành pháp của Tổng thống Bush bên đảng Cộng hoà
Tháng 5 năm ngoái, thứ trưởng bộ ngoại giao Hoa Kỳ, ông Robert Zoellick đã có cuộc họp với đại diện Hà Nội. Đây là cuộc họp cao cấp nhất
Ba mươi hai năm chúng ta sống với những giấc mộng không bình thường, trong đó có những ước mơ tưởng như tầm tay nầy vói được
Vở kịch bầu bán Quốc hội ở Việt Nam ngày 20-5 (2007) đã hạ màn, đào kép phải đợi đến Tám ngày sau mới có kết qủa
Vừa rồi các thượng nghị sĩ gạo cội của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đạt thoả thuận với Tòa Bạch Ốc về chính sách cải tổ tòan diện
Từ hơn hai chục năm nay "nỗi buồn nhược tiểu" bị cường quốc xâu xé trong tôi biến dần thành nỗi đau "đất nước suy vong
Ngày 23 tháng 5, năm 2007, báo điện tử Asia Times đã đăng tải bài tiểu luận viết bằng Anh Ngữ ''Fight for the Right to Choose in Vietnam"
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.