Hôm nay,  

‘Phép lạ Trung Quốc’

22/05/200800:00:00(Xem: 15122)

...trước khi Trung Quốc có loạn thì các lân bang có thể sẽ bị khốn đốn...

Trận động đất hôm 12 vừa qua tại tỉnh Tứ Xuyên có phơi bày ra mặt trái của điều vẫn được gọi là "phép lạ kinh tế Trung Quốc" khi nhiều công thự mới xây đã bất ngờ sụp đổ và chôn vùi nhiều nạn nhân trong gạch vụn. Nhân dịp này, Diễn đàn Kinh tế đài RFA sẽ cùng tìm hiểu tiếp mô thức kinh tế Trung Quốc qua cuộc trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trong chương trình chuyên đề hàng tuần do Việt Long thực hiện.  

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, tính đến Thứ Ba 20, tức là tám ngày sau trận động đất tại tỉnh Tứ Xuyên, con số nạn nhân ở Trung Quốc có thể lên tới bảy vạn người. Trong dịp này, người ta cũng chú ý đến một hiện tượng bên lề mà nhật báo The Guardian của Anh có tường thuật, là nhiều người dân Trung Quốc nổi giận và tự hỏi là vì sao rất nhiều cao ốc lại sụp đổ dễ dàng. Họ gọi đó là những "cao ốc đậu phụ", được xây dựng dưới tiêu chuẩn an toàn.

 Nhân dịp này, chúng tôi xin đề nghị là ta tiếp tục tìm hiểu về chiến lược kinh tế Trung Quốc xuyên qua một số hiện tượng tiêu cực đang được phơi bày.

 - Khi còn là Tổng lý Quốc vụ viện, 10 năm về trước, ông Chu Dung Cơ có công khai tố cáo một số hiện tượng tiêu cực là loại dự án ông gọi là "tàu hủ", tức là mềm oặt và dễ nát. Trận động đất vừa qua ở tỉnh Tứ Xuyên phơi bày ra điều ấy khi nhiều công thự mới xây trong vòng 10 năm đã sụp đổ - thí dụ như 6.900 lớp học đã chôn vùi nhiều học sinh trong gạch vụn - mà các cao ốc xây cất 20 năm trước ở trong thành phố không bị đổ nát đến như vậy. 

- Chúng ta biết là dân Tứ Xuyên trong đất liền ít cơ hội tiếp xúc với người ngoại quốc như dân Bắc Kinh hay Thượng Hải, vậy mà lần này họ bất mãn phân bua với các thông tín viên của tờ Guardian. Họ đã nhìn ra trách nhiệm rất lớn của chính quyền địa phương trong các dự án bị rút ruột. Vì vậy, lãnh đạo Trung Quốc sẽ không thể làm ngơ được nữa.

 - Tôi thiển nghĩ rằng về địa chất học thì sau cơn địa chấn Tứ Xuyên sẽ còn nhiều trận hậu chấn do sự va chạm giữa các địa tầng quanh vết nứt gọi là Long Môn Sơn của cao nguyên Thanh Tạng. Về kinh tế xã hội thì cơn địa chấn cũng để lại nhiều dư chấn do sự chuyển dịch từ mô thức phát triển của Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân thời trước qua mô thức của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Đấy cũng là một vết nứt Long Môn về chính trị.

 Hỏi: Ông vừa phân biệt hai mô thức hay hai thời kỳ phát triển kinh tế của Trung Quốc, từ mô thức của Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân qua mô thức của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo ngày nay. Ông có thể giải thích được sự khác biệt ấy không"

 - Trong nhiều dịp trước, ta có nói tới một hiện tượng mà tôi gọi là "kinh tế xe đạp", như một cái xe đạp không lăn bánh là đổ. Đó là mô thức được Đặng Tiểu Bình đề xướng từ năm 1979 và được Giang Trạch Dân khai triển từ 1989 đến 2002. Mô thức ấy hàm nghĩa là nếu đạt tốc độ tăng trưởng từ 8% trở lên thì kinh tế có thể khắc phục được mọi thách đố, nói cho dễ hiểu là phải tăng trưởng bằng mọi giá thì sẽ vượt qua được cơn hiểm nghèo.

 - Thật ra, giải pháp ấy gây ra cả chục mâu thuẫn trong cơ cấu kinh tế xã hội. Bây giờ, các mâu thuẫn đó bắt đầu phát tác và phơi bày ra nhiều nguy cơ khủng hoảng mà thế hệ lãnh đạo Hồ Cẩm Đào hay Ôn Gia Bảo sẽ phải giải quyết sau khi lên cầm quyền từ Đại hội 16 vào năm 2002.

 Hỏi: Ông nói đến cả chục mâu thuẫn, đó là những mâu thuẫn gì, ông có thể chứng minh được không"

 - Năm năm sau khi lên lãnh đạo, thế hệ của các ông Hồ Ôn đã nhìn thấy mặt trái của mô thức được theo đuổi trong hai chục năm. Tại Đại hội 17 của đảng vào tháng 10 năm ngoái, họ công khai nói tới những bất toàn nghiêm trọng của kinh tế, xã hội và môi sinh lẫn cơ chế chính trị. Nếu theo dõi sự việc thì mình có thể thấy ra các mâu thuẫn sau đây trong mô thức Trung Quốc:

- Mâu thuẫn đầu tiên là mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá không kiểm điểm được nhiều phí tổn ngầm vì tài nguyên bị lạm thác, môi trường sinh sống bị hủy hoại. Đó là mâu thuẫn của tăng trưởng thiếu bền vững. Thứ hai là mâu thuẫn giữa các thành phần giàu và nghèo, giữa các tỉnh duyên hải và lục địa, giữa thành thị với nông thôn và khoảng cách ngày càng mở rộng về cả lợi tức lẫn nhận thức. Đó là tăng trưởng thiếu phẩm chất.

 - Thứ ba là mâu thuẫn giữa nỗ lực công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp, xuyên qua việc quy hoạch tổng thể, với hậu quả đã thành rõ rệt là tranh chấp thậm chí động loạn bùng nổ về đất đai. Thứ tư là mâu thuẫn giữa mục tiêu xuất khẩu tối đa và bằng mọi giá với việc nâng cao sức tiêu thụ của thị trường nội địa xuyên qua các chính sách về ngoại hối và thuế khoá. Thứ năm là mâu thuẫn giữa vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước có hiệu năng rất thấ[ với yêu cầu hội nhập vào thị trường quốc tế của thế giới văn minh.

 - Thứ sáu là mâu thuẫn giữa chủ trương thi hành việc ích quốc lợi dân của đảng với nạn tham nhũng và vai trò khuynh đảo của các đảng viên cán bộ, của các thế lực kinh tế ẩn núp trong đảng. Thứ bảy là mâu thuẫn giữa chính sách trung ương với sự chấp hành miễn cưỡng, lệch lạc thậm chí  là  cản trở của các đảng bộ địa phương. Thứ tám là mâu thuẫn giữa yêu cầu tăng trưởng hài hòa với một cơ chế chính trị thiếu dân chủ và không theo thể chế liên bang để phân định quyền hạn. Và quan trọng nhất, mâu thuẫn ngày càng mở rộng giữa kinh tế thị trường tự do và hệ thống chính trị độc đoán. Hai mươi năm sau khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng cải cách, việc cải cách ấy đã đi hết sự vận hành của nó và đòi hỏi nhiều thay đổi đầy rủi ro cho xứ này.

 Hỏi: Nói như vậy, ông có phủ nhận những thành tựu dù sao cũng là hiển nhiên của kinh tế Trung Quốc trong hơn hai chục năm qua hay không" Nếu như vậy, vì sao thế giới vẫn nói tới Trung Quốc như một nước tân hưng, một cường quốc kinh tế mới của thế giới"

 - Một trong những bài học vỡ lòng của kinh tế là người ta thường chỉ tính ra cái "được" mà không nhìn thấy cái "mất", chỉ làm toán cộng mà không khấu trừ những "ẩn phí", những phí tổn ngầm mà ai đó phải trả để có cái "được" ấy. Thế giới nói tới Trung Quốc như một quốc gia mới vượt qua Nhật Bản hai năm trước trong việc nhập khẩu năng lượng dầu khí và coi đó là một thành tích kinh tế. Thật ra, Trung Quốc có thể tiêu thụ chừng 10% sản lượng dầu khí của thế giới, gần 30% sắt thép hay hơn 40% xi măng của toàn cầu. Nhưng để làm gì" Thưa là để sản xuất ra một sản lượng chỉ bằng 6% sản lượng toàn cầu. Nếu so sánh cả hai vế xuất và nhập lượng, từ đầu vào dến đầu ra như thế, ta mới thấy đà tăng trưởng ấy không là phép lạ mà rất kém hiệu năng vì bị phao phí vào loại dự án thiếu giá trị kinh tế, bất công và gây thiệt hại môi sinh rất lớn. Sở dĩ như vậy là vì những mâu thuẫn giữa chính trị và kinh tế như mình vừa liệt kê ở trên.

 Hỏi: Nếu quả là như vậy, bây giờ, lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải làm gì"

 - Ta đang thấy mâu thuẫn giữa mô thức Đặng-Giang với mô thức Hồ-Ôn được chuyển hoá thành mâu thuẫn giữa các đảng bộ địa phương với trung ương tại Bắc Kinh. Tôi xin giải thích cho rõ:

- Các đảng bộ địa phương thì cho rằng mô thức Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân vẫn có giá trị vì có lợi cho họ và tỏ vẻ dè dặt với mọi chủ trương xét lại. Họ viện cớ là nếu kinh tế không tăng trưởng mạnh thì thất nghiệp sẽ gây ra động loạn. Họ chủ trương là phải tiếp tục đạp xe cho mạnh để xe khỏi đổ, xã hội khỏi loạn. Nhất thời thì họ cũng có lý, nhưng lý do thật ra vẫn là tư lợi, và nếu cứ tiếp tục như vậy, môi sinh sẽ bị hủy hoại, hệ thống ngân hàng sẽ phá sản và doanh nghiệp nhà nước sẽ sụp đổ và cuối cùng thì nông dân sẽ nổi loạn.

 Hỏi: Trong khi ấy, lãnh đạo tại Trung ương có khi lại nghĩ khác"

 - Những người như Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo hay Úy Kiện Hành thì muốn điều chỉnh lại những bất toàn hầu giải tỏa các mâu thuẫn mà họ đã thấy ra, và công khai nói tới. Thí dụ như ưu tiên phát triển các vùng nằm sâu trong lục địa hoặc tái phân lợi tức bằng thuế khoá và tín dụng cho dân cư nông thôn có thêm sức mua và cơ hội thăng tiến. Tuy nhiên, khi tiến hành việc đó họ lại gây mâu thuẫn với các đảng bộ địa phương. Nếu không cải sửa, xã hội Trung Quốc sẽ vỡ đôi, nhưng nếu cải sửa để hợp lý hoá tiến trình quyết định từ trung ương xuống thì đảng Cộng sản Trung Quốc có thể vỡ đôi. Vì vậy, họ cố luồn lách bằng thủ thuật chính trị như chống tham nhũng, và cả tài chánh ngân hàng như lập ra cơ chế quản lý tài sản công quyền, để mua chuộc hoặc triệt hạ các đảng bộ cứng đầu. Trận động đất Tứ Xuyên có thể là cơ hội đẩy mạnh việc chấn chỉnh đó khi trung ương sẽ cho điều tra và thi hành kỷ luật với những ai đã thực hiện loại dự án tầu hủ này.

 Hỏi: Để tạm tổng kết về những mặt trái của phép lạ kinh tế Trung Quốc, người ta có thể thấy ra những gì là tiêu biểu nhất"

 - Nếu căn cứ trên số tiêu thụ về điện năng thì tốc độ tăng trưởng thực tế của Trung Quốc chỉ ở khoảng từ 4,5% đến 6% chứ không thể là 10% như thiên hạ vẫn nói. Đây là ước tính của Giáo sư Lester Thurow của Đại học MIT trong một bài phân tích ngày 19 tháng Tám năm ngoái trên tờ New York Times. Và ông kết luận rằng Thế kỷ 21 chưa là Thế kỷ của Trung Quốc! Phải trăm năm nữa. Và nếu khấu trừ những hủy hoại môi sinh cho nhiều thế hệ nối tiếp bên trong tốc độ tăng trưởng hơn 10% của Trung Quốc thì đà tăng trưởng thực tế của xứ này chẳng còn là bao nhiêu.

 - Trong khi ấy - và đây là một mặt trái khác của tấm huy chương mạ kền này - hàng năm, có chừng 100 triệu dân vẫn từ thôn quê dạt vào thành phố để kiếm sống trong sự bất trắc và 800 triệu nông dân là thành phần thất vọng và bất mãn về phép lạ bề ngoài của Trung Quốc. Khi vận động nông thôn gây sức ép cho việc cải cách cơ chế chính trị của đảng tại địa phương, là điều họ đã làm từ vài năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh có thể đang đùa với lửa.

- Lịch sử xứ này có cho thấy rằng khi sợ nội loạn, họ phải khơi dậy tinh thần dân tộc thậm chí bài ngoại của người dân và chỉ ra kẻ thù bên ngoài là đối tượng phải đấu tranh. Nghĩa là trước khi Trung Quốc có loạn thì các lân bang có thể sẽ bị khốn đốn.

Hỏi: Câu hỏi cuối vẫn là một liên tưởng hay quy chiếu vào trường hợp Việt Nam. Thưa ông, lãnh đạo Hà Nội có nhìn thấy những chuyện ấy hay chưa"

 - Tôi trộm nghĩ rằng lãnh đạo Trung Quốc có tinh thần thực tiễn và yêu nước hơn lãnh đạo Việt Nam, và lãnh đạo Hà Nội cũng thế, họ yêu nước Trung Quốc hơn nước Việt Nam. Vì vậy, họ vẫn coi mô thức Trung Quốc là mẫu mực và lãnh đạo Bắc Kinh là điểm tựa.

- Trong khi ấy, Việt Nam cũng có rất nhiều chứng tật kinh tế không khác gì Trung Quốc, thí dụ như bất công xã hội, hủy hoại môi sinh, thổi lên bong bóng đầu cơ và bao che cho tham nhũng. Đáng lẽ, họ nên sớm nhìn ra vấn đề để không rơi vào vết xe đổ của nước láng giềng và giải quyết bài toán trước khi bị khủng hoảng, là điều chúng ta sẽ còn nhiều cơ hội phân tích sau này.

Hỏi: Liệu vấn đề của Việt Nam có dễ giải quyết hơn vấn đề của Trung Quốc hay không"

- Có thể là dễ hơn vì Việt Nam đi sau và kích thước vấn đề cũng nhỏ hơn trong khi Trung Quốc gặp nan đề trầm trọng hơn trên quy mô lớn của cả một lục địa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chuyện ngụ ngôn thời xưa kể lại có người Cha già muốn dạy các con bài học “HIỆP NHẤT”: “DDOÀN KẾT THÌ SỐNG, CHIA RẼ THÌ CHẾT…”
The New Economics Foundation (NEF) của Anh, đã đưa ra khái niệm Happy Planet ln "Tốc độ của cả hạm đội không phụ thuộc vào con tàu nhanh nhất
Tôi được sinh ra và lớn lên một phần tư thế kỷ trong xã hội không cọng sản. Tôi được đi học mà chẳng biết “hiến chương nhà giáo” là gì
Thời gian từ đầu năm 2007 cho đến nay tất cả các cơ quan truyền thông báo đài trên cả nước Việt Nam tập trung ráo riết tuyên truyền cuộc vận động
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, thế giới của những người yêu dân chủ VN, lai được chứng kiến phiên tòa phúc thẩm xét xử hai công dân dân chủ ưu tú
Hôm nay tôi sẽ chia sẻ về phần thứ hai của loạt bài diễn giải Tâm Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, nói về Sắc và Không.
Hiện có 161 đồng bào VN tỵ nạn kém may mắn, còn lưu lạc gần  hai mươi năm ở Phi Luật Tàn
Ngày nay Little Sàigòn đã trở thành thủ phủ của người Việt mà khắp nơi trên thế giới, kể cả ở Việt Nam
Hàng năm người Hoa Kỳ dành ngày Thứ Năm trong tuần lễ cuối của tháng Mười Một để cử hành lễ Tạ Ơn.  Ngày lễ Tạ Ơn cũng còn được gọi là "Ngày Gà Tây"
Tuần qua, Bắc Kinh hủy bỏ chuyến thăm viếng của Tổng trưởng Tài chính Đức là ông Peer Steinbruck được dự trù từ lâu cho tháng 12 tới đây
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.