Hôm nay,  

Thời Điểm Superbowl: Kỹ Nghệ Bán Nụ Cười

03/02/200800:00:00(Xem: 6224)

- Lm. Trần Cao Tường

Hàn Mặc Tử khoái trăng thì rao lên: ai mua trăng tôi bán trăng cho. Chứ thời bây giờ nhiều người rầu rĩ lắm, đâu có giờ mà ngó trăng hay mua trăng, nhưng cần phải mua nụ cười, cần ai bán cười là mua liền.

Đừng có lo. Một ngân hàng ở vùng ngoại ô New Orleans đã trưng bày những bức hình chụp quảng cáo các dịch vụ bán nụ cười với kỹ thuật cao độ, hấp dẫn lắm, ai xem cũng bị thôi miên thu hút liền. Có khoảng tám bức hình khác nhau. Hình nào cũng rạng lên nụ cười tươi chứa chan hạnh phúc. Ngân hàng lo cho từng li từng tí, khẳng định rõ: "lo cho đời sống, lo cho chính bạn", "cắt may cho vừa nhu cầu của khách hàng."

 THỜI ĐIỂM TÁM NGƯỜI CHUYÊN TRỊ MÉO MẶT

 Kìa, một cặp sinh viên nam nữ vui vẻ quá chừng, đang tung tăng nhún nhảy chơi xích đu, với hàng chữ bên dưới ám ảnh: giờ đây khỏi phải lo tiền sách, tiền học, tiền cư xá... nghĩa là đã có ngân hàng lo cho. Một người trẻ khác đang nựng con chó đầy ắp tín trung, với cơ hội xin được thẻ tín dụng mà chỉ mất tiền lời chưa tới năm phần trăm trong vòng sáu tháng đầu, (và dĩ  nhiên đâu cần để ý tới những tháng sau vọt lên khoảng gần hai chục phần trăm!)

Đây là một đôi vợ chồng đang đầm ấm yêu thương tin tưởng hạnh phúc, vì hàng chữ đang rót vào tai: chúng ta đã chọn được một điều có ý nghĩa cho cuộc sống lứa đôi, là chọn được chỗ tín thác tiền bạc khỏi lo. Gần đấy là một người chủ tiệm đang méo mặt vò đầu vì nhiều chuyện tiền vào tiền ra bế tắc, nhưng bỗng cười lên rung rinh vì khám phá ra ngân hàng đã lo cho đủ mọi thứ này rồi. Thế là như "có ngân hàng chăn nuôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì được vay mượn cứ tha hồ mà nằm nghỉ..." Chỗ kia là hình một người đang vui vẻ điện thoại cho dịch vụ để yêu cầu trả cho các thứ "bill" hàng tháng, khỏi mất công rắc tối viết chi phiếu... tiện lợi quá chừng.

Rồi trong một công viên êm ả, một cặp vợ chồng già đã về hưu, chiều chiều khoác tay dìu nhau như đi vào cõi mộng. Lời thôi miên lại rủ rỉ ngọt ngào hơn lời yêu đương đầu đời: "Lúc này chúng mình muốn làm gì cũng được, vì chúng mình có khả năng." Tấm hình có ý nói rằng ngân hàng đã cẩn thận giữ tiền (ki cóp) để dành bấy lâu, bây giờ là lúc sung sướng nhất vì có giờ mà hưởng. Cũng đúng là ước mơ nơi một tấm hình khác với hai ông bà già ngồi câu cá thảnh thơi sung sướng, ánh mắt long lanh như rắc hàng triệu hạt trân châu óng ánh nhảy múa trên mặt nước kia.

Ở phòng chính ngân hàng là một tấm hình lớn nhất mà cũng mang nét biểu trưng nhất của nếp văn minh này. Một chị tuổi xồn xồn (có thể là sống độc thân hay mới li dị gì đó) nhưng còn rất thon trẻ tươi mát đang rất vui vẻ thoải mái dùng bữa một mình trong một căn phòng sang trọng ấm áp. Ở ghế đối diện là một con chó to lớn cũng có đĩa đồ ăn dành riêng cho chó. Cũng vẫn tình đượm đà. Cũng vẫn tình thiết tha. Khỏi phải to tiếng cãi cọ phiền rày. Chó nó rất trung thành, đâu có bao giờ lôi mình ra tòa đòi đá mình ra khỏi nhà! Có ngân hàng lo cho thì còn gì là cô đơn phiền muộn. Vườn địa đàng là đây, thảnh thơi yên ổn là đây, đâu cần gì khác!

NÚT BẬT TỰ ĐỘNG Ở GIẢI VÔ ĐỊCH SUPER BOWL

Ngành quảng cáo thương mại đã tiến rất xa về kỹ thuật chiêu dụ, ám ảnh thôi miên từ trong mạch máu: khơi lên những nỗi khao khát sâu xa của con người, rồi đưa ra một hình ảnh đáp ứng, đến độ cao nhất với hình ảnh sung sướng nhất thì búng món hàng muốn quảng cáo ra. Người xem tự nhiên đồng hóa món hàng với hình ảnh thích thú kia. Mua món hàng có nghĩa là mua cái thích thú đó. Kỹ thuật này được gọi là "Nút Bật Tự Động" (anchoring).

Thế là cứ thảy hàng ra là mọi người chộp như tôm tươi ngay. Chẳng vậy mà hãng bia Anheuser Busch với Budweiser và Michelob đã chịu trả tới trên 20 triệu đô la cho tổng cộng năm phút quảng cáo trong một trận banh chung kết Super Bowl của Mỹ trên Tivi. Có khoảng trên 120 triệu người Mỹ xem trận đấu này, và cứ 30 giây các hãng quảng cáo phải trả 3 triệu đô-la.

Ai cũng muốn chơi thắng, làm việc hiệu quả, tìm trị được chứng méo mặt bằng niềm vui và nụ cười. Kỹ thuật quảng cáo đã nghiên cứu các giải pháp xong xuôi cả rồi. Đơn giản lắm, chỉ cần bỏ tiền và mượn tiền tại ngân hàng trên là hết nhăn nhó cô đơn sầu đời. Chỉ cần chi mấy đồng là có một dây hạnh phúc, uống vô là ném banh dính đét không thể trật được. Hình ảnh thắng điểm "touchdown" hào hứng đồng hóa với uống một lon bia. Vậy là sẽ có nhiều người mê loại bia này sau trận banh. Hãng bia lại thu bộn bạc đủ cho 20 triệu mà còn lời gấp bội. Đó là điều chắc chắn.

TIN VUI GỬI NGƯỜI BỊ XÚI DẠI

Tám người quảng cáo cho dịch vụ bán nụ cười của ngân hàng thực ra là những người được thuê với giá cao, vì họ biết đóng kịch cười rất thu hút mà có thể trong lòng họ cũng đang rầu thối ruột. Cười ăn tiền là vậy. Vì thế mà quảng cáo cũng gọi là kỹ thuật chiêu dụ, và nhiều khi cũng trở thành kỹ thuật đánh lừa, kỹ thuật xúi dại. Vì có người sài thẻ nợ kỹ quá thì méo mặt khóc lên khóc xuống chứ có cười nổi đâu. Bởi lẽ tiền lời sau đó quá cao. Nốc cả dây bia vào thì mắt lờ đờ ngã giụi xuống "cho chó ăn chè" chứ còn sức đâu mà thắng điểm "touchdown!

Ấy, kỹ thuật quảng cáo tài tình đến độ tạo ra được sức ép tâm lý khiến khó mà cưỡng lại được. Những giá trị của món hàng cũng được tạo ra để mọi người có cảm tưởng cứ mua vào là trở thành hạng sang, hợp thời trang tiến bộ như dùng đồ Nike, Tommy Hilfiger... Riết rồi mình bị biến thành nạn nhân, thành con mồi bị xỏ mũi lôi đi theo những nhu cầu liên tu bất tận, khiến mỗi ngày mỗi xây xẩm tối tăm mặt mày!

Chưa bao giờ như lúc này vào thời điểm con người muốn mua được hạnh phúc sao mà phức tạp trầy da tróc vảy đến thế! Nghĩa là phải rướn theo nhiều điều kiện may ra mới cười lên được. Mà có kịp cười đâu! Phải còng lưng cầy thêm để mua thêm thứ này, đua chen thứ kia cho bằng người, cho được bớt tủi!

Từ trên phi cơ hay trên núi cao nhìn xuống, mình bỗng thấy nhà cửa và những bon chen ở dưới mặt đất kia tự nhiên nhỏ nhoi hẳn ra. Thì ra những giá trị mà mình đang vật lộn giằng giật nhiều khi lại do chính con người đặt ra với nhau để trói buộc áp lực hành hạ nhau mà thôi.

Thấy được tình trạng của dân chúng đang nhớn nhác chạy đi tìm thêm những điều kiện để đạt hạnh phúc, Chúa Giêsu liền đưa ra một cái nhìn rất cách mạng, đảo ngược tất cả, vẫn được gọi là hiến chương Nước Trời. Người lên sườn núi, ngồi xuống, có các môn đệ bao quanh. Bấy giờ Người bắt đầu giảng thuyết (Mt 5:1-10):

Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ.

Phúc cho những kẻ hiền lành, vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp.

Phúc cho những kẻ ưu phiền, vì họ sẽ được ủi an.

Phúc cho những kẻ đói khát công chính, vì họ sẽ được no đầy.

Phúc cho những kẻ biết thương xót, vì họ sẽ được xót thương.

Phúc cho người có lòng tinh sạch, vì họ sẽ nhìn được Thiên Chúa.

Phúc cho người kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc cho những kẻ bị bắt bớ vì sự công chính, vì nước Trời là của họ.

PHÚT TÌM LẠI ĐƯỢC NỤ CƯỜI

Tám điều có phúc của Chúa như tám mũi tên ngược. Theo cái nhìn của thời bị xỏ mũi này thì bị coi là tám điều thua thiệt xui xẻo, mang nét u ám tiêu cực. Nhưng thực ra lại là tám bửu bối như tám chìa khóa mở cổng vườn hạnh phúc đang nằm ngay bên, chứ có phải nhớn nhác đi tìm mãi đâu xa. Nói cách khác, đây là phút giác ngộ kết thúc mọi cuộc kiếm tìm, vì đã tìm thấy điều vẫn kiếm tìm bấy lâu nay.

Đến vậy là cùng, không còn một điều kiện gì theo tiêu chuẩn người đời đặt ra để sung sướng mà vẫn hạnh phúc, chẳng phải là một phát giác lạ lùng sao" Vì niềm hạnh phúc đã có sẵn rồi, hạnh phúc tự thân được Chúa Trời đất trao tặng nhưng không, có phải do những thứ bày đặt buôn bán nụ cười kia đâu. Vậy thì bất cứ gì xẩy đến cũng đâu có thay chuyển gì. Đây quả là một nhãn quan mới rất tích cực tươi mát khai mở giá trị mới về cuộc đời.

Tôi cảm nhận được phần nào cái nhìn này khi được tới đỉnh đồi Bát Phúc bên Do Thái vào một ngày đầu xuân năm 1986. Sáng hôm đó nắng rất mượt, "trời lửng lơ trời" mở lên cao và giuỗi rộng thật xa. Bên dưới kia là Biển Hồ Galilê vẫn còn ẩn hiện dưới làn sương mờ. Sườn đồi thoai thoải trải ra một thảm hoa đùa giỡn dưới làn gió nhẹ có sức lay động tâm hồn. Mấy chú chim ríu rít trên những cây hạnh đào nở tràn hoa từ gốc lên ngọn. Ánh sáng từ phía đông chiếu tới làm long lanh những hạt sương còn đọng lại như triển lãm cả triệu viên bích ngọc quí báu nhất trần gian.

 À, đây rồi. Chắc Chúa Giêsu đã chỉ cho đám đông cái nhìn này. Cuộc sống giầu có quá, Chúa Trời Đất đã bày biện dọn sẵn cho mọi người, đâu phải là những điều kiện bon chen hay giá trị nhỏ nhoi bày đặt dưới kia. Có "áo lụa Hà Đông" hay Polo nào đẹp bằng bông hoa dại kia" Có ai hạnh phúc nhởn nhơ hơn con chim kia" Có viên kim cương nào mắc tiền hơn hạt sương lóng lánh kia" Thì ra, có Chúa là có tất cả rồi, không gì trên đời có thể làm mình sợ hãi đánh mất nụ cười được nữa. Vậy sao mình không khôn ra được một tí mà cứ để bị xúi dại hoài"!

 Chúa Trời chăn dẫn tôi đi,

Lo chi thiếu thốn sợ gì gian nguy.

Mênh mông đồng cỏ xanh rì,

Tôi no búp mới, tràn trề lộc non.

Mát trong nước sạch suối nguồn,

Cho tôi nằm nghỉ tâm hồn thảnh thơi.

 (Thánh vịnh 23, Hoàng Vũ chuyển thơ)

 Lm. Trần Cao Tường

(từ tác phẩm Khúc Sáo Ân Tình, Thời Điểm xuất bản)

 Mời thăm Mạng Lưới Dũng Lạc, góp tư liệu xây nhà Văn Hóa & Niềm Tin

http://www.dunglac.org  và www.dunglac.net

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tin tức của tình báo, gián điệp đóng một vai trò rất quan trọng trong chiến tranh không kém gì tiếp liệu
Táo quân chỉ là một chú công an thuế vụ do một thế lực tào lao mà bất lực đâu đó phái khiển...
Tính đến cuối năm 2006, bản thống kê dân Mỹ gốc Việt định cư khắp Hoa Kỳ là 1,599,394 người, chiếm 0.5% tổng dân số Mỹ
Ai đã từng đi qua Little Saigon ở Cali, thủ đô tinh thần của người Việt tỵ nạn CS. Ai đã từng qua lại xa lộ 22 hay đường trong là Trask
Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán là ngày lễ thiêng liêng, trọng đại nhất trong năm. Trong những ngày Xuân
Nhà văn Chu Tất Tiến đã quá quen thuộc với người đọc hải ngoại: Thơ, tùy bút, truyện ngắn, tiểu thuyết…
Mưa rồi lại bão. Hết bão, mưa lại liên tục đổ xuống bang California và vùng Vịnh San Francisco suốt mười lăm ngày liền.
Sáng ngày 1-2 , tức 25 tháng Chạp, tại hội trường Thống Nhất, hay dinh Độc Lập cũ, đã có lễ mít-tinh trọng thể cấp nhà nước kỷ niệm 40 năm
Thế là sau gần nủa thế kỷ tôi lại có dịp về thăm Nam Định, thành phố vô cùng thân thương của tôi vào buổi thiếu thời.
Khoảng hai tuần vừa qua, có một lá thư, ký tên Lê Duật được gởi đi các trường đại học vùng Hoa Thịnh Đốn và vùng Đông Bắc HK
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.