Hôm nay,  

Vị Thế Mới! Vị Thế Nào?

01/11/200700:00:00(Xem: 6670)

Ngày 16/10/2007 vừa qua, Việt Nam được bầu làm thành viên không thướng trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (HDDBA). Báo chí trong nước được dịp tung hô. Nào là "vị thế cùa Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao...", nào là "được sự ủng hộ của đại đa số các thành viên...". Người nghe tưởng như chúng ta đã trở thành cái rốn của vũ trụ dưới sự lãnh đạo anh minh của Đảng. Đúng là kể từ nay Việt Nam sẽ góp mặt trong các buổi họp quan trọng của LHQ cũng như có cơ hội tiếp cận được các định chế, các tổ chức quốc tế.

Nhưng sự thực không chỉ có thế!

Được thành lập vào ngay từ năm 1946, HDDBA có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh trên toàn thế giới. HDDBA có 15 thành viên trong đó 5 thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, và Nga. 10 thành viên không thường trực được chia ra cho các châu lục, mỗi thành viên có nhiệm kỳ 2 năm. Các quyết định của HDDBA có tính cách ràng buộc. Để ra một quyết định, phải có 9 phiếu thuận trong đó không có phiếu chống của 5 thành viên thường trực (quyền phủ quyết).

Chỉ riêng về mặt này chúng ta đã thấy quyền hạn của các thành viên không thường trực quá giới hạn, thậm chí nó chỉ có tính cách tượng trưng là mang tính đại diện cho châu lục mà thôi, bởi vì các quyết định của mình còn tùy thuộc vào quyền phủ quyết, có nghĩa là vào 5 thành viên thường trực. Mà một khi cả 5 ông lớn đồng thuận thì quá dễ dàng tìm thêm được 4 phiếu còn lại. Cái "vị thế" mà đảng CSVN thổi phồng thực sự chỉ mang tính hình thức, biểu trưng. Điều đó cắt nghĩa tại sao các ứng viên vào ghế này thường chỉ để "lấy le" là chính.

Tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên đảng CSVN "lấy le". Trong quá khứ Việt Nam đã từng là thành viên của Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ nhiệm kỳ 2001-2003. Để tìm hiểu thêm về cái gọi là "vị thế mới của Việt Nam", chúng ta có thể căn cứ vào những đóng góp của Việt Nam vào căn nhà chung của thế giới này.

* Vài nét về UBNQ

Ít được nhắc đến như HDDBA, nhưng Hội Đồng Kinh Tế Xã Hội (viết tắt là ECOSOC) là một cơ cấu cực kỳ quan trọng của LHQ. ECOSOC có nhiệm vụ về các vấn đề liên quan đến kinh tế và xã hội toàn cầu. Năm 1946, ECOSOC đã thành lập Uủy ban Nhân Quyền (UBNQ) có nhiệm vụ kiểm soát việc tôn trọng các điều khoản đã ghi trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của LHQ.

UBNQ gồm 53 thành viên chia thành: châu Âu: 15, châu Phi: 15: châu Mỹ: 11, châu Á: 12. UBNQ nhóm họp hàng năm vào tháng 3, khóa họp kéo dài 6 tuần tại trụ sở ở Genève. Trong khóa họp này, ngoài 3000 đại diện các nước thành viên còn có sự hiện diện của 200 tổ chức phi chính phủ. Đây là điểm hết sức quan trọng, vì qua đó UBNQ muốn lắng nghe tiếng nói khác với các tiếng nói "chính thống".

Khác với HDDBA, các quyết nghị của UBNQ không mang tính ràng buộc nhưng vị thế của UBNQ quan trọng ở chỗ là nó liên quan đến một vấn đề vồ cùng nhậy cảm với tất cả các quốc gia, cho dù đó là thành viên hay không của HDDBA, cho dù đó là một cường quốc hay một nước kém phát triển, cho dù đó là một quốc gia trong thời chiến hay thời bình. Đó là vấn đề nhân quyền. Mà nhân quyền (đối tượng của UBNQ) khác chiến tranh (đối tượng của HDDBA) ở chỗ đó là những khái niệm trừu tượng hơn, do con người đặt ra và diễn giải tùy tiện. Chính vì thế nên UBNQ thường xuyên là diễn đàn cực kỳ căng thẳng.

Một trong những phiên họp gay go nhất đã xảy ra vào năm 2001 tại Durban (Nam Phi). Chủ đề của phiên họp là bàn về nạn kỳ thị. Tuy nhiên kỳ thị ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng chứ không đơn thuần là kỳ thị về màu da, về chủng tộc và hơn nữa, vì mang tên là UBNQ nên chắc chắn nội dung cũng sẽ đi đến hoặc xoay quanh vấn đề nhân quyền. Chính vì hiểu theo nghĩa rộng ấy nên phạm vi ảnh hưởng của nó lan toả khắp năm châu: như vấn đề Tây Tạng và Pháp Luân Công (Trung Quốc), thổ dân ở Indonesia, ở châu Mỹ, tình trạng chiến tranh đẫm máu giữa các sắc tộc ở châu Phi, ở Colombia, Kurdistan, Tchetchenia, Algeria, và đặc biệt là ở Trung Đông. Riêng đối với Việt Nam tình trạng ở Tây nguyên cũng được đem ra bàn thảo.

So sánh giữa các vấn nạn trên, xem ra chuyện Tây Tạng, Pháp Luân Công và Trung Đông là gay góc nhất vì Tây Tạng liên quan đến Trung Quốc là thành viên thường trực của LHQ và Trung Đông liên quan đến Mỹ và toàn khối Ả Rập.

Ngay trước ngày khai mạc, "đánh hơi" thấy mũi dùi hướng vào mình, Trung Quốc đã tích cực "đi đêm", vận động hành lang để một mặt triệt tiêu tất cả các hướng tấn công đến từ các hiệp hội như Ân Xá Quốc Tế, Quan sát Nhân Quyền (Human Rights Watch), đồng thời xúi giục các nước Phi châu cũng nằm trong danh sách bị cáo, các nước Ả Rập nhằm làm "chìm xuống" vấn đề Tây Tạng. Toan tính này của Bắc Kinh cực kỳ hữu hiệu vì tất các khối Ả Rập đều muốn đặt trọng tâm vào bài toán Trung Đông, các nước Phi châu cũng chẳng muốn ai dòm ngó đến mình. Ở Á châu thì Indonesia muốn lảng qua chuyện Đông Timor. Còn riêng Việt Nam ta thì Bắc Kinh chẳng nhọc công vì tầm vóc chuyện Tây nguyên vốn nhỏ so với các vấn nạn khác và hơn nữa, chẳng cần phải vận động thì Việt Nam cũng "tự nguyện" đứng ra bênh vực cho người hàng xóm vĩ đại.

Hội nghị Durban được khai mạc trong một không khí cực kỳ căng thẳng. Mặc dù chủ đề của hội nghị đặt trọng tâm vào vấn đề kỳ thị, và mở rộng ra sang các quyền con người, nhưng các nước trong khối Ả Rập đã biến diễn đàn thành một tòa án kết tội Israel. Nhiều quan sát viên, và kể cả bà Mary Robinson cũng chán nản, bất lực trước tình trạng bát nháo và thô bạo của một số quốc gia Ả Rập và Phi Châu.

Nhiều ngày sau, với sự kiên trì và mềm mỏng của ban chủ tọa cũng như của Liên Hiệp Âu Châu, Hội nghị cũng dần tiến đến việc thông qua một số nội dung quan trọng. Đến lúc này Trung Quốc tung ra một đòn mới: kết hợp vói các nước như Burundi, Cuba, Indonesia, Nigeria, Qatar, Myanmar, Sudan, Việt Nam thành một khối được các quan sát viên gọi là "like-minded", tạm dịch là "cùng hội cùng thuyền" hay nói toạc ra là "một băng đảng" vì các nước trên đang nằm trên danh sách đen của UBNQ. Nhóm này chiếm một trọng lượng đáng kể trong hội nghị, họ đòi rút ngắn nghị trình hàng năm từ 6 tuần xuống 1 tháng mục đích là không cho hội nghị có thì giờ bàn bạc về những vi phạm của họ, đồng thời dựa trên một nguyên tắc là không được xâm hại đến chủ quyền quốc gia nhằm triệt tiêu mọi mũi dùi nhắm vào họ.

Đây rõ ràng là sự chà đạp lên các điều cực kỳ cơ bản của LHQ. Tưởng cũng nên nhắc lại, trước đó không đầy nửa năm, trong phiên họp Đại Hội Đồng năm 2001, Tổng thư ký LHQ Koffi Annan đã lên tiếng cảnh báo: "Nhân quyền có giá trị phổ quát và không một nước nào có thể lý luận rằng vi phạm nhân quyền là chuyện nội bộ của nước mình".

Cũng chưa hết, Trung Quốc dựng ra một số tổ chức phi chính phủ (NGO) ma nhằm vô hiệu hóa các tổ chúc đâu tranh nhân quyền của người Trung Quốc. Tóm lại, dưới bàn tay phù thủy của nhóm "like-minded", Durban đã không đạt được mục tiêu ban đầu của mình.

Sau thất bại này, bà Mary Robinson từ chức. Đúng ra là bà ta đã thấy sự vô hiệu quả của UBNQ trước sự thao túng của một số quốc gia thành viên, nhưng bà Robinson cố gằng thuyết phục những nước còn lại đưa ra một văn bản đánh dấu cho Hội nghị Durban.

Sự thao túng của nhóm các nước "băng đảng" lên đến đỉnh điểm khi họ đi đêm để loại Mỹ ra khỏi UBNQ trong nhiệm kỳ 2002 và bầu chủ tịch mới là...Libye. Xướng ngôn viên của đài truyền hình A2 của Pháp trong bản tin 20giờ đã thốt lên: "Xin quý thính giả nghe rõ, đây không phải là một trò đùa, nhưng Libye được bầu vào ghế chủ tịch UBNQ LHQ..."

* Trường hợp Việt Nam

Trong cái băng đảng thao túng, "quậy" nát hội nghị Durban dĩ nhiên có cà ông Việt Nam nhà mình. Được bầu vào UBNQ nhiệm kỳ 2001-2003, Việt Nam chắc chắn đã dựa vào hậu thuẫn của các nước vi phạm nhân quyền trầm trọng của nhóm "like-minded", vì chỉ một điều khoản trong nghị định 31/CP ban hành năm 1997 cũng đủ để trục xuất Việt Nam ra khỏi Geneve (trụ sở của UBNQ). Vào đúng năm gia nhập tổ chức này, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã gia tăng bắt bớ các vị lãnh đạo tôn giáo, những nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, những người tay không đứng lên lập hội chống tham nhũng, những người phản đối hiệp định biên giời... Tuy nhiên những cố gắng của các tổ chức đấu tranh người Việt cũng không đủ để lên án nhà cầm quyền Hà Nội. Ngược lại, với hậu thuẫn của băng đảng trên, Hà Nội đã thành công trong việc đòi ECOSOC từ chối tư cách tư vấn của Liên Minh Việt Nam Tự Do là một tổ chức đấu tranh của đồng bào hải ngoại, thường xuyên tố cáo những vi phạm nhân quyền của Hà Nội, một cái gai trong mắt của của họ.

Việc Libye được bầu vào chức chủ tịch UBNQ hoặc các nước như Trung Quốc, Bahrein, Cuba, Zimbabwe, Sudan và Việt Nam được bầu làm thành viên của UBNQ không có nghĩa là họ có thành tích tốt về nhân quyền. Nhưng đó là ngược lại. Hội nghị Durban và Hội nghị thường niên lần thứ 58 của UBNQ đã rút ra được một bài học quý giá là để tránh bị kết án, thay vì phải rời xa UBNQ, các nước "đao phủ nhân quyền" đã tìm ra một chiến thuật mới là phải tham gia tích cực vào các diễn đàn trên, rồi cấu kết với nhau để thao túng diễn đàn.

Và cũng chính vì lẽ đó, việc được bầu vào HDDBA không có nghĩa là vị thế của Việt Nam trở nên quan trọng như họ thường rêu rao.

Nhiều quốc gia thành viên HDDBA sau một nhiệm kỳ cũng chẳng đưa họ sáng giá hơn chút nào trên trường quốc tế, đó là trường hợp của Ghana. Tôi nghĩ trong chúng ta có lẽ rất ít ai biết đến nước này. Rồi đến Panama, nếu không có con kênh đào có lẽ chẳng ai biết nó nằm đâu. Nhà cầm quyền Việt Nam vốn có cái tật "chảnh", hễ có một biến cố nào là tự đưa mình lên mây, mục đích chỉ là "loè" đồng bào trong nước vốn ít có cơ hội tiếp xúc với tin tức bên ngoài. Trong quá khứ, chuyện "loè" này đã xảy ra rất nhiều như vụ Phạm Tuân bay vào vũ trụ năm 1980, hay chuyện chiến thằng trong các kỳ thi Toán, Vật lý, Robot...

Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề một cách khác, việc Việt Nam được bầu làm thành viên HDDBA cũng có thể có một động thái tốt, đó là tiến trình hội nhập vào cộng đồng chính trị quốc tế, sau khi gia nhập vào cộng đống kinh tế toàn cầu là WTO. Nếu có một "vị thế" nào đó như Hà Nội tuyên bố, nó cũng có những ràng buộc khác. Kể từ đây "nhất cử nhất động" của họ cũng được thế giới chú ý kỹ hơn.

Ước mong rằng đảng CSVN nhìn ra được mặt tốt của vấn đề, biết xem đó là một cơ hội chứng tỏ mình thực sự là một quốc gia tiến bộ, vĩnh viễn rời bỏ cái băng đảng chuyên quậy phá ngày xưa, hội nhập thực sự và toàn diện vào cộng đồng thế giới văn minh.

Sàigòn, 24/10/2007

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Độc tài, độc đảng là bà đẻ của tham nhũng vì hệ thống cai trị dựa trên sự bao che và tuỳ tiện để bảo vệ đặc lợi cho đảng cầm quyền.
Trong khi Quốc hội thảo luận cho có lệ thành phần tân Chính phủ do Nguyễn Tấn Dũng đề nghị để hòan tất thủ tục trao quyền lãnh đạo Nhà nước
Ông Patrick Creamer , Giám Đốc Văn Phòng Liên Lạc của Dân Biểu Chris Smith (R – NJ) cho biết Ủy Ban Ngoại Giao của Hạ Viện đã chấp thuận dự luật cải thiện
...cổ phần hoá rất chậm hệ thống doanh nghiệp nhà nước trong khi lại lập thêm tổng công ty quốc doanh...
Tôi là một dân oan Việt Nam, là một người lương thiện đã chịu bao thủ đoạn tàn bạo của những đảng viên CSVN tha hoá biến chất
Các Công Tố Viên sẽ không yêu cầu một án tử hình hung phạm Terapon Adhahn nếu y bị kết án sát hại em Zina Linnik, 12 tuổi tại Tacoma.
Tình cờ đọc số báo Việt Weekly điện tử đề ngày 26 tháng 7 năm 2007, thấy anh viết một bài trình bầy quan điểm của anh về việc tham dự bữa tiệc
Thay mặt Hiệp hội thông công Tin lành các dân tộc Việt nam,chúng tôi xin trân trọng gữi thông cáo báo chí này đến cùng quí vị
Trong kinh Pháp Hoa, có phẩm “Dược thảo dụ” trong đó đức Phật so sánh căn cơ nhận thức và thấu hiểu Phật pháp của chúng sanh như cây cỏ trong rừng
LƯ THỊ THU DUYÊN, gia đình diện chính sách, có công với chế độ, hiện tôi đang ngụ tại 77/13B Trần Bình Trọng, Phường 1, Quận Gò Vấp, Thành phố Sài Gòn
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.