Hôm nay,  

Thi Đua Tự Do Ngoại Thương

11/07/200700:00:00(Xem: 8262)

...nếu Việt Nam cải cách chậm lụt thì sẽ lại xếp hàng và làm công cho họ...

Hôm Thứ Sáu mùng sáu, nhân chuyến thăm viếng Ấn Độ, khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói đến việc nâng cấp quan hệ Việt-Ấn lên hàng đa diện và chiến lược, thì cùng ngày, các Bộ trưởng của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương APEC tuyên bố tại Australia rằng nếu vòng đàm phán Doha của Tổ chức WTO không ra khỏi bế tắc, hội nghị Thượng đỉnh của APEC vào tháng Chín này sẽ khởi động thiết lập vùng Thương mại Tự do trong khu vực Á châu Thái bình dương.
Hai biến cố trên đã khiến dư luận thế giới và Đông Á chú ý đến một hiện tượng hợp tác kinh tế khác, là các Hiệp định Thương Mại Tự do giữa các nước. Vì vậy, Diễn đàn Kinh tế đài RFA kỳ này sẽ đề cập tới nguyên do và hậu quả của hiện tượng đó qua phần trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện hầu quý thính giả nghe đài.

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, trong chuyến viếng thăm Ấn Độ tuần qua, Thủ tướng Việt Nam là ông Nguyễn Tấn Dũng đã hứa hẹn là Việt Nam sẽ cải thiện và tạo ra một môi trường thuận lợi cho đầu tư và ngoại thương để tiến tới một quan hệ mang tính chiến lược và đa diện giữa hai nước. Cùng ngày Thứ Sáu mùng sáu đó, Diễn đàn APEC họp tại Australia cũng nói đến nỗ lực hợp tác của 21 nước hội viên trong khu vực châu Á Thái bình dương nhằm xây dựng vùng Thương mại Tự do Á châu Thái bình dương nếu như vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO không ra khỏi bế tắc.

Chúng ta đều biết, từ đầu năm nay Việt Nam đã là hội viên thứ 150 của WTO, và cũng là hội viên của Diễn đàn APEC - một khối kinh tế đóng góp tới 60% sản lượng kinh tế, và 50% ngạch số ngoại thương thế giới, nhưng trong đó không có Ấn Độ. Như vậy, quan hệ song phương của Việt Nam với Ấn Độ và chiều hướng tự do ngoại thương mở rộng của APEC để thay thế WTO có thể là một trào lưu đáng chú ý hay không"

Chúng ta có thể dành toàn bộ chương trình kỳ này để nói đến hiện tượng đó hầu nhìn ra cái thế chiến lược của Việt Nam trong các hồ sơ toàn cầu và cục bộ hay song phương của từng nước. Nhưng trước khi đề cập tới việc ấy, có lẽ cũng nên nhắc tới một chi tiết đáng chú ý. Đó là việc công ty tư vấn PriceWaterhouseCoopers vừa công bố một kết quả khảo sát về chỉ số hấp dẫn của các thị trường họ gọi là "đang lên", từ 20 xứ đang phát triển.

Sở dĩ đáng chú ý vì họ đánh giá thấp triển vọng của bốn thị trường nổi tiếng và đông dân nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nga. Thấp hơn triển vọng của Việt Nam trong lãnh vực chế biến công nghiệp, tức là Việt Nam còn hấp dẫn hơn Trung Quốc và Ấn Độ tại Á châu! Về ngành dịch vụ hay tài chính, bốn đại gia ấy đều thua sáu nước nhỏ hơn như United Arab Emirates - là Cộng đồng các Tiểu vương quốc Á Rập Thống nhất - hay Saudi Arabia, Nam Hàn, Cộng hoà Tiệp hay Hungary và Ba Lan.

Bối cảnh ấy khiến chúng ta cần lượng định lại triển vọng của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác đang trở nên phức tạp hơn giữa các nước. Vì phức tạp nên ta cần tìm hiểu cho kỹ.

Hỏi: Mở đầu việc tìm hiểu là chuyện APEC, là một diễn đàn hợp tác kinh tế của vòng đai Á châu Thái bình dương, từ Đông Á qua tới Nam Bắc Mỹ. Vì sao, diễn đàn APEC muốn lập ra một chế độ thương mại tự do giữa 21 nước hội viên"

Trên diễn đàn này, ta nhiều lần nói đến hiện tượng gọi là "trâu chậm uống nước đục" của Việt Nam khi gia nhập quá trễ Tổ chức Thương mại Thế giới WTO mà vòng đàm phán Doha do tổ chức này khởi xướng từ cuối năm 2001 đã không vượt nổi những mâu thuẫn về quyền lợi của các hội viên giàu nghèo nên cho đến nay vẫn lâm vòng bế tắc, không mở rộng được sự hợp tác tự do về thương mại và đầu tư giữa các nước.

Trong khung cảnh ấy, nhiều hội viên của WTO đã tìm giải pháp hợp tác để thay thế, hoặc là hợp tác song phương, điển hình là các Hiệp định Tự do Thương mại Song phương gọi là FTA mà Hoa Kỳ đã vừa ký kết với Nam Hàn, hoặc là hợp tác cấp vùng, giữa các nhóm quốc gia với nhau. Việc các Bộ trưởng Thương mại của 21 hội viên APEC của Á châu Thái bình dương muốn nhân Thượng đỉnh tháng Chín tới sẽ đề xướng đợt thảo luận mới để lập ra khu vực tự do thương mại gọi là Free Trade Area of the Asia Pacific hay FTAAP cho thấy những giới hạn của cơ chế WTO và những bài toán mới cho Việt Nam.

Hỏi: Nhưng liệu cơ chế thu hẹp của APEC là FTAAP có hy vọng thành hình không nếu như các nước đã bị bế tắc vì vòng Doha của cơ chế WTO"

Tất cả là tùy ở trọng lượng của các quốc gia đối tác. WTO có 150 hội viên và 31 nước quan sát viên nhưng bị bế tắc chủ yếu do những mâu thuẫn quyền lợi giữa các nước như Ấn Độ hay Brazil và nước Pháp trong Liên hiệp Âu châu. Ba quốc gia ấy không thuộc khối APEC, là một nhóm quốc gia trong đó có ba nền kinh tế đứng đầu thế giới là Mỹ, Nhật và Trung Quốc và đang muốn mở rộng hợp tác. Khi ba xứ này đạt thoả thuận trong khuôn khổ APEC, các hội viên khác sẽ dễ dàng ngả theo. Đó là lý do thành công thứ nhất.

Lý do thứ hai là ở vòng ngoài, nhiều hội viên APEC khác như Australia, Nam Hàn, Singapore và cả Malaysia đều cũng muốn mở rộng quan hệ ngoại thương theo xu hướng tự do hơn, chưa kể là Australia đang chuyển về tương lai của xứ này là Á châu và trở thành đầu cầu về đầu tư từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Âu châu vào châu Á.

Lý do thứ ba là Ấn Độ - một trở lực đáng kể của vòng Doha - lại có xu hướng Đông Tiến, tiến về phía Đông của Á châu, và đang muốn gia nhập APEC nên sẽ dễ dàng mở rộng sự hợp tác với 21 hội viên còn lại của Diễn đàn này. Việc Ấn Độ muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam cũng nằm trong chiều hướng ấy.

Hỏi: Ngoài ra ông còn thấy những yếu tố thành công nào khác chăng"


Một lý do đáng kể thứ tư là các xứ nghèo thường khó chịu với những điều kiện do các nước công nghiệp hoá đặt để ra cho họ. Nhưng, trong một khuôn khổ hợp tác khác, để bảo vệ môi sinh và ngăn chặn nạn nhiệt hoá địa cầu, các nước nghèo của khu vực Á châu Thái bình dương đã thấy ra một tiền lệ thuận lợi về hợp tác trong đó chủ điểm là đầu tư và chia sẻ công nghệ tiên tiến giữa các nước để tiết giảm khí thải. Phương pháp ấy là cách hợp tác hấp dẫn hơn những quy định đầy tính hạn chế của Nghị định thư Kyoto.

Ngoài ra, cũng nên nói đến một lý do thuận lợi ngoài kinh tế là Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á ASEAN đã không thể giải quyết một vấn đề nội bộ là tình trạng độc tài của một hội viên là Myanmar hay Miến Điện. Các nước Đông Bắc Á cũng bị bó tay về những chuyện phiêu lưu đầy rủi ro của Bắc Hàn. Nếu APEC tiến tới một chế độ hợp tác kinh tế tự do và đạt tốc độ phát triển cao hơn thì các nước trong khu vực cũng tìm ra động lực hấp dẫn hơn cho hai chế độ ngang ngược này suy nghĩ về sự chuyển hoá. Điều ấy là một yếu tố mà Nam Hàn đang vận động, và Việt Nam nên suy xét cho quyền lợi dân mình.

Hỏi: Ông vừa nhắc đến trường hợp Nam Hàn vì liên hệ đến chế độ cộng sản Bắc Hàn, riêng trong lãnh vực hợp tác kinh tế, Nam Hàn đã làm những gì mà Việt Nam nên chú ý"

Trong vòng 20 năm, kể từ khi Việt Nam bắt đầu đổi mới, Nam Hàn đã đổi mới gấp hai, vì vừa cải tổ kinh tế vừa cải cách chính trị để có nền kinh tế tự do hơn và chế độ chính trị dân chủ hơn. Ngày nay, Nam Hàn đang có ảnh hưởng khá mạnh tương lai kinh tế lẫn văn hoá và cả của Việt Nam vì là một tấm gương Việt Nam muốn nói theo, trước hết là về phần kinh tế.

Thật ra, trong khi Việt Nam vừa đổi vừa sợ, Nam Hàn đã tiến những bước quá xa, vượt xa Việt Nam đến gần một thế kỷ trong có mấy chục năm. Riêng về địa hạt mà Việt Nam đang tự hào là mở cửa giao thương với các nước thì từ năm 2004, họ đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do FTA với xứ Chile ở Nam Mỹ, năm sau ký với Singapore. Đầu tháng sáu năm nay họ vừa thực hiện việc đó với chín trong 10 nước ASEAN rồi cuối tháng là ký Hiệp định FTA với Hoa Kỳ trong khi chuẩn bị đàm phán một hiệp định tương tự với Trung Quốc. Những đối tượng kế tiếp mà Nam Hàn đang theo đuổi là Liên hiệp Âu châu, là Australia, Canada, New Zealand và cả Nghị hội
các nước Á Rập tại vùng Vịnh.

Trong hoàn cảnh ấy, nếu Việt Nam cải cách chậm lụt thì sẽ lại xếp hàng và làm công cho họ, trong khi dân chúng chẳng có quyền tự do bằng dân Nam Hàn.

Hỏi: Ông đang trở lại hoàn cảnh của Việt Nam. Đâu là những chọn lựa chiến lược của xứ này trong bối cảnh Á châu đang đẩy mạnh cải cách để hợp tác tự do hơn về kinh tế"

Trong kỳ trước, chúng ta đã nói đến một cơ hội cho Việt Nam trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ khi vẫn cứ đắn đo về sức hút của Trung Quốc. Chúng ta cũng nói đến sự kiện là nhiều nước Đông Á khác đang tìm một giải pháp điền thế hay bổ xung cho việc đầu tư hay giao thương với Trung Quốc, mà Việt Nam có thể là một. Sự kiện một công ty tư vấn có uy tín là PriceWaterhouseCoopers đánh giá Việt Nam có ưu thế về chế biến hơn cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ là điều đáng mừng vì gia tăng khả năng khai thác cơ hội mới.

Tuy nhiên, nhìn trên viễn cảnh xa của toàn cõi Á châu, Việt Nam vẫn sẽ thua kém các trung tâm lớn về dịch vụ và công nghệ cao như Seoul tại Nam Hàn, Đài Bắc hay Hong Kong và Singapore, thậm chí cả Bangkok, Jakarta hay Kualar Lumpur của mấy xứ Đông Nam Á. Tức là họ đang tiến tới các bậc thang cao hơn của tiến trình sản xuất và giao dịch.

Hỏi: Trong hoàn cảnh ấy, Việt Nam cần làm gì"

Vì việc tự do hoá luồng trao đổi kinh tế - cả ngoại thương lẫn đầu tư - là xu hướng tất yếu, Việt Nam không nên đi chậm trong việc cởi mở xã hội và tự do hoá đời sống cho người dân. Nếu không, ta vẫn sẽ đi sau các nước nhờ duy nhất một lợi thế là nhân công rẻ. Lợi thế đó không bền và gây bất công xã hội. Phải nghĩ đến lợi thế cao hơn, là trình độ tổ chức và sản xuất của một thành phần lao động có tay nghề cao và tinh thần làm việc lương thiện, đáng tin cậy. Muốn như vậy, cùng với việc tranh thủ đàm phán các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam phải cải tổ lại hệ thống chính trị, giáo dục và đào tạo. Và đấy là cách đảm bảo an ninh vững chãi nhất trong khu vực, ở bên cạnh Trung Quốc.

Hỏi: Xin hỏi thật, ông có lạc đề không mà nói đến chuyện an ninh trong hợp tác kinh tế"

Hoàn toàn không! Ngày xưa, ông Lý Quang Diệu của xứ Singapore đã phát biểu rằng đảo quốc tý hon của ông không sợ ngoại xâm vì là nơi đóng góp rất nhiều cho sự thịnh vượng kinh tế của các xứ khác. Mai này, Nam Hàn cũng bớt ngại võ khí hạch tâm của Bắc Hàn hay cả tranh chấp quân sự giữa Nhật Bản với Trung Quốc - là vấn đề đang khiến Tokyo quan tâm - nếu Seoul trở thành trung tâm kinh tế Đông Bắc Á còn mạnh hơn Singapore trong tiến trình sản xuất và trao đổi. Dường như các nước đều đang tranh đua để trở thành những đối tác kinh tế khó thay thế hay uy hiếp được qua các hiệp định tự do thương mại.

Nhưng, có nhiều cách đóng góp cho sự thịnh vượng của các nước để bảo vệ nền độc lập của mình. Muốn như vậy, Việt Nam phải nghĩ đến Sàigon hay Cam Ranh Đà Nẵng với tư thế khác và khả năng khác, hơn là một trung tâm gia công biến chế hay du lịch tình dục cho các nước giàu. Mà để dân chúng phải biểu tình vì chuyện đất đai như đang xảy ra trong Nam không là giải pháp đáng khen của hệ thống lãnh đạo hiện nay: nó chỉ lập lại một hiện tượng tiêu cực của Trung Quốc vì có cùng chung một nguyên nhân từ chế độ chính trị. An ninh của Tổ quốc lẫn danh dự của quốc gia đòi hỏi một lối suy tư khác về quyền lợi và sự độc lập của dân tộc, và cả sự sống còn của hệ thống chính trị.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.