Hôm nay,  

Trích Đăng Từ Kbc Hải Ngoại Số 42: Thư Tiền Tuyến

15/07/200900:00:00(Xem: 5643)
Trích đăng từ KBC Hải Ngoại số 42:  THƯ TIỀN TUYẾN
Dakto, ngày... tháng... năm...
Gởi lời thăm Chút Em,
Lâu lắm rồi không viết thơ thăm Chút Em, hổng biết... ấy có trông không!" Vì không viết thơ nên Tư Báo thấy mình thiêu thiếu cái gì đó, nhơ nhớ cái gì đó.
Mà nếu cứ kéo dài hoài cái thiêu thiếu gì đó, kéo dài hoài cái nhơ nhớ gì đó thì chịu hổng nổi, nên mới... xâm mình viết cho Chút Em cái thơ này để hỏi thăm... ấy có được khỏe không, có gì vui không.
Phần Tư Báo thì cũng một ngày như mọi ngày thôi, nghĩa là cũng ở miết trong rừng làm bạn với lương khô gạo sấy, làm bạn với nước suối nước sông mà đánh giặc.
Chút Em nhớ không, hồi lâu rồi Tư Báo ăn chè đậu ván mà Chút Em bán đó, thấy nó ngon lắm. Vì ngon quá nên cư trưa trưa là... ăn, cứ xế chiều là... ăn -- ăn như ăn để... trừ cơm vậy -- riết rồi ghiền hồi nào hổng hay. Tư Báo hỏi "Chớ...Chút Em bỏ cái giống gì trong đó mà chè ngon quá dzậy"", Chút Em chỉ cười cười không nói, chắc sợ mình... ăn cắp nghề chớ gì. Nói có trời đất... Đây hổng dám ăn cắp nghề của đó đâu nghen.
Nhớ có lần, lừa lúc Chút Em đưa chén chè cho Tư Báo, thay vì bưng chén chè thì Tư Báo lại nắm... ngón tay út của Chút Em. Hoảng quá Chút Em định rút tay lại nhưng không dám rút vì sợ rớt chén chè đó, nhớ không! Sau lần đó, biết có giận gì không mà cả mươi ngày sau chẳng thấy Chút Em đi ngang qua nhà Tư Báo nữa, làm mình tự... giận mình hết sức. Thiệt tình!
Phải lâu lắm Tư Báo mới làm quen được với Chút Em. Tư Báo thấy vui trong bụng quá chừng. Đến giờ mình vẫn còn nhớ rõ lắm cái khuôn mặt "ưa nhìn làm sao" của Chút Em đó nghen, thấy... dễ ghét quá đi. Nhớ luôn gánh chè nhỏ và ngon quá chừng chừng của Chút Em luôn đó. Bây giờ ở trong rừng này làm sao thấy được mặt và ăn được chén chè của Chút Em đây. Thiệt... tức bắt cành hông luôn vậy đó.
À, Chút Em có biết tại sao Tư có cái tên là Tư Báo không. Là vầy nè, năm nào đó Tư quên mất rồi, Tụi Vi Xi tấn công cái làng nhỏ xíu của mình, chúng đốt phá nhà cửa, chùa chiền, nhà thờ, hăm dọa dân làng. Ba của Tư cùng hai chú nữa cũng là Nghĩa Quân trong làng bị chúng bắt đi biệt tăm biệt tích từ năm đó, chẳng biết sống chết ra sao. Làng bị mất an ninh, má với ba anh em Tư phải chạy về thị xã ở trong trạm tiếp cư của chính quyền.
Nhà Tư nghèo lắm, má và anh chị của Tư phải bương ra đi làm, làm gì cũng được để kiếm sống. Còn Tư thì phải nghỉ học từ cuối năm Đệ Lục để đi bán báo dạo kiếm tiền phụ giúp má mình. Cứ sáng sớm là Tư đến nhà sách lãnh báo từ Sài Gòn mới gởi tới, rồi đi rao bán khắp thị xã. Hồi đó mấy đứa con nhà nghèo cùng tuổi với mình thì phần đông đi bán bánh mì, Tư chọn nghề bán báo để khỏi "trùng nghề" với tụi nó. Cũng may là chỉ có mình Tư là bán báo dạo ở thị xã mình, ai ai cũng biết nên Tư "chết" luôn cái tên Tư Báo từ đó. Chớ hổng phải Tư Báo là báo... hại, báo... đời, hay báo... cô gì đâu nghen.
Mang bị báo dày cộm bên hông, Tư rao lớn "Báo mới đê... ê... ! Báo mới nóng hổi dzừa thổi dzừa coi đê... ê... !". Khi có tin "giựt gân" thì Tư càng rao bạo hơn, như tin "Bà lớn đánh ghen, thuê người tạt a xít vũ nữ xinh đẹp Cẩm Nhung"", "Con ma vú dài trong khám Chí Hòa", "Bàn thờ xuống đường ở miền Trung", "Giao tranh lớn ở Tam Biên Việt - Miên - Lào", "Quân Lực VNCH đã tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị" ... Có tin, một chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến mình bất chấp hiểm nguy đã anh dũng bắn cháy nhiều xe tăng của địch ở mặt trận Quảng Trị, ảnh được ca ngợi và vinh danh là Chiến Sĩ Xuất Sắc. Đọc kỹ bản tin thì ra đó là anh Ba Hùng, người tỉnh mình. Hình anh ấy ở trần vác khẩu M.72 trên vai ở tư thế bóp cò với gương mặt quyết chiến đanh lại, hàm bạnh ra, coi ngầu hết sức, được in bằng màu ở trang bìa của cuốn báo Chiến Sĩ Cộng Hòa, làm Tư cũng hãnh diện lây đó. Chính hình ảnh này đã khiến Tư say sưa rao lớn những tin về chiến sự và tin chiến thắng giòn giã của các anh chiến sĩ mình ở mặt trận.
Đó rồi, đến tuổi đi lính là Tư Báo xin má đi ngay không chần chờ gì hết. Đi để góp sức cùng các bạn trai tráng mà đánh giặc cứu nước chớ, đi để trả thù cho ba chớ. Làm trai thời giặc giã mà. Dân mình chẳng có câu ca dao này đó sao
Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài yên.
Chút Em thân mến, bây giờ Tư Báo đóng quân ở Dakto, một tiền đồn ở nơi đèo heo hút gió thuộc tỉnh Kontum núi rừng nắng bụi mưa bùn quanh năm suốt tháng này. Có những đêm mưa tầm tã, Tư Báo và đồng đội phải trùm poncho đội mưa mà canh giặc đó. Những lúc này mới thấy hay thấm thía làm sao lời ca này
Hạt mưa trên poncho...
Hạt mưa trên poncho...
Tí tách reo nghe như tiếng quân reo hò ngoài chiến trường
Hạt mưa miên man rớt trên đầu nón
(Hạt Mưa Trên Poncho -- Trầm Tử Thiêng)
Tháng trước, trong một trận đánh kéo dài từ sáng sớm đến xế chiều, đại đội của Tư Báo được lệnh phải diệt cho được cái chốt hầm ếch của giặc mà chúng đã ranh ma đào ở gần vòng rào phòng thủ của mình. Đại đội cần một tổ tam tam gồm ba khinh binh tình nguyện đánh nhổ chốt đó. Binh Nhì Tư Báo này đã xung phong tình nguyện cùng Binh Nhất Tửng Nắp Keng (chuyên khui nắp keng chai bia bằng răng) và Hạ Sĩ Xáng Lựu Đạn (chuyên ném lựu đạn khi đánh xáp lá cà). Ba đứa tụi này đánh đấm ăn ý với nhau lắm, à nghen. Ngoài ba khẩu M.16 ra tụi này còn mang theo khá nhiều lựu đạn nữa đó
Như kế hoạnh đã bàn trước, hai khẩu đại liên M.60 được hạ nòng xuống bắn sát mặt đất để hớp hồn địch, rồi dần dần nâng nòng lên cao để tổ tam tam mình từ từ bò về phía cái chốt đó dưới những tràng đạn đại liên bắn bay chéo chéo nổ rầm rầm trên đầu. Cảnh này là "thiệt" chớ không phải đóng phim xi la ma đâu nghen. Đã đến lúc tổ tam tam mình xả súng bắn tới tấp như mưa, bọn địch cuống cuồng quăng lựu đạn lên. Xáng Lựu Đạn -- thiệt không hổ danh là Xáng Lựu Đạn - đã lẹ tay bốc ngay mấy quả lựu đạn đó mà quăng trả chính xác lại xuống hầm tụi nó. Sức kháng cự của địch yếu dần. Rồi ba đứa mình nhất loạt hô "Xung phong... Sát... ! Xung phong... Sát... !", nhào sát tới miệng hầm, quăng lựu đạn tới tấp như sung rụng xuống hầm tụi nó. Vậy là tụi giặc Cộng này - cũng là tổ tam tam -- đã được toại nguyện "sinh bắc tử nam"... banh xác pháo mà theo Bác theo Đảng.
 Như say men chiến thắng, tụi mình ôm nhau reo hò sung sướng đến trào nước mắt ngay miệng hầm loang lổ của giặc, áo quần tóc tai tụi mình đầy bùn đất và khét lẹt mùi thuốc súng. Bất chợt Tư Báo rất nhớ và thương tiếc các đồng đội trước đây cùng chiến đấu với mình nhưng đã anh dũng hy sinh trong những trận đánh "để đời" như thế.
Sau cú đánh quá đẹp không chê chỗ nào này, Xáng Lựu Đạn, Tửng Nắp Keng và Tư Báo mỗi đứa được đặc cách thăng một cấp tại mặt trận đó Chút Em à!
Đến đây thì Tư Báo xin "chấm hết", vì mình không được văn hay chữ tốt nên đâu biết viết gì thêm. Hẹn khi được về phép, nhứt định Tư Báo sẽ đến thăm và ăn thiệt nhiều chè của Chút Em cho bỏ... ghét, cho bỏ... nhớ, nghen.
Thân mến chào Chút Em và hẹn thư sau.
Tư Báo
Tái bút:
Chút Em nhớ viết cho Tư Báo ít dòng nghen, mong lắm đó.
... ngày ... tháng ... năm ...
Thăm anh Tư báo ,
Mèn ơi

Bữa hỗm tự nhiên cái bác Tám Gái đón em , rồi đưa phong bì xanh xanh cho em , cười cười nói "Thơ của thằng Tư Báo nè con"
Làm em cầm cái thơ mà thẹn thò đội nón lá lên dạ dạ rồi đi miết liền, quên nói lời cám ơn má anh.
Ai có mà ngờ có ngày em nhận được lá thơ ai đó gởi cho mình , thiệt ngộ quá hà . Xưa giờ đâu có ai gởi thơ từ gì cho em.
Em mở thơ ra đọc liền đó nghen anh . Mà tấm thơ đã rọc ra rồi anh à, chắc má anh coi trước rồi mới đưa cho em.
Mà đâu có sao hén , vì thơ anh viết đọc vui thấy mồ đi .
Từ ngày anh nhập ngũ , à, hai chữ nầy nghe văn chương quá, mấy bạn em ngoài chợ thì nói ảnh đi lính rồi , mày có nhớ ảnh hông , làm em nghĩ mắc cỡ quá, chắc chuyện anh theo em ăn chè đậu ván woài thiên hạ có để ý , phố chợ nhỏ quá trời mà , ai giấu ai được.
Em đọc thơ của anh rồi, vui trong lòng quá nên đưa cho mấy con bạn ngoài chợ đọc nữa, ai cũng nói em tốt số có người để ý thương rồi , trời , mắc cỡ muốn chết.
Mấy chỉ đọc tới chuyện anh giả bộ cầm chén chè, rồi cầm luôn bàn tay em, mấy chỉ cười quá xá làm em vừa thẹn lại vừa vui trong lòng .
Mấy tháng anh đi lính, em gánh chè ngang qua nhà anh, lòng buồn hết sức , cứ trông trông ngóng ngóng , mà không hiểu rõ mình trông mình ngóng cái gì, anh Tư đã đi mất tiêu rồi mà. Nhiều bữa ngang nhà anh, tiếng rao chè của em tự nhiên cái tắt nghẹn hà .
Đọc tờ thơ nầy em nghĩ ra chắc cái nhớ của anh Tư nó thần giao cách cảm tới em. Câu nầy em bắt chước mấy tuồng cải lương đó anh . Bữa hỗm gánh hát ghé đình hát mấy ngày tuồng Tiết Đinh San Cầu Phàn Lê Huê.
Trời ơi nghẹt đình luôn đó anh . Gánh chè của em hết trơn sớm nên em gánh dià nhà, rồi thay bộ bà ba mới trở ra đình coi được khúc giữa cho tới hết, hay lắm đó anh.
Chút Em khoái nhứt màn Tiết Đinh San bước một bước, phải quì lạy một lạy , trời ơi thiên hạ vổ tay muốn bể cái Đình đó anh. Mà bà Phàn Lê Huê mặt dữ quá chừng hà . Đàn bà mà oai hùng quá trời há anh . Ai biểu Tiết Đinh San làm tàng , tới khi biết người ta tài giỏi thì mới phải quì phải lụy phải cầu.
Chút Em coi tuồng hát nầy, tự nhiên lòng ngẩm nghĩ trong nhà binh, nghe nói cũng có mấy cô con gái nữa . Con gái mà đi lính , bận quân phục chắc cũng hùng dũng như con trai hả anh" Nghĩ phục mấy cô gan dạ quá trời.
Anh viết mấy chuyện nhà binh hay quá đi, đọc sợ nữa. Em mà gặp mấy cảnh chết chóc đó, chắc là em chịu hỏng nổi đâu , chết đứng hà.
Mà cái anh Xáng Lựu Đạn đó giỏi quá đi , một mình dám cắn lựu đạn giết chết nhiều Việt Cộng như vậy gan dàn trời bang nghen .
Anh Tửng Nắp Keng, tên bắt cười , chắc hàm răng cứng lắm a . Mà ảnh có tửng hông dậy"
Ba anh đều lên một cấp, mà cấp gì dậy anh " Có được lên lương không anh "
Ở nhà em thấy bác Tám Gái với chị Ba của anh buôn bán ngoài chợ cũng được hàng lắm, chị Ba của anh dễ thương lắm nghen , có mấy anh địa phương quân cà rà theo dử lắm đó nhang . Còn bác Tám Gái thì hiền lành lắm, mà em có lỡ gặp giữa đường, em cũng sợ sợ né né. Bác ưa kêu em lại, hỏi nầy kia.
Mới hôm qua đây nè, khi em gánh chè ngang qua nhà anh , bác Tám kêu em lại mua hai chén chè biểu em bưng dô ngồi bộ ván dí bác một lát nghỉ cho khỏe , em ngại ngùng quá chừng đó anh.
Trong nhà anh vách lá sàn đất mà sạch trơn bóng láng , em thấy tấm hình của anh treo trên vách , bận áo sơ mi trắng, em ngó tấm hình mà làm như lòng em run lên, mặt em nóng đỏ , kỳ ghê . Bác Tám rót cho em ly nước mưa mát rượi , biểu em :
- "Uống đi con, uống cho khỏe".
Giọng Bác ngọt ngào làm Chút Em cũng bớt sợ nhiều. Chắc bác thấy em ngó trân trân tấm hình của anh nên bác hiểu ra… Hay là do mấy tiếng đồn ngoài chợ bác có nghe .
Em chỉ ngồi chút xíu rồi lui ra , mà bác có cầm giữ em mấy cũng chào rồi đi, vì em ngồi đó lâu chút , thế nào em cũng rớt nước mắt .
Anh đi lính đánh giặc thấy cực khổ quá đi , rồi có giờ nghỉ ngơi để ăn uống gì không "
Ngoài thị xã ngày nào cũng có mấy xe nhà binh chạy rầm rầm bụi cuốn mịt trời. Em ưa ngó theo mấy người lính đen thui quần áo lính đầy bụi đất mà mặt mày họ coi oai hùng quá chừng chừng . Có khi họ còn đưa tay cao vẩy vẩy làm Chút Em mắc cỡ lắm nghen , đâu có dám vẩy tay lại dí họ dù trong lòng muốn lắm. Thấy mấy người lính nầy , Chút Em nhớ anh quá chừng.
Anh Tư khỏi lo, chừng nào dìa phép được, Chút Em gánh nguyên gánh chè đãi anh ăn cho đã thèm .
Anh Tư viết thơ dài quá xá mà em thì hỏng biết viết gì nhiều. Tên Tư Báo coi dậy mà dễ thương lắm à . Viết nội cái tên Tư Báo thôi là lòng Chút Em run lên rồi.
Nhà Chút Em cũng nghèo thấy mồ đi, Chút Em học hành dừa đủ đọc nhựt trình là phải thôi học rồi. Ba nói con gái hỏng cần học nhiều , bi nhiu đó đủ đọc chuyện Phạm Công Cúc hoa, chuyện Tấm Cám, chuyện Trần Minh Khố Chuối , chuyện Lưu Bình Dương Lễ , chuyện Cây Tre Trăm Mắt cho mấy đứa em nghe , … lâu lâu đọc chuyện Tây Du Ký cho ba nghe là được rồi, thành ra dù Chút Em có ham học cũng phải nghỉ để phụ ba má nuôi mấy đứa nhỏ . Mấy em bây giờ được học nhiều hơn, Chút Em cũng không ganh tị dzí mấy đứa nó đâu anh Tư , mình phận lớn phải lo dãi dầu cho em mình được học hành tới nơi tới chốn phải không anh Tư .
Để coi, độ rày ngoài thị xã buôn bán đắt lắm đó anh . Nhờ lính tráng có mặt , tình hình trong thị xã yên tĩnh nên dân dễ thở , chớ mấy ông "răng đen mã tấu" trong núi ban đêm lò dò dô xóm kêu gọi nầy nọ như lúc trước ai cũng sợ , bây giờ thì đỡ nhiều rồi .
Lúc nầy mưa quá xá là mưa mà bữa nào gánh chè của Chút Em cũng hết sạch, chắc nhờ chè của Chút Em ngon và sạch , anh Tư Báo há .
Chút Em cũng đang dành dụm một số vốn để sang cái sạp ngoài chợ, thì đỡ gánh đỡ cực hơn. Chắc chừng anh Tư được dìa phép, Chút Em đã có sạp chè ngoài chợ rồi . Ước thì ước dậy, chớ sang cái sạp ngoài chợ vốn hỏng phải nhỏ, mà gánh chè thì cũng hỏng nặng nề gì cho lắm, gánh quen rồi anh Tư Báo . Có điều dãi nắng dầm mưa quá , sợ cái da mặt hết mịn màng , hết hồng tươi mà sẽ bị già sớm, anh Tư dìa chê.
Xóm làng tháng rồi có một cái đám hỏi dí một cái đám cưới . Đám cưới nhỏ Kiều con bác Ba Kinh dí thằng Sáng Địa Phương Quân nhà xóm trong đó, anh nhớ hông .
Nhà của con Kiều từ giấc sáng sớm đã bắt loa inh ỏi nghe nôn nao quá chừng đi anh Tư Báo, tiếng cô Sơn Ca nghe trong vắt vui tươi quá đi nè , Chút Em nghe , nhớ luôn hà
Ô ! Ô ! Sáng hôm nay trên quê hương tôi,
Quê hương xinh xinh quê hương hữu tình,
Quê hương xinh xinh quê hương hòa bình,
Đường nở hoa trắng, xanh, vàng, tím,
Đẹp làm sao bướm bay chập chờn.
Đàn chim non véo von ngọn tre,
Khăn mầu son, áo mầu vàng,
Ơi, bà con đến xem mùa cưới !
Chân hài cong, tay dù hồng.
Lâu thật lâu mới thấy được một ngày vui !
Tối bữa trước , Chút Em có chạy qua nhà nó để tiếp làm mấy chuyện nhỏ trong bếp như lột vỏ tỏi , cắt củ hành , tỉa củ cải làm dưa chua , trời ơi cay bắt chảy nước mắt luôn .
Bi giờ thì Chút Em thấy lòng mình lên mơ ước … Mơ ước … dzầy nè
Anh anh ơi ! Người tình tôi ơi !
Anh anh ơi ! Xem người ta họ cưới nhau rồi !
Em em ơi ! Người tình tôi ơi!
Em em ơi ! Chuyện chúng mình cũng tính đi thôi !
Thôi, Chút Em hết biết viết gì thêm vì hết chuyện kể rồi.
Anh Tư bảo trọng nghen .
Chút Em nè .
(Bài do nhà văn Trương Thị Bảo Xuân gửi tới  VB.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong văn thơ Quảng Nam, nếu mì Quảng được nhắc bao nhiêu lần trong văn thì lũ lụt có lẽ cũng được nhắc nhiều lần như thế trong thơ. 
Kỹ sư Đỗ Nam Hải, thành viên ban đại diện lâm thời Khối 8406, ngay từ 8g sáng ngày 16-12
Cách đây không lâu tôi có viết một bài đăng trên báo Việt ngữ tựa đề “cần tìm hiểu thêm về đạo Hồi-Giáo” do bởi có đa số người Việt đã quá hiểu lầm về Hồi giáo
Lịch sử mấy nghìn năm dân Việt chống Bắc thuộc, đánh giặc Tàu, ngăn chận ý đồ bành trướng của Đại Hán kể như chấm dứt vào cái ngày định mệnh và ô nhục
Trong khi binh sĩ thuộc Đại Đội Charger đang diễn tập cho một công tác khác tại căn cứ của họ gần Iskanditiyah, phía nam Thủ Đô Baghdad
Gần 800 năm trước đây, khi đất nước Việt Nam bị quân Nguyên Mông xâm lược, vua tôi nhà Trần đã có hội nghị Diên Hồng lịch sử để nói lên quyết định đồng tâm nhất
Tôi là một trong những người đã tham gia cuộc biểu tình ngày 9/12/2007 trước Đại sứ quán Trung Quốc, phản đối chính quyền Trung Quốc
Giờ phút này đây, tại quê nhà yêu quý, đồng bào quốc nội đang sục sôi biểu tình trước tòa đại sứ và tòa lãnh sự Trung Quốc ở hai đầu tổ quốc
Đối với người Việt Nam, Trung Quốc là chuyện dài bất tận, bắt đầu ngay từ thời tổ tiên chúng ta lập quốc, và có lẽ không khi nào chấm dứt
Một sự kiện hy hữu vừa xảy ra tại Hà Nội & Sài gòn! Tại sao hy hữu" Vì từ khi lên nắm quyền bính đến nay, mới thấy nhà nước độc tài Việt gian Hà Nội
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.